Vô Tình Vật - Kim Thập Tứ Thoa

Chương 27




Chuyển ngữ: Đào

Biên tập: Trần
Ba ngày sau, mưa phùn rả rích, chính là dịp trăng mờ gió lộng đêm giết người.

Hai người Khấu, Diệp thuận lợi lẻn vào chùa Minh Lai, chỉ thấy trong chùa tường đá loang lổ, ngói rợp đơn sơ, vài ba gian thiền thấp thoáng đan xen giữa những tán cây cổ thụ, rõ ràng nhiều năm chưa được tu sửa. Tuy không dát vàng chạm bạc vô cùng phô trương như miếu thờ Mục Hách tu sửa ở Quan thành, nhưng không khí nặng nề trang nghiêm lại rất đỗi tự nhiên, khiến người ta bất giác sinh lòng kính nể.

Khấu Biên Thành bắt hai chú tiểu đang gác đêm lại. Để tránh người xuất gia ngoan cố chưa thấy quan tài chưa đổ lệ, không chịu thành thật khai báo, gã bèn uy hiếp tính mạng một chú tiểu để ép người còn lại nói ra tung tích xá lợi của Đại Bảo Pháp Vương.

Quả là cứu một mạng người hơn xây bảy tháp, đến khi chú tiểu nói ra ba chữ “Đại Bi Các”, Khấu Biên Thành khẽ cười “Đắc tội”, rồi lập tức nâng tay tung chưởng lấy mạng người đó. Chú tiểu còn lại chưa kịp lên tiếng kêu cứu, trong nháy mắt cũng đã bị vặn gãy cổ.

Diệp Thiên Lang hờ hững đứng nhìn, đợi đối phương liên tiếp tạo sát nghiệp nơi cửa Phật xong, mới lạnh giọng, nói: “Quả nhiên miệng của Khấu huynh chỉ có thể hôn, không thể tin được.”

Khấu Biên Thành biết rõ còn hỏi, nhướng mày cười, nói: “Đại nhân có ý gì?”

“Mới vừa rồi còn nói tha chết, thế mà chỉ chớp mắt đã xuống tay giết bọn họ.”

“Ta không tin được người khác, chỉ tin em.” Cũng không màng mình hỏi một đằng đáp một nẻo, Khấu Biên Thành đột nhiên vươn tay giữ lấy Diệp Thiên Lang, còn đan tay hai người vào với nhau, đưa tay hắn chạm lên ngực mình.

Vòm ngực săn chắc, như thể một bức tường đá phỏng tay, vậy mà lại sờ không ra khoảnh ngực ấy có nhịp đập hay chăng.

Chớ nói trước khi xuất phát Thiện Tiểu Hổ không chịu tin tưởng Diệp Thiên Lang thế nào, đến chính bản thân họ còn chẳng tin, nhưng tình thế trước mắt đưa đẩy, nếu hai người không thể tình ý tương thông, thì tuyệt đối không có cơ hội tìm được đường sống trong cõi chết.

Lấy đà tiếp tục vọt lên mái ngói, Diệp Thiên Lang ở phía trước, Khấu Biên Thành theo sau. Hai người hết sức chăm chú nín thở mà đi, dưới chân không một tiếng động.

Việc cần làm trước mắt là việc có thể mất mạng, mưa bụi càng khiến lòng người thêm bức bối. Chùa Minh Lai vẻn vẹn ba mẫu đất, ấy vậy mà tìm Đại Bi Các lại chẳng hề dễ dàng. Khấu Biên Thành chưa từng thấy Diệp đại nhân vận áo đen che mặt thế này, quả chẳng khác gì phường đầu trộm đuôi cướp, càng nhìn càng không nén được ý cười trong lòng, bèn nói: “Giả như đại nhân và ta, một không làm quan, một không làm giặc, cùng làm một cặp tình lữ trộm cướp kể cũng tự do tự tại.”

Diệp Thiên Lang không để những lời bỡn cợt của gã vào tai, chỉ tập trung chú ý mỗi một viên gạch ngói, mỗi một bụi cỏ cây trong chùa, lát sau mới nói: “Tìm được rồi.”

Đại Bi Các nằm trên một mỏm đá, bốn phía thoáng gió. Mượn ánh trăng dường thước lụa trắng mà trông, trong các trống không, ngoài các cũng chẳng có lấy bóng người canh giữ.

Chỉ có một tháp xá lợi hình lục giác được tôn trí ở chính giữa các, khảm vàng nạm bạc, chẳng chút đồng điệu với bên trong gian các đơn sơ mộc mạc. Diệp Thiên Lang tiện tay bẻ một nhánh thông nhỏ, dùng nội lực ném vào tháp xá lợi. Không khởi động các cơ quan ngầm trong các, cũng chẳng nghe thấy xung quanh có bất cứ động tĩnh gì. Nếu không phải nhà sư ở chùa Minh Lai quá bất cẩn, thì chính là Đại Bi Các không một bóng người này kiên cố như tường đồng vách sắt, không có gì phải e dè.

Đã tới thì chắng có lý gì lại ra về tay không, sự ăn ý giữa hai người như thể bẩm sinh sẵn có, chẳng cần đến đôi câu vài lời trao đổi. Một người đi trước dò đường, người còn lại theo sau, một trước một sau xông vào trong các, lấy ngay xá lợi Pháp Vương trong tháp bạc.

Nào ngờ vừa mới chạm đất, trong các đột nhiên mở ra ba cánh cửa bí mật, chẳng hay đã có ba vị lão tăng ngồi thiền phía sau cửa tự khi nào.

Diện mạo của ba nhà sư rất khác nhau, một vị như Bồ Tát đê mi, một vị như Kim Cang nộ mục[1], nhà sư còn lại thì như một cụ ông bình thường, tóc tựa tuyết trắng, mặt tựa sáp khô. Nghe một nhà sư niệm “Ba ngàn đại thiên thế giới sáu tướng chấn động”[2], một nhà sư tiếp “ánh sáng lớn ấy rọi khắp thế gian”, một vị khác lại tiếp “hư không tự nhiên mưa xuống hoa trời”. Chẳng thấy bọn họ mở miệng tụng kinh, nhưng tiếng tựa sấm rền, chấn động đến độ màng nhĩ hai người Khấu, Diệp ầm ầm vang, nội khí đan điền cuồn cuộn trào dâng.

Ánh điện đá lửa lóe lên trong chớp mắt, ba nhà sư vung ra ba sợi xích sắt dày gần bằng cổ tay, hình dạng như rắn sống, thành thạo phối hợp với nhau. Cũng không công kích gần người, nhưng chỉ trong chốc lát đã gần như phong tỏa hết mọi lối ra.

Xích dài vừa tung ra, trong nháy mắt hai người Khấu, Diệp đã vào thế bị bao vây. Uy lực của Bổn Giác Đại Mật Trận gia tăng gấp bội bằng nhân số, nhưng ba nhà sư này nội lực thâm sâu không lường được, ngoại công lại cao xa vời vợi, thêm vào thiền ý tương thông, vừa khéo có thể giản lược phức tạp, động tĩnh như một, trái lại càng khiến trận xích dài này thêm tinh xảo khó phá.

Thiết nghĩ, Chỉ huy sứ Cẩm Y Vệ dưới một người trên vạn người, Nhất Đao Liên Thành lại tung hoành Tây Bắc, ai ai cũng sợ, tuy không đến nỗi cuồng vọng chẳng coi ai ra gì, nhưng cũng chưa từng thực sự để kẻ khác vào trong mắt. Vậy mà cảm giác bị áp bức lúc này quả là trước nay chưa từng có. Gần như trong phút chốc, hai người đã biết chuyến này lành ít dữ nhiều, thành bại chỉ cách nhau một gang tay.

Vào thời khắc nguy cấp nhất, bất giác nhìn nhau, trong chớp mắt ấy, lòng chợt nhẹ bẫng.

Khi ấy phá trận dưới trăng, nay liên thủ áp chế kẻ địch, nếu nhất định phải cùng kẻ khác chôn thây một chỗ, vậy đó chỉ có thể là người.

Nhà sư già bộ dạng như Bồ Tát tấn công trước nhất, xích dài đánh ra một luồng ánh bạc, nhắm thẳng vào ngực Khấu Biên Thành.

Đòn này chưa dốc toàn lực, thoạt nhìn cũng không có gì thần diệu, ấy vậy mà đầu xích còn chưa tới gần người, thế đánh của sợi xích đột ngột thay đổi. Như nước chảy nhỏ giọt thình lình cuốn xiết thành lũ, trên dưới xao động, quật đông quật tây, uy lực tăng gấp ngàn lần.

Khấu Biên Thành không dám lơ là, vội vận nội lực, xoay ngang đao chống đỡ. Chỉ nghe một tiếng vang lớn, nóc của Đại Bi Các bị kình lực tương giao giữa đao và xích làm chấn động sụp xuống một tảng lớn, mảnh gỗ và đá vụn văng khắp nơi.

Đao không rời tay, người không lùi bước, Khấu Biên Thành chĩa đao xéo mặt đất, vẫn đứng bất động, nhưng kẽ ngón cái nắm đao đã nứt toạc, máu tươi chảy dọc xuống cán đao.

Vị sư Bồ Tát nâng cánh tay thu lại xích dài, lòng lại cả kinh: Người này chỉ dựa vào một đao đã có thể hoá giải thế công xích sắt của mình, tu vi võ công ở bực này thế gian hiếm gặp. Không khỏi sinh lòng tiếc nuối người tài, nhà sư bèn mở miệng cảnh cáo: “Lão nạp không muốn tùy tiện phạm vào sát giới, thỉnh hai vị thí chủ rời đi.”

Diệp Thiên Lang không muốn nhiều lời với mấy tay hòa thượng này, phi thân gạt một kiếm, buộc ba nhà sư phải nhảy khỏi Phật toạ. Trong Đại Bi Các một vùng ánh đao bóng kiếm, chỉ e đến cả một con chim sống cũng chẳng thể bay ra ngoài.

Tuy rằng bất luận về nhân số hay võ công, ba nhà sư đều chiếm thượng phong, lúc đối địch cũng không hề nương tay, nhưng hai người Khấu, Diệp lại như thể cùng lúc vật lộn với trăm người, chiến đấu với vạn người, càng đánh càng ăn ý, sử dụng điểm mạnh của mình để bù đắp cho điểm yếu của người kia. Dù bị ba nhà sư đánh bị thương mấy chỗ, nhất thời vẫn khó phân thắng bại.

Diệp Thiên Lang thầm nhủ, cứ đánh tiếp như vậy, e rằng đến hừng đông cũng chẳng xong, vì thế tự để lộ sơ hở, cố ý thu hút ba nhà sư tấn công mình.

Quả nhiên, vừa rồi là hai chọi ba, giờ lại là một địch hai. Không màng bản thân đỡ trái hở phải, càng lúc càng chật vật, hắn cao giọng, nói: “Đi lấy xá lợi.”

Chẳng cần đối phương nhắc nhở, Khấu Biên Thành đã cảm nhận được xích dài vây quanh mình bị phá mất một góc, vì thế lợi dụng sơ hở này, vừa dùng đao Tố Minh đánh với xích sắt của một nhà sư, vừa nhảy tới trước tháp xá lợi, một chưởng đánh nát nó.

Lúc nhìn lại, thấy cánh tay cầm kiếm của Diệp Thiên Lang đang bị xích sắt quấn chặt, một nhà sư khác lại đã vung xích tấn công, không thể nào mọc ra một cánh tay nữa để đỡ lấy.

Sợi xích nhắm thẳng vào đầu, đòn này ắt sẽ khiến hắn chết ngay tại chỗ. Thời điểm ngàn cân treo sợi tóc, Khấu Biên Thành phi tới, chém một đao về phía sợi xích đang trói Diệp Thiên Lang, lại quét nhẹ thân đao, đấy đối phương khỏi một đòn trí mạng này.

Mây gió biến đổi trong chớp mắt, gã vốn đang tập trung đối địch, lúc này sau lưng lộ ra một khoảng sơ hở lớn, kẻ địch tất không chịu buông tha. Ba sợi xích dài đồng thời đánh tới, nháy mắt trói gô gã lại bên trong trận xích. Một sợi quấn tay trái, một sợi quấn tay phải, một sợi quấn quanh hông ngực. Khấu Biên Thành điều chuyển chân khí toàn thân, muốn thoát khỏi xích sắt, nhưng ba nhà sư há lại để cá đã lọt lưới dễ dàng thoát thân. Bất chợt niệm kinh, xích sắt bị khí đen bao phủ, nháy mắt thu vào rồi xoắn chặt như vật sống, đao Tố Minh trong trận xích lập tức bị vặn thành mấy khúc.

Đao trăm lần tôi luyện còn có thể bẻ gãy trong phút chốc, huống chi là máu xương xác thịt. Khấu Biên Thành chỉ nghe vài âm thanh giòn giã như cành thông gãy, cảm thấy hai cánh tay cùng lồng ngực đau thấu xương, mới hay tiếng động ấy là tiếng xương cánh tay cùng xương sườn đồng thời bị bẻ gãy.

Thấy ba nhà sư đang chuẩn bị xé xác mình, mồ hôi trên trán Khấu Biên Thành không ngừng lăn xuống, lại vẫn cười với Diệp Thiên Lang một tiếng, rồi nói: “Em đi trước đi.”

“Được, anh tự mình bảo trọng.” Cần buông ắt buông, cứ tiếp tục đánh nhau như vậy thì hôm nay hai người họ sẽ phải bỏ mạng tại đây. Diệp Chỉ huy sứ không chút do dự, lập tức lấy đà nhảy về phía cửa sổ, như thể sắp vọt khỏi Đại Bi Các…

Nào ngờ, nửa người của hắn vừa vươn ra ngoài đã lại bất ngờ phản kích, thẳng kiếm nhắm vào một nhà sư bên trong trận.

Trước mắt hai bên ở thế đâm lao phải theo lao, vị sư già kia cũng không ngờ người này đi rồi còn quay lại, ra tay để đỡ muộn mất một bước. Chưa kể một kiếm này của Diệp Thiên Lang là xả thân quên mình, chỉ cầu phòng thủ chứ không tấn công, thế đi cực kỳ bi tráng mãnh liệt, cứ thế một đòn đắc thủ, đâm trúng mắt của nhà sư già.

Vị sư già bị đau gầm rống lên, buông xích sắt ra, một chưởng đánh về phía kẻ nọ. Tuy Diệp Thiên Lang đã sớm chuẩn bị sau khi đắc thủ thì rút lui thoát thân, nhưng lại bị đòn hiểm này hạn chế, lòng có thừa mà sức lại thua, chỉ nửa giả nửa thực hất một chưởng về phía lão, rồi bị một luồng lực như sóng thần núi lở hất xa một trượng.

Nôn ra một búng máu tươi, bất chấp toàn thân đau nhức, hắn nâng kiếm lên, đặt Khấu Biên Thành lên vai, cùng gã nhảy ra ngoài cửa sổ.

Cũng không biết vị sư già kia sống chết thế nào, chỉ nghe tiếng chuông Phật chùa Minh Lai kêu rất vang, hàng loạt nhà sư cầm pháp trượng đuổi theo đòi mạng. Hai người mới vừa cùng ba thần tăng giao chiến ác liệt, sức cùng lực kiệt, nhất thời không còn dư sức dùng khinh công chạy lấy mạng. Thấy sắp bị đám võ tăng đuổi kịp, Khấu Biên Thành trượt chân, cũng không biết là vô tình hay cố ý, kéo Diệp Thiên Lang cùng rơi xuống một cái giếng cạn.

Cả hai cùng ngã vào trong giếng, nhưng trong họa có phúc, không một tăng nhân chùa Minh Lai nào phát hiện cơ sự dưới giếng, tiếng bước chân hỗn loạn dần dần khuất xa.

Có điều giếng sâu vài trượng, mưa phùn mấy nay còn khiến thành giếng phủ đầy rêu mốc, vô cùng trơn trượt. Hai người đều bị thương không nhẹ, lúc này vào được chưa chắc đã thoát ra được ngay.

Nhận thấy người rượt đuổi đều đã đi xa, Diệp Thiên Lang tự ngồi xếp bằng điều tức. Sức mạnh một chưởng của vị sư già quả là thiên hạ hiếm gặp, lục phủ ngũ tạng đều bị tổn thương, may thay không lập tức nguy hiểm đến tính mạng. Hắn nhắm mắt tĩnh dưỡng một lát, sau đó mở mắt nhìn về phía Khấu Biên Thành. Thấy gã không vận công chữa thương, chỉ tựa vào thành giếng, đôi mắt khép hờ, mồ hôi vã khắp người, lồng ngực phập phồng kịch liệt, hẳn là đang đối mặt với một trận khổ nạn.

Diệp Thiên Lang cúi người kiểm tra mạch đập của Khấu Biên Thành, mới hay vừa rồi để cứu mình, gã bị ba nhà sư vặn đứt xương cánh tay, xương sườn cùng vài chỗ kinh mạch hiểm yếu. Nếu không có Đại Hồng Liên Hoa Kinh hộ thể, e rằng đã sớm bỏ mạng.

Hắn lắc đầu, trong giọng nói không nghe ra là đang quan tâm hay trách cứ: “Anh đã cùng Lộc Lâm Xuyên hảo tâm hoàn trả xá lợi của Pháp Vương. Dẫu chư phái Phật gia không chịu nghe lệnh anh, ắt cũng sẽ không làm khó anh, tội gì cứ phải đoạt lại nó mới được chứ.”

Ngước mắt trông thấy một khuôn mặt lạnh tanh, ánh trăng bàng bạc như nước rót vào đáy giếng càng tôn lên vẻ mặt nhếch nhác. Khấu Biên Thành khe khẽ nhếch môi, chỉ một nụ cười như vậy đã động tới tâm mạch bị tổn thương, ép gã hộc ra một ngụm máu. Gã tựa hồ cũng chẳng để tâm, tự cởi áo bào mềm mại màu đen huyền, để lộ ra một mảng ngực rắn chắc thấm đẫm mồ hôi, dịu giọng nói: “A Lang, em nhích qua đây.”

Mặt Diệp Thiên Lang không chút biểu cảm. nói “Anh sắp chết rồi.” Lòng thầm nghĩ tên này chết đến nơi rồi vẫn không quên tìm vui cho mình, chẳng ngờ Khấu Biên Thành chỉ khẽ mỉm cười, ho khan hai tiếng, nói: “Để ta ôm em, sợ em lạnh.”

Tuy hàn độc đã được loại bỏ quá nửa, nhưng sợ lạnh là thiên tính. Trong giếng đọng một ít nước mưa, hơi lạnh ẩm ướt tức thì ngấm thẳng vào xương tuỷ, quả thực có chút khó chịu. Diệp Thiên Lang nghiêng người tựa đầu vào lồng ngực Khấu Biên Thành, cảm thấy có một lòng bàn tay nóng rực men theo sống lưng trượt xuống, ôm trọn lấy mình. Hắn cũng bất giác ôm chặt đối phương, hai người lê thân xác tàn tạ sống dở chết dở, nhẹ nhàng dụi trán vào hõm cổ, như một đôi thú bị vây khốn liếm miệng vết thương cho nhau, bộ dạng mặc chết triền miên.

“Có mấy lời giờ còn không nói với em, e rằng không kịp.”

“Di huấn của Khấu huynh, Diệp mỗ chắc chắn sẽ nhớ rõ.”

Xương cốt khắp người có lẽ đã gãy quá nửa, cũng không biết khi nào sẽ nhắm mắt xuôi tay đi đời nhà ma. Khấu Biên Thành trầm ngâm một chốc, dẫu chưa trịnh trọng nói “thích”, cũng lại là hiếm khi thản lòng bộc bạch, kể mình sẽ cứu tế nạn dân thế nào, thông thương tạo phúc ra sao, rồi thì làm thế nào để bãi bỏ quan chức dôi dư, kê biên tài sản tham ô, tiếp đến bố trí phòng ngự biên giới Kế Liêu, đối đầu với nhà Hậu Kim thế nào, lại lấy người xưa làm gương, chấn hưng nghiệp vua ra sao…

Diệp Thiên Lang không chớp mắt, đặt yêu ghét, nỗi lòng cùng hoài bão của gã, từng chữ từng chữ một vào trong tai.

“Nếu Đại Minh diệt vong, bảy tám phần mười là bị diệt trong tay đám ngôn quan, chứ chẳng phải bọn hoạn đảng… Mà nay giang sơn người Hán đang trên đà suy vong, bức bách cần một bậc cường giả chuyên quyền độc đoán, chứ không phải đám nhà Nho thối nát bỏ mình vì xã tắc. Chuyên quyền độc đoán ắt phải thưởng phạt, tra tấn, cướp bóc… Những thứ đó đều không thể tách rời Cẩm Y Vệ, dĩ nhiên cũng không thể rời bỏ em.”

Lời này là lấy lòng, cũng là hứa hẹn. Diệp Thiên Lang lại chẳng hề cảm kích, hờ hững nói: “Chẳng qua là tay sai triều đình, ai cũng có thể làm được.”

Khấu Biên Thành lắc đầu, cười khẽ: “Vẫn là câu ấy, ta không tin người khác, chỉ tin em.”

Cúi đầu xuống, vừa lúc Diệp Thiên Lang ngẩng mặt lên, bắt gặp đôi mày hàng mi tựa tranh mực.

Có lẽ là xương sườn bị gãy đâm vào phổi, ngực Khấu Biên Thành chợt nhói lên. Cưỡng chế nuốt xuống một ngụm máu trào lên họng, gã lắc đầu tự giễu: Chính bởi đôi mắt này, con người này mà chẳng tiếc vì hắn rung động, chẳng tiếc vì hắn chịu khổ.

Hôn lên đôi mắt ấy, lại muốn tìm tới đôi môi mỏng tựa lưỡi đao kia, ấy vậy mà chẳng hay cớ gì muốn gần lại thôi, chuyển hướng đáp môi lên trán hắn, trái lại là Diệp Thiên Lang chủ động dâng môi tới. Bên này chuồn chuồn lướt nước, bên kia lửa lan khắp đồng, dùng lưỡi lộng hành cạy mở hàm răng đối phương, rồi đưa thẳng vào sâu trong cuống họng, chốc chốc lại liếm mút va đụng.

Môi lưỡi say sưa giao chiến, Diệp Thiên Lang cũng chẳng chịu lép vế, hết cắn lại gặm đáp trả nụ hôn, ngậm sâu vị máu tanh khắp miệng.

Kết thúc nụ hôn dài, gã cẩn trọng liếm hết nước bọt đối phương chưa kịp nuốt xuống, lẳng lặng ngả vào nhau một lúc. Chắn chắc rằng bên ngoài không còn người truy đuổi nữa, Khấu Biên Thành nói: “A Lang, để ta đưa em lên.”

Diệp Thiên Lang không chút do dự: “Được, ta lên trước, sau đó sẽ tìm cách cứu anh lên.”
Hết chương.

Chú thích:

[1] Kim Cang nộ mục nghĩa là đồng tử Kim Cang trợn mắt, hình dung cái uy thế của người, đầy vẻ phẫn nộ để hàng phục kẻ ác. Còn Bồ Tát đê mi nghĩa là Bồ Tát lim dim đôi mắt, miêu tả vẻ hiền từ của người để nhiếp hóa người thiện lương.

[2] Gốc: Lục phản chấn động. Cũng gọi Lục biến chấn động, Sáu tướng chấn động. Gọi tắt: Lục chấn, Lục động. Là sự chấn động của mặt đất tùy theo phương hướng mà có sáu tướng. Ba vế hợp thành câu, trích từ Kinh Hải Long Vương.