Ta Sửa Văn Vật Ở Cổ Đại

Chương 1




1

“Hoàng hậu dạy dỗ cung nữ khá quá nhỉ.”

Hoàng thượng cúi đầu nhìn ta đang lăn lộn dưới chân ngài, uy nghiêm nói: “Xem ra ở trong cung của Hoàng hậu, trẫm muốn đập vỡ một cái ly cũng không được?”

Ta lẳng lặng lăn ngược lại mấy vòng, sau đó bò dậy lúng túng nhận lỗi:

“Bệ hạ thứ tội, nô tỳ thấy đây là bộ ấm trà Bệ hạ ban thưởng cho nương nương, ngày thường nương nương rất trân trọng nó nên mới —”

Hoàng hậu nhẹ nhàng kéo ống tay áo Hoàng thượng: “Bệ hạ nổi giận với nàng làm gì? Nàng cũng có ý tốt thôi.”

“Việc tuyển tú nếu Bệ hạ không thích, thần thiếp sẽ không đề cập đến nữa.”

Thấy Hoàng hậu nhượng bộ, Hoàng thượng đã bớt giận.

Hắn quay người, bắt gặp cảnh ta đang ưu sầu cúi đầu, tay vẫn ôm chặt chiếc ly lá sen trong lòng thì tức đến nỗi bật cười:

“Trẫm thấy ngươi mới là người thích cái ly này ấy?”

Hoàng thượng chỉ ra cửa: “Đi ra ngoài, đội ly lên đầu đứng phạt hai canh giờ.”

“Nếu ly rơi vỡ, trẫm sẽ hỏi tội ngươi.”

Ta vội vàng dập đầu một cái, tay cầm ly, chân đất chạy ra ngoài điện.

Ta cố gắng tìm một khoảng đất bằng phẳng ở ngoài Khôn Ninh Cung, đầu đội ly, người dựa sát tường nghiêm túc đứng phạt.

Ta xuyên không tới đây mới được một năm.

Mới đầu, ta chỉ là một cung nữ hạ đẳng 14 tuổi, chịu trách nhiệm giặt giũ y phục.

Kiếp trước, ta là một sinh viên chuyên ngành tu sửa văn vật.

Chuyên ngành này nghe thì cao sang nhưng triển vọng việc làm lại rất ảm đạm, có chăng đều là những công việc tay chân.

Ta học 5 năm, đã sớm luyện được tâm thái siêu Phật hệ rồi.

Nay mặc y phục cung nữ cấp thấp nhất, ta vẫn ăn uống ngủ nghỉ như thường.

Khi có ma ma canh chừng, ta sẽ vẫy que giặt đồ và đập liên tục. Đến lúc không có ai, ta lại đặt que giặt đồ xuống, vui vẻ ăn không ngồi rồi.

Cuộc đời nghiền nát ta, khiến ta tan ra thành từng mảnh.

Ta cứ tưởng cuộc đời mình sẽ mãi mãi như thế.

Nào ngờ không biết ai vô ý giặt hỏng một chiếc áo khoác của Yến Quý phi rồi đổ tội lên đầu ta.

Lúc chuyện này truyền đến tai Yến Quý phi, nàng ta đang sơn móng tay.

Nghe vậy, nàng ta vừa ngắm nghía mười ngón tay của mình vừa nhẹ nhàng nói: “Cũng chỉ là một cái áo thôi, dùng gậy giết đi.”

Ta không có cơ hội cãi lại, cứ thế bị kéo đi dùng hình.

Ta luôn tự nhủ bản thân là người lạnh nhạt.

Ta biết cổ đại là nơi ăn thịt người, mạng của hạng người như ta cũng chỉ là cỏ rác thôi.

Sống thì tốt, nhưng thật ra chết cũng bình thường.

Ta định lìa đời theo cách vẻ vang một tí, nhưng bị hành hình tra tấn đau quá.

Đánh được một hồi, ta bắt đầu hét thảm bằng giọng nữ cao coloratura.

Tiếng ồn bất thường này đã kinh động đến Hoàng hậu nương nương ở cách đó ba bức tường.

Sau khi hỏi rõ nguyên nhân, Hoàng hậu đã cứu ta.

Từ đó, ta trở thành cung nữ vẩy nước, quét dọn của Khôn Ninh Cung.

2

Kết thúc việc dùng hình, ta hôn mê suốt ba ngày. Tỉnh lại, may mắn gặp được Hoàng hậu nương nương đến thăm.

Ta mở đôi mắt còn mông lung ra, nhìn Hoàng hậu rồi chốt một câu: “Ôi chao, mỹ nhân!”

Hoàng hậu nương nương cười hì hì: “Bổn cung biết ngươi là ai.”

“Hồi trước mặt quạt của Bổn cung bị hỏng, còn dính nước trà. Ngươi là người sửa cái quạt xếp kia cho Bổn cung.”

Ta mất rất nhiều thời gian để nhớ lại chuyện này bằng bộ não mới vượt qua cơn bệnh nặng của mình.

Hằng năm, Hoán Y Cục vẫn thường tích trữ rất nhiều quần áo cũ không thể giặt sạch.

Ta vô tình tìm thấy chiếc xếp bằng giấy có khảm xà cừ và ngọc trai đó.

Nếu vật này còn tồn tại đến thời hiện đại, chắc chắn nó sẽ được xếp vào hàng văn vật quý hiếm.

Nhìn chiếc quạt ấy, bệnh nghề nghiệp của ta lại tái phát. Sau khi hỏi ý kiến mama, ta đã đem chiếc quạt về phòng cho hạ nhân, tốn một tháng sửa chữa chiếc quạt.

Chiếc quạt lành lặn được đặt trong phòng ta, nhưng rồi nó bỗng biến mất một cách kỳ lạ.

Nghe những lời ta nói, Hoàng hậu gật đầu: “Có kẻ đã trộm chiếc quạt ấy hòng chiếm lấy công lao của ngươi.”

“Kẻ đó cũng chính là kẻ hãm hại ngươi lần này.”

“Bổn cung sẽ xử lý kẻ đó theo đúng pháp luật.”

Ta hoảng hốt gật đầu một cái, hoàn toàn không biết người hại ta là ai.

Hoàng hậu nói: “Chiếc quạt đó có ý nghĩa đặc biệt với Bổn cung.”

“Ngươi đã sửa chiếc quạt giúp Bổn cung, ngươi có muốn được thưởng gì không?”

Thưởng?

Trong lúc nhất thời, ta không nghĩ ra được câu trả lời.

Thú thực điều ta muốn nhất bây giờ là quay về thời hiện đại, nằm điều hòa ăn dưa hấu trong phòng trọ. Nhưng đề ra yêu cầu này trước mặt Hoàng hậu nương nương hình như có hơi vô lễ…

Thấy ta hoảng hốt, Hoàng hậu cười lắc đầu.

Nàng hỏi: “Ngươi tên là gì? Ngươi có bằng lòng ta Khôn Ninh Cung của Bổn cung làm nô tỳ không?”

Lần này ta đã kịp phản ứng, ta vội vàng đáp: “Ta đồng ý.”

Hoàng hậu lại che mặt cười: “Ngươi còn chưa báo tên kìa.”

Ta nhanh nhẩu khoa chân múa tay, kích động đến mức quên cả việc xưng bề ta: “Ta tên Lâm Phục.”

“Phản cảnh nhập thâm lâm, phục chiếu thanh đài thượng* - Là Lâm Phục trong câu này.”

*Hai câu thơ chính từ bài thơ “Lộc Trại” của nhà thơ Vương Duy. Nghĩa hai câu thơ “Rừng sâu chiều bóng xế/Soi xuống lớp rêu xanh” (Bản dịch của Nguyễn Sĩ Đại từ thivien.net).

3

Đứng phạt bên ngoài Khôn Ninh Cung khoảng nửa canh giờ.

Chân ta đã tê rần rồi.

Ta đột nhiên nghe thấy tiếng bước chân truyền ta.

Ta không dám cử động, chỉ có thể đánh mắt sang bên cạnh nhìn trộm.

Vừa ngó sang nhìn, ta thấy Hoàng thượng và Lý công công đang bước qua ngưỡng cửa đỏ thắm, rời khỏi Khôn Ninh Cung.

Bỗng chốc, ta không biết mình nên tiếp tục đứng phạt hay quỳ xuống thỉnh an.

Hoàng thượng cũng nhìn ta.

Hắn chắp tay ra sau lưng, sải bước đến trước mặt ta, nheo mắt quan sát ta trong chốc lát.

Bất thình lình, hắn giơ tay lên cầm chiếc ly sứ họa tiết lá sen trên đầu ta đi.

Hắn để lại một câu “Nếu các ngươi đều coi vật này như bảo bối thì để trẫm cầm đi nhé.” Rồi nghênh nganh rời đi.

Thần kinh…

Ta thầm mắng hắn là “Cẩu Hoàng thượng” trong lòng nhưng ngoài mặt vẫn phải uốn gối hành lễ: “Cung tiễn Bệ hạ.”

Khi tiếng bước chân của họ dần xa, ta mới đứng thẳng dậy.

Lúc này, một cái đầu nhỏ thò ra từ cửa cung.

Cung nữ Lệ Chi gả theo Hoàng hậu nháy mắt với ta: “Ngươi đừng đứng ngây ngốc ở đó nữa, Hoàng hậu nương nương bảo ngươi vào đi.”

Trong Khôn Ninh Cung có một khối gỗ trầm hương với giá trị liên thành khiến cả cung điện luôn có mùi trầm hương thơm ngát, dễ chịu.

Bấy giờ Hoàng hậu nương nương đang pha trà.

Nhìn thấy ta, nàng dịu dàng nói: “Mới nãy chắc A Phục đã bị dọa rồi, hôm nay ngươi không cần hầu hạ ta đâu, về nghỉ ngơi đi.”

Ta vừa thấy vui mừng vừa thấy áy náy — Suy cho cùng ta vẫn không giành được chiếc ly sứ Đông Thanh họa tiết lá sen kia từ tay cẩu Hoàng thượng.

Dù vậy Hoàng hậu nương nương vẫn cho ta nghỉ một ngày.

Nàng là người tốt.

Cảm ơn xong, ta quay về phòng cho cung nữ.

Ta lục lọi được một quyển tranh cổ, dè dặt đặt lên bàn rồi mở ra.

Đương kim Đế Hậu là thanh mai trúc mã, nên duyên phu thê từ thuở thiếu thời.

Sau khi thành thân, hai người vẫn luôn rất mực yêu thương nhau.

Mãi đến khi Đại Hoàng tử qua đời vì bạo bệnh, Hoàng hậu theo đó cũng ốm nặng một trận, đóng cửa tự bế suốt nửa năm, bỏ mặc việc quản lý hậu cung.

Từ dạo ấy, Hoàng thượng bắt đầu sủng ái Yến Quý phi. Vin vào đó, lời đồn Đế Hậu xa mặt cách lòng bắt đầu lan truyền với tốc độ chóng mặt.

Song sự thật ta được tận mắt chứng kiến lại không phải như thế.

Nếu cẩu Hoàng thượng thật sự đã chán Hoàng hậu, tội gì hắn phải kiên trì lật thẻ đến Khôn Ninh Cung mỗi ngày?

Chắc chắn hắn rất yêu Hoàng hậu, nên hôm nay khi nghe tin Hoàng hậu tuyển tú cho hắn, hắn mới xù lông lên ngay lập tức.

Đường đường là Hoàng thượng mà phải hạ mình làm trai bao cho nước nhà, đúng là không dễ dàng gì.

Cảm khái xong, ta lại đưa mắt nhìn bức họa cổ trên bàn.

Trước giờ Hoàng hậu vẫn luôn yêu thích tranh chữ.

Vài tháng trước, biết ta có thể tu sửa cổ vật, nàng đã đưa bản gốc bức họa “Lư Nhạn Đồ*” cho ta, để ta thử sức một phen.

*Lư Nhạn Đồ (芦雁图) là tác phẩm để đời của họa sĩ Biên Thọ Dân - một bậc thầy tranh thủy mặc nhà Thanh. Ông nổi tiếng với các bức họa chim nhạn và sậy lau. Tác phẩm của ông thể hiện sự kết hợp tinh tế giữa thiên nhiên và động vật, sử dụng bút pháp nhẹ nhàng, sắc thái tự nhiên và sâu lắng.

Bức danh họa này vẫn còn khá nguyên vẹn, nhưng tình trạng ẩm mốc của nó lại rất nghiêm trọng.

Ta lên tinh thần, cẩn thận dùng đầu bút lông ướt tẩy đi những vết mốc trên bức tranh.