Thám Tử Sài Gòn

Chương 5: Vật nặng vô hình - Chương phá án




Trong một quyển tiểu thuyết, một bộ phim, một vở kịch... đều luôn tồn tại rất nhiều nhân vật. Dù là chính, thứ chính, phụ đảo chính hay phản diện, giả phản diện, mỗi loại vai đều có một chức năng nhất định bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau. Điều này thật không cần nói nhiều vì ai cũng biết. Nhưng còn trong vụ án ở cuộc sống thực? Có bao giờ nhân vật thám tử cũng cần đến các nhân vật khác sự giúp đỡ, gợi ý để tìm ra chìa khoá phá án?

Có đấy. Đôi lúc chỉ một câu nói vô tình từ một người bất kỳ, cũng trở thành lời giải cho câu hỏi quan trọng mà tôi đi tìm.

- Cậu biết ai là hung thủ? Là ai? - Viên cảnh sát lớn tuổi giọng điệu gấp rút.

- Hung thủ chính là người che giấu mục đích thực sự việc hắn đi vào con hẻm và có hành động kì lạ mà 2 nhân chứng đã nhìn thấy.

- Cậu cứ vòng vo làm gì? Nói rõ ra đi! - Viên cảnh sát lớn tuổi khẩn trương.

Thay vì giữ im lặng và để tôi tự trình bày suy luận của mình, viên cảnh sát trẻ tuổi chọn cách làm mất nhiều thời gian hơn của mọi người, bằng việc phát biểu những suy luận không có giá trị.

- Tôi hiểu rồi. Hung thủ chính là cậu nhân viên giao hàng này. Ông chủ tiệm tạp hóa có nói rằng thấy cậu ta đứng trước hẻm nhìn ngó với bộ dạng rất khả nghi. Hơn nữa cậu ta bảo vào hẻm giao hàng nhưng tại sao thùng hàng vẫn còn giữ bên người? Chắc chắn cậu ta đóng giả làm nhân viên giao hàng để lừa cảnh sát. - Viên cảnh sát trẻ tuổi.

Trong cương vị một nhân vật chính bị đảo chính, tôi không thể để một người ngốc nghếch như thế giành lấy trung tâm chú ý được. Đó là lý do phụ thôi, lý do chính là trên cương vị một thám tử đã nắm được toàn bộ lời giải của vụ án, tôi không thể chấp nhận những suy luận hồ đồ, kết luận vội vàng, nhầm người vô tội như thế được.

- Theo tôi có lẽ do cậu ta chỉ là nhân viên thử việc và vẫn chưa rành đường. Bằng chứng là cậu ta không mặc đồng phục nhưng lại đội nón bảo hiểm có logo công ty. Nói cậu ta không rành đường vì cậu ấy không biết đây là 1 con hẻm 2 đầu và đầu bên phía tiệm tạp hóa thì đủ rộng để có thể chạy xe máy vào được. Vì cậu ta không tìm được địa chỉ người nhận nên mới đi hết cả con hẻm và liên tục phải nhìn ngó biển số nhà, cho nên mới bị nhân chứng bảo là có bộ dạng khả nghi.

- Vâng đúng vậy, em là sinh viên đi làm thêm thôi! Em mới đi làm được 2 hôm, không tin các anh cứ điện thoại vào số của công ty. Em thật sự không liên quan gì đến người trong nhà nảy cả đâu. - Cậu thanh niên trẻ mếu máo.

- Vậy thì là người thợ sửa đường dây, tôi chắc chắn là vậy. Bà chủ tiệm cafe có nói anh này đến quán từ sáng sớm nhưng mãi đến đầu giờ trưa mới vào hẻm. Nhìn anh ta xem bộ dạng ăn mặc thực sự rất trùng khớp với trang phục mà hung thủ để lại hiện trường.

Viên cảnh sát trẻ nhất định phải giành cho được vai chính của tôi hay sao ấy? Để làm gì chứ khi mà anh ta còn chẳng được nhắc đến tên?

- Anh cảnh sát, anh không nhớ rằng anh thợ sửa này từng nói anh ta quản lý đường dây của khu vực này sao? Tôi nghĩ anh ta ngồi quán là để giết thời gian trong khi chờ công ty báo về nơi cần sửa chữa.

- Cậu thám tử nói đúng đấy. Trong điện thoại của tôi vẫn còn lưu cuộc gọi của công ty lúc trưa nay báo về đường dây phải sửa trong con hẻm. - Người thợ sửa đường dây nói.

- Này cậu thám tử… không lẽ hung thủ là… - Viên cảnh sát lớn tuổi giọng ngờ vực.

Không cần phải đoán già đoán non nữa, để tôi nói cho mọi người biết ai là hung thủ.

- Hì! Hung thủ sát hại ông Long, gia chủ ngôi nhà này chính là vị khách uống café, ông Phan Văn Thiện. - Tôi nhấn mạnh.

- Này cậu trai trẻ, đừng hồ đồ nhé! Cậu có bằng chứng không? - Người khách uống café dường như mất đi sự bình tĩnh vốn có.

- Đúng rồi, cậu không thể tự ý buộc tội người khác nếu không có bằng chứng được! - Viên cảnh sát trẻ phụ vào.

“Chẳng phải nãy giờ anh cũng buộc tội hết người này đến người kia mà chẳng đưa ra 1 bằng chứng nào hay sao?” - Tôi nghĩ thầm.

- Tôi không có bằng chứng…

- Hahaha! Thật hồ đồ! Cậu không có bằng chứng mà lại tự ý buộc tội tôi, cậu có tin tôi sẽ kiện cậu về tội vu khống không? - Người khách uống café tỏ vẻ đắc ý, gương mặt đã hồng hào trở lại.

- …tôi vẫn chưa nói hết. Tôi không có bằng chứng buộc tội ông, nhưng nhân chứng thì tôi có.

Câu nói vừa rồi của tôi tựa như sấm bất ngờ, khiến ai nấy cũng giật thót. Đặc biệt là hung thủ, vừa phải chú ý mà cũng vừa cảm thấy lo sợ.

- Nhân chứng? Có người nhìn thấy ông đây giết người sao? - Viên cảnh sát lớn tuổi lộ vẻ ngạc nhiên.

- Không phải là nhìn thấy ông ta giết người, mà là nhìn thấy ông ta đi vào ngôi nhà này và cùng nạn nhân đi lên lầu trong khoảng thời gian đầu giờ trưa nay. - Tôi nói.

- Như vậy cũng có thể xem là nhìn thấy hung thủ rồi. Nhưng thật ra nhân chứng mà cậu nói là ai?

- Nhân chứng này cũng chính là tòng phạm đã giúp ông đây ngụy tạo ra dấu giày nặng gần 100kg trên sân đất trước nhà nạn nhân.

- Tòng phạm giúp ngụy tạo dấu giày? Giúp bằng cách nào? - Viên cảnh sát lớn tuổi hỏi tôi.

Trước sự kỳ vọng về một câu trả lời hoàn hảo của vị cảnh sát, một thám tử tự do như tôi rất sẵn lòng tháo chiếc mũ kết đen trên đầu xuống, để khoe gương mặt khôi ngô và mái tóc ánh vàng mới nhuộm. Sau đó mới từ tốn nói ra toàn bộ bí mật ẩn giấu đằng sau vụ án.

- Ngài cảnh sát không nhận ra ở hiện trường có điểm gì rất không bình thường sao? Tại sao với kế hoạch giết người rồi để lại những bằng chứng giả một cách tinh vi như vậy nhưng hung thủ lại quên mất làm một việc vô cùng quan trọng là khóa cửa nhà nạn nhân lại? Nếu hắn chuẩn bị thêm ổ khóa để khóa cửa chính và cửa rào nhà nạn nhân, thì thời gian người khác phát hiện xác chết sẽ lâu hơn rất nhiều, điều này có thể giúp hắn tránh được sự khoanh vùng tình nghi của cảnh sát khi đã nhiều ngày trôi qua. Hay là có lý do nào khiến hắn không thể khóa cửa nhà nạn nhân lại sau khi gây án? Chìa khóa của khúc mắc này chính là ở người tòng phạm của hung thủ. Lý do hắn không thể tự ý khóa cửa nhà một người lạ trước mặt tòng phạm của mình, vì tòng phạm của hung thủ chính là đứa trẻ đi cùng hắn vào nhà nạn nhân.

- Một đứa trẻ? Một đứa trẻ? Tôi hiểu rồi, hung thủ cõng một đứa trẻ vào nhà nạn nhân, sau khi giết người trên lầu một, lúc ra khỏi nhà lại cõng đứa trẻ đi qua nền sân đất. Nếu là cõng một đứa trẻ vào nhà thì sẽ không bị nạn nhân nghi ngờ. Việc này cũng giải thích vì sao hung thủ mặc quần jeans, áo thun nhưng lại mang giày tây đen. Vì lúc vào nhà nạn nhân, hung thủ cũng mang một đôi giày tây đen, không thể lúc từ trên lầu xuống lại đi một đôi giày khác loại được, sẽ khiến cho đứa trẻ thắc mắc. Trong số 3 người chỉ có ông đây là người duy nhất mang một đôi giày tây đen. - Viên cảnh sát lớn tuổi nói.

- Thật là sơ suất, lúc lấy lời khai của 2 nhân chứng, tôi cũng chỉ hỏi họ về đồ vật mà 3 nghi phạm mang theo, chứ hoàn toàn không hỏi về người đi cùng. Hơn nữa cũng có thể qua mặt được các nhân chứng nếu ông đây để đứa trẻ đi vào và ra khỏi con hẻm không cùng lúc với mình. - Viên cảnh sát trẻ tự bào chữa.

- Có lẽ đứa trẻ đó là con của ông đây và hiện giờ đang học ở ngôi trường tiểu học phía bên kia đường. Bây giờ chỉ cần xác minh lại chỗ 2 nhân chứng về việc có hay không một đứa trẻ học sinh tiểu học vào ra con hẻm trong khoảng thời gian nạn nhân bị sát hại hay không? Các nhân chứng đều nói rằng ông đây là người sống gần khu này nên họ có thể cũng sẽ có thấy qua con của ông ấy. Đối với nhân chứng mà tôi nói đã đủ sức buộc tội ông chưa?

Sau những lời tôi nói, người đàn ông vẻ mặt chuyển màu tái nhợt, ánh mắt quặn lại vì đau khổ.

- Tôi nhận tội. Xin đừng để con tôi biết cha nó đã lợi dụng nó để che giấu tội ác của mình. Tôi xin các anh đấy!

Người đàn ông ăn bận lịch sự bỗng quỵ hai chân xuống, nước mắt dâng trào, miệng không ngừng van xin.

- Tại sao ông lại giết nạn nhân? Giữa ông và nạn nhân có mâu thuẫn nghiêm trọng gì đến mức phải giết người một cách tàn nhẫn như vậy? - Viên cảnh sát lớn tuổi hỏi.

- Tôi bị thất nghiệp đã hơn 2 tháng nay, nhưng do không muốn vợ và con gái tôi lo lắng nên tôi vẫn giả vờ đi làm mỗi ngày, rồi đến quán cafe này ngồi giết thời gian trong khi chờ rước con tôi đi học về. Tôi vẫn duy trì kinh tế gia đình bằng cách cầm cố cho ông Long một số vàng và gần nhất, cách đây một tuần là điện thoại di động của mình. Tuy nhiên sau hôm tôi cầm điện thoại di động của mình thì có một người bán vé số tìm gặp và báo với tôi rằng tôi đã trúng độc đắc. Lúc này tôi mới nhớ ra rằng tờ vé số độc đắc đó tôi đã kẹp ở bên trong ốp lưng điện thoại và hiện đang gửi ở chỗ ông Long. Tôi ngay lập tức đến tìm ông ta để đòi lại tờ vé số. Ông ta bảo có nhìn thấy tờ vé số khi tháo pin điện thoại nhưng lại không nhớ rằng đã để ở đâu, rồi nói sẽ tìm và trả lại tôi sau. Sau đó người bán vé số đem chuyện tôi trúng số nói lại với vợ tôi thì giữa tôi và vợ xảy ra cãi vã vì cô ấy nghĩ rằng tôi đã giấu tờ vé số để hưởng một mình. Cô ấy giận tôi đến mức bỏ về nhà ngoại và còn dọa sẽ ly dị với tôi. Tôi chờ suốt 2 hôm rồi đi hỏi lại ông ta nhưng ông ta vẫn bảo chưa tìm được. Ông ta chắc chắn đã đem nó đi lãnh rồi. Ông ta là một lão già tham lam. Tất cả là do ông ta khiến cho tôi mới lâm vào tình cảnh này. Nên tôi mới nghĩ ra cách giết ông ta rồi để lại những dấu vết giả nhằm trốn tội.

- Thì ra ông ta làm nghề cầm đồ, hèn gì tuy ở một mình nhưng trong nhà lại có đến 4 chiếc xe, lại còn bị xích lại với nhau. - Viên cảnh sát trẻ lẩm bẩm.

Trước những lời vu cáo sai lệch về khách hàng quá cố của mình, tôi buộc phải lên tiếng.

- Anh biết không, ông Long không phải là "một lão già tham lam" như anh nói. Tôi có mặt ở đây hôm nay chính vì được ông ấy thuê tìm giúp tờ vé số đó. Ông ta nói rằng nếu không mau tìm ra rồi trả lại cho người mất thì gia đình anh ta sẽ tan vỡ, giống như gia đình ông ấy ngày xưa.

- Sao có thể chứ? - Người đàn ông hét lên, vẻ mặt dường như càng thống khổ.

- Vậy tờ vé số đó hiện giờ ở đâu? - Viên cảnh sát lớn tuổi hỏi tôi.

- Rất có thể là nằm trong mấy cuốn sách trong phòng đọc. Ngài cảnh sát hãy cho người kiểm tra trong bìa gấp của bộ sách 6 quyển khi nãy. Tôi nghĩ ông Long đây trong lúc đọc sách đã tiện tay kẹp vào bên trong bìa gấp của một trong mấy quyển sách đó. 3 quyển sách anh dùng để kê chân chắc là được lấy từ trên bàn đọc của nạn nhân, cho nên anh mới không biết vị trí của bộ này trên kệ. 3 quyển này là 3 quyển cuối trong bộ 6 quyển nên trong vòng một tuần khó mà đọc xong 3 quyển đầu được, nhất là với một người đã lớn tuổi như nạn nhân.

Viên cảnh sát trẻ tuổi nhanh chóng chạy ngay lên lầu, chưa tới 2 phút, anh ta trở xuống với tờ vé số trong tay.

- Đúng là tìm thấy tờ vé số trong bìa gấp của quyển sách thưa sếp.

- Người ta thường tìm bên trong ruột sách mà bỏ qua phần bìa gấp. Các loại sách có bìa gấp cũng chỉ mới xuất hiện mấy năm gần đây, những người lớn tuổi không quan tâm đến nó cũng là điều dễ hiểu. - Viên cảnh sát lớn tuổi giải thích.

- Bây giờ nếu tìm thấy vân tay của anh trên tờ vé số, cùng với lời khai của người bán và tôi, thì việc anh được nhận lại nó là hoàn toàn có thể. Tờ vé số tuy có thể giúp gia đình anh vượt qua khó khăn kinh tế nhưng không thể giúp anh thoát khỏi tội danh giết người. - Tôi nói.

Tôi yên lặng, nhìn người đàn ông đang khóc, cũng cảm thấy một nỗi đau lòng.

Ngoài sân trời bỗng chuyển mưa. Chỉ trong chốc lát, những hạt mưa bay theo gió, đến nhanh và dồn dập. Chúng đua với nhau trên không trung và vỡ tan khi chạm đất. Những dấu chân để lại trên mặt sân ướt dần rồi biến dạng, từ từ hoà lẫn với nền đất xung quanh.

Nếu như cơn mưa đến sớm hơn một chút thì sao nhỉ? Tôi liệu còn có thể nhận ra sự khác biệt trên dấu chân với ngoại hình người khách hàng của mình? Nếu tôi không nhận ra, không bước vào căn hộ, không phát hiện ra xác của người khách hàng xấu số thì liệu hung thủ có thể vì vậy mà thoát tội?

Sự có mặt của thám tử có phải đã mang đến một bất hạnh? Tôi cũng không rõ nữa. Tôi không giỏi đoán trước chuyện thời tiết