Trở Lại 30 Năm Trước

Chương 1




An Na họ An tên Na. Bố cô – ông An trước đây làm bộ đội, sau chuyển nghề sang làm kinh doanh buôn bán, cũng khá thành công. Mẹ cô – bà An lúc trẻ từng là nữ thanh niên văn nghệ, một thời ham mê tác phẩm kinh điển của Nga là An Na – Karenina, bà quyết định sau này nếu mình có con gái sẽ đặt lên là An Na. Lúc bà sinh An Na, ông An đã chuyển công việc khác rồi. Trước khi có An Na hai người có một cậu con trai, nhưng lại không may mất sớm, đến tuổi trung niên mới có An Na, cho nên coi An Na như hòn ngọc quý trên tay, cưng chiều cô hết mực. Từ nhỏ đến lớn An Na được sống trong bảo bọc và yêu chiều của bố mẹ, có một cuộc sống vô cùng đầy đủ.

Bà An lúc trẻ cũng là một mỹ nhân, An Na giống mẹ, da trắng mịn như tuyết, vóc dáng cao dáo, xinh đẹp, từ nhỏ đến lớn được hưởng một môi trường giáo dục hoàn mỹ. Cô được cho đi học múa ballet, học âm nhạc, học mỹ thuật, sau đó đi Pháp du học, một học viện nghệ thuật tại Paris, nói người theo đuổi cô xếp hàng đến tháp Eiffel cũng không hề khoa trương chút nào.

An Na năm nay hai mươi ba tuổi. Năm ngoái bởi vì vô tình xem một bộ phim phóng sự về tình trạng giáo dục tại tỉnh miền núi nghèo khó mà vô cùng xúc động, vì vậy đã tham gia chương trình dạy học tình nguyện trên đó. Bà An chỉ có một mình cô con gái cưng này nên sao mà đồng ý cho được, nhất là khi con gái còn phải đi chịu khổ nữa, thế nhưng vẫn không gì có thể lay chuyển được quyết tâm của An Na, cuối cùng bà vẫn phải đồng ý. Vì lo lắng cho con gái yêu, bà đích thân đưa An Na đến tận trường, còn tài trợ cho trường một khoản tiền lớn, dự tính con mình đi được mấy tháng, qua cơn kích động thì sẽ trở về mà thôi. Nhưng không ngờ An Na chẳng những rất gắn bó với công việc đó, mà năm nay vẫn còn muốn tiếp tục tham gia.

Tháng chín đã bắt đầu khai giảng, qua nửa tháng, An Na hẹn hò với mấy người bạn thân làm một chuyến nghỉ dưỡng ở biển. Tối hôm qua cô đã xắp xếp đồ đạc đâu vào đấy rồi, còn đi làm tóc, nhuộm tóc sang màu nâu hạt dẻ càng làm nổi bật làn da trắng mịn của mình, sau đó lại nổi hứng uốn cụp tóc, được tay thợ cắt tóc khen nức nở giống như búp bê Barbie, tiếp đó hôm nay…

Hôm nay đi ra sân bay, lái xe đưa cô đến cửa đại sảnh, cô xuống xe, vừa đẩy hành lý đi vào trong vừa cắm cúi nhắn tin cho bạn bè, không để ý bậc thang mà bước hụt một cái, ngã xuống đau điếng cả người. Đợi khi cơn choáng qua đi, lúc nhặt chiếc điện thoại di động lên cả người cô đều ngây dại.

Cô vẫn còn khụy ở trên bậc thang, nhưng không còn là bậc thang lót đá cẩm thạch ở cửa ra vào phòng chờ rất rộng tại sân bay nữa. Bầu trời tựa như chớp mắt biến thành trời đêm tối đen, trên đỉnh đầu là ánh sáng màu vàng mờ nhạt của mấy chiếc bóng đèn, bên dưới bậc thang là nền xi măng, bẩn thỉu, khắp nơi là xác giấy vụn, tay cô còn chạm phải một bãi đờm. Đối diện cô là cánh cửa kính kiểu quả tay nắm cổ lỗ sĩ, bên trái trên đó có dán “Đề phòng móc túi”, bên phải dán “Gửi lại hành lý”, còn vẽ đầu mũi tên chỉ hướng. Bên trong hình như là một gian sảnh lớn, có ánh đèn, xuyên qua lớp kính mờ tịt do bám bụi bẩn, mơ hồ có thể thấy bên trong đó có người, nhưng có vẻ như bởi quá muộn nên không có người nào qua lại.

An Na vô cùng bối rối, quên cả đau đớn, một hồi lâu mới bò dậy được, cũng chẳng quan tâm bậc thang bẩn thỉu mà ngồi bệt xuống ngơ ngác nhìn chung quanh.

Là một sân rộng. Ánh đèn chỉ chiếu sáng tới gần nơi này nhất, cho nên chung quanh đều tối đen.

Ánh mắt cô rơi vào tòa nhà cũ ở cuối quảng trường có ánh đèn nê ông màu đỏ chiếu rọi đến.

Nhờ ánh đèn nê ông cô thấy dòng chữ: “Trạm xe lửa thành phố C”.

An Na suýt nữa thì nhảy dựng lên, ra sức véo tay mình. Cô rõ ràng là kéo vali hành lý đi vào đại sảnh sân bay, rồi vấp ngã trong đó, thế nào mà chớp mắt một cái chung quanh đã biến thành như này rồi?

Cô ở đây, đồ đạc hành lý cũng ở đây, nhưng thời gian, không gian, toàn bộ đều thay đổi. Huống chi, cô biết rõ thành phố C này, đó là một tỉnh lị sản xuất nhiều than đá nhất của phía bắc tổ quốc.

Là một người phương nam chân chính, dù cô còn chưa có cơ hội đến thành phố C, nhưng cũng biết một thành phố thì có dáng vẻ như nào, dù chỉ là một thành thị nhỏ, nhà ga lại cũ, nhưng không thể đến mức nghèo nàn lạc hậu như này chứ!

An Na sau khi xác định mình không phải nằm mơ thì run rẩy nghĩ đến một khả năng, chính là cú vấp ngã kia đã khiến cô xuyên không một cách ngoạn mục rồi!

Cô ngồi trên bậc thang xi măng, sững sờ rất lâu, cho đến khi có cơn gió lạnh thổi đến làm cả người run rẩy thì mới giật nảy mình, giờ đang mùa thu, mà mình thì mặc áo cộc tay.

Cô ôm lấy cánh tay mình, trên đó đã nổi da gà, cô tự phấn chấn tinh thần, đứng lên, nhặt di động dưới đất lên, mở khóa vân tay, lại phát hiện tín hiệu chẳng có, xem thời gian trên đó vẫn hiện lên 11h30 sáng trước ngày cô bị ngã.

An Na cất di động đi, tay kéo cái vali hành lý, đẩy cửa kính ra, đi vào trong phòng đợi xe.

Đại sảnh rộng và vắng vẻ, nhưng ấm áp hơn so với bên ngoài rất nhiều, trên bức tường đối diện có một chiếc đồng hồ treo tường, thời gian là 1h30 sáng, trong này đặt hàng dãy ghế dài bằng gỗ sơn xanh.

Bởi vì quá muộn, người chờ xe cũng không nhiều, ước chừng chỉ hơn chục người. Có người cuộn mình nằm ngủ trên ghế dài, có người ngủ ngồi, cạnh đó là những túi đồ lớn nhỏ được buộc với nhau bằng dây thừng.

Phong cách ăn mặc của tất cả mọi người, bao gồm bầu không khí trong này nữa, khiến cho An Na nhớ đến bức ảnh chụp bố mẹ lúc còn trẻ được để trong tập album rất cũ trong nhà mình.

Cô đẩy cửa đi vào làm vài người ngồi trên ghế dài ngay cửa chú ý đến, họ biếng nhác quay đầu nhìn sang.

Một người phụ nữ mặc chiếc áo khoác màu lam cổ lật, quần ống loe khoảng ba mươi tuổi đánh giá An Na từ đầu đến chân một lượt, miệng khẽ nhếch lên. Người đàn ông đeo kính bên cạnh hẳn là chồng chị ta, vốn đang lim dim ngủ, nước dãi treo ở khóe miệng, bị tiếng đẩy cửa làm ảnh hưởng, mở mắt ra, ánh mắt rơi lên người An Na thì như bị định trụ, liên tục đi theo cô, quên cả lau nước dãi ở khóe miệng.

Người phụ nữ có vẻ tức giận, véo ông chồng mình một cái. Người đàn ông bị đau, vội vàng đẩy kính mắt, cúi gằm đầu xuống.

– Lẳng lơ!

Lúc An Na đi qua đã nghe được câu lẩm bẩm của chị ta từ phía sau.

Cô làm như không nghe thấy, đi đến một căn phòng ở trong góc giống như là phòng trực ban.

Cô muốn xác định xem, rốt cuộc hiện tại là lúc nào.

An Na đi đến gần cửa sổ trên đó có treo tấm biển “Học tập đồng chí Lôi Phong, hết mình phục vụ nhân dân”, qua cánh cửa thủy tinh, nhìn thấy có một người phụ nữ ngủ gục trên bàn, bên cạnh là phích nước nóng kiểu cũ. Trù trừ một giây, côc định gõ cửa hỏi, nhưng lại cảm thấy sờ sợ.

Lúc cô đang do dự, ánh mắt đột nhiên quét lên tờ lịch treo trên tường, sững sờ.

– Ngày 02 tháng 11 năm 198x.

Thời gian vô cùng rõ ràng.