Tào Tặc

Chương 633: Ai là quốc tặc? Ai là kẻ tiểu nhân?




Người nam tử trước mặt hắn tuổi tác ước chừng trên dưới ba mươi.

Người này khoác áo choàng màu xanh nhạt, đầu đội luân trung, dung nhan tuấn mỹ, phong độ phi phàm, tuyệt đối xứng danh mỹ nam tử. Bên cạnh y còn có một nam tử khác, tuổi cũng chừng ba mươi. Tào Bằng nhận ra nam tử bên cạnh y, đó chính là Bàng Sơn Dân.

Nam tử đi trước hắn nhìn rất quen, nhưng nhớ mãi vẫn không ra đã từng gặp người này ở đâu.

-Hữu Học, năm xưa từ biệt ở trấn Dương Sách, đã lâu không gặp! <!--Ambient video inpage desktop-->

Người kia tươi cười nho nhã, như cây gặp gió xuân.

Trấn Dương Sách ư?

Tào Bằng lập tức nghĩ ra nam tử trước mặt là ai, vội vàng bước tới trước vài bước, khom mình thi lễ:

-Học sinh Tào Bằng bái kiến Thủy Kính tiên sinh.

Tư Mã Huy!

Sau khi Tào Bằng tái sinh, đây là danh nhân đầu tiên hắn biết ở thời Tam quốc này.

Năm đó, ở trấn Trung Dương, hắn nổi giận giết chết Thành Kỷ, buộc phải cùng người nhà rời khỏi quê hương, đi tới Cức Dương nương nhờ vợ chồng Đặng Tắc. Chẳng ngờ gặp trận gió tuyết, khi đến trấn Dương Sách, Tào Bằng đã gặp được hai người. Cũng chính hai người này đã thay đổi vận mệnh của hắn.

Một người là Bàng Quý, cũng chính là đại ca của Bàng Đức Công.

Người còn lại chính là Tư Mã Huy đang đứng trước mặt hắn đây. Trong lịch sử, người này là Tư Mã Đức Tháo - Thủy Kính tiên sinh tiếng tăm lẫy lừng, là lão sư của Gia Cát Lượng. Vào đêm gió tuyết mười năm trước, Tào Bằng nêu ra luận điểm Thập thắng thập bại khiến Tư Mã Đức Tháo và Bàng Quý phải coi trọng hắn. Sau đó mới có chuyện Tư Mã Huy tặng xe ngựa cho hắn. Cũng chính nhờ chiếc xe ngựa kia mà cả gia đình Tào Bằng mới an ổn ở Cức Dương. Tuy rằng sau này lại bị Hoàng Xạ hãm hại, nhưng Tư Mã Huy cũng đã ra tay cứu giúp hắn. So ra, y giúp Tào Bằng còn nhiều hơn Bàng Đức Công, thế nên sao hắn có thể bất kính được.

Tư Mã Huy quan sát Tào Bằng một lượt, lòng thầm cảm thán ngàn vạn lần.

Năm đó, chỉ vì một ý nghĩ sai lầm, mới không có được người tài ngần này, giờ nghĩ lại quả thực hối hận vô cùng.

Khi Tào Bằng trả lại xe, Bàng Đức Công không nói hai lời, liền tặng cho hắn “Thi” và “Luận” của Thượng Thư. Lúc ấy, Tư Mã Huy chỉ do dự một chút, kết quả là bị Bàng Đức Công giành trước. Nếu Bàng Đức Công muốn thu nhận Tào Bằng, y cũng không tiện tranh giành, vốn cũng không tiếc nuối lắm.

Phải biết rằng, sau khi y trở về Tương Dương, Gia Cát Lượng liền bái nhập Thủy Kính sơn trang.

Lúc đó, trong sơn trang có Ngọa Long, Phượng Sồ, cũng có Thủy Kính tứ hữu, Tư Mã Huy có gì để tiếc nuối đây? Nhưng không lâu sau đó, Tào Bằng nhờ một thiên Lậu Thất Minh mà nổi danh thiên hạ, y liền có chút hối hận! Cổ nhân nói hai chữ “Đức hạnh”, “Đức” đứng trước, “Hạnh” đứng sau. Nói cách khác, ngươi có bản lãnh thật sự hay không không phải là vấn đề then chốt. Quan trọng là ngươi phải có đức hạnh. Bài “Lậu Thất Minh” chính là ứng với chữ “Đức” này.

Sau đó, Tào Bằng bái Hồ Chiêu làm sư phụ, lại làm ra Ái liên thuyết.

Tư Mã Huy cầm bài thơ trong tay, nắm chặt tay, thở dài.

Loáng cái đã mười năm trôi qua. Người thiếu niên gầy gò ở trấn Dương Sách năm xưa nay đã thành Tào Tam Thiên – Tào Bát Bách cả thiên hạ đều biết tiếng. Luận về thanh danh, tài danh của Tào Bằng chưa chắc đã thua Tư Mã Huy. Hắn lại chinh chiến Lương Châu, thống trị Hà Tây, biến Tây Bắc thành vùng đất giàu có, trù phú. Tư Mã Huy cũng phải tán thưởng hắn.

Thấy Tào Bằng vẫn cung kính hành lễ của người làm đệ tử như mười năm trước, Tư Mã Huy thực hài lòng.

-Hữu Học, lần này Cơ Bá làm việc quả có ảnh hưởng đến đức hạnh nhưng cũng chỉ do vô tâm mà gây chuyện. Y dù sao cũng có đại tài, lại rất có thanh danh ở Kinh Tương. Nếu Hữu Học giận dữ mà giết chết Cơ Bá tiên sinh, ắt sẽ bị thế nhân chỉ trích. Hữu Học đừng quên vết xe đổ của Nỉ Hành lúc trước. Ta mặt dày khẩn cầu Hữu Học bỏ qua cho phụ tử Cơ Bá. Chuyện này với Hữu Học mà nói cũng không có hại gì.

Tào Bằng chợt giật mình.

Hắn chợt nhìn về phía Y Tịch, chợt hiểu ra vì sao vừa nãy y lại chửi ầm lên.

Y Tịch vốn là quân tử khí khái phong độ, danh tiếng rất tốt. Thế nhưng miệng lại nói ra những lời dơ bẩn như vậy, thật không hợp với những lời nói và hành động của y trước đây. Ban đầu, Tào Bằng cứ tưởng vì y thất bại nên mới như thế, nhưng Tư Mã Huy nói những lời này làm Tào Bằng chợt hiểu ra dụng ý thực sự của Y Tịch.

Y Cơ Bá, ngươi tính toán giỏi lắm!

Kinh Tương là vùng đất nổi tiếng văn chương.

Dưới sự cai trị của Lưu Biểu, Kinh Châu dù không mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, nhưng danh tiếng về văn chương của nơi này chưa chắc đã thua kém Toánh Xuyên. Chẳng phải bốn người Từ Thứ, Thạch Đạo, Mạnh Kiến, và Thôi Quân đều đến học ở Kinh Tương hay sao? Chẳng phải họ đều vì thứ văn chương vượt trội này hay sao?

Nơi này tập trung rất nhiều danh sĩ. Có người nói danh sĩ Kinh Tương có một không hai trong thiên hạ, tuy có chút khoa trương, nhưng có thể thấy được tiếng tăm của bọn họ.

Ở Kinh Châu, địa vị của văn sĩ vượt xa võ phu.

Văn Sính với khả năng như vậy còn muốn làm môn hạ học trường của Khoái thị. Thái thị sở dĩ có thể lớn mạnh như vậy cũng là nhờ có thanh danh của Thái Phúng mà thành.

Phong tục của Kinh Châu hơi giống với Tống Triều sau này.

Tống Thái Tổ từng lập ra quy định không được giết hại người đọc sách. Kinh Châu tuy rằng không có quy định bằng văn bản rõ ràng như Tống Triều, nhưng địa vị của văn sĩ chưa chắc đã kém hơn thời Tống Triều. Ngay như kẻ “Phẫn thanh” như Nỉ Hành mấy lần sỉ nhục Lưu Biểu, nhưng Lưu Biểu vẫn không dám lấy mạng gã, Hoàng Tổ chỉ giết Nỉ Hành mà bị chúng bạn xa lánh, đến đại ca của y cũng hết sức tức giận với y, thậm chí còn không chịu tha thứ cho y.

Bởi vậy có thể thấy địa vị của danh sĩ ở Kinh Châu cao quý đến nhường nào.

Y Tịch tuy là người Sơn Dương, nhưng nổi tiếng nhờ phong thái nho nhã, được nhân sĩ Kinh Tương kính trọng. Nếu Tào Bằng giết Y Tịch, danh bất chính, ngôn bất thuận, chắc chắn sẽ bị kẻ sĩ Kinh Tương chỉ trích. Đến lúc đó, rất có khả năng hắn sẽ giống như Hoàng Tổ giết Nỉ Hành năm đó, mang tiếng xấu bên người. Y Tịch làm như vậy chính là muốn dùng mạng của y để giao chiến với Tào Bằng.

Tào Bằng chợt cười cười quỷ dị.

Trong lịch sử, Y Tịch không có gì vang dội.

Sau khi Lưu Biểu chết, Y Tịch quy thuận Lưu Bị, sau đó cũng chẳng có thành tích gì.

Cũng chính bởi vì như thế, Tào Bằng mới không bận tâm đến Y Tịch. Chẳng ngờ lão nhân này lại có năng lực như thế. Nếu Tào Bằng giết Y Tịch, chọc giận kẻ sĩ Kinh Tương, ắt tương lai của hắn ở Kinh Châu sẽ gian nan khôn cùng. Đồng thời, Y Tịch cũng có thể tranh thủ thời gian cho Lưu Bị. Tính toán hay lắm, tính toán hay lắm!

-Cơ Bá tiên sinh, ngươi nói ta trợ Trụ vi ngược, ta lại không biết vì sao Tào Thừa tướng lại là Trụ vương? Nhớ năm xưa, khi thiên tử trở về, chư hầu coi thường. Lưu Kinh Châu thân là dòng họ Hán thất. Khi hai mươi hai lộ chư hầu thảo phạt Đổng Trác, gã không chịu xuất binh. Sau khi thiên tử trở về, gã vẫn như cũ, không có một động thái nào. Ngược lại, Thừa tướng đối đầu với binh lực hung mạnh của Lý Quách, Quan Trung, nghênh đón thiên tử, tận tâm làm tròn phận sự tôi thần. Thiên tử định đô ở Hứa Đô đến nay đã mười năm. Kinh Châu chưa từng tiến công, càng chưa nói đến chuyện Lưu Kinh Châu đích thân đến triều bái lạy thiên tử. Thừa tướng phụng sự cho thiên tử mười năm, cai trị mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Tranh chiến Từ Châu, tiêu diệt Lã Bố, bình Lưu Bị, đánh Viên Thiệu, định Quan Trung, trấn Tây Bắc, đoạt Bắc Cương… Ngay đến phiên quốc ở hải ngoại cũng có người ngưỡng mộ uy danh hiển hách của thiên triều ta, vượt qua trùng dương đến quy thuận. Công lao của Thừa tướng không hề kém Hoắc Phiêu Kỵ, Ban Định Viễn, tại sao người lại là quốc tặc?

Y Tịch nghe thấy thế, á khẩu không nói được tiếng nào.

Tào Bằng nói rõ ràng đều là sự thật cả.

Tuy rằng y và Tào Tháo đúng là đối địch, nhưng những chuyện Tào Tháo làm trong mười năm này, y cũng phải vỗ bàn khen ngợi. Tuy nhiên, khen ngợi là khen ngợi, Y Tịch cũng không chấp nhận Tào Tháo. Nói cho cùng, cũng bởi chuyện năm đó Tào Tháo chém chết danh sĩ Biên Nhượng của Tuấn Nghi, khơi nên nỗi phẫn nộ của toàn bộ kẻ sĩ ở Duyện Châu. Y Tịch cũng là nhân sĩ Duyện Châu, hơn nữa lại có giao tình với Biên Nhượng. Cho nên, Tào Tháo chém giết Biên Nhượng khiến Y Tịch hết sức phẫn nộ. Trong mắt Y Tịch, những gì Tào Tháo làm đúng là đã chà đạp và sỉ nhục sự tôn nghiêm của danh sĩ.

Sai lầm lớn nhất trong đời Tào Tháo có lẽ cũng là chuyện chém chết Biên Nhượng.

Biên Nhượng chết dẫn đến loạn Duyện Châu, khơi lên cơn giận của kẻ sĩ Duyện Châu, đến hảo bằng hữu của Tào Tháo năm xưa là Trương Mạc cũng trở mặt thành thù với y. Hậu quả ấy đến nay vẫn chưa hết. Biên Nhượng chết, bức Trần Cung làm phản, rồi đến Lã Bố, khiến Từ Châu mấy năm sau đó vẫn không ngừng chiến loạn. Tào Tháo cũng vì nguyên nhân này mà buộc phải rút lui khỏi Đông quận, di chuyển tới Dự Châu lập nghiệp.

Tào Bằng thấy Y Tịch không nói, liền cười nhạt.

-Ngược lại, các ngươi miệng đầy nhân nghĩa đạo đức, nhưng chỉ có chí của nam nhi mà suy nghĩ thì đàn bà. Y Cơ Bá ngươi tự xưng là hiền lương, ta lại hỏi ngươi, ngươi đã đóng góp gì cho quốc gia, cho dân chúng? Cả ngày ngươi ngồi nói suông, miệng đầy văn chương tự đức, chẳng qua chỉ là nói khoác, chỉ biết nghĩ cho mình, không biết thương sinh linh đồ than. Tào Thừa tướng thay mặt trời thảo phạt quần thần bất tuân, ngươi tự gọi là hiền lương lại ở sau cản trở người. Ngươi vốn phụ tá cho Lưu Kinh Châu, lại đi trợ giúp Lưu Bị cướp Kinh Tương. Hay cho một trung thần hiền lương, hay cho danh sĩ phong nhã. Y Cơ Bá, Lưu Bị là loại người như thế nào? Âm mưu Y Đái chiếu, tự nhận hoàng thân quốc thích, gây họa cho thiên hạ. Năm đó, Tào Thừa tướng coi trọng gã như thế, nhưng gã không nghĩ đến chuyện đền đáp quốc gia, chỉ biết suy tính cho bản thân, tàn sát sinh linh bừa bãi. Người này quy thuận Công Tôn Toản. Nhưng khi Công Tôn Toản nguy hiểm, lại không hề viện trợ. Người này giải trừ mối nguy cho Từ Châu, nhưng lại ngấm ngầm mua chuộc lòng người, chiếm lấy Từ Châu. Nhưng Lưu Huyền Đức dù sao cũng là người không có đức hạnh. Cho dù có được Từ Châu, cuối cùng cũng bị Lã Bố cướp mất, luôn hoảng sợ như nhà có tang vậy. Thừa tướng thu nhận và giúp đỡ người này, nhưng gã lại tuyển quân mua ngựa ở Nhữ Nam, lòng mưu chuyện xấu. Gã mượn danh thiên tử lập ra huyết chiếu, cũng là giả danh lừa bịp. Tự xưng dòng họ Hán thất, lại không có chút gì để minh chứng xuất thân của mình. Một trận chiến Quan Độ, Viên Thiệu để gã đóng quân ở Bộc Dương. Gã lại dẫn theo binh mã của Viên Thiệu bỏ trốn ra Đông Hải, cùng hải tặc tạo phản, khiến trăm họ quận Đông Hải lầm than. Khi gã cùng đường, Lưu Kinh Châu đã thu nhận và giúp đỡ người này. Gã không nghĩ đến chuyện báo ân đáp nghĩa, ngược lại còn đi khắp nơi, chiêu dụ, mua chuộc lòng người, khiến Kinh Tương nội loạn. Lưu Kinh Châu mất chưa bao lâu, gã liền muốn chiếm lấy Kinh Châu. Hạng người bất nhân bất nghĩa, bất trung bất hiếu, không biết lễ nghĩa, liêm sỉ dường này cũng dám xưng là minh chủ sao? Theo ta thấy, Lưu Bị mới là quốc tặc, mới là nghịch thần. Còn Y Cơ Bá ngươi mới thật sự là kẻ trợ Trụ vi ngược, là kẻ tiểu nhân đê tiện.

Lão tử không giết được ngươi, nhưng ít ra cũng phải chửi ngươi cho sướng cái miệng đã!

Lão tử mắng ngươi không chết được thì cũng phải thối mặt.

Y Tịch trợn tròn mắt, nhìn Tào Bằng, môi run run, chợt thở dốc.

Tư Mã Huy và Bàng Sơn Dân ở bên cạnh muốn cản lại, nhưng lại không biết nên mở miệng khuyên can thế nào. Tào Bằng nói dường như đều có lý cả, không có chút nào giả dối. Hai người nhìn nhau, đành thầm cười khổ.

Tư Mã Huy càng thầm than: “Mười năm trước, tiểu Tào Bằng lấy luận điểm Thập thắng thập bại làm bọn ta á khẩu không trả lời được. Khi đó, ta nên biết hắn là người lanh mồm lẹ miệng mới đúng. Chẳng ngờ sau mười năm, hắn không chỉ công thành danh toại, mà ngay cả khả năng đấu võ mồm dường như càng sâu thêm một bậc so với mười năm trước, thật khiến người ta không thể cãi lại được.”

Y Tịch mặt mày nhợt nhạt, ngực phập phồng lên xuống.

Y muốn cãi lại, nhưng lại không biết nên nói như thế nào.

Tào Bằng càng mắng càng chua cay, không có lấy một lời thô tục, nhưng câu nào câu đấy đâm thẳng vào tim người, khiến Y Tịch không thở nổi.

Y há miệng thở dốc, cảm thấy vị ngọt trong yết hầu dâng lên, lồng ngực bức bối. Tào Bằng mắng y là trợ Trụ vi ngược, là kẻ tiểu nhân đê tiện. Tám chữ này vừa dứt, Y Tịch hét lên một tiếng:

-Nhục chết ta!

Một ngụm máu tươi phun ra, thân người y theo đó lả xuống đất, đứt hơi!

-Cơ Bá, Cơ Bá!

- Phụ thân!

Tư Mã Huy và Bàng Sơn Dân cùng Y Dương ở một bên hoảng hốt, lớn tiếng la lên.

Nhưng Y Tịch đã không mở mắt nổi nữa, lặng nằm dưới đất lạnh như băng.

-Cơ Bá chết rồi!

Vệ sĩ áp giải phụ tử Y Tịch đứng bên cạnh ngẩng đầu hoảng sợ nhìn Tào Bằng.

Chỉ thấy Tào Bằng mặt mày lạnh nhạt, khẽ mỉm cười, xoay người, không thèm liếc mắt nhìn Y Tịch lấy một cái.

Thái Trung, Thái Hòa đứng sau Tào Bằng giật mình hoảng sợ. Khi hai người nhìn Tào Bằng, ánh mắt chợt ánh lên vẻ sợ hãi sâu sắc.