Tục Tiểu Tà Thần

Chương 27: Gia Cát Lượng dụng binh




Một tiệc rượu được mở ra giữa Tiểu Tà và Vệ Tiên Thái tử nước Phiên.

Qua một hồi nói chuyện tào lao, Tiểu Tà hỏi thẳng Vệ Tiên :

- Ngươi có biết quân đội Kỳ Chánh có chia làm mấy đạo không?

Vệ Tiên nói :

- Bốn mươi vạn quân có thể chia làm mười đạo. Nhưng ở biên cương gặp phải nhiều sơn lộ, điều này quân ta có nhiều thuận lợi.

Tiểu Tà nói :

- Sai rồi! Không thể ỷ vào núi rừng mà phục kích được. Bốn mươi vạn quân của Đại Minh bao giờ cũng đề phòng phục kích. Quân Đại Minh lấy phục kích tiêu diệt làm phục kích thì quân Phiên sẽ tan nát như hoa rơi trên mặt sóng.

Vệ Tiên cau mày :

- Quan trọng đến thế sao?

Tiểu Tà tiếp tục giải thích :

- Rất quan trọng! Ngài nghĩ xem nếu từ kinh thành đến đây mà dùng kỵ mã thì chỉ thời gian một ngày đã đến, vả lại thành Đại đồng và thành Tuyên phủ chỉ cách nhau có ba trăm dặm mà thôi. Đây là kho dự trữ để chi viện, nếu ngài đợi quân Đại Minh chia mỏng ra mới đem phục kích thì chính là ngài bị phục kích chứ không phải quân Đại Minh.

Vệ Tiên nghe nói cảm giác nóng lạnh hỏi tiếp :

- Quân ta vẫn có thể liên hệ với nhau làm sao địch quân phục kích nổi?

Tiểu Tà nói :

- Sự liên hệ đó chính là mục tiêu để quân Đại Minh đưa vào bẫy phục kích. Theo tôi nghĩ trước hết hạ lệnh công thành, chỉ để lại chút ít binh lực nghi binh, sau đó điều động đại binh đánh vào đại quân chủ lực và đội quân trong thành sẽ thừa thế phản công.

Vệ Tiên sắc mặt biến đổi không ngừng, thầm nghĩ :

- “Không ngờ Dương Tiểu Tà tên tiểu hài tử này lại thông minh trí lược như vậy, cũng may ta chưa điều binh, nếu không hậu quả thật khó lường”.

Tiểu Tà tiếp :

- Đơn giản mà nói thì giống như bắt một đống kiến bỏ vào nồi xào, nhưng xào qua xào lại trong tay chúng nó.

Rốt cuộc Vệ Tiên rất khâm phục tâm cơ của Tiểu Tà nói :

- Cũng may có người bàn tính nếu không ta đã lâm nguy rồi.

Tiểu Tà đắc ý cười :

- Cho nên ngài theo tôi hợp tác chỉ có lợi chứ không có hại.

Vệ Tiên hỏi :

- Nếu vậy tình hình này phải sử lý làm sao?

Tiểu Tà nói :

- Phải đột kích ngay quân chủ lực!

- Địa điểm đột kích?

- Chưa biết! Trước hết tôi chưa biết binh lực của ngài đóng ở đâu, có bao nhiêu, sau đó phải hiểu rõ địa hình của trận chiến, vì vậy lúc gặp mới nói được.

Vệ Tiên vui vẻ :

- Ta có bản đồ trên mặt đất của địch người có thể tham khảo!

Tiểu Tà kinh ngạc nhìn Vệ Tiên :

- Như vậy ngài đã nắm được thuận lợi rồi. Có lẽ ngài lấy được thành Dương cao cũng nhờ tấm bản đồ này?

Vệ Tiên không trả lời thẳng vấn đề.

- Địa đồ này không phải dễ dàng gi có được, cũng may nhờ người ta giúp đỡ.

Tiểu Tà tò mò :

- Ai?

Vệ Tiên nhếch môi :

- Có một người Trung Nguyên rất giảo quyệt đã đem đến.

Tiểu Tà a lên một tiếng nói :

- Có người như vậy sao? Thật tôi nghĩ không ra. Tôi không tin hắn giảo quyệt hơn tôi, cũng có ngày tôi phải tìm hắn để đấu trí.

Vệ Tiên nhắc nhở :

- Chúng ta hãy tiếp tục đi! Ta hoan nghênh có một người Đại Minh sang đây hợp tác.

Tiểu Tà mỉa mai :

- Ngài đừng quên bộ hạ của ngài có một người là Hắc luyện tướng quân chừng bị tôi cạo sạch râu!

Vệ Tiên khoác tay :

- Ngươi cứ yên tâm! Bổn vương xưa nay vốn rất hào tính!

Tiếng cười của hai người lại vang lên.

Vệ Tiên bước vào hậu phòng lấy ra một tấm da mỏng có vẽ bản đồ nói :

- Ngươi xem!

Trên bản đồ có những đường mui tên đỏ đen đan dày đặc.

Tiểu Tà trông vào bản đồ nói :

- Rất tốt! Bản đồ vẽ toàn giang sơn Đại Minh. Nhưng trên bản đồ ghi chú rất kém, giống như đuôi chuột chấm mực không cẩn thận.

Tiếp đó Tiểu Tà nghiêm túc chỉ vào các chấm đỏ :

- Ngài thấy đó số vòng đỏ này mỗi vòng lại nhỏ như sợi tóc, lại giống nhau, như vậy chắc có vấn đề.

Vệ Tiên không tin :

- Dương Tiểu Tà! Ngươi lầm rồi, trong đó vẽ rất kỹ càng, phân tích không lầm, bản đồ này rất quý.

Tiểu Tà thấy Vệ Tiên phản đối có vẻ khó chịu :

- Ngài ngài tại sao không nói sớm? Tại tôi không phát hiện kỹ nơi này, thật buồn cười...

Vệ Tiên phát giác Tiểu Tà không biết chữ nên vội nói :

- Ta không ngờ người không biết chữ.

Tiểu Tà háy mắt :

- Thiệt là khó nghe! Đó là chữ không biết ta mà thôi, ta cần gì phải biết chúng!

Vệ Tiên thấy Tiểu Tà có vẻ kỳ lạ, cười lớn :

- Người giống như người trên đời này e rằng không có nhiều!

Tiểu Tà nhún vai :

- Bây giờ ngài đã biết được bí mật của tôi rồi phải không? Mau nói cho tôi biết đi!

Vệ Tiên không hiểu :

- Ai da! Cái gì là bí mật đây?

Tiểu Tà mắc cỡ :

- Cái bí mật chính là cái chữ không biết tôi đó mà!

Vệ Tiên cười :

- Được! Để ta giải thích!

Liền đem những chữ trên bản đồ giải thích cho Tiểu Tà nghe và hỏi :

- Theo ý người ta phải phục kích quân minh nơi nào đây?

Tiểu Tà suy nghĩ một lúc rồi nói :

- Có hai vấn đề. Thứ nhất là Kỳ Chánh hối hả tấn công, hai là chờ đợi phục kích, nếu không gặp được quân Phiên thì lui quân hồi kinh.

Vệ Tiên lắc đầu :

- Nếu vậy chưa chắc đã đúng. Đại quân của Minh triều ồ ạt kéo tới đây chẳng lẽ chỉ để chờ tiêu diệt quân của ta thôi sao?

Tiểu Tà nói :

- Đúng vậy! Tuy đại quân minh triều đã kéo đến nhưng nếu chưa phá được chủ lực của địch thủ thì chưa dám tấn công. Đó chính là phép dùng binh.

Vệ Tiên thắc mắc :

- Nếu ta không đánh thì quân Đại Minh rút về sao?

Tiểu Tà gật đầu :

- Chắc chắn như vậy!

Vệ Tiên lại hỏi :

- Nếu ta muốn công kích để tiêu diệt lực lượng quân Minh thì phải đánh cách nào?

Tiểu Tà nói :

- Lấy bị động làm chủ động. Chờ Dương Chỉnh rút lui mới chặn đường mai phục. Đường về của Dương Chỉnh có thể sẽ qua Quý Châu vì lương thực dự trữ tại đó. Và nhân cơ hội này hắn sẽ hộ giá Kỳ Chánh hướng về hướng Dương Kinh để phô trương uy phong. Như vậy nếu chúng ta mai phục tại Dương Kinh thì có thể toàn thắng. Nhưng phải cẩn thận không để Kỳ Chánh thoát khỏi Quý Châu về kinh.

Tất cả kế hoạch đều nắm chắc trong bàn tay.

Vệ Tiên nghe Tiểu Tà giảng giải thông suốt, cười ha hả nói :

- Dương Chỉnh khôn ngoan đến đâu cũng không thể ngờ đến kế sách này, nhưng hắn cũng sẽ kết tội người là phản tặc gây nhiều rắc rối.

Tiểu Tà bất đắc dĩ nói :

- Tôi mục đích đến đây chủ yếu là giết Dương Chỉnh, trừ mối họa cho Hoàng đế Minh triều, Dương Chỉnh không còn chuyên quyền thì Kỳ Chánh hoàng đế mới trở thành minh quân được. Như vậy không thể gọi là phản tặc.

- Ngoài việc giết bỏ Dương Chỉnh, Tiểu Tà còn muốn hoàng đệ là Kỳ Ngọc kế vị ngôi vua vì Kỳ Ngọc tỏ ra minh mẫn hơn.

Vệ Tiên đối với Tiểu Tà trước đã có ý dè dặt nghi ngờ nhưng thấy Tiểu Tà phân tích kế hoạch tiến quân rất hữu hiệu, làm cho hắn có cảm tình.

Tiểu Tà chiếu theo bản đồ, sắp sếp cục diện rất rành rẽ. Còn Vệ Tiên cũng đã cẩn thận đề phòng, nếu Tiểu Tà có phản lại thì rút quân vẫn còn kịp, dù có tổn thất cũng không nhiều.

Mọi kế hoạch đã bàn tính xong Tiểu Tà hỏi Vệ Tiên :

- Ngoài bốn tướng lãnh ngài sắp điều ra trận, còn có người nào giỏi hơn không?

Vệ Tiên không hiểu :

- Đâu có ai?

Tiểu Tà đôi mắt lộ hung quang :

- Có!

Vệ Tiên ngơ ngác :

- Ai? Người đã từng gặp qua sao?

Tiểu Tà nói :

- Tôi đã gặp rồi. Bọn chúng chính là người của La Sát hòa thượng, người Trung Nguyên gọi là Hắc y sát thủ. Lúc tôi giao đấu tại ải Dương Phong, có gặp qua số người ấy.

Vệ Tiên lập tức cười :

- Đó là bọn người ta dùng tiền để thuê chúng làm, có gì phải giấu diếm.

Tiểu Tà hỏi :

- Ngài đã mướn được bao nhiêu người?

Vệ Tiên ngần ngại :

- Chưa quyết định! Bọn chúng chỉ nhận tiền là làm việc tùy theo số tiền nhiều ít mà chúng ra tay theo khả năng của đồng tiền.

Tiểu Tà nói :

- Vậy cũng phải có con số chứ?

Vệ Tiên nói :

- Khoảng ba mươi tên trở lại. Nhưng sau này chỉ còn lại độ một nửa nhân số mà thôi.

Tiểu Tà chưa kịp hỏi tiếp thì Vệ Tiên đã thắc mắc :

- Sao? Ngươi đối với chúng nó có gì quan tâm?

Tiểu Tà nói :

- Bọn người này võ công khá cao, đối với tôi có rất nhiều bí ẩn!

Vệ Tiên nói :

- Theo ta biết thì bọn này hoạt động chỉ vì tiền. Còn thù oán chẳng có dính líu gì.

Tiểu Tà chợt nhớ ra :

- Ngài có biết tiếng Đa đảo tượng trưng cho ý nghĩa gì không?

- Đa đảo?

Tiểu Tà gật đầu.

Vệ Tiên cười :

- Có lẽ là do phát âm quá kém nên ta nghe không hiểu.

Tiểu Tà tiếp :

- Ngài có biết ở Mông Cổ, có ai lấy huy hiệu con ó sử dụng cho tổ chức của mình không?

Vệ Tiên nói :

- Con ó? Huy hiệu này thì rất nhiều bộ lạc lấy làm cờ để biểu dương sức mạnh của mình, vì con ó là tượng trưng cho lòng dũng cảm. Nhưng người hỏi thăm chuyện này để làm gì? Bọn chúng có thù hận gì với người sao?

- Rất có thể! Lúc trước tôi đi bảo tiêu đến Bao Thạch Sơn đã từng bị bọn Hắc y sát thủ truy sát. Hỏi thăm người bản xứ thì họ cho biết bọn người này lấy biểu tương con ó.

Vệ Tiên ngắt lời :

- Kết quả thế nào? Chắc người không hoài nghi ta chứ?

Tiểu Tà nhìn Vệ Tiên lững lờ nói :

- Tôi đã từng nghĩ qua nhưng không tìm ra lý do. Tóm lại ngài không có gì quan hệ với bọn chúng chứ? Ngài đương kim là hoàng tử, còn tôi là người bảo tiêu, có quan hệ gì đâu? Việc này có lẽ là người giang hồ xen vào, cho nên tôi không thể nghi ngờ cho ngài được!

Vệ Tiên cười :

- Đa tạ! Nếu để cho người hoài nghi ta thấy không ngày nào được yên ổn rồi!

Tiểu Tà nói :

- Cũng có một ngày tôi bắt hắn xuất đầu lộ diện xem ai lợi hại hơn ai.

Vệ Tiên nói :

- Được! Chỉ cần một tiếng nói của người, bổn vương sẽ chiêu đãi người! Hôm nay chúng ta phải uống cho say!

Tiểu Tà cười :

- Được! Người nào còn khách sáo là con rùa!

Một tràng cười nữa lại nổi lên.

Vệ Tiên sai thuộc hạ đem thêm rượu ngon thịt béo ra đãi Tiểu Tà!

* * * * *

Đầu tháng tám.

Kỳ Chánh và đại quân đã đến thành Đại đồng. Tướng giữ thành là Lưu An cùng với Quách Tần xuất thành nghênh giá.

Trên thành quân lính canh phòng nghiêm ngặt, để tránh mọi sự cố xảy ra.

Tại Tây thành, nơi một căn phòng yên tĩnh có Quách Tân và Lưu An cùng với bốn mươi thư lại đang bàn kế hoạch ra quân.

Lưu An thở dài nói :

- Dương công công tướng quân địch xâm chiếm nên vội hối thúc Hoàng thượng ngự giá thân chinh thật là nhọc công sức quá.

Quách Tân hỏi :

- Sao? Ý của tổng binh là muốn khuyên Hoàng thượng hồi kinh?

Lưu An nhận xét :

- Đây chẳng qua là một điều sai lầm của một thái giám.

Quách Tân suy nghĩ một lát rồi nói :

- Như vậy muốn khuyên Hoàng thượng trước tiên phải nói với Dương Chỉnh, ông ta tuy là thái giám nhưng lại định đoạt mọi quyền hành. Bàn với Dương Chỉnh e rằng kết quả sẽ tốt hơn.

Lưu An gật đầu :

- Biện pháp này rất tốt, nhưng biết cử ai đi bàn bạc?

Quách Tân đề cử :

- Giám quân thái giám Quốc Kính rất thích hợp. Hắn tham gia một trận Dương Hòa, lúc binh bại hắn giả chết mới thoát khỏi về đây, cứu được bản thân.

Người này đi nhất định Dương Chỉnh sẽ tin cậy và tâu với Hoàng thượng bãi binh.

Lưu An thở dài :

- Có lẽ nên tuân theo ý trời!

* * * * *

Bấy giờ Dương Chỉnh đang thoải mái ngồi trên một chiếc ghế cao nơi hậu điện để thưởng thức một loại trà rất quý.

Quốc Kính bước vào, vẻ mặt vô cùng thiểu nảo, đầu quấn khăn, chân bó vải, mặt nám đen như người vừa bị một tai nạn khủng khiếp.

Mục đích của Quốc Kính đưa ra hình dáng này là để xem Dương Chỉnh cảm thấy chinh chiến không phải lúc nào cũng lành lặn trở về.

Dương Chỉnh hỏi :

- Quốc Kính! Ngươi tại sao như vậy?

Quốc Kính quỳ xuống hành lễ, Dương Chỉnh đỡ hắn ngồi vào ghế nóng nảy :

- Ai đánh người ra nông nỗi ấy?

Quốc Kính chậm rãi :

- Đa tạ công công!

Nhìn qua hình dáng Quốc Kính đôi mắt Dương Chỉnh có vẻ ái ngại nói :

- Ai đã đả thương người? Ta sẽ chém đầu hắn để trả thù!

Quốc Kính gượng cười :

- Thưa công công! Không có! Thuộc hạ tham gia giữ thành Dương Hòa, rốt cuộc đại bại.

Dương Chỉnh nổi nóng, đập tay lên bàn thật mạnh nói :

- Vệ Tiên! Ta sẽ xé xác người ra!

Quốc Kính đau khổ :

- Công công! Thuộc hạ đến đây là muốn khuyên ngài!

- Ngươi muốn khuyên ta hồi triều sao?

Quốc Kính sợ hãi :

- Công công có biết không? Nếu ngài tận mắt nhìn thấy Vệ Tiên ác chiến thì sẽ vô cùng rùng rợn. Hắn tàn nhẫn và dũng mãnh vô cùng, khiến cho mọi người phải nể sợ. Hắn dùng một thanh trường kiếm nặng hơn trăm cân, chỉ cần vung lên cũng đủ chặt đứt binh khí của quân ta như chém chuối. Trường kiếm của hắn có thể chém ba con ngựa cùng một lúc, binh khí này khó mà tưởng tượng uy thế của nó, khiến cho binh sĩ đều sợ hãi.

Quốc Kính cố tình bày ra câu chuyện này đề làm cho Dương Chỉnh nản chí, nhưng Dương Chỉnh không chỉ vì một vài lời nói mà giao động tinh thần, trước bốn chục vạn quân đang rầm rộ kéo đi.

Dương Chỉnh nghe qua trầm ngâm hỏi :

- Thật có chuyện như vậy sao?

Dương Chỉnh đối với Quốc Kính rất có thâm tình vì Quốc Kính là một thái giám thuộc hạ, được điều động vào quân binh để dò xét tình hình, lời nói của Quốc Kính làm sao Dương Chỉnh không tin?

Quốc Kính tiếp :

- Trước đây quân ta trong nửa ngày đã bị Vệ Tiên tiêu diệt. Nay công công dẫn tới bốn mươi vạn quân, không biết có thể cầm cự được bao lâu, hơn nữa không biết Vệ Tiên có dùng toàn bộ binh lực không?

Dương Chỉnh nghe sự việc này xương sống lạnh ngắt, trầm ngâm không nói.

Quốc Kính thở dài :

- Không giấu gì công công, thuộc hạ bị té xỉu xuống ngựa, phải giả chết mới thoát được tử thần, nhưng cũng phải trả một giá rất đắt.

Dương Chỉnh nghiêm mặt, cầm ly trà lên uống một hớp thầm nghĩ :

- “Không sai! Quốc Kính nói rất có lý Vệ Tiên dũng mãnh hơn thiên hạ, không đầy một ngày đánh tan hai mươi vạn quân. Nếu tiếp tục viện binh e rằng không tránh khỏi thảm cảnh”.

Nghĩ đến đây Dương Chỉnh không dám khẩn trương mà kiên trì ém quân chờ đợi biến cố. Nhưng đại quân đã đến đây, nêu không xuất trận thì sẽ bị thiên hạ chê cười.

Hôm sau Dương Chỉnh lại đòi Quốc Kính đến hỏi :

- Quân ta đã đến đây hơn nửa tháng, mà vẫn không thấy quân địch có động tĩnh gì. Ngươi có ý kiến gì không?

Quốc Kính thấy Dương Chỉnh hỏi ý kiến tâm tư cũng bớt lo nói :

- Công công đi theo Hoàng thượng ngự giá xuất chinh, thời gian đã nửa tháng.

Quân địch không dám khiêu khích, như vậy chứng tỏ uy phong của Hoàng thượng và công công rất lớn. Bây giờ nếu công công lui binh ai dám chê cười?

Dương Chỉnh nghĩ cũng đúng, nếu bảo là sợ hãi thì đâu dám xuất quân, bây giờ đã gây dựng được uy phong, thì còn dại gì tìm chỗ nguy hiểm.

Quyết định như vậy Dương Chỉnh liền hội họp tướng lãnh, tâu với Kỳ Chánh xin hồi kinh.

Quốc Kính thấy vậy mới vào dinh nói với Dương Chỉnh :

- Công công không những to gan mà còn mạnh dạn quyết định việc đại sự.

Thuộc hạ rất khâm phục.

Dương Chỉnh cười ngạo mạn :

- Quốc Kính! Ta không nhìn lầm người.

Quốc Kính chắp tay :

- Mong công công hãy đề bạt thuộc hạ lên vài chức vị.

- Ngươi cứ an tâm! Ta không đề bạt người thì còn đề bạt ai? Ngươi là thuộc hạ đáng trọng dụng!

* * * * *

Kỳ Chánh hoàng đế đang ngồi trong tư dinh thì Dương Chỉnh bước vào trình tấu ngày hồi loan.

Kỳ Chánh hỏi :

- Tiên sinh muốn trở về kinh thành sao? Trẫm ngự giá thân chinh chưa gặp địch quân trận nào, tại sao phải lui binh?

Dương Chỉnh tâu :

- Hoàng thượng uy danh vang dội, xa kinh thành đã nửa tháng. Vệ Tiên khiếp sợ né tránh, không dám trêu ghẹo, vậy thì giao cho tướng lãnh trấn giữ biên cương để khỏi nhọc đến xa giá lâu ngày.

Kỳ Chánh thấy Dương Chỉnh cũng đã viện đầy đủ lý do nghĩ lại bản thân không thể xa rời kinh thành lâu ngày nên nói :

- Trẫm đồng ý hồi kinh để xem xét việc trong cung. Việc triều chính không thể xem nhẹ.

Dương Chỉnh nói :

- Hoàng thượng rất anh minh.

Kỳ Chánh ngẫu nhiên hỏi :

- Tiên sinh định quay về đường nào mới đúng?

Dương Chỉnh nói :

- Việc ban sư hồi trào không có gì nguy hiểm. Đường nào gần hơn thì ít mệt nhọc hơn. Xin Hoàng thượng đi theo lộ Giang hộ.

Kỳ Chánh hỏi :

- Đi về bằng đường đó có gì lạ?

Dương Chỉnh khoe khoang :

- Hoàng thượng có lẽ chưa biết hạ thần đã có dự tru năm mươi vạn quân nơi Lý Quý châu. Nếu được Hoàng thượng nhàn du đến đó thì thật là may mắn.

Kỳ Chánh cười dễ dãi :

- Được! Được! Nếu tiên sinh đã có lời mời, trẫm đâu thể bỏ qua.

Không bao lâu Kỳ Chánh hạ lệnh ban sư, các tướng lãnh ai nấy đều ngơ ngác, không hiểu chủ trương của Dương Chỉnh như thế nào.

Đối với Dương Chỉnh thì việc hồi loan chỉ vì khiếp sợ uy vu của quân địch, nhưng lại lấy uy phong làm tự đắc, không chút đề phòng.

Hành động của Dương Chỉnh không trái với suy nghĩ của Tiểu Tà.

Chính Tiểu Tà đã vận dụng tâm lý để suy đoán tâm trạng của Dương Chỉnh.

Điều mà Dương Chỉnh tự nhận mình là uy phong chỉ là một cái bánh vẽ, mà chính cái bánh vẽ ấy đã làm cho Dương Chỉnh tự cao tự đại, không thấu hiểu tình hình, không chút đề phòng.

Quân phiên được Tiểu Tà hiến kế mai phục tại Dương Nguyên trước khi mục kích tình hình rút quân của Dương Chỉnh.

Khi đại quân của Dương Chỉnh đi được nửa đường, thì đến một vùng hẻo lánh núi non chồng chất, rất khó vượt qua. Dương Chỉnh liền ra lệnh đổi hướng, đi về Tuyên Phủ để hồi kinh.

Quan Thượng thư Quảng Gia thấy vậy vội tâu với Kỳ Chánh :

- Tâu Hoàng thượng! Quân ta đến biên cương, quân Phiên tránh né không giáp chiến, e rằng có âm mưu gì đây. Nay Hoàng thượng hồi loan đáng lẽ phải đi thẳng bằng đại lộ mới khỏi lo lắng.

Dương Chỉnh mắng :

- Ngươi chính là kẻ sợ chết! Hoàng thượng ngự giá thân chinh, uy dũng rợp trời, địch quân trốn tránh không dám ra mặt thì còn sợ gì chúng nó? Đại quân đã đi an toàn thì cũng về an toàn, đừng có nói bậy mà làm mất hết uy danh Hoàng thượng!

Kỳ Chánh không muốn hai bên xích mích nên nói :

- Quảng Gia! Lòng lo lắng của khanh rất tốt nhưng trẫm nghĩ đi đường nào cũng không có gì nguy hiểm.

Quảng Gia nghiêm trọng nói :

- Đi giữa đường đổi hướng e rằng có một dự tính không hay, xin Hoàng thượng suy xét!

Dương Chỉnh cười nhạt :

- Các người chỉ là một lu tham sinh úy tử mà thôi, đừng có bắt người khác phải chiều theo tâm tư hèn hạ của mình.

Kỳ Chánh không thể để cho triều thần gây xích mích với nhau bèn nói :

- Quảng thượng thư không cần nhiều lời, trẫm đã quyết định đi theo đường Tuyên Phủ.

Quảng Gia vội nói :

- Hoàng thượng...

Dương Chỉnh hét lên :

- Câm miệng! Hoàng thượng đã quyết định nếu còn tâu bậy, ta sẽ khép người vào tội phản tặc khi quân.

Đại quân được lệnh hướng về Tuyên Phủ mà đi.

Cũng may họ không theo đường Quý Châu mà đi nên không bị quân Phiên phục kích, hóa giải được một trận thư hùng.