Tố Hoa Ánh Nguyệt

Chương 108: Lòng ta cứ mãi ưu sầu (hạ)




Từ Sâm sắc mặt tái nhợt, ánh mắt thống khổ, A Trì đau lòng, nhẹ nhàng nói chuyện với ông tựa như dỗ hài tử:

- Phụ thân ngồi xuống đây, chúng ta từ từ thương lượng cách giải quyết, có được không?

Từ Sâm đột nhiên thức tỉnh, hết sức xấu hổ. Mình nói với Trọng Khải không chỉ một lần rằng sẽ chăm sóc A Trì, không để A Trì lo lắng. Rốt cuộc mình làm phụ thân lại thất hồn lạc phách trước mặt A Trì, khiến nó không yên lòng.

Từ Sâm ngồi cạnh A Trì, cố gắng khiến cho giọng nói của mình vững chãi, thần sắc bình tĩnh:

- Phụ thân đi cầu xin tổ phụ con. Tổ phụ con rất thương yêu con cháu. A Trì, chuyện này phụ thân sẽ làm tốt, con cứ yên ổn dưỡng thai, đừng suy nghĩ lung tung.

A Trì cười khôn khéo:

- Dạ, con nghe lời cha, không suy nghĩ lung tung. Phụ thân, tổ phụ thương yêu con cháu nên hẳn sẽ đồng ý với cha. Nhưng lỡ như ông ấy không đồng ý thì sao? Phụ thân, con chỉ nói là lỡ như thôi.

Mặt Từ Sâm lại trắng bệch. A Trì vội thấp giọng nói:

- Nữ nhi có một ý nghĩ, phụ thân nghe thử xem có được không?

Nàng từ từ nói ra tính toán của mình, Từ Sâm gật đầu:

- Nghe theo A Trì của ta.

Tiễn Từ Sâm đi rồi, A Trì vẫn không yên lòng, sai người mời sư công đến:

- Sư công là đại hiệp khách, ngài hành hiệp trượng nghĩa cứu người nhé?

Sư công mặt mày hớn hở:

- Lão nhân gia đã nhiều năm không làm nghề này rồi, nay có thể lại theo nghiệp cũ, tốt!

A Trì rốt cuộc mới hoàn toàn yên tâm.

Từ Sâm rời khỏi Ngụy quốc công phủ, đi thẳng đến đường Chính Dương Môn. Từ thủ phụ đêm nay trực ở Văn Uyên các, không có ở nhà, Từ Sâm lòng không yên hàn huyên cùng đám người Ân phu nhân vài câu, rồi mở miệng hỏi:

- Tố Tâm đâu rồi?

Ông không nhìn thấy Từ Tố Tâm.

Ân phu nhân nghiêm mặt không vui. Nhi tử người trước lưu lại này thật không hiểu chuyện, hỏi đến nha đầu xui xẻo kia làm gì? Nha đầu kia gả đến Nghiêm gia, Nghiêm gia liền gặp nạn, nó nếu tính tình cương liệt thì nên chết đi tuẫn tiết mới phải. Còn có mặt mũi quay về Từ gia, đúng là mặt dày vô liêm sỉ.

Từ nhị gia lúng túng ho một tiếng:

- Đại ca, Tố Tâm bệnh, không tiện gặp người.

Ông thực không nói dối, Từ Tố Tâm khi được đón về đã hoang mang ngơ ngác, sau khi về Từ gia lại bị Ân phu nhân và Từ nhị phu nhân châm chọc, bị bọn nha đầu thị nữ lãnh đạm, quả thật bệnh không dậy nổi.

Từ nhị phu nhân thản nhiên nói:

- Tố Tâm đây là tâm bệnh, thuốc thang châm cứu đều không hiệu nghiệm, e không qua khỏi. Muội ngay cả quan tài cũng chuẩn bị tốt cho nó rồi, nếu có thể khỏe là tạo hóa của nó; còn nếu không qua được, cũng đỡ cho đến lúc đó khỏi phải rối ren.

Lời này của bà cực kỳ vô tình. Kỳ lạ là, Từ nhị gia là cha ruột, Ân phu nhân là tổ mẫu ruột đều ở đây nhưng không một ai mở miệng khiển trách, cứ như lời bà nói chẳng qua chỉ là chuyện bình thường mà thôi.

Từ Sâm tức đến tay chân lạnh giá, sắc mặt hết trắng rồi lại trắng, nói không nên lời. Từ nhị gia có chút ngượng ngùng:

- Tiểu nữ sức khỏe vốn không tốt, các trưởng bối cũng là yêu thương nó thôi.

Ngực Từ Sâm đau nhói. Nghe ý trong lời của Từ Dương là không định mời thầy thỉnh thuốc cho Tố Tâm sao? Từ Sâm mạnh mẽ xốc tinh thần dậy, căn dặn:

- Cầm danh thiếp của ta, mời Thang ngự y ghé phủ.

Từ nhị gia không phải không biết xấu hổ. Ông tuy luôn lãnh đạm với Từ Tố Tâm nhưng dù sao cũng là cha ruột của Từ Tố Tâm. Lúc này cha ruột đang đứng bên cạnh mà đại bá phụ lại lo lắng cho chất nữ như vậy, thật làm người ta khó chịu.

Từ nhị gia mơ hồ phản đối hai câu, Từ Sâm không để ý đến ông. Ân phu nhân và Từ nhị phu nhân đều muốn mở miệng phản đối nhưng lời đến bên miệng lại nuốt trở vào. Mẹ chồng nàng dâu hai người tâm linh tương thông: “Cứ để hắn lăn qua lăn lại đi. Lão gia đang không chào đón Tố Tâm, hắn làm như thế chắc chắn là ngay cả hắn cũng bị chán ghét luôn thôi.”

Từ tam gia và Từ tam phu nhân vẫn luôn thành thực đứng một bên, im lặng không nói. Theo ý vợ chồng Từ tam gia, không phải Tố Tâm vừa ý nhi tử của Nghiêm Khánh, sống chết muốn gả cho hắn mà là phụng mệnh của tổ phụ, là hành vi bất đắc dĩ. Đã như vậy thì Tố Tâm trở về Từ gia, Từ gia dù không thể cho nó cẩm y ngọc thực, vui vẻ thoải mái nhưng cũng cho nó được cơm nước bình an. Nào ngờ nó bệnh, lại không được mời đại phu, đem Tố Tâm dồn vào chỗ chết.

Bọn họ thực không tán thành nhưng nếu đây là ý của Từ thủ phụ thì họ sẽ không nói nửa chữ “không”. Từ Tố Tâm là chất nữ chứ không phải khuê nữ ruột của họ.

Thang ngự y và Từ Sâm có chút giao tình, không lâu sau, Thang ngự y đã ngồi kiệu đến, chẩn mạch cho Từ Tố Tâm. Thang ngự y cau mày:

- Còn nhỏ tuổi sao tâm sự lại nặng thế này? Thân thể là của mình, tự mình không bảo dưỡng thì đại phu có thể có linh đan diệu dược gì chứ?

Từ Tố Tâm vốn đang ngây ngốc, nghe lời trách cứ đầy quan tâm của Thang ngự y danh tiếng thì nước mắt chảy ra ngoài.

Từ Sâm không chỉ mời ngự y cho Từ Tố Tâm mà còn ngại nha đầu không hầu hạ Từ Tố Tâm tử tế nên sai người điều hai thị nữ ở đường Đăng Thị Khẩu qua đây hầu hạ bên người Từ Tố Tâm.

Ân phu nhân và Từ nhị phu nhân thờ ơ nhìn, ý cười hiện trên gương mặt. Lão gia nhắc tới nó là cực kỳ chán ghét, chỉ hận nó không thể chết ngay lập tức mà ngươi lại làm bộ làm tịch ra vẻ hiền lành. Đợi lão gia biết thì ngươi ráng mà chịu.

Từ Sâm thu xếp ổn thỏa cho Từ Tố Tâm, biết phụ thân tối nay làm nhiệm vụ, không trở lại được thì về đường Đăng Thị Khẩu. Về nhà gặp Lục Vân, ông hàm hồ đi qua, không nói gì nhiều. Đêm nay Từ Sâm gặp ác mộng dữ dội, hôm sau tỉnh dậy cứ như bị ai đánh cho một trận, cả người mệt mỏi, khó chịu.

Từ Sâm sai người đến nha môn xin nghỉ bệnh, tự mình chạy thẳng đến đường Chính Dương Môn đợi phụ thân. Từ thủ phụ bận đến chạng vạng mới trở về, thấy ông thì vuốt râu mỉm cười:

- Đợi cả ngày rồi hả, có chuyện gì quan trọng mà gấp gáp muốn gặp phụ thân như vậy?

Từ Sâm sắc mặt tái nhợt, dứt khoát mở miệng:

- Phụ thân, nhi tử muốn đón Tố Tâm về đường Đăng Thị Khẩu ở một thời gian.

Thật ra không phải một thời gian mà là đón đi rồi ở đó luôn. Tố Tâm đã hi sinh vì Từ gia, không thể lại hi sinh thêm nữa.

Từ thủ phụ ôn hòa nhìn trưởng tử, lắc đầu thở dài:

- Con giống y như mẫu thân con, tâm địa quá mềm yếu. Sâm nhi, thân là nam tử hán đại trượng phu không thể có lòng dạ đàn bà, lúc nên ác độc thì phải ác độc.

Tim Từ Sâm dường như bị ai đâm một nhát, đau đớn khó nhịn. Ông run giọng hỏi:

- Phụ thân, phải ác độc sao?

Từ thủ phụ chăm chú nhìn ông hồi lâu, chậm rãi gật đầu.

Từ Sâm ngã ngồi trên ghế, ngẩn ngơ rơi nước mắt. Từ thủ phụ khẽ quở trách:

- Nước mắt nam nhi không thể chảy! Sâm nhi đã đến tuổi trung niên mà còn giống tiểu hài tử, gặp chuyện chỉ biết khóc sao?

Từ Sâm nâng cánh tay, lấy tay áo lau nước mắt. Từ thủ phụ tức cười:

- Càng nói con giống tiểu hài tử thì con càng giống tiểu hài tử!

Ông lấy ra một chiếc khăn trắng đưa cho Từ Sâm.

Từ Sâm lau nước mắt, phờ phạc ngồi một lát, rồi cung kính thi lễ với Từ thủ phụ, im lặng rời đi. Từ thủ phụ vừa đau lòng vừa xót xa:

- Hài tử này! Mẹ con mềm lòng không sao, bà ấy là phụ nhân, vốn nên thiện lương. Nhưng con nếu mềm lòng như vậy, sau này Từ gia sao phó thác cho con? Sâm nhi, con phải có bộ dạng của một nam nhi.

Sau khi Từ Sâm rời đi, Thang ngự y thường tới chăm sóc, dốc lòng chữa trị cho Từ Tố Tâm. Từ Tố Tâm sức sống rất mạnh, có đại phu, có thuốc thang, bệnh tình dần chuyển biến tốt. Nàng giống như cỏ dại, chỉ cần chút ánh mặt trời và nước mưa là có thể sống tốt. Nếu ánh mặt trời rực rỡ hơn một chút, nàng có thể sống rất mạnh mẽ, tràn trề nhựa sống.

Sức khỏe Từ Tố Tâm càng tốt, sắc mặt Từ thủ phụ càng không tốt. Từ nhị phu nhân xúi giục:

- Không thể vì một xú nha đầu mà khiến cả nhà chúng ta bị liên lụy!

Từ nhị gia cảm thấy có lý, liền hạ quyết tâm.

Đêm nay Từ nhị gia tự mình trông coi người nấu thuốc, tự mình đưa thuốc đến cho Từ Tố Tâm, buộc nàng lập tức uống hết. Từ Tố Tâm còn gì không hiểu, đôi mắt mỹ lệ của nàng vừa bi thương vừa tuyệt vọng, rưng rưng nhìn Từ nhị gia:

- Phụ thân, xin để con chỉnh trang lại đã, đừng nhếch nhác như vậy mà lên đường.

Từ nhị gia dậm chân:

- Ta cũng không bạc đãi con, yên tâm, ta sẽ làm cho con một đám tang thật lớn!

Con sống tuy không được nở mày nở mặt nhưng những gì cần chôn theo khi chết, toàn bộ đều đầy đủ, để con chết cũng nhắm mắt.

Từ Tố Tâm lẳng lặng nhìn phụ thân của mình, trong mắt là bi ai vô hạn.

Từ nhị gia bị nàng nhìn cả người không được tự nhiên, mạnh miệng quát:

- Sớm muộn gì cũng có một lần như vậy, trốn cũng trốn không khỏi, đây là số mệnh của con! Con đừng trách gì cả, chỉ trách bản thân số mệnh không tốt!

Từ Tố Tâm cười nhẹ nhàng thê lương, không để ý tới Từ nhị gia, tự mình đi đến trước bàn trang điểm, thả mái tóc như sương như mây ra, cầm lấy chiếc lược sừng trâu tinh xảo, hướng về phía gương, vô cùng trân quý chải từng cái từng cái một trên mái tóc dài. Nàng biết thời gian của mình không nhiều, nhìn nữ tử trẻ tuổi trong gương mà nàng có bao nhiêu quyến luyến, bao nhiêu không nỡ.

Trong lòng Từ nhị gia đột nhiên cũng chua xót:

- Ta không chỉ cho con một đám tang lớn, mà còn mời cao tăng niệm kinh siêu độ cho con. Con, con an tâm đi đi………..

Ra đến cửa, ông đuổi thị nữ của Từ Sâm đi hết, để một mình Từ Tố Tâm ở lại trong phòng.

Trước khi đi, để nó được thanh tịnh thôi.

Sáng hôm sau, thị nữ đẩy cửa tiến vào, Từ Tố Tâm y phục chỉnh tề nằm trên giường, đã tắt thở. Dung nhan nàng xinh đẹp bình yên giống như đang ngủ, vẻ mặt không hề có chút oán hận.

Từ thủ phụ vẻ mặt tươi cười vào triều.

Từ nhị gia lúc này cũng có chút ít thương tâm, định tổ chức một tang sự náo nhiệt cho Tố Tâm. Ân phu nhân mắng Từ nhị gia thối mặt:

- Cô nương nhà ai đã xuất giá còn cần nhà mẹ đẻ lo liệu tang sự? Không sợ mất mặt mà còn muốn làm đám tang thật lớn nữa chứ! Trong nghĩa địa Từ gia không chôn cái thứ đồi phong bại tục đó!

Lệnh mẫu khó cãi, Từ nhị gia không còn cách nào khác đành phải dùng giường êm lót vải gấm, sai người đặt Từ Tố Tâm lên, đậy vải liệm lại, khiêng đến Đại Bi Tự gần đó. Ông định sau khi mời cao tăng niệm kinh siêu độ sẽ tiến hành hỏa táng.

Đêm đó Đại Bi Tự vô ý bị cháy nhưng không tổn thất nhiều, chỉ thiêu rụi gian phòng chứa Từ Tố Tâm. Từ nhị gia thương tâm khóc lóc một trận, lại mời cao tăng làm hai lần pháp sự, rồi cũng cho qua.

Sau tang sự của Từ Tố Tâm, Ân phu nhân và Từ nhị phu nhân đều tinh thần sảng khoái. Nha đầu khiến Từ gia mất mặt, khiến chi thứ hai của Từ gia mất mặt cuối cùng cũng không còn chướng mắt trước mặt nữa! Nha đầu này gả cũng đã gả, còn muốn về nhà mẹ đẻ khiến trưởng bối ngột ngạt, đúng là trời sinh làm người ta chán ghét.

Vợ chồng Từ tam gia âm thầm rơi vài giọt nước mắt:

- Đứa trẻ tội nghiệp.

Từ đó về sau, không chỉ Từ tam gia mà ngay cả Từ tam phu nhân đều đối xử với thứ xuất Từ Tố Phương rất dịu dàng, rất quan tâm, khiến Từ Tố Phương rất khó hiểu.

Từ thủ phụ thăng chức thành người đứng đầu nội các, là trọng thần được Hoàng đế xem trọng. Đường làm quan đắc ý, trong nhà lại hòa hợp êm thấm, Từ thủ phụ xuân phong đắc ý mã đề tật.

* Xuân phong đắc ý mã đề tật: một câu thơ trong bài “Đăng khoa hậu” (Sau khi thi đỗ) của Mạnh Giao thời Đường, nghĩa là ‘ngọn gió xuân mát rượi, ta leo lên ngựa phóng đi’, chỉ cảm giác đắc ý, vui vẻ khi thành công trong công việc hay cuộc sống

Chỗ duy nhất không thuận lợi là Từ Sâm bị bệnh. Trận bệnh này của Từ Sâm rất nặng, đã xin nghỉ bệnh rất nhiều ngày, sau đó lại khiến ông sinh ra ý niệm từ quan trong đầu.

Từ thủ phụ lo lắng bệnh tình của trưởng tử, mời đại phu vô số, rất phí tâm tư. Nhưng cố gắng của ông trước sau luôn không hiệu quả, Từ Sâm vẫn không thể xuống giường.

Con rể Trương Mại đề nghị:

- Hay là đến Tây Sơn ôn tuyền thôn trang nghỉ ngơi đi.

Từ thủ phụ thấy ý kiến này không tệ, bèn đồng ý.

Lục Vân đi theo Từ Sâm, cả Từ Tốn, Từ Thuật, Từ Dật đều không đi học, người một nhà cùng đi Tây Sơn ôn tuyền thôn trang nghỉ ngơi.

Đến ôn tuyền thôn trang, Từ Sâm đẩy ái tử đang đỡ mình ra, run rẩy vén rèm che thật lớn trong phòng.

Sau tấm rèm, một thiếu nữ thanh xuân nhỏ nhắn yếu ớt dịu dàng đứng dậy, rưng rưng gọi:

- Đại bá phụ.