Vị Vương Công Cuối Cùng

Chương 53: Đào nguyên (3)




Trọn ba ngày, chàng đóng cửa không ra. Mọi người trong nhà đều dỏng tai chờ chàng ra lệnh đi tìm Minh Nguyệt cô nương. Chàng không nói, họ cũng không dám đi, phu nhân rất lợi hại, có ai là không thấy đâu? Vương gia có thể làm gì cô đâu chứ, chàng còn nợ cô một đứa con gái kia mà.

Rốt cuộc một chiều nọ, vương gia cũng chịu bước ra khỏi phòng, hốc mắt trũng sâu, gương mặt gầy gò, nhìn như đã già đi năm tuổi, sai người cắt tóc cạo râu, nói phải ra ngoài, không cần chuẩn bị xe, tự mình rời đi.

Không ai dám hỏi, đều nghĩ thầm trong bụng, có khi nào là đi tìm Minh Nguyệt cô nương không? Tìm về rồi lại biết thu xếp ở đâu đây?

Nam Nhất đang sao bản thảo trong phòng làm việc thì đồng nghiệp qua nói với cô có một vị tiên sinh tới tìm. Cô đang thắc mắc hôm qua vừa đi ăn lẩu với Đổng Thiệu Kỳ xong sao hôm nay anh đã lại tới văn phòng chỗ cô rồi? Ra ngoài thì trông thấy hóa ra là Hiển Sướng. Chàng vốn đang ngồi trên ghế xa-lông đối diện cửa trong phòng tiếp khách, thấy cô qua thì đứng dậy, cười: “Chào cô, Nam Nhất.”

Phản ứng đầu tiên của Nam Nhất là người này nhìn mệt mỏi quá. Không giống với lần trước cô gặp, mi mắt mũi miệng vẫn đẹp đẽ anh tuấn, nhưng chẳng biết là xảy ra chuyện gì mà thần sắc không còn sắc bén như xưa nữa. Cùng một khuôn mặt, trước kia vì con mắt quá sáng quá thông minh, vẻ mặt quá ngạo mạn nên khiến người ta muốn nhìn mà không dám, lúc này đây, chàng thế nhưng lại đứng lên chào hỏi với cô, thật sự…thật sự làm cô tổn thọ quá rồi.

Nam Nhất ra sức chùi bàn tay đổ đẫm mồ hôi vào áo khoác, muốn chìa ra bắt tay, cảm thấy không đúng lễ nghĩa lắm, lại rụt về, khom lưng cúi đầu, cung kính lễ độ: “Chào ngài.”

“Có rảnh không? Ta muốn nói chuyện với cô.”

“Rảnh ạ. Để tôi đi châm trà cho ngài.” Khách khí xong lại thấy hối hận, trong văn phòng chỉ có sẵn trà vụn rẻ tiền.

“Nước trắng là được, đúng lúc đang khát.” Chàng nói.

Nam Nhất rót một cốc nước ấm, chàng uống một hớp lớn, đặt cốc lên bàn, lát sau mới mở miệng: “Cô biết ta tới vì điều gì, cô ấy đâu?”

Nam Nhất nghĩ ngợi: “Ừm… Vốn đi dạy ở trường tiểu học Nhật kiều Kioka, dạy bọn trẻ con viết chữ, thuê trọ ở chái tây một tòa tứ hợp viện, mẹ tôi bảo người may cho cô ấy hai cái chăn mới. Mỗi tháng kiếm được mười hay mười lăm đồng gì đó tôi không nhớ rõ, tôi thấy cô ấy chấm bài cho học sinh dưới ngọn đèn dầu, cạnh bàn có một quả táo.”

“Giờ thì sao? Đi đâu rồi?” Chàng chậm rãi hỏi.

“Nghe nói bên Cát Lâm có một trường tiểu học cần người, cô ấy đi sang đó. Chính xác là ở chỗ nào thì tôi không rõ. Lúc mới tới có gửi thư cho tôi.”

“Trong thư viết gì?”

Nam Nhất lưỡng lự không chịu mở miệng.

Hiển Sướng cười nói: “Ta biết hai người là bạn thân nhất của nhau. Cô bảo vệ cô ấy như vậy, ta rất biết ơn. Không muốn nói cũng không sao. Cô chỉ cần nói cho ta biết cô ấy sống có tốt hay không là được.”

Nam Nhất trầm ngâm một chốc: “Chỉ là tôi cảm thấy không biết phải nói như thế nào, nói sao cũng không rõ ràng được. Thư tôi vẫn giữ ở đây, ngài có muốn xem một chút không?”

Hiển Sướng gật đầu, Nam Nhất quay về bàn làm việc tìm lá thư Minh Nguyệt gửi cho, hai trang giấy rất mỏng, chàng mở từng lần gấp, bên trong là những con chữ nhỏ nhắn xinh xẻo. Chàng chợt nhớ tới, chàng là người thầy đầu tiên dạy nàng luyện nên nét chữ xinh đẹp này, nhưng đã bao năm rồi chàng không xem chữ nàng viết?

Nam Nhất, bạn thân yêu:

Chập tối năm ngày trước mình đã đến làng Mục Lãng huyện Thực Túc, Đôn Hóa, thu xếp ổn thỏa rồi lập tức viết thư cho cậu đây, miễn cho cậu khỏi phải bận lòng. Đi đường mất hai ngày, mình xuống tàu hỏa, ngồi xe la vào thị trấn, tuyết ở đây còn chưa tan, nhưng ban ngày cảm giác cũng không quá lạnh, là vì mình đã mặc hết áo khoác và bít tất len cậu cho trước khi đi lên người rồi.

Nghỉ ngơi trong thị trấn một đêm, hôm sau đi bộ khoảng hơn bốn mươi dặm thì tới làng Mục Lãng. Đi qua một cái đèo, giày trượt, ngã dúi dụi một phát, lăn một vòng, lúc đó cảm thấy khuỷu tay rất đau, đến nơi xem thì chỉ hơi đỏ lên, không có gì đáng ngại, may quá!

Nhân khẩu trong làng không ít, trẻ con lại không nhiều lắm, mình chỉ dạy có bốn môn, so ra thì tiền lương rất được. Đứa nào cá biệt cũng chỉ hơi ương bướng một tẹo, mình nghiêm mặt lại là có thể bảo được, cũng may coi như cũng có chút kinh nghiệm.

Năm ngày nay, mỗi ngày đều có cơm đậu đỏ để ăn. Trước khi biết sử dụng bếp đất, là các hộ trong làng thay phiên nhau chuẩn bị cơm cho mình, vì mình là cô giáo của đám nhỏ nên không nhà nào dám thờ ơ. Cơm đậu đỏ là món ăn trong Tết, ăn ngon lắm, mình học được cách nấu rồi, bao giờ cậu tới chơi hoặc mình trở về, mình sẽ nấu cho cậu ăn.

Bên mình mọi chuyện đều ổn cả, cậu đừng lo lắng, phải giữ gìn sức khỏe cho tốt, hiếu thuận với cha mẹ, đối xử với Thiệu Kỳ -kun cho dịu dàng chân thành vào đấy. Trong thôn núi không khí rất trong lành, cuộc sống yên bình êm ả, có đêm mình một mình ngắm sao, cảm thấy tự do lãng mạn vô cùng, tinh thần sảng khoái, lớn vậy rồi, cuối cùng cũng tìm được niềm vui.

Bên cậu mọi thứ đều tốt đẹp cả chứ?

Mong thư trả lời.

Xuân vui vẻ.

Minh Nguyệt.

Không một câu nào nhắc tới chàng.

Nhưng chàng cầm lá thư này, đọc đi đọc lại rất nhiều lần cứ như chàng có thể dành cả thế kỷ vào nó vậy.

Nam Nhất đứng ngồi không yên, nhẹ giọng nói: “Ngài xem, ngài hỏi tôi, tôi cũng chẳng biết phải trả lời thế nào. Cô ấy sống có tốt hay không ư? Nông thôn sơn dã sao có thể so với quý phủ. Nhưng cô ấy vui vẻ…và an toàn.”

Chàng nghe vậy gật đầu: “Ừ. Cô nói đúng.”

“Ngài vẫn muốn đi tìm cô ấy sao?”

“Không.” Hiển Sướng vừa nói vừa đứng dậy, “Nếu cô ấy sống tốt, ta tìm tới là quấy rầy cô ấy. Nếu cô ấy sống không tốt…” Chàng vẫn cười cười, “Thế nào cũng chẳng tệ hơn được ở chỗ ta… À, Nam Nhất, khi nào cô gửi thư qua đó thì hỏi xem cô ấy có thiếu gì không rồi nói cho ta biết với.”

“Vâng.”

“Cáo từ.”

“Ngài đi thong thả.”

Nam Nhất cũng không tiễn chàng ra cửa, bụng nghĩ người nọ rất sĩ diện, lúc tâm trạng chán chường chỉ hận không thể lập tức ở một mình, mình theo sau sẽ làm phiền người ta. Cô nhìn bóng lưng chàng, rất cao, hơi gầy, không cúi đầu, nhưng hôm nay cũng chẳng ngẩng quá cao. Ban đầu cô có chút ý xấu, muốn đưa lá thư Minh Nguyệt không nhắc tới chàng một chữ nào cho chàng xem tận mắt xem Minh Nguyệt hiện giờ tự do vui vẻ đến nhường nào, nhưng trông thấy chàng thế này, trong lòng Nam Nhất lại có phần thương hại…

Hiển Sướng rời khỏi tòa soạn, đi qua hai đầu phố, tạt ngang qua một trường học, đúng giờ tan học của bọn trẻ, độ tuổi nào cũng có. Các cô bé cao thấp khác nhau đều tết tóc hai bên, mặc váy đồng phục màu xanh đen. Có người hát, có người tán gẫu, có người kéo tay nhau cười khì, cười vị tiên sinh kỳ quái không cẩn thận đi lọt vào giữa đội ngũ của họ.

Chàng dừng bước, như đang nhìn thấy những Minh Nguyệt ở nhiều độ tuổi khác nhau chậm rãi đi theo chàng ở mỗi giai đoạn trong cuộc đời chàng. Mãi đến khi không thể tiếp tục cùng đường nữa, những cô bé này mới tách nhau ra ai đi đường nấy.

Nhưng vậy cũng tốt.

Người làng Mục Lãng suy đoán, vị Azuma-san kia hẳn không phải chỉ đơn giản là “bạn” của Minh Nguyệt tiểu thư, họ rất có thể là vợ chồng chưa cưới, nếu không sao anh lại đi cả quãng đường dài như vậy tới đây tìm nàng, bầu bạn với nàng chứ? Hai người thật xứng đôi, họ đều rất đẹp, biết nhẫn nại, là người tốt tâm địa thiện lương.

Dịch cúm sốt cuối cùng cũng ngừng lại, đó là nhờ Azuma tiên sinh rải bụi vôi trắng quanh nhà cửa cho mỗi nhà. Lúc họ ra vào nhà đều bị sặc ho khù khụ, mắt đỏ bừng, nhưng sau đó khi tiết trời ấm dần lên thì lại không còn đứa trẻ nào phát sốt đổ bệnh nữa. Anh sửa chữa quét vôi lại hết một lượt bàn ghế song cửa trong trường, làm chúng trở nên thật vững chãi sạch sẽ, không còn đứa nhỏ nào vì sơ ý ngồi phải một cái ghế nhô đinh mà bị quệt thương mông nữa. Lúc chồng cô Mukai ra ngoài, muốn cô ở nhà trông nhà, Azuma-kun có thể dạy thay cho cô. Anh dạy toán cũng có thể chọc cho đám trẻ con bật cười khanh khách. Anh còn dẫn chúng chơi đá bóng hoặc đi leo núi, trước khi lên đường thì giúp bọn trẻ buộc thật chắc xà cạp.

Nhà nhà đều thích Azuma-san hòa nhã thân thiện này, lấy việc có thể nói chuyện với anh làm vinh, nếu giúp đỡ được anh điều gì, hoặc là trả lời anh một hai câu hỏi, họ cũng đã cảm thấy vui vẻ lắm rồi.

Phía nam bờ đê có một cái giếng, bình thường không ai được tới đây múc nước, quanh năm đậy hờ một phiến đá xanh, mỗi mồng một và mười lăm hoặc các ngày lễ tết âm lịch, di dân Nhật Bản đều theo nông dân Trung Quốc bản địa cùng tới đây thắp hương dập đầu. Shuji lấy làm hiếu kỳ, hỏi cha của một đứa trẻ, không phải Phật cũng chẳng phải Đạo, cũng không có đền miếu gì, nhiều người tới dây thắp hương như vậy là do đâu?

Cha đứa trẻ trả lời, đây là thuật phong thủy của người bản xứ. Con sông đất này sở dĩ không lụt không khô là bởi ở phương vuông góc với nó ẩn giấu một con sông ngầm khác, lúc nước lớn đều là nhờ vào nó điều hòa, lúc nước cạn thì có nó tiếp viện. Người Trung Quốc nói rất thần kỳ, con sông ngầm này thực tế là thông đạo ra vào cung long vương, nguồn suối của cái giếng này chính là cửa vào thông đạo đó.

Shuji nghe người ta giải thích xong, một mình sững sờ một hồi lâu, giống như chứng thực được một suy đoán lâu nay vẫn khiến anh hoang mang, tìm được lời giải cho một câu đố khó nhằn nào đó.

Liên tiếp mấy ngày liền, đám nhỏ học xong tiết của Minh Nguyệt tiểu thư đều rất muốn đá cầu với Azuma-san, nhưng anh lại khóa mình trong phòng, trừ ăn cơm và đi vệ sinh ra thì hầu như là không muốn ra ngoài. Có hai cậu bé đỡ nhau lên, nhòm qua khe cửa, thấy Shuji tiên sinh đang bận rộn, không giống như viết chữ mà giống vẽ tranh hơn.

Trong lòng đám nhỏ, vị tiên sinh này thần thông quảng đại, anh làm gì cũng là tốt nhất, bởi vậy nên khi Minh Nguyệt tiểu thư dạy chúng vẽ chim trên bảng đen, chúng lại ngồi tại chỗ cười ha ha: “Cô Minh Nguyệt vẽ không giống.”

Minh Nguyệt quay người lại, không biết làm thế nào: “Vậy em nói xem, ai vẽ thì giống?”

“Azuma-san.”

“Anh ấy dạy các em vẽ?”

“Bọn em thấy chú ấy vẽ trong phòng.”

Minh Nguyệt khẽ hừ một tiếng: “Vậy thì thật xin lỗi, giáo viên dạy môn mỹ thuật là cô, bất kể có ai vẽ giống hơn, các em cũng chỉ có thể học theo cô mà thôi.”

Trong lòng nàng nghĩ thầm, đã đến lúc Shuji nên trở về rồi.