Vòng Xoáy Hào Môn

Chương 8: Chương 8





Trà My cuối cùng cũng nhìn thấy nơi mình phải sống những ngày sau.

Giữa lòng thành phố tấc đất tấc vàng, có được diện tích như vầy không phải chuyện dễ.

Bờ rào chạy dài sang hai bên tưởng chừng như vô tận.
Cổng lớn chầm chậm mở ra, tạo nên tiếng động xình xịch.

Xe lại tiếp tục lăn bánh, khoảng cách từ đây đến tòa nhà chính vẫn còn xa.

Phong cảnh dọc đường rất thơ mộng, cây cối được cắt tỉa thành nhiều hình thù, hoa cỏ xen kẽ hài hòa.

Đối mặt với khoảng không rộng lớn, Trà My bỗng dưng muốn lao khỏi xe, chạy trốn.

Môi khẽ cong lên, cô cảm thấy nực cười vì ý nghĩ viễn vông của chính mình.

Đến nước này, có hối hận cũng muộn rồi.
Xe giảm dần tốc độ, cuối cùng dừng lại trước tòa nhà mang phong cách cổ kính.

Tài xế nhanh nhẹn mở cửa cho Trà My:
"Đến nơi rồi cô My, mời cô xuống!"
Cô gật đầu tỏ vẻ đã biết, nhìn ra bên ngoài, Trà My chần chừ trong giây lát rồi mới bước xuống.

Đứng trước tòa nhà to lớn, Trà My thấy mình nhỏ bé hẳn, chân như đổ chì, không muốn nhấc lên.
"Bộp!"
Tiếng động bất chợt vang lên, ông Thành chống gậy từ trong nhà bước ra.

Ông nhìn cô cháu gái hai mươi mấy năm xa cách, hờ hững bảo:
"Đã tới rồi, sao còn không vào? Lên lầu đi, ông có chuyện cần nói với con!"
Ông Thành nói xong liền đi mất như thể ông biết rằng cháu gái không dám làm trái ý mình.

Mà quả thật thì Trà My không dám, cô bất an nắm chặt góc áo.

Nhắm mắt lại, hít một hơi thật sâu, cô tự nhắc nhở bản thân.

Vì em trai, đầm rồng hang hổ cũng phải đi!
Trà My theo chân người làm đi hết cầu thang uốn lượn, đến trước một căn phòng ở lầu một, người làm sau đó liền quay trở xuống.


Trà My dùng ngón trỏ gõ nhẹ hai cái lên cửa, bên trong có tiếng vọng ra:
"Vào đi!"
Được cho phép, Trà My cẩn thận mở cửa bước vào.

Bên trong ông Thành cầm bút lông luyện thư pháp, để mặc Trà My đứng đó.

Ông không lên tiếng, cô nào dám làm phiền, rũ mắt nhìn chân mình giết thời gian, không nhìn loạn chỗ nào khác.

Hai bên như thể đang chơi trò tâm lý, dùng sự im lặng để phân thắng bại.
Ông Thành cuối cùng cũng gác bút lên nghiên mực, ông xoay hai tờ giấy mực vẫn chưa khô về phía Trà My.

Cô cảm nhận được ánh mắt ông, dè dặt ngẩng đầu.
"Con biết không, con có đôi mắt của ba con, rất sáng.

Ông hy vọng là nó không dạy cho con vài đức tính xấu.

Về đây rồi không giống với khi sống bên ngoài, con nên thích nghi dần.

Tuy nhiên việc đó không mấy đáng ngại, con có biết điều quan trọng nhất con phải nhớ, phải học và phải tuân theo ngay từ bây giờ là gì không?", ông Thành hỏi.
Trà My lắc đầu:
"Dạ con không biết, mong ông dạy bảo!"
Ông Thành mỉm cười ý vị, tay chỉ vào hai tờ giấy:
"Trong căn nhà này, ông là người có quyền nhất, đừng bao giờ nảy sinh ý định chống đối.

Trẻ ngoan thì mới được thưởng kẹo, nghịch sẽ bị trừng phạt, con đủ thông minh để hiểu đúng không?"
Ông không muốn lịch sử lặp lại lần nữa, mệnh lệnh của ông phải là tuyệt đối.

Chuyện cha con mâu thuẫn năm đó đến này vẫn có người đem ra chọc ngoáy, ông mỗi khi nghe thấy ngoài mặt tỏ ra bình thản chứ trong lòng vẫn giận dữ.

Làm sao lại không giận cho được khi Tâm là đứa con ông tâm đắc nhất.

Ông khổ tâm nhào nặn ra nó, chuẩn xác đến từng chân tơ kẽ tóc với khao khát của mình.

Ông đã mong đợi nó trở thành người kế thừa, đưa tập đoàn lên tầm cao mới.
Nhưng người tính không bằng trời tính, vì một con đàn bà, con ông sẵn sàng tay trắng ra đi.


Lần đầu tiên, quyền lực bị thách thức, ông bẽ mặt với bàn dân thiên hạ bởi chính đứa con luôn làm mình hãnh diện.

Ông không nghĩ là mình còn đủ nhẫn nại để chờ xem cháu gái nối bước ba nó.

Dạy con từ thuở còn thơ, tốt nhất là dập tắt nguy cơ từ trong trứng nước!
Trà My nhìn chữ viết trên giấy, có ảo giác mình đang ở cực Bắc tuyết trắng, lạnh thấu xương.

Hai chữ "an, phận" nét bút như rồng bay phượng múa, ý nằm trên mặt chữ, không cần suy đoán.

An phận, không an phận thì cô có thể làm gì? Ngày đầu tiên trở về đã "ấm áp" như vầy, tháng ngày sau này sẽ ra sao?
"Dạ, con hiểu rồi!", Trà My gượng cười gật đầu.
"Hiểu thì tốt! Ảnh ba mẹ con ông đã sai người làm đặt ở bàn nhỏ cạnh bàn thờ đợi đủ ngày đưa lên.

Hôm nay chắc con mệt rồi, cứ lên lầu hai nghỉ ngơi đi.

Từ ngày mai, bác Hai gái sẽ sắp xếp cho con học những lễ nghi, quy tắc, con phải học cho tốt, đừng làm ông thất vọng."
"Dạ, con hiểu rồi, con cảm ơn ông!"
"Hết chuyện rồi, con ra ngoài đi!", ông Thành phất tay đuổi người.
Trà My lễ phép cúi người:
"Dạ!"
Cẩn thận đóng cửa lại, Trà My tựa vào tường, cảm giác áp bức khiến cô khó chịu.

Ông ấy đang coi cô như nhân viên dưới quyền, kẻ ăn người ở trong nhà mà đối đãi ư? Từ đầu đến cuối, toàn là ra lệnh, cảnh cáo, không có lấy một chút quan tâm nào.

Trong giới hào môn, tình thân hóa ra
lại hời hợt đến vậy.
***
Trà My leo lên cầu thang lầu hai, mới được nửa đường lại gặp một người phụ nữ ăn mặc sang trọng đi xuống.

Cô không biết nhưng đoán chắc đây là bác Hai gái.

Trong nhà này bà nội đã mất, anh họ thì nghe đâu chưa kết hôn, chỉ còn mỗi một người.
"Bác Hai!", cô ngoan ngoãn gọi.

Bà Quyên vuốt tóc, liếc cô gái trước mặt từ đầu đến chân.

Càng nhìn càng thấy chán ghét, sao mà giống mẹ nó nhiều quá vậy? Đặc biệt là bộ dạng ngoan ngoãn giả tạo này, đáng ghét.
"Ừ! Trà My đó hả con?", bà Quyên biết rồi còn hỏi.
"Dạ, là con!"
"Mai bắt đầu học lễ nghi phép tắc, con phải học chăm biết không? Học để còn biết tôn ti trật tự, học để biết cư xử cho phải phép chứ ngộ nhỡ khách mà lên mặt với chủ thì không hay! Trà My, con lớn rồi, đi đâu người ta cũng đánh giá, đừng để thiên hạ bảo có người sinh mà không biết dạy nghe chưa con?", bà ấy cố tình lên giọng.
Bà Quyên nói xong, không thấy Trà My trả lời mà nhìn mình chằm chằm.

Công chúa nổi giận rồi ư? Thú vị! Mau lên tiếng phản bác lại đi cháu gái ngoan! Như vậy thì bà mới có dịp thể hiện tình yêu thương của người bác ra.
Đương lúc bà ấy chờ đợi một màng la hét hoặc phản ứng tương tự thì Trà My lại mỉm cười.

Trái ngược với bà Quyên kinh ngạc ngớ người, cô vẫn thản nhiên như thường.
"Dạ con cảm ơn bác Hai đã dạy bảo, con xin ghi lòng tạc dạ!"
Trà My nghiêng người tránh bà Quyên, đi lên lầu.

Cô phải đi ngay không thì khó lòng nhịn nổi.

Có trời mới biết, cô tức giận đến nhường nào.

Sao bà ta nỡ nào nói ra những lời khó nghe ấy? Cô đã đụng chạm gì đến bà ấy? Họ hàng với nhau, ba mẹ cô vừa mới mất, có thể tôn trọng họ chút xíu không?
Trà My bỗng mỉm cười chua chát, họ đâu phải họ hàng, mối quan hệ đơn thuần là chủ và khách thôi.

Ngày đầu tiên bước chân vào đây đã được đón tiếp nồng nhiệt thế này, cô cảm động muốn phát khóc.

Đừng bảo sống với mẹ kế mới khó, chỉ cần không có ba mẹ bảo vệ liền chịu khổ thôi.
***
Những ngày sau đó, Trà My ngay cả thời gian để ngủ còn không có chứ đừng nói đến đau buồn.

Bà Quyên có lẽ cay cú vụ cầu thang hôm nọ chăng mà sắp xếp kín lịch.

Cô như con quay, chạy tới chạy lui, gặp thầy này cô nọ.

Hiển nhiên là số lần đến viện thăm em đếm trên đầu ngón tay.

Trà My mấy bận nói khéo với bà ấy nhưng lại bị đủ loại lý do chặn họng.

Tuy không cam lòng nhưng cô hiểu tình thế của mình, đành nhẫn nhịn cho qua.
Một giờ sáng, Trà My trở về phòng, tùy tiện đá văng dép đi, cô bò lên giường, nằm vật ra.

Cả người mệt nhoài, chân vì không quen mang giày cao gót mười phân đi lại mà đau nhức.

Đầu cũng chẳng khá hơn, cứ văng vẳng giọng nói của giáo viên.

"Không được, em phải thẳng người lên!"
"Ưỡn ngực lên, tự tin mà đi nào!"
"Em đàn đoạn này sai rồi, tập lại!"
...
Nước mắt lặng lẽ chảy ra, có lẽ vì tủi thân hoặc quá mệt
mỏi, Trà My không rõ nữa.

Cô phát ngán những buổi học này đến tận cổ.

Nghĩ đến ngày mai, ngày mốt rồi năm nọ sang năm kia bản thân sẽ sống theo những tiêu chuẩn đó, cô bất giác rùng mình.
Bà Quyên bắt Trà My học tất tần tật mọi thứ, khiêu vũ, đánh đàn, bơi lội cho đến trà đạo.

Cô trước giờ tự do bay nhảy, giờ bỗng chốc bị ép vào khuôn khổ, có thể nói là cá chậu chim lồng, gò bó vô cùng.

Xem ra bọn họ quyết tâm đào tạo cô trở thành tiểu thư lá ngọc cành vàng nhưng như vậy thì họ được lợi gì?
Trà My rất băn khoăn về câu hỏi này từ ngày đầu đặt chân vào dinh thự.

Lăn lộn qua lại, nghĩ mãi vẫn không tìm thấy câu trả lời, cô đầu hàng, cất xó nó sang một bên.

Vươn tay cầm lấy ảnh để bàn ở đầu tủ, Trà My ôm chặt vào lòng.

Con mệt mỏi quá làm sao đây ba mẹ? Trở về đây có phải quyết định sai lầm không?
Ngực phập phồng lên xuống theo nhịp thở, chẳng biết Trà My chìm vào giấc ngủ tự khi nào.

Sự mệt mỏi vẫn đeo bám không tha, thỉnh thoảng cô bất an nhíu chặt chân mày.
"Tít! Tít!"
Mới đó mà đã sáu giờ sáng, thời gian trôi nhanh như đưa thoi, một ngày mới lại bắt đầu.

Trà My giơ tay tắt đồng hồ báo thức, mở đôi mắt còn ngái ngủ nhìn lên trần nhà.

Đặt ảnh về chỗ cũ, cô mỉm cười với ba mẹ và Luân.

Nắm chặt tay chống xuống giường, Trà My từ từ đứng dậy, lê tấm thân mệt mỏi vào nhà tắm vệ sinh cá nhân.
Khoác lên mình quần áo đắt tiền, trang điểm vừa phải, cô mang giày cao gót vào, giẫm lên sàn nhà bắt đầu lao vào những buổi học không hồi kết.

Bước ra khỏi phòng, sự mệt mỏi đã được Trà My khéo léo giấu đi thay vào đó là nụ cười nền nã đúng chuẩn.

Chủ muôn đời không thích người mặt ủ mày chau, thế nên nhân viên quèn như cô luôn tự nhủ phải tỏ ra rạng rỡ, tràn đầy sức sống.

Thời đại bây giờ, việc nhẹ lương cao thế này khó kiếm lắm.