Tiễn Thần

Chương 43: Vết máu




Kỳ Ô là một thành nhỏ sát núi Tung Vụ tại cánh đông Vĩnh Thịnh. Vĩnh Thịnh sầm uất, Kỳ Ô cũng bởi thế mà náo nhiệt theo. Các đội buôn nhỏ thường dừng chân ở Kỳ Ô nhằm tiết kiệm chút ít phí trọ.

Quỷ mộ đã bị phá, do đó hàng hóa treo danh quỷ mộ- bất luận thật giả- bắt đầu được bày bán khắp mọi nơi. Các thương nhân chỉ lo để lỡ dịp này nên còn làm lụng quần quật hơn ngày thường, ngoài ra còn có sự góp mặt của đủ hạng người khác nữa.

Ví dụ như hôm nay, lại xuất hiện bốn kẻ dị hợm trước cổng thành.

Bốn kẻ này ăn mặc giản dị, song ai nấy đều dùng nón màn che mặt, trông sao cũng thấy khả nghi.

Vệ binh canh cổng làm hết bổn phận: "Trình giấy thông hành ra."

Một người trong đó gỡ nón và tươi cười nói: "Quân gia, bốn kẻ chúng ta phiêu bạt khắp đó khắp đây, đã đánh mất giấy thông hành của nhà quan rồi."

Kẻ này ôm một con ngỗng béo nằm im thin thít, nhìn tương đối quái lạ, nhưng lại không giống phường hung ác.

Thấy dung mạo xuất chúng của đối phương, vệ binh cũng mềm mỏng hơn: "Cởi hết nón xuống đi, rồi báo tên môn phái và tín vật chứng minh cho ta xem."

Một chất giọng dịu dàng cất lên: "Sư tôn, trước kia cũng nghiêm ngặt vậy sao?"

Tiếng nói của y êm ái như trà, làm người nghe không khỏi buông lòng cảnh giác. Vệ binh giũ đầu, cố gắng giữ vững lập trường: "Rối loạn mấy ngày nay chính là do người giang hồ các ngươi mang đến. Phía trên có lệnh, mặt mũi và vật chứng minh, không được thiếu thứ nào."

Kẻ được gọi là "sư tôn" vừa nhấc nón vừa chậm rãi mở miệng bằng thứ âm thanh mê hoặc hơn nữa: "Người ta làm việc công, các ngươi đừng quấy rối. Quân gia, chúng ta chỉ là một..."

"Là tông Hợp Hoan ghé qua nơi này." Thanh niên ôm ngỗng tiếp lời.

"Sư tôn" nọ run bắn cả tay, suýt thì làm rơi nón. Không có mạng che, hắn để lộ ra đôi mắt phượng màu hổ phách đầy bối rối: "Tô Tứ!"

"Thôi nào tiền bối, nơi này liền kề Vĩnh Thịnh, các quân gia hiểu rộng biết nhiều, nào có ai họ chưa từng thấy? Dù chưởng môn thích loại hình thẹn thùng như ngài thì cũng chín quá hóa nẫu đấy." Tô Tứ cười khì.

"Sư tôn" đần thối mặt, muôn lời muốn nói chỉ hóa được thành một tràng ho khan.

Các vệ binh đúng là biết rộng hiểu nhiều, nhưng khi nhìn thấy khuôn mặt của hai sư đồ nhà kia họ vẫn phải thừ người tại chỗ. Đồ đệ có vẻ thoải mái hơn sư phụ, giọng y vẫn chứa ý cười: "Quân gia, để chúng ta qua được chứ?"

"À được... à không không không được, tín vật chứng minh môn phái đâu? Dù, dù có là tông Hợp Hoan thì cũng phải kiểm tra đã..." Vệ binh càng nói càng lí nhí.

Chỉ nhìn riêng nhan sắc các vị này, nếu không phải tông Hợp Hoan thì chỉ có thể là tiên môn trong truyền thuyết. Chẳng qua xưa giờ chỉ có tông Hợp Hoan tự sánh mình với tiên môn, chứ đâu thấy tiên môn nào tự xưng tông Hợp Hoan bao giờ.

Đồ đệ lễ phép nói: "Trước đó chúng ta bị cuốn vào một trận chiến nên sơ ý để lạc mất ấn chương. Tuy nhiên lại vẫn có biện pháp chứng minh, mời quân gia xem thử."

Sau đó y quay sang nói với người bên cạnh: "Nào, sư tôn."

Dựng mũ, vén mạng che, đồ đệ níu áo sư phụ, lấy mũ mạng bằng lụa trắng che nửa khuôn mặt rồi chủ động hôn hắn.

Doãn Từ không thật sự hôn Thời Kính Chi.

Y nửa dùng nón nửa lợi dụng góc độ. Hơi thở của hai người hòa vào nhau, môi cách môi một đường chỉ mập mờ, gần như kề sát. Thời Kính Chi cũng là kẻ khôn ngoan, hắn nhắm mắt hùa theo mà không để lộ sơ hở.

Khoảnh khắc ấy bốn phía im phăng phắc.

Dù là tông Hợp Hoan tiếng xấu lan xa thì cũng hiếm gặp trường hợp nào sư đồ tằng tịu trước mặt người ngoài. Dung nhan vốn đã chẳng giống người phàm của hai người lại càng tăng tính sát thương, mỗi một "bằng chứng" thể hiện ra đều khiến người ta phải loạn nhịp. Không hé nửa lời, vệ binh yên lặng nhường đường cho họ.

Sau khi vào thành, Thời Kính Chi đội mũ mạng cẩn thận rồi thở dài: "Tô Tứ à..."

"Với bề ngoài của hai người thì có mượn tên môn phái nhỏ nào cũng sẽ làm xôn xao dân tình." Tô Tứ thoái mái đáp, "Chẳng thà cứ tự xưng là tông Hợp Hoan để họ thiên vị cho chút. Chưởng môn, mạng quý hơn mặt chứ!"

Thời Kính Chi: "Không, ta chỉ định khen ngươi rất cơ trí."

Tô Tứ: "..." Mình đã đánh giá thấp độ dày da mặt trung bình của phái Khô Sơn rồi.

Ban nãy Diêm Thanh nhắm mắt giả mù nên không hề hay biết chuyện vừa rồi. Thấy mọi người trò chuyện, cậu ta vừa định đặt câu hỏi thì đã bị Tô Tứ lắc đầu ngăn cản với vẻ mặt vô cùng nghiêm túc.

Mấy ngày gần đây bọn họ không quá an ổn.

Nhờ có sức mạnh ẩn giấu của Doãn Từ và sự gia nhập của một Tô Tứ giỏi võ công, Trịnh Phụng Đao đoán sai tốc độ của họ, để rồi bị bốn người cắt đuôi trên núi Tung Vụ. Chẳng qua đến được đây, phái Khô Sơn cũng coi như kiệt sức. Rắc rối ở chỗ họ không hề hay tin về tình hình bên ngoài, thành ra không thể không đi nghe ngóng một phen.

Chắc chắn nơi đây cũng có tai mắt của Lăng giáo, cẩn thận là hơn. Lần này chính lớp vỏ bọc tông Hợp Hoan lại giúp họ hành động thuận tiện hơn không ít.

Ví dụ như ở quán trọ- ông chủ lữ quán lặng lẽ thu xếp cho họ phòng khuất nhất, tránh cho các vị khách khác bị làm ồn trong đêm.

Thời Kính Chi đặt hai phòng rồi lập tức chui vào gian của mình. Hắn lạch cạch bày ra một hàng dụng cụ với vẻ mặt nghiêm túc, hẳn là muốn kiểm tra thứ linh dược đã mất hiệu lực kia. Doãn Từ cảm giác sau khi rời khỏi thôn Nguyên Tiên, hồ ly vô cớ trầm tính hơn, nên khó trêu hơn trước.

Nếu là lúc mới quen thì y đã được thưởng thức một phen cà chua họ Thời khi ở trước cổng thành rồi.

Thời Kính Chi giờ phút này nhạt nhẽo chết. Hắn ngồi thẳng đơ trước bàn như tượng đá, y như thể mới bị một lão hủ nho đoạt xá. Lại qua mấy canh giờ, Doãn Từ rảnh rỗi đến mức bắt đầu nảy lòng xấu xa. Thừa cơ Thời Kính Chi tập trung tinh thần, y lặng lẽ dùng khinh công đến gần và thổi hơi bên tai sư phụ.

Thời Kính Chi run một cái, da gà da vịt nổi từ đầu xuống chân.

Tốt lắm, vẫn là sư tôn mà y hằng quen thuộc. Thời Kính Chi chưa kịp nổi giận, Doãn Từ đã ghé sát: "Sư tôn, linh dược này sao thế?"

Câu hỏi của y được cất lên với giọng điệu vô cùng ngoan ngoãn đoan trang, như thể vừa rồi chẳng gây ra chuyện gì trái lương tâm vậy.

Thời Kính Chi cam thấy bi thương.

Nuôi đồ đệ mỏi mòn năm tháng, ấy thế nhưng tôn sư chẳng thấy chỉ thấy mặt dày ngày thêm ngàn dặm, quả là phí phạm các vỏ ngoài tinh xảo. Tuy nhiên cứ nghĩ đến giọt máu đào rơi trên mặt trong phong trận ngày đó, là Thời Kính Chi lại chẳng thể nào nổi giận.

Từ lúc dưới quỷ mộ, Doãn Từ đã thường xuyên thích dán lại gần chẳng biết vô tình hay cố ý. Hiện giờ y xé bỏ tấm mặt nạ yếu mềm, lại chủ động tiếp cận, khiến Thời Kính Chi vô cớ cảm nhận được cảm giác bên nhau thời hoạn nạn.

Người sống trên đời tất có ham muốn. Có lẽ Doãn Từ chỉ là chưa thấy rõ du͙ƈ vọиɠ của mình.

Mỗi lần nghĩ về chuyện này, đáy lòng Thời Kính Chi lại dấy lên một loại cảm xúc thân cận gần như quái đản, do đó thái độ của hắn với Doãn Từ cũng khoan dung hơn không ít.

"Linh dược hẳn là nước chiết từ thực vật nào đó, mùi khá giống rượu tiên. Tuy nhiên linh dược trị bệnh trị thương, rượu tiên thì kéo dài tuổi thọ, nghe chừng chung gốc nhưng khác biệt không nhỏ."

Thời Kính Chi chấm lên chất lỏng màu vàng rồi đưa lên lưỡi nếm thử.

"Vậy là linh dược chỉ có công dụng tại thôn Nguyên Tiên, rời đi ắt biến chất. Hơn nữa nó không trị được thương tật bẩm sinh... A Từ, kinh mạch ngươi khuyết thiếu bẩm sinh đúng chứ?"

"Ừ." Doãn Từ nói dối.

Kinh mạch của y không khiếm khuyết bẩm sinh. Y cũng từng vận chuyển nội lực, tàn sát vô số chỉ trong chớp mắt. Chẳng qua thể xác này đã vô cớ hư hại hết mấy trăm năm, mà mấy trăm năm thì, so với người phàm, gọi là bẩm sinh cũng không sai lắm.

"Chẳng trách linh dược vô hiệu với kinh mạch của ngươi. Nếu là ta thì hẳn cũng phải ở lại thôn và uống nó mỗi ngày thì bệnh ta mới ổn định được." Thời Kính Chi lắc đầu, "Xem thái độ của thần nữ, linh dược không quý bằng rượu tiên."

Ý nói thứ này không có nhiều tác dụng, họ vẫn nên bỏ qua mà tiếp tục tìm thị nhục.

Doãn Từ đã không còn nhiều hứng thú với linh dược sau khi thử dùng. Linh dược tính ôn, hiệu quả ngắn, quả thực không thể chế ra chất kịch độc. Chẳng qua linh dược gần gốc với rượu tiên, nếu công dụng của chúng tương đương một mảnh thị nhục, thì biết đâu lại hái được ba quả dưa trên cùng một dây. Diêm Bất Độ đã giao cho họ dây leo "thôn Nguyên Tiên" thì quả là lãng phí nếu không kéo nó thử một cú.

"Sư tôn, ta nhớ thành Vĩnh Thịnh có điện thờ Thần quân Đế Ốc. Qua đợt này chúng ta đến đấy một chuyến chứ?"

"Ừ, trước tiên xử lý đầu mối của Diêm Bất Độ đã." Thời Kính Chi đặt linh dược xuống mà đấm đấm cái eo đau nhức.

Vật lộn với đám chai lọ mấy canh giờ khiến người ngợm hắn cứng như khúc gỗ. Thấy hắn ngẩn ngơ, chút lòng mến trẻ còn sót lại trong Doãn Từ tức khắc tro tàn lại cháy: "Nghỉ ngơi đi, ta đi làm hai bát cháo lê."

Nào ngờ lần này Thời hồ ly không tham ăn. Hắn kéo tay áo Doãn Từ mà kiên quyết nói: "Khoan hẵng đi."

"Sao thế?"

"Dạy ta khinh công."

Doãn Từ nhướng mày: "Sư tôn, đã canh ba rồi đấy. Trịnh Phụng Đao không phải Diêm vương, không bỗng dưng nhảy tới lấy mạng đâu."

Cặp vuốt của Thời hồ ly vẫn chắn khỏe như cũ, hắn trầm giọng nói: "Dạy ta."

Doãn Từ không thuyết phục được hắn nhưng lại lười động đậy: "Thứ người thiếu không phải năng lực mà là thực hành. Giờ ta dạy thì người cũng phải luyện tập ít bữa mới thông thạo được."

"Ta biết, nhưng cứ một giây trôi qua là lại ít đi một giây luyện tập, vậy chẳng thà tận dụng sớm được giây nào hay giây nấy."

Doãn Từ ngẩn người. Không từ chối nữa, y liền dạy Thời Kính Chi bộ pháp có tính nền tảng nhất. Tóm lại cứ dỗ ngọt hồ ly, để cho hắn tự suy ngẫm lý thuyết trước đã. Còn luyện tập chính thức thì để mãi bắt đầu cũng chưa muộn.

Bộ pháp là cốt lõi nhập môn của khinh công, lại không phức tạp. Nhưng đối với một người thực chiến còn thưa như Thời Kính Chi thì đây là một thách thức nho nhỏ- bất luận tài năng có phi phàm đến đâu thì trên đời vẫn có những đích đến không thể đi bằng đường tắt.

Hiển nhiên Thời Kính Chi hiểu điều này. Hắn không hề di chuyển, mà chỉ nhìn chằm chằm động tác của Doãn Từ không chớp mắt, như sợ bỏ lỡ một chi tiết nhỏ nào.

Cuối cùng, hắn thở hắt ra một hơi và nói với giọng cảm khái: "Đa tạ, ta luyện một hồi rồi lại ngủ... A Từ, ta vẫn muốn ăn cháo lê."

Doãn Từ: "..."

Giây trước được lợi, giây sau nhuần nhuyễn làm bộ bé ngoan đòi thêm thưởng. Giỏi lắm.

Ban đêm, Doãn Từ vừa nhóm lửa nấu cháo vừa đăm chiêu xoắn mày. Rốt cuộc là y quá khoan dung với sư phụ gà mờ, hay là Thời Kính Chi quá thông minh, đến độ biết cách bắt chẹt ở chính xác cái điểm mà y chẳng muốn chối từ?

Dường như Thời Kính Chi luôn có khả năng tăng thêm những nghi vấn lưỡng khả trong y. Cháo đã nấu xong mà Doãn Từ vẫn không thể đưa ra câu trả lời.

Quên đi, dẫu sao chỉ là mấy việc đơn giản, nấu cũng nấu xong rồi.

Giờ dần ngày kế, Doãn Từ trở mình, nhưng không chạm thấy sư phụ ấm áp. Y choàng tỉnh và ngồi dậy ngay tức khắc.

(*giờ dần = 3-5h sáng)

Thời Kính Chi vẫn ở trong phòng với tóc tai chỉnh tề và mặt mày sạch sẽ, hiển nhiên hắn rời giường từ sớm. Lúc này áo hắn lồng lộng, chỉ lộ ra đôi chân trần li ti vết máu.

Hắn lặp đi lặp lại động tác của Doãn Từ, nét gượng gạo trong bộ pháp cũng theo đó dần biến mất. Nền đất lạnh băng, máu tươi trơn nhẵn, nhưng Thời Kính Chi giẫm bên trên không hề phát ra tiếng động.

Đêm qua Doãn Từ đã xem Thời Kính Chi luyện tập trước khi đi ngủ. Khi ấy động tác của hắn rất thô, nhịp bước nặng nề, chỉ giống được vẻ bề ngoài mà không nắm được tinh thần bên trong. Song sáng nay hắn đã nắm rõ bảy phần và vẫn đang tiến bộ thêm nữa.

Sau khi chăm chú quan sát, Doãn Từ nhận ra Thời Kính Chi đã âm thầm sửa đổi đôi chút bộ pháp của y. Chính sự cải biên khéo léo này đã khiến bộ pháp ăn khớp với bản thân hắn.

Trong trạng thái tập trung cao độ, Thời Kính Chi hoàn toàn không phát hiện Doãn Từ đã thức giấc. Hắn hờ hững lướt đi trên vũng máu và lặp lại liên hồi như một cỗ máy, khiến cho kẻ chứng kiến phải rùng mình.

Có lẽ trên đời, không kẻ nào hợp với hai chữ "yêu tài" hơn Thời Kính Chi.

Doãn Từ không quấy rầy sư phụ, y chậm rãi nằm xuống, trở mình, và tiếp tục nhắm mắt.

... Đợi khi trời sáng, mình lại dạy hắn tỉ mỉ hơn vậy.

Đáng tiếc trời không thuận lòng người, hiếm lắm mới được khi Doãn ma đầu nổi lòng quý nhân tài, thì rắc rối bỗng từ đâu ập xuống.

Ngay tại thời khắc quan trọng này, chùa Kiến Trần đóng cửa.

__________

Tác giả có lời:

Doãn ma đầu: Ta cứ cảm giác mình bị tính kế, nhưng cảm giác này cứ có có không không, quả là bối rối.

Thời hồ ly: (ăn cháo)

Các vị đại sư chùa Kiến Trần: A Di Đà Phật, chư vị thí chủ xin đừng tới...