Ta Sửa Văn Vật Ở Cổ Đại

Chương 3




7

Điều kiện phục chế đồ sứ còn hà khắc hơn tranh thư pháp.

Hoàng hậu đã cho tạo một gian Thiên Điện nhàn tản tại Khôn Ninh Cung để ta tiến hành luyện tập tu sửa ở đó.

Ta nóng lòng muốn thử.

Thực ra ngày xưa lúc học đại học, không có nhiều đồ cổ và văn vật như vậy để ta tu sửa.

Sinh viên cùng lắm sẽ được tu sửa những bức thư họa thời cận đại thôi, làm gì được chạm vào văn vật chân chính?

Nay đã xuyên không, lại có cơ hội tu sửa đồ sứ thời cổ đại, tất nhiên ta sẽ không bỏ qua cơ hội này.

Có lúc, Hoàng hậu sẽ tới Thiên Điện nhìn ta.

Nàng rất yên lặng, luôn cầm một quyển sách lẳng lặng đọc, thỉnh thoảng mới ngẩng đầu lên nhìn ta một cái.

Có nàng ở bên, ta sẽ thấy rất an lòng, dễ dàng chìm đắm vào công việc phục chế đồ sứ hơn.

Có lúc, ta cũng sẽ nói ra một vài phương pháp tu sửa đồ sứ:

“Vá sứ* là dùng những chiếc ghim bằng phẳng hình thoi vá chặt những phần vỡ lại.”

*Vá sứ (锔瓷): Nghệ thuật truyền thống của Trung Quốc, ghim ở đây là ghim kim loại (đồng, bạc hoặc vàng) hàn gắn những mảnh vỡ đồng thời giữ được hình dạng và độ bền của món đồ. Về mặt văn hóa, nghệ thuật này biểu trưng cho triết lý tái sinh, sự chữa lành hoặc chấp nhận những “vết sẹo” này như một phần không thiểu thiếu của cuộc sống. Cách này chú trọng tính thực dụng và độ bền.

“Còn Kintsugi* dùng sơn mài vàng bù vào những phần bị thiếu…”

*Kintsugi: Nghệ thuật truyền thống của Nhật Bản, sơn mài được dùng để sửa chữa đồ gốm là sơn mài pha trộn với bột vàng, bạc hoặc bạch kim. Về mặt văn hóa, nghệ thuật này cũng thể hiện tính triết lý tái sinh nhưng triết lý này là trân trọng những tổn thương, rằng sự không hoàn hảo cũng là một phần của vẻ đẹp. Món đồ được phục hồi không chỉ khôi phục giá trị sử dụng mà còn có thêm giá trị tinh thần. Mỗi món đồ được sửa chữa theo phương pháp Kintsugi đều trở thành duy nhất vì các đường nứt không bao giờ giống nhau và cách chúng được tô điểm cũng khác biệt.

Ta liên tục lảm nhảm, còn nàng lẳng lặng nghe.

Bấy giờ nếu có một cơn gió nhẹ thổi qua, những tiếng xào xạc của rừng trúc ngoài cửa sổ sẽ vang lên.

Năm tháng tĩnh lặng.

Chỉ tiếc, những ngày tháng tốt đẹp này không kéo dài quá lâu.

Vì cẩu Hoàng thượng cũng ta.

Hắn hành động như thể mới phát hiện ra điều gì đó mới mẻ. Lần nào đến đây hắn cũng rủ Hoàng hậu cùng đến Thiên Điện xem ta sửa chữa đồ sứ.

Nhưng sự có mặt của Hoàng thượng lại khiến ta như ngồi trên đống lửa.

Khi phát hiện ra điều này, hứng thú của hắn bỗng tăng vọt. Lúc nào cũng sờ mó công cụ của ta - Nay nghịch dùi kim cương, mai nghịch phôi đất.

Chơi chán hắn lại chống cằm nhìn chằm chằm ta.

Ta bị nhìn đến rợn tóc gáy, tự cảm thấy bản thân như trò tiêu khiển giải sầu của cẩu Hoàng thượng.

8

Từ khi được Hoàng hậu mời thưởng thức bức tranh “Lư Nhạn Đồ”, cẩu Hoàng thượng đã ngủ lại Khôn Ninh Cung suốt mấy tháng liền.

Cả cung đang xôn xao bàn tán vụ này, cho rằng cuối cùng Hoàng hậu đã được phục sủng.

Nhưng chỉ có người của Khôn Ninh Cung mới biết — Làm gì có cái gọi là phục sủng, phải là càng ngày càng được sủng ái mới đúng.

Sau vài lần thử nghiệm, ta đã xác định được cách sửa chữa bình Ngọc Hồ Xuân.

Một đêm nọ tại Thiên Điện.

Ta đốt đèn dầu, tập trung tinh thần vẽ phác thảo, không chú ý thấy có người đứng sau lưng đẩy cửa điện ra.

Đến khi người nọ nắm lấy eo ta từ phía sau, ta mới giật mình nhận ra — Trong phòng này vừa nhiều thêm một nam nhân.

Ta hoảng sợ.

Hơi thở ấm áp còn vương mùi rượu của người nọ lướt qua da thịt ta.

Ta sợ run người, vô thức muốn kêu cứu, song một giây sau, ta lại nghe thấy giọng nói khàn khàn quen thuộc:

“Trầm Hương, trẫm đi khắp vẫn không tìm thấy nàng…”

Cẩu Hoàng thượng?

Tại sao hắn lại ở đây?

Khoảnh khắc đó, mồ hôi lạnh ướt dẫm lưng ta.

Ta run người đứng bật dậy, cố gắng nuốt mấy câu cầu cứu xuống bụng.

Nếu bây giờ ta kêu cứu, tất cả mọi người sẽ đi đến đây. Nếu để bọn họ thấy ta lôi lôi kéo kéo Hoàng thượng đang say rượu…

Kết quả tốt thì — Ta sẽ được ban danh phận, cô đơn lẻ bóng trong cung suốt đời.

Nhưng Hoàng thượng luôn chán ghét ta.

Thế nên rất có thể kết cục của ta sẽ là — Bị gắn cho tội danh quyến rũ đế vương, xử đánh tới chết.

Bên này lòng ta đang rối như tơ vò, bên kia cái đầu không an phận đang cọ loạn vào cần cổ ta:

“Nàng mới đổi mùi xông hương à, thơm quá, là mùi hoa mai…”

Tim ta đập thình thịch, người run kịch liệt.

Ta quơ tay lên bàn, định tìm thứ gì đó có thể giúp ta thoát khỏi cảnh khốn đốn này.

Hoàng thượng vẫn đang lẩm bẩm: “Chuyện của Tiểu Nguyên Cảnh, là trẫm sai, nàng tha thứ cho trẫm được không…”

Bấy giờ, rốt cuộc ta cũng mò được cái bát pha bột sứ.

Ta cầm một nắm lên, thẳng tay hất vào mặt người phía sau.

Bột sứ lập tức bay vào mắt Hoàng thượng.

Hắn thả ta ra, ho sù sụ.

Nhân cơ hội này, ta lập tức trốn ra ngoài.

Ta hoảng hồn đẩy cửa điện ra, vừa bước ra ngoài, ta và Hoàng hậu đang cầm đuốc bốn mắt nhìn nhau.

9

Thấy ta y phục xộc xệch, Lệ Chi trợn tròn mắt: “Lâm Phục — Ngươi!”

“Rầm” một tiếng, ta thoát lực quỳ sụp xuống.

Nỗi sợ trào lên từ tận đáy lòng như sắp nuốt chửng ta.

Cổ họng ta chua chát, ta thở dốc, một chữ cũng không nói được, chỉ có thể lắc đầu liên tục.

Hoàng hậu nhìn Hoàng thượng uống say ngã vật ra đất rồi lại quay sang nhìn ta đang quỳ dưới đất, người run bần bật, nàng lập tức hiểu ra mọi chuyện.

Mặt nàng trông rất nghiêm trọng, nàng nói với Lệ Chi: “Chuyện hôm nay, không được phép truyền ra ngoài.”

Dứt lời, nàng nhấc chân bước vào Thiên Điện.

Ta vẫn tiếp tục quỳ, từ từ nhìn về phía Hoàng hậu.

Hoàng hậu đang định đóng cửa điện lại từ bên trong, mắt nhìn thấy ta, động tác trên tay nàng dừng lại.

“Trinh tiết của nữ tử là đại sự.” Nàng nhẹ giọng nói: “A Phục, tối nay ngươi nhiễm phong hàn, bệnh tình khiến ngươi không thể làm gì được nên phải ở trong phòng.”

“Ngươi hiểu chưa?”

Không chờ ta đáp lời, nàng đã khép cửa điện lại.

Ta ngây đơ ra tại chỗ.

Một lúc lâu sau, khi gió đêm thổi hồn ta quay về, ta mới hoàn hồn lại.

Lệ Chi nhìn ta bằng vẻ mặt phức tạp, muốn nói lại thôi, rốt cuộc nàng vẫn im lặng.

Ta khép vạt áo lại, hít mũi, sau đó chạy thoát thân về phòng.

Đêm đó, ta nằm co ro trên giường, không dám chìm vào giấc ngủ.

Trong cơn nửa tỉnh nửa mê, ta liên tục gặp ác mộng.

Ta mơ thấy cẩu Hoàng thượng mặt toàn bột sứ giận dữ đòi xử tử ta.

Vất vả chịu đựng ta khi trời sáng, khi nghe thấy giọng nói the thé của Lý công công vang lên: “Bệ hạ khởi giá —”

Rốt cuộc ta cũng thở phào nhẹ nhõm, sau đó ta bật dậy chạy thẳng tới tẩm cung của Hoàng hậu nương nương.

Ta cố gắng né tránh mọi người, nhưng khi đến cửa tẩm cung, ta lại do dự không dám vào.

Tiếng trò chuyện như có như không truyền ra từ bên trong.

Lệ Chi nhỏ giọng nói: “Nương nương, nô tỳ thấy thái độ của Bệ hạ với A Phục có gì đó là lạ.”

“Nếu chuyện này đã xảy ra, tại sao người không dâng nàng cho Bệ hạ luôn đi?”

“Nàng mà chịu phấn đấu chắc cũng sinh được đôi nam nữ, bảo nàng ôm con tới đây, nuôi dưỡng dưới danh nghĩa của nương nương cũng ổn —”

Người ta lạnh đi.

Có lẽ những ngày tháng tốt đẹp ở Khôn Ninh Cung đã khiến ta quên mất đây là hậu cung ăn thịt người không nhả xương.

Lần trước, ta suýt chết oan dưới mấy trượng của Yến Quý phi, ta còn sẵn sàng chết rồi.

Nhưng lần này, chẳng hiểu sao ta lại chỉ thấy uất ức vô cùng.