Tương Du Nữ Quan

Chương 64




Lần nữa tỉnh dậy cũng không biết là đã qua bao lâu, nhưng đó là một buổi sớm trời trong nắng đẹp. Văn Tố vừa mở mắt đã trông thấy ánh nắng ngoài cửa chiếu vào, mang theo cảm giác trong lành của buổi bình minh, làn gió se se lạnh lùa vào, trong viện một gốc cây phong lá đã đổi màu, đã là cuối thu.

Một bóng người màu trắng đứng bên cửa, nàng kinh ngạc chớp chớp mắt, thanh tỉnh lại mới gọi một tiếng: “Tiểu Tranh?”

Bóng người từ từ quay lại, nàng trợn mắt há hốc.

Không phải Tiểu Tranh.

Người đó từng bước từng bước lại gần, vẫn là ý cười như gió xuân ấm áp ngày trước, kế đó ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh giường: “Sao vậy? Không nhớ bổn vương?”

Văn Tố mấp máy môi, một lúc lâu sau mới thốt nên lời: “Bình Dương vương gia?”

Tiêu Đoan gật đầu: “Là ta.”

“Ngài sao………..lại ở chỗ này?”

Ánh mắt Tiêu Đoan lấp lóe, cảm xúc không rõ, dường như đang nhớ lại gì đấy, lại dường như đang nhớ đến người nào, cuối cùng chỉ khe khẽ mỉm cười: “Tới xem thử mà thôi, không có gì kỳ lạ.”

Văn Tố vốn muốn hỏi tình hình gần đây của hắn, bởi vì hắn trông càng có vẻ gầy yếu, có điều nụ cười so ra lại ấm áp dịu dàng hơn trước rất nhiều, cũng không còn khí thế mơ hồ lộ ra bên ngoài nữa, tựa như biến thành một người khác.

Thế nên nàng do dự rất lâu, đổi cách hỏi: “Bình Dương vương gia mấy năm nay đang làm gì?”

“À, ước chừng là du sơn ngoạn thủy đi.”

“Có quen người nào?”

“Ừm, cũng từng có…..”

Văn Tố chống người ngồi dậy, vốn định tiếp tục hỏi, nhưng đột nhiên phát hiện bản thân không có khí lực, lúc này mới nhớ mình vì bệnh dịch mà nằm ở đây, lại vội vàng nằm trở lại, dùng chăn che kín mặt: “Bình Dương vương gia mau rời đi, ta bị bệnh dịch.”

Tiêu Đoan cười kéo chăn nàng: “Sợ cái gì, cô gần như đã không sao rồi, bằng không bổn vương cũng chả thèm vào thăm cô!”

Văn Tố từ trong chăn ló đầu ra, chớp mắt, nét mặt nghiêm túc nói: “Ta cảm thấy lời này của ngài là thật!”

“Đúng đấy, cô không sao đâu.”

“Không, ta nói câu cuối cơ.”

“……………..”

Sau đó nhớ lại, Văn Tố cảm thấy đấy chỉ là một giấc mộng trong lúc bị bệnh, Bình Dương vương liệu có thật sự đã tới hay không, nàng thế nhưng lại không nhớ ra.

Nhưng đích thực đã chuyện trò với hắn rất nhiều, tựa như những âm mưu ám hại trước kia chưa từng có, tất cả đã biến mất từ sớm.

Hắn vẫn là Bình Dương vương bất cẩn đâm bổ vào nàng trong lần gặp mặt đầu tiên, quen dùng gương mặt với nụ cười thoáng chút gian tà trêu chọc nàng, có đôi khi rất chân thật, nhưng chung quy đều là ý cười dịu dàng ôn hòa, đồng tử hẹp dài nhẹ đảo, lại càng lộ ra nét đa tình.

Trước khi hắn rời đi, Văn Tố chợt nói: “Bình Dương vương gia, Ngài nên tìm một người bầu bạn, du sơn ngoạn thủy một mình rất cô đơn?”

Tiêu Đoan khoanh tay cười khẽ, ánh mắt mang chút thê lương, một lúc lâu sau mới nói: “Thế gian này e rằng chỉ có đồ ngốc mới hợp với ta.” Ngừng trong giây lát, hắn lại bổ sung: “Ta không phải nói đùa, mà thật sự nói kẻ có đầu óc không toàn vẹn.”

Nụ cười Văn Tố cứng đờ, bởi vì nàng cảm thấy người như vậy có khả năng tồn tại.

Như thế cũng tốt, người thông minh quá, nên có một người bù lại ở bên cạnh.

Nói xong lời này Tiêu Đoan liền rời đi, sau này Văn Tố gặp lại hắn thì đã là sau đó rất lâu.

Đương nhiên nàng chưa từng nghĩ đến sẽ là trong tình cảnh như thế….

Mãi đến khi bước sang Sùng Đức năm thứ sáu, sức khỏe Văn Tố mới xem như hoàn toàn bình phục, còn vị quý tộc “mầm bệnh” kia thì đã sớm về chầu ông bà lúc trời vừa vào thu.

Sau khi nhận được tin tức, nàng chuẩn bị cho Tiểu Tranh xuất phủ, nhưng hắn sống chết cũng không muốn rời đi.

Lúc hắn xấu hổ cực kỳ giống Lưu Kha trước đây, Văn Tố nhất thời không nhẫn tâm nên vẫn đồng ý với thỉnh cầu của hắn.

Lần trước lúc Tiêu Tranh viết thư cho nàng nói Tề Giản và Tần Dung đã thành thân, Lưu Kha dưới sự tác hợp của Chu Hiền Đạt cũng đã có một mối hôn sự, nghĩ thấy chuyện tốt cũng sắp tới rồi đây.

Nàng viết thư cho Tiêu Tranh, nói mình thời gian này vẫn luôn bận rộn chính vụ, bôn ba khắp nơi, bất tri bất giác đã qua lâu như vậy, đến nỗi quên viết thư cho hắn.

Rất nhanh Tiêu Tranh đã hồi âm, nói vừa hay hắn cũng bận rộn, không viết thư cũng không sao, chú ý sức khỏe mới là quan trọng. Cuối thư còn nói bản thân dạo gần đây bắt đầu tin Phật, thậm chí còn chép một đoạn tâm kinh cho nàng.

Văn Tố cảm thấy khó mà tin nổi, dù thế nào cũng không thể liên kết được quan hệ giữa hắn với Phật giáo, vì thế mỉm cười hồi âm, nói đến lúc đó nhất định phải tỉnh một tượng phật từ Thanh Hải quốc về cho hắn.

Đến tháng ba năm nay, hoàng đế Lương quốc lại phát quốc thư, nữ vương đương nhiên lưu luyến giữ lại, Văn Tố uyển chuyển từ chối, lời lẽ khẩn thiết. Đông Đức bệ hạ biết tâm tư nàng, cũng không giữ chân nữa, đồng ý với nàng.

Cuối tháng ba, Văn Tố lên đường về Đại Lương, nữ vương ban ngàn lượng hoàng kim, trăm con ngựa tốt cùng vô số trân châu dược thảo, Văn Tố mừng rỡ cảm tạ.

Ngày cáo từ, bách tính sắp hàng hai bên đường tiễn bước, Văn Tố sau khi liên tục cảm tạ thì lên đường về nước, ai ngờ nửa đường đột nhiên biết nữ vương còn ban tặng một vị thiếu niên mỹ mạo tên gọi Tiểu Tranh cho nàng, hốt ha hốt hoảng, hoảng hồn bỏ chạy, mọi người ồ lên.

Từ đó lưu lại một câu chuyện tại Thanh Hải quốc.

…………….

Còn ở Lương quốc, từ năm thứ hai Sùng Đức bình định loạn thất vương Giang Nam, Nhiếp chính vương chăm lo việc nước, ổn định Tây Nhung, diệt trừ mối lo xâm phạm biên giới, chính trị minh bạch. Sau đó đại hưng thủy lợi, cổ vũ thông thương, ủng hộ nhân tài, cho phép ngôn luận, nơi nơi bắt đầu trở nên phồn thịnh.

Sùng Đức năm thứ ba, hoàng đế bệ hạ vi phục học hỏi, tuần thị thiên hạ. Sùng Đức năm thứ năm trở lại triều đình, từ đó vào Quốc Tử Giám dốc lòng học văn luyện võ. Thường xuyên cùng Nhiếp chính vương tham luận chính vụ đến khuya, siêng năng cần cù, cả triều đều biết.

Sùng Đức năm thứ năm, được Nhiếp chính vương gợi ý, hoàng đế đích thân phát chiếu thư, mời Văn Tố về nước. Triều thần mới đầu lên tiếng phản đối, trùng hợp Đông Đức nữ vương giữ lại, Văn Tố chưa thể lên đường.

Năm thứ sáu, hoàng đế bệ hạ lần nữa phát chiếu thư, thêm con dấu của Nhiếp chính vương, triều thần sợ hãi, cũng không dám phản đối nữa.

Cuối tháng ba, Văn Tố lên đường về nước.

Chưa đến tháng năm, nhưng kinh thành đã dần trở nên bận rộn, đây là tình hình hiển nhiên của mọi năm trước khi cùng Thanh Hải quốc giao thương. Đi cùng quan viên sứ đoàn còn có rất nhiều nhà buôn trong dân gian Thanh Hải quốc, những nhà buôn tại kinh thành “cận thủy lâu đài”, đương nhiên sẽ không buông tha cơ hội “đắc nguyệt” này.

Có điều còn chưa đợi được phái đoàn Thanh Hải quốc thì lão quản gia phủ Nhiếp chính vương đã dẫn theo một đoàn nha hoàn nô tì lượn một vòng phố thị.

Có người mắt sắc nhận ra họ, ngạc nhiên hỏi người bên cạnh: “Nè, Nhiếp chính vương phủ đây là định tổ chức đại sự gì à?”

“Ui cha, ngươi không biết à? Vị Văn thiếu phó kia sắp trở lại đấy.”

“Hửm? Văn thiếu phó trở lại có liên quan gì với phủ Nhiếp chính vương?”

“Chậc chậc, nông cạn quá sức nông cạn, chuyện năm đó Nhiếp chính vương từ chiến trường xa xôi hộc tốc trở về, một tiễn cứu người, ngươi quên rồi à? Giữa hai người họ………”

“À…………..” Một đám người vây xem bừng tỉnh đại ngộ.

Mà hiện giờ, trên thành lầu phía bắc, nhiều ngày liên tiếp có người ngày ngày đến đây, một thân hắc y, đón gió mà đứng, lên cao phóng tầm mắt ra xa.

Triệu Toàn cung kính đứng cạnh, lúc nhìn thấy phía trước cờ xí tung bay, nghiêng đầu nhìn sang, quả nhiên trông thấy vương gia nhà mình khẽ nhếch khóe môi.

Nàng từng tiễn hắn xuất chinh, chờ hắn khải hoàn.

Bây giờ, đổi lại, hắn đợi được nàng rồi………

***

Sử ký Hậu Lương ghi chép:

Văn Tố, nhân sĩ Giang Nam, mẫn tuệ hiếu học, tài cao lỗi lạc. Tổ tiên đức trọng, đạt nhiều thành tựu về văn hóa giáo dục, lưu danh hậu thế, “Tố” từ đó cũng trở nên thịnh hành.

Sùng Đức năm đầu tiên, Nhiếp chính vương vì mối liên hôn bắt đầu tiến hành tân chính. Tố ngực ôm chí lớn, dũng cảm yết bảng làm phụ tá. Qua vài tháng, trước điện được phong chức Hộ bộ lang trung, biết cách ứng xử, trị lũ lụt, diệt tham quan, trở thành tam phẩm Thị lang.

Sùng Đức năm thứ ba, thúc đẩy liên minh hai nước Lương – Thanh, được Đông Đức nữ vương tán thưởng, nhận lễ của vua, trở thành Thiên tử thiếu phó, chúng nghị xôn xao.

Tố trong tình thế rối ren một mình thượng vị, tích vạn giang nhi độc huyền nhất mộc, dạy đế vương những điều tinh diệu. Sau đế thường khen là thầy giỏi, tôn kính có thừa.

Cuối năm thứ hai, Nhiếp chính vương bình loạn thất vương, thu hồi Giang Đông Giang Nam. Năm thứ ba, Tố rời Lương thổ, tiếp nhận lời mời của Thanh Hải nữ vương.

Mới đầu nhậm chức Thông nghị đại phu, liên tiếp can gián, phế thao túng chính trị, diệt tham quan. Năm sau gia phong Chính nghị đại phu, trừng trị gian lại, trừ ác bá, chấn chỉnh vương quyền. Sau đó mở khoa chiêu sĩ, đặc biệt chú trọng nông khoa, mở rộng hàng dệt, cổ vũ thông thương, phát triển các thành trấn giao thương với nước ngoài. Sùng Đức năm thứ năm gia phong nhất phẩm Quang lộc đại phu kiêm Tể tướng.

Sùng Đức năm thứ sáu, Tố phụng mệnh về nước, thành thân cùng Nhiếp chính vương, đế ban chiếu thư khắp nơi cùng chúc mừng, đại xá thiên hạ. Hôm sau sắc phong làm nhất phẩm thiếu phó cùng Nhiếp chính vương phi, cùng cấp tước thân vương.

Sùng Đức năm thứ bảy sinh trưởng tử Trữ, năm sau gia phong làm thế tử. Mùa thu năm thứ chín lại có một nữ nhi, cùng năm được phong tước Quận chúa.

Mùa thu cùng năm, đế tròn mười lăm, Nhiếp chính vương trao trả triều chính, lấy lại tước Tấn vương. Mùa đông cùng năm, Tố từ quan quy ẩn, cùng Tấn vương trở lại Giang Nam định cư, sau du ngoạn bốn phương, hành tung bất định.

Sùng An năm thứ mười bốn, Tấn vương qua đời, hưởng thọ tám mươi, truy phong Thừa thiên hành đạo anh minh uyên công thánh võ khoan nhân đức thành võ hoàng đế. Tố đau thương, từ đó sinh bệnh. Sau đó chuyên tâm biên soạn sách, bổ sung “Tử Khâm tập”, để lại cho hậu thế.

Qua năm năm, qua đời tại Giang Nam, thụy “Văn đức hậu”, gia phong Huệ trí mẫn túc chính nhân tá thiên hoàng thánh nghị hoàng hậu. Hậu táng cùng hoàng lăng với Thừa thiên thánh hoàng đế, không ngừng được cung phụng…….

CHÍNH VĂN HOÀN