Tinh Hà Rực Rỡ, May Mắn Thay

Chương 40




Gần một trăm người của Trình phủ chia làm hai nửa, một nửa bao vây quanh cỗ xe của Thiếu Thương và Tang thị, nửa còn lại cầm đao xông lên, chuẩn bị nghênh chiến. Chỉ chốc lát, hai bên đã đánh giáp la cà, trông thấy đám kẻ địch mặt mày dữ tợn, biểu cảm khát máu, Thiếu Thương bỗng sợ hãi. Nhất là khi đám bọn chúng thấy bên này có nhiều lương thực, nhiều tỳ nữ trẻ trung mơn mởn thì càng thêm thèm khát. Tang thị che mắt Trình Vĩ lùi vào trong xe, các tỳ nữ ai ai cũng khiếp vía, có cô nhát gan cuộn tròn người bật khóc.

Sự sợ hãi xen lẫn buồn nôn trước hình ảnh xấu xa của toán thổ phỉ dần lắng xuống, cuối cùng Thiếu Thương cũng run rẩy thúc ngựa lao ra từ đằng sau cỗ xe, cầm thanh đảo kiếm mà Trình Tụng đã tặng chắn ngang trước ngực. Nhẩm tính nhân số địch ta, nàng cảm thấy sự anh dũng lần này chỉ cần dừng lại ở mức ra vẻ là đủ.

Nào ngờ đám thổ phỉ lại quá hung hãn, vừa thấy được sự chênh lệch đội ngũ thì lập tức vung đao lên, trông chúng rất chắc chắn binh sĩ của phủ đệ không có nhiều lực chiến. Tiếc rằng bọn chúng đâu phải đối mặt với phủ binh bình thường, trước khi xuất phát, cha Trình đã cố ý cho nửa đội cận vệ phò tá mình nhiều năm đi theo đội ngũ. Với lòng dũng cảm và dũng khí lăn xả biển máu núi đao, số lượng đối chiến cân bằng, lập tức dập nát thổ phỉ như vỗ thiêu thân.

Hai bên đánh nhau một trận kịch liệt, phủ binh Trình gia đã chém chết toàn bộ hai mươi ba mươi tên giặc cỏ, song những tên lăn lộn trên đất vẫn ngoác mồm la toáng ‘các ngươi chờ đấy, đằng sau sẽ đến giết sạch các ngươi’, vân vân.

“Bọn chúng chỉ là thổ phỉ trinh sát, ra ngoài thăm dò xem những nơi nào có thể cướp bóc, chắc chắn phía sau còn một toán lớn nữa.” Lý thái công nhìn thi thể la liệt dưới đất, dẫu trời đang lạnh nhưng áo lót đã thấm ướt mồ hôi. Bao nhiêu năm kinh qua chiến tranh loạn lạc, ông rất có kinh nghiệm với lối hành sự của đám giặc cỏ.

Gặp phải chuyện như thế, mọi người không dám chậm trễ, gấp rút đi về làng của Lý thái công. Nào ngờ họa đâu chỉ tới một lần, vì đánh xe quá nhanh mà cỗ xe Tang thị đang ngồi sa vào một hố trũng, bánh trái gãy trục, lật nghiêng thùng xe, toàn bộ phụ nữ trên xe đều bị đè bên trong.

Khi kéo được người ra khỏi cỗ xe hư hại thì chân trái Tang thị đã bị thương không nhẹ, chưa gãy xương nhưng bị xước một mảng lớn. Thiếu Thương suýt nghiến bể răng, vội vàng sai người đẩy hết rương hành lý trong một cỗ xe ra để dành cho Tang thị và người hầu, bỏ lại mấy chục xe hành lý không quá quan trọng, đội ngũ gọn nhẹ tiếp tục lên đường.

Thấy nàng vẫn còn nhỏ nhưng rất quyết đoán chỉ huy, Lý thái công không khỏi thầm khen.

Nào ngờ mới đi chưa được bao lâu, đằng sau lại truyền tới tiếng hô hoán sát phạt, còn rầm rộ hơn làn sóng trước đó gấp nhiều lần, mọi người lập tức biến sắc. Thiếu Thương thấy nơi này cách làng của Lý thái công còn xa, không thể tới kịp ngay trong chốc lát, nàng lại nhìn đoạn đường hướng tây lúc tới, nghĩ bụng, thật ra đâu phải không có cách chạy trốn.

Một mình cưỡi ngựa băng qua phiến rừng, bọn thổ phỉ chỉ bận cướp bóc đoàn xe, tất sẽ không để ý đến mình. Nàng đã nhớ đường, chỉ cần chạy tới quận Trần Lưu thì sẽ được an toàn, tới lúc ấy vờ nói là đoàn xe bị đánh tan rã, mình bị xua đến đây là được.

Nhưng… Thiếu Thương nhìn Tang thị mất máu tái mặt, còn có Vĩ Vĩ và cặp sinh đôi nữa, nàng lắc đầu.

Lại nhìn núi rừng quen mắt hai bên đường, nàng lập tức túm lấy Lý thái công đang đánh xe ngựa mà hỏi: “Ta nhớ trên đường tới đây, thái công nói ở nơi này có rất nhiều nhà săn bỏ trống. Dám hỏi thái công, ở đây có nhà săn nào dựa lưng vào núi, kế bên có thượng lưu con sông không?”

Nàng chưa từng đọc lý luận quân sự, song vẫn biết đến thành ngữ ‘hai mặt thụ địch’. Nếu kẻ thù đông hơn hộ vệ nhà mình, trong đoàn lại có không ít nữ quyến, thì dẫu có chống địch ở nơi vùng quê bằng phẳng rộng rãi như lúc nãy, kiểu gì cũng sẽ bị tấn công tiêu diệt rất nhanh, tới lúc đó chỉ còn một con đường chết. Chi bằng mượn địa hình kéo dài thời gian, dẫu sao cũng đã đem theo đầy đủ lương thực thuốc men, còn có cả nguồn nước, đủ để chống chọi được ít hôm, nói không chừng có thể đẩy lùi được đám thổ phỉ tùy tiện ra tay gây án.

Hơn nữa, nhanh thì hai ba ngày, trễ thì năm sáu ngày, chắc chắn sẽ có viện quân đến từ huyện Hoạt hoặc Trần Lưu. Nhưng nếu không có nhà săn như vậy thì sao? Thế thì đành một trận sống mái, nghe theo ý trời.

Lý thái công nắm rõ làng mình như lòng bàn tay, dẫn đoàn xe đi sâu vào trong rừng núi, rẽ trái quẹo phải vòng tới vòng lui, quả nhiên tìm được nơi trú ngụ lý tưởng: căn nhà săn này xây dọc theo núi, lưng dựa vào vách đá hình lõm rêu xanh um tùm, còn có mạch nước suối chảy từ trên cao xuống ở vách đá cạnh căn nhà. Chủ nhân căn nhà đã chạy trốn từ nhiều năm về trước, Lý thái công cảm thấy nơi này quá nguy hiểm nên sửa lại thành năm sáu gian nhà lớn, đề phòng có chỗ trú chân nếu sau này có đi săn.

Các gia tướng thăm dò địa hình một hồi, nói nơi này rất lý tưởng, vừa nói vừa thành thạo đốn hạ những cây gỗ to cỡ miệng chén, làm thành chướng ngại vật* theo hình hàng rào, vây kín bãi đất bằng phẳng trước nhà, sau gần một canh giờ bận bịu, cuối cùng nhóm thổ phỉ cũng băng rừng tìm đến.

(*Từ gốc là “cự mã”, chướng ngại vật chống ngựa băng qua làm bằng khung gỗ hoặc sắt có chằng dây thép gai ở trên, ảnh minh họa.)

Nhóm thổ phỉ này có đến ba bốn trăm người, tiếng hò hét rung chấn đất trời, đánh nhau lại rất tàn bạo độc ác, khiến bao người mất hồn khiếp vía, nhưng có vẻ bọn chúng chỉ là tổ hợp ghép tạm thời, phối hợp không ăn ý, hiệu lệnh không thống nhất, binh bị cũng không đầy đủ. Sau màn mưa tên chằng chịt ban đầu thì cũng chỉ lác đác vài mũi tên ngầm.

Ngoài ra khoảng đất trống trước nhà khá hẹp, toán thổ phỉ không thể cùng nhau xông lên để chiếm lợi về đa số, mà chỉ có thể từng nhóm nhỏ xông lên. Kẻ cầm đầu hô to ‘các anh em xông lên cho ta, đàn bà tiền của tùy các ngươi lấy’, sau đó hai bên đánh nhau cheng cheng cho tới tận bây giờ. Trời hết tối rồi lại sáng, vừa không công phá được chướng ngại vật mà cũng không đuổi được thổ phỉ.

Những lúc thong dong là khi hai bên đánh nhau mệt rồi, trợn mắt hằm hè nhìn nhau ăn uống, thầm tính toán phải tấn công đối phương thế nào.

Lúc mạo hiểm nhất là mấy chục hãn phỉ ỷ có ngựa to khỏe, nhân lúc màn đêm vượt qua chướng ngại vật xông vào trước nhà, rắp tâm phá vỡ phòng tuyến. Cũng may hộ vệ dày dặn kinh nghiệm đã bố trí trước mấy sợi dây thừng gạt ngựa giăng trước nhà, chúng vừa xông lên thì kéo ngã ngựa, rồi xúm lại đánh giáp la cà với toán thổ phỉ. Nhưng cho dù như vậy thì vẫn có khoảng mười hãn phỉ cưỡi ngựa điêu luyện nhảy chồm lên dây thừng, chộp bảy tám tỳ nữ đang chạy trốn, vắt ngang trên lưng ngựa bắt đi.

Thiếu Thương cứ ngỡ đối phương sẽ dùng những tỳ nữ ấy làm con tim, uy hiếp bọn họ buông vũ khí đầu hàng, nào ngờ hai bên giao chiến với nhau cả nửa ngày mà không thấy thổ phỉ làm gì. Nàng lập tức nhận ra: ở thời đại này làm gì có chủ nhân chịu nhượng bộ chỉ vì bảy tám nô tỳ hèn mọn. Ngay tới thổ phỉ cũng hiểu được giá trị chung này nên mới không đưa ra yêu cầu ngu ngốc đó.

Đứng sau bức tường người do hộ vệ tạo thành, Thiếu Thương rất buồn, và cũng không rõ có nên lấy làm vui vì kỹ thuật đầu thai của mình hay không.

Trong số tỳ nữ bắt đi có một cô bé có lúm đồng tiền bên má trái, tuổi chưa đầy mười lăm, hoạt bát đáng yêu, bình thường rất được Tang thị mến, cũng hay tới nghe nàng thổi sáo.

Lúc đó cũng có một gã thổ phỉ xông về phía mình giơ tay toan bắt đi, song vũ tỳ bảo vệ nàng đều là cao thủ, lập tức động thân xông lên. Một người vung kiếm soạt soạt mấy đường, chặt đứt bàn tay vươn ra của tên giặc, người kia lăn vòng tại chỗ, liên hoan song đao chém chân ngựa. Ngựa bị đau, lập tức hất văng tên thổ phỉ, kế đó bị các hộ vệ chém nát.

“Có lẽ đám cướp chỉ làm nhục các nàng thôi, chứ không tới mức giết người đâu nhỉ?” Thiếu Thương cố đứng thẳng người. Bây giờ vấn đề trinh tiết không còn quan trọng, chỉ cần các cô gái ấy còn sống.

Hai vũ tỳ nhìn nhau, một trong số đó nói: “Nữ công tử chớ nghĩ nữa. Chỉ có sống sót thì mới có thể báo thù.”

Con tim Thiếu Thương lạnh buốt, bàn tay cầm chuôi kiếm run lẩy bẩy.

Hai vũ tỳ lợi hại này được Tiêu phu nhân phái theo bảo vệ nàng, thế tức nghĩa là chủ nhiệm Tiêu cũng từng gặp cảnh máu tanh ghê rợn như thế ư, cũng từng gắng gượng giãy giụa chạy trốn như vậy ư, cũng trơ mắt nhìn những người bên cạnh bỏ mạng chết đi ư?

“Niệu Niệu, mau quay về đây! Cháu đứng trước đó làm gì, cẩn thận bị tên loạn làm thương!” Tang thị được A Trữ dìu, tập tễnh đi tới trước cửa nhà, sốt ruột hô to.

Thiếu Thương chạy tới, nhưng phát hiện bắp chân bên trái của Tang thị lại rướm máu, nàng cau mày: “Thẩm vào trong nằm đi.” Vừa nói vừa cùng A Trữ dìu Tang thị đi vào.

Chính giữa phòng có một đống lửa, Lý thái công ngồi cạnh lửa được tỳ nữ băng bó vết thương trên tay, Trình Vĩ và cặp song sinh đã được sắp xếp ở chỗ khác. Thiếu Thương đỡ Tang thị nằm xuống chiếc giường thô sơ, gọi tỳ nữ đến băng bó lại vết thương, A Trữ múc một bát canh táo tàu ngọt lịm trong chiếc nồi đồng treo trên bếp lửa, đút Tang thị chậm rãi uống dần.

Thiếu Thương ngoái đầu, khom người chắp tay: “Đã liên lụy đến thái công rồi, đang yên ổn ở nhà ngậm kẹo đùa cháu, nay phải tới đây chịu cực.”

Lý thái công vẫn cười như ông phật Di Lặc, “Năm ấy quan binh thổ phỉ đồng lõa càn quấy làng mạc, ấy mới là chuyện bi thảm nhất trong đời! Nữ công tử chớ lo, hôm qua ta đã dặn gia đinh đi vòng quanh núi về làng gọi viện binh, nhất định sẽ nhanh hơn huyện Hoạt và Trần Lưu nhiều. Tới khi ấy hai mặt giáp công, chúng tôi sẽ che chở phu nhân và nữ công tử rời đi trước.”

Thiếu Thương đã không còn ngu ngơ thế sự như hồi mới đến, cùng lắm trong làng Lý thái công có chừng trăm hương dũng, nhưng sức chiến đấu ra sao thì khó nói được.

Lý thái công như đoán được suy nghĩ của cô gái, cười nói: “Mong nữ công tử không nghĩ là lão hủ chỉ đang trấn an, tám năm qua lệ làng rõ ràng, lề lối rất tốt. Lão hủ không biết rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì, nhưng trên có Châu mục, dưới có Thái thú, ngày trước bọn họ cũng là người năng chinh thiện chiến, tất sẽ không trơ mắt nhìn thổ phỉ làm bậy. Chỉ cần chúng ta cố chịu thêm ít hôm là được.”

Thiếu Thương cười không nói, vậy nếu sơ suất xảy ra ở chính Châu mục hay Thái thú thì sao. Ví dụ như gia tộc Bố thị, chủ nhân cũ của phủ đệ Vạn gia chẳng hạn, không phải cũng đầu hàng phản bội đấy ư.

Nghĩ đến đây, Thiếu Thương hỏi: “Thái công, Châu mục Duyệt Châu và Thái thú quận Đông phò tá bệ hạ từ trước, hay về sau mới quy thuận?”

Lý thái công ngẩn người, sờ ria mép: “Chuyện này… Châu mục đại nhân thì lão hủ không rõ, nhưng lão hủ có dịp bái kiến Thái thú mấy lần, trên bàn tiệc rất thích kể chuyện năm xưa đã phò tá vua thế nào, bệ hạ từng gặp khó khăn ra sao rồi oai phong đến đâu, nên có lẽ là theo phò tá từ trước.”

Thiếu Thương thở phào. Tang thị ở bên kia nghe được thì đặt bát canh xuống, cười nói: “Những người quy thuận đều là hào kiệt các phương, bệ hạ chưa bao giờ xem thường bất cứ ai, đại đa số đều làm quan trong triều.”

Câu này có thâm ý, Thiếu Thương gật đầu. Nhưng chỉ cần biết Thái thú Đông Quận đáng tin là đủ.

Không biết nghĩ đến điều gì, Tang thị chợt a lên: “Chỗ chúng ta thế này, không biết thúc phụ con ra sao đây? Nếu biết xảy ra chuyện thì chúng ta đã lên đường từ sớm cho rồi, khéo bây giờ đã đến huyện Hoạt.” Vợ chồng ân ái hơn mười năm, nghĩ đến việc chồng có thể gặp bất trắc, tim bà như bị xẻo một miếng.

“Cháu thấy có lẽ thúc phụ sẽ không gặp chuyện gì đâu, nhưng huyện Hoạt thì e không ổn.” Thiếu Thương lầm bầm.

Tang thị không rõ nên sợ hay mừng: “Sao cháu biết?”

Thiếu Thương thở dài, nói: “Ba ngày trước lúc chúng ta vừa rời khỏi Trần Lưu, không gió không mưa, làng của Lý thái công cũng yên bình, nhưng huyện Thanh lại có vẻ bất ổn, cho nên có thể thấy, nếu có sự cố tất sẽ bắt nguồn từ phía đông.” Nàng nhặt lấy một cành cây vẽ xuống đất, quan sát bản đồ, Ti Lệ, Duyệt Châu, Thanh Châu xếp thẳng một hàng theo thứ tự từ tây sang đông.

“Bệ hạ tuyên chỉ đi tuần mấy châu phía đông, tính từ ngày khởi giá, dù chậm đến đâu thì cũng đã tới Thanh Châu rồi, nhưng hôm nay chúng ta đã đến Duyệt Châu mà ngự giá vẫn còn ở quận Đông của Duyệt Châu, điều này chứng tỏ gì? Thanh Huyện có chuyện lạ, trong quận Trần Lưu không có phong thanh, điều này còn chứng tỏ gì nữa?”

Lý thái công bị thu hút, bất giác hỏi: “Chứng tỏ cái gì?”

Thiếu Thương nói: “Quá rõ ràng, có kẻ mưu đồ nổi dậy, đầu tiên là trì hoãn hành trình của ngự giá, rồi đột nhiên làm loạn, khiến không ai phát hiện kịp thời. Thái công nói vài ngày trước bệ hạ mới đi ngang qua huyện Thanh, ta đoán chuyện xảy ra trong chính những ngày này, ở phía tây huyện Thanh, cho nên mới không ai biết nguyên nhân. Vả lại…”

Nàng dùng cành cây vẽ một vòng tròn nhỏ ở vị trí phía đông huyện Thanh: “Ta nghi ngờ nơi xảy ra chuyện không phải huyện Hoạt mà là nơi giáp với huyện Hoạt! Nên sau khi nghe ngóng được tình hình, Công Tôn huyện lệnh mới vội vàng dẫn người ứng cứu, bỏ trống huyện thành không người phòng thủ. Ta nhớ đám thổ phỉ trinh sát chúng ta gặp hồi sáng là đi từ hướng đông nam đến bắc, nếu không gặp phải chúng ta thì có lẽ sẽ xông đến cướp huyện Thanh.”

Tang thị mừng rơn, run run: “Theo như con nói thì thúc phụ con bây giờ không sao?”

“Còn không bằng để chúng đi tấn công huyện Thanh trước! Tường lũy ở huyện đó kiên cố vậy mà.” Thiếu Thương giận dỗi lẩm bẩm, “Thẩm lo cho chúng ta trước đi, bây giờ bên ngoài còn có một đám hãn phỉ reo vui rộn rã đang chờ bắt chúng ta mở tiệc đây!”

Nàng không khỏi chửi thầm, Tam thúc đúng là cái hố lớn gây sốc!

Lúc ở Trần Lưu thì cứ hối lên đường, ở lại hai ngày cho nàng xem mắt thì chết hả; tới khi đến huyện Thanh thì cực kỳ oai phong, nhất quyết bỏ lại vợ con tự mình vào thành, có cái đầu chỉ để trang trí thôi hả? Không biết động não mưu tính à! Nếu không thím cháu các nàng cùng vào huyện thành thì cũng tốt hơn là bị truy sát ở cái chốn núi rừng lạnh lẽo thê lương này. Lo cho cái móng giò Trình Chỉ ấy hả? Lo cái ***! Tang thị không thủ tiết thì thôi chứ Trình Chỉ mà góa vợ ấy hả, không có miếng đậu nành Tang thị thì còn đu đủ khắp thế giới kia kìa, để xem ông ấy có nấu tiếp một nồi canh khác không?!

Lý thái công vuốt râu, cười khà khà: “Không hổ là tướng môn hổ nữ, gia học sâu rộng, nữ công tử nhận xét chí phải!”

Thiếu Thương cười gượng. Lúc này nàng bỗng rất nhớ cha Trình và chủ nhiệm Tiêu, nếu là đôi vợ chồng đó, một người đại trí giả ngu, một người đầy bụng mưu mô, thì bản thân đâu phải rơi vào nông nỗi này!

Tang thị đang định lên tiếng thì bỗng nghe thị vệ ở ngoài hô to: “… Viện binh tới! Viện binh tới rồi!” Âm thanh chất chứa mừng rỡ.

Người trong nhà vừa mừng vừa sợ, Thiếu Thương và Lý thái công đứng bật dậy, Tang thị cũng nhổm người lên, nhưng do chân bị thương mất máu nên không còn sức, chỉ mới thế thôi mà đã ngất đi. Thiếu Thương dặn A Trữ chăm sóc Tang thị rồi theo Lý thái công đi ra khỏi phòng.

Tính toán thời gian đi về, hẳn viện quân lần này đến từ làng của Lý thái công, vốn dĩ Thiếu Thương còn băn khoăn sức chiến đấu của hương dũng, song khi vừa bước ra thì lại phát hiện tiếng đánh nhau như sấm rền sét giật.

Khu rừng này vốn như đầm nước sâu, dù có tiếng động thế nào thì cũng như ném đá xuống đầm, không một gợn sóng. Ấy vậy mà sát khí đằng đằng trước mắt lại chấn động khắp cả núi rừng.

Thiếu Thương ngước mắt nhìn, thấy một toán tướng sĩ giáp đen lông trắng xông tới như thủy triều, vó ngựa như hổ gầm sói chạy, chỉ chốc lát đã đến ngay trước mặt. Bọn họ chẳng cần dàn trận, ngựa vừa phi tới là đánh ngay, đến trước đánh trước, đến sau vung đao.

Đám thổ phỉ không màng đến quân hộ vệ của Trình phủ nữa, vội xoay ngược lưỡi đao, trở đầu ngựa kháng cự, nhưng quân đoàn giáp đen quá tinh nhuệ, dù là kỹ thuật cá nhân hay phối hợp tập thể thì cũng bỏ xa đám ô hợp này, càng không nói đến đội kỵ sĩ giáp đen ồ ạt xông tới từ phía sau.

Thiếu Thương ngẩn ra, ngơ ngác: “Thái công, đây, đây là người đến từ làng của lão à…? Dũng mãnh quá.” Dạo này nông dân vũ trang địa phương lại mạnh mẽ ghê gớm đến vậy kia hả?

Lý thái công cũng ngẩn ra, lắp bắp: “Đâu… đâu có…”

Thiếu Thương im lặng nhìn ông, tức là ông thừa nhận rồi hả.

Bỗng Lý thái công thấy một nhóm tráng đinh của làng lẫn trong đội quân giáp đen, lúc này ông mới hô to với người trẻ tuổi mặc áo chùng dẫn đầu: “Ngũ lang! Con trai ta! Cha ở đây! Cha ở đây…”

Phải tới hơn một nghìn người mặc bào đen giáp đen xông tới, nhanh chóng lấp vào sắc màu trắng muốt của núi rừng, ngoại trừ mấy trăm người phía trước đang chém đầu thổ phỉ, hàng trăm binh sĩ còn lại siết cương dàn trận. Bọn họ vừa giương cao lá cờ chiến màu đen viền vàng, vừa cùng bao vây quanh vị tướng quân cưỡi chiến mã đen, đội ngũ mấy trăm người đứng yên như thế, tưởng chừng là u linh chốn rừng thẳm.

Lúc này, mấy trăm kỵ sĩ giáp đen đằng trước như sói đói ăn thịt cừu, trong nháy mắt đã cắn sạch gần hết toán cừu non đẫm máu. Nhưng ai hay trong thổ phỉ có một tên cầm đầu rất dũng mãnh, thấy đồng bọn của mình bị tiêu diệt sạch bách, số còn lại khóc rống đầu hàng, thế là tập hợp hơn mười tên giặc cỏ trung thành với hắn, lấy hết sức công phá vòng vây của đoàn quân giáp đen, hét lớn một tiếng xông thẳng đến chỗ vị tướng quân kia, như muốn liều chết một trận cuối cùng.

Tên cầm đầu vừa vùng vẫy chém tứ tung, ngồi trên ngựa vung thanh mã tấu khổng lồ bằng hai tay, liên tiếp hạ gục những hộ vệ chặn phía trước. Vị tướng quân vung tay trái lên, chặn lại vệ binh đang định tiến lên chống trả, tay phải tháo binh khí dài màu vàng treo trên ngựa, tiếp đó phóng ngựa xông lên. Tên cầm đầu giết chốc đến hằn đỏ mắt, cầm đao lao tới, tướng quân nọ trở tay, như vung lấy sợi chỉ mặt trời, ngay lập tức tỏa ra một vầng hào quang ánh vàng rực rỡ.

Thiếu Thương nghĩ, có lẽ vị tướng quân này phải mạnh mẽ lắm. Y giơ cao vầng thái dương trong tay, như một con chim phụng màu vàng giang rộng đôi cánh chói lóa, ngay khắc sau bổ mạnh xuống chính diện, cánh tay cầm đao của gã thủ lĩnh lập tức đứt lìa.

“Hay!” Lý thái công khen rát cổ, như một người kể chuyện cổ tích trong quán trà đang quá nhập tâm, “Hay cho kích vàng Xích Phượng Kình Thiên! Quả là độc nhất vô nhị!”

Ông kích động tới nỗi chòm râu rung lên, đoạn quay qua cười nói với Thiếu Thương: “Lão hủ có hai đứa cháu họ ở trong Vũ lâm vệ, từ lâu đã nghe nói về thứ binh khí phi thường này, cuối cùng hôm nay cũng được chứng kiến!” Rồi ông lại khinh bỉ nhìn đống thi thể của đám thổ phỉ la liệt dưới đất, “Tiếc là kẻ địch quá bất tài, không có cơ hội nhìn thấy uy lực thần kỳ của đôi rìu Thú Văn Phá Vân!”

Thiếu Thương nhìn tình cảnh nơi xa, lại nhìn qua Lý thái công: ông cụ này đang cảm thấy tiếc rẻ vì giặc cỏ chưa đủ lợi hại?

Nàng bỗng nghĩ đến một chuyện, hỏi vũ tỳ bên cạnh: “Thế phụ thân ta dùng binh khí gì?”

Một người trả lời: “Tướng quân dùng trường đao Cửu Hoàn Hậu Tích, nặng hơn tám mươi cân.”

Thiếu Thương không muốn nói. Đặt cái tên quá kém, có nặng 250 cân cũng vô ích!

Lúc này, trận chiến đằng trước đã kết thúc, hộ vệ Trình phủ lần lượt di dời chướng ngại vật, đội quân áo đen cũng từ từ tập hợp đội hình. Lúc bấy giờ tuy trời đã sáng, nhưng nắng ban mai khó chiếu thấu phiến rừng, chỉ len lỏi vài tia sáng nhạt nhòa.

Vị tướng quân nọ thu cây kích vàng về, từ giữa đội thị vệ vây xung quanh, y chậm rãi thúc ngựa đi tới, bất chợt ngẩng đầu nhìn lên. Tia nắng vàng nhạt như sợi tơ đang vào áo giáp đen láy trên người chàng, nhảy múa trên gò má trắng nõn của chàng, góc cạnh tuấn tú, bút nào phác nổi vẻ đẹp kia.

Trông thấy gương mặt đó, Thiếu Thương lập tức cứng nửa thân hình. Liệu có thể đổi viện binh được không, nàng cảm thấy phe mình vẫn còn sức cầm cự.