Yêu Anh Đã Hai Mươi Năm

Chương 2




Kỳ nghỉ hè năm 1989 vẫn chưa đến, tôi lại bắt đầu không đến trường. Tôi bắt chước mẹ thu xếp mớ quần áo ít ỏi của mình, chuẩn bị đến nơi có tên gọi là Dĩnh Thượng An Huy ấy. Vào buổi tối trước khi đi, mẹ đến kiểm tra túi đồ của tôi, mấy giàn ná, viên cờ sứ,vài miếng đồng tiền mà tôi đã bỏ vào mẹ đều lấy ra hết. Tôi bĩu môi không dám lên tiếng, chậm rãi đi đến chỗ mấy miếng đồng tiền lăn lộn kia, lại chậm rãi ngồi xuống, thò tay ra phía sau lưng nhanh chóng lượm mấy đồng tiền rồi giấu trong lòng bàn tay.

Vừa mới rạng sáng ngày hôm sau, mẹ, cô ba và tôi khởi hành đi An Huy. Bố và các chú chạy một chiếc xe ba bánh đưa chúng tôi ra ngoài trấn ngồi xe ô tô. Trước khi đi, bà nội lau nước mắt giàn giụa, kéo khung xe ba bánh không chịu buông tay, cứ hết lần này đến lần nọ dặn dò mẹ và cô ba tôi: “Mẹ con Hội, Ngọc nhi, hai con nhất đinh phải dẫn Linh nhi về nhà nha con!” Thế là mẹ và cô ba lại hết lần này đến lần khác đáp lời: “Mẹ cứ yên tâm, cứ yên tâm đi ạ!”

Thế là chúng tôi đi An Huy. Dĩnh Thượng An Huy. Một nơi hoàn toàn xa lạ. Nhà của cô hai. Nơi mà Triển Tường sinh sống.

Nơi đó cũng không dễ tìm. Mẹ phải hỏi rất nhiều người mới có thể lần ra được trấn đó, lại hỏi rất nhiều người mới có thể tìm đến thôn đó, mãi cho đến khi tìm đến nhà của cô hai thì đã là đêm khuya. Kêu cổng, tôi thấy được người phụ nữ một năm không gặp nhưng nét mặt không hề thay đổi — Cô hai của tôi. Mẹ, cô ba nương theo ánh trăng nhìn cô hai tỉ mỉ, cô hai cũng cẩn thận quan sát mấy vị khách không mời mà đến trước mắt. Sau đó, liền kêu lên một tiếng kinh thiên động địa: “Trời ơi chị dâu! Trời ơi Ngọc nhi!” Mẹ đáp lại một tiếng, đó cũng là một tiếng kinh thiên động địa: “Em gái của tôi!”, chờ cho đến khi cô hai gọi ra tiếng “chị” thì thực sự đã kinh động đất trời, ngoài sân xôn xao, có rất nhiều người chạy ra khỏi nhà, nam có, nữ có, lớn có, nhỏ có. Đều mở to hai mắt nhìn chúng tôi. Tôi cũng mở to hai mắt nhìn lại bọn họ.

Quan sát, hỏi thăm giới thiệu, trò chuyện, tiến vào nhà. Cô hai nắm lấy tay tôi kéo đi, tôi mơ mơ màng màng đi theo cô. Một người đàn ông tầm ba mươi tuổi gọi mẹ tôi là chị dâu, đó chính là chú mới của tôi, chú ấy cho tôi rất nhiều trái cây. Hai người phụ nữ trong nhà cô cả xuống bếp nấu cơm, có mấy đứa nhóc vây quanh bên cạnh tôi, ngưỡng mộ nhìn trái cây trong tay tôi. Chú cũng cho bọn họ mỗi người một ít, cho đến một thiếu niên trẻ tuổi thì người đó không nhận, duỗi tay ra phía sau nói: “Cho em ấy ăn đi! Em không ăn.” Chú liền cười nói: “Em phải gọi là cháu mới đúng! Con bé không phải em gái đâu!” Chàng thiếu niên đỏ mặt, đi ra phía ngoài đứng.

Chú không ngừng bảo tôi ăn đi ăn đi, tôi mím môi không nói chuyện, trong lòng rất muốn ăn, nhưng vì hai tay đều phải cầm trái cây nên đâu còn tay trống, điều đó khiến tôi hơi ngượng ngùng. Gục đầu xuống, nhìn hai chân bé tẹo của mình đang run run. Mẹ, cô hai, cô ba đều khóc kể lại chuyện xưa. Hai người phụ nữ kia cuối cùng cũng làm cơm xong, vẫn chưa bưng vào nhà đã ngửi thấy mùi thơm. Tôi hơi sợ hãi ngẩng đầu, ánh mắt lướt qua đỉnh đầu của những em nhỏ nhìn đến ánh trăng ngoài sân. Thực sự thơm quá, cơm ngon, nhưng không phải là mùi thơm của bột bánh bao. Tầm mắt hơi dời xuống, tôi thấy trong mắt thiếu niên không ăn trái cây kia tràn ngập ý cười.

Cơm mang đến. Bày ra đầy bát, một hạt rồi một hạt, trông rất đẹp mắt. Cô hai nói là cơm, ở quê hương chúng tôi không có.

Mẹ đứng lên, kéo tay hai người phụ nữ nấu cơm nói một vài lời cám ơn, từ túi đồ mang theo, mẹ lấy ra hai chiếc chăn mới, tặng mỗi người một chiếc. Hai người phụ nữ càng thêm vui mừng, miệng nói lời khách sáo, nhưng ngón tay đã vuốt ve thử chất liệu. Mẹ lại lấy ra một túi kẹo lớn, phát cho mấy đứa trẻ đứng ở cửa, bọn nhóc đó cầm lấy quà tặng của mình xong rồi thỏa mãn trở về phòng ngủ. Thiếu niên đó lần này không từ chối, nhưng anh ấy cũng không giống mấy đứa trẻ khác cầm lên là đi ngay, mà lại ngồi trên một tảng đá lớn trong sân.

Tôi bình sinh lần đầu tiên ăn cơm, ăn thật sự hơi khó khăn. Không thể sử dụng thành thạo công dụng tuyệt vời của đôi đũa, cơm rơi xuống bàn, mặt đất. Mọi người không rảnh để ý đến tôi, bọn họ có rất nhiều lời muốn nói, chuyện muốn kể. Ăn một lúc, tôi trượt chân xuống khỏi ghế dựa, chạy ra ngoài sân đến cạnh thiếu niên kia.

Anh thấy tôi đến, xê dịch thân người. Tôi đứng đối diện với anh, không nói chuyện, như kẻ trộm dõi nhìn anh. Anh lại cười, bỏ kẹo vào tay tôi. Tôi men theo người anh ngồi xuống. Lại dựa vào cánh tay anh ngủ.

Đó là lần đầu tiên tôi và Triển Tường gặp nhau. Một đêm đầu mùa hè năm 1989, gió hơi se lạnh, có ánh trăng nhàn nhạt, có tiếng ếch kêu từ xa truyền đến, có tiếng kêu chiêm chiếp của côn trùng trong bụi cỏ, nụ cười tươi rung động lòng người nhất của anh khiến tôi an tâm. Tôi nhỏ bé ngồi ngủ say bên cạnh anh. Khăng khăng một mực như thế, vô ưu vô lo như thế, toàn tâm toàn ý như thế.

Về sau, tôi nghe được một khúc ca, lời ca là: Nếu như không gặp được anh, tôi sẽ ở nơi nào. Ngày qua ngày trải qua như thế nào, có thể có cuộc sống ngọt ngào như mật… Tôi thường bất đắc dĩ tìm thấy thương cảm trong khúc hát, rồi lệ rơi đầy mặt.

Triển Tường, nếu như không gặp được anh, em sẽ ở đâu? Ngày qua ngày như thế nào, cuộc sống tuổi thanh xuân sẽ có dáng vẻ ra sao. Nếu không gặp được em, anh sẽ như thế nào? À! Nhưng trên thế gian này, tất cả đều đã được định trước. Sao lại có nhiều “nếu như” thế được!