Ung Châu Tàng Cốc

Chương 4: Họa đồ tàng cốc




*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Trưa hôm ấy, An quay lại cùng với người tài xế Pháp và một mớ đồ đạc, thấy giáo sư Minh đã tỉnh lại nên cô ấy rất mừng, ra vẻ cảm ơn thầy mãi. Hôm nay thầy tôi lên phố trông tiệm, chỉ có tôi với Lủ ở nhà thôi. Sẵn tiện An thắc mắc hỏi chuyện về việc trị độc, được dịp thằng Lủ nó ba hoa trời đất mất nửa ngày, nào là có con rắn chui ra từ vết cắn của giáo sư, rồi thì nữa đêm sét đánh trúng nó mà không chết. Tôi thấy An nghe chuyện mà kinh ngạc vì những sự việc "lạ lùng" thì chỉ cười trừ, tin thằng này chỉ bán thóc giống mà ăn thôi, để khỏi làm cô ấy hoang mang, tôi mới nói:

- Mày nói nhăng nói cuội gì vậy, đi chuẩn bị nấu cơm đi.

Chợt nhớ ra điều gì, An nói:

- Không cần nấu đâu anh, tôi có mua ít đồ ăn trên phố đem về rồi. - Đoạn An lấy trong đống đồ lỉnh kỉnh mấy bọc đồ ăn đưa cho A Lủ để nó chuẩn bị bữa trưa. Thấy nó đi, tôi mới lần nữa kể lại sự việc đêm qua một cách chính xác nhất theo những gì tôi nhìn thấy, rồi cho rằng mạng giáo sư còn lớn, nên mới gặp thầy và được chữa trị kịp thời, chứ nếu không...thật không dám nghĩ tiếp. An đã yên tâm hơn nhiều, cô ấy đưa một số giấy tờ cho giáo sư Minh:

- Ba à, chuyến đi vừa rồi cũng có chút thu hoạch đó.

Rồi như vì có tôi ở đó nên phải chờ giáo sư đồng ý, An mới tiếp tục:

- Theo xét nghiệm các mẫu vật của vị tướng quân, kết quả chỉ ra rằng cái xác cổ đó có từ thời chiến tranh Tống-Việt trong khoảng 1075-1076 cách đây cũng đã gần ngàn năm tuổi rồi.

- Ừ, khả năng đúng như ba đã suy đoán, ngoài ra còn gì khác không?

- Trong số mẫu vật ít ỏi thu được thì có một tấm da dê có vẽ hình như bản đồ và một số văn tự tiếng Hán. Đồ hình đã khá mờ nhạt, con nghĩ cần phải có thời gian phục dựng. Tuy nhiên phần văn tự thì còn khá rõ để có thể xem được.



Ảnh minh họa. Nguồn: dailymail.co.uk

Rồi An cũng lấy trong mớ đồ tấm da đưa cho giáo sư, ông cầm lên tay xem, trầm ngâm 1 lúc lâu rồi đọc vanh vách với vẻ vui mừng như đứa trẻ được mẹ cho quà: "Vượt dòng Ung Giang, đến Thập Vạn - Khai mở tàng cốc, giữa bạt ngàn - Chôn sâu, giữ chặt trong lòng thác - Hồn thiêng tử sĩ mãi không tan", rồi nhìn xuống tiếp: "Ung Châu Tàng Cốc, trời ơi, đây chính là bản đồ đến kho tàng Ung Châu thời chiến tranh Lý-Tống...". Nghe đến đây, An có vẻ như hiểu ra điều gì, còn tôi thì vẫn ù ù cạc cạc nghĩ thầm, kho tàng gì chứ, mạng không còn thì vàng bạc có thể để làm gì? Đúng là giáo sư học nhiều biết nhiều thì lại thích thám hiểm hơn là thích sống rồi, thật chả trách. Giáo sư Minh vẫn chưa hết xúc động:

- Lần này nếu có thể tìm ra kho tàng Ung Châu thì coi như là một phát hiện lịch sử động trời đó con gái. Chỉ hận không thể lập tức mà lên đường thôi.

- Được rồi ba à, nếu là thật thì còn ở đó thôi. Việc này con cũng chưa cho ai biết hết. Trước mắt ba hãy yên tâm mà tịnh dưỡng cho khỏe hẳn rồi tính.

Tôi biết là An lo lắng cho sức khỏe của giáo sư, nhìn xem ông ấy chẳng để ý chút nào, vẫn cứ xăm soi tấm họa đồ mà cười cười, gật gật. Kho tàng chắc gì là thật, đã ngàn năm qua rồi, nếu có thật thì chắc cũng chẳng còn đến bây giờ, hoặc là vàng bạc cũng đá hóa thành bùn đất cả rồi không chừng, nghĩ vậy nên tôi cũng chẳng buồn nghe thêm, đi chuẩn bị cơm nước cùng thằng Lủ đã, đồ ăn mới là quý, bỏ vào miệng được, no được thì mới chính là vàng. Rồi tôi cũng kể vắn tắt cho thằng Lủ nghe chuyện, mắt nó lại sáng lên, phán một câu xanh ngắt:

- Mày nghĩ xem Thiên, tao mà đào đc kho vàng này thì hút đến ba đời nhỉ, hô hố...

- Thằng mập này mày còn chưa tỉnh ra, để tao bảo thầy cho mày đi đào rồi về mua thuốc phiện mà hút nhé?

- Thôi xin mày, nói chơi thôi, hô hô.

...Hai hôm sau, giáo sư Minh khỏe hẳn, ông ấy cảm ơn thầy tôi, định gửi chi phí thuốc men, nhưng thầy không lấy. Ông cứu giáo sư vì muốn thử phương pháp chữa trị với loại rắn độc này, đồng thời cũng để xóa đi day dứt trong lòng bao nhiêu năm nay về người vợ đã khuất. Giáo sư cũng không dấu gì ông, nói cho ông nghe dự tính sẽ tiếp tục quay ra biên giới để thực hiện công việc thám hiểm, nhưng tuyệt nhiên không nhắc tới việc "Họa đồ tàng cốc". Không biết thầy tôi nghĩ thế nào, liền hỏi giáo sư liệu có thể cho tôi và thằng Lủ theo đoàn đi được hay không. Giáo sự không chần chừ mà nhận lời, vì phần thầy tôi vừa cứu ông một mạng, lại vì nghĩ hai thằng tôi chắc cũng có chỗ hữu dụng cho đoàn.

Ra ý thầy tôi muốn cho thằng Lủ đi để nó tìm về nơi chôn cất mẹ mà thắp nén nhang vì chẳng biết khi nào mới có cơ hội tốt thế này. Đồng thời để thằng mập đang cai nghiện này đi một mình thì không yên, nên tôi phải theo nó đi, mà kể cả không nói, tôi cũng sẽ đi theo, phần vì ở nhà mà không có nó thì buồn chết mất, phần muốn xem thử cuộc sống các nơi như thế nào cho thỏa chí. Tôi vẫn không nghĩ đến, đây sẽ là chuyến đi đầy phong ba, nguy hiểm, vô cùng đáng nhớ trong đời và có sự ảnh hưởng lớn đến cuộc đời của chúng tôi cùng cả đoàn thám hiểm.