Tiệm Đồ Cổ Á Xá

Quyển 3 - Chương 1: Rìu Thiên Việt




Cổ vật trong tiệm đồ cổ Á Xá, 

mỗi một thứ đều có câu chuyện của riêng mình, 

cất giữ rất nhiều năm, 

không có ai lắng nghe, 

nhưng chúng đều đang chờ đợi.

1


Thành Khai Phong, năm 951.

Triệu Khuông Nghĩa, vừa mới mười hai tuổi, đang lang thang trên đường phố ở Biện Kinh, lúc này đang là cuối năm, nhưng vì cục thế triều đình rối loạn, con phố vốn phồn hoa này chỉ lác đác vài ngườI đi lại.

Triệu Khuông Nghĩa kéo chặt lại chiếc áo khoác trên người, với cái lạnh thấu xương mùa đông, chiếc áo khoác bông của cậu có vẻ hơi mỏng mảnh. Triệu Khuông Nghĩa nhìn thấy một quý công tử khoác áo hồ cừu, cưỡi con ngựa lớn vừa băng qua vừa quát tháo, bất chợt nhìn theo với ánh mắt ngưỡng mộ.

(Loại áo khoác làm bằng da cáo, là loại đắt tiền sang trọng)

Cha cậu tuy đã chuyển từ Lạc Dương về Biện Kinh, nhậm chức quan Thánh đô chỉ huy sứ, nhưng phép nhà nghiêm ngặt, anh trai cậu hai năm TRước bỏ nhà ra đi tìm con đường riêng, vậy mà còn không mang đủ lộ phí. Nghe nói anh cậu trên đường dầm mưa dãi nắng, nếm đủ gian khổ, lần này về nhà, Triệu Khuông Nghĩa có thể cảm nhận rõ ràng sự thay đổi của ông anh trai mình.

Tuy tuổi đời kém anh trai tới mười hai năm, nhưng Triệu Khuông Nghĩa không nghĩ rằng mình nên được anh trai chăm lo. Cậu biết anh mình không phải loại cá tép trong ao, dù cha cậu có từng chế giễu sự sùng kính mù quáng ấy, cậu vẫn luôn nghĩ mình đúng.

Anh cả về không đi nữa, hơn nữa tướng quân Quách Uy mà anh cả vẫn theo hầu, vài năm trước đã khoác áo hoàng bào, lên làm hoàng đế. Anh cả là một trong những thuộc hạ có công đưa hoàng đế lên ngôi, tất nhiên sẽ tiền đồ vô lượng, được đề bạt lên chức Đông Tây ban hàng thủ. Nghe nói ông anh sắp sửa được điều động ra ngoài đóng quân, làm Chỉ huy sứ, trở thành tướng lĩnh cầm quân một vùng rồi.

Tuy Triệu Khuông Nghĩa còn nhỏ tuổi, nhưng được học chữ đọc sách từ rất sớm, cũng hiểu chuyện nổi loạn liên miên mấy năm gần đây, chỉ trong có mấy chục nĂm ngắn ngủi, đã thay tới ba triều đại, năm hoàng đế, nơI nơi họa binh đao không ngừng, dân chúng lầm than. Nếu có người ngăn được biến loạn, thiên hạ được thái bình thì tốt biết bao.

Triệu Khuông Nghĩa đang nghĩ ngợi mông lung, cho đến khi có luồng gió lạnh thổi táp vào mặt, mới chợt giật mình, nhớ ra hôm nay ra ngoài là để mua quà mừng anh cả lên chức. Nhưng mấy hàng đồ cổ cậu vừa đi qua, hoặc là không có đồ gì tốt, hoặc là chê cậu nhỏ tuổi ăn mặc lôi thôi mà không thèm đón tiếp. Triệu Khuông Nghĩa vẫn không bỏ cuộc, tiếp tục đi tìm, lát sau cậu tới một con ngõ không lấy gì làm nổi bật, nhác trông thấy một cửa hàng không lớn, trên tấm biển khắc nạm vàng hai chữ triện, nhìn rất cổ kính.

"Á Xá?" Triệu Khuông Nghĩa lẩm bẩm đọc đôi con chữ, bỗng cảm thấy cái tên rất thanh nhã. Tên cửa hàng đặc biệt hơn rất nhiều những Bác cổ Trai, Bách Bảo Phường mà ban nãy cậu đi qua, cảm thấy hứng thú, Triệu Khuông Nghĩa bước vào.

Bài trí trong cửa tiệm khiến cậu hơi ngạc nhiên, không quá mức hoa mỹ, mà chỉ thấy khắp nơi bày rương hòm, như thể chưa mở cửa kinh doanh, hoặc như sắp đóng cửa luôn rồi.

Triệu Khuông Nghĩa mừng thầm trong lòng, nếu cửa hàng này sắp đóng hẳn, thì biết đâu cậu lại bới được đồ gì hay. Nghĩ tới đó, cậu liền hắng giọng hỏi: "Chủ tiệm? Ở đây còn bán đồ nữa không?"

Một cậu bé khoảng mười một, mười hai tuổi bước ra từ phía sau một chiếc rương cỡ lớn, nhìn thấy cậu khách, liền cười trừ xin lỗi: "Hôm nay chủ tiệm không có nhà, tôi không bán đồ được".

Tuy Triệu Khuông Nghĩa cũng chỉ mười hai tuổi, nhưng cậu là con nhà quân nhân thế gia, từ nhỏ đã tập võ, nên người dong dỏng cao, nhìn như một thiếu niên mười lăm, mười sáu tuổi. Còn cậu bé xuất hiện trước mặt cậu thì gầy gò nhỏ bé, chỉ cần nghe giọng nói đã biết sức khỏe không tốt, cộng thêm gương mặt xanh xao kém sắc, có thể dễ dàng nhận ra cậu ta bị suy nhược từ nhỏ. Trong tiệm đốt lò lửa, ấm áp như mùa xuân, nhưng cậu bé mặc một chiếc áo hồ cừu trắng, khiến cho gương mặt càng trắng bệch như tờ giấy.

Cậu bé thấy Triệu Khuông Nghĩa nhìn mình chằm chằm, cũng không thấy phiền, chỉ cười tít mắt nói: "Cậu mà đến sớm vài ngày thì tốt, tôi đòi chủ tiệm dẫn đi lên Thái Sơn ngắm cảnh, nên mới chuẩn bị đóng cửa. Cậu biết Thái Sơn không? Phải rồi, tôi còn định tiện thể đi ngắm biển, thấy trong sách nói biển là nơi trăm sông đổ về, chắc phải hùng vĩ lắm!" Hẳn là cậu bé đang vui lắm, dù nói với người lạ, cũng nói huyên thuyên được lúc lâu.

Triệu Khuông Nghĩa nghĩ bụng Biện Kinh cách Thái Sơn xa thế, mà cách biển còn chẳng biết mấy ngàn dặm, có lẽ cậu bé không còn sống trên đời được bao lâu nữa, nên chủ tiệm mới cho cậu đi. Nghĩ vậy, cậu liền cảm thấy rất thông cảm với cậu bé, liền ở lại trong tiệm để nói chuyện.

Cậu bé thường ngày rất ít khi có bạn bè cùng lứa, nên rất sung sướng, kéo Triệu Khuông Nghĩa tới ngồi trên chiếc ghế làm bằng gỗ trắc chưa kịp cất vào hòm, rồi nhanh nhẹn đun ấm nước, pha một ấm trà ngon, rồi không biết kiếm đâu ra một ít bánh uống trà nhìn rất tinh tế.

Triệu Khuông Nghĩa đi lại cả buổi sáng giữa mùa đông, lúc này uống vài ngụm trà nóng, từ cổ họng vào tận đáy lòng, cảm giác ấm áp thoải mái. Cậu nói vài câu chuyện phiếm với cậu bé, nhận ra cậu bé tuy còn ít tuổi nhưng học thức sâu rộng, nói đến đâu cũng trích dẫn kinh điển đến đó, cậu thầm thán phục.

"À phải rồi, cậu định mua gì?" Cậu bé phủi vụn bánh trên tay, tò mò hỏi. Lúc này cậu rất có cảm tình với vị khách hàng nhỏ tuổi của mình, chủ tiệm đã nói, bán đồ cổ cần phải tùy duyên, bây giờ cậu muốn bán đồ cổ, chắc không quá đáng chứ?

Triệu Khuông Nghĩa cũng không bán khoăn nhiều, nói luôn mình muốn mua quà tặng anh cả, mừng anh lên chức. Ban đầu cậu không hy vọng cậu bé có thể tìm được thứ gì cho mình, nhưng cậu bé trầm ngâm một lúc rồi nhảy xuống khỏi ghế, từ chiếc hòm bên cạnh lôi ra một chiếc hộp gấm dài nặng trịch.

"Đây là gì vậy?" Triệu Khuông Nghĩa chỉ nhìn thấy hoa văn dây leo nạm vàng bạc trên thân hộp gấm là biết thứ này có giá không rẻ. Cậu hơi chột dạ, sờ lên túi bạc trong người, nghĩ bụng có khi mình không mua nổi chiếc hộp. Chỉ nhìn tấm áo hồ cừu trên người cậu bé, rồi còn ấm trà chén trà, là biết đồ trong cửa tiệm này thuộc hàng vô giá, Triệu Khuông Nghĩa hơi hối hận vì đã ở lại.

Cậu bé không nói gì, chậm rãi mở hộp gấm, lộ ra một chiếc rìu bằng ngọc rất đẹp. Chiếc rìu làm toàn bộ bằng bạch ngọc sáng bóng, không có lấy một vết sứt sẹo, cũng không có một hoa văn thừa nào, rất cổ kính sang trọng, lại cảm thấy có khí lạnh toát ra, vô cùng uy nghiêm. Chiếc rìu không lớn, chỉ dài bằng cẳng tay. Triệu Khuông Nghĩa vừa thấy đã không thể rời mắt, trong lòng dâng lên một cảm giác khó diễn tả bằng lời.

"Phủ, sách Thuyết Văn Giải Tự" giải thích chữ "phủ" (chiếc rìu) bên trên là "phụ", bên dưới là "cân", "phụ" là chỉ người cha trong nhà. "Cân" là dụng cụ để chặt, cũng chỉ dụng cụ hành hình. "Phụ" và "cân" ghép vào nhau ý chỉ quyền uy của người cha trong nhà, có quyền thưởng phạt". Cậu bé từ tốn cất tiếng, "Anh cả như cha, tặng rìu ngọc cho anh cả, không gì thích hợp hơn".

Triệu Khuông Nghĩa nghe xong cũng động lòng, cậu thấy chiếc rìu ngọc này không giống những thứ đồ mỹ nghệ điêu khắc của thời gian gần đây, liền hỏi: "Chiếc rìu ngọc này lai lịch ra sao?"

Cậu bé khẽ mỉm cười nói: "Đây là chiếc rìu ngọc, đồ làm bằng ngọc, không phải thứ mà gia đình bình thường có được".

"Ý cậu là...", Triệu Khuông Nghĩa hơi nheo mắt, "Rìu ngọc chắc là một thứ đồ tế lễ, chẳng lẽ lại là của vị vua chúa nào?" Tuy miệng nói vậy, nhưng trong lòng cậu bắt đầu thấy ngán, cậu cứ nghĩ cậu bé kia đặc biệt thế nào, hóa ra chẳng khác gì những tay bán đồ giỏi bịa đặt.

"Không sai, sau khi có khái niệm "quốc", thì có từ "quân phụ", hoàng đế chính là người cha của mọi con dân, nên dụng cụ hành hình mà hoàng đế dùng để cai trị đất nước gọi là "vương phủ". Mà chữ "vương" thông với chữ "ngọc", nên "ngọc phủ" (rìu ngọc) chính là quyền bính của một quốc gia". Cậu bé cười híp mắt, "Theo sách "Lục Thao" ghi chép Chu Vũ Vương có một chiếc rìu, lưỡi rộng tám tấc, nặng tám cân, cán dài hơn năm thước, tên là "Thiên Việt". "Phủ việt" thời thượng cổ không chỉ là binh khí chiến trận, mà còn là tượng trưng cho quân quyền và quyền thống trị. Chiếc rìu ngọc này, chính là rìu Thiên Việt mà Chu Vũ Vương dùng để hiệu lệnh thiên hạ".

Triệu Khuông Nghĩa không thể hiện gì trên nét mặt, thực ra là cậu không biết phải nói gì nữa. Cậu bé kia có bịa chuyện cũng nên bịa cái gì dễ tin một chút chứ? Chu Vũ Vương? Cậu ta nghĩ cậu là ai?

Có vẻ cậu bé không hề nhìn thấy vẻ mặt cứng đờ của Triệu Khuông Nghĩa, vẫn tiếp tục cười tít mắt nói: "Chúng ta đánh cược, chỉ cần cậu cầm được chiếc rìu ngọc này, tôi sẽ tặng luôn cho cậu". Cậu bé nói rất khẳng khái, bởi cậu biết chiếc rìu ngọc này chỉ có chân mệnh thiên tử mới cầm lên nổi, những người khác chỉ cần cầm trên tay, thì trong khoảnh khắc cổ tay sẽ mềm nhũn một cách khó hiểu, cho dù là đại lực sĩ mạnh mẽ cỡ nào cũng vậy. Cậu bé vẫn nhớ trong lòng chuyện này, nên hôm nay mới đem ra để kiểm nghiệm lại, tiện thể cũng để trêu đùa người bạn mới.

Triệu Khuông Nghĩa nghe xong trợn tròn mắt, chiếc rìu ngọc này cũng chỉ nặng có vài cân, đánh cược kiểu này hình như hơi coi thường cậu! Nhưng cậu cảm thấy mình có đánh cược với cậu bé cũng chả mất gì, liền không khách sáo nữa, lấy chiếc rìu ngọc từ trong hộp gấm ra, cầm chơi trên tay.

Sau thời gian một tuần trà, Triệu Khuông Nghĩa đem rìu cất lại vào hộp, ngẩng đầu nhìn cậu bé với ánh mắt dò xét.

Nụ cười của cậu bé đã cứng đờ nơi khóe miệng, tuy rằng có vẻ rất không muốn, nhưng cậu cũng thoải mái đưa hộp gấm cho Triệu Khuông Nghĩa.

Triệu Khuông Nghĩa không ngờ cậu bé kia thực sự có thể vô tư tặng luôn chiếc rìu ngọc cho mình, cậu định không lấy, nhưng lại nghĩ cậu bé hào phóng như thế, đánh cược chắc chỉ làm cho có lệ, có lẽ chiếc rìu này vốn không đáng giá đến thế. Triệu Khuông Nghĩa nhìn thấy cậu bé cúi đầu uống trà, có vẻ hoang mang, liền không làm phiền nữa, lấy túi bạc trong người mình đặt hết lên bàn trà, rồi ôm hộp gấm, sung sướng trở về. Trước lúc đi cậu còn nghe loáng thoáng thấy cậu bé kia lẩm bẩm gì như "chân mệnh thiên tử", nhưng cũng không để ý nữa.

Cậu bé không biết uống bao nhiêu trà, mới giật mình nhận ra người kia đã đem rìu Thiên Việt đi, còn lúc này, gã chủ tiệm ngồi trước mắt cậu đang nhìn túi bạc trên bàn, nghĩ ngợi điều gì đó.

"Chủ tiệm, ờ... rìu Thiên Việt hôm nay bị cháu bán mất rồi...". Cậu bé lắp bắp giải thích, người kia để lại tiền, coi như là bán đi... Rõ ràng là bán quá rẻ. "Nhưng mà không phải chú nói rằng người nào cầm được rìu Thiên Việt thì là thiên tử sao? Bán rẻ cho thiên tử chắc không sao đâu nhỉ? Ô, chết thật, nếu cậu ta đem làm quà tặng anh trai, lúc ấy anh trai cậu ta không, nhấc được rìu Thiên Việt lên thì buồn cười lắm... ha ha...".

Gã chủ tiệm trông chỉ khoảng hai mươi tuổi, còn rất trẻ, nhưng gương mặt trầm tĩnh, không hợp lắm với vẻ ngoài của gã. Gã lại mặc một chiếc áo Hán phục màu đen cũ, trông giống như nhân vật bước ra từ tranh cổ vậy. Gã nhìn cậu bé một lát, rồi thở dài nói: "Tuy rằng chiếc rìu Thiên Việt này chỉ có thiên tử mới cầm được, nhưng tương truyền năm xưa sau khi Chu Vũ Vương chế được chiếc rìu này liền phong ấn nó lại, cháu biết vì sao không?"

"Vì sao vậy?" Cậu bé bắt đầu cảm thấy mình làm sai việc gì, nên rất bất an.

"Bởi vì chiếc rìu ngọc tượng trưng cho quyền lực này, có một ma lực khiến người ta trở nên đa nghi, rất ít người có thể chống lại được.,.". Giọng nói gã chủ tiệm thấp dần, cuối cùng tan vào trong hương trà phảng phất nơi cửa tiệm.

Triệu Khuông Nghĩa vừa về đến nhà bèn đem rìu ngọc đi biếu anh trai, quả đúng như cậu dự liệu, ông anh cả vô cùng thích thú, vừa nhìn thấy đã không nỡ rời tay, lập tức tìm dây buộc để đeo rìu lên người.

Triệu Khuông Nghĩa rất vui vì anh trai mình thích chiếc rìu Thiên Việt này, bèn kể lại lai lịch chiếc rìu, không quên thêm mắm dặm muối. Triệu Khuông Dận nghe kể chỉ cười ha hả, không mấy chú tâm. Anh ta tất nhiên không tin cậu em mới mười hai tuổi của mình vừa đi ra ngoài đã mua được cho mình chiếc rìu Thiên Việt của Chu Vũ Vương, đó chẳng qua là mấy lời nói khoác của người bán hàng mà thôi. Nhưng anh ta vẫn vui vẻ, dù sao cũng là tấm lòng của em trai mình.

Hơn nữa chiếc rìu ngọc này, quả thật rất hợp mắt anh ta. Còn hàm nghĩa của chiếc rìu Thiên Việt mà cậu em trai có nhắc tới, càng khiến anh ta ngấm ngầm để ý.

Rìu, tượng trưng cho quyền bính ư?

Triệu Khuông Dận giấu ánh mắt tinh nhanh của mình, xoa đầu Triệu Khuông Nghĩa, hỏi thăm mấy câu dạo này học hành thế nào, rồi mới ôm chiếc rìu sung sướng rời đi.

Triệu Khuông Nghĩa khẽ thở phào, dù cậu biết những lời cậu bé kia nói có phần hoang đường, nhưng khó tránh khỏi có chút lo lắng, lỡ có gì bất ngờ xảy ra thì sao. Nhưng rõ ràng cậu nhìn thấy anh trai mình cầm chiếc rìu ngọc trên tay một lúc lâu cũng không thấy bỏ ra, vậy thì chỉ có thể cho rằng cậu bé kia ngay từ đầu đã muốn tìm lý do để tặng chiếc rìu Thiên Việt này đi.

Anh cả nói chiếc rìu này chất ngọc sáng bóng, hiển nhiên không phải là món đồ tầm thường. Triệu Khuông Nghĩa ngẫm nghĩ một hồi, quyết định ngày mai sẽ xin mẹ thêm ít bạc nữa, số bạc lẻ hôm nay mang đi rõ ràng không đủ để mua chiếc rìu Thiên Việt này.

Tiện tay vơ lấy chiếc hộp gấm vẫn nằm trên bàn để cất đi, Triệu Khuông Nghĩa nhác trông thấy miếng vải gấm lót dưới đáy hộp bị cong lên một góc, mặt trong hình như có chữ viết. Cậu đưa tay cầm vào miếng phải rồi bóc ra, đến khi nhìn thấy dòng chữ trên đó, cậu sững người.

"Rìu Thiên Việt, rìu của Chu Vũ Vương, do Khương thái sư Khương Tử Nha chế tác, truyền rằng kẻ không có thiên mệnh thì không thể cầm lên. Vũ Vương từng vì chiếc rìu này mà giận chém bạn thân, sau rất hối hận, nói rằng kẻ cầm chiếc rìu này sẽ có lòng nghi kỵ rất lớn, hại đến người xung quanh, năm Vũ Vương thứ 20 phong ấn".

Triệu Khuông Nghĩa đọc đi đọc lại vài lần, rồi bật cười thành tiếng, coi như là trò đùa. Cậu đã cho rằng những gì cậu bé kia nói là bịa ra, nên miếng vải gấm này càng làm cậu tin chắc hơn vào phán đoán của mình.

Dù nói thế nào, làm giả được đến mức này, cậu cũng vô cùng khâm phục gã chủ tiệm đứng sau lưng cậu bé. Ngày mai phải nhớ đi gặp người này mới được. À đấy, phải xin mẹ thêm ít bạc nữa chứ...

Triệu Khuông Nghĩa tính toán cặn kẽ, nhưng hôm sau khi cậu ôm miếng gấm và một túi bạc nặng trịch tới được con ngõ nhỏ, thì cửa tiệm mang tên Á Xá đã không còn. Trong căn nhà trống trơn, ngoài bụi bặm và những vết kê hòm vẫn còn trên sàn nhà ra, thì chẳng còn lại gì.

Bao nhiêu rương hòm như thế, chỉ trong có một đêm mà đã chuyển đi hết rồi?

Dù trong lòng Triệu Khuông Nghĩa nghi hoặc, nhưng cậu cũng biết gã chủ tiệm phải đưa cậu bé bệnh nặng đi du ngoạn, dù cậu muốn tìm cũng không tìm được. Thế là cậu không nghĩ nhiều nữa, tiện tay cất miếng vải gấm vào trong chiếc rương đựng đồ tạp nham trong thư phòng mình, mấy hôm sau thì quên tiệt.

Không phải cậu không muốn tìm cơ hội cho người khác cầm thử rìu Thiên Việt của anh trai mình xem sao, nhưng chiếc rìu đó ông anh gần như chẳng để rời người, không tìm được cơ hội thử nghiệm, dần dần rồi Triệu Khuông Nghĩa cũng quên.

Thế nhưng, sau một thời gian, việc mà tưởng chừng như cậu đã quên, lại bỗng nhiên quay về.

Anh trai cậu không lâu sau đi đến Hoạt Châu làm chức Phó chỉ huy sứ, trên chiến trường kiêu dũng thiện chiến. Trong thư gửi về nhà sau này của Triệu Khuông Dận, có đặc biệt nhắc tới việc chiếc rìu Thiên Việt mà Triệu Khuông Nghĩa tặng, trong lúc nguy cấp đã cứu mạng anh ta một phen. Triệu Khuông Nghĩa không nghĩ gì nhiều, thậm chí còn cho rằng nếu cậu tặng anh trai một thanh đao tốt, có khi tác dụng trên chiến trường còn lớn hơn.

Hoàng đế mới lên ngôi của vương triều Đại Chu là Quách Uy không có con, nên nhận đứa cháu họ Sài Vinh của ông ta làm con nuôi, trở thành người sẽ kế vị ngôi báu. Thái tử Sài Vinh sau cuộc chiến này rất coi trọng Triệu Khuông Dận, điều anh ta về bên mình, tháng chức làm Mã trực quân sứ của phủ Khai Phong. Từ một phó quan ở địa phương được thăng luôn lên làm trọng thần ở kinh kỳ, Triệu Khuông Nghĩa biết anh trai mình đang phất như diều gặp gió, mà năm đó ông anh trai mới hai mươi bảy tuổi.

Mười lăm tuổi, cậu đứng ở cổng thành, nhìn anh trai mình cưỡi ngựa trắng đội mũ sắt về kinh, cảm thấy vô cùng xa lạ, hiển hiện một thứ sát khí và bá khí được rèn luyện ở chiến trường, khiến người khác nhìn đã thấy sợ.

"Nhi đệ, từ khi được đệ tặng cho chiếc rìu Thiên Việt này, đại ca đệ đúng là toàn gặp may mắn đấy!" Triệu Khuông Dận xuống ngựa, nói với Triệu Khuông Nghĩa một cách hào sảng. Khi anh ta còn phiêu dạt bên ngoài, từng có lúc cơm không có mà ăn, suýt thì chết đói trên đường. Vậy mà chỉ sau ba năm ngắn ngủi, anh ta đã ở chức vụ cao nhất, cậu không thể không cảm thán rằng chuyện đời thật khó đoán.

Đây là lần thứ hai Triệu Khuông Nghĩa nghe anh trai mình nhắc tới rìu Thiên Việt, cậu hơi sững người, nhưng rồi cũng nở nụ cười chân thành. Người ta đều thế cả, luôn cần tìm cho bản thân một chỗ dựa nào đó. Triệu Khuông Nghĩa không nghĩ ngợi nhiều, chỉ vỗ lên con ngựa trắng của Triệu Khuông Dận một cách ngưỡng mộ.

Triệu Khuông Dận nhìn em trai, hơi trầm ngâm một chút rồi nói: "Nhị đệ, đệ không còn nhỏ tuổi nữa, ngày trước ta sợ trên chiến trường không thể lo cho đệ được, nên mới không đem đệ theo. Bây giờ đại ca.về kinh thành rồi, đệ đi theo ta. Đệ có đồng ý không?"

Triệu Khuông Nghĩa sung sướng gật đầu lia lịa.

Nhưng anh em họ Triệu không ai ngờ được rằng, cái chức Mã trực quân sứ ở phủ Khai Phong, Triệu Khuông Dận không làm được lâu. Hoàng đế Quách Uy cuối năm ấy bệnh nặng nằm liệt giường, khó khăn lắm mới qua được đến năm mới, nhưng không có tiến triển gì, năm thứ ba sau khi lên ngôi, ông đã băng hà, con nuôi Sài Vinh kế vị ngay trước linh cữu.

Ngay sau đó, biên quan liên tiếp có cấp báo, Sài Vinh phải ngự giá thân chinh. Triệu Khuông Nghĩa cũng đi theo anh cả ra chiến trường, tận mắt nhìn thấy, khi hữu quân thất bại, thậm chí một vài tướng lĩnh bắt đầu trốn chạy, anh cả Triệu Khuông Dận của cậu dồn sửc cứu nguy ở trận chiến Cao Bình, xoay chuyển thế cục.

Triệu Khuông Nghĩa vừa sùng kính vừa tự hào, trên chiến trường nhuộm đỏ máu, anh cả giống như một ngọn núi sừng sững, ai cũng cảm thấy là chỗ dựa vô cùng vững chãi. Thậm chí anh trai còn được lòng người hơn cả hoàng đế khoác long bào.

Trong khoảnh khắc ấy, như có ma xui quỷ khiến, Triệu Khuông Nghĩa chợt nhớ tới lời viết trên miếng gấm.

"Rìu Thiên Việt, rìu của Chu Vũ Vương, do Khương thái sư Khương Tử Nha chế tác, truyền rằng kẻ không có thiên mệnh thì không thể cầm lên...".

2

Năm 960, dịch quán Trần Kiều.

Triệu Khuông Nghĩa đội trời mưa tuyết phi ngựa về dịch trạm, còn chưa đến tuổi đội mũ, cậu đã theo anh trai rong ruổi sa trường được ba, bốn năm nay rồi. Kinh qua chiến tranh gột rửa, cậu đã hết những nét non nớt trên gương mặt, trải mấy phen sống chết, cậu đã gặp hiểm nguy không sợ hãi, thành một người điềm tĩnh chắc chắn. Nhưng giờ đây cậu lại hơi lo lắng, đôi tay cầm dây cương ngựa hình như đang hơi run lên.

(Thời xưa con trai đến hai mươi tuổi thì làm lễ đội mũ, đánh dấu sự trưởng thành)

Kéo cương dừng ngựa trước một tòa nhà có mái Yết Sơn, Triệu Khuông Nghĩa nhảy xuống ngựa, đưa dây cương cho người hầu, hít thật sâu một hơi không khí lạnh cóng, rồi mới bước trên tuyết đi vào nhà.

(nhà dốc xuống lưng chừng thì đổi hướng, dốc choãi rangoài hơn)

Đây là một khoảng sân không lớn lắm, giữa sân trồng một cây hòe cổ thụ, cành cây khô màu nâu cong queo rủ xuống, bên trên đắp một lớp tuyết dày trắng xóa. Anh trai cậu khoác áo khoác hồ cừu đứng dưới gốc hòe, quay lưng về phía cậu, ngẩng đầu nhìn chăm chăm lên trời, tay vẫn chà vào chiếc rìu Thiên Việt theo thói quen.

Triệu Khuông Nghĩa định tới chào, thì phát hiện ra trên áo anh trai đã có một lớp tuyết, chắc là đã đứng đó rất lâu.

Cũng phải, việc mà họ đang cần đối diện, thật khó lựa chọn, phải đích thân anh trai cậu suy nghĩ quyết định. Triệu Khuông Nghĩa nghĩ vậy, rồi cũng đứng ở đó, nhìn lưng anh trai mình, đứng ngây ra đó mãi.

Mới qua vài năm, anh trai cậu đã lên chức Điện tiền đô điểm kiểm, nắm giữ quân thân vệ, thực sự trở thành kẻ dưới một người trên vạn người. Mà lúc này, Sài Vinh bệnh nặng qua đời, lên kế vị là đứa con nhỏ mới bảy tuổi. Vua yếu tôi mạnh, trong những năm tháng hỗn chiến thời Ngũ Đại Thập Quốc này, mỗi khi xuất hiện tình trạng đó, thì kẻ mạnh luôn lên thay thế kẻ yếu.

Triệu Khuông Nghĩa nhìn rìu Thiên Việt trong tay anh trai mình với ánh mắt phức tạp, chín năm trước, cậu đâu thể ngờ được, lời nói đùa ấy lại có ngày thành hiện thực.

"Hòe, tức là "hoài" (nhớ mong). Mong người ở xa tới đây, muốn cùng bàn mưu đấy". Một giọng nói nho nhã từ tốn cất lên, cùng với tiếng bước chân lạo xạo trong tuyết.

Triệu Khuông Nghĩa nhìn về phía phát ra tiếng nói, thì thấy người tới là Triệu Phổ, chưởng thư ký của anh trai. Triệu Phổ là mưu sĩ được anh trai cậu tín nhiệm nhất, nhưng không đọc nhiều sách, tự nhận là chỉ cần đọc nửa bộ "Luận Ngữ" cũng có thể trị thiên hạ. Triệu Khuông Nghĩa rất kinh ngạc: với học thức của gã này, mà nói được cả đoạn chú thích của Trịnh Huyền trong mục "Triều Sĩ", thiên "Thư Quan", sách "Chu Lễ", có vẻ gã này không hề trầm lặng như vẻ bên ngoài, mọi chi tiết nhỏ nhặt gã đều đã tính toán trong đầu.

("Chu Lễ": sách kinh điển Nho giáo, giảng về lễ nghĩa, chế độ quan lại... Trịnh Huyền là học giả đời Hán, viết chú cho các sách kinh điển)

"Đứng dưới gốc cây, đợi người khác tới để bàn việc, nơi đây đúng là hợp cảnh". Triệu Khuông Dận đeo chiếc rìu Thiên Việt trên tay vào dây đai, quay đầu lại nhìn hai người thân cận một văn một võ của mình, cười nói: "Đã chuẩn bị xong cả chưa?"

Triệu Khuông Nghĩa và Triệu Phổ đồng thanh đáp "rồi", trên gương mặt trẻ tuổi không giấu nổi sự hưng phấn, nếu việc này thành, cuộc đời họ sẽ thay đổi hoàn toàn, nhưng nếu việc này bại, họ sẽ muôn kiếp không được siêu sinh.

Triệu Khuông Dận thì không hề lo trước nghĩ sau như bọn họ, anh ta chỉ cười nhẹ: "Nhớ lúc Thế Tông đánh phía Bắc, từng bắt được một thẻ gỗ, trên viết "Điểm kiểm làm thiên tử", xem ra đúng là ý trời".

Triệu Phổ biết điều tiếp lời mấy câu, Triệu Khuông Nghĩa thì cười thầm trong bụng. Ông Thế Tông mà anh trai cậu nói chính là Chu Thế Tông Sài Vinh, vị vua vừa băng hà cách đây không lâu, năm xưa viên Điện tiền đô điểm kiểm là Trương Vĩnh Đức, có hiềm khích với anh trai cậu. Họ chỉ cần bày một kế nhỏ, làm một tấm thẻ gỗ giả, là khiến Trương Vĩnh Đức bị Thế Tông nghi kỵ, bị bãi miễn chức Điểm kiểm, Triệu Khuông Dận mới lên được chức đó. Nhưng bây giờ nhìn lại, kế sách họ bày ra hồi đó hóa ra lại có tính tiên đoán thật.

Triệu Khuông Nghĩa đoán ra được suy nghĩ của Triệu Khuông Dận, biết là anh ta muốn lợi dụng kế đó lần nữa để coi như thuận ý trời, cậu bèn vội chắp tay nói: "Đến ngày xuất quân, sẽ phong Điểm kiểm làm thiên tử. Đệ sẽ cho người tung tin này trong quân đội ngay". Triệu Phổ dù đa mưu túc trí nhưng không đủ hiểu anh trai cậu. Anh trai cậu cực kỳ coi trọng danh tiếng của bản thân, sẽ tuyệt đối không chủ động đi chiếm ngôi, mà phải có một cơ hội thật xác đáng. Triệu Khuông Nghĩa đã nhanh chóng khiến việc này trở nên rõ ràng.

Triệu Khuông Dận sờ tay lên rìu Thiên Việt, gật đầu với em trai một cách hài lòng.

Triệu Khuông Nghĩa hiện giờ không còn gọi là Triệu Khuông Nghĩa nữa, vài tháng trước, trong cuộc binh biến Trần Kiều, anh trai cậu đã thuận lợi khoác hoàng bào lên người, lên ngôi làm vua. Vì kỵ húy, cậu đổi tên thành Triệu Quang Nghĩa, cậu em út Triệu Khuông Mỹ cũng đổi thành Triệu Quang Mỹ. Chỉ có điều cậu em út năm nay mới mười hai tuổi, chẳng có việc gì cần nhờ đến, nên vẫn ở Khai Phong, chỉ có Triệu Quang Nghĩa đi theo Triệu Khuông Dận nam chinh bắc chiến.

(Năm Hiển Đức thứ 7, nhà Hậu Chu, vùng Trấn Châu và Định Châu cấp báo có quân Bắc Hán và Liêu xâm phạm, triều đình không tra xét đúng sai, cử luôn Mộ Dung Diên Chiêu và Triệu Khuông Dận đem quân kháng địch. Triều đình thiết yến tiệc tiễn Triệu Khuông Dận ở ngoài thành Biện Lương, đến chiều tối khi quân đội tới dịch trạm Trần Kiều, dưới mưu kế của Triệu Quang Nghĩa và Triệu Phổ, Triệu Khuông Dận phát động binh biến, mặc hoàng bào lên ngôi, quay về kinh thành, đổi quốc hiệu là Đại Tống. Sử gọi là "binh biến Trần Kiều")

Vì việc lên ngôi gấp gáp, bộ trang phục đại diện cho sự tôn quý của đế vương vẫn chưa kịp may xong, anh trai vẫn mặc khôi giáp của tướng quân như mọi khi, nhưng phong thái đế vương thì khiến người khác nhìn thấy là phải cúi mình bái phục.

Triệu Quang Nghĩa cảm thấy anh trai đã thay đổi, đó là điều bình thường. Thân phận đã khác, tất nhiên tính cách, khí chất cũng phải thay đổi theo, hơn nữa đâu chỉ có mình anh trai của cậu thay đổi, Triệu Quang Nghĩa cũng phải thay đổi thái độ của mình khi đứng trước mặt anh trai. Dù họ là anh em, nhưng giờ còn là vua tôi nữa.

Nhưng đôi lúc, Triệu Quang Nghĩa cũng thấy nhớ ngày xưa, những lúc có thể cười đùa thoải mái với anh trai mình.

"Nhị đệ, đang nghĩ gì thế?" Triệu Khuông Dận dặn dò xong việc chính sự, cho mọi người lui, thì phát hiện ra em trai mình đang nghĩ ngợi mông lung, bèn vơ lấy chiếc rìu Thiên Việt bên người, đưa ra vỗ vỗ vào vai cậu.

"Không có gì, tối qua đệ hơi mất ngủ một chút thôi". Triệu Quang Nghĩa dở khóc dở cười, cậu biết anh trai mình rất thích chiếc rìu Thiên Việt kia, nhưng thế không có nghĩa là người khác cũng thích. Cậu nghe đâu mấy hôm hước vì một chuyện mà anh trai cậu cả giận, tiện tay vớ lấy chiếc rìu Thiên Việt ném, vị quan gây chuyện bị đánh bay mất răng cửa. Bây giờ đám bề tôi khi có tấu sớ đều phải đảm bảo khoảng cách an toàn, sợ tai bay vạ gió.

Triệu Khuông Dận thấy em trai mình đang dán mắt vào chiếc rìu Thiên Việt, bèn tỏ ra không có chuyện gì, hỏi: "Nhị đệ, trẫm còn chưa hỏi đệ, chiếc rìu ngọc này là đệ mua được từ nhà nào đấy?"

Triệu Quang Nghĩa hơi giật mình, thoáng cái mà đã chín năm trôi qua, vì sao anh trai tự nhiên lại nhớ tới việc này? Triệu Khuông Dận khẽ hắng giọng nói: "Không nhớ thì thôi, trẫm cũng chỉ tiện mồm hỏi thôi mà".

"Không, thần đệ vẫn nhớ là mua của nhà nào". Triệu Quang Nghĩa lắc đầu. "Bởi vì tên của cửa tiệm đó rất đặc biệt, nên thần đệ vẫn không quên".

"Ồ? Đệ nói đi". Triệu Khuông Dận gặp đúng khẩu vị.

"Tiệm đó tên là Á Xá, ý nói là đồ cổ không biết nói, không thể kể chuyện". Triệu Quang Nghĩa vừa nói vừa cẩn thận quan sát nét mặt của anh trai.

Triệu Khuông Dận lẩm nhẩm cái tên Á Xá mấy lần, gật đầu tán thán: "Chủ tiệm chắc phải là một nhã sĩ, khi nào có thời gian nhị đệ phải đưa trẫm đến thăm đấy".

Triệu Quang Nghĩa thầm giật mình, anh trai mình dù gì cũng là vua một nước, mà lại phải nói là "đi thăm"? Nhưng cậu không kịp nghĩ nhiều, vội nói: "Hoàng huynh, cửa tiệm đó ngay hôm sau đã dọn đi, đệ cũng chưa gặp chủ tiệm bao giờ, chiếc rìu ngọc này là bởi vì tiệm đó đang dọn đi gấp, nên đệ mua rẻ được từ tay một cậu giúp việc thôi". Cậu không tốn lời giải thích về chuyện cá cược với cậu bé năm xưa, trong tiềm thức cậu cảm thấy việc này không được nói với anh trai, cả chuyện miếng gấm dưới đáy hộp cũng không được nói.

Triệu Khuông Dận thở dài tiếc nuối, nhưng rồi nghĩ lại, nếu cửa tiệm đó không cần chuyển đi gấp, thì năm ấy em trai đem có chút tiền trong người, làm sao mà mò được thứ đồ tốt như thế này? Nghĩ vậy, Triệu Khuông Dận cũng thấy thoải mái. Anh ta sờ lên chiếc rìu Thiên Việt trong tay, bỗng nói: "Nhị đệ, đệ thấy Nghĩa Xã thập huynh đệ nên xử trí ra sao?"

Triệu Quang Nghĩa nghiêm nét mặt lại, Nghĩa Xã thập huynh đệ là một tổ chức lập ra trong hệ thống Điện Tiền Ti, cách làm này anh trai cậu học theo cách lập xã trong quân của Chu Thái Tổ Quách Uy. Mục đích tất nhiên là để lôi kéo và kết giao những quan viên cao cấp trong quân đội, phát triển thế lực của bản thân. Nghĩa Xã thập huynh đệ tất nhiên cũng đã phát huy vai trò quan trọng của mình trong vụ binh biến trước kia, hô khẩu hiệu "điểm kiểm làm thiên tử", đưa Triệu Khuông Dận lên làm thiên tử Đại Tống.

Nay những người này lại trở thành tâm bệnh của Triệu Khuông Dận, bây giờ những người này có thể đưa Triệu Khuông Dận lên làm thiên tử, vậy thì ngày sau nếu họ nắm giữ binh quyền, ắt cũng có thể lập người khác làm vua, thậm chí là tự mình lên ngôi. Cho dù họ không có ý đồ đó, thì cũng có lúc thuộc hạ của họ có ý đó.

Triệu Quang Nghĩa cẩn trọng cất lời: "Hoàng huynh vừa mới lên ngôi báu, nếu như làm chuyện cất cung tốt, giết chó săn, thì sẽ khiến mọi người thất vọng". Triệu Quang Nghĩa cảm thấy việc này không nên làm sớm quá như thế, anh trai vừa mới lên ngôi có vài tháng, căn cơ còn chưa ổn định, nếu như động vào đám thân tín ấy, thì những người khác sẽ nghĩ thế nào? Cho dù như Lưu Bang giết hại công thần, thì chẳng phải cũng là chuyện sau khi lên ngôi vài năm sao?

(Chim bay đã hết thì cất cung tốt, thỏ đã chết thì giết chó săn, ý nói vua lên ngôi bạc đãi công thần)

Triệu Khuông Dận cũng biết Triệu Quang Nghĩa nói không sai, nhưng nếu như đám kia phát triển đủ thế lực của bản thân, đến lúc đó mới xuống tay e là khó thành. Triệu Khuông Dận từ trong quân đội mà đi lên, cũng chỉ mất có vài ba năm. Giờ đang là lúc khắp nơi chinh chiến, việc tướng lĩnh lập chiến công là chuyện quá dễ dàng. Triệu Khuông Dận không nghe được câu trả lời mình muốn nghe, hơi sầm mặt xuống, nhưng rồi cũng gật đầu nói: "Giường của mình sao để kẻ khác ngủ ngon trên đổ được, việc này ta bàn sau. Nhưng nhị đệ này, cái chức Điện tiền đô điểm kiểm, ta giao cho người khác không yên tâm, đệ nhận đi".

Dù là việc đã nằm trong dự liệu từ lâu, nhưng Triệu Quang Nghĩa vẫn không khỏi giật mình thon thót, không hiểu sao tự dưng lại nghĩ tới tấm thẻ gỗ tiên tri viết dòng "điểm kiểm làm thiên tử", mí mắt cậu giật lên. Để giấu biểu cảm đó, cậu vội vàng cúi đầu, ra khỏi chỗ ngồi, quỳ xuống tạ ơn.

Nghe được từ "bình thân", cậu mới đứng dậy, nhìn thấy Triệu Khuông Dận vẫn sa sầm mặt mày, trên tay mân mê chiếc rìu Thiên Việt, rõ ràng vẫn đang lo nghĩ chuyện Nghĩa Xã thập huynh đệ.

Triệu Quang Nghĩa lẳng lặng cáo lui, về thư phòng của mình, lục lọi cả đêm, cuối cùng tìm được một miếng vải gấm cũ nát nằm trong một chiếc rương đựng đồ tạp, dòng chữ trên đó vẫn vô cùng rõ ràng.

"Rìu Thiên Việt, rìu của Chu Vũ Vương, do Khương thái sư Khương Tử Nha chế tác, truyền rằng kẻ không có thiên mệnh thì không thể cầm. Vũ Vương từng vì chiếc rìu này mà giận chém bạn thân, sau rất hối hận, nói rằng kẻ cầm chiếc rìu này sẽ có lòng nghi kỵ rất lớn, hại đến người xung quanh, năm Vũ Vương thứ 20 phong ấn".

Lòng nghi kỵ ư? Triệu Quang Nghĩa không biết có phải do mình cả nghĩ quá không, chiếc rìu Thiên Việt này chỉ là đồ bịa ra thôi mà? Vì sao... Cậu nắm chặt tấm vải gấm trong tay, bỗng chốc lòng rối như tơ vò.

3

Năm 973, điện Thùy Củng.

"Choang!" Triệu Khuông Dận ném mạnh bản tấu xuống bàn, một chiếc bát chân xanh in hoa rơi xuống đất, một tiếng vỡ giòn tan vang lên, nước canh trong bát bắn ra tung tóe, bắn cả lên chiếc áo bào the đỏ thêu rồng mây kim tuyến, để lại những vết lốm đốm.

Nhưng không có một người hầu nào dám tới thu dọn, trong điện Thùy Củng lúc này chỉ có Triệu Quang Nghĩa. Chàng cúi gằm mặt, bản tấu mà anh trai chàng đang xem là do chàng dâng lên, tất nhiên chàng biết vì sao nhà vua phẫn nộ.

Thực ra không phải việc gì to tát lắm, chỉ là Lôi Hữu Lân, con trai Thương Châu tư hộ Lôi Đức Tương tố cáo mấy việc như Trung thư đường hậu quan Hồ Tán, Lý Khả Độ ăn hối lộ, chủ bạ huyện Thượng Thái là Lưu Vĩ ngụy tạo lý lịch để có chức quan... Thực ra từng việc lẻ đó lặt vặt đến mức chẳng thể báo được lên hoàng thượng, nhưng nếu dồn hết làm một, thì rõ ràng đang chỉ thẳng vào người đứng đằng sau mọi chuyện, tể tướng Triệu Phổ.

Nếu không có Triệu Phổ bao che, không thể có kẻ dám khi quân phạm thượng, dùng quyền thế để thu lợi riêng được.

Triệu Quang Nghĩa cúi đầu nhìn những mảnh bát vỡ vẫn còn đang lăn lóc dưới đất, thầm nghĩ bụng, có lẽ ngày xưa anh trai chàng tín nhiệm Triệu Phổ, thậm chí đối xử với gã như với người nhà, còn hay đến nhà gã chơi, gọi vợ của Triệu Phổ là "chị dâu". Nhưng qua thời gian, người ta cũng sẽ thay đổi.

Năm xưa khi anh trai chàng mới lên ngôi được một năm, nghe theo kế sách của Triệu Phổ, chén rượu thả binh quyền, giải quyết hòa bình yên ấm sự kiện võ tướng chuyên quyền, thu lại quân quyền về tay mình. Anh trai chàng bổ nhiệm Triệu Phổ làm tể tướng, nhưng không hẳn đã là dưới một người trên vạn người. Triệu Khuông Dận lập Khu Mật Sứ để quản lý quân sự, lập chức Tam Ti Sứ để quản lý tài chính, khiến cho chức vụ tể tướng vốn dĩ thống lĩnh toàn bộ nay trở thành người phụ trách những sự vụ hành chính hàng ngày. Ngoài ra, ông ta còn đặt chức Tham Tri Chính Sự, Khu Mật Phố Sứ và Tam Ti Phó Sứ để làm cấp phó cho ba chức trên, kiềm chế ràng buộc nhau, hạn chế quyền hạn của tể tướng xuống mức thấp nhất, có thể thấy lòng nghi kỵ dành cho Triệu Phổ lớn đến mức nào.

(Theo ghi chép và khảo cứu, có lẽ chuyện này diễn ra sau khi Triệu Khuông Dận lên ngôi khoảng 2, 3 năm. Vua cho mời các tướng lĩnh như Thạch Thủ Tín, Cao Hoài Đức, Vương Thẩm Kì, Trương Lệnh Đạc... uống rượu, vừa khuyên nhủ vừa dọa dẫm, để các tướng trao lại binh quyền)

Nhưng cho dù đề phòng như vậy, rốt cuộc cũng vẫn không yên tâm.

Những mảnh vỡ trên đất đã dừng lắc lư, Triệu Quang Nghĩa cúi xuống nhặt mảnh vỡ cầm trên tay, chậm rãi dọn dẹp. Việc này thực ra không cần chàng phải làm, nhưng chàng sợ nếu mình không làm gì, thì phải nói. Chẳng thà làm tí việc còn hơn là nói sai điều gì đó.

Có những lúc anh trai rất rộng lượng, Triệu Quang Nghĩa nghĩ vậy. Con trai của Chu Thế Tông Sài Vinh, không bị giết mà còn được phong làm Trịnh Vương. Nên biết rằng những khai quốc công thần cũng phải đợi sau khi chết mới được phong vương, anh trai nói nước Đại Tống sau này sẽ không có vương gia khác họ, nhưng người đầu tiên phá lệ chính là thằng nhóc họ Sài kia. Có lẽ vì thằng nhóc đó không có gì nguy hiểm? Thục hậu chủ Mạnh Sưởng, sau khi đầu hàng cũng được phong chức quan tử tế, đến khi hết tuổi mà chết được truy phong tước vương. Còn tay Lý Dục của Nam Đường ở phía nam, mấy hôm trước triệu hắn tới thành Biện Kinh Khai Phong, hắn thác bệnh không đi. Rượu mời không uống muốn uống rượu phạt, chắc không bao lâu nữa sẽ đem quân đi đánh Nam Đường, sớm muộn gì hắn cũng thành "hậu chủ", rồi đến Khai Phong làm một người khách nhàn tản.

Cũng có nghĩa là, anh trai rất khoan dung với những người không mang lại sự đe dọa. Nhưng với những người có khả năng đe dọa thì... giường của mình sao để kẻ khác ngủ yên được... Nghĩa Xã thập huynh đệ, Triệu Phổ... tiếp theo sẽ là ai?

Tay của Triệu Quang Nghĩa vừa run, mảnh vỡ sắc nhọn cứa vào ngón trỏ, lập tức chảy máu. Chàng nắm chặt ngón tay lại, kiềm chế những sóng gió trong lòng.

Hình như chàng, đứng quá gần anh trai, đã tới khoảng cách khiến anh trai chàng nghi kỵ rồi. Dù chàng tin vào tình cảm anh em của hai người, nhưng khi ngẩng đầu lên, nhìn thấy anh trai đang mân mê chiếc rìu Thiên Việt trong tay, thì vẫn cảm thấy như có luồng khí lạnh thấu xương xộc vào trong lòng. Miếng vải gấm trong người chàng, từ khi tìm lại được đến nay, chưa bao giờ rời người, dòng chữ trên đó chàng đã học thuộc làu làu, khắc ghi sâu trong tâm can.

"Kẻ cầm chiếc rìu này sẽ có lòng nghi kỵ rất lớn, hại đến người xung quanh...".

"Truyền ý chỉ của trẫm, giao cho Ngự sử đài điều tra, nếu thật là như vậy, trừng trị nghiêm". Giọng nói lạnh lùng của Triệu Khuông Dận vang lên, "Ngoài ra, cho Tham tri chính sự Tiết Cư Chính, Lã Dư Khánh lên đô đường, cùng bàn chuyện quân chính đại sự với tể tướng".

Triệu Quang Nghĩa quỳ lạy nhận chỉ, ngón tay áp lên nền gạch lạnh lẽo, vết thương đau nhói. Chàng biết, anh trai mình đã công khai thể hiện sự không tín nhiệm với Triệu Phổ rồi, chức tể tướng của Triệu Phổ cùng lắm làm thêm một, hai tháng nữa thôi.

Hại đến người xung quanh, nay hai cánh tay đã chặt mất một, còn chàng thì sao...

Năm 976.

Ánh nến lung linh, hương thơm phảng phất, Triệu Quang Nghĩa rót đầy một chén rượu Bồ Trung cho Triệu Khuông Dận, loại rượu ông ta thích nhất. Rượu Bồ Trung bắt nguồn từ rượu Bồ Châu, từ thời Bắc Chu đã nổi danh thiên hạ, đến thời Tùy Đường vẫn không thay đổi. Triệu Khuông Dận một khi đã uống rượu thì chỉ uống loại này.

Triệu Quang Nghĩa nhìn Triệu Khuông Dận nâng chén uống cạn, chợt lo lắng khuyên can: "Hoàng huynh, huynh vẫn còn đang bệnh, uống rượu hại người đấy".

Triệu Khuông Dận xua tay nói: "Không sao, chỉ bị phong hàn thôi. Chẳng mấy khi bị ốm để trốn việc vài ngày, gọi đệ tới uống rượu, đệ đừng làm ta mất hứng".

Triệu Quang Nghĩa cười, anh trai chăm lo chính sự và yêu dân, ba năm trước Triệu Phổ thôi chức, việc lớn nhỏ trong triều đều do Triệu Khuông Dận đích thân hỏi han, đủ biết là vất vả thế nào. Thấy anh trai sắc mặt vui vẻ, chàng không khuyên can nữa, lại rót đầy thêm cho một chén.

Chén này thì Triệu Khuông Dận không vội uống, lúc này đêm đã về khuya, ông và Triệu Quang Nghĩa mỗi người ngồi xếp bằng ở một đầu bàn, hai anh em cùng ngồi với nhau thân mật thế này, cũng là khoảnh khắc rất hiếm gặp trong mấy năm gần đây. Triệu Khuông Dận ngửi hương rượu thơm lừng, khẽ cười nói: "Hai anh em ta đã nhiều năm không được thân mật thế này rồi".

Triệu Quang Nghĩa nghe trong câu nói của anh trai mình không tự xưng là "trẫm", ngữ khí cũng rất thân mật, bèn thả lỏng sự cảnh giác thường trực trong lòng, cười tự nhiên rồi đưa chén lên nói: "Cũng phải, hôm nay không say không về".

Bao nhiêu năm nay không có ai dám cười nói vô tư trước mặt ông ta như thế, Triệu Khuông Dận cũng rất vui vẻ, hai người chén thù chén tạc, uống một trận thoải mái. Hai anh em đều là mãnh tướng rèn luyện trên chiến trường, bình thường uống không biết say, nhưng từ ngày Triệu Khuông Dận lên làm hoàng đế, rất ít khi uống rượu thoải mái, mới được ba tuần rượu đã bắt đầu ngấm hơi men.

"Nhớ năm xưa kết giao với Thế Tông, trẫm bây giờ chăm lo cho con ông ta, cũng coi như không phụ ơn tri ngộ của ông ta rồi...". Hơi rượu đã lên, lời cũng đã mở, Triệu Khuông Dận bắt đầu kể lể chuyện xưa.

Triệu Quang Nghĩa rót đầy chén cho ông ta, nghe nhưng không cho là vậy. Anh trai giữ lại con của Sài Vinh mà không giết, đó là để mua danh chuốc tiếng, thu phục lòng người. Một đứa bé bảy tuổi tất nhiên là rất dễ dàng khống chế, giả sử thằng bé ấy năm xưa là một người trưởng thành, thì e rằng bây giờ xương cốt cũng mục rồi.

"Những huynh đệ trong Nghĩa Xã, trẫm đều cho họ làm Tiết độ sứ, cho họ vinh hoa phú quý, tích cóp cho tiền bạc, đủ tự mình mua vui, cho con cháu không phải nghèo đói. Làm quan chẳng phải cũng vì những thứ đó sao? Một chén rượu thôi! Chỉ cần một chén rượu là đủ giải quyết mối lo lớn trong lòng trẫm". Triệu Khuông Dận nói tới việc chén rượu thả binh quyền năm xưa, vô cùng đắc ý.

Triệu Quang Nghĩa mỉm cười rót rượu tiếp, những tướng lĩnh đó bên ngoài thì cảm kích rơi nước mắt, nhưng bên trong có vừa ý hay không thì chàng không biết. Những kẻ đó đều là nhân vật hào kiệt trên chiến trường, trong ngàn vạn người mới chọn ra được, vậy mà sau khi chén rượu thả binh quyền, chỉ biết cởi giáp về quê. Làm nam nhi, ai chẳng muốn quyết trận sống mái ở nơi sa trường? Dù là da ngựa bọc thây, cũng tốt hơn làm một phú ông rỗi việc bây giờ. Nhưng giờ này kẻ đem quân xuất chinh đều là quan văn, dù tránh được cảnh võ tướng chuyên quyền, nhưng quan văn chỉ toàn nói chuyện binh trên giấy, đâu biết đánh trận?

"Ôi, Triệu Phổ, Triệu Phổ... Trẫm coi hắn như cánh tay phải trái, bất kể việc lớn bé đều cho hắn quyết. Nhưng hắn báo đáp trẫm thế nào? Năm xưa quan lại cần gặp trẫm, Triệu Phổ lại dám xem trước bản tấu, biết trong tấu chương không dám nói xấu chính sự thì mới cho lên điện. Hắn còn đặt một chiếc bình gốm ở giữa Thị Sự Các, các biểu tấu trong ngoài triều, cái nào hắn không định nhận thì không thèm báo lên, vứt thẳng vào trong bình gốm để đốt. Tấu chương của Lôi Hữu Lân năm xưa, nếu không phải do Quang Nghĩa đệ đích thân đưa lên, e là trẫm đến nay vẫn bị bưng bít!" Triệu Khuông Dận nói tràng dài rồi bắt đầu cáu giận, uống rượu như uống nước.

Triệu Quang Nghĩa vẫn cười rót rượu, chàng biết đêm nay anh trai chỉ cần có người để dốc bầu tâm sự, nhiệm vụ của chàng là lắng nghe, chứ không phải là phụ họa. Nói dai ắt thành nói dại, đó là nguyên tắc xử thế mà mấy năm nay chàng tổng kết ra. Hơn nữa vụ Triệu Phổ, nếu xét một cách nghiêm khắc thì không phải lỗi ở mình Triệu Phổ. Việc tham ô nhận hối lộ, vào năm Khai Bảo thứ sáu, Ngô Việt vương Tiền Lưu vì muốn được sống yên ổn, đã từng sai người đến tận nơi đưa thư cho Triệu Phổ, hối lộ mười bình hạt dưa bằng vàng, bị anh trai chàng vô tình đi qua bắt gặp. Khi đó Triệu Phổ đã sợ tới run rẩy tay chân, nhưng anh trai chàng thì lại nói đùa rất nhẹ nhàng, rồi còn khuyên Triệu Phổ nhận lấy món lễ vật hối lộ đó nữa.

Nếu không có anh trai dung túng, Triệu Phổ sao có thể có quyền lực lớn đến mức đấy được? Anh trai thật đúng là giỏi thủ đoạn, trong lòng nghi kỵ Triệu Phổ, nhưng không muốn phá hỏng cái tiếng là khoan dung của bản thân, nên mới ra tay khiến Triệu Phổ phải tự hủy hoại danh dự. Đến khi sự việc không thể nhẫn nhịn được nữa, khi Triệu Phổ tự mình khiến cho trăm quan tức giận, thì mới bãi chức của gã. Thủ đoạn của đế vương, quả là uy trời khó đoán.

Triệu Quang Nghĩa biết sau khi Triệu Phổ thất thế thì chàng chính là kẻ vướng mắt nhất trong triều rồi, nhưng mấy năm qua chàng đều hết sức cẩn trọng, lại giỏi đoán thánh ý của Triệu Khuông Dận, nên tới giờ vẫn chưa có việc gì lớn lắm.

Lúc này Triệu Khuông Dận đã uống say tám phần, đưa tay lấy chiếc rìu Thiên Việt luôn luôn đeo bên hông ra, đặt lên bàn, cười và thấp giọng nói: "Quang Nghĩa, trẫm nói cho đệ biết một bí mật, liên quan đến chiếc rìu ngọc mà đệ tặng cho trẫm này".

Triệu Quang Nghĩa giật mình, cảm thấy tấm vải gấm trong người mình bỗng như nặng ngàn cân, đè nghiến lên lồng ngực.

Lúc này đã là nửa đêm, trong tòa điện mờ ảo, Triệu Khuông Dận không chú ý đến gương mặt cứng đờ của em trai mình, tiếp tục cười bí hiểm: "Chiếc rìu ngọc này, nói không chừng đúng là rìu Thiên Việt của Chu Vũ Vương đấy! Nhiều năm trước trẫm đã phát hiện ra, chiếc rìu ngọc này, chỉ có trẫm mới cầm được, cho người khác cầm vào thì cổ tay đều mềm nhũn, không giữ nổi lấy một nhịp thở".

Triệu Quang Nghĩa nghe xong quên luôn cả thở, chàng đột nhiên nhớ chuyện nhiều năm trước, khi cậu bé kia mở chiếc hộp gấm ra, trên mặt lộ rõ vẻ đang chơi khăm. Thì ra, thì ra chiếc rìu Thiên Việt này đúng là không phải ai cũng cầm lên được. Đúng là chỉ có chân mệnh thiên tử mới cầm nổi...

"Trẫm khi đó đã cảm thấy chiếc rìu này lạ, nghĩ kỹ lại, có lẽ chỉ có thiên tử mới cầm được chiếc rìu ngọc tượng trưng cho quyền bính của thiên hạ này". Triệu Khuông Dận không phải kẻ ngốc nghếch, ít nhiều cũng đã đoán ra điều kỳ lạ của chiếc rìu. Phàm là kẻ có vận mệnh lớn, đều hay tin vào thiên mệnh. Ông ta uống một ngụm rượu, bỗng nhiên thở dài nói: "Ngoài Đức Tú mất sớm ra, Đức Chiêu, Đức Lâm, Đức Phương trẫm đều tìm cơ hội để thử nghiệm, ba đứa chúng đều không cầm được chiếc rìu Thiên Việt này. Ôi, chẳng lẽ thái tử của trẫm còn chưa ra đời?"

Triệu Quang Nghĩa nghe xong ngẩn người, Đức Chiêu, Đức Lâm, Đức Phương là ba con trai của anh trai chàng, không ngờ bao năm nay anh trai không chọn phong thái tử, là vì lý do này. Triệu Quang Nghĩa không kiềm chế nổi ánh mắt mình nhìn sang chiếc rìu ngọc bên cạnh, chàng không quên được, năm xưa chàng nhấc chiếc rìu Thiên Việt này rất nhẹ nhàng cũng như anh trai mình vậy.

Triệu Khuông Dận thấy Triệu Quang Nghĩa nhìn rìu Thiên Việt không rời mắt, cho rằng chàng không tin vào lời ông ta nói, bèn lập tức cười: "Quang Nghĩa, nếu không tin, đệ cầm thử xem?" Nổi đoạn, ông ta cầm chiếc rìu Thiên Việt lên tay, đưa cán rìu cho chàng.

Câu nói của Triệu Khuông Dận, chỉ là tiện mồm nói ra, nhưng đối với Triệu Quang Nghĩa thì như tiếng sét giữa trời nắng.

Bảo chàng cầm chiếc rìu Thiên Việt? Thăm dò sao? Năm xưa khi chàng mua chiếc rìu Thiên Việt này về, chắc chắn đã cầm trong tay chơi, chẳng lẽ anh trai chàng vẫn canh cánh trong lòng? Nên hôm nay mới bày bữa tiệc Hồng Môn này?

(Năm xưa Hạng Vũ bày tiệc ờ Hồng Môn mời Lưu Bang, mục đích là để nhân cơ hội giết chết Lưu Bang. Sau này "tiệc Hồng Môn" dùng để chỉ bữa tiệc có ẩn ý đồ giết người)

Sài Vinh, Nghĩa Xã thập huynh đệ, Triệu Phổ... giờ thì cuối cùng cũng đến lượt chàng?

Triệu Quang Nghĩa nhìn chiếc rìu ngọc trắng muốt sáng loáng dưới ánh nến, trong lòng dội lên từng cơn sóng dữ. Bên tai văng vẳng tiếng thúc giục của Triệu Khuông Dận, Triệu Quang Nghĩa đưa tay về phía cán rìu Thiên Việt, tim gan như sắp vỡ ra. Chàng biết việc này thực ra rất dễ xử lý, chỉ cần ngay lúc cầm chiếc rìu Thiên Việt lên, giả vờ như cổ tay mềm nhũn không cầm nổi, là có thể xóa bỏ mọi nghi ngờ của anh trai.

Nhưng khi chiếc rìu lạnh như băng đặt vào trong lòng bàn tay, chẳng hiểu sao đầu óc chàng trống rỗng, thậm chí không biết đôi tay của anh trai mình đã bỏ ra khỏi rìu từ lúc nào.

Đến khi định thần trở lại, chàng sợ hãi ngẩng đầu lên, vừa lúc bắt gặp gương mặt biểu cảm hết sức phức tạp của anh trai.

Thôi xong rồi, cứ theo tâm tư của anh trai chàng, thì chàng không sống nổi qua đêm nay.

Triệu Quang Nghĩa cũng không hiểu từ đâu nảy ra ý định, trong vô thức chàng giơ chiếc rìu Thiên Việt trong tay lên, chém về phía người đối diện.

Trên bình phong, bóng nến rung lắc lên, cùng với tiếng của vật nặng rơi xuống đất, là một vũng máu tươi đổ lên trên, sau đó là sự im lặng chết chóc.

4

Năm 2012.

"Nói vậy, người bị lòng nghi kỵ điều khiển, thực ra là Triệu Khuông Nghĩa? Chứ không phải Triệu Khuông Dận?" Bác sĩ nghe xong câu chuyện về rìu Thiên Việt, cứ xuýt xoa mãi không thôi. Cơ thể của anh vẫn bị Phù Tô chiếm giữ, lúc này vẫn ở trạng thái linh hồn. Chủ tiệm tìm cho anh một con người gỗ bằng gỗ ngô đồng. Gỗ ngô đồng là loại gỗ nhẹ nhất, truyền thuyết kể rằng phượng hoàng đậu trên cây ngô đồng, đương nhiên gỗ ngô đồng có linh khí nhất. Con rối gỗ ngô đồng được làm rất tinh xảo, các khớp đều cử động được, thân thể trống rỗng, được đeo một sợi dây chuyền ngọc Thủy Thương vào. Truyền thuyết nói rằng làm vậy có thể giữ linh hồn cho anh con rối gỗ này chỉ to bằng bàn tay, gã chủ tiệm cho vào trong túi áo cũng rất thuận tiện.

"Đúng vậy, Triệu Khuông Dận thực ra có để lại lời hẹn kim quỹ (tủ vàng), di chiếu trong kim quỹ nói rõ Triệu Khuông Nghĩa sẽ kế thừa ngôi vị". Lúc này chủ tiệm đang ở trong một khoảnh rừng ở ngoại ô hoang vắng, trong tay gã cầm một chiếc hộp gấm hoa văn dây leo nạm vàng bạc, trong hộp gấm đương nhiên chính là chiếc rìu Thiên Việt dẫn tới chuyện huynh đệ tương tàn kia.

"Hả? Hóa ra lời hẹn kim quỹ không phải do Triệu Khuông Nghĩa tự bịa ra sao?" Bác sĩ cũng có chút kiến thức lịch sử, tất nhiên chỉ giới hạn ở những gì đọc được trong sách giáo khoa mà thôi.

"Triệu Khuông Nghĩa bị lòng nghi kỵ điều khiển, trong bóng nến tiếng rìu đã giết chết anh trai mình, sau đó sợ ngôi vua không vững, giết luôn cả em trai mình là Triệu Khuông Mỹ, Triệu Đức Phương không lâu sau đó qua đời, cái chết không rõ ràng. Lý Dục thời Triệu Khuông Dận còn sống thì chẳng làm sao, sau này Triệu Khuông Nghĩa kế vị rồi thì Lý Dục bị ép phải tự sát. Đó mới thực sự là lòng nghi kỵ nổi lên, gây họa tới người xung quanh...". Gã chủ tiệm chậm rãi kể lại, nghe rất bình thản. Đối với gã, chuyện đó là chuyện của ngàn năm trước rồi, năm xưa chiếc rìu Thiên Việt ra khỏi Á Xá, sau đó gã cố ý lấy lại, và chiếc rìu Thiên Việt được phong ấn trong Á Xá cả ngàn năm.

"Chiếc rìu Thiên Việt này là một trong những món đồ cổ đế vương có thể phá yếm khí của mười hai đồng nhân sao? Nhưng sao lại đến đây? Ở đây không có kiệt thạch mới phải chứ?" Bác sĩ cũng không biết chủ tiệm đưa anh đi đâu. Anh nằm suốt bên trong túi áo của chủ tiệm, không thể ngọ nguậy, mười lăm phút trước mới được lôi ra, đặt lên vai chủ tiệm, anh mới nhìn thấy cảnh tượng quanh mình.

"Phá yếm khí cũng phải có trình tự, phá giải Càn Khôn đại trận cần phải làm từ từ, mỗi tháng chỉ được chôn một món đồ cổ. Tháng Giêng còn gọi là Chính Dương, rìu là quyền bính của một đất nước, chôn ở mắt trận, chắc là có thể áp chế được yếm khí". Chủ tiệm chậm rãi giải thích, phá trận thì dễ, bày trận mới khó. Năm xưa Tần Thủy Hoàng lập bảy tấm kiệt thạch cũng phải mất vài năm, nên gã không vội vàng gì. Gã không tin cả một Càn Khôn đại trận mà Phù Tô có thể nhanh chóng lập xong.

Bác sĩ nhìn không biết chủ tiệm làm động tác gì, dưới chân gã xuất hiện một cái hang tối đen. Chủ tiệm đem cả rìu Thiên Việt lẫn chiếc hộp gấm ném xuống cái hang tối tưởng như không có đáy, rất lâu sau cũng không thấy có âm thanh vọng lại.

Gã chủ tiệm thở phào, toàn thân đã được thả lỏng, gã phẩy phẩy tay, phía dưới chân lại trở lại bình thường.

Bác sĩ không nói lời nào, trong tiềm thức cảm thấy cho dù anh có hỏi đi nữa, thì cũng chẳng hiểu nổi vừa xảy ra chuyện gì. Nhưng thấy chủ tiệm đã thở phào nhẹ nhõm, anh biết chiếc rìu Thiên Việt đã có tác dụng. Bác sĩ thử động đậy cánh tay của con rối, chỉ cố nhấc được cổ tay lên, anh bị nhốt vào trong một con rối không cử động được, quả thật là khó chịu.

Hình như chủ tiệm cảm nhận được sự bất an cùa bác sĩ, liền đưa tay điều chỉnh tư thế của con rối, để anh ngồi vững chãi hơn trên vai gã.

Rìu Thiên Việt gây ra chuyện huynh đệ tương tàn... đứng giữa những bông tuyết bay tứ tán, gã chủ tiệm cười nhạt.

Trước khi chôn rìu Thiên Việt xuống đất, không lấy ra cho anh em Phù Tô và Hồ Hợi cầm thử, thật đáng tiếc...