Thuyết Đường

Chương 20: Tần Vương bị nạn, Uất Trì Cung đóng khố đi cứu giá




Đại binh Tần vương nhằm thẳng đường Tràng An đi như nước.

Một hôm gần qua con đường rẽ về Lạc Dương Tần vương bỗng gò cương ngựa đi ngang Từ Mậu Công nói :

- Ta còn thắc mắc về hai tướng La Thành, Đơn Hùng Tín ở Lạc Dương, biết làm cách nào để chiêu dụ?

Mậu Công nói :

- Chiêu dụ La Thành thì dễ chứ Đơn Hùng Tín thì không sao được. Vì ngày trước Thánh thượng đã vô tình bắn chết anh ruột hắn là Đơn Hùng Đạo. Bởi vậy Tín vẫn thề không bao giờ hàng Đường. Huống chi, ngày nay Vương Thế Sung phong Tín làm Phò mã. Nay chúa công nên đến đánh Lạc Dương. Bên trong đã có La Thành, lo gì không lấy được thành trì đó. Lại được cả La Thành theo ta nữa.

Tần vương nghe lời, truyền binh rẽ đến Lạc Dương. Ba hôm sau tới nơi, Tần vương hỏi ai muốn ra trận lập công đầu?

Uất Trì Cung đi. Quân sĩ Lạc Dương vào báo. Vương Thế Sung triệu họp các tướng thương nghị. Hùng Tín xin ra nghênh địch. Hùng Tín cầm giáo lên ngựa, thẳng tới trận tiền, thấy Uất Trì Cung đen đủi dữ dội thì bật cười hỏi họ tên.

Bên này Trì Cung thấy Hùng Tín tóc râu đỏ như lửa, mặt xanh răng dài nhọn như hổ, thì cũng bật cười hỏi họ tên.

Khi đã thông rõ tính danh, hai tướng cùng giáp chiến. Được hai chục hiệp, Hùng Tín thấy ngọn xà mâu của Trì Cung vô cùng lợi hại bèn giục ngựa chạy vào thành.

Hùng Tín Tín thẹn với Vương Thế Sung, không vào dinh vội, lẻn đến nhà riêng nói với La Thành :

- Tướng Đường võ nghệ và sức khỏe thật phi thường. Em nên nghĩ cái tình huynh đệ bấy lâu mà ra rửa cái nhục cho anh.

La Thành đáp :

- Giặc đến thì phải đánh, đó là bổn phận của kẻ ăn lộc chúa. Xin anh cứ yên lòng. Em sẽ đánh tan giặc.

Tức thì mặc giáp, cầm thương lên ngựa. Ba tiếng pháo nổ, ngựa La Thành phi ra như gió. Uất Trì Cung thấy một tướng trẻ tuổi, giáp trắng, trụ trắng, mặt như nhồi phấn, môi tựa thoa son, mắt sáng như sao, thân hình cao mạnh, sử ngọn thương dài sắc loáng, trong bụng khen thầm: “Thằng bé này phải là dòng hổ tướng. Ta vẫn nghe đồn trong thiên hạ dòng dõi họ La có tài đánh thương. Thằng bé này đó chăng?”

Nghĩ vậy hỏi to :

- Có phải mày là con cháu nhà La tướng đó không?

La Thành kinh ngạc đáp :

- Chính ta đây. Ngươi tên chi cho ta biết kẻo ngọn thương họ La này chưa từng giết kẻ vô danh.

Trì Cung xưng tên rồi phóng xà mâu đánh liền. La Thành cả cười, huy động hết tài thương pháp thành một vòng ánh sáng quấn lấy người ngựa Trì Cung. Ngọn xà mâu cũng dụng hết thần oai, quấn trọn bên mình La công tử. Hai tướng mặt đen, mặt trắng đua tài, khiến Tần vương luôn mồm khen ngợi.

Đã dư hai trăm hiệp, La Thành dùng độc thủ hồi thương quay ngựa chạy. Thấy Uất Trì Cung đuổi theo. Tần Thúc Bảo đứng cạnh Tần vương giậm chân kêu :

- Chết rồi, không khéo thì Trì Cung bị ngã vì miếng hồi thương lợi hại của La Thành đó!

Dứt lời, con ngựa của La Thành đã giơ ngang, cây thương của La Thành đã giáp người Trì Cung, trở đốc đánh ba lần vào đầu Uất Trì Cung. May mà Trì Cung võ nghệ cao cường, giơ xà mâu đỡ được hai ngọn, đến miếng thứ ba không đỡ kịp bị mũi thương đâm trúng cái hộ tâm kính bằng đồng ở ngực. Mảnh đồng vỡ đôi ra nhưng chưa tới thịt.

Trì Cung tái xanh mặt kêu to một tiếng.

- La Thành giỏi đó!

Rồi phi ngựa chạy về dinh. Giảo Kim cười nói :

- Ta cứ tưởng ngọn roi của ngươi đã đánh tan sọ La Thành ra rồi!

Trì Cung nói :

- La Thành thực tài, ta không sao địch nổi. Trình huynh thừ ra đọ sức xem mới biết.

Giảo Kim nói :

- Ta mà ra thì được một búa, La Thành phải hàng ngay.

Tần vương nói :

- Nếu vậy thi xin nhờ Trình huynh chiêu dụ hộ.

Uất Trì Cung cười thầm: “Thằng cha này chỉ nói khoác. Được lắm, mai ta sẽ ra xem hắn xử trí ra sao”

Hôm sau Đơn Hùng Tín lại giục La Thành ra khiêu chiến. Bên này Tần vương cũng giục Giảo Kim ra. Đã trót khoe khoang, Giảo Kim đành vác búa lên yên xuất trận. Uất Trì Cung cũng đi kèm xem Giảo Kim có làm nên trò trống gì không. Có ngờ đâu Giảo Kim tinh ma quỷ quái, tiến ngựa đến trước La Thành mắt nháy tay đặt trước ngựa để ra hiệu nói to lên rằng :

- La Thành kia!

Lại nháy một cái nói tiếp :

- Sao hôm qua, dám vô lễ với Uất Trì Cung, đánh cho hắn thất điên bát đảo, về chết ngất đi vì sợ hãi.

Rồi lại liếc, nháy lia lịa :

- Cho nên ta nổi giận, hôm nay ta quyết lấy đầu ngươi cho Uất Trì Cung được biết võ nghệ của ta.

Rồi tiến lên dăm bước nữa khẽ thầm thì :

- “La hiền đệ ơi, ta cúi đầu cắn cỏ lạy hiền đệ rủ lòng thương cái thân ta mà sinh phúc nhường cho ta mấy búa để cho Tần vương và Uất Trì Cung trọng vọng ta tí chút. Hiền đệ anh hùng đã nổi danh thiên hạ, nay vì tình nghĩa anh em mà ban cho cái ơn lớn đó, ta không bao giờ dám quên.

Nói rồi múa búa bổ liền. La Thành hiểu ý che miệng, giơ thương đỡ.

Giảo Kim lại gầm thét, bổ luôn, La Thành lại giật lùi đỡ, vờ kêu to :

- Ái cha cha! Giảo Kim! Giỏi lắm!

Giảo Kim gầm gừ bổ luôn búa thứ ba.

La Thành vờ lạng người đi và làm cho cây thương bật lại, rồi kêu lớn :

- Ta chịu thua rồi! Giỏi lắm!

Đoạn phi ngựa chạy. Giảo Kim thúc ngựa đuổi theo, miệng vừa rống lên như hổ vừa lẩm bẩm :

- Ơn này anh xin kết cỏ ngậm vành báo đáp em. Thế này thì ta tha hồ danh giá với Đường triều. Thôi ta về nhé!

Chờ cho La công tử vào thành, Giảo Kim còn gầm gừ toan bổ phá điếu kiều. Quân trên thành bắn tên xuống Giảo Kim mới chịu lui.

Uất Trì Cung cả sợ tài uy dũng của Giảo Kim, có biết đâu họ đã kết anh em thì cùng sinh cùng tử tự ngày nào.

Cung kính trọng hỏi Kim rằng :

- Hôm nọ ở Ngôn Thương sao võ nghệ Trình huynh xoàng vậy mà nay lại oai hùng thế?

Giảo Kim nói :

- Đó là Từ quân sư dặn đi dặn lại ta phải nhường ngươi mấy búa, chỉ cốt đùa cợt với ngươi cho Mã Tam Bảo cướp xe lương, chứ từ khi làm tướng đến giờ, ta chưa biết thua ai hết, trừ Lý Nguyên Bá mà thôi. Vậy bây giờ ngươi có dám cùng ta thí võ?

Trì Cung nói :

- Anh em một nhà, mong cho nhau tài giỏi để thiên hạ kính sợ chung chứ khi nào phải ganh nhau hơn kém.

Giảo Kim đắc chí gật gù :

- Đại huynh nói câu ấy thật là rất biết điều hay lắm.

Tần vương thấy Giảo Kim thắng trận, sai mở tiệc ăn mừng.

Từ Mậu Công đã biết cái ranh mãnh của Giảo Kim chỉ mỉm cười rồi nói :

- Ngày mai Trình tướng quân khá dụ cho La Thành quy thuận Đường triều, nếu không được sẽ dùng quân pháp.

Giảo Kim tái mặt nghĩ thầm :

- Ta trót khoác lác, không khéo thì phen này làm ma mất!

Bên này, La Thành vào phủ. Hùng Tín đến nói rằng :

- Ta có câu chuyện nói với hiền đệ, chẳng hay hiền đệ có sẵn lòng nghe không?

La Thành đã đoán ra, liền đáp :

- Đại ca cứ nói.

Tín rằng :

- Ta đứng trên mặt thành thấy hiền đệ với Giảo Kim nháy mắt ra hiệu cho nhau, rồi mới đỡ ba búa của nó hiền đệ đã lui về. Võ nghệ của Giảo Kim ta có lạ gì đâu mà hiền đệ phải chịu thua. Bấy nay ta trọng đãi hiền đệ, nay nếu đệ về với Đường thì cứ nói cho ta biết để gọi là có chén rượu tiễn chân nhau, can gì phải giấu?

La Thành ung dung nói :

- Nguyên do câu chuyện thế nầy. Tiểu đệ đã toan bắt sống Giảo Kim nhưng thấy hắn ra hiệu nháy mắt, vòng tay thì cho là hắn có ý bỏ Đường hàng Lạc Dương ta. Vì muốn thu một tướng nên giả vờ chạy, thực tình không có ý gì phản phúc.

Tín cười sung sướng :

- Hiền đệ có nói vậy ta mới yên lòng. Vậy mai khá bắt sống Giảo Kim tỏ cái uy dũng của Lạc Dương, sự đó ta trông nhờ tay em đấy.

La Thành đành phải xin vâng. Tín đi rồi, La Thành chán nản, buồn rầu nghĩ :

- “Ta ở cái cảnh đền ơn cơm áo, có khác gì con chó phải canh nhà giữ trộm cho người ta đâu; có thế mà nay trách oán, mai kể công ơn, ta tự xét không còn khí phách đội trời đạp đất!”

Rồi cúi đầu mà thở dài mãi không thôi. Con liễu hoàn nghe hay đem sự tình kể với Tần phu nhân. Phu nhân sai vời La công tử vào hầu.

Rồi hỏi :

- Ta nghe con có chuyện không vui. Khá nói cho mẹ nghe nào!

La Thành nói :

- Tần vương tiến quân đánh Lạc Dương. Trong hàng đại tướng có Tần biểu huynh và Trình Giảo Kim. Hôm nay Giảo Kim ra trận, con nghĩ đến cái tình anh em đã uống máu ăn thề ở Giã Liễu ngày xưa nên không nỡ ra tay, vờ thua chạy. Đơn Hùng Tín ra điều ngờ vực, trách móc, con nghĩ lấy làm buồn bực lắm.

Tần mẫu cúi đầu suy nghĩ rồi khẽ nói :

- Mẹ vẫn thường nói rằng dòng họ Tần chỉ còn có biểu huynh con. Ngày nay anh con đã có Chân chúa mà thờ. Còn con thì vẫn lênh đênh lẩn lút chẳng ra sao cả. Không lẽ con vì Đơn Hùng Tín mà tranh giành chém giết anh con, thiên hạ sẽ cười con là không biết tìm nơi cao mà đứng. Huống chi bên ấy con có bao nhiêu bạn, ở đây chỉ có Tín, mà Tín đối với con vẫn có ý hiềm nghi. Âu là nghe mẹ sang Đường là hơn cả.

La Thành nói :

- Con hằng nghe đồn Tần vương có khí tượng Thiên tử, hiền sĩ hào kiệt theo đến rất nhiều. Nhưng chỉ ngại nỗi tự nhiên bỏ Tín ra đi thì mang tiếng vong ơn, lòng con thực băn khoăn lắm.

La phu nhân nói :

- Chấp kinh phải tòng quyền. Con vì cái nghĩa nhỏ mà bỏ cả sự nghiệp trọn đời. Như thế sao gọi là hảo hán?

La Thành chắp tay thưa :

- Lời mẹ dạy, con xin để bên lòng. Rồi con sẽ liệu cơ ứng biến.

Sáng hôm sau, Tín cho vời La Thành ra bắt Giảo Kim, lại dặn rằng :

- Lần này hiền đệ phải bắt kỳ được thằng giặc ấy. Nếu lại giả vờ thua thì chớ trách ta, mà quân sĩ sẽ chê cười cho đấy!

La Thành buồn bực cầm thương lên ngựa. Vừa đi vừa ngửa cổ lên trời nói :

- Ta không ngờ ngày nay La Thành này bị câu thúc đến thế ư?

Thực là nhục nhã!

Tới trận tiền lại thấy Giảo Kim nháy mắt lia lịa như hôm trước nói thầm :

- “La hiền đệ ơi, anh có câu tâm sự cần được nói nhưng ở chỗ muôn quân không tiện, vậy em nhường anh một búa, đuổi nhau ra chỗ vắng cho anh nói.”

La Thành vừa bực tức vừa phì cười, đành gật khẽ.

Rồi giao chiến. Chừng mươi hiệp, Giảo Kim quay ngựa chạy về phía nam, ở đây có một khu rừng rậm.

La Thành đuổi theo luôn. Uất Trì Cung trông thấy Giảo Kim thua chạy nghĩ thầm :

- “Ta vâng lệnh chúa công ra án trận, thấy Giảo Kim thua lẽ nào cứ đứng im. Nếu Giảo Kim bị chết, chúa công sẽ trách phạt ta. Âu là phải đi tiếp ứng.”

Vừa nghĩ vừa phóng ngựa đuổi sau.

Trong khi ấy Giảo Kim đã cùng La Thành chạy vào rừng tìm chỗ kín không ai trông thấy. Kim dừng ngựa nói :

- Hiền đệ ơi, ở đây vắng vẻ, anh cần nói với em một vài câu.

La Thành thúc giục :

- Đại ca nói ngay đi.

Giảo Kim nói :

- Ta nhớ xưa Tần Cửu mẫu thường nói với ta và Thúc Bảo rằng chỉ còn có một đứa cháu ngoại thân tên là La Thành, ước mong sau cho ba anh em suốt đời cùng ở một chúa, làm quan một triều. Ngày nay Cửu mẫu mất đi, ba anh em mỗi người một chúa sát hại lẫn nhau há chẳng là điều cho thiên hạ chê cười mà Cửu mẫu cũng đau lòng nơi chín suối.

Ta và Tần huynh đã chọn được minh chúa để thờ, còn em anh hùng cõi thế, sao nỡ khom lưng uốn gối dưới trướng thằng tướng cướp mặt xanh nanh dài để cầu miếng cơm ăn. Anh nghĩ thương em mà đau lòng như cắt.

Nói rồi, nước mắt chảy như mưa, mếu máo mãi không thôi.

La Thành nói :

- Để em về bàn kế với mẫu thân, rồi sang Đường với các anh.

Nói rồi hai người lại rủ nhau về. La Thành vờ bị thua chạy trước.

Giảo Kim trông thấy Uất Trì Cung ở xa xa, khẽ nói :

- Kia kìa, thằng Uất Trì Cung nó vẫn ngông nghênh lắm, em đánh cho nó một trận nữa, cho nó biết tay.

Uất Trì Cung tưởng La Thành thua thực bèn nghĩ đến sự báo thù quát vang lên :

- Thằng ranh con kia trông ngọn bát xà mâu của lão đây.

La Thành thấy Đơn Hùng Tín vẫn đứng trên mặt thành, nay được dịp đánh Trì Cung giải lòng nghi của hắn, thì cả mừng múa tít cây thương đâm Uất Trì Cung. Trì Cung gạt mũi thương thấy chùng hẳn cánh tay. Lại đỡ mũi nữa, thấy rùng mình lảo đảo. Đến mũi thứ ba thì sượt ngang đùi rách giáp và chảy máu. Cung “ối chao” một tiếng phi ngựa chạy. La Thành vỗ đầu ngựa đuổi. Qua một cây cổ thụ, La Thành phóng mạnh mũi thương, may cho Uất Trì Cung, con ngựa kịp rẽ vòng qua phía bên kia, mũi thương lợi hại đáng lẽ trúng lưng thì đâm suốt thân cây. Uất Trì Cung không còn hồn vía. La Thành rút mũi thương ra, toan đâm nữa, chợt có một tướng tay thương tay giản xông ra quát :

- Không được hại tướng của nhà!

Thành nhìn lên, vội reo khẽ :

- Tần biểu huynh đấy ư?

Thúc Bảo đưa mắt ra hiệu. La Thành biết ý, rẽ ngựa chạy vào thành Lạc Dương, kẻo Hùng Tín lại sinh nghi.

Giảo Kim về trại, nghênh ngang đắc trí, xuống ngựa vào chầu Tần vương kể sự chiêu dụ La Thành đã xong rồi. Vương mừng như được ngọc vàng, lát sau, Thúc Bảo, Trì Cung cũng về phục mạng.

La Thành vào phủ. Quả nhiên, Hùng Tín không nghi ngờ gì cả, rót rượu mời La Thành đã làm cho Uất Trì Cung bở vía. Uống rồi, La Thành về nhà riêng, vào nội đường hầu mẹ, kể rõ lời Giảo Kim. La mẫu nói :

- Con nên nghe lời anh con, đưa mẹ sang đất Đại Đường, mẹ dẫu chết cũng vui lòng nơi chín suối.

La Thành vâng lệnh, đưa gia quyến ra khỏi thành rồi vào nói với Tín :

- Thân mẫu lâu ngày nhớ Yên Sơn, nay tiểu đệ phụng đưa mẹ về quê dưỡng lão. Ba ngày tiểu đệ sẽ lại Lạc Dương giúp đại huynh.

Tín nói :

- Giặc đang vây hiểm, sao tiểu đệ nỡ bỏ ta. Thôi thì đệ sang hàng Đường cầu phú quý, nói dối ta làm gì.

La Thành nói :

- Tiểu đệ từ biệt đại huynh ít ngày vì vâng lệnh mẹ, sao ngờ cho Thành tôi như thế.

Tín không biết nói sap, sai đặt tiệc tiễn hành. La Thành uống một chén rồi nói rằng :

- Thân mẫu đứng đợi ngoài thành, xin cho đi, rồi sẽ có tái ngộ.

Nói rồi vái lạy mà đi. Tín lên mặt thành nhìn theo hút thấy Thành đưa gia quyến đến một gốc cây to, ở đấy đã có Thúc Bảo, Trình Giảo Kim ra đón, cả bọn vui vẻ về thành Đường. Tín nổi giận quát to :

- Thằng La Thành vong ân bội nghĩa. Ta thề cùng mày không đội chung trời.

Quát mắng chán rồi lại về phủ.

Tần Thúc Bảo đưa La Thành vào bái yết Tần vương. Thành sụp lạy, vương vội nâng đỡ dậy, truyền dọn yến tiệc, mọi người rất vui vẻ. Uất Trì Cung ngắm La Thành nghĩ bụng: “La Thành còn trẻ mà sao thương pháp ghê gớm thế. Có lẽ hắn chỉ giỏi trên lưng ngựa, chứ dưới bộ chưa chắc hắn bằng ta. Chi bằng thử đùa hắn làm trò một tí.”

Nghĩ rồi rót chén rượu đầy, bước đến trước mặt La Thành nói :

- Có chén rượu kính mời La công tử để tỏ cái tình anh em.

La Thành đỡ chén rượu chưa kịp cám ơn thì Uất Trì Cung đã nhấc bổng cả người La Thành giơ lên cao.

Mọi người kinh ngạc không hiểu ra sao cả. La Thành nói :

- Có bỏ ta ra không?

Trì Cung cười sằng sặc :

- Ta không buông đấy. Hôm qua giỏi trên mình ngựa, bây giờ có dám giỏi trên bàn tay ta nữa không?

La Thành nói :

- Ngươi nhất định không bỏ phải chăng?

Trì Cung nói :

- Ta không bỏ làm gì ta nổi?

La Thành nói :

- Ta có cách làm ngươi phải bỏ.

Dứt lời đánh hai quả phật thủ nặng như núi Thái Sơn vào hai mang tai. Đó là miếng nhu quyền “Chung cổ tề minh” nghĩa là bên chuông bên trống, vốn là miếng võ gia truyền của nhà họ La.

Trì Cung bị tối mắt, tưởng như đầu vỡ đôi ra, lẩy bẩy ngã gục xuống đất. La Thành nhảy đứng trên mặt đất, cúi xuống nâng Uất Trì Cung dậy, dùng hai ngón tay vuốt đầu trán Uất Trì Cung. Cung ngồi dậy được ngay, có ý hổ thẹn, và cũng từ đấy Uất Trì Cung không dám khinh La Thành nữa.

Hôm sau, gặp ngày tết đoan dương, Tần vương cho quân sĩ nghỉ mổ trâu bò ăn uống lấy sức mai phá Lạc Dương.

Tướng sĩ vui mừng. Người thì ở trong trại đánh cờ, thổi tiêu, người thì đi tìm quán rượu, người thì đi săn bắn.

Tần vương vốn thích danh sơn thắng cảnh, say mê sông núi, bèn rủ Từ Mậu Công ra ngoài dinh rong ngựa lững thững ngắm trời đất. Đi ngựa mãi tới vườn hoa ngựa giả hoa viên cách thành Lạc Dương năm dặm, do Vương Thế Sung sai xây dựng để thỉnh thoảng ngự ra đấy chơi trăng. Trong vườn núi non bộ cao như núi thật, muôn hoa muôn sắc các giống chim ríu rít trên hồ bán nguyệt. Tần vương và Mậu Công trèo lên ngọn giả sơn thấy một thành trì dài rộng. Tần vương hỏi :

- Có phải Lạc Dương thành đó chăng?

Mậu Công thưa rằng phải.

Khi đó Đơn Hùng Tín đang đi tuần ở mặt thành nhìn ra thấy rõ Tần vương và Từ Thích thì mừng thầm, lên ngựa xông thẳng xuống quát to :

- Thằng nhãi Đường kia, ta lấy thủ cấp mày đây.

Tiếng thét như sét đánh lưng trời, hai người giật bắn mình, ngoảnh lại thấy Đơn Hùng Tín, Mậu Công kéo tay Tần vương nhảy lên ngựa chạy. Nhưng luống cuống, Tần vương không kịp lên yên, cứ vòng quanh trái giả sơn chạy mãi. Mậu Công nắm giáp Hùng Tín mà rằng :

- Đơn nhị ca hãy nể cái tình cắt máu ăn thề ở xóm Liễu Gia mà tha cho chúa công ta.

Tín trừng mắt đáp :

- Cha nó giết anh ta, ta phải báo oán cho đủ ba đời. Sao còn bảo ta tha. Ngày nay không nghĩ cái tình kết nghĩa thì ta chém Từ Thích làm hai mảnh.

Mậu Công cứ níu lấy. Tín tuốt gươm cắt đứt giáp rồi đuổi theo Tần vương. Hai người cứ vòng quanh chân núi giả mà đuổi nhau.

Mậu Công đành lên ngựa chạy về dinh tìm người cứu giá. Xa thấy một tướng đang xoay trần tắm cho ngựa bên dòng suối. Mậu Công đến nơi té ra Uất Trì Cung. Công nói :

- Tướng quân mau đi cứu giá.

Lúc ấy Cung chỉ đội có chiếc mũ, mình trần trùng trục, đóng khố, ngựa không yên nhưng cũng nhảy lên cầm roi xông đến vườn hoa, thét vang trời :

- Thằng mặt xanh không được vô lễ thế!

Tín trông thấy Cung chột dạ, nhưng cũng quát lại :

- Thằng mặt đen! Hôm nay vua tôi mày phải chết!

Cung giơ roi đánh. Tần vương và Mậu Công về dinh trước. Tín cầm giáo gạt roi của Cung rồi đâm lại, Cung né mình nắm lấy ngọn giáo rồi thuận tay đánh lại một roi. Tín bỏ giáo ù té chạy.

Cung đuổi sát sau ngựa. Đến một dòng suối, thấy Trình Giảo Kim, Tần Thúc Bảo, Cung gào thét nói :

- Bắt thằng mặt xanh về nộp chúa công.

Giảo Kim, Thúc Bảo chạy ra ngăn lại nói :

- Đơn Hùng Tín là anh em kết nghĩa với chúng tôi, chớ nên hại hắn.

Uất Trì Cung nghe nói gò cương ngựa lại, ném ngọn giáo của Tín xuống lòng suối sâu. Bất ngờ ngọn giáo cắm phập đến quá nửa. Tín cố sức không sao rút được lên. Giảo Kim nói :

- Uất đại huynh khá nhổ cho hắn.

Cung bước đến bờ suối nói :

- Thế mà cũng đòi làm tướng, nhổ cái gậy không xong đòi đánh giết ai!

Nói rồi cầm hai ngón tay nhổ bật cả tảng đá dưới lòng suối đoạn chìa cho Tín. Đón ngọn giáo, Tín lủi thủi quay về, hổ thẹn căm hờn lắm.

Thúc Bảo hỏi đầu đuôi, Trì Cung kể sự tình Mậu Công gọi đi cứu giá. Ba người ra về, vấn an Tần vương.

Hùng Tín vào thành xiết bao tức giận. Vương Thế Sung nghe tin tới nói :

- Phò mã vì ta mà khó nhọc, ta rất cám ơn.

Tín đáp :

- Ơn của chúa công, hạ thần dẫu xương tan thịt nát cũng chưa đủ báo đáp.

Chợt nghe bẩm có trung quan đại nhân đến chơi. Thế Sung hỏi mẹo đánh tan Đương. Trung quan đại nhân nói :

- Hạ thần xem thiên văn, thấy bốn ngôi sao sáng lắm, mời được bốn người ấy đến giúp lo gì không phá tan Đường.

Thế Sung mừng hỏi :

- Bốn người ấy là ai?

Đáp rằng :

- Sao Khuê ở phương nam là Tống Nghĩa vương Mạnh Hải Công ở Tào Châu. Sao Tất là Bạch Ngư vương Cao Đàm Khánh ở Tương Châu.

Sao Mộc là Hạ Minh vương Đậu Kiến Đức ở Minh Châu. Sao Linh là Sở Tiết vương Chu Sán ở Sở Châu. Có bốn người ấy tất là có cả thiên hạ vậy.

Thế Sung mừng rỡ, sai đặt tiệc. Ba người cùng uống say để mơ ước ngôi Thiên tử và thiên hạ sẽ về mình.

Bên kia, Tần vương về dinh. Các tướng đến vấn an tấp nập. Tần vương sai đặt tiệc lớn, để uống rượu áp kinh. Trong tiệc, Tần vương hai lần cám ơn Uất Trì Cung đã có công đánh bại Đơn Hùng Tín, không thì mình khó toàn tính mạng. Cung đắc ý uống ba tước đầy, say quá ngồi ngả nghiêng. Tần vương sai Giảo Kim ôm Uất Trì Cung về dinh nghỉ. Kim hết sức ôm, Cung nặng quá hụt chân ngã lăn cả hai người.

Cung tưởng Kim có ý hại mình, nắm lấy Kim tung lên toan đập đầu Kim vào cột. Thúc Bảo bước tới can ngăn. Cung lừ đừ đứng không vững, nói :

- Tối nay ta ngủ một giường với chúa công.

Tần vương vốn hiền, yên mến mọi người như gan ruột, vui vẻ nói :

- Còn gì hay hơn nữa. Tướng quân ngủ với ta.

Rồi dắt tay Cung mà về cung nghỉ. Cung say quá nằm xuống ngủ ngay. Tần vương rón rén ghé mình bên cạnh. Nửa đêm Cung cựa mình gác cả chân ngang bụng Tần vương, vương không muốn cựa sợ Cung thức giấc, cứ nằm yên cố chịu mà chờ sáng.

Nhắc lại Vương Thế Sung đã viết bốn phong thư mật ước, sai đi triệu bốn Đại vương giúp sức đánh Đường Triều.

Hạ Minh vương Đậu Kiến Đức ở Minh Châu thấy lời thư của Vương Thế Sung tha thiết yêu cầu nhớ đến cái thù cha con Lý Nguyên Bá phải góp sức diệt Đường lại xin đem quân cứu Lạc Dương đang bị Tần vương uy hiếp.

Kiến Đức viết thư phúc đáp, nhận lời đi giải cứu. Ngay hôm sau, Kiến Đức sai Nguyên soái Lưu Hắc Thoát ở lại giữ nước, còn mình thân điểm một vạn binh cùng mang mười đại tướng đến Lạc Dương.

Mạnh Hải Công ở Tào Châu tiếp được thư cũng mang ba bà vợ và một vạn binh đi giúp Vương Thế Sung. Cao Đàm Khánh ở Tương Châu cũng điểm trung sĩ thẳng Lạc Dương kéo đến.

Vương Thế Sung nghe tin binh mã bốn Đại vương đã lục tục kéo đến, bèn sai Hùng Tín đem quân ra đón ngoài thành nghênh tiếp.

Tần vương nghe báo đại binh Đậu kiến Đức giúp Thế Sung diệt Đường thì buồn rầu nói :

- Cậu ta đã đến, ta là phận cháu đánh cậu tức là đánh lại mẹ ư?

Mậu Công đáp :

- Kiến Đức nhớ cái thù Lý Nguyên Bá bắt quỳ dâng hàng biểu mà đến đó thôi.

Đang nói, thấy báo tin Đậu Kiến Đức đem bốn tướng đến cửa dinh thách đánh, Thúc Bảo cúi chào Kiến Đức, nói :

- Tôi nghe nói Đại vương là cậu của chúa công tôi, sao lại đánh cháu giúp người dưng nước lã?

Kiến Đức nói :

- Tần Quỳnh không nhớ câu chuyện ở núi Tử Kim Sơn khi xưa ư? Ngươi về gọi Thế Dân ra đây cho ta dạy bảo.

Bảo nói :

- Chúa công ta chỉ có thể nói chuyện với người trong đạo giới, Đại vương đã bỏ đạo giới mà cắt tình máu mủ, tự làm tay chân cho kẻ khác sai khiến, người như thế sao đáng được hầu chuyện chúa công ta!

Kiến Đức giận thét lên, gọi các tướng ra đánh.

Tức thì Tô Định Phương, Đỗ Định Phương, Lương Định Phương, Sái Định Phương đổ cả ra.

Thúc Bảo tung hoành đánh bốn tướng, gươm đao xoang xoảng. Kiến Đức cũng nhảy vào trợ chiến. Một mũi thương hiểm ác đã kết liễu tính mệnh Định Phương rồi tiện tay kia, Thúc Bảo rút giản đánh trúng lưng Kiến Đức. Đức hộc máu ra thua chạy. Ba tướng kèm Tiến Đức lủi thủi về dinh.

Thúc Bảo trở về. Tần vương vừa mừng vừa buồn bã thở dài :

- Cậu cháu tranh giành nhau, thiên hạ tất chê cười. Nhưng tự cậu ta gây thù oán, ta cũng phải nghênh địch chứ biết làm sao.

Dứt lời lại có tin Đơn Hùng Tín đem các tướng đến khiêu chiến.

Mậu Công sai La Thành ra trận.

La Thành nói :

- Quân sư thể tình cho. Tôi nào lại nỡ đánh Đơn Hùng Tín. Xin quân sư tránh cho tôi điều vong bội ấy.

Mậu Công sai Thúc Bảo. Bảo cũng nói như La Thành. Giảo Kim xin đi.

Tần vương căn dặn :

- Ta rất có lòng yêu Hùng Tín, Trình vương huynh chớ hại Tín nhé.

Giảo Kim vác búa xông ra, lớn tiếng :

- Thế nào, đã lâu không gặp mặt, Đơn nhị ca bình yên chứ?

Hùng Tín cười nhạt :

- Cám ơn đại huynh. Ngươi gọi thằng mặt vàng ra đây ta nói chuyện.

Giảo Kim đáp :

- Tần Quỳnh vong ân bội nghĩa không dám gặp ngươi đâu.

Tín trừng mắt hỏi :

- Thế ngươi ra đây làm chi vậy?

Kim đáp :

- Ta nhớ nhị ca, nên muốn ra nói với nhau vài câu cho bõ công ao ước, thực tình không muốn đánh nhau, vì lòng ta không nỡ.

Tín cười :

- Ta nhường ngươi hạ thủ trước đi.

Kim cũng cười :

- Không dám, xin nhường nhị ca hạ thủ trước.

Tín nghiêm mặt lại :

- Ta đâu nỡ phụ tình bạn hữu như các ngươi.

Rồi đó gọi các tướng ra giao chiến với Giảo Kim. Sử Nhân vác đao ra chém. Giảo Kim ngoảnh lại nói với Hùng Tín :

- Buộc lòng phải thất lễ. Ta xin lỗi nhé.

Dứt lời, một búa xả Sử Nhân làm hai mảnh. Con ngựa Sử Nhân cỡi cũng đứt xương sống, giãy chết trên vũng máu chủ tướng.

Rồi quay sang tả, lại búa nữa làm bay đầu Tiết Hoa. Máu ở cổ xác chết phun ngược lên trời. Phú Đại Dụng luống cuống suýt ngã, ôm cổ ngựa mà trốn chạy. Giảo Kim thúc ngựa đuổi theo, tiếp thêm búa thứ ba, Đại Dụng đứt ngang mình, một nửa trên yên, một nửa nhào theo vó ngựa.

Hùng Tín rụng rời khóc rống lên :

- Thằng khốn nạn này mày giỏi lắm!

Rồi phi ngựa vào thành, điếu kiều buông vội, đóng chặt cửa thành Lạc Dương, không dám thò đầu ra nữa.