Thà Là Ngọc Tỳ Vết - Cư Hữu Miêu

Chương 7




Thanh Dương chẳng hề bận tâm, cười đáp:

 

“Đều là người một nhà, gọi là vinh quang cùng hưởng! Dán vàng thì sao, các người không muốn dán à?”

 

Lập tức mọi người vui vẻ cùng tiến lại, rộn ràng hưởng ứng.

 

Ta muốn để lại ấn tượng tốt, liền đứng thẳng người, giữ vẻ đoan trang, nở một nụ cười mím môi vừa phải.

 

Mọi người bỗng dừng lại, nhìn nhau thắc mắc:

 

“A Ngọc không vui sao? Có phải nàng thấy chúng ta phiền không?”

 

Ta ngơ ngác:

 

“Không có, không có. Ta nghe nói, nữ tử phải giữ lễ phép, mới được người khác yêu thích. Cười không hở răng chẳng phải là quy củ sao?”

 

“Đâu ra chuyện đó!” Thanh Dương kinh ngạc:

 

“Hoa nở trăm sắc, người cũng có ngàn vẻ. A Ngọc chính là A Ngọc, như thế nào chúng ta cũng thích.”

 

Thế là mọi người lại vui vẻ quây quanh ta, khen ngợi không ngớt:

 

“A Ngọc, A Ngọc!”

 

Ta cũng cười mãi không ngừng.

 

Như thể muốn bù đắp lại tất cả những niềm vui mà trước đây ta đã bỏ lỡ.

 

16

 

Những lúc rảnh rỗi, ta cũng giúp bưng trà rót nước.

 

Tước Nhi tỷ nhìn thấy, liền giật lấy từ tay ta:

 

“Đừng làm mấy việc thô kệch này, đôi tay của muội quý giá lắm.”

 

Tay ta thì có gì quý giá đâu, chẳng phải tay dùng để thêu thùa, chứ đâu phải tay cầm bút viết chữ.

 

Trên sân khấu đang hát đến đoạn:

 

“Ta Thập Nương là bạch ngọc vô giá, chẳng chút tì vết, nào ngờ phượng hoàng mù mắt kết đôi với quạ đen.”

 

Lời hát mạnh mẽ, dạt dào.

 

Tỷ chỉ cười không nói, kéo ta ngồi xuống cùng nghe.



 

Ta chưa từng được nghe hát kịch.

 

Một là không có tiền, hai là Thẩm Đình Chi không cho phép.

 

Nghe lần đầu, lại đ.â.m ra say mê.

 

Đến khi mỹ nhân ôm chiếc hộp báu lao mình vào dòng nước chảy xiết, tiếng vỗ tay vang lên như sấm, ta giơ tay lau mặt, mới nhận ra nước mắt đã ướt đẫm.

 

“Đừng vội khóc.”

 

Tước Nhi tỷ đưa khăn giúp ta lau:

 

“Phía sau còn nữa.”

 

Tiếp đến, kẻ phụ bạc hoảng loạn, nằm liệt giường không dậy nổi, lòng đầy áy náy, ngày ngày thấy Thập Nương bên cạnh trách mắng, cuối cùng vì tâm bệnh mà phát điên, rồi lụi tàn mà chết.

 

Khúc hát kết thúc, màn sân khấu buông xuống.

 

Ta theo mọi người vỗ tay thật lớn.

 

“Hừ, người đọc sách chưa chắc đã quý giá. Có câu nói rất hay: 'Kẻ phụ bạc phần nhiều là kẻ đọc sách.'“

 

Tỷ nháy mắt với ta:

 

“Hả giận chưa?”

 

Ta vội vàng gật đầu.

 

Tỷ thay y phục, đích thân lên sân khấu.

 

Lại diễn một vở “Tần Hương Liên” cho ta nghe.

 

Ta hiểu ý tỷ, trong lòng cười thầm, vừa nghe vừa chăm chú, nghiêm túc vô cùng.

 

17

 

Nghe nhiều, ta dần nhận ra, kịch của gánh hát Khánh Vân dường như khác hẳn so với nơi khác.

 

Chẳng hạn như vở “Đỗ Thập Nương”, ở gánh Hỉ Xuân bên cạnh chỉ hát đến đoạn nàng nhảy sông, không có phần sau kể về cái c.h.ế.t của Lý Giáp.

 

Hay vở “Vương Bảo Xuyến”, cuối cùng không tái hợp với Tiết Bình Quý, mà là một màn trách mắng khiến hắn xấu hổ không biết giấu mặt vào đâu.

 

Tước Nhi tỷ chống nạnh, nói:

 



“Lẽ ra phải thế. Đời người muốn nàng hoàn mỹ vô khuyết, ta lại muốn nàng dám yêu dám hận, oán thù phải được báo.”

 

Tỷ cười ranh mãnh:

 

“Ban chủ còn khen sửa rất hay, người mê kịch đều thích nghe. Cái gánh hát bên kia không chịu đổi mới, cứ hát những vở cũ kỹ, đúng là cổ hủ!”

 

Không chỉ biết hát kịch, còn biết sửa kịch, ta không khỏi cảm thán:

 

“Vậy chị nhất định biết rất nhiều chữ nhỉ?”

 

Rồi lại nghĩ đến chuyện trước đây, khẽ rụt người lại:

 

“Ta có nên gọi tỷ là Tước tiên sinh không?”

 

Chị đang tập chân kiễng, nghe vậy liền xoay người lộn nhào về phía trước, gõ vào trán ta:

 

“Gọi một cô nương là tiên sinh? Để ta xem, cái đầu muội có bị nước vào không?

 

“Ta không biết chữ, kịch là do Thanh Dương sửa đấy. Trong cả gánh, chỉ mình hắn biết chữ. Nếu muội muốn học, có thể tìm hắn.”

 

“Nhưng này, A Ngọc.” Tỷ nhảy lên ngồi trên chiếc ghế hẹp:

 

“Muội phải học vì chính mình, không được học chỉ để lấy lòng người khác.”

 

Ta suy nghĩ một lúc, rồi vẫn đi tìm Thanh Dương.

 

Trước đây không biết chữ, làm công thêu vá phải đích thân đến truyền lời hoặc nhờ người khác chuyển ý.

 

Nếu khách để lại giấy nhắn, ta chỉ có thể đợi Thẩm Đình Chi về đọc mới biết được yêu cầu, rất bất tiện.

 

Có khi câu chữ phức tạp, ta hỏi thêm vài câu, hắn đã tỏ vẻ mất kiên nhẫn.

 

“Được thôi, từ hôm nay ta sẽ dạy cô nương.” Thanh Dương đưa bút cho ta, cười tít mắt:

 

“Ta nghe nói ở Nam Hải có một nữ tử tài giỏi, có thể thêu bảy cuộn *Kinh Pháp Hoa* trên một tấm lụa dài một thước, chữ nhỏ như hạt gạo nhưng nét nào cũng rõ ràng.

 

“A Ngọc của chúng ta, tay nghề thêu đã giỏi thế này, lại biết chữ, sau này nhất định trở thành danh gia.”

 

Ngọn bút thấm đẫm mực, tròn trịa, khi đặt xuống giấy thì trơn tru, uyển chuyển.

 

Không xa, Tiểu Hắc ngẩng cao đuôi như một lá cờ, đi tuần quanh một vòng như tướng quân, rồi ngoan ngoãn chui vào lòng ta.

 

Trên sân khấu, tiếng chiêng trống vang lên, giọng hát cao vút lay động, năm tháng cứ thế luân chuyển.

 

Dưới sân khấu, thời gian vui vẻ, ngày ngày đều là ngày tốt.