Thương Mấy Cũng Là Người Dưng

Chương 15: Nhân trường hợp cơn sốt sách tô màu




Có một dạo, sách tô màu dành cho người trưởng thành bỗng trở nên rất thịnh hành. Không chỉ là một trào lưu nhất thời ở Việt Nam mà ngay cả khi bước vào các hiệu sách lớn từ Paris, Amsterdam tới New York, người ta cũng thấy gian sách tô màu được trưng bày bắt mắt ngay tiền sảnh. Nguyên cớ của "cơn sốt" tô vẽ này gói gọn trong vài chữ "nhu cầu xả stress". Xã hội hiện đại với nhịp sống gấp đầy căng thẳng đã khiến cho những kẻ lớn đầu to xác mong mỏi tìm về phương cách thư giản dung dị nhất của tuổi thơ - là trải lòng và thả bay những bế tắc qua những gam màu trên giấy.

Có xả stress nhờ sách tô màu được không thì có lẽ còn tùy sự kiên nhẫn và khéo tay của mỗi người. Nhưng điều làm tôi suy nghĩ nhiều nhất khi lật giở từng trang sách tô màu với đủ hình ảnh từ đại dương đến trời rộng, từ rừng rậm đến đô thành, từ gam đỏ cam vàng đến lam chàm tím... là liệu những người trưởng thành có thấu được hết bảng màu riêng cho đời mình? Bởi chúng ta hoàn toàn có thể tô cánh chuồng hoặc nhành hoa trên giấy với đủ màu tùy thích, nhưng nếu phải chọn màu sắc cho từng cung bậc cảm xúc, thì liệu bảng palette đời mình sẽ có những màu gì?

Vậy thì bạn có thể cùng tôi chọn màu để tô cho những thứ khó định hình nhất mà đời ai cũng gặp đôi lần. Như là...

- Hạnh phúc có màu gì? -

Khi mang ý niệm này ra hỏi, tôi nhận lại rất nhiều cách nghĩ thú vị. Có người bảo, hạnh phúc có màu xanh da trời - màu của hi vọng, lạc quan và rõ ràng, cứ ngước nhìn bầu trời xanh vắt một màu, lòng ai chẳng thanh thản như vừa chạm mặt hạnh phúc. Có người lại bảo, hạnh phúc mang màu cầu vồng, hội tụ mọi cung bậc sắc thái như tình yêu phải trải qua thăng trầm cảm xúc thì mới tỏa ra được thứ tán sắc đủ màu của viên mãn. Rồi thì hạnh phúc có màu nước mắt như trong câu hát "và hạnh phúc có long lanh như màu nước mắt" hoặc hạnh phúc màu trắng ngần của tuổi trẻ... Ôi thôi đủ cả!

Riêng với tôi, hạnh phúc có màu đỏ.

Chẳng vì lý do nào rõ ràng cả. Đơn giản chỉ vì đó là màu yêu thích của người tôi từng yêu.

Ngày xưa dẫu đã nằm lại ít nhiều ở phía tít tắp sau lưng, nhưng sắc đỏ của màu áo người mặc, của khăn choàng người tặng, của từng món đồ kỉ vật chung... vẫn còn nguyên vẹn trong bảng palette đời mình. Tôi vốn dĩ từng chẳng ưa gì màu sắc ấy, nhưng từ khi quen người, mọi cử chỉ đều vô thức gắn liền với đỏ. Thậm chí khi ôm chầm lấy người trong tay, tôi có cảm giác như đang ôm trọn một "cục đỏ" vào lòng.

Tôi gọi đó là màu hạnh phúc của riêng mình. Trong suốt những năm tháng từng yêu. Và cả những ngày-không-nhau sau đó.

Đến khi bất giác một ngày nhìn lại chính mình, mới phát hiện trên người lúc nào cũng có ít nhất một thứ đồ vật dính dáng đến màu đỏ. Từ giày áo đến đồng hồ, vòng tay... rõ ràng là không nhớ nổi mình đã mua nó bao giờ, chỉ biết là trong rất nhiều buồn vui của đời, tôi vẫn chọn giữ lại những dịu dàng dành cho sắc nhớ đó.

Bởi có lẽ, cố níu lấy quá vãng từng có chung với nhau cũng là một cách để mình còn niềm vui mà sống. Và màu đỏ vẫn làm ấm lòng để tôi mơ về một hạnh phúc nào đó. Ở ngày sau.

- Người dưng có màu gì? -

Không dễ gì để nhìn một người-từng-thương rời tay mình và mất hút vào đám đông triệu người ngoài kia. Và càng không dễ gì gặp lại, khi từ nay, chúng ta trở thành người dưng băng ngang trên đường. Mà người dưng thì mang màu trong suốt. Làm sao thấy được, mong gì nhận nhau?

Biết là vẫn ở đó. Nhưng không thể chạm gần.

Biết là vẫn sống chung dưới một vòm trời, thở cùng một bầu không khí. Nhưng không thể đưa tay với tới.

Biết là còn đâu đó đôi chút tình-thương-đã-từng, dẫu đã lạ xa va dửng dưng ít nhiều. Nhưng không thể đường đường chính chính mà đối diện với nhau lần nữa trong cuộc đời vốn không mấy độ lượng với cũ xưa.

Đã là trong suốt thì chỉ có thể lấy tay quơ quàng, lấy tim đa mang, lấy lòng trấn an. Chứ còn có hiện hữu nữa đâu mà mong có thể níu lại viên mãn?

- Kí ức có màu gì? -

Chắc có lẽ kí ức có màu đêm, vì cứ tới đêm là lại nhớ chuyện cũ.

Tôi tin bất kì ai từng trải qua một lần thương-không-thể-thay-thế, ắt hẳn đều có một thói quen. Là cứ về đêm, lại vô thức đọc những tin nhắn cũ. Tay lướt tìm trên điện thoại, dãy số quen, tên một người từng có thời hiện tới tấp trên màn hình cuộc gọi, tin nhắn...

Giờ thì biết bao điều muốn nói mà chẳng dám mở lời. Đến khi vun vén hết can đảm để quả quyết soạn tin thì câu chữ bất lực. Cứ đắn đo thận trọng gõ từng phím chữ trên dòng tin gửi đi, như sợ một lời vô ý. Dùng dằng mãi với lòng mới viết được vài từ chẳng rõ đầu đuôi: "Chào... Vẫn ổn chứ? Người đang làm gì?"... Rồi lại xoa. Rồi lại thôi.

Những tin nhắn chưa gửi hầu như cứ mỗi đêm lại thêm chất chồng, nhưng cũng chẳng thoát khỏi những câu chào hỏi khách khí. Sao không thể thành lời thật lòng?

Tôi luôn tự hỏi, khi những người thương cũ gặp lại và kí ức cựa mình nhận mặt cố nhân, đâu sẽ là câu chào hỏi nghe đau lòng nhất?

Ngày xưa tôi nghĩ, chắc sẽ là những lời như "Dạo này người sống tốt chứ? hay đại loại "Cuộc sống mới rồi người có thấy vui?". Vì rõ ràng, lục vấn người xưa về hiện tại của họ cũng giống như tự mình leo lên vòng quay roller-coaster trong khi bản thân rất sợ độ cao vậy đó.

Nghĩa là câu trả lời của người ta dù buồn hay vui, cũng đủ làm bạn hẫng tim hết mấy nhịp. Vì thấy người cũ buồn nhiều hơn vui, mình làm sao tránh khỏi đau lòng. Còn thấy họ hạnh phúc dửng dưng thiếu mình, cũng chạnh lòng đâu kém. Đằng nào cũng đau!

Nhưng giờ tôi mới hiểu rằng, lời tổn thương nhất mà hai kẻ cố nhân có thể dành cho nhau, hóa ra lại chính là: "Tui còn thương mấy người..."!

Trời ơi, mất nhau rồi còn nói chi câu đó cho thêm muộn màng và khơi lại tro tàn của một niềm đau chưa nguội lửa?

Ác lắm! Câu thương nhau mà thốt ra khi ấy, ác lắm nghe chưa!

Bởi lẽ, kí ức đã phủ màu đêm. Lời thương có nói cũng rơi hẫng vào cái vùng mênh mang tối sầm của muộn màng trễ nải. Như một vì sao lạc, le lói giữa nhá nhem. Đã là đêm thì nhất nhất lặng như tờ và im bặt nỗi cô tịnh. Chút chung tình yếu ớt, làm sao thắp sáng lại không trung kí ức đã đen bạc muôn trùng?