Thần Núi Phải Lòng Người

Chương 1: Chương 1






Bắc Kinh cuối tháng sáu vô cùng oi bức, Đặng Duy mở cửa ra ngoài chưa được hai phút đã bắt đầu hối hận.
… Trên hành lang đến điều hòa cũng không có.
“Duy Duy, được rồi, chúng ta không thèm chấp anh ta, ha?” Lư Tiểu Ý đưa cho anh một ly kem Bát Hỉ mát lạnh đương tỏa hơi trắng: “Tối nay đi hát đi, bạn A Khoan tặng voucher, cậu gọi cả Tiểu Kiệt nữa, đã lâu tụi mình không tụ tập rồi.”
“… Tối nay Tiểu Kiệt có việc.”
“Có việc?” Lư Tiểu Ý tiến lên trước một bước: “Các cậu cãi nhau à?”
“Không.” Đặng Duy kéo nhẹ cổ áo, cảm giác áo sơ mi sau lưng đang dính chặt lấy da mình: “Cậu ta thực sự có việc.”
“Ồ… thế để lần sau vậy.”
“Ừm, để sau đi.” Anh thở dài một hơi: “Hôm nay không họp được rồi, tớ về trước đây.”
Lúc Đặng Duy rời khỏi công ty mới bốn giờ mười lăm phút, đương lúc đường xá nóng bức.

Anh tới Starbucks uống một ly matcha latte, uống xong, bốn giờ bốn hai phút.
Giờ giấc thế này ăn cơm tối lại sớm quá, mà về nhà thì… anh cũng không muốn về.
Tiểu Kiệt còn đang đóng gói hành lí.
Anh và Tiểu Kiệt đúng thật không có cãi nhau, mà là— thẳng thừng chia tay rồi.
Tiểu Kiệt nói, cậu ta sẽ dọn đi trước khi anh tan làm.

2.
Đặng Duy, Tiểu Kiệt, Lư Tiểu Ý và A Khoan là bạn học đại học.

Đặng Duy với Lư Tiểu Ý học thiết kế truyền thông hình ảnh, Tiểu Kiệt học thanh nhạc, A Khoan học vật lý.

Hồi năm nhất bọn họ quen nhau trong xã đoàn, năm hai từ bốn người thành một đôi gay một đôi nam nữ, tới năm tư tốt nghiệp, A Khoan ở lại trường học nghiên cứu sinh, Tiểu Kiệt làm thầy giáo ở một trung tâm phụ đạo thi nghệ khảo, Đặng Duy và Lư Tiểu Ý thì vào cùng một công ty game– công ty này do một đàn chị chính trực của hai người thành lập, quy mô nhỏ, song đàn chị giàu có lại hào sảng, tiền lương phát ra cũng khá cao.
Đặng Duy từng ngỡ rằng anh và Tiểu Kiệt sẽ sống cùng nhau tới cuối đời, hai người bọn anh không thể kết hôn, nhưng có thể từ từ gom góp tiền, thăng chức, mua nhà, sở hữu một gia đình ấm áp như Lư Tiểu Ý và A Khoan đã lĩnh chứng.

Thành phố Bắc Kinh này lúc nào cũng khiến người ta tràn trề hi vọng và nhiệt huyết.
Tuy nhiên, ngày 13 tháng trước, một cậu trai cao ít nhất một mét chín tìm đến cửa nhà anh.
Cậu ta năm nay học lớp mười hai, học nghệ thuật, là MC của đài phát thanh ở trung tâm nghệ khảo mà Tiểu Kiệt làm việc.
“Anh, em xin lỗi, em biết anh và thầy Tiểu Kiệt ở bên nhau rất lâu rồi…” Ánh mắt cậu ta cực kì chân thành: “Nhưng tụi em thực sự thực sự rất yêu đối phương.”
3.
Đặng Duy làm xong thủ tục nghỉ phép năm.
Tốt nghiệp ba năm, anh đảm đương chức vụ quản lí mĩ thuật trong công ty.

Trong cuộc họp tổng đầu tháng, đàn chị lại đột nhiên giới thiệu một vị quản lí mới.
“Duy Duy, em với thầy Vương hợp tác vui vẻ nhé.” Đàn chị dặn dò: “Học hỏi nhiều hơn ở chỗ thầy Vương, thầy ấy là đại lão đấy.”
Đặng Duy không biết ông ta có là đại lão hay không, anh chỉ biết công việc này của anh thực sự không làm nổi nữa rồi.
Thầy Vương năm nay đã gần bốn mươi, có vợ có con, là một tên đàn ông có niềm đam mê với vòng hạt.

Ngày đầu tiên nhảy dù tới, ông ta ở trước mặt toàn thể tổ mĩ thuật thân mật hỏi thăm Đặng Duy: “Tiểu Đặng, cậu học chuyên ngành này của chúng ta hả?”
Đặng Duy trả lời, đúng vậy.
Thầy Vương cười ha hả: “Ài, thực sự không nhìn ra đó.”
Kì nghỉ phép kéo dài mười ngày.

Cuối tháng sáu là lúc các em học sinh bù đầu với thi cử, là lúc những người làm công ăn lương miệt mài không có ngày nghỉ, song cũng là quãng thời gian thích hợp để du lịch.


Đặng Duy lưỡng lự đi lưỡng lự lại giữa tuyến du lịch Xuyên Tây và tuyến du lịch Tây Bắc, anh đang định đi tra vé máy bay từ Bắc Kinh đến Thành Đô thì điện thoại đột nhiên kêu, là mẹ anh gọi tới.
“Duy Duy, ăn cơm chưa?”
“Ăn rồi ạ, đồng nghiệp mời.” Đặng Duy nói dối: “Mẹ với bố thì sao?”
“Bố mẹ cũng ăn rồi, ở nhà dì nhỏ của con gói sủi cảo, ăn no căng cả bụng này.”
Đặng Duy bật cười: “Thế thì xuống lầu tản bộ một lúc.”
“Đúng thế, mẹ mới định ra ngoài đây, haizz… có chuyện rồi.”
“Sao vậy ạ?”
“Con còn nhớ bà cô út của con không?” Giọng mẹ chậm lại: “Em gái út của bà nội ấy, sống ở Vĩnh Xuyên… Hồi nhỏ con ở nhà bà cô hai năm.”
“Ồ, bà cô ạ.” Đặng Duy gật đầu: “Đương nhiên con nhớ.”
Đặng Duy sinh ra ở phương Bắc, lớn lên cũng ở phương Bắc, song quê quán lại tít mãi tận Tứ Xuyên.

Chuyện này cũng chẳng hiếm lạ gì, những năm bảy mươi của thế kỉ trước, ông bà nội anh theo đội công trình tới phương Bắc, sau rồi cắm rễ đất ấy.

Năm anh tám tuổi, bố mẹ bị điều đi vùng khác nên ông nội bà nội trông nom anh.

Cũng vào năm ấy, em gái của bà nội, cũng chính là bà cô của anh ở Vĩnh Xuyên bị bệnh.

Bà cô cả đời không lấy chồng, bà đã bệnh, ông bà nội anh chỉ đành đưa anh trở về Vĩnh Xuyên, cùng nhau chăm sóc đứa em út một thân một mình.

Vậy nên từ năm Đặng Duy tám tuổi cho đến năm anh mười tuổi đều sống ở nơi ấy.
Dẫu hồi đó đất Vĩnh Xuyên đã thuộc phạm vi quản lí của Trùng Khánh, song giao thông lại bất tiện.

Trong trí nhớ của Đặng Duy, Vĩnh Xuyên là rặng núi trùng trùng điệp điệp, là nước sông lành lạnh trong vắt, và trấn nhỏ ít khi có bóng dáng xe hơi qua lại.
Trấn nhỏ… đúng vậy, nhà của bà cô ở trong trấn, trấn nhỏ đó tên là Tùng Khái, ở ngay cạnh sông Trường Giang.
“Năm ngoái bà cô của con mất rồi.” Mẹ bảo: “Để lại căn nhà ở Tùng Khái, giờ nhà sắp bị dỡ bỏ, mà bà cô lại không con không cái… Thế nên con phải quay về một chuyến, có rảnh không đó?”
Đặng Duy có hơi thảng thốt: “Con về? Con về làm gì?”
“Về lấy tiền chứ làm gì, tiền bồi thường nhà ở bị phá dỡ!” Mẹ anh cười nói: “Nghe đâu phải mấy vạn đó.”
“Con…”
“À, với cả trước kia không phải con bảo đang vẽ cổ trấn sao, Tùng Khái có cổ trấn đó, rất nhiều nhà cũ, vừa hay cho con sưu tầm!”
Trong lòng Đặng Duy thầm nhủ, cái đấy con làm xong lâu rồi.
Anh hoàn toàn không muốn lãng phí kì nghỉ của mình để cùng tính tiền bồi thường với một đám người xa lạ.
Thế nhưng—
“Để con xem thời gian vậy.” Đắn đo mấy giây, Đặng Duy nói: “Nếu mà có thời gian con sẽ về một chuyến.”.