Tam Thế

Quyển 2 - Chương 10: Điệu múa chia ly




Nếu trên đời thực sự tồn tại mối quan hệ đặc biệt giữa người với người như duyên tiền định thì A Nghi và Trọng Hoa chính là ví dụ điển hình nhất. Nếu con người thực sự có thể đầu thai chuyển kiếp thì ở kiếp trước, hai người nhất định là một cặp uyên ương.

Trước khi gặp Trọng Hoa, A Nghi chưa một lần nếm thử tư vị của ái tình nên không tin nó tồn tại, càng không tin vào nhất kiến chung tình. Nhưng từ khi gặp được chàng thì khác. Tỷ và chàng thiếu niên áo tím, vừa gặp đã yêu.

Hai người vừa gặp mà như đã quen từ lâu, ngày qua ngày tình cảm càng sâu đậm, cả hai còn hẹn ước sẽ bên nhau trọn đời. Đáng tiếc, mộng tưởng đẹp đẽ ấy cho đến nay vẫn không thể thực hiện, bởi khi đó chàng thiếu niên đột nhiên biến mất, và khi gặp lại, thân phận chính là rào cản ngăn họ đến với nhau. 

Khi ngày A Nghi vừa tròn mười bảy tuổi đến gần, Trọng Hoa đột nhiên biến mất, không phải chỉ ngày một ngày hai mà là gần nửa năm trời. Ban đầu tỷ ấy còn có thể tự nhủ với lòng rằng có lẽ gia đình chàng xảy ra chuyện nên chàng buộc phải rời kinh, gấp đến độ không kịp báo cho mình một tiếng. Thế nhưng, mặc cho tỷ ấy mỏi mắt ngóng trông, người tỷ ấy chờ vẫn bặt vô âm tín, không một lá thư, không một lời nhắn. Các cô nương khác trong thanh lâu đều nói Trọng Hoa đã bỏ rơi, lừa dối tỷ, ngay từ đầu đã không muốn cưới tỷ làm vợ, ở chốn phong nguyệt này làm gì có khách làng chơi nào chung tình với kỹ nữ. Tú bà cũng khuyên tỷ quên chàng rồi bắt đầu tiếp khách như bao kỹ nữ khác nhưng bị tỷ kiên quyết cự tuyệt, chỉ bán nghệ chứ không bán thân. Người khác muốn chuộc tỷ làm thiếp, tỷ ấy một mực chối từ, ngay cả vị công tử gần đây thường đến thanh lâu có đôi nét giống Trọng Hoa muốn chuộc thân cho tỷ bằng cả trăm lượng vàng cùng mấy hòm châu báu cũng vậy. Đáng ngạc nhiên là dù rất có hứng thú với A Nghi nhưng bị tỷ ấy từ chối hắn cũng chẳng tỏ vẻ là gì tiếc nuối, còn thản nhiên nói rằng: “Không sao, chẳng sớm thì muộn, rồi nàng cũng sẽ trở thành người của ta”.

Nghe đến đây, một ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu tôi: “Chẳng lẽ vị công tử đó chính là hoàng thượng?”. 

A Nghi nhếch miệng, không trả lời câu hỏi của tôi mà đáp lại bằng một câu hỏi khác: “Không phải hắn thì là ai?”. 

Sự lạnh lùng trong ánh mắt của tỷ ấy làm tôi rùng mình, lạc giọng hỏi: “Sau đó thì sao?”. 

A Nghi thản nhiên tiếp lời: “Sau đó thì hắn không đến thanh lâu này lần nào nữa, người mà ta đợi cũng chẳng xuất hiện, lòng dần nguội lạnh, niềm tin đổ vỡ, ta bắt đầu tin vào những lời đồn thổi bên tai, tin rằng chàng đã phản bội lại lời thề. Đúng lúc đó, Thẩm thừa tướng bỏ ra một khoản tiền lớn chuộc thân cho ta, tú bà đã đồng ý, ông ấy nhận ta làm nghĩa nữ, dạy cho ta nhiều thứ để trở thành đệ nhất tài nữ thiên hạ, để ta có thể danh chính ngôn thuận tiến cung thay Trầm Ngư, ta cũng chẳng thể chối từ. Đến tận đêm đầu tiên hoàng thượng đến lâm hạnh ta mới biết thì ra Hạ vương chính là vị công tử từng muốn chuộc thân cho ta”. 

Nhưng nếu chỉ sắp xếp chuyện đưa tỷ vào cung, sao tỷ có thể hận hắn đến chừng này? Tôi buột miệng: “Có phải hắn cũng nhúng tay vào chuyện giữa tỷ và Trọng Hoa?”. 

A Nghi lập tức đáp lời bằng một tiếng “hừ” lạnh: “Nếu không phải hắn nhúng tay thì sao bọn ta lại phải chia ly? Là hắn đứng phía sau âm thầm sắp xếp tất cả, không chỉ điều Trọng Hoa cầm quân ra trận mà còn không từ thủ đoạn để giữ chàng ở lại biên cương, kể cả hạ thuốc độc. Mặt khác, hắn cho người hủy toàn bộ thư từ mà chàng gửi cho ta trong thời gian ấy, cắt đứt liên lạc giữa bọn ta, sau đó còn giả mạo chàng gửi thư cho ta nói chàng đã thay lòng đổi dạ, tất cả chỉ là để làm cho ta chết tâm, rơi vào cái bẫy hắn giăng sẵn. Đến khi ta phát hiện thì đã muộn, đến khi Trọng Hoa trở về thì ta đã Đàm quý phi của Hạ quốc”. 

Khúc mắc trong lòng được gỡ bỏ, tôi nói: “Thảo nào Hạ vương lại chỉ hôn cho Trọng Hoa và Trầm Ngư. Hắn làm vậy là muốn chặt đứt tâm tư và hy vọng còn sót lại của hai người”. 

A Nghi gật đầu, tiếp tục lên tiếng: “Phải. Dùng an nguy của Trọng Hoa, Thẩm thừa tướng cùng Trầm Ngư để uy hiếp ta còn chưa đủ, bây giờ hắn còn ép hôn chàng và muội ấy”. Nói đến đây, giọng tỷ ấy lại nhuốm màu bi ai: “Sắp tới chàng sẽ phải ra biên cương dẹp loạn, khi trở về, nhất định chàng sẽ phải thành thân với muội ấy”. 

Hôn sự này chắc chắn sẽ thành, trừ phi Trọng Hoa không trở về, nhưng, không trở về cũng đồng nghĩa với cái chết. 

Một mối lương duyên trời định, cứ thế đứt đoạn luôn sao? 

Mang theo những tâm sự cùng những câu hỏi canh cánh trong lòng, cứ thế, tôi dần chìm vào giấc ngủ. Có lẽ do ngủ không sâu, không đủ giấc nên sáng hôm sau, khi tỉnh dậy rồi tôi vẫn thấy lơ mơ như còn ở trong mộng, ngẩn ngơ một hồi mới định thần tỉnh táo. Lúc bấy giờ cung nữ hầu cận A Nghi là Nhâm Giai đang giúp tỷ ấy vẫn tóc cài trâm, thấy tôi thức giấc tỷ ấy liền sai vài cung nữ khác bưng nước cho tôi rửa mặt, sau đó lên tiếng nhắc nhở người vẫn còn ngơ ngác ngồi trên giường là tôi: “Tỉnh rồi thì mau đi rửa mặt, chải đầu, dùng bữa xong chúng ta sẽ sang Trường Nhạc cung thăm hoàng hậu”. 

Lời A Nghi vừa nói làm tôi nhớ ra hôm nay là ngày sư phụ đến khám bệnh cho hoàng hậu, khiến tôi không thể tiếp tục rề rà trên giường mà lập tức làm theo những lời tỷ ấy nói. Rửa mặt chải đầu xong, tôi vui vẻ ngồi vào bàn ăn chỗ bên cạnh A Nghi đang đợi sẵn. Tính tỷ ấy không ưa xa xỉ lãng phí nên bữa sáng của Trường Lạc cung thanh đạm, đơn giản hơn các cung điện khác nhiều, hôm nay chỉ gồm cháo gà nấu nấm, hai đĩa bánh hạch đào cùng lê ướp lạnh tráng miệng. Tôi múc một thìa cháo nhỏ nếm thử, hương thơm lấp đầy cánh mũi, vị ngon ngập tràn khoang miệng. Đúng là đồ ăn trong cung quý phi có khác, dù là những món đơn giản dễ làm cũng có thể trở thành mỹ vị nhân gian. Cháo gà đựng trong chiếc bát bằng bạc không chỉ khiến tôi cảm thấy ngon miệng mà còn làm tôi ấm lòng: “Tỷ vẫn còn nhớ muội thích ăn gà?”. 

A Nghi ăn thêm một thìa cháo, đáy mắt lấp lánh ánh cười: “Sao ta có thể quên được chứ? Còn nhớ hồi xưa muội rất thích ăn những món ăn làm từ gà như gà hầm, gà nướng, cháo gà, thậm chí cả bánh chẻo cũng phải làm nhân thịt gà. Mỗi khi mẹ săn được gà rừng là muội lại hò reo ầm ĩ như thể có chuyện gì vui lắm vậy. Khi đó ta còn phải tự hỏi mình rằng muội thích ăn gà như thế, phải chăng chính là hồ ly đầu thai?”. 

Tỷ ấy nghĩ vậy cũng có lý, bởi tôi thích và thèm ăn thịt gà đến nỗi nó không chỉ là sở thích mà còn trở thành bản năng như mèo ăn cá, cáo ăn gà... Nhưng dù thích ăn gà đến thế nào tôi vẫn chỉ là một người trần mắt thịt, sao có thể là loài hồ ly gian xảo chuyên mê hoặc nhân tâm trong truyền thuyết?

Sau khi dùng bữa xong, A Nghi dẫn đường cho tôi và sư phụ đến Trường Nhạc cung của hoàng hậu. Trường Xuân cung của A Nghi đã được coi là xa hoa, nơi này còn lộng lẫy gấp bội, cũng trang nhã hơn nhiều lần. Đúng là nơi ở của mẫu nghi thiên hạ có khác, không cung phi nào có thể so sánh được. Trong tẩm điện đốt toàn hương liệu quý vừa có tác dụng tĩnh tâm an thần vừa khéo át đi mùi thuốc hơi nồng, xem ra bệnh tình hoàng hậu đúng là không nhẹ. 

Chúng tôi quỳ xuống chỗ cách tấm rèm lụa mỏng màu nước treo trước giường lớn ước chừng mười bước, cung kính thỉnh an. Người nằm trên giường nghe vậy thì nhẹ nói: “Miễn lễ cả đi”, giọng nói trong trẻo xen lẫn vài phần mệt mỏi yếu ớt. Tỳ nữ bên giường vén rèm lên chiếc móc vàng, để lộ một người đang gối đầu trên gối ngọc, đắp chăn mỏng bên trong. Người ấy lên tiếng ra lệnh, nhỏ nhẹ mà uy nghiêm: “Đinh Hương, đỡ bổn cung ngồi dậy”. 

Nghe vậy, A Nghi lập tức khuyên nhủ: “Tỷ vẫn yếu, còn gắng gượng ngồi dậy làm gì? Tỷ cứ nằm xuống nghỉ ngơi, Mạc Trọng tiên sinh sẽ chẩn bệnh cho tỷ”. 

Hoàng hậu không chút dao động, thản nhiên khước từ: “Khách quý tới thăm, ta thân là nữ chủ nhân, đã không thể đích thân nghênh đón mà giờ còn nằm ì trên giường, vậy còn ra thể thống gì?”. 

Thấy không thể thuyết phục được nàng, A Nghi đành nói với tỳ nữ tên Đinh Hương: “Để ta”. Nói đoạn liền nhanh chân bước tới bên giường, cẩn thận đỡ nàng ngồi dậy, tựa đầu vào thành giường, ngả lưng vào chiếc gối mềm kê phía sau. Lúc bấy giờ tôi mới nhìn rõ dung mạo người ấy. Người trên giường mặc áo lụa bằng vàng thêu chỉ đỏ, dáng người mảnh mai, mái tóc đen dài như thác đổ, mắt phượng như thu cả đất trời vào đó. Dù cả người không phấn son trang sức nhưng vẫn khiến người khác không thể rời mắt, nét tiều tụy không che lấp được phong tư tuyệt đại. Đặc biệt là khi đối diện với hoàng hậu cũng như lúc diện kiến Hạ vương, cặp mắt La Sát của tôi không thấy được tử khí của họ, không thể biết được mệnh họ dài hay ngắn, bởi họ không phải người bình thường. Bởi hắn mang mệnh đế vương, còn người này là Bạch Phụng, người sinh ra đã mang mệnh phượng hoàng, là chính thê của Hạ vương, nữ tử quyền lực nhất đất nước này. 

Giờ đây, người ấy tiều tụy vì bệnh, mệt mỏi tựa vào thành giường giống như phượng hoàng khép cánh nghỉ ngơi trong chiếc lồng sơn son khổng lồ, vậy mà vẫn tỏa ra hào quang, âm thầm hấp dẫn ánh mắt người khác. 

Bạch Phụng nhìn sư phụ, khách khí mở lời: “Làm phiền tiên sinh rồi”. 

Sư phụ cũng khách khí đáp lại: “Đó là vinh hạnh của thảo dân”. 

Sư phụ khám bệnh không lâu, chưa đầy nửa khắc sau đã đưa ra câu trả lời: “Thật ra bệnh của nương nương không có gì đặc biệt, chỉ là áp lực cùng mệt mỏi tích lũy trong một thời gian dài cuối cùng bộc phát, tình cảm dồn nén lâu ngày hóa thành tâm bệnh. Các thái y không để ý đến nguyên nhân mà chỉ ra sức dùng các dược liệu quý, tẩm bổ không đúng cách nên phản tác dụng, làm bệnh tình ngày càng trầm trọng hơn”. Sư phụ đưa tờ giấy vừa viết cho tỳ nữ Đinh Hương đứng bên, tiếp tục lên tiếng: “Thảo dân sẽ kê một đơn thuốc khác cho nương nương, viết ra những món nương nương nên ăn trong thời gian này. Nhưng quan trọng nhất bản thân người cần tĩnh tâm an thần, thả lỏng thoải mái, đừng quá kiềm chế, cái gì cũng âm thầm chịu đựng thì không tốt đâu. Nương nương nên nhớ tâm bệnh cần tâm dược, bằng không những thái y trong cung hay các đại phu dân gian như thảo dân đều sẽ phải bó tay”. 

Hoàng hậu gật đầu tỏ ý đã biết: “Đa tạ tiên sinh. Những lời tiên sinh dặn dò, bổn cung sẽ ghi nhớ”. Nói đến đây, nàng đưa tay xoa nhẹ bụng mình, nở một nụ cười như tự giễu: “Vậy là bổn cung thực sự mang bệnh, vậy mà bổn cung cứ tưởng, vẫn cứ nuôi hy vọng rằng bản thân đang có thai”. 

Nghe Bạch Phụng nói vậy, lại nhớ đến những lời của A Nghi trong xe ngựa hôm qua, tôi có thể lờ mờ đoán được chuyện xảy ra với nàng mấy năm trước. Có lẽ khi đó nàng đang có thai nhưng bị người khác hãm hại nên cái thai mới không giữ được, khả năng sinh nở cũng vì thế mà suy giảm. Đó có lẽ là một trong những nguyên nhân mà vừa rồi hoàng hậu lại lộ ra biểu tình bi thương đến vậy và A Nghi lại ghét hậu cung đến thế. 

Tình cảnh của Bạch Phụng làm tôi chợt nhớ đến mẫu thân quá cố, khiến tôi sinh ra lòng đồng cảm với những người có cảnh ngộ như vậy: “Sinh thời sức khỏe của mẹ tiểu nữ không tốt, đại phu cũng từng nói bà rất khó có thai, nếu có cũng khó giữ được, nhưng cuối cùng thì sao? Chẳng phải tiểu nữ vẫn ra đời và lớn lên khỏe mạnh đó sao? Bởi vậy nương nương cứ yên tâm, ông trời không phụ lòng người tốt, nhất định sẽ để nương nương được như ý nguyện”. 

Có lẽ không ai ngờ một người chẳng liên quan, chỉ đứng một bên quan sát như tôi đột nhiên lại lên tiếng nói vậy nên mọi người đều ngỡ ngàng, kể cả Bạch Phụng, nhưng sự ngạc nhiên trong mắt rất nhanh chóng biến thành nụ cười trên môi: “Muội là A Tĩnh, tiểu muội thất lạc mà Lạc Nhạn tìm kiếm bấy lâu? Đúng là một nha đầu lanh lợi, khiến người khác không thể không yêu mến. Dẫu biết muội nói những lời này chỉ để an ủi ta, nhưng nghe thế ta vẫn thấy nhẹ lòng”. 

A Nghi nghe vậy thì lập tức tiếp lời: “Những lời vừa rồi A Tĩnh nói đều là thật lòng, và chúng sắp trờ thành sự thật rồi. Vậy nên tỷ đừng buồn, điều quan trọng nhất bây giờ chính là tỷ phải tĩnh dưỡng thật tốt”. 

Dường như Bạch Phụng không muốn tiếp tục vấn đề này, vậy nên mới nói lảng sang chuyện khác: “Mắt muội sao lại thâm quầng vậy? Có phải do tối qua ngủ muộn không?”.

A Nghi khẽ “vâng” một tiếng. 

Chăm chú nhìn tỷ ấy hồi lâu, hoàng hậu đưa ra kết luận: “Nhưng tâm trạng muội lại rất tốt, không hề có dấu hiệu mệt mỏi”. 

Tỷ ấy quay sang nhìn tôi, miệng nhoẻn cười: “Hai người bọn muội khó khăn lắm mới được đoàn tụ, sao muội lại không vui được chứ?”. 

Bạch Phụng cũng mỉm cười trả lời: “Thấy tâm trạng muội tốt như vậy ta cũng vui lây”. Sau đó nàng lại quay sang sư phụ, khách khí nói: “Làm phiền tiên sinh rồi. Sau khi khỏe lại, bổn cung sẽ đích thân chọn lễ vật hậu tạ tiên sinh”. 

Sư phụ khéo khước từ: “Đó là chuyện thảo dân cần làm, sao dám nhận quà hậu tạ của nương nương?”. 

Nhưng hoàng hậu đời nào chịu nghe: “Nếu tiên sinh không nhận, bổn cung sẽ áy náy lắm”. 

Thấy bản thân thực sự không thể từ chối, sư phụ đành trả lời: “Vậy cung kính không bằng tuân mệnh. Nhưng lễ vật thì thảo dân không dám nhận, chỉ xin sau này nếu có chuyện gì mong được nương nương giúp đỡ”. 

Sư phụ đã lùi một bước, Bạch Phụng cũng đành nghe theo: “Được”. 

Sau đó sư phụ ở lại dặn dò các cung nhân hầu hạ hoàng hậu, phụ tránh đồ ăn thuốc uống cẩn thận, không được xảy ra sai sót. Còn tôi thì trở về Trường Xuân cung cùng tỷ tỷ. Trên đường trở về A Nghi có nói với tôi: “Hoàng hậu thích muội lắm đấy. Mới gặp mà đã xưng ‘ta’ rồi. Tỷ ấy chỉ không xưng ‘bổn cung’ với những người thân với tỷ ấy thôi”. 

Tôi vui vẻ trả lời: “Vậy thì tốt quá. Muội cũng rất thích hoàng hậu”. 

Dường như A Nghi còn muốn nói gì đó, nhưng còn chưa kịp mở miệng thì chúng tôi đã chạm trán vị quý phi còn lại của Hạ quốc, Diễm quý phi. Nếu chỉ là vô tình chạm mặt chào hỏi đôi câu rồi đi làm việc của riêng mình thì không nói làm gì, nhưng khổ nỗi Diễm quý phi lại nổi tiếng là người thích gây chuyện, đặc biệt là rất thích đối đầu với A Nghi, vậy nên hễ chạm mặt là lại phát sinh phiền phức. Nhưng dù vênh váo ngạo mạn thế nào thì đối phương cũng ngang hang với mình, nàng ta không ngốc đến nỗi trực tiếp xỉa xói A Nghi mà chĩa mũi nhọn sang người đi bên tỷ ấy là tôi: “Tiện nữ to gan, thấy bổn cung mà không hành lễ, vậy còn ra thể thống gì? Không lẽ vị quý phi tỷ tỷ của ngươi không dạy ngươi các quy định trong cung sao?”. Nói đến đây, đôi môi màu son của ả nhếch lên, trong mắt tràn ngập giễu cợt: “Hay là, ở trong cung lâu như vậy, ngay cả những quy định cơ bản nhất nàng ta cũng không thuộc?”.

Tôi chưa kịp phản ứng, A Nghi đã lên tiếng trả lời: “A Tĩnh và sư phụ muội ấy là khách quý, hoàng thượng đã miễn cho họ khỏi phải tuân thủ các quy định trong cung. Còn tỷ, thân là một quý phi, việc xảy ra trong cung không nắm rõ, đã không niềm nở tiếp đón khách quý thì thôi, lại còn xét nét bắt bẻ từng li từng tí, vậy còn ra thể thống gì?”.

Diễm quý phi càng cười tươi hơn hoa: “Vậy thì sao ngươi lại ăn vận như thế này để tiếp đón khách quý? Y phục có vẻ đơn giản, không phấn son lại không trang sức, nhỡ đâu khách quý tưởng hoàng thượng bạc đãi ngươi, tưởng Hạ quốc nghèo khó, không đủ sức lo cho một quý phi như ngươi thì sao giờ?”.

Hôm nay A Nghi phục sức đơn giản, nhẹ nhàng thanh nhã, so với Diễm quý phi rực rỡ mị hoặc trang điểm tinh tế, mặc áo gấm đỏ, tay đeo vòng ngọc, trâm vàng đầy đầu thì đúng là một trời một vực, nhưng cũng không thể nói là lép vế.

A Nghi nào phải loại người dễ dàng chịu thiệt, mà là người sẵn sàng ăn miếng trả miếng, nói lời đáp lời: “Sở thích của ta thì có liên quan gì đến hoàng thượng chứ? Hơn nữa lúc này đất nước đang khó khăn, dân chúng đói khổ, chúng ta cũng phải tiết kiệm phần nào để chia sẻ gánh nặng cùng hoàng thượng. Và…”. Ngừng một lát, bên môi A Nghi lại cong lên: “… tỷ mang nhiều vàng ngọc trên người như vậy không thấy nặng sao, không sợ ngã chẳng dậy nổi sao?”.

Diễm quý phi nghe xong vậy thì nghiến răng nghiến lợi nói: “Ngươi!”. Dường như chợt nhớ đến chuyện gì, cặp mày thanh mảnh đang nhíu lại lập tức giãn ra, nụ cười lại hiện rõ trên môi: “Giờ ta còn phải đến thăm hoàng hậu, không có thời gian đôi co với ngươi. À phải rồi, ta có sai người làm món gà hầm nhân sâm cho ngươi, nhớ phải ăn hết đấy”.

Đợi bóng dáng nàng khuất khỏi tầm mắt, A Nghi mới giễu cợt nói: “Không ngày nào là yên ổn với nàng ta, đúng là loại người chỉ sợ thiên hạ không loạn”.

Tôi bật cười trả lời: “Nhờ vậy mà nơi đây mới náo nhiệt, những ngày tháng trong cung của tỷ cũng bớt nhàm chán”. 

Tỷ ấy cũng gật đầu tán thành: “Nhờ hằng ngày đấu khẩu với nàng ta mà miệng lưỡi ta sắc bén hơn nhiều”.

Trở về Trường Xuân cung, tỳ nữ dâng lên món gà hầm nhân sâm mà Diễm quý phi sai người mang tới. Nghe đến chữ “gà”, mắt tôi lại rực sáng, định cầm thìa lên chuẩn bị thưởng thức thì đã bị A Nghi ngăn lại: “Nhâm Giai, thử độc”.

Tỳ nữ tên Nhâm Giai lập tức cầm kim bạc thử độc. Thấy nó không có bất kỳ thay đổi gì, tôi lập tức nói: “Thấy chưa? Món này không có độc đâu. Dù Diễm quý phi có ghét tỷ thế nào thì cũng không ngốc đến nỗi công khai hạ độc đâu. Nếu tỷ không ăn thì để muội”.

A Nghi vẫn kiên quyết không nghe, Nhâm Giai tiếp tục thử độc bằng phương pháp khác, còn tôi thì chán nản ngồi chờ. Sự thật chứng minh sự nghi ngờ của A Nghi là đúng.

A Nghi sai Nhâm Giai đổ món gà hầm ấy đi rồi quay sang tôi nói: “Nhìn rõ chưa? Đồ ăn trong cung phải thử đến khi nguội mới có thể tạm thời yên tâm dùng. Hoàng hậu từng bị sảy thai cũng vì sơ suất của cung nữ không thử độc kỹ đồ ăn đấy”. Ngừng một lát, tỷ ấy lại bổ sung: “Hơn nữa, ả còn gì mà không dám làm chứ? Trước đây ả còn móc mắt một quý nhân vì hoàng thượng từng khen đôi mắt của quý nhân ấy đẹp kìa”.

Tôi nghe vậy mà lạnh cả sống lưng: “Sau đó thì sao? Hoàng thượng cứ để mặc Diễm quý phi làm càn vậy à?”.

A Nghi lạnh lùng trả lời: “Trong cung vĩnh viễn không có công bằng”.

Tôi kinh ngạc hỏi lại: “Còn hoàng hậu thì sao? Hoàng hậu sẽ không thấy chuyện bất bình mà ngoảnh mặt làm ngơ chứ?”.

Tỷ ấy lắc đầu trả lời: “Ý hoàng thượng đã quyết, hoàng hậu dẫu có can thiệp cũng thay đổi được gì? Chính vì vậy mà ta mới chán ghét nơi này”.

Nhưng dẫu có chán ghét thì cũng làm được gì? Tỷ ấy đã là quý phi, sao có thể rời khỏi cung được.

Những ngày sau đó A Nghi tiếp tục thay hoàng hậu quản lý hậu cung, tôi cùng sư phụ để ý đến đồ ăn thức uống của Bạch Phụng. Khoảng thời gian đó tạm có thể coi là yên ổn nếu không tính đến chuyện Diễm quý phi hay gây sự và Yến Nhạc công chúa thích bám lấy sư phụ. Có lần tôi không nhịn được mà hỏi A Nghi: “Nam nhân mặc áo đen hay đi theo Yến Nhạc công chúa là ai?”.

“Tần Lãng, hộ vệ của Trọng Cơ. Cả hai thân với nhau từ nhỏ”.

“Thì ra là thanh mai trúc mã. Vậy sao hắn không trông coi công chúa nhà mình mà để nàng ta suốt ngày chạy theo sư phụ người khác thế kia?”

Nghe xong câu này, A Nghi quay sang nhìn tôi chăm chú, một lát sau mới đưa ra câu hỏi: “A Tĩnh này, có phải muội có tình cảm với sư phụ của mình không? Ý ta là tình cảm nam nữ ấy”.

Mặt tôi lập tức nóng bừng, miệng muốn lên tiếng phản bác, nhưng trước cái nhìn chăm chú của A Nghi, tôi đành thành thật gật đầu. 

Tỷ ấy tiếp tục hỏi: “Muội đã nói cho y biết chưa?”.

Tôi đáp lại bằng một nụ cười khổ: “Sao muội có thể đem chuyện này nói cho sư phụ được? Tình cảm này là trái với luân thường đạo lý, không được người đời chấp nhận. Quan trọng nhất là muội sợ người sẽ chán ghét muội, sẽ cảm thấy muội ghê tởm như bao người biết bí mật của muội trước đây”.

Tỷ ấy thẳng thắn nói ra suy nghĩ của mình: “Chưa thử thì làm sao biết được. Nếu ta là muội ta nhất định sẽ thổ lộ với y”.

“Muội cũng muốn, nhưng nghĩ đến kết quả xấu nhất thì lại không cò dũng khí thổ lộ.” Người ta khi yêu thường là vậy, nhất là những người đơn phương tương tư như tôi.

Đơn thuốc sư phụ kê cho hoàng hậu quả là hữu hiệu, Bạch Phụng dần dần khỏe lại, ngày Trọng Hoa phải ra trận cũng tới gần. Hôm trước ngày tam đệ của mình xuất quân, Hạ vương mở tiệc chào đón hai sư đồ tôi, mừng hoàng hậu khỏe lại và cũng là chúc cho Trọng Hoa chiến thắng trở về. Lúc mới nghe tin, tôi có nói với A Nghi: “Tam vương gia sớm muộn cũng phải trở về, đến lúc đó sẽ không thể vì hoãn hôn sự với Thẩm nhị tiểu thư, Hạ vương dù kiên nhẫn khoan dung đến mức nào cũng sẽ không dễ dàng bỏ qua cho tỷ như trước nữa”.

Điều này dù tôi không nói ra A Nghi cũng biết nhưng không thay đổi được gì. 

Thấy tỷ ấy buồn phiền, tôi đành nói lảng sang chuyện khác: “Không nói mấy chuyện không vui nữa. Hôm nay hoàng cung có tiệc, tỷ nhân là quý phi phải trang điểm cho đàng hoàng mới được”.

A Nghi nghiêng đầu hỏi lại: “Trang điểm để cho ai xem?”.

Tôi lập tức trả lời: “Cho bản thân tỷ, mọi người và đặc biệt là tam vương gia”. 

Trước sự thuyết phục của tôi, cuối cùng A Nghi cũng đồng ý để Nhâm Giai giúp mình trang điểm. Tỷ ấy vốn đã đẹp nên dù chỉ trang điểm nhẹ cũng trở nên nổi bật, khiến người ta không thể nào rời mắt. Nhâm Giai giúp tỷ ấy chải tóc, tôi cài lên tóc tỷ ấy đóa hoa bằng ngọc cùng chiếc trâm loan Bạch Phụng ban tặng,vui vẻ nói: “Nữ nhân chúng ta để tóc dài chính là để cài những thứ trang sức đẹp đẽ lấp lánh này đây”. 

Da A Nghi vốn trắng, đeo vòng bạch ngọc nhìn không nổi. Tôi bèn tìm trong hộp trang sức một chiếc vòng màu lam đeo vào cổ tay tỷ ấy, còn giúp tỷ ấy chọn một chiếc váy trắng muốt viền tím. Mình trang điểm xong, A Nghi lại nói: “Giờ đến lượt muội”. 

Ngày thường đều là sư phụ chải tóc cho tôi, người là nam nhân nên chỉ chải một kiểu đơn giản dễ nhìn. Nhưng hôm nay thì khác. A Nghi giúp tôi tô son điểm phấn, Nhâm Giai chả cho tôi một kiểu tóc phức tạp hơn và cũng nữ tính, đẹp hơn rất nhiều, còn điểm tô cho mái tóc của tôi bằng những thứ trang sức lấp lánh, tôi cũng không quên cài chiếc trâm ngọc sư phụ tặng mà tôi coi như báu vật. A Nghi chọn cho tôi một chiếc váy màu xanh ngọc, những đóa hoa trắng muốt cùng những cành lá vấn vít thêm nơi vạt áo sinh động như thật. Trang điểm xong, nhìn bóng mình trong gương, tôi ngỡ ngàng như đang đối diện với một người vừa quen thuộc vừa xa lạ. Còn A Nghi thì tấm tắc khen: “Đẹp thế này thì chắc chắn sư phụ muội sẽ bị mê mẩn, vừa nhìn đã yêu”. 

Nếu được như lời tỷ ấy nói, vậy ngày nào tôi cũng sẽ trang điểm thật đẹp cho sư phụ ngắm nhìn. 

Yến tiệc hôm nay đúng là vô cùng phô trương, xa xỉ. Đồ ăn đều là sơn hào hải vị, vật dụng đều là bát vàng đũa bạc chén ngọc. Người dự tiệc cũng đủ mọi địa vị, tầng lớp, từ vương tôn quý tộc cho đến phi tần trong cung và các triều thần, nhưng tuyệt nhiên tôi không thấy nữ nhân nào dùng lụa trắng băng quanh mắt, xem ra vị quý nhân từng bị Diễm quý phi móc mắt không có mặt ở đây. Nhưng tất cả những điều đó không làm tôi quan tâm bằng vẻ mặt của sư phụ khi thấy tôi xuất hiện. Người ngạc nhiên trong chốc lát, chăm chú nhìn tôi hồi lâu, một lúc sau mới mở miệng nói: “A Tĩnh của ta đã lớn, đã là một cô gái xinh đẹp”. 

Tôi vui vẻ hỏi người: “Đẹp đến nhường nào?”. 

Người đáp: “Đẹp đến mức có thể đem đến tai họa cho người khác, làm điên đảo chúng sinh”. 

Tôi đáp lại lời nói đùa của người bằng một câu nói thật lòng: “Vậy thì sư phụ hãy giữ con ở bên, đừng cho con đi đâu hết để tránh đem lại tai họa cho người khác”. 

Sư phụ khựng lại lúc trước lời nói đó của tôi, mất tự nhiên quay đầu sang hướng khác, chúa chát trả lời: “Chỉ sợ đến lúc biết yêu, con sẽ không nghĩ như vậy nữa”. 

Tôi thầm đáp lại lời người nói trong lòng: “Chính vì đã yêu nên con mới càng muốn ở bên người”. 

Trong lúc yến tiệc diễn ra, hoàng thượng cùng hoàng hậu có mấy lời ngợi khen sư phụ, sư phụ cũng khách khí trả lời, còn lại phần lớn thời gian đều là tôi kể chuyện của A Nghi cho sư phụ nghe. Trước khi yến tiệc kết thúc, A Nghi đột nhiên đề nghị: “Thời gian gần đây Hạ cung nhiều chuyện vui như vậy, Lạc Nhạn cũng muốn múa một khúc để chúc mừng. Lạc Nhạn chỉ có chút tài mọn, xin mọi người đừng chê”. 

Hạ vương vốn rất thích A Nghi múa, sau khi tiến cung tỷ ấy chưa một lần cho hắn thỏa nguyện nên trước lần chủ động đầu tiên này của tỷ ấy, đương nhiên hắn sẽ không chối từ. A Nghi nói muốn nhờ Trọng Hoa thổi sáo và Trầm Ngư gảy đàn thay các nhạc sư trong cung, Hạ vương cũng đồng ý. Dẫu thủ đoạn của hắn có khiến những người biết chuyện cảm thấy ghê tởm thì tình cảm hắn dành cho A Nghi vẫn khiến người khác không khỏi ngưỡng mộ. 

Tiếng nhạc vang lên, cơ thể A Nghi bắt đầu chuyển động, thời gian cũng dường như dừng lại lúc ấy. Có thể vì lâu rồi không múa nên động tác đầu tiên của tỷ ấy hơi gượng gạo, nhưng ngay sau đó tỷ ấy liền lấy lại được cảm giác khi múa ngày nào. Bước chân dần trở nên nhịp nhàng, động tác cũng theo đó mà mềm mại, uyển chuyển hơn, phong thái tự tin càng lúc càng hiện rõ trong mắt, trên môi. Tôi biết tỷ ấy thực sự rất thích ca vũ, vậy nên khi múa tỷ ấy mới không còn vẻ lạnh lùng chán nản thường ngày, mới có thể thả lỏng thoải mái, cười tươi vui vẻ như vậy. Tiếng đàn cùng tiếng sáo như đan vào nhau, hóa thành dải lụa mỏng vô hình uốn lượn theo từng động tác của A Nghi. Tiếng sáo hòa cùng tiếng đàn réo rắt, bay bổng, vút lên tận chín tầng mây, khiến điệu múa càng say đắm lòng người còn người múa lại như tiên nữa chốn bồng lai. Nếu ví A Nghi của ngày thường với hoa lê thì lúc này tỷ ấy chính là đóa hoa quỳnh chỉ nở khi màn đêm buông xuống và lụi tàn trước ánh bình minh, dẫu thời gian khoe sắc ngắn ngủi nhưng đủ để người khác cả đời không quên được. Tận mắt nhìn A Nghi múa, tôi mới cảm thấy danh hiệu đệ nhất vũ kỹ của tỷ ấy không phải hư danh. Thảo nào mà Hạ đế lại bị hút hồn ngay từ cái nhìn đầu tiên, không từ thủ đoạn để có được tỷ ấy. 

Tiếng nhạc dừng lại, A Nghi cũng múa xong điệu múa cuối cùng. Lúc bấy giờ thời gian mới tiếp tục trôi, tất cả chúng tôi mới bừng tỉnh. Người múa và người thổi sáo đưa mắt nhìn nhau, môi cùng nở một nụ cười ngọt ngào mà chua xót, dường như không quan tâm đến ánh mắt của bao người đứng ngoài. Đến lúc này tôi mới bừng tỉnh. 

Thì ra từ khi gặp Trọng Hoa, trong mắt tỷ ấy chỉ có chàng và chỉ múa vì chàng. 

Thì ra điệu múa lần này của tỷ ấy không phải chúc mừng mà là biệt ly. 

Đến cả một kẻ không giỏi quan sát sức mặt người khác như tôi còn nhận ra điều này thì không có lý nào mà một người từng trải như Hạ vương lại không nhận ra. Sắc mặt Trọng Nghiên sa sầm, chút vui vẻ lộ ra dưới đáy mắt vì A Nghi chủ động múa đã biến mất, thay vào đó là sự phẫn nộ khi nhận ra sự thật. Đúng lúc đó, Bạch Phụng ngồi bên bỗng vươn tay ra nắm lấy tay hắn, môi gợn lên nụ cười: “Đã lâu rồi phu thê chúng ta không hàn huyên tâm sự. Bệ hạ có thể dành một đêm bên thần thiếp, cùng ôn lại những kỷ niệm xưa không?”. 

Không biết là vì bệnh tình khởi sắc hay do phấn son che lấp mà nàng đã không còn tiều tụy như lần đầu tiên tôi nhìn thấy nàng, mà lại càng sinh đẹp rạng rỡ, chỉ một nụ cười hay ánh mắt cũng có thể làm điên đảo chúng sinh. Những lời thủ thỉ thâm tình của người vợ vẫn luôn đồng lòng sát cánh với mình làm Trọng Nghiên nguôi cơn giận, khẽ thở dài: “Chỉ một lần cuối cùng”, rồi theo Bạch Phụng trở về Trường Nhạc cung. 

Yến tiệc cũng đến đây là kết thúc. Chớp mắt cái đã không thấy bóng dáng Trọng Hoa và A Nghi đâu, tôi đang định tìm tỷ ấy trong đám đông để trở về Trường Xuân cung nghỉ ngơi thì đã bị một người kéo lại. Tôi quay đầu, ngạc nhiên nhìn cô gái áo lam viền bạc đính châu trước mắt: “Thẩm nhị tiểu thư?”. 

Cô gái áo lam lập tức sửa lại: “Đừng xưng hô xa lạ thế, gọi tôi là Trầm Ngư được rồi. Kể ra thì chúng ta đều là muội muội kết nghĩa của Lạc Nhạn mà. À phải rồi, cô đang đi tìm tỷ ấy đúng không?”. 

Thấy tôi gật đầu, Trầm Ngư lại nói tiếp: “Tỷ ấy đi cùng tam vương gia rồi. Đừng quấy rầy hai người họ, rất có thể đêm nay là đêm cuối cùng họ được ở bên nhau”. 

Do dự hồi lâu, cuối cùng tôi vẫn nói ra điều mà mình vẫn luôn thắc mắc: “Sao cô có thể bình thản như vậy, chẳng lẽ cô không có chút tình cảm gì với tam vương gia sao?”. 

Trầm Ngư khựng lại một lúc rồi đáp lại bằng một nụ cười khổ: “Sao có thể không có tình cảm gì chứ, tôi thích huynh ấy từ lâu lắm rồi, từ trước khi hai người họ gặp nhau nữa kia. Đáng tiếc, tình yêu nào đếm xỉa kẻ trước người sau, cũng chẳng màng tới thân phận địa vị. Hai người họ yêu nhau như vậy, tôi chỉ có thể tự động rút lui”. Ngừng một lát, nàng lại nói: “Có thể cả đêm nay tỷ ấy sẽ không về, tôi sẽ ở lại Trường Xuân cung. Nếu cô muốn, tôi sẽ kể chuyện giữa ba chúng tôi cho cô nghe”. 

Vậy là, lại thêm một đêm mất ngủ, thức nghe chuyện xưa.