Thiếu Gia, Cậu Coi Chừng

Chương 3: Quyết định hay không quyết định?




Ngày hôm đó, sau khi kết thúc việc học ở trường. Bối Y về nhà mà lòng suy nghĩ miên man. Nghĩ về hoàn cảnh gia đình của mình, nếu không nhận được học bổng của trường phổ thông Hán Vũ thì làm sao mà đủ kinh tế để học ở ngôi trường danh tiếng như thế, cộng thêm việc xa nhà, sức khỏe của ngoại và mẹ thì ngày càng yếu. Nhưng nếu từ bỏ việc học thì cô cũng không cam tâm. Còn việc đi học ở trường của tỉnh thì cũng giống như học cấp hai vậy. Ở đó, trường dạy theo dạng là trung tâm giáo dục thường xuyên. Là nơi mà các học sinh thi rớt, quậy phá hay những cô chú lớn tuổi đi học bổ túc lại để có được cái bằng phổ thông đi xin việc, làm công nhân ở các công ty xí nghiệp địa phương. Nghĩ miên man một hồi đã đến nhà. Hôm nay, ngoại đã qua nhà của bác Tám để phụ gói bánh, chuẩn bị đám giáp năm ông Tám mất hồi năm ngoái. Còn mẹ thì giờ đang bán ở chợ chưa về. 

Dừng suy nghĩ lại Y Y đi vào nhà, chuẩn bị nấu cơm tối đợi mẹ về. Sau đó tắm rửa xong lên bàn học bài. Cái bàn học của Y Y chính là cái máy may của ngoại. Khi ngoại may đồ thì mở hộc bàn máy dựng máy lên. Khi không may nữa thì hạ máy xuống xong đóng mặt bàn lại. Có thể nói cái máy may của ngoại là máy may từ thời ông cố, ông sơ, nó vẫn trường tồn mãi đến ngày hôm nay. Trong nó rất cổ nhưng đường chỉ may rất đẹp và dễ di chuyển. Một phần tiền học, mua sách vở của Y Y cũng là từ người bạn này mà ra. Đa số ngoại may đồ cho cô bác xóm giềng, có khi là cái áo dài, có khi là cái áo bà ba, hay cái quần ống rộng mà các bà hay mặt. Cũng có thể nói cái máy may này là người bạn thân thương nhất của Y Y.

Với lại cả xóm gồm có hai chục nhà nhưng chỉ có nhà bác Trần là có ti vi. Cứ thế mỗi tối cả xóm đều tụ tập đến nhà bác để xem ti vi. Bác Trần cũng biết hoàn cảnh chung của xóm làng mình nên cũng rất vui vẻ, mang nước, vài cái bánh, ra cho bà con vừa xem vừa ăn, vừa uống. Mọi người cùng xem, cùng bàn luận vấn đề mà thông tin trên ti vi đưa, có người hỏi về kinh tế nông thôn, sự phát triển của các tỉnh thành khác, có người bàn bạc về vấn đề cải cách đó có áp dụng được cho xóm mình không, hay những thông tin sao trời, trăng tròn, lễ hội, chuyện làm nông... nói chung là những giờ phút ấy những tiếng nói rôm rả, chân chất, đậm chất người nông dân vang lên khiến cho cả xóm cùng cười đùa, vui vẻ. Đôi lúc bác Hai kể những câu chuyện tiếu lâm, hay những chuyện thời chiến tranh chống giặc...Một phần kiến thức Bối Y có được cũng từ những câu chuyện mà bác Tám, bác Hai kể lại cho mọi người nghe.

Tuy điều kiện kinh tế khó khăn và xóm còn nghèo nhiều mặt nhưng tình người ấm áp, cái tình yêu thương của người dân nơi đây có thể nói là còn thân hơn cả anh em trong gia đình. (^_^) Cứ qua những đêm tụ họp của mọi người trong xóm, Bối Y nghe được những chuyện mới, những điều mới lạ và là đứa trẻ học giỏi nhất của xóm mà cô được cả xóm yêu thương hết mực. Lúc nhỏ, nhà các bác có đám, có lễ gì cũng đều dành một phần bánh, một phần quà nhỏ cho cô. Nếu cô bận học thì các bác gửi ngoại, hay mẹ đem về cho cô. Cho đến nay tình thương mà các bác trong xóm cũng đều không thay đổi, vẫn còn dành những món quà bé bé cho cô. Mọi người còn truyền tai nhau động viên cháu của mình noi theo gương của Bối Y mà học hành cho giỏi. Vì trong xóm đa phần là các anh chị đã lớn, đi làm xa, chỉ có vài ba gia đình là có cháu nhỏ. Chính vì thế mà bọn trẻ rất thích cô và luôn chạy theo Bối Y để hỏi những thứ chuyện học ở trường hay chỉ bài tập cho các em. 

Đang xem lại bài trên lớp thì từ xa nghe tiếng xe đạp kẽo kẹt đạp về, Bối Y biết là mẹ về liền chạy ra ngoài đón. Mẹ Y Y nay chỉ mới 40 tuổi nhưng vì cuộc sống khắc nghiệt thêm việc sinh non ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe nên nhìn mẹ cô như bà cụ 60. 

- Mẹ đã về ạ! Hôm nay bán được không ạ. Mẹ để con dắt xe cho. Con có pha nước cho mẹ rồi. Mẹ mau vào trong uống đi. Mẹ xoa xoa đầu Y Y rồi mỉm cười, bước vào nhà.

-Mẹ ăn cơm hay tắm rửa trước ạ. Thôi mẹ nghỉ ngơi 15 phút đi rồi sau đó tắm rửa. Để con nấu nước cho mẹ tắm. Sau đó hâm nóng thức ăn lại, mẹ tắm xong ra là có thể ăn nóng rồi.

-Ừ! Mẹ cảm ơn con.

Nói xong Y Y chạy xuống bếp và bắt đầu công việc của mình.

Thời gian trôi qua cũng nhanh, mới đó mà đến cuối của tuần mới rồi. Hôm nay, cô chủ nhiệm lại gọi Bối Y lên văn phòng. Sau khi Bối Y lên văn phòng. Cô hỏi:

- Y Y em suy nghĩ sao rồi? Sẽ quyết định đi học tiếp ở Thành Đô hay là em học ở tỉnh?

- Dạ cô. Chắc em sẽ học ở tỉnh ạ. Dù cũng rất muốn được học ở Thành Đô nhưng nó quá xa nhà, với lại sức khỏe của mẹ và ngoại em cũng không còn như xưa nữa. Em cảm ơn cô rất nhiều. Cảm ơn cô đã quan tâm và động viên em nhưng em không thể làm được gì khác. Huống chi học bổng trường đó chỉ dành một suất cho tỉnh F. Trong khi có rất nhiều trường trung học khác còn nhiều học sinh giỏi và họ có điều kiện hơn trường mình. Em sợ mình không thể giành được. Nếu em tiếp tục đi học thì điều kiện kinh tế của gia đình cũng không cho phép ạ.