Tam Thế

Quyển 2 - Chương 9: Gặp lại




Thời gian như cánh chim qua cửa. Chẳng mấy chốc, bốn năm đã trôi qua.

Trong suốt bốn năm sống trong rừng đào cùng Mạc Trọng sư phụ, thời gian tôi học cầm kỳ thi hoạ rất ít, hầu như chỉ chăm chú vào kiếm thuật. Sư phụ thấy tôi thực sự không thích thì không bắt tôi phải học nữa, chỉ đem bộ kiếm pháp đã thất truyền từ lâu trong giang hồ mà người học được từ sư phụ của người truyền lại cho tôi. 

Nói cuộc sống của tôi và sư phụ gần như ẩn dật vì tuy sống trong rừng đào không người bình thường nào đặt chân tới nhưng cũng không hoàn toàn tách biệt với cuộc sống bên ngoài, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn vào thành mua một số vật dụng cần thiết, nhân tiện ở lại chơi vài ngày. Lần này cũng vậy, chỉ khác là có mình sư phụ vào thành, còn tôi thì nhân lúc người đi vắng mà trở về thăm Ngữ Yên.

Kết giới khổng lồ ngăn cách khu rừng thành hai thế giới riêng biệt đã sớm biến mất, căn nhà nguy nga tráng lệ bằng gỗ cũng không còn, những gì còn lại chỉ là một đống hoang phế, đổ nát sau trận giết chóc tàn bạo bốn năm trước. Mấy ngày sau khi trở thành đồ đệ của sư phụ tôi có trở về nhặt xác Ngữ Yên. Vì sợ Bá Khiêm sẽ trở lại và phát hiện ra điều gì bất thường nên ngay cả việc làm cho tỷ ấy một ngôi mộ tử tế cũng không thể, chỉ đành chôn tỷ ấy dưới gốc cây hải đường mà tỷ ấy thích nhất để dễ nhận ra khi trở lại nơi này. Hôm nay, tôi đứng trước nơi chôn cất tỷ ấy, kìm lại nước mắt sắp chảy ra, cố gắng nở nụ cười rạng rỡ: “Tỷ tỷ, A Tĩnh về thăm muội đây”.

Không có ai đáp lời, tôi cũng chẳng bận tâm, tay siết chặt túi hương đựng viên ngọc trong vô thức, tiếp tục lên tiếng như đang nói chuyện với một người sống thực sự: “Bốn năm qua muội sống rất tốt. Sư phụ không chỉ cho muội chỗ ăn chỗ ở mà còn dạy muội kiếm thuật để tự vệ”. Khẽ phủi đi cánh hoa rơi trên vai áo, tôi tiếp tục nói ra quyết tâm của mình: “Năm đó muội vô dụng, không bảo vệ được tỷ. Nhưng bây giờ thì khác, muội nhất định sẽ trở nên mạnh mẽ, nhất định sẽ bảo vệ được viên ngọc mà tỷ để lại, không để nó rơi vào tay kẻ ác”.

Bốn năm trước tôi chỉ có thể đứng nhìn rồi chạy trốn như một kẻ hèn nhát, nhưng bây giờ thì không, tôi nhất định sẽ chống lại Bá Khiêm bằng tất cả sức mạnh và sinh mạng của mình.

Trong bốn năm qua tôi đã về thăm Ngữ Yên không ít lần, lần nào cũng là nhân lúc sư phụ đi vắng, đi nhanh về nhanh để không bị phát hiện. Nhưng lần này thì không được may mắn như vậy, tôi vừa đặt chân vào rừng đào thì sư phụ đã có mặt ở đó, dường như đã về từ rất lâu rồi. Tôi vừa nhìn một cái là đã biết người đang tức giận. Mỗi lần sư phụ tức giận, ánh mắt lại trở nên lạnh lùng, gương mặt lạnh tanh, ngay cả chiếc áo trắng cũng như toả ra hơi lạnh, giọng nói thường ngày vốn ôn hoà giờ cũng lạnh lẽo thấu xương: “Cuối cùng cũng chịu trở về?”.

Tôi không kìm được mà lùi về sau một bước, tiếng “vâng” thoát ra từ khe hở giữa hai cánh môi nhỏ đến mức nếu không để ý kĩ sẽ chẳng nghe được gì. 

Sư phụ phất tay đứng dậy, chậm rãi lại gần, trầm giọng phẫn nộ: “Cả ngày hôm nay con đã đi đâu hả, A Tĩnh? Con có biết khi trở về không thấy con, khi lục tung cả rừng đào cũng không thấy ta đã lo lắng thế nào không hả? Ta lo con đã xảy ra chuyện gì, ta cứ tưởng con đã…”. Ngừng một lát, hàn khí bao trùm quanh người biến mất, chỉ còn lại sự thống khổ tuyệt vọng mà tôi chưa từng thấy nơi người: “… Ta cứ tưởng con cũng giống như bà ấy, cũng bỏ ta mà đi”.

Tôi muốn lên tiếng giải thích cho người rằng chuyện không phải như người nghĩ, nhưng trước sự thay đổi đột ngột của người, lưỡi tôi như níu lại, cổ họng cũng nghẹn ứ, chẳng thể thốt ra câu nào hoàn chỉnh. Mà người đang đứng trước mặt tôi bây giờ đã không còn phẫn nộ như trước, thay vào đó là vẻ mặt thống khổ gần như tuyệt vọng, như nhớ lại quá khứ đau thương: “Mẫu thân đã từng nói sẽ không bỏ rơi ta như phụ thân quá cố, đã từng nói ta là tâm can, là bảo bối của bà, bà không thể sống mà không có ta. Vậy mà cuối cùng bà lại thất hứa, lại vì một nam nhân khác mà bỏ rơi ta, một đi không trở lại!”. 

Nghe sư phụ nói thế tôi mới phát hiện thì ra hai chúng tôi có nhiều điểm chúng đến vậy. Sư phụ mồ côi cha, mẫu thân tôi cũng mất từ khi tôi chào đời. Mẫu thân người vì một nam nhân khác mà bỏ rơi đứa con mình dứt ruột đẻ ra, cha tôi lại vì âm mưu của kế mẫu mà không hề do dự từ bỏ con gái của mình. Người căm ghét cuộc sống dài đằng đẵng gần như là vô tận, tôi cũng không thích năng lực báo tử mà bản thân có được ngay từ khi sinh ra. Người luôn khao khát gặp được người có thể ở bên người cho đến những giây phút cuối cùng của cuộc đời, tôi lại muốn sống một cuộc sống bình yên bên những người tôi yêu và thương tôi. Có lẽ chính sự tương đồng trong cảnh ngộ đã tạo nên sự đồng điệu giữa hai tâm hồn, là gốc rễ của thứ tình cảm cấm kỵ đã nảy nở trong lòng tôi. 

Sau khi định thần lại, tôi chậm rãi đến gần, nhẹ giọng lên tiếng: “Sư phụ, con xin lỗi”. Thấy người không có phản ứng gì, tôi liền vòng tay ôm lấy người, áp mặt vào hõm vai người, nói ra những lời chân thành nhất: “Người đã quên trong hội hoa đăng năm đó con đã ước gì sao? Con ước mình bất lão bất tử để có thể mãi mãi ở bên người, vậy tại sao con lại cam tâm rời bỏ người chứ? Huống hồ...”. 

Huống hồ, thứ tình cảm sư đồ thuần khiết đã biến chất thành thứ tình cảm cấm kỵ bén rễ ăn sâu vào trái tim tôi, sâu đến nỗi không dứt ra được, và từ mùa hè năm mười bảy tuổi, tôi đã biết mình không thể quay đầu, tất cả không thể trở lại như xưa được nữa.

Tôi vùi đầu vào hõm vai người, chua xót trong lòng hoá thành từng giọt nước từ mắt chảy ra. Rốt cuộc thứ tình cảm này nảy nở và biến chất khi nào? Là từ khi sư phụ cố gắng xuống bếp nấu cháo gà cho tôi lúc tôi đổ bệnh hay lúc lòng tôi đau nhói khi nghe sư phụ gọi tên cố nhân khi say? Thứ tình cảm ấy bén rễ từ lúc nào không hay, để rồi khi phát hiện ra cũng là khi tôi cảm thấy tuyệt vọng. Tình yêu này sẽ được người đời chấp nhận sao? Sẽ được sư phụ đáp lại? Tôi không muốn che giấu tình cảm của mình, muốn thổ lộ cho sư phụ biết nhưng lại sợ sẽ bị người ghét bỏ, cảm thấy tôi ghê tởm như bao người khác.

Thì ra ái tình lại có tư vị như vậy. Ngọt ngào xen lẫn đắng cay.

Thì ra để trưởng thành, con người lại phải nếm đủ mọi vị cay, đắng, ngọt, bùi trên đời. Nếu có thể trở lại như xưa, mãi mãi không bao giờ lớn thì tốt biết bao. Thế giới của trẻ con đơn thuần hơn thế giới của người lớn rất nhiều.

Qua một hồi lâu, sư phụ mới lên tiếng, giọng vì xúc động mà trở nên khàn hơn bình thường: “A Tĩnh, đừng rời bỏ ta”. Không ngờ sư phụ cũng có lúc yếu đuối đến vậy, tựa như vỏ trai dù có cứng đến đâu thì phần thịt bên trong vẫn luôn mềm yếu, dễ bị thương tổn.

Nước còn đọng trên khoé mắt của tôi thấm vào áo người, tôi mỉm cười, lòng ngọt ngào xen lẫn đắng cay: “Chỉ cần sư phụ còn muốn, con sẽ không rời xa người”.

Những chuyện xảy ra thời ấu thơ cùng sinh mệnh dài đằng đẵng luôn ám ảnh sư phụ, khiến sư phụ cảm thấy cô đơn và bị bỏ rơi hơn bất kỳ người nào. Dẫu biết người không yêu tôi mà chỉ dùng tôi để lấp đầy khoảng trống trong tim, tôi vẫn cam lòng. Chỉ cần chúng tôi được ở bên nhau, chỉ cần không có ai xen vào là được rồi.

Tôi cứ nghĩ năng lực báo tử mà tôi có được ngay từ khi sinh ra sẽ theo tôi cho đến cuối đời, không ngờ nó lại có ngày bị hoá giải bởi đại đồ đệ của sư phụ, sư huynh chưa một lần gặp mặt của tôi.

Còn nhớ buổi sáng hôm đó, khi nghe sư phụ nói xong tôi đã ngạc nhiên hỏi lại: “Người còn một đệ tử nữa sao?”.

Sư phụ đặt ấm trà vừa đun xuống bàn, đưa mắt nhìn màn nước trắng xoá giăng kín đất trời ngoài cửa sổ, giọng nói như hoà vào tiếng mưa: “Phải. Lúc ta thu nhận Mục Cảnh nó mới mười tuổi, kể ra cũng mười bốn năm trôi qua rồi, bây giờ nó đã trở thành đế vương Sở quốc”.

Bỗng dưng biết được mình còn có một sư huynh, hơn nữa còn là bá chủ một phương trời, điều này tôi hoàn toàn không ngờ tới, giật mình thốt lên: “Nghe thật oai phong”.

Bàn tay vừa rồi còn cầm ấm trà của người giờ đã chuyển sang xoa đầu tôi: “Ai cũng thấy vậy, nhưng chỉ người đã từng ngồi lên ngôi vị đó mới hiểu được nỗi khổ của bậc đế vương. Mục Cảnh của hiện tại cũng sống không vui vẻ, dễ chịu gì, thậm chí còn rất khổ tâm”. Buông một tiếng thở dài đầy tiếc nuối xong, sư phụ lập tức nói vào chuyện chính: “Trong tay Mục Cảnh có một chuỗi phật châu có thể trấn áp tử khí trên người con, đeo lâu ngày có thể tiêu trừ hoàn toàn”.

Hệt như một người sống trong bóng tối đã lâu bỗng thấy được ánh sáng, tôi kinh ngạc đến độ không nói lên lời: “Vậy là… con có thể trở thành người bình thường?”. Sẽ không trông thấy màu đen của chết chóc cùng tuyệt vọng bao trùm, sẽ trông thấy ánh sáng của bình yên và hạnh phúc?

Nụ cười trên môi sư phụ vẫn dịu dàng như trước: “Ừ. Nhưng trước hết chúng ta phải đến bái Phật ở Tĩnh Am tự để cầu cho chuyến đi này được thuận lợi bình an”.

Đêm trước hôm khởi hành đến Tĩnh Am tự, tôi có mơ một giấc mộng kỳ lạ. Trong mơ, tôi theo chân một đám công tử thế gia đến thanh lâu nổi tiếng nhất kinh thành, bao trọn cả thanh lâu trong một đêm. Trong đám công tử thế gia đó, đáng chú ý nhất là người vận trường bào màu tím, cài trâm bạch ngọc. Dáng chàng cao, thẳng tắp như thân cây tùng. Gương mặt tuấn tú, mày kiếm mắt sao, ở góc trán có vết bớt hoa lê sinh động như thật. Mỗi cử chỉ của chàng cho dù là nhỏ nhất cũng toát lên khí chất cao quý không thể coi thường, dường như thân phận của chàng cũng rất đặc biệt, vậy nên mới có thể khiến đám công tử thế gia kia cung kính cúi đầu: “Vương… Trọng huynh, không biết trong số các cô nương ở đây có giai nhân nào có được vinh hạnh ở bên huynh một đêm không?”.

Người áo tím dùng giọng không mặn không nhạt sửa lại, khác hẳn giọng điệu hách dịch, coi thường nữ nhân của những nam tử từng đến đây phiêu kỹ: “Sai rồi. Đó không phải vinh hạnh của các nàng mà là may mắn của ta”. Thấy vị công tử vừa nói cúi đầu nhận sai, chàng mới hài lòng đặt chén trà xuống, ánh mắt lướt qua các cô gái như hoa như ngọc, thơm mùi son phấn, cuối cùng dừng chân trước cô gái áo trắng đai tím đứng cuối, giản dị và tinh khôi tựa như hoa lê, hoa quỳnh giữa một biển hoa sắc màu rực rỡ. Vị công tử áo tím khẽ cười, giọng nói ấm áp như gió xuân, dịu dàng như thể đang nói với ái nhân của mình: “Không biết tại hạ có được vinh hạnh trò chuyện với cô nương một đêm không?”.

Dường như không ngờ vị công tử cao quý này lại nhìn trúng một cô gái phục sức giản dị, từ nãy đến giờ đều cúi gầm mặt nên ai ai cũng lộ vẻ kinh ngạc, cô gái được chọn cũng ngỡ ngàng ngẩng đầu nhìn người vận áo tím. Nơi ánh mắt hai người quen nhau có gì đó khẽ lan toả, sự ngỡ ngàng hiện rõ trên mặt không giống những người lạ trong lần đầu gặp gỡ mà tựa như cố nhân xa cách đã lâu bất ngờ gặp lại.

Ngay tại lúc cô gái áo trắng ngẩng đầu, người chứng kiến mọi chuyện là tôi cũng kinh ngạc đến nỗi suýt giật mình tỉnh giấc, bởi gương mặt xinh đẹp tuyệt sắc vẫn còn nét ngây thơ, non nớt đó giống tôi đến bảy, tám phần, nhưng thần thái thì lại điềm tĩnh, chững chạc hơn hẳn.

Sự lựa chọn bất ngờ của vị công tử áo tím trâm ngọc làm tú bà khó xử, khéo léo chối từ: “Công tử đúng là có mắt nhìn, Yên Vũ quả là hoa khôi ở đây, là vũ kỹ nổi tiếng nhất kinh thành nhưng chỉ bán nghệ chứ không bán thân, e là ngài phải chọn một cô nương khác rồi”.

Cô gái áo trắng tên Yên Vũ kia chăm chú quan sát vị công tử trước mặt, dường như đang thắc mắc chàng sẽ ứng xử ra sao trước lời từ chối của tú bà. Và vị công tử ấy cũng không phụ sự kỳ vọng của cô gái, một lần nữa khiến tất cả mọi người bất ngờ: “Thay vì tận hưởng một đêm phong lưu phóng túng, ta càng thích cả đêm trò chuyện với vị cô nương này hơn”. Câu trước là nói với tất cả mọi người, câu sau là hỏi riêng cô gái áo trắng: “Cô nương tên Yên Vũ? Mưa bụi giăng kín trời, lê trắng nở khắp nơi. Chúng ta đúng là có duyên mà. Vậy, không biết tại hạ có được vinh hạnh tâm sự với cô nương một đêm không?”.

Ánh mắt Yên Vũ khẽ xao động, giọng nói như tiếng châu ngọc va vào nhau, như tuyết tan khi xuân về, róc rách chảy qua từng khe đá vang lên qua khe hở giữa hai cánh môi hồng: “Đó cũng là vinh hạnh của Yên Vũ”.

Không biết đêm đó họ đã nói với nhau những gì, làm những gì, chỉ thấy từ sau đêm đó vị công tử họ Trọng rất thường xuyên đến thanh lâu trò chuyện với Yên Vũ. Khi thì chàng thổi sáo nàng ca múa, khi thì chỉ lặng lẽ ngồi bên nhau ngắm cảnh hoa lê khoe sắc trong mưa bụi ngoài cửa sổ, hay cùng nhau đi dạo một vòng chợ đêm trong kinh thành, cùng thả hoa đăng, trao lời hẹn ước.

Và rồi ngày qua ngày, ái tình đã đơm hoa. Mưa bụi giăng kín trời, lê trắng nở khắp nơi. Mối nhân duyên giữa chàng công tử cao quý có vết bớt hoa lê ở góc trán và nàng vũ kỹ tên Yên Vũ cũng đẹp và say đắm lòng người hệt như cảnh tượng đó vậy. Chàng công tử họ Trọng định chuộc Yên Vũ khi tỷ ấy tròn mười bảy tuổi, nhưng vì có biến cố xảy ra nên đành lỡ hẹn, tạm thời rời khỏi kinh. Còn tỷ ấy thì ngày ngóng đêm trông chàng trở về, ấp ủ giấc mơ ngọt ngào về hạnh phúc lứa đôi.

Giấc mơ kết thúc ở đây khiến câu chuyện vẫn còn dang dở. Ngày hôm sau, khi tỉnh lại từ giấc mộng dài đó, lòng tôi ngổn ngang trăm bề với những cảm xúc không tên. Những chuyện xảy ra sau đó là gì, cô gái có chờ được người mình yêu? Mối nhân duyên đó có được trời đất thành toàn? Câu chuyện dang dở đó có được viết tiếp với một kết thúc có hậu? Và quan trọng nhất, cô gái tên Yên Vũ đó có phải A Nghi của tôi không?

Tôi không tin đó chỉ là một giấc mộng bình thường, bởi giấc mộng đó chân thực đến nỗi khi tỉnh dậy rồi tôi vẫn cảm thấy mùi son phấn ở nơi hỗn tạp đó như phảng phất đâu đây. Và phải chăng đó chính là điềm báo tôi và A Nghi sắp được gặp lại sau bao năm xa cách?

Vậy nên khi đặt chân đến Tĩnh Am tự, ngôi chùa nổi tiếng ở Hạ quốc là cầu được ước thấy, ngoài ước nguyện được sống trọn đời bình an bên sư phụ, tôi còn cầu với Phật tổ rằng tôi muốn gặp lại dưỡng mẫu, A Nghi, muốn trở nên mạnh mẽ để có đủ khả năng bảo vệ những người và những vật quan trọng với mình.

Ông trời quả không phụ lòng người tốt, tôi không chỉ gặp lại A Nghi mà còn gặp ngay trong ngày hôm nay, ngay tại nơi này. 

Còn nhớ ngày hôm đó khi sư phụ và tôi cầu nguyện xong, định khởi hành đến Sở quốc thì bị một đám người lạ mặt xông đến chặn lại. Dẫn đầu đám tuỳ tùng là một cô gái xinh đẹp chừng tuổi tôi, vận xiêm y màu vàng điểm xuyết những đoá hoa hải đường thêu bằng chỉ đỏ, khí thế bức người, vừa nhìn đã biết là con nhà quyền quý. Nàng ta đứng cách tôi ước chừng mười bước, mày liễu nhướng cao, giọng nói lanh lảnh như tiếng chim ca buổi sớm: “Quả nhiên tôi đoán không sai! Cái gì mà ‘đến Tĩnh Am tự để cầu phúc cho hoàng hậu sớm khoẻ lại’ chứ, theo tôi thấy tỷ đến đây để gặp tình lang thì đúng hơn. Ngay cả quần áo cũng thay rồi, tỷ muốn không ai nhận ra mình để muốn làm gì thì làm, đúng không? Đáng tiếc lại có tôi ở đây, vậy nên tỷ đừng hòng chối cãi. Lần này để xem hoàng huynh còn dung túng cho tỷ được nữa không?”.

Nghe nàng ta nói một tràng dài như vậy mà tôi vẫn u u mê mê, chỉ biết cô gái đang đứng trước mặt tôi là công chúa trên đường bắt gian một phi tử của hoàng đế lấy danh nghĩa là đến chùa bái Phật, nhưng thế thì có liên quan gì đến tôi? Chẳng lẽ tôi lại giống phi tần đó đến mức khiến nàng ta nhận lầm người? 

Thấy tôi không nói gì, nàng ta mỉm cười đắc ý: “Sao? Cảm thấy kinh ngạc vì tôi xuất hiện ở đây sao? Đừng quên tôi là ai, ý đồ bất chính của tỷ sao có thể qua mặt được tôi chứ? Rốt cuộc tỷ cũng lòi đuôi, không uổng công tôi theo tỷ suốt mấy canh giờ. Người đâu, mau bắt đôi gian phu dâm phụ này lại cho ta!”.

Mắt thấy đám thuộc hạ dưới trướng nàng ta sắp xông tới, sư phụ mới lên tiếng, thong thả đáp lời: “E là công chúa đã nhận lầm người rồi, đây là đồ đệ của thảo dân, không phải vị nương nương nào đó mà công chúa cần tìm”.

Những lời ung dung thong thả của sư phụ chỉ đổi lại sự giận dữ của nàng công chúa nóng nảy: “Nói bừa! Dung mạo yêu nghiệt như thế bảo sao bổn công chúa có thể nhận lầm được! Dù có khoác trên người xiêm y màu trắng hay màu lục thì vẫn không thể che đậy được bản chất của tỷ ta đâu”.

Đúng lúc đó, nam tử vận áo đen đai vàng trâm ngọc đứng bên cô gái mới lên tiếng khuyên nhủ, giọng nói trầm ổn điềm tĩnh khiến người nghe không thể nào không tin tưởng: “Công chúa, nàng quả thật đã nhận lầm người rồi. Cô gái đó đúng là rất giống Đàm quý phi, nhưng chỉ ở dung mạo, còn phong thái lại khác hẳn, không thể nào là cùng một người được”.

Lời nói của vị nam tử áo đen khiến cô gái áo vàng phần nào bình tĩnh lại, nhưng vẫn còn rất hoang mang: “Nhưng...”.

Nhưng nàng ta còn chưa nói được hết câu đã được một giọng nói trong trẻo lạnh lùng ngắt lời: “Bản thân là người có gia giáo, vậy mà lại làm ra những việc quấy rầy sự thanh tĩnh nơi cửa Phật, như vậy còn ra thể thống gì nữa, Trọng Cơ?”.

Thì ra cô gái áo vàng là tứ công chúa của Hạ quốc, tên Trọng Cơ, hiệu Yến Nhạc. Nhưng điều đó không làm tôi bất ngờ bằng chủ nhân giọng nói trong trẻo lạnh lùng vừa rồi, cô gái áo trắng đai tím giống hệt nàng vũ kỹ trong mơ, người giống tôi đến bảy, tám phần. Khi nhìn rõ dung mạo của nhau, cả hai chúng tôi đều kinh ngạc, không hẹn mà cùng thốt ra tên của đối phương.

“A Tĩnh!”

“A Nghi!”

Ông trời quả thật không phụ lòng người tốt. Lời thỉnh cầu của tôi, Phật tổ đã nghe thấy rồi.

Sau khi cầu nguyện xong, chúng tôi theo A Nghi về hoàng cung Hạ quốc. Đến bây giờ tôi mới biết người đang ngồi cùng một chiếc xe ngựa với tôi đã không còn là cô bé A Nghi nơi thôn dã năm nào mà là quý phi của Hạ quốc, Lạc Nhạn, đương kim sủng phi của Hạ đế. Và vị Đàm quý phi cao quý ấy đang ngồi cạnh tôi, mặt cười hớn hở trẻ con nhận được kẹo, khác hẳn vẻ lạnh lùng khi chất vấn Yến Nhạc công chúa: “Chắc muội cũng nghe Trọng Cơ nói rồi, lần này ta đến Tĩnh Am tự là để cầu cho hoàng hậu sớm khỏe lại, nhân tiện cầu Phật tổ chúng ta sớm được gặp lại nhau, nhưng không ngờ lại nhanh chóng đến thế”.

Tôi gật đầu lịa lịa, kích động đáp lời: “Muội cũng cầu nguyện trước Phật tổ, đã từng thử tưởng tượng cảnh hai ta gặp lại, nhưng muội vạn lần không ngờ chúng ta lại tái ngộ nơi cửa Phật, khi tỷ đã trở thành quý phi một nước”.

Nghe đến hai chữ “quý phi”, sắc mặt tỷ ấy trầm xuống, ánh mắt cũng ảm đạm vài phần: “Làm nữ nhân trong hậu cung, được hoàng thượng sủng ái cũng không phải chuyện may mắn, tốt đẹp gì đâu. Nếu có thể, ta thà sống trong một gia đình thường dân nghèo khó nhưng một vợ một chồng còn hơn là trở thành sủng phi của hoàng thượng mà phải chia sẻ phu quân của mình với bao nữ nhân khác. Hơn nữa đã sống trong hậu cung thì sẽ bị cuốn vào những cuộc tranh giành đấu đá, khó tránh khỏi việc tay dính máu tanh”. Tỷ ấy tựa đầu vào vai tôi, mệt mỏi nhắm mắt: “Ta thật sự không thích tước vị cao quý này, bởi vậy, người ngoài có thể gọi ta là Lạc Nhạn, là quý phi nương nương, nhưng muội thì không. Với muội, ta sẽ mãi mãi chỉ là A Nghi tỷ tỷ của muội, và trên thể gian này cũng chỉ còn có muội mới được gọi ta bằng cái tên đó”.

Thấy gương mặt tỷ ấy lộ ra thần sắc mệt mỏi, tôi vội nói lảng sang chuyện khác: “Phải rồi, này giờ muội quên chưa hỏi, dưỡng mẫu bây giờ sao rồi? Bà có khỏe không, còn nhớ muội không?”.

Cơ thể tỷ ấy lập tức cứng đờ, rất lâu sau mới mở miệng đáp: “Mẫu thân... từ lâu đã không còn trên đời này nữa rồi”.

Tin dữ ấy đến quá đột ngột, làm tôi chẳng kịp phản ứng: “Sao cơ?”.

Vẫn duy trì tư thế như vừa nãy, A Nghi mở mắt ra, trong mắt là sự trống rỗng mịt mờ, môi cũng hé mở, thốt ra những lời khiến người nghe là tôi đau lòng: “Sau khi muội rồi khỏi làng, dịch bệnh không những không thuyên giảm mà còn bùng phát mạnh mẽ hơn. Dân làng cho rằng thần linh vẫn chưa nguôi cơn giận dữ nên đã đuổi kẻ chứa chấp muội là mẫu thân và ta ra khỏi làng, buộc bọn ta phải vào kinh sinh sống. Ở đó, bọn ta lạ cảnh lạ nhà, không thân không thích, mẫu thân lại đổ bệnh nên ta đành bán mình cho thanh lâu lấy tiền, nhưng vẫn không thể cứu bà thoát khỏi cái chết”.

Nghe tỷ ấy nói đến đây, lòng tôi đột nhiên nặng trĩu. Nỗi ân hận cùng áy náy, day dứt dâng đầy trong tim. Lại thêm một người nữa, lại thêm một người đối tốt với tôi mà có kết cục chẳng mấy tốt đẹp. Lại càng thêm trách bản thân, đã biết mình là hiện thân của xui xẻo, sao còn tham lam lòng tốt tình thương khiến họ bị liên lụy? Nếu không có tôi, phải chăng họ vẫn có thể tiếp tục cuộc sống bình yên lúc trước? Sẽ không phải tha hương, người chết vì bệnh, người ở lại chốn lầu xanh?

Chẳng biết A Nghi đã ngồi dậy từ bao giờ, tỷ ấy rút từ trong tay áo một chiếc khăn lụa, dịu dàng lau nước mắt cho tôi: “Biết ngay là muội lại tự trách mình mà. Sống chết có số, há phải cưỡng cầu? Muội biết khi lâm chung mẫu thân đã nói gì với ta không? Bà ấy nói ra đi sớm một chút cũng tốt, không bị bệnh tật giày vò quá lâu như người trong làng, chỉ tiếc là chưa thể gặp lại muội, cả nhà chưa thể đoàn viên. Bà còn nói rằng thể nào khi biết chuyện muội cũng sẽ nhận mọi lỗi lầm về phía mình, còn bảo ta phải chăm sóc muội thật tốt”.

Dưỡng mẫu vẫn luôn như vậy, vẫn luôn đối xử rất tốt với tôi, lo lắng cho tôi ngay cả khi bản thân chỉ còn chút hơi tàn. Điều này làm tôi vừa cảm thấy ấm áp vừa tràn đầy áy náy: “Nhưng...”.

Nhưng còn chưa nói hết câu tôi đã bị A Nghi lên tiếng phản bác: “Cũng như mèo đen vậy. Mèo đen thường xuất hiện trước khi có nguy hiểm xảy ra để người ở đó biết đường mà tránh, vậy nên chúng ta phải cảm ơn nó mới đúng, nhưng mọi người là vì thế mà coi nó là hiện thân của điềm gở vận xui, đánh đuổi hay thậm chí còn giết chết nó. Lỗi là ở nhận thức sai lầm của họ chứ không phải ở muội hay mèo đen. Vì vậy, đừng tiếp tục đổ lỗi cho bản thân rồi buồn rầu tự trách nữa, nghe chưa?”.

Tôi hơi ngẩng đầu để A Nghi dề dàng lau nước mắt cho mình, khẽ “vâng” một tiếng. Chợt nhớ đến giấc mộng kỳ lạ đêm qua, tôi không kìm được mà hỏi: “Vừa nãy tỷ nói tỷ phải bán mình vào thanh lâu, có phải ở đó tỷ đã từng làm vũ kỹ rồi gặp gỡ chàng công tử áo tím họ Trọng, có vết bớt hoa lê ở góc trán?”.

Tay đang lau nước mắt cho tôi của tỷ ấy đột nhiên khựng lại: “Sao muội biết được chuyện này?”.

Tôi kể lại vắn tắt giấc mộng đêm qua tôi mơ cho A Nghi nghe, tỷ ấy thả lỏng người, còn bỡn cợt hỏi lại một câu: “Khá lắm, lại có thêm một năng lực nữa à? Vậy là muội có thể dễ dàng biết được tường tận quá khứ của người khác?”.

Tôi lập tức lên tiếng phản bác lại: “Đâu phải muội cố ý. Hơn nữa, muội chỉ mơ đến đó nên không rõ chuyện xảy ra sau này, vậy nên muội muốn hỏi tỷ rằng tại sao lúc trước tỷ còn ở lại thanh lâu chờ chàng trở về, bây giờ lại trở thành sủng phi của hoàng đế? Lẽ nào vị công tử áo tím chính là hoàng thượng?”. Từ nhỏ đến lớn tôi đã nghe không ít chuyện hoàng đế cải trang vi hành, nghiễm nhiên sẽ đến thanh lâu, phải lòng một giai nhân ở đó nên đã đón nàng vào cung, phong làm phi tần, hết mực sủng ái. Lại nói vị công tử kia họ Trọng, cùng họ với hoàng thượng, khí chất cao quý vương giả, thân phận lại rất đặc biệt, vậy nên tôi mới nghi ngờ không biết họ có phải là một người không.

Nghe tôi hỏi vậy, đôi mắt tỷ ấy thoáng vẻ bi thương, nhưng một lát sau đã khôi phục dáng vẻ bình thường: “Nếu được như muội nói, có lẽ ta đã không ghét hoàng cung đến vậy.”

Nhìn A Nghi thương tâm, tôi không đành lòng truy hỏi, lập tức chuyển sang chủ đề khác: “Hoàng hậu là người như thế nào?”. 

Trước câu hỏi đột ngột của tôi, tỷ ấy ngạc nhiên trong chốc lát nhưng cũng nhanh chóng trả lời, nói bằng chất giọng chất chứa sự ngưỡng mộ và cung kính từ tận đáy lòng: “Tỷ ấy là người yêu hoàng thượng chân thành nhất trên đời, một mình quản lý cả hậu cung, mệt mỏi mà chẳng hé răng nửa lời. Tỷ ấy là người luôn suy nghĩ cho hoàng thượng, chỉ muốn ngài được vui mà chấp nhận cả tam cung lục viện, gạt bỏ nỗi niềm riêng, gặm nhấm nỗi cô đơn và đau đớn một mình. Vẫn thường nghe người đời nói rằng vì yêu mà ích kỷ, độc chiếm. Vậy phải yêu sâu đậm đến nhường nào mới có thể làm được như hoàng hậu?”.

Ai nói làm nữ nhân trong hậu cung, trở thành mẫu nghi thiên hạ là được hưởng hạnh phúc, sung sướng trọn đời? Sống trong nhung ấm lụa êm, nằm trên giường gấm chăn nhung nhưng thường xuyên phải chịu cảnh giường đơn gối chiếc, còn phu quân mình thì đêm nay đến cung phi tần này, mai lại ở bên quý nhân khác. Lòng khó chịu, tim đau đớn nhưng môi vẫn phải nở nụ cười tươi như hoa, phải giữ phong thái đoan trang thục tĩnh của bậc mẫu nghi thiên hạ, đến khóc cũng phải nén, ấm ức cũng phải cắn răng chịu đựng. Biết giãi bày với ai khi đâu đâu trong hậu cung này cũng là kẻ thù luôn muốn tìm ra sơ hở, tận dụng mọi cơ hội để lôi mình xuống nước? Bởi vậy mới nói đế vương có nỗi khổ tâm riêng, hoàng hậu cũng đâu có sung sướng gì. Ấy vậy mà vẫn không có ít người như thiêu thân lao vào lửa, dùng máu và nước mắt của bản thân cùng bao người khác chỉ để đổi lấy nó.

Nhưng hoàng hậu Hạ quốc ngồi trên ngôi vị này cũng chỉ là vì bất đắc dĩ, và lí do thì A Nghi cũng đã nói cho tôi: “Nếu không phải vì hoàng thượng muốn làm bá chủ thiên hạ, tỷ ấy sẽ không trở thành hoàng hậu một nước đâu”.

Nhớ lại lời Yến Nhạc công chúa và A Nghi vừa rồi, tôi không kìm được mà lên tiếng hỏi: “Hoàng hậu mắc bệnh gì vậy, có nặng lắm không?”.

A Nghi chậm rãi tiếp lời: “Gần đây tỷ ấy thường xuyên đau đầu, cả người mệt mỏi, chán ăn, có ăn vào cũng sẽ nôn bằng sạch, cả ngày đều nằm trên giường, mọi chuyện trong hậu cung dạo này đều do ta quản lý”.

Nhớ đến những lời viết trong cuốn sách vừa đọc, tôi buột miệng: “Liệu có phải hoàng hậu đang mang thai?”.

Tỷ ấy ngồi thẳng dậy, lắc đầu trả lời: “Nếu là có thai thì tốt rồi, tỷ ấy luôn mong mỏi có một đứa con mà. Tiếc là sau chuyện xảy ra năm đó, tỷ ấy rất khó có thai, nếu có cũng khó giữ được. Hơn nữa, nếu tỷ ấy có thai thì thái y phải chuẩn đoán ra chứ, đằng này lại không, chỉ kê một thang thuốc toàn những loại thuốc quý để bồi bổ cơ thể cho lại sức”.

Tôi thầm nghĩ hồi lâu, cuối cùng vẫn lên tiếng nói: “Sư phụ của muội có biết chút y thuật, chi bằng để người đến xem bệnh tình của hoàng hậu xem sao. Muội không dám chắc người sẽ chữa khỏi bệnh cho hoàng hậu, nhưng có thử còn hơn không”.

“Sư phụ của muội...chính là Mạc Trọng tiên sinh đã sớm ẩn cư lánh đời mà mọi người đồn đại? Ta thật không ngờ tiên sinh lại trẻ như vậy, thoạt nhìn còn trẻ hơn cả Hạ vương.”

Nghe tỷ ấy nói vậy, tôi liền cười khan hai tiếng. Đúng là đâu có ai ngờ một người thoạt nhìn như hai mươi lại sống hơn hai trăm năm chứ. 

Lại nghe tỷ ấy nói tiếp: “Vậy thì phải phiền đến sư phụ muội rồi”.

Trong tiếng lộc cộc đều đều của bánh xe, chúng tôi tựa vào nhau, cứ tỷ một câu muội một câu, chẳng mấy chốc đã tới hoàng cung Hạ quốc. Sau khi xuống xe ngựa, tôi lập tức chạy đến bên sư phụ cũng vừa bước xuống xe, nhanh nhảu liến thoắng nói: “Sư phụ, con nghe nói hoàng hậu lâm bệnh, thái y trong cung cùng thần y khắp nước đều bó tay chịu thua. Dù gì chúng ta ở lại đây cũng không phải ngày một ngày hai, người có thể chữa bệnh cho hoàng hậu được không?”. Dù hỏi nhưng thực ra tôi đã biết trước được câu trả lời, sư phụ nhất định sẽ không từ chối lời khẩn cầu của tôi, đặc biệt là khẩn cầu chữa bệnh cứu người.

Quả nhiên, sư phụ đã trả lời: “Đã là chữa bệnh cứu người thì không có nên hay không nên, được hay không được, chỉ là có thể hay không mà thôi. Ta nhất định sẽ cố hết sức”.

Khách đến chơi trước hết phải gặp qua chủ nhà, huống hồ đây không phải là một ngôi nhà bình thường mà là cả hậu cung rộng lớn. Hậu cung không phải là nơi nam nhân nào cũng có thể tùy tiện ra vào, nhất là một nam nhân vốn không có bất kỳ liên hệ nào với hậu cung như sư phụ. Bởi vậy, trước khi để sư phụ đến xem bệnh tình cho hoàng hậu, chúng tôi phải đến bái kiến hoàng thượng. Suốt dọc đường đi, lòng tôi như có lửa đốt, tò mò rằng không biết phu quân A Nghi là người như thế nào, có phải là chàng thiếu niên năm xưa không, và rốt cuộc tại sao khi nhắc đến chuyện này, tỷ ấy lại đau buồn đến vậy.

Chỉ một khắc sau, tôi đã hiểu được phần nào lý do. Đó là bởi vì chàng thiếu niên áo tím trâm ngọc từng buông lời hẹn ước với tỷ ấy năm xưa không phải là hoàng thượng Trọng Nghiên, phu quân của tỷ ấy mà là tam vương gia Trọng Hoa, đệ đệ của hoàng thượng, ca ca của Trọng Cơ.

Thảo nào khi đã trở thành quý phi, A Nghi lại chẳng chút vui mừng, một phần cũng vì phu quân hiện tại không phải tình lang năm xưa.

Thảo nào khi chúng tôi bước vào điện để diện kiến hoàng thượng, nơi ánh mắt tỷ ấy và tam vương gia giao nhau lại có gì đó khẽ lan tỏa, nhưng lại khác hẳn cảnh hai người gặp nhau lần đầu. Không có vui mừng, chỉ có bi thương.

Nhưng không hổ là người hoàng thất, quen đeo mặt nạ để ngụy trang, chỉ trong giây lát tam vương gia đã khôi phục vẻ ung dung điềm tĩnh, còn cô gái áo lam xinh đẹp đứng cạnh thì nhìn A Nghi với ánh mắt xót xa xen lẫn áy náy, nhẹ giọng gọi: “Tỷ tỷ”.

Thấy A Nghi xuất hiện, cặp mày của Trọng Nghiên lập tức nhướng cao, môi cũng gợn lên nụ cười: “Ái phi đến đúng lúc lắm. Trẫm gọi tam đệ và Trầm Ngư đến đây là để tác thành cho bọn họ, nào ngờ cả hai lại viện đủ mọi lý do khước từ trẫm. Nàng mau giúp trẫm khuyên họ một câu đi”.

Không biết vị hoàng đế này có biết chuyện giữa A Nghi và Trọng Hoa không mà lại bảo tỷ ấy đi khuyên tình lang trong mộng lấy người khác, nhưng nếu đã biết mà vẫn bảo thì hắn quả là tàn nhẫn. Ánh mắt dừng ở Trọng Hoa hồi lâu rồi lại di chuyển sang nghĩa muội Trầm Ngư của mình, A Nghi cũng là Đàm quý phi Lạc Nhạn mở miệng nói, giọng không nhận ra cảm xúc, không biết những lời nói sau đây là để nói với tam vương gia hay là bất kỳ ai khác có mặt trong đại diện: “Bổn cung chỉ là nữ nhân trong hậu cung, là người ngoài cuộc, không có tư cách gì để khuyên bảo vương gia. Chỉ mong vương gia hãy suy nghĩ thật kĩ, nếu đã lấy thì phải lấy người mình yêu, bằng không người đau khổ sẽ là ngài; nếu đã lấy thì phải đối xử tốt với người ta, dù là bất kỳ ai chăng nữa, bằng không người đau khổ sẽ là nàng”. Tỷ ấy nhìn sang cô gái áo lam trâm ngọc có dung mạo chim sa cá lặn, dịu dàng nói: “Cả muội cũng vậy, Trầm Ngư”.

Nụ cười trên môi Trọng Nghiên hơi sững lại, nhưng chỉ là trong thoáng chốc: “Ái phi lo lắng nhiều rồi, tình cảm có thể từ từ xây đắp mà, và chúng ta chính là ví dụ điển hình nhất. Nàng nói có đúng không, Lạc Lạc?”.

A Nghi cụp mi, nhỏ giọng đáp:”Vâng”.

Nhìn sự thỏa mãn hiện rõ trong đáy mắt hắn, lòng tôi khó chịu vô cùng, nhưng không dám để lộ ra bên ngoài. Đến người ngoài cuộc là tôi còn khó chịu đến vậy thì không biết A Nghi cùng Trọng Hoa còn khó chịu đến nhường nào, khổ sở ra sao khi phải chôn giấu tất cả dưới tận đáy lòng.

Dường như không chịu nổi tình cảnh này, tam vương gia vén áo quỳ xuống, trầm giọng nói: “Nếu hoàng huynh không còn chuyện gì thì thần đệ xin phép cáo lui trước”. Thẩm nhị tiểu thư Trầm Ngư cũng quỳ theo phụ họa: “Hôn nhân là chuyện trọng đại của cả một đời người, xin bệ hạ cho phép Trầm Ngư thời gian để suy nghĩ. Hiện tại gia mẫu không khỏe, tiểu nữ xin bệ hạ được cáo lui”.

Nghe đâu hôn sự giữa Trọng Hoa và Trầm Ngư đã trì hoãn đến ba lần, hoàng thượng cũng đã quen với việc cả hai viện cớ từ chối hôn sự nên chán nản phất tay chấp thuận. Tuy nhìn bề ngoài tam vương gia vẫn ung dung điềm tĩnh như thường nhưng hai bàn tay siết chặt dưới tay áo cũng đủ để nói nên tâm trạng thực sự của chàng lúc này. Còn Trầm Ngư thì dừng lại chỗ chúng tôi một lát, cất giọng nhẹ như gió thoảng: “Bây giờ muội trở về phủ, hôm khác muội sẽ vào cung thăm tỷ sau”. Nói đoạn lại quay sang tôi, khóe môi gợn lên nụ cười, sóng nước luân chuyển trong mắt: “Hân hạnh gặp mặt và hẹn ngày tái ngộ, A Tĩnh”.

Chẳng để tôi kịp phản ứng, cô gái áo lam đã nối gót theo tam vương gia rời khỏi đại điện, Hạ vương đã nói hai tiếng “bình thân”. Chúng tôi tạ ơn đứng dậy, còn A Nghi thì cung kính mà lạnh nhạt thưa: “May mà Phật tổ từ bi, nghe thấu lời thỉnh cầu của thần thiếp nên hai tỷ muội mới có thể gặp lại. Vậy nên thần thiếp mạo muội khẩn cầu bệ hạ cho phép muội ấy ở lại trong cung của thần thiếp để hai tỷ muội có thời gian hàn huyên tâm sự, cho thỏa nỗi nhớ nhung trong bao năm xa cách”.

Lời đồn quả thật không sai, hoàng thượng thật sự rất sủng ái A Nghi, vậy nên không cần suy nghĩ nhiều hắn đã chập thuận, còn hỏi thêm một câu: “Còn chuyện gì nữa không?”.

Tỷ ấy không nói nhiều lời, lập tức đi vào chuyện chính: “Lần này đến Tĩnh Am tự bái Phật cầu an, thần thiếp không chỉ gặp lại tiểu muội thất lạc bao năm mà còn gặp được sư phụ của muội ấy, Mạc Trọng tiên sinh y thuật cao minh mà người đời đồn đại. Vậy nên thần thiệp mới mời tiên sinh về cung để xem bệnh cho hoàng hậu. Thần thiếp chưa được sự đồng ý của bệ hạ đã tự ý làm vậy, khẩn xin bệ hạ trách phạt”.

Nghe vậy, Yến Nhạc công chúa đứng bên cạnh lập tứ hừ lạnh, ngữ khí tỏ rõ sự khinh thường: “Đã biết là sai thì sao còn làm?”. Lại bị hạ đế cau mày xen ngang, trầm giọng cảnh cáo, nàng ta lập tức ngậm miệng. Lúc bấy giờ hắn mới dịu dàng nói: “Ái phi đã có lòng nghĩ cho bệnh tình của hoàng hậu thì sao trẫm có thể trách phạt nàng được”. Ngừng một lát, ánh mắt hắn di chuyển lên người sư phụ: “Mạc Trọng tiên sinh?”.

Sư phụ lập tức quỳ xuống, đầu hơi cúi nhưng lưng vẫn thẳng tắp như thân cây tùng, dường như không bị khuất phục bởi thứ gọi là hoàng quyền, thiên uy: “Có thảo dân”.

Trong mắt Trọng Nghiên lộ rõ vẻ tán thưởng: “Tiên sinh là khách quý của Lạc Lạc, còn là người sẽ xem bệnh cho hoàng hậu, cớ gì phải bận tâm đến những lễ nghi quy củ bình thường. Mau bình thân. Sức khỏe của hoàng hậu còn nhờ cả vào tiên sinh, nếu hoàng hậu thực sự khỏi bệnh, tiên sinh sẽ trở thành ân nhân của cả Hạ quốc”.

Sư phụ không nhanh không chậm đứng dậy, không mặn không nhạt đáp lời: “Thảo dân sẽ dốc hết sức”.

Hạ vương gật đầu thay cho câu trả lời sư phụ, tiếp tục quay sang dặn dò A Nghi: “Bây giờ mọi chuyện trong hậu cung đều do một tay nàng quản lý, tiên sinh và tiểu muội của nàng lặn lội đường xa đến đây, trước tiên hãy sắp xếp chỗ ở cho bọn họ, thay trẫm tiếp đón chu đáo, đợi ngày mai rồi hãy dẫn tiên sinh đến xem bệnh cho hoàng hậu”.

A Nghi cung kính đáp: “Thần thiếp tuân lệnh”.

Đúng lúc đó, tôi cảm thấy tay mình bị ai đó huých nhẹ một cái. Tôi ngoảnh đầu lại thì nhìn thấy Yến Nhạc công chúa đang nhìn tôi chằm chằm, nhìn từ đầu xuống chân, từ trong ra ngoài một lượt rồi chống cằm, đưa ra kết luận: “Thì ra hai người là tỷ muội của nhau, thảo nào lại giống nhau đến vậy. Nhưng có giống thì cũng chỉ giống bên ngoài thôi, còn khí chất thì lại khác hẳn. Dù không ưa gì Lạc Nhạn nhưng tôi cũng phải thừa nhận tỷ ta có khí chất của một phi tần, của người có xuất thân hoặc địa vị cao quý, còn cô thì...chậc chậc”. Hai tiếng tặc lưỡi cuối cùng nghe mới đáng ghét làm sao!

Nàng ta đã không nề mặt, tôi cũng chẳng cần phải khách khí: “Khí chất là gì? Có ăn được không? Có đổi thành vàng bạc tiêu được không? Nay cô ở trước mặt nói người này có khí chất người kia không, vậy ra đó chính là khí chất của một công chúa như cô sao?”.

Nghe vậy, đôi mày thanh mảnh lập tức nhướng cao, đôi má ửng đỏ vì giận: “Cô!”. Nàng ta hít một hơi sâu kiềm chế lửa giận, vẻ đại nhân đại lượng nói: “Hừ, bổn công chúa không chấp kẻ không hiểu lí lẽ như cô”.

Hừ, cái gì mà không chấp, rõ ràng là không nói lại được thì có. Nhưng những lời ấy tôi cũng chỉ có thể nói thầm trong lòng, bởi còn chưa kịp thốt ra nửa chữ đã bị A Nghi hạ giọng cắt ngang: “A Tĩnh!”. Đến bây giờ tôi mới nhận ra đây là đại điện của hoàng cung, ở đây còn có đếvương của Hạ quốc, sao có thể cãi nhau tay đôi thoải mái, tùy tiện với hoàng muội của hắn được. Cũng may, không biết có phải vì Hạ vương nể mặt A Nghi hay không mà chỉ phất tay bảo chúng tôi lui ra, xong còn quay sang Trọng Cơ trầm giọng nói: “Còn muội, ở lại. Trẫm còn chưa hỏi tội muội vì dám tự ý xuất cung, quấy rầy sự thanh tĩnh nơi cửa Phật, vu oan giá họa cho ái phi của trẫm đâu”.

Thấy Trạng Cơ ỉu xìu, tiu nghỉu như mèo cụt tai, tâm trạng tôi bất chợt tốt lên không ít.

Theo sự sắp xếp của A Nghi, tôi theo tỷ ấy về Trường Xuân cung, cùng nhau dùng bữa, nằm trên một chiếc giường và nói chuyện thâu đêm. Còn nhớ lúc đó tôi đã rất khó xử mà hỏi tỷ ấy một câu: “Lỡ nửa đêm hoàng thượng đến đây muốn tỷ hầu hạ thì sao giờ? Để muội ngủ ở phòng khác thì hay hơn”.

A Nghi mặc váy lụa màu tím kéo tôi xuống giường, thản nhiên nói: “Hoàng thượng đã phê chuẩn rồi, muội còn lo gì nữa? Ta nói muốn hàn huyên với muội thâu đêm không phải là để tránh hầu hạ ngài sao? Hơn nữa, kể từ khi vào cung đến giờ, ngài chưa thực sự lâm hạnh ta lần nào”.

Đúng vậy, A Nghi không thích vì Hạ vương không phải người trong lòng mình, nhưng hắn thì khác, sao hắn có thể chưa từng lâm hạnh đương kim sủng phi của mình? Lòng hiếu kỳ bị gợi lên, tôi không kìm được mà hỏi: “Sao có thể? Chẳng phải Hạ vương rất hay nghỉ lại ở cung của tỷ sao, nếu không thì cũng gọi tỷ qua tẩm điện của mình mà?”.

A Nghi lập tức nở một nụ cười trào phúng, ánh mắt liền trở nên cay nghiệt lạnh lùng, ngay cả cách gọi cũng thay đổi, không còn là “ngài” đầy tôn kính mà là “hắn” đầy khinh miệt: “Vì sao ư? Chẳng qua là vì hắn đã cảm thấy áy náy vì chuyện đã làm, muốn bù đắp một phần tổn thương mà hắn đã gây ra cho ta mà thôi”. Ngả đầu lên chiếc gối ngọc, tỷ ấy vỗ vỗ tay lên chỗ trống bên cạnh: “Muốn biết thì nằm xuống đây”. Sau khi tôi đã ngoan ngoãn làm theo, tỷ ấy mới từ từ dẫn vào câu chuyện: “Mọi chuyện từ khi Trọng Hoa và ta chia xa trở về trước muội đã biết tất cả rồi phải không? Vậy thì để kiệm lời đỡ phí sức, ta sẽ chỉ kể những chuyện xảy ra sau đó mà thôi”.

Vậy là câu chuyện vẫn còn dang dở mà tôi biết lại được viết tiếp bởi những lời kể của chính người trong cuộc. Và thật đáng tiếc thay, cho đến tận bây giờ, nó vẫn chưa có được một kết thúc có hậu.