Thuyết Đường

Chương 10: Dê tìm cọp, Giảo Kim bị bắt




Mờ sáng hôm sau, Thúc Bảo sai gia nhân dọn dẹp, quét tước miếu thổ địa ở vườn sau thật sạch sẽ bầy bàn ghế ra để chốc nữa chư vị anh hùng ngồi dự tiệc. Vì Thúc Bảo ngại rằng ngồi ở nhà ngoài người xá dòm nom bàn tán nhiễu chuyện chăng.

Vào quãng gần ngọ, bọn Đơn Hùng Tín kéo nhau đến dâng lễ vật, bạc vàng gấm vóc, chẳng thiếu gì. Chúng hảo hán nói mời lão bá mẫu ra để lạy mừng, Thúc Bảo vào nói với mẹ. Tần mẫu nhất định không ra, chỉ đứng sau bình phong mà nhìn qua khe hở. Thúc Bảo đứng sau mẹ nói :

- Người mặt xanh kia là Đơn viên ngoại. Người mặt xám kia là Trình Giảo Kim. Ông kia là Sài Thiệu, Phò mã Đường công Lý Uyên, còn mọi người là anh em cả, Thân mẫu cứ ra không hề chi.

Ở ngoài bọn hảo hán cho đợi mãi Trình Giảo Kim nóng nảy chạy ngay vào, trông thấy Tần mẫu bèn sụp lạy :

- Thưa bá mẫu, tiểu điệt là Trình Giảo Kim lạy mừng.

Tần mẫu nâng Kim dậy ân cần hỏi :

- Cháu ơi, bấy nay xa cách, ngờ đâu ta còn được sống để trông thấy cháu. Lệnh đường có khỏe không?

Kim đáp :

- Thân mẫu cháu vẫn khỏe, chỉ tội nghèo thôi. Thân mẫu cháu thường nhắc tới bá mẫu luôn. Xin mời bá mẫu ra kẻo anh em cháu ở ngoài đang mong ngóng.

Tần mẫu ngần ngại. Giảo Kim nóng nảy ghé lưng cõng Tần mẫu ra đặt lên ghế cao, nói :

- Lão Trình đã lạy rồi, các đại huynh lễ đi thôi!

Chư anh hùng nhất loạt quỳ cả xuống. Thúc Bảo cũng quỳ lạy đáp lễ tạ ơn các bạn. Sau đó rượu một tuần, Tần mẫu vái tạ ơn Đơn Hùng Tín đã cứu giúp dạo ngày nọ.

Hùng Tín vái lại mà rằng :

- Bá mẫu nhắc chi chuyện nhỏ. Đó là nghĩa bằng hữu đối với nhau có xá kể gì đâu.

Tần mẫu vái lạy cả mọi người, nói :

- Tôi tự xét không tài đức gì, mà phiền các ông không quản xa xôi đến cho lễ vật rất nhiều, già này không biết lấy gì báo đáp.

Mọi người nói :

- Ngày thọ bá mẫu, chúng tiểu diệt phải đến mừng, đó là theo điều lễ nghĩa, bá mẫu nhận cho.

Tần mẫu vào phòng riêng, Thúc Bảo mời mọi người vào sau miếu, ở đấy tiệc đã sẵn bày, rượu hoành tửu, bê béo, thịt sơn dương, đủ các vị sơn cầm dã thú do Phàn Hổ cùng một bọn phường săn đi các ngả đường bẫy hoặc bắn được mang về.

Rượu bốn tuần, gia đinh vào mời Thúc Bảo ra, có các viên kỳ bài ở dinh quan Tiết độ sứ đến mừng lễ thọ. Thúc Bảo xin lỗi các bạn đứng lên một chốc ra nhà ngoài tiếp khách.

Rượu mỗi lúc một thêm hào hứng, tiếng cười tiếng nói vang cả miếu.

Kẻ nói chuyện hải hồ, người nói chuyện triều đình vua chúa, người nói chuyện võ thuật, tiếng cười xen tiếng nói vô cùng huyên náo. Giảo Kim no say hết sức, nghĩ bụng rằng :

- “Trong đám tiệc này chỉ có Đơn Hùng Tín và La Thành là giỏi, nhân tiệc vui, ta xí cho hai anh tỉ võ một trận làm giã tửu thang cũng thú”.

Bèn cầm bình xin phép Thúc Bảo đi mời rượu. Đến chỗ Đơn Hùng Tín, Giảo Kim vừa rót rượu vừa ghé tai thầm thì :

- Tiểu đệ bảo cho Đơn huynh biết mà phòng bị, thằng bé con La Thành định đánh đại ca một trân để làm nhục đó. Kim tôi thực thà, phúc hậu nói cho mà biết, kẻo mà trở tay không kịp.

Tín giật mình :

- Sao lại thế, ta có oán thù riêng gì với họ La ở cách ta những ngàn dặm thành trì, sông núi?

Kim rằng :

- Thằng bé con bảo rằng đại ca làm trùm trộm cướp, sức yếu tài hèn, cứ ngồi chễm chệ ở nhà chia của với lũ đàn em. Như vậy là làm bẩn cái danh nghĩa anh hùng, hắn không phục, dọa sẽ đánh đại ca một quyền đủ chết.

Tín máu sôi, gan cháy, mắt nảy lửa, tay nắm chắc, trừng mắt nhìn La công tử ở tít góc đằng kia.

Giảo Kim lại quay mời rượu mọi người, đến chỗ La Thành, Kim rỉ tai nheo mắt, nói :

- Này La công tử Kim này trời sinh ra vốn thật thà nhân đức, thấy công tử sắp nguy đến tính mạng, có lẽ nào lại ngảnh mặt, bưng tai.

La Thành giật mình, nói :

- Có điều gì, Trình lão huynh cho tiểu đệ được biết.

Kim nghiêm trang nói :

- Đơn Hùng Tín hắn bảo rằng công tử khệnh khạng lối con quan, cậy thế cha đốt nhà lương dân, hiếp gái nhà nghèo, làm nhiều điều phi pháp. Hắn ngứa mắt, sắp sửa bẻ đầu công tử vứt ra vườn cho quạ rỉa, rồi mai kia sẽ một mình một ngựa tới phá thành Yên Sơn, làm cỏ cả muôn dân đó. Công tử nên cẩn thận, kẻo hắn quen giết người như ngoé, lại sức khỏe anh hùng vô địch, hắn chỉ đấm một cái hổ cũng chết nữa là công tử.

Nghe nói, La Thành giận sôi sùng sục nhưng mà chỉ cười mà rằng :

- Đa tạ Trình lão huynh. Thành này chưa hề biết sợ ai bao giờ cả.

Rồi đó, bên này trợn mắt nhìn sang, bên kìa trừng mắt nghiến răng nhìn lại, La Thành và Đơn Hùng Tín chỉ muốn đá ghế, đứng phăng lên để giết nhau. Giảo Kim về ghế ngồi liếc mắt nhìn hai bên, trong bụng thích lắm, thỉnh thoảng lại nháy người này, ra hiệu cho người kia, càng khiến hai người càng thêm giận dữ.

Tiệc rượu tạm ngừng. Mọi người đứng dậy ra ngoài vườn cây dạo cảnh. La Thành đi loanh quanh cố ý đón Hùng Tín, vừa hay Tín ở cổng đến bước tới một gốc cây. Hai người chạm mặt trên con đường nhỏ.

Không ai chịu tránh ai. La Thành cứ tiến thẳng, lấy vai hích vào Hùng Tín. Thành đang sức trai mạnh như hùm beo xuống núi, khiến Đơn Hùng Tín lạng người đi. Thành tiến lên hích thêm cái nữa. Tín chưa kịp đứng, lại bị chỗ rêu trơn, ngã ngồi xuống cỏ. Tín vùng đứng lên, quát :

- Thằng ranh con chưa sạch máu đầu, dám trêu ông nội mi à?

La Thành đáp :

- Ta đánh thằng mặt xanh nói láo, có giỏi thì thí võ với ta.

Tín thét lên mua quyền xông vào đánh ngang mặt La công tử.

Thành né mình cúi thấp xuống, rồi đưa hai ngón tay tả lên móc họng, tay hữu đấm vào rốn. Tín lùi lại tránh được tay tả và chưa kịp gạt tay hữu thì La Thành đã tiến lên sát chặt vào mình Hùng Tín mà chập cả hai tay đánh vào ngực theo thế võ sà quyền, “Đồng Tử Hiến Đào”. Tín chỉ kịp vớt lại phía sau, sát ngay lưng vào một gốc cây cổ thụ thì nhanh như con trăn gió quăng mình vút cái La Thành đã phi cả người tới phóng chân đá trung bụng Tín.

- Ôi chao! Thằng này giỏi!

Hùng Tín ôm bụng lao đao suýt ngã. La Thành tiến lên toan dùng độc thủ moi cả mắt cả ruột Tín ra, nhưng may sao, Thúc Bảo vừa chạy tới gạt tay La Thành ra. Hùng Tín giận sùi bọt mép :

- Thằng bé con giỏi lắm, Đơn Hùng Tín này thề không cùng họ La đội một trời.

La Thành cười khanh khách :

- Bấy nay mày xưng làm Đại vương, đứng trùm lũ trộm gà, cướp của, không ai đánh mày, mày tự cho là anh hùng lắm. Tao ở xa nghe đã rác tai. Nay tới gần mới biết mi là một thằng kẻ cướp yếu hèn.

Mọi người nghe La công tử sỉ mắng Đơn Hùng Tín đều có tật giật mình, nhìn nhau khó chịu. Thúc Bảo biết ý, mắng em :

- Biểu đệ chớ ngông cuồng nói nhảm!

Thấy biểu huynh nỡ bênh kẻ cường đạo mắng nhiếc mình giữa chỗ đông người, La Thành nín lặng, quay mình chạy lên nhà trên lấy hành lý lạy tạ cửu mẫu, rồi ra chuồng ngựa đóng vội yên cương vào ngựa của mình, nhảy lên phi một mạch về Hà Bắc.

Bọn Trương Công Cẩn, Uất Trì tìm mãi không thấy La Thành có ý lo ngại lắm. Trong khi ấy, Tần mẫu cũng lật đật sai gọi Thúc Bảo cho biết rằng La điệt đã bỏ ra đi. Thúc Bảo giật mình giẫm chân nói :

- Em ta về nói với cô gia, cô mẫu ta, thì còn ra nghĩa lý gì, mà tự nhiên anh em bỗng gây thù oán, ghét bỏ nhau.

Trình Giao Kim cứ tưởng là say rượu đùa chơi một tý ai ngờ to chuyện thì hối hận, vội cầm búa nói :

- Để tôi xin đi kéo La công tử lại.

Đoạn chạy như bay vào chuồng ngựa, lấy một con ngựa tốt phi như gió ra ngoài phố, ra ngoài thành. Trong khi ấy, Thúc Bảo hỏi Đơn Hùng Tín :

- Tại sao mà La biểu đệ dám vô lễ với đại ca?

Hùng Tín thuật lại lời Giảo Kim trong tiệc rượu. Tuấn Đạt đập tay mà nói :

- Thế là cả hai bị lừa rồi. Trình nhất lang vốn có tính bông đùa, trêu cợt để người khác làm trò vui cho hắn được cười, sao Đơn đại ca lại không biết thế đến nỗi sinh ra chuyện lôi thôi.

Hùng Tín đứng ngẩn mặt ra. Từ Mâu Công nói :

- Nếu thế thì Giảo Kim đuổi theo cũng vô ích. La công tử sẽ không trở lại mà hắn cũng không dám nói thực là mình trót dại bông đùa.

Tuấn Đạt nói :

- Tiểu đê đuổi theo xem sao.

Nói đoạn nhảy ngựa đi ngay. Đây nói, ngựa Trình Giảo Kim từ nay đã qua ba mươi dặm, vượt rừng băng núi, chẳng thấy La Thành, mà chỉ thấy một toán quân mã áp tải ba xe lễ vật.

Đó chính là Cô Sơn vương Dương Lâm. Chuyến này tự áp tải ba xe châu báu, quý vật khác vào kinh sư. Sợ cướp mất hai mươi sáu vạn lạng bạc vàng nữa, nên Dương Lâm thân cưỡi ngựa mặc áo giáp đi áp dẫn.

Giảo Kim cứ cho là một tướng già, biết đâu Dương Lâm là một tay cái thế anh hùng nên tự đắc reo lên :

- Đại phong! Đại phong! Lũ kia mau nộp tiền mải lộ.

Ngờ dâu, La Phương đứng sau xe nhận biết mặt Giảo Kim :

- Bám bẩm Đại vương, chính nó đã cướp ba xe châu báu trước của rừng Tràng Điệp đấy.

Nghe nói, Dương Lâm nổi giận, múa tít đôi tu long bổng phóng ngựa ra quát :

- Có phải cường đạo Trình Đạt, Vưu Kim đó?

Giảo Kim nói :

- Lão gia chính là Trình Giảo Kim, anh em bạn với Vưu Tuấn Đạt.

Ngươi đã nghe đại danh ta sao không xuống ngựa mà quỳ lạy?

Dương Lâm nói :

- Thằng giặc này vô lễ! Để mày sống làm gì nữa.

Đoạn xông vào đánh. Dương Lâm chẳng coi súc búa của Giảo Kim vào đâu cả khẽ giơ long tu bổng gạt ra, rồi vươn tay vượn nắm lấy lưng Giảo Kim nhấc cao lên rồi ném xuống đất nhẹ nhàng như bỡn. Bọn La Phương xúm vào trói lại như trói lợn.

Vưu Tuấn Đạt ở nhà Thúc Bảo vừa hay phi ngựa tới, thấy Giảo Kim phải trói nằm gô trên mặt đất, bèn múa thoa xông lại đánh lại mới hai hiệp bị Dương Lâm bắt sống nốt. Bắt xong cường đạo, Dương Lâm cả mừng, hạ lệnh đóng trại giữa đường, rồi truyền trát đi vời hết các quan phủ huyện Tế Nam và mã khoái đến hầu.

Các quan được lệnh sợ xanh mặt, rủ nhau đến hầu Cô Sơn vương.

Trong số đó có quan huyện Lịch Thành Từ Hữu Đức. Đức vào sụp lạy, Dương Lâm đập án hỏi :

- Ở huyện ngươi, tên mã khoái Tần Quỳnh có đến chăng?

Hữu Đức nói :

- Bẩm có, chức mã khoái ấy đang chờ lệnh ngoài dinh.

Dương Lâm sai gọi Thúc Bảo. Một lát, Bảo vào quỳ lạy. Dương Lâm trừng mắt :

- Ngươi nói xin về đón mẹ, sao dám để cô gia chờ đợi mãi?

Thúc Bảo nói :

- Chỉ vì thân mẫu con bị ốm nên chậm trễ, Vương phụ tha cho.

Dương Lâm nói :

-Ngươi đã là con ta thì cha đi đâu, con phải đi đấy. Nay ta vào kinh, cho ngươi được theo hầu. Còn thân mẫu ngươi thì bao giờ trở về sẽ đón.

Thúc Bảo nói :

- Xin cha cho con về lấy khôi giáp đã.

Dương Lâm nói :

- Ngươi muốn lấy khôi giáp cứ viết thư ta sẽ sai người về lấy.

Không dám cưỡng, Thúc Bảo đành lui ra lấy giấy bút, đến một phiến đá bên đường viết hai phong thư đưa cho tên lính dặn rằng?

- Bức thư này ngươi đem đến Dã liễu điếm ở phố Tây môn ngoài thành đưa cho người chủ quán giúp ta. Còn bức này ngươi đem đến mẹ ta rồi lấy khôi giáp, quần áo đến đây. Chớ nên lầm lẫn.

Dương Lâm sai dẫn Giảo Kim, Tuấn Đạt vào hỏi :

- Hai tên kia, làm giặc cỏ ở đâu?

Giảo Kim hăng hái đáp :

- Chúng tôi đội giời đạp đất, không sợ chết. Ngươi giết hai anh em ta sẽ có ba mươi vạn hảo hán và quân sĩ trên núi Thái hành sơn đến giết mi để báo thù cho anh em ta đó.

Dương Lâm nổi giận sai đem chém. Giảo Kim nói cứng, nhưng thấy võ sĩ xông ra thì lại sợ, nháy mãi Thúc Bảo ra hiệu nhờ xin hộ. Bảo bước ra nói :

- Thưa phụ vương cứ giao hai công đạo này cho quan phủ Tế Nam, đợi ngày phụ vương ở Tràng An về sẽ ra tay làm cỏ hết lũ công đạo Thái Hành sơn, khi đó sẽ giết hai tên này phơi đầu giữa chợ để tỏ cái uy của phụ vương, sau để cho quân đạo tặc phải kinh hồn.

Dương Lâm khen phải truyền giao giặc cho quan phủ giữ.

Sau đó hồi lâu tên lính mang thơ đã đem khôi giáp và quần áo đến cho Thúc Bảo. Dương Lâm truyền kéo binh đến thẳng Tràng An.

Đây nói bọn Đơn Hùng Tín được thư Thúc Bảo, biết tin Trình Giảo Kim, Vưu Tuấn Đạt bị Dương Lâm bắt, lại được biết Thúc Bảo phải cưỡng ép theo đi kinh sư, chúng hảo hán đều kinh ngạc, sau cho đi do thám, được biết nữa rằng họ Trình, họ Vưu hiện bị giam giữ trong phủ Tế Nam chờ Dương Lâm về sẽ giết. Mọi người bàn mưu kế để cứu Giảo Kim và Tuấn Đạt.

Từ Mậu Công nói :

- Muốn cứu hai người ra thoát ngục, tất cả chúng ta phải phá cả đất Sơn Đông này mới được.

Đơn Hùng Tín nói :

- Chúng ta vừa uống rượu thề chưa ráo chén tất phải cứu bạn ngay dù phải tan xương nát thịt cũng không từ.

Từ Mậu Công nói :

- Nếu vậy, tôi xin các anh em phải theo tướng lệnh và phải có quân pháp rõ ràng. Bằng không thì lỡ đại sự mà thành ra xuẩn động dắt nhau vào chỗ chết.

Đơn Hùng Tín và mọi người đồng thanh nói :

- Chúng tôi cùng một lòng tuân theo tướng lệnh của Từ lão huynh.

Mậu Công nghiêm mặt nói :

- Đó là điều cốt yếu. Chỉ lo không đồng lòng chung sức mà thôi. Đã có kỷ luật lại cùng sinh tử thì việc gì cũng phải thành. Duy ở đây có Sái Phò mã, không nên dính vào việc này e có liên can đến Đường công ở Thái Nguyên. Vậy nên về trước để anh em hành sự.

Sài Thiệu nghe theo, tức thì cùng gia tướng bái biệt chư hào kiệt, lên đường về Thái Nguyên ngay. Rồi đó, Mậu công chia công việc :

- Đơn Hùng Tín đại ca giả làm lái ngựa, đem tất cả ngựa của anh em vào thành thả sẵn ở vườn cỏ nhà Tần Thúc Bảo, mà ngựa phải sẵn yên cương, mỗi ngựa một tên lính dắt chờ sẵn khi dùng cấp tốc. Còn Dã Nhuận Phủ, Liễu Chu Thần thì lấy mười cái bàn xếp đoản đao, cung tên, khôi giáp của anh em cho gia nhân khiêng vào nhà Tần Thúc Bảo, lại cần sai lấy mấy chục cây tre lớn bỏ khí giới vào trong cũng khiêng đến vườn nhà Thúc Bảo. Còn các hảo hán thì nhân trời tối lẫn với dân chúng đi đốn củi, đánh trâu về mà vào cả trong thành, cũng hội cả ở nhà Thúc Bảo.

Các hảo hán nghe lệnh, thi hành răm rắp. Khi đã vào thành thì trời tối mịt. Mậu Công sai mời Tần mẫu ra, nói hết sự tình Thúc Bảo phải theo Dương Lâm, Trình Giảo Kim, Vưu Tuấn Đạt bị cầm tù, đêm nay thế nào cũng phá ngục giết quan quân nên mời Tần mẫu cùng gia quyến tạm lánh ra Tiểu cô sơn.

Tần mẫu luống cuống thu thập hành lý đi liền. Mậu Công lại bảo nha tướng quen thân với Phàn Hổ vào trong ngục bảo trước cho bọn Tuấn Đạt, Giảo Kim biết trước, hễ nghe pháo hiệu thì hạ thủ ngay, sẽ có một người tiếp ứng.

Xong rồi, Mậu Công sai Đơn Hùng Tín đem quân ra Hoàng Thổ Công mai phục, chờ quan quân đuổi theo thì ngăn đánh.

Lại sai Lỗ Minh Tinh, Lỗ Minh Nguyệt, giả làm hành khất theo kế dặn mà làm việc. Bọn đi cướp ngục là Sử Đại Nại, Trương Công Cẩn, kèm sau là bọn Quất Đột Thông, Quất Đột Cái, Uất Trì Nam, Uất Trì Bắc, người nào cũng dắt đồ dẫn hỏa.

Đánh phá cửa dinh Tiết độ có Bá Dương, Ứng Đăng. Phá cửa phủ cứ Như Khuê Quốc Viễn, Đổng Hoàn, Kim Giáp.

Lại sai Ngạn Sư, Thiên Hổ chặt khóa mở cửa tây ra để dọn đường chạy, hết thảy đều theo pháo hiệu mà đánh phá.

Mậu Công, Ngụy Trung ngồi ở nhà Thúc Bảo chờ anh em khởi sự thì xông ra. Chờ đến canh hai, cả thành an ngủ lặng như tờ, hai anh em Lỗ Minh Nguyệt giả làm hành khất ngủ ngoài hè phố. Chúng dò dẫm đến cửa đông phủ trèo lên ngọn bảo tháp, lấy pháo ra đốt ném tung lên trời đêm sáng rực cả một phương. Các hảo hán đã sẵn sàng, nghe tiếng pháo đều giở tay một lúc.

Phía cửa nam, Đột Thông, Đột Cái phóng hỏa cùng một lúc với Uất Trì Nam, Trì Bắc ở cửa đông.

Dân chúng giật mình, biết có giặc phá thành kêu khóc vang trời dậy đất. Giữ việc phá ngục, Trương Công Cẩn, Sử Đại Nại, Phàn Hổ, Liên Minh, nhân lúc rối loạn, rút ngay khí giới giết ngục tốt và cai ngục. Trong kia, Giảo Kim, Tuấn Đạt đập gẫy gông, reo ầm ĩ.

- Các phạm nhân oan khổ hay không oan khổ, đã thành án hay chưa thành án khá theo ta phá ngục mà tự giải thoát mau!

Chúng tội nhân đều tìm dao, vớ búa, bẻ cánh cửa xông ra hò reo như con ong vỡ tổ, gặp ngay các hảo hán vừa kéo đến. Giảo kim, Tuấn Đạt tiếp được mũ giáp, bèn nai nịt gọn ghẽ nhảy lên ngựa, kẻ múa búa, người tung chùy đánh giết bọn quan quân chết lăn ra như rạ.

Trong khi ấy pháo nổ cả bốn mặt thành, tiếng người khóc giặc reo, cả một thành Sơn Đông náo động, bỗng chốc biến ra địa ngục.

Chúng anh hùng giẫm lên máu, nhảy lên xác, ngựa phi như dông bão trong khói, lửa cháy ngun ngút trên các mái nhà, thì trời sáng mờ mờ, Tiết độ sứ Đường Bích và tri phủ Mạnh Hồng công đem quân đuổi ầm ầm như sóng bể gió ngàn.

Hùng Tín giữ việc cản quan quân. Nhưng chúng đông trùng điệp, một mình Tín không đương nổi. Đang khi nguy cấp, Bá Dương phi ngựa tới, ngựa Bá Dương tới đâu, quan quân rụng đầu đến đấy, chỉ mấy trăm đường đao sáng lóe ngời, Bá Dương đã liên lạc được với Đơn Hùng Tín.

Tri phủ Mạnh Hồng cố sức đuổi theo, bị Bá Dương quay mình phát một mũi tên. Mạnh Hồng rơi cả mình xuống đất, ngựa dẫm nát đầu mà chết. Quan quân hoảng hốt xô nhau lui chạy về thành.

Ngoảnh lại chỉ còn đường rộng thênh thang, và mặt trời đã mọc, Bá Dương, Hùng Tín vào Tiểu cô sơn phục lệnh. Mậu Công kiểm điểm không thấy mất tướng thiệt quân, mừng lắm. Sau đó lại lập kế cho mọi người về đón gia quyến đến Tiểu cô sơn tụ nghĩa. Ba ngày mở tiệc mừng, lại yết bảng chiêu binh, mãi mã. Đường Bích không đánh được giặc, uất ức lui về nghe tin quân báo rằng bọn công đạo phá Sơn Đông đêm qua đã tụ tập ở nhà Tần Thúc Bảo. Và chính Thúc Bảo đã đem gia quyến đi rồi. Cả kinh, Đường Bích thân cỡi ngựa đến nhà Thúc Bảo khám xét, thấy trên tường ngôi đền cổ sau vườn còn nguyên tấm giấy ghi tên Thúc Bảo và ba mươi tám vị anh hùng nữa đã cùng nhau uống máu ăn thề.

Sở dĩ có giấy ăn thể ấy ở nhà Thúc Bảo, là do ý Từ Mậu Công làm kế ly gián không muốn Thúc Bảo trở về thành nữa. Nhưng Mậu Công đã khôn ngoan xóa tên Sài Thiệu và La Thành. Đường công viết biểu, đính tờ kết nghĩa kia vào, rồi sai người về kinh đô dâng lên Dạng Đế.

Trong khi ấy, Cô Sơn vương Dương Lâm đã tới kinh sư, tâu Dạng Đế phong Tần Thúc Bảo làm Thái bảo thứ mười ba.

Tan chầu về, nha tướng dâng thư của Đông Bích, Dương Lâm xem, thấy Thúc Bảo dính vào sự phản nghịch, phá ngục, phản tù, cướp hết của kho, giết hại hơn vạn dân lẫn ngục tốt và viên chức phủ nha. Dương Lâm giật nảy mình, bèn phát lệnh tiễn đi vời Tần Quỳnh đến. Nha tướng là Trương Nghĩa, xưa bị tội tử tù đã nhờ Thúc Bảo cứu cho khỏi chết lại thả cho đi trốn nên ngày nay còn mang ơn đó. Cho nên Nghĩa tìm Thúc Bảo ghé tai nói thầm :

- Mạt tướng trước kia nhờ ân công mới được sống sót, nay biết rằng Đường Bích đã dâng biểu kèm tờ kết nghĩa, kể tội ân công mưu với Đơn Hùng Tín đánh phá Sơn Đông. Hiện Cô Sơn vương sai mạt tướng đi vời ân công đến định tội, xin bỏ nới này mà đi ngay kẻo tính mênh khó toàn vẹn đó.

Thúc Bảo cả kinh, đứng lên xá Trương Nghĩa tạ ơn và nói :

- Bỏ kinh đô thì dễ, duy qua cửa Đồng quan mới khó. Làm sao bây giờ, ông có kế hay chăng?

Trương Nghĩa cúi đầu nghĩ, rồi quả quyết :

- Tiểu đệ không nợ thê nhi, không vướng thân quyến, xin bỏ chức theo hầu ân công. Hiện trong mình có lệnh tiễn đây, sẽ có cách lừa tướng giữ Đồng quan mà chạy được.

Thúc Bảo cả mừng. Hai người lên ngựa nhắm Đồng quan thẳng tới.

Cô Sơn vương ngồi đợi mãi, nóng ruột, sai mấy gia tướng nữa đi đòi, một lát kẻ bộ hạ về trình: hai người đã vượt Đồng quan đi trốn.

Dương Lâm thét to một tiếng mặc vội giáp, cầm long tu bổng phóng ngựa đuổi theo. Ngựa long câu của Thúc Bảo chạy như bay, nếu ngựa của Trương Nghĩa cũng là giống ngựa hay nên thì Dương Lâm đuổi sao kịp.

Vì thế, đã bốn năm lần, Thúc Bảo phải gò cương chờ Trương Nghĩa. Bất ngờ ngựa của Dương Lâm đã đuổi kịp sát gần Thúc Bảo, gọi rằng :

- Tần Quỳnh hãy đợi ta!

Biết thế nguy, Thúc Bảo ghé tai Trương Nghĩa :

- Ngươi nên khôn khéo lừa mở ải Đồng quan, đợi ta cầm cự với thằng giặc già này, rồi sẽ tới.

Trương Nghĩa vừa đi thoát thì Dương Lâm tới :

- Sao Tần Quỳnh nỡ phụ lòng ta? Ngươi định trốn đi đâu? Nên trở lại với ta mà hưởng lộc cao tước lớn.

Thúc Bảo nói :

- Ta với người không tình nghĩa, mà chỉ nặng oán cừu. Nếu muốn thì hãy nếm ngọn thương này.

Dương Lâm nổi giận :

- Súc sinh vô lễ!

Bèn múa long tu bổng đánh như vũ bão Thúc Bảo đem hết sức bình sinh đón đỡ, vì đã biết Dương Lâm là con cọp xám, sức mạnh vô cùng.

Đánh chừng ba mươi hiệp, Thúc Bảo muốn giữ sức để đi cho thoát, bèn phi ngựa chạy. Nhưng chừng mười dặm vẫn thấy Trương Nghĩa còn đằng xa chưa tới ải. Thúc Bảo lại phải quay lại cầm cự, cốt chờ cho Trương Nghĩa tới Đồng quan.

Đánh chừng hai mươi hiệp nữa dưới ánh trăng lờ mờ, Thúc Bảo dừng thương nói :

- Dương Lâm ơi, người chưa biết ta là ai đó nhỉ?

Dương Lâm nói :

- Bất quá ngươi là tên Mã khoái, chứ là chức tước gì mà dám hỏi rác tai ta.

Thúc Bảo nói :

- Ta cần nói cho lão già kia biết. Ta đây là con của quan Võ vệ tướng quân tiền triều tên gọi Tần Di đó. Phụ thân ta bị chết bởi tay ngươi, thù ấy ta thề phải báo. Sở dĩ ta nghiến răng nhận ngươi làm nghĩa phụ ấy là dụng ý tìm cơ hội giết ngươi.

Dương Lâm không thể nghe nói hết, gầm lên một tiếng, giơ long tu bổng đâm liền, Thúc Bảo lại đối địch chừng mươi hiệp ngảnh lại thấy Trương Nghĩa đã mất hút phía chân trời liền thúc ngựa chạy. Dương Lâm không chịu bỏ, vẫn đuổi theo.

Phía sau, tiếng vó ngựa vỗ rầm đường: mười hai vị Thái bảo cũng đuổi theo giúp phụ vương. Khi đó trăng sương mờ mịt, gió lạnh đêm trường, ngựa Thúc Bảo chạy đến cầu Bá Long. Cầu đó vừa cao vừa rộng, nhìn xuống dòng sâu thẳm, bóng trăng soi lờ mờ mặt nước, thuyền bè tuyệt nhiên không có mà cầu lại cụt.

Thật là muôn phần nguy kịch. Thúc Bảo ngửa mặt lên trời mà than :

- Phụ thân ơi, kẻ thù xưa giết phụ thân nay lại định giết con. Nếu không may con chết nốt về tay nó thì dòng máu họ Tần thật hết!

Dứt lời than trăng bỗng sáng lên. Nhờ vậy Thúc Bảo trông thấy rõ Dương Lâm đang phi ngựa tới, chàng bèn rút nên bắn trúng đầu Dương Lâm làm rơi chiếc khăn hồng xuống nước, một mảng tóc cũng băng theo.

Dương Lâm giật nảy mình, sợ thần tiễn của Thúc Bảo, ở trên cao bắn xuống đã lợi hại lại thêm nỗi trời mờ mịt khó mà tránh khỏi tên, nếu Thúc Bảo còn bắn nữa. Bởi thế Dương Lâm quay ngựa trở về. Ngay lúc đó, mười hai vị Thái bảo rong ngựa tới. Chúng hỏi :

- Sao phụ vương không bắt sống phản thần?

Đáp rằng :

- Cường đạo ở trên cao lợi thế. Ta lên tất bị nguy.

La Phương, Tiết Lương nói :

- Phụ vương đứng sau tiếp ứng, để hai con lên bắt nó dễ như chơi.

Bất ngờ vừa thúc ngựa tới đầu cầu đã bị Thúc Bảo bắn liền hai mũi tên xuống, La Phương, Tiết Lương rơi xuống ngựa.

Dương Lâm sai vực hai con nuôi dậy, nói :

- Để cho nó đứng đấy đến mai. Nó mọc cánh cũng không qua được ải Đồng quan.

Thế rồi dưới trông lên, trên nhìn xuống, cầm giữ nhau cho tới canh năm, trăng đã tà tà lặn. Thúc Bảo sực nghĩ ra một kế, cởi chín nhạc vàng ở cổ ngựa treo vào lan can cầu. Gió khuya trên sông lạnh thổi vào lòng nhạc reo lên như ngựa chạy. Thúc Bảo khẽ vỗ má ngựa cho đi nhè nhẹ đến đầu cầu bên kia rồi quất mạnh một roi ngụa chồm vó bay vút sang bờ sông, phi như gió vào đêm tối, thẳng tới Đồng quan ải.

Nhắc đến Trương Nghĩa tới Đồng quan, nhảy xuống ngựa cầm dùi trống khua ba hồi liền. Tướng giữ ải là Ngụy Văn Thông vội ra nghênh tiếp. Trương Nghĩa giơ lệnh tiễn ra nói rằng :

- Cô Sơn vương nghe tin một bọn cường đạo phá Sơn Đông, nên đang đêm sai vị Thập Tam Thái bảo là Tần Quỳnh cùng tôi đi trước, hậu quân đang do Cô Sơn vương cầm đầu đang đến sau kia, mở cửa ải kẻo việc quân chậm trễ, Đại vương đến sẽ nghiêm phạt đó.

Ngụy Văn Thông soi lệnh tiễn vào đèn, quả thấy chữ vàng ấn son, liền phát thìa khóa cho mấy tên lính canh mở rộng hai cánh cửa.

Vừa may mắn Thúc Bảo phi ngựa tới, cùng Trương Nghĩa vọt qua.

Ngồi trên yên, Thúc Bảo quay lại bảo :

- Xin lỗi tướng quân, ta vội lắm không xuống được, Đại vương đi sau đấy.

Hai ngựa rời khỏi Đồng quan chạy biến vào đêm trường lặng lẽ.

Mây đen che kín vầng trăng lạnh. Tiếng cú kêu não ruột trên cánh đồng mù mịt và bóng rừng cây, núi cả chập chờn.

Đi được hai mươi dặm, thì trời sáng rõ, Thúc Bảo chia tay đi Sơn Đông, còn Trương Nghĩa đi Tào Châu.

Đây nói cha con Cô Sơn vương Dương Lâm đợi đến gần sáng rõ, mới thấy cầu đá vắng tanh chỉ còn chuỗi nhạc buộc lan can, Dương Lâm tức giận, bố con một đoàn đuổi tới Đồng quan ải thấy Nguy Văn Thông đứng bên đường, xuống ngựa mà nghênh đón.

Dương Lâm hỏi :

- Cường đạo Tần Quỳnh có qua đây không?

Nguy Văn Thông đáp :

- Bẩm Thập Tam Thất Bảo vừa có lệnh tiễn ra khỏi Đồng quan.

Dương Lâm vỗ đùi mà thét :

- Thôi thế là tất cả bọn mắc kế Tần cường tặc, ta tức chết mất thôi.

Nói rồi, sai Ngụy Văn Thông là tay anh hùng thứ mười bốn đời Tùy.

Hắn mặt đỏ tai to, râu dài chấm rốn nên người ta gọi là Thái quan gia.

Văn Thông vâng lệnh đem quân đi đuổi, chừng tới sáng rõ, thấy Thúc Bảo đang phi ngựa vượt đèo, Ngụy Văn Thông tế ngựa theo nói to lên :

- Cường đạo dám lừa ta, mau xuống ngựa đưa đầu cho ta đem về nộp Đại vương.

Thúc Bảo đã đánh nhiều, lại thức suốt đêm trên cầu sương gió lạnh, nên mệt mỏi, mắt hoa đầu váng, sức đã đuối dần. Thúc Bảo bất đắc dĩ phải quay ngựa đánh, chừng mươi hiệp lại phi ngựa chạy. Văn Thông đuổi sát sau lưng, thét vang một tiếng phóng luôn ngọn kích vèo tới gáy Tần Thúc Bảo.