Sơn Quỷ

Chương 18: Ngưu Sơn đắc kỳ trân - Võng tảo lưỡng mỹ nhân




Trời chưa sáng, Thiên Cơ đã có mặt ở bờ Nam sông Hán Thủy. Chàng đi dọc về hướng Đông tìm đến bến đò. Nhưng nửa đường, chàng phát hiện chiếc thuyền khách lớn đã rời bến. Thiên Cơ không muốn chờ đợi chuyến sau, liền lao thẳng xuống nước, bơi một mạch đến giữa sông và tung mình lên mạn.

Khách trên thuyền sợ xanh mặt vì tưởng rằng thủy tặc. Lão chủ thuyền run rẩy vái dài :

- Tiểu lão xin theo quy củ dâng trăm lượng cho đại vương.

Thiên Cơ mỉm cười xua tay :

- Ta chỉ là khách đi thuyền, mong lão trượng cho biết giá cả.

Nhờ lối đáp thuyền kỳ quái này mà Thiên Cơ lại đi trước bọn Bất Bão Vũ Sĩ thêm nửa ngày đường.

Hán Thủy là phụ lưu lớn nhất của sông Trường Giang, phát nguyên từ rặng Tần Lĩnh, chảy theo hướng Tây bắc - Đông nam và đổ vào sông mẹ ở cửa Hán Khẩu. Lần đầu ngược dòng sông Hán, Thiên Cơ say mê ngắm nhìn cảnh vật hai bên bờ. Chàng được chủ thuyền dành cho một phòng hạng nhất dưới khoang nhưng chàng thường lên mũi mà dõi mắt ngắm vẻ đạp của núi rừng mùa xuân.

Nhờ ngọn gió đông nên dù ngược nước mà thuyền vẫn đi khá nhanh. Mười ngày sau đã ghé Hán Trung, trên đất Thiểm Tây. Từ đây đến thượng nguồn sông Hán chỉ còn độ ba trăm dặm. Đoạn này nhiều ghềnh thác, nước chảy xiết nên thuyền lớn không đi được và Hán Trung là bến cuối. Do vậy, địa phương này sầm uất, phồn thịnh nhất miền nam Thiểm Tây.

Thiên Cơ rời bến đò, lững thững vào thành. Chàng ngạc nhiên khi thấy trên đường có rất nhiều hào kiệt võ lâm quen biết, vội kéo sụp nón rộng vành để giấu mặt.

Động tác này hơi muộn vì gã ăn mày ngồi dưới gốc cây du già đã vội vã đứng lên, tập tễnh rảo bước.

Thiên Cơ rảo bước đi tiếp, nhận ra lầu quán nào cũng đông nghẹt khách giang hồ.

Chàng không dám vào, bấm bụng tránh né, cố tìm một phạn điếm vắng người. Trong tâm trạng hiện nay, Thiên Cơ không muốn gặp ai cả, dù lòng rất thắc mắc về lý do hiện diện của mấy trăm cao thủ Bạch đạo kia.

Đi thêm một quãng, Thiên Cơ nghe phía sau có tiếng chân người rộn rã. Từ ngày bị Phi Điểu hội ám toán, Thiên Cơ trở nên vô cùng cảnh giác. Nhưng giọng nói của người kia rất thân quen :

- Mục công tử.

Thiên Cơ quay phắt lại, mừng rỡ nhận ra Đông Hải Thần Côn Vệ Đổng. Họ Vệ lướt đến, hai người ôm lấy nhau. Gã vỗ bồm bộp vào lưng Thiên Cơ cười vang :

- Sao công tử lại có mặt ở đây đúng lúc như vậy? Các phái đang lo lắng vì sợ không ai cầm chân nổi Huyết Ấn Thần Quân.

Thiên Cơ cau mày hỏi :

- Lão ta và các phái kéo nhau đến đây làm gì?

Vệ Đổng xua tay :

- Chuyện ấy rất dài. Năm vị Chưởng môn đang sốt ruột chờ công tử. Chúng ta đi thôi.

Gã lôi chàng quay ngược lại vài chục trượng, ghé vào tòa trang viện rộng rãi, kín đáo.

Trừ Vân Quang thiền sư, Phương trượng chùa Thiếu Lâm, Chưởng môn các phái kia đều có đủ. Đại diện Thiếu Lâm tự là Vân Hiền thiền sư, Thủ tòa Đạt Ma viện. Năm vị lão nhân hoan hỉ đón tiếp Thiên Cơ.

Đại Phúc Cái vui vẻ nói :

- Lão phu đã gởi thư đi Nghi Xương cách nay nửa tháng mà chưa nhận được hồi âm mà công tử đã đến đây. Nghĩa khí này quả là đáng tán dương.

Thiên Cơ chẳng thể khai là mình bị vợ cắm sừng, chỉ gượng cười, chẳng nói chẳng rằng.

An tọa xong, Vân Trúc Tử nói ngay :

- Huyết Ấn Thần Quân đã thống lĩnh bốn trăm cao thủ Hồng Liên giáo âm thầm rời Kiều Sơn đi về hướng Tây. Khi nghe trinh sát Cái bang báo lại, bọn bần đạo cho rằng Khang Nhẫn lên đường đi tìm lăng mộ của Võ Lâm Chi Vương nên tức tốc bám theo. Đây có thể là cơ hội để chúng ta tiêu diệt Huyết Ấn Thần Quân.

Thiên Cơ ngỡ ngàng :

- Nhưng Sát Nhân Đồng Tử đã vẽ thêm bảy tám nét vào mảnh Bát Giác Pha Lê Sơn Hà Đồ, Iẽ nào không đánh lạc hướng được Thần quân?

Đại Phúc Cái lên tiếng :

- Huyết Ấn Thần Quân mời được hậu duệ của Xảo Vương là Xảo Thủ thư sinh Lâm Sĩ Hiếu, nên chắc đã phân rõ thực hư, tìm ra địa điểm.

Thiên Cơ hối hận khôn xiết vì chính chàng là người nối giáo cho giặc, dâng bảo vật cho lão ác ma. Thiên Cơ quyết chuộc lại lỗi lầm bằng cách giết họ Khang, hoặc chí ít là ngăn không cho lão lấy di học và tài sản của Võ Lâm Chi Vương Bộc Hy Hoàng.

Chàng nghiêm giọng nói :

- Bẩm Bang chủ, chẳng hay Huyết Ấn Thần Quân đang ở đâu?

Đại Phúc Cái đáp :

- Bọn lão phu đến đây sáng nay, nhận được tin Thần quân đi đường Độc Đạo Kiếm Môn, được bốn chục dặm thì rẽ vào vùng chân núi Ngưu Sơn trong dãy Đại kiếm. Trưa nay chúng ta sẽ khởi hành và đến nơi ấy vào lúc sẩm tối.

Cơm trưa được dọn ra, chay mặn có đủ. Ăn xong, đoàn người rời thành Hán Trung đi về hướng Đông. Xế chiều thì đến ranh giới giữa Thiểm tây và Tứ Xuyên.

Mặt trời hoàng hôn đỏ rực cuối trời tây như là điểm đến của con đường Độc Đạo Kiếm Môn. Đường Kiếm Môn dài hơn hai trăm dặm, còn có tên là Kiếm Ngưu hoặc Thanh Ngưu. Nó là con đường chủ yếu nối liền Thiểm Tây với Tứ Xuyên. Những con đường khác đều nhỏ và hiểm trở, xe ngựa không qua lại được.

Đường Kiếm Môn bắt đầu ở núi Kiếm Môn, phía Bắc huyện Kiếm Cát, tỉnh Tứ Xuyên, chạy men theo núi Đại Kiếm, từ Tây sang Đông. Rặng Đại Kiếm hình thành một giải tựa thanh kiếm nên có tên như vậy. Núi này có phong cảnh rất đẹp với những cánh rừng trúc um tùm, xanh tốt.

Tương truyền rằng đường Kiếm Môn được vua Huệ Văn Vương nước Tần thời Chiến Quốc cho làm để có đường vào đánh Ba Thục. Sau này, đến đời Tam Quốc, Khổng Minh cũng dùng đường Kiếm Môn để đưa quân ra đánh Tào Tháo. Hiện vẫn còn dấu vết đồn trú của quân Thục do Thương Duy thống lãnh.

Lần đầu được đi trên con đường Iịch sử lẫy lừng, Thiên Cơ say sưa ngắm cảnh núi non hùng vĩ. Cỏ cây mùa xuân xanh biếc được ánh tà dương nhuộm hồng khiến lòng người ngây ngất.

Đoàn người có tổng số trên dưới năm trăm, kéo dài hàng dặm. Tiếng vó ngựa khua vang tưởng như cảnh chiến chinh ngày xưa. Sẩm tối, chọ chỉ còn cách núi Ngưu Sơn ba dặm. Trinh sát Cái bang đã chờ sẵn, mau mắn bẩm báo :

- Bẩm Bang chủ, Huyết Ấn bang đã cho người phong tỏa đường mòn vào núi Ngưu Sơn. Nhân số bọn chúng độ hơn ba trăm.

Đại Phúc Cái cau mày :

- Nếu chúng ta đánh thúc vào thì chỉ e Khang Nhẫn biết mà đào tẩu. Có lẽ phải tìm đường khác mà âm thầm tiến vào.

Gã đệ tử mập mạp ứng tiếng :

- Bẩm Bang chủ. Đệ tử có biết một lối đi khác.

Bang chủ Cái bang mừng rỡ :

- Ngươi giỏi lắm. Lần này mà giết được Khang Nhẫn thì lão phu sẽ thăng ngươi lên bốn túi.

Gã hóa tử béo này chỉ ở hàng ba túi nên hoan hỉ cúi mình cảm tạ và thầm mong sao Huyết Ấn Thần Quân chết quách cho rồi.

Các Chưởng môn xúm nhau bàn bạc, quyết định để lại hai trăm cao thủ, dưới sự chỉ huy của Vân Hiền thiền sư, số còn lại sẽ vào núi Ngưu Sơn. Khi có tín hiệu, lực lượng bên ngoài sẽ tiêu diệt bọn đệ tử Huyết Ấn bang giữa đường mòn. Mọi người đưa ngựa giấu vào rừng, mở lương khô ra ăn thật no rồi mới khởi hành.

Lối đi do gã hóa tử Phùng Tam phát hiện là một đường mòn nhỏ, đã lâu không người qua lại. Do vậy, cỏ dại mọc đầy, cành trúc vươn ra cản lối. Thiên Cơ thấy cước trình chậm chạp liền len lên phía trước, đưa đuốc cho Phùng Tam và nói :

- Các hạ theo sau chỉ đường, để ta mở lối cho.

Chàng rút Vô Tình kim kiếm, chặt phăng những cành trúc dẻo dai. Gã họ Phùng le lưỡi thán phục khi thấy Thiên Cơ sử dụng kiếm hai tay như nhau. Thanh kiếm bay từ tay này sang tay kia, vươn dài mà chặt phá, tốc độ nhanh như chớp.

Nhờ vậy mà đoàn quân tiến lên mau lẹ. Cuối canh ba đã vào đến chân núi Ngưu Sơn. Họ cảnh giác tắt đuốc, âm thầm áp sát khu khai quật.

Chẳng cần phải đến gần cũng có thể thấy rõ cảnh tượng trên sườn núi. Ánh đuốc rực rỡ soi bóng một bình đài rộng lớn ở độ cao bốn trượng.

Dù đêm đã khuya mà gần trăm tên đệ tử Huyết Ấn bang vẫn phải hì hục đào bới khoảng vách núi dựng đứng cuối bình đài để tìm cửa vào lăng mộ. Tiếng thép chạm đá làm huyên náo núi rừng và ánh đuốc lấn át cả ánh sáng của vầng trăng mười tám trên cao.

Huyền Hạc chân nhân Chưởng môn phái Võ Đang bàn rằng :

- Chúng ta cứ nghỉ ngơi nửa canh giờ cho lại sức rồi hãy tấn công. Lúc ấy phe đối phương đã đuối sức hẳn.

Kế Dĩ dật đãi lao này được mọi người tán thành ngay. Hành trình vượt rừng lúc này đã lấy đi của họ khá nhiều sức lực.

Thiên Cơ nói :

- Tại hạ sẽ đến gần quan sát xem có cạm bẫy hay mai phục gì không.

Chàng rời khu rừng trúc, men theo những lùm cây, bụi cỏ hay đá tảng mà tiến lên.

Có lúc phải nằm dài trên mặt cỏ, trườn đi như rắn. Sự ẩn thân của Thiên Cơ không hề thừa vì chàng đã phát hiện những dãy hố chông san sát nằm bao quanh chân bình đài, từ khoảng cách hai mươi trượng.

Tất cả những hố chông đều được ngụy trang bằng cỏ rất khó nhận ra dưới ánh trăng. Thiên Cơ quay về báo cáo tình hình và kết luận :

- Có lẽ chúng ta phải chờ trời sáng hẳn mới hành động được.

Chẳng ai phản đối cả. Vân Trúc Tử cho người chạy ra ngoài đường Độc Đạo Kiếm Môn báo lại với Vân Hiền thiền sư, bảo ông ém quân thật kỹ và chờ đợi.

Hơn khắc sau, không gian đột nhiên tối sầm lại như bị mây đen che phủ, âm thanh líu ríu đáng sợ của hàng vạn con chim khiến bọn Thiên Cơ bàng hoàng, kéo ra bìa rừng quan sát. Bầy ác điểu đã sa xuống bình đài, tấn công Huyết Ấn Thần Quân và mấy trăm thủ hạ.

Nhưng lần này Khang lão quỷ đã có cách đối phó. Trừ đám người đang đào bới, gần hai trăm bang chúng còn lại nhất tề rút ra những ống đồng dài độ hai gang chĩa lên không trung. Chúng phóng ra những trái cầu tỏa khói màu trắng đục, tiếng nổ tuy nhỏ nhưng tác dụng thật mãnh liệt. Bầy chim chạm vào màn khói ấy liền rơi rụng như lá mùa thu. Chưa đầy nửa khắc, bầy chim chỉ còn lại một phần ba và bay đi mất dạng theo tiếng còi lệnh.

Thiên Cơ tinh mắt nhận ra trên trời có bốn cánh chim khổng lồ đang bay lượn. Có lẽ các cao thủ Phi Điểu hội cỡi chim để điều khiển trận tập kích. Giờ đây âm mưu thất bại, họ lặng lẽ bỏ đi trong tiếng thét vọng theo của Huyết Ấn Thần Quân :

- Hách Nhân Bình. Có giỏi thì xuống đây cùng lão phu đấu vài chiêu. Đàn chim nhỏ bé của ngươi chẳng có tác dụng gì đâu.

Quả thực là có Hội chủ Phi Điểu hội trên lưng chim ưng. Lão cười vang đáp :

- Hẹn gặp nhau ở đại hội Minh chủ. Lúc ấy sẽ biết ai hơn ai.

Đại Phúc Cái thở dài thườn thượt :

- May mà chúng ta không mạo muội tấn công ngay. Với loại vũ khí độc địa kia, Khang lão quỷ còn phải sợ ai nữa?

Lúc này, bọn môn nhân Huyết Ấn bang đang loay hoay nạp lại những trái cầu trắng vào ống đồng, chuẩn bị cho lần sử dụng sau.

Huyền Hạc chân nhân rầu rĩ nói :

- Không hiểu Khang Nhẫn tìm đâu ra loại vũ khí thất truyền của Bạch Cốt giáo. Chúng ta đành phải lui quân, phó thác kiếp vận võ lâm cho trời.

Ba vị Chưởng môn kia cũng không nhẫn tâm đưa đệ tử vào chỗ chết nên cũng lặng lẽ tán thành. Đoàn người âm thầm quay ra. Mặt trời vừa ló dạng thì gặp đội quân của Vân Hiền thiền sư trong cánh rừng mé hữu đường Kiếm Môn.

Thiên Cơ vòng tay cáo từ :

- Vãn bối phải đi Đại Tuyết sơn một chuyến, xin cáo từ.

Vệ Đổng nói ngay :

- Ta sẽ đồng hành với công tử.

Thiên Cơ mỉm cười :

- Đa tạ thịnh tình của Vệ huynh nhưng Tuyết Sơn lão tổ tính tình quái dị, chỉ cho phép mình tại hạ đến bái kiến thôi.

Vân Trúc Tử gật gù :

- Mục thí chủ nói không sai đâu. Lão Lộ Đức Phương là người rất khó chịu.

Vệ Đổng bùi ngùi ôm chặt Thiên Cơ nói câu bảo trọng.

Đoàn nhân mã đi xa rồi, Thiên Cơ mới cho ngựa rẽ vào rừng trúc. Chàng thả nó ở đấy, khoát bọc hành lý quay lại chân núi Ngưu Sơn. Thiên Cơ là người kiên quyết, đã định việc gì thì sẽ làm đến cùng. Chàng sẽ một mình rình rập, chờ cơ hội giết Huyết Ấn Thần Quân. Tuy võ công chàng không bằng lão nhưng yếu tố bất ngờ sẽ tạo nên kỳ tích, cũng như lần chàng hạ sát Nguyệt Quý cung chủ vậy. Dù không thành công, chàng cũng tự tin mình sẽ thoát thân được. Với Kim kiếm và pho Nam Hải kiếm pháp, chẳng ai giữ chân chàng nổi. Vả lại, Thiên Cơ không sợ chất độc của ống phóng Bạch Cốt Cầu.

Ánh dương quang rực rỡ cho phép Thien Cơ quan sát địa hình toàn khu vực.

Chàng nhận ra khu rừng trúc này ôm lấy chân núi Ngưu Sơn thành một hình cánh cung, tiếp giáp với một vách đá dựng đứng.

Thiên Cơ đi đến điểm cuối ấy, nheo mắt ngắm nhìn, biết rằng mình có thể lên được đỉnh vách và từ đó lần qua bình đái. Leo trèo là bản năng của loài Sơn Quỷ, Thiên Cơ nắm lấy dây leo và những mỏm đá lồi, nhanh chóng vượt độ cao tám trượng.

Chàng tiến dần về hướng Tây, đến sát bình đài, nhìn xuống khu vực đào bới. Vị trí này cao hơn bình đài độ ba bốn trượng, cây cối um tùm, quả là nơi quan sát lý tưởng.

Huyết Ấn Thần Quân cùng hai người nữa đang ngồi ăn sáng ở sát vách đá để tránh nắng. Một người là lão nhân lưng còng, áo vàng, đã từng theo Thần quân đến đồi Đại Nham phó ước với Hạo Liệt. Người thứ hai là một hán tử tứ tuần mặc trường bào thư sinh màu trắng, mặt tròn, mắt sáng, trán cao đầy vẻ thông tuệ. Thiên Cơ đoán gã là Xảo Thủ thư sinh Lâm Sĩ Hiếu.

Xa hơn nữa về phía Tây là toán quân đào bới, hiện giờ họ không khai phá tràn lan mà tập trung vào tám điểm, cách nhau hai trượng. Số người còn lại đang ngấu nghiến lương khô hoặc đi nhặt xác chim ném xuống dưới. Ngay cả ở trên này Thiên Cơ cũng bị khó chịu bởi mùi lông của bầy chim đã chết.

Chàng cùng dở lương khô ra ăn và lắng nghe Huyết Ấn Thần Quân hỏi :

- Lâm túc hạ. Liệu chúng ta có thể tìm ra cửa vào trong ngày nay hay không? Tin tức đã lộ ra ngoài, chỉ sợ có người đến tranh đoạt.

Lâm Sĩ Hiếu mỉm cười :

- Ngay cả Phi Điểu hội còn phải rút lui, Bang chủ còn phải e ngại ai nữa?

Khang Nhẫn nhíu đôi mày bạc :

- Túc hạ không biết đấy thôi. Tử Phượng cung đã tái xuất giang hồ. Tai mắt của bổn bang đã tình cờ phát hiện họ dưới cánh rừng bạt ngàn dưới chân núi Đại Ba sơn.

Thiên Cơ mừng rỡ, không ngờ lại nghe được tin tức quí giá này. Chàng sẽ báo cho Vệ Đổng biết và cùng gã đến đấy.

Lão già lưng gù cười nhạt :

- Tử Phượng cung toàn là nữ nhân thì có gì đáng sợ!

Khang thần quân lắc đầu :

- Phạm lão đệ không biết đấy thôi! Bọn nữ đệ tử Tử Phượng cung giỏi kiếm pháp và thuật phóng Tử Phượng thoa. Bản lĩnh giết người rất lợi hại. Hơn nữa họ cưỡi chim phụng tấn công từ trên xuống rất khó đối phó. Loài Phượng lại không sợ Bạch Cốt Cầu như lũ chim nhỏ của Phi Điểu hội.

Sau trận đồi Đại Nham, Trí Nang Tú Sĩ đã cho Thiên Cơ biết lai lịch của lão lưng còng. Lão ta là đệ tứ Hộ giáo tên Phạm Dật Tài, đã không có mặt ở núi Thái Sơn khi quần hào tiêu diệt Hồng Liên giáo.

Ba người kia đã ăn xong đến nơi để đốc thúc bọn bang chúng. Thời gian dần trôi, thấm thoát đã xế chiều. Thiên Cơ kiên nhẫn đợi chờ đêm xuống.

Bỗng bọn người đang đào bớt hét lên :

- Tìm thấy cửa rồi!

Huyết Ấn Thần Quân và hai người kia hoan hỉ lướt đến xem. Thì ra, một trong tám điểm khai quật đã vỡ ra, để lộ lỗ sâu hun hút.

Xảo Thủ thư sinh ra lệnh phá rộng ra. Chỉ vài khắc sau, lớp đá đã bị bóc ra hết, vuông vức một khung cửa cao hơn nửa trượng và rộng độ sải tay người lớn.

Huyết Ấn Thần Quân đã chuẩn bị xong đèn đuốc, dây thừng, nước uống. Lão bố trí việc canh gác cửa hang rồi đưa mười hai người nữa đi vào lăng mộ. Trong số ấy tất nhiên phải có Xảo Thủ thư sinh và đệ tứ Hộ giáo của Hồng Liên giáo.

Thiêu Cơ không hề nôn nóng, nằm ngay mép vách đá chờ cơ hội. Màn đêm buông xuống rất nhanh, trăng đã mọc nhưng còn khuất sau đỉnh Ngưu Sơn, chưa ban phát ánh sáng cho bình đài ở sườn Nam này.

Theo lịnh của Huyết Ấn Thần Quân, các ngọn đuốc đều bị tắt đi để làm kế nghi binh. Do vậy, khung cảnh bình đài bên dưới tối om. Thiên Cơ buông mình nhảy xuống nép sát vào vách núi, nín thở, di chuyển dần về hướng cửa lăng mộ. Chàng mặc hắc y nên hoàn toàn lẫn vào bóng tối.

Khi còn cách mục tiêu mười trượng, Thiên Cơ nhận ra có đến mấy chục tay kiếm ngồi ngả nghiêng trước khung cửa đá. Chúng đã quá mệt mỏi nên chẳng tội gì đứng lên canh gác. Tuy nhiên, việc vượt qua đám người ấy một cách êm thắm thì quả là rất khỏ.

Thiên Cơ đành ẩn sau một tảng đá lớn mà tính toán. Nếu xông thẳng vào, chàng sẽ đánh mất yếu tố bất ngờ và không thể giết được Khang Nhẫn. Thiên Cơ suy nghĩ mãi, đành chấp nhận chờ lão ra khỏi hang mới hạ thủ. Kiên nhẫn là một trong những đức tính của chàng.

Cuối canh hai, vầng trăng đã lên khá cao, soi rõ những cảnh vật trên bình đài nhưng không đến được chỗ ẩn nấp của Thiên Cơ Chàng ung dung ngồi nhìn những tên liên lạc từ ngoài chạy vào báo cáo và phát hiện ra lối thoát an toàn, không có hầm chông.

Đến giữa canh ba, trăng xuân chênh chếch đỉnh đầu, ban phát lớp mờ ảo cho vạn vật. Thiên Cơ ngửa mặt ngắm chị Hằng, nhớ về Mục gia trang và người mà chàng yêu tha thiết. Chàng tự hỏi vì sao mình không giết Mục Trì để giành lại Lan Quỳnh?

Chàng là con thú đực mạnh hơn cơ mà?

Thiên Cơ thở dài biết mình không thể làm điều ấy, vì chàng cũng rất quí mến Mục Trì. Chàng đã thầm xem gã là bằng hữu tốt nhất của mình.

Đang miên man trong nỗi nhớ thương, Thiên Cơ giật mình nhận ra mấy chục cánh chim khổng lồ bay đến lao xuống bình đài đài. Đàn chim này có đuôi rất dài, khác hẳn lũ chim Đại Bàng của Phi Điểu hội.

Phe Huyết Ấn bang cũng đã phát hiện cường địch, nhất tề chĩa ống đồng lên trời.

Nhưng đàn chim phượng kia lượn lờ ở độ cao mười mấy trượng, ngoài tầm bắn của Bạch Cốt Cầu và những người cỡi chim đã thả xuống hàng trăm trái đạn lân tinh. Hỏa cầu nổ vang, bắn ra những tia lửa xanh biếc, bám vào thân thể bọn Huyết Ấn bang.

Chỉ một đòn đầu tiên này cũng đã khiến nửa số môn đồ của Khang Nhẫn phải lăn lộn trên mặt đất để dập lửa. Tiếng gào thét, rên la xé nát đêm trăng.

Một lão nhân áo vàng, râu dài, có lẽ là hộ pháp của Huyết Ấn bang vội quát vang :

- Anh em rút vào trong.

Thiên Cơ đã nhân lúc khói lửa mịt mù, lướt đến nhập bọn. Mặt chàng bôi đầy đất cát nên trông cũùng giống bọn người đào bới. Bọc hành lý đã bị bỏ lại trên lưng ngựa.

Thiên Cơ chỉ mang theo hộp gỗ đựng đóa Hồng Ngọc Mẫu Đơn và ngân phiếu.

Khi có lệnh rút thì Thiên Cơ là một trong những người đầu tiên chạy vào lăng mộ.

Đường hầm rộng rãi, không thẳng bằng mà có nhiều ngã rẽ khúc khủyu, được soi sáng bằng những ngọn đuốc cắm trên vách.

Thiên Cơ lướt đi như gió thoảng, vào đến khu trung tâm lăng mộ. Đây là một hang đá thiên nhiên rộng rải, trần và sàn đầy những mỏm thạch nhũ. Bọn Huyết Ấn Thần Quân đang cố phá bốn cánh cửa đá trên vách cuối của thạch động.

Thấy Thiên Cơ vào, Thần quân hỏi ngay :

- Phải chăng có kẻ địch đến quấy rối?

Thiên Cơ vòng tay kính cẩn đáp :

- Bẩm Bang chủ! Có một đoàn chim Phụng bay đến rải hỏa cầu khiến phe ta thương vong rất nhiều, phải rút cả vào đây!

Huyết Ấn Thần Quân giận dữ nói :

- Bọn Tử Phượng cung này thật quá lắm! Lão phu phải cho chúng biết tay mới được.

Họ Khang quay sang bảo Xảo Thủ thư sinh :

- Đã đến lúc phải sử dụng đến Xạ Nguyệt Lôi Tiễn của Lâm túc hạ rồi đấy.

Lâm Sĩ Hiếu mỉm cười, mở rương gỗ lấy ra mười cây ống đồng dài hơn gang, đường kính độ ngón chân cái. Gã phát cho đám người đang đào bới, đắc ý nói :

- Nay đã đến lúc đệ tử nhà họ Lâm trổ tài, các ngươi nhớ bắn cho chính xác nhé!

Thì ra mười gã này là người của Xảo Thủ thư sinh mang đến. Cả bọn kéo nhau đi theo Huyết Ấn Thần Quân.

Thiên Cơ cố tình đi sau cùng, ra đến nơi tụ quân của Huyết Ấn bang. Cuộc chiến đang diễn ra khốc liệt vì phe Tử Phượng cung đã bay sát bình đài liên tiếp tung lân hỏa đạn vào cửa hang. Ngược lại, bọn bang chúng Huyết Ấn bang cũng bắn Bạch Cốt Cầu ra ngoài để cản bước tiến đối phương.

Huyết Ấn Thần Quân lao ra ngoài mở đường cho mười gã sử dụng Xạ Nguyệt Lôi Tiễn. Lão liên tiếp đẩy ra những đạo chưởng phong mãnh liệt, đánh bạt lân hỏa cầu và tung mình lên không trung tấn công con Phượng Hoàng gần nhất.

Đòn bất ngờ này đã thành công, cả chim lẫn người rơi xuống đất. Số còn lại sợ hãi bốc lên cao để tránh những mũi lôi tiễn nhưng hơi muộn. Lò xo cực mạnh đã đẩy mũi tên thép bay xa đến mười trượng và phát nổ vang trời, giết liền tám con chim nữa.

Lúc này, Thiên Cơ đã âm thầm quay lại hang thạch nhũ. Chàng lần lượt dùng bàn tay vỗ vào bốn cánh cửa đá đang bị đục đẽo.

Thiên Cơ nhiều năm luyện Thiết chưởng, quen vỗ vào vách đá nên có thể nghe âm thanh mà ước lượng bề dày của thớt đá. Giờ đây chàng có thể đoan chắc rằng bốn phiến đá vuông vức này tiếp xúc trực tiếp với vách đất, nghĩa là phía sau không có khoảng trống nào cả.

Thiên Cơ nhổ một cây đuốc quan sát vách đá lồi lõm rêu phong ở vách phía Tây rồi đến phía Đông. Chàng vỗ liên tục và phát hiện ra tiếng ngân của đá. Thiên Cơ rút kiếm cao sạch lớp rêu tìm thấy lỗ khoá. Chàng đút cuống của cành Hồng Ngọc Mẫu Đơn vào vặn thử thì nghe tiếng lách cách của chốt cửa.

Thiên Cơ kê vai đẩy mạnh, cánh cửa ngàn cân chậm chạp hé mở. Thiên Cơ thở phào lách qua, soi đuốc đảo mắt quan sát. Căn thạch thất này chỉ rộng độ hai trượng vuông, vách sau có cửa sổ tròn và gió đang lồng lộng thổi vào từ đấy.

Thiên Cơ kinh ngạc bước đến thò đầu ra ngoài nhìn lên thì thấy vầng trăng đang lơ lửng cố soi sáng vực thẳm ngoài cửa sổ. Thiên Cơ bước đến chiếc giường ở vách đá trái, ngỡ ngàng nhìn bộ xương mục nát của Võ Lâm Chi Vương. Trong phòng hoàn toàn không có một rương châu báu nào cả. Vật đáng ngờ duy nhất là một chiếc hộp đồng cũ kỹ nằm dưới xương sọ của Bộc Hy Hoàng. Nó khá mỏng nên Thiên Cơ có thể nhét vào thắt lưng bên trong áo.

Biết chắc chẳng còn gì cả, Thiên Cơ chắt lưỡi, vái bộ xương ba vái rồi rời thạch thất. Chàng đóng cửa đá lại như cũ, mau chóng thở ra bình đài.

Cuộc chiến vẫn đang tiếp diễn một cách ác liệt vì Tử Phượng cung đã điều thêm tiếp viện. Đàn chim phượng liên tục thả thêm người xuống bình đài. Họ đều là những nữ nhân có thân hình nhỏ nhắn, nhẹ nhàng.

Đối thủ của Huyết Ấn Thần Quân là một nữ nhân áo trắng, thân hình thon thả, mặt đẹp như ngọc, tuổi tác khó đoán. Nhìn dung nhan thì nàng ta chỉ độ hai mươi bốn nhưng luồng kiếm khí thập thò ở mũi kiếm kia nói lên rằng nàng có đến năm mươi năm công lực.

Tiếc rằng tu vi của Huyết Ấn Thần Quân còn thâm hậu hơn thế nữa và Huyết Ấn chưởng lại quỷ dị tuyệt luân nên phần thắng đã nghiêng về phía Khang Nhẫn. Chưởng kình của lão ác ma hùng mạnh như bão tố khiến trường kiếm của nữ lang rung lên bần bật. Nếu nàng không liên tiếp phóng ra những mũi Tử Phượng thoa thì đã thua tự lâu rồi.

Thiên Cơ chợt nhận ra gương mặt nàng ta rất giống Lan Quỳnh, lòng bồi hồi nhức nhối. Lúc này Thần quân đã dồn nữ lang đến mép bình đài. Phía dưới là các kiếm thủ Huyết Ấn bang. Họ từ ngoài đầu đường mòn kéo vào, một số được lệnh vây chặt bình đài, không cho phe Tử Phượng cung đào tẩu. Chỉ cần trúng một đòn nhẹ của Thần quân, Bạch Y nữ lang kia cũng khó thoát chết dưới tay những người ở dưới. Còn tự nhảy xuống thì nàng không hề có cơ hội vì Khang thần quân đã bủa lưới chưởng vây chặt.

Thiên Cơ len lén đi xuyên qua trận địa, múa kiếm giả vờ tấn công bọn nữ nhân Tử Phượng cung, tiến dần đến phía sau Huyết Ấn Thần Quân. Chàng chưa kịp xuất thủ thì nữ lang áo trắng đã trúng mấy chưởng vào ngực. Không một mảy may suy nghĩ, Thiên Cơ bỏ qua cơ hội ám toán Khang Nhẫn, lao theo chụp lấy thân hình nạn nhân.

Chàng rơi xuống đất và xông thẳng vào bọn đệ tử Huyết Ấn bang. Trường kiếm vun vút như chong chóng chặt phăng mọi trở ngại. Thiên Cơ giết liền một hơi mười hai kẻ địch, rời khỏi bình dài, theo lối mòn lướt như bay ra ngoài đường Độc Đạo Kiếm Môn.

Huyết Ấn Thần Quân trúng một mũi Tử Phượng thoa vào đùi, chẳng thể đuổi theo được, lão hậm hực chửi vang nhưng không biết gã áo đen kia là Mục Thiên Cơ.

Lão chưa hề thấy chàng sử dụng kiếm bao giờ cả.

Thiên Cơ chạy ngược về nơi thả tuấn mã, lên yên phi nước đại. Được vài dặm, thấy nữ lang liên tục ói máu, chàng gò cương cho ngựa chạy chậm lại và nhìn quanh tìm nơi kín đáo để trị thương.

Trời đã sắp sáng, ánh hồng ẩn hiện đằng đông. Thiên Cơ thấy thấp thoáng một mái tranh trong cánh rừng thưa bên hữu liền thúc ngựa rẽ vào.

Đến nơi, chàng phát hiện cửa chính bị khóa chặt, chứng tỏ chủ nhân đi vắng.

Thiên Cơ rút kiếm chặt phăng khóa sắt, đẩy cửa bước vào. Trong nhà không có gì đáng giá nhưng rất tươm tất sạch sẽ. Chàng hài lòng đặt nữ lang áo trắng xuống chõng te, ra sau nhà múc gáo nước đem lên để cho bệnh nhân uống thuốc.

Thiên Cơ nhét vào miệng nữ lang năm viên Hồi Sinh đan, đổ nước vào cho thuốc tan ra, trôi xuống họng. Chàng nhanh tay lột áo nữ lang để xem thương thế. Hai ngọn đồi ngà ngọc kia sưng vù, đỏ ửng dấu chưởng ấn. Hai khối thịt mịn nàng đã phần nào làm giảm bớt lực đạo Huyết Ấn Thủ. Nếu không, nữ lang sẽ thọ thương trầm trọng hơn.

Thiên Cơ vận công điểm một loạt huyệt đạo trên ngực nữ lang, và lên chõng tre dựng nàng ngồi dựa vào lòng mình. Chàng lần lượt đổi tay, lúc tả lúc hữu, áp vào mệnh môn và nhũ phong, dồn chân khí bản thân đi đến vết thương. Luồng chân nguyên vào ở cửa Mệnh Môn và ra ở huyệt Nhũ Trung, trở lại cơ thể chàng.

Tâm mạch nữ lang dần được khai thông, không còn bị tắc nghẽn nữa. Thiên Cơ đặt nàng nằm xuống, ra bếp lục tìm lương thực. May thay hũ kê còn đến bảy tám cân.

Chàng loay hoay nhóm bếp, rửa nồi để nấu cháo kê. Chàng rất đói và nữ lang kia cung cần ăn cho lại sức. Nghe tiếng gà rừng gáy xa xa, Thiên Cơ rời căn thảo xá, đi về hướng ấy. Thiết Hoàn đã vượt độ cao bốn trượng, cắt bay đầu con vật tội nghiệp.