Rừng Nguyên Sinh Bắc Myanmar - Phiến Quỳ

Chương 8




Có người ngồi sau bàn hỏi: “Anh thoát khỏi rừng mưa nhiệt đới thế nào?”

Dường như anh đã quay lại rừng mưa nhiệt đới, gặp phải tình cảnh tượng tự như quân viễn chinh năm ấy, vừa mở mắt là thấy một đôi mắt cười.

Anh nghiêm mặt lặp lại câu trả lời tương tự: “Trên đường tôi ăn quả dại và săn thú, rồi cứ thế thoát ra được.”

Đương nhiên chẳng ai tin những lời xằng bậy như vậy. Điều kiện trong rừng nguyên sinh khắc nghiệt đến mức người bình thường chẳng thể tưởng tượng nổi. Sau khi đi sâu vào rừng mưa, những tán cây rậm rạp che phủ nên về cơ bản con người không thể xác định được vị trí mặt trời, nếu không có la bàn hay GPS thì căn bản không thể phân biệt được phương hướng chứ đừng nói đến chuyện ăn uống. Trong rừng nguyên sinh có hằng hà sa số động thực vật chưa biết tên, kể cả lính đặc chủng có kinh nghiệm phong phú cũng khó lòng phân biệt được đâu là loại không độc và ăn được. Hơn nữa sâu độc thú dữ hở một tí là có thể lấy mạng con người, gần như mỗi bước đi đều chứa hiểm hoạ, làm sao mà anh có thể thoát ra dễ dàng như thế.

Phải, nếu không có Phù Việt, sợ rằng ngay cả bang Shan anh còn chẳng ra được.

Nguỵ Vũ Sâm bình tĩnh nói: “Tôi rất may mắn, không gặp nguy hiểm chết người nào.”

Anh thẳng lưng rời phòng hội nghị, lập tức có hai người theo sau anh. Đúng vậy, ngay cả tự do anh cũng chẳng còn.

Bỗng dưng anh thấy hơi chán chường, anh mạo hiểm thoát khỏi bang Shan, băng qua rừng nguyên sinh để về lại đơn vị, nhưng lại bị giám sát ngay tức thì. Anh biết rõ chỉ thị này do người đứng sau màn đưa ra — “Cú Đêm”.

Rốt cuộc hắn là ai? Xem ra quyền lực của hắn còn vượt xa tưởng tượng của anh.

Hắn sợ anh đã biết gì đó nên đang không ngừng thăm dò. Anh chắc chắn bây giờ chỉ cần anh rời khỏi tầm mắt của quân đội thì nhất định sẽ bị người ta diệt khẩu một cách dễ dàng.

Vậy nên anh chẳng nói gì, không tin tưởng ai, bình tĩnh dùng cùng một cái cớ đợi đối phương xuất chiêu.

Một ông cụ theo sau Nguỵ Vũ Sâm ra ngoài, thản nhiên nói: “Người này còn sót quay về quả là một sai lầm, ngày nào cũng hỏi người ta, thẩm vấn phạm nhân hay gì? Hay là đơn vị sợ họ có thể sống sót quay về sau khi chấp hành nhiệm vụ?”

Mặt của mấy kiểm tra viên kỷ luật ở đằng sau hết xanh rồi trắng, giận nhưng không dám nói.

Ông cụ cầm ly giữ nhiệt đuổi theo anh, hãy còn giận mắng hai câu, rồi ngoảnh nhìn anh thanh niên đang đi kế bên ông. Ông đã dõi theo anh suốt chặng đường trưởng thành đến tận hôm nay, một cảm xúc phức tạp pha lẫn tự hào và phiền muộn xộc thẳng lên đầu.

Anh là chàng trai trẻ ưu tú nhất đơn vị Tây Nam, cũng là chàng trai khôi ngô nhất đơn vị Tây Nam, anh khiêm tốn nhưng điều đó chẳng thể che giấu việc anh là thanh kiếm sắc bén nhất.

Dáng người của anh thanh niên thẳng tắp, sau khi về trông chẳng khác gì trước kia, cứ như một tháng mất tích trong rừng nguyên sinh và bi kịch ở Sách Mễ chưa từng xảy ra. Anh phối hợp làm mọi việc, nhưng ông biết trái tim của anh không ở đây.

Ông cụ thở dài, nói: “Bên trên cho cháu nghỉ phép, về nhà xem thử đi.”

Con ngươi của Nguỵ Vũ Sâm rụt lại, dự đoán của anh không sai, cuối cùng việc này cũng đến.

Anh không có nhà, chỗ bên Hải Định cùng lắm chỉ được tính là chỗ ở. Lần cuối anh về là ba năm trước, trong ấn tượng của anh, ấn tượng nhiều nhất anh có về nơi đó chỉ là một dãy địa chỉ để điền vào tư liệu.

Anh cũng không được tính là người Bắc Kinh chính gốc. Mặc dù đã sinh sống ở Bắc Kinh gần mười năm, nhưng lúc ba mẹ qua đời anh chỉ mới bảy tuổi, cả nhà họ sống gần hồ Sấu Tây ở Dương Châu. Sau đó anh được bạn của ba mẹ đón tới Bắc Kinh, bắt đầu trọ ở trường, tới năm mười bảy tuổi tòng quân thì đến Tây Bắc.

Ra khỏi sân bay thủ đô ngồi tuyến sân bay đến Đông Trực Môn, đổi sang tuyến số 2 tàu điện ngầm cũ đến Tiền Môn thì xuống xe. Tiền Môn là cách gọi khác của Chính Dương Môn – một trong chín cổng, đứng ngay Chính Dương Môn nhìn về trước chính là phố đi bộ Đại Sách Lan. Anh đến đương lúc màn đêm dần buông, trên phố đầy ắp hơi thở phồn hoa và mùi đồ ăn, đó là sự rộn rã khác hẳn rừng nguyên sinh.

Nguỵ Vũ Sâm chỉ liếc nhìn một cái rồi theo bản đồ dẫn đường nhanh chóng rẽ vào phố cổ hồ đồng.

Số 101 phố cổ hồ đồng Bát Đại, cửa Bắc thành phố Châu, thành Tây, Bắc Kinh.

Chỗ này rất dễ tìm, tháng 7 tiết trời oi bức, rất nhiều các bác các dì sống ở thủ đô đang ngồi xổm dưới cây hóng mát, thấy cậu trai trẻ mặc quân phục ngụy trang ngó nhìn số nhà trên cổng nhà này đến cổng nhà khác thì tò mò hỏi thăm: “Cậu trai trẻ, cậu tìm nhà ai?”

Nguỵ Vũ Sâm dừng chân, lễ phép gật đầu, nói: “Thưa dì, dì có biết đường đến nhà họ Phù không?”

Bác gái chỉ cánh cổng màu đỏ cách không xa phía trước: “Cậu tìm Tiểu Phù à, kia kìa.”

Một bác trai ở kế bên nói: “Tiểu Phù đi xa nhà rồi, cậu không tìm được thằng bé đâu.”

Bác gái nói bằng chất giọng nặng khẩu âm Bắc Kinh: “Ừ đúng, mỗi năm thằng bé này lại vắng nhà mấy tháng, cũng không biết đi đâu.”

Nguỵ Vũ Sâm đến trước cánh cổng màu đỏ, trên cổng chính màu đỏ là một ngọn đèn đường theo phong cách phục cổ, ánh đèn hiu hắt ấm áp đẹp đẽ, đúng lúc rọi sáng văn phòng khu phố cùng với tấm biển nhà được khảm bên trái cánh cổng, trên đó viết số 101 phố cổ hồ đồng Bát Đại.

Cổng khoá, hòm thư cạnh bên đã đầy, còn phủ một lớp bụi, xem chừng đã lâu chưa có người về.

Anh đứng lặng trước cửa, duỗi tay sờ khóa, anh muốn vào xem thử, nhưng…

Bác gái nhiệt tình ở đằng sau lại hỏi to: “Này cậu gì ơi, cậu tìm thằng bé làm gì?”

Nguỵ Vũ Sâm ngẩng đầu, cuối cùng cũng cất bước, anh có vóc dáng cao to, dáng người thẳng tắp, mặc quân phục ngụy trang trông cao ráo vững vàng, có sự sắc bén và chính trực tôi luyện từ sa trường.

Nói đơn giản, vừa nhìn anh đã biết là người tốt, người dân ở Tứ Cửu Thành[1] thích quân nhân như anh nhất.

Anh ngồi trên chiếc ghế đẩu chỗ bàn đá mà các bác trai bác gái đang hóng mát, hành vi thái độ nhã nhặn khiêm tốn, thái độ như thế càng dễ lấy được thiện cảm của người khác.

Nguỵ Vũ Sâm: “Cháu là bạn của em ấy, đi ngang qua nên đến xem thử.”

Bác gái bất ngờ: “Chà, đó giờ bác chưa từng thấy Tiểu Việt có người bạn nào.”

Bác trai trêu: “Thằng bé đó tốt tính, vẻ ngoài cũng đẹp, có điều nó không thích giao tiếp với người khác lắm, sống ở đây bao nhiêu năm cũng chỉ thấy mình cậu tới tìm nó.”

Nguỵ Vũ Sâm sững người, con ngươi sáng long lanh của thiếu niên lướt qua tâm trí, trước đây anh cứ nghĩ một người có tính cách như Phù Việt chắc sẽ có rất nhiều bạn bè, bây giờ xem chừng không hẳn là thế.

Nguỵ Vũ Sâm: “Em ấy sống một mình ạ?”

Bác gái: “Ừ, cậu nhìn đi, một mình thằng bé sống trong căn tứ hợp viện to như kia.” Bà tỏ vẻ thần bí ghé lại gần nói khẽ với Nguỵ Vũ Sâm: “Cậu biết căn tứ hợp viện như kia đáng giá bao nhiêu không?”

Nguỵ Vũ Sâm phối hợp lắc đầu, thỏa mãn ham muốn tám chuyện của bác gái, bác gái nói: “Tôi nói cậu nghe, ít nhất phải một trăm triệu tệ!”

Bác trai cũng trưng ra vẻ mặt “cậu không thạo”, nói: “Dưới Chính Dương Môn, khu đất ngay dưới chân Hoàng thành, căn viện đó cũng không nhỏ. Có lần điện thoại của tôi gặp vấn đề nên tôi vào tìm Tiểu Việt nhờ giúp. Trời! Cậu có biết bài trí xa hoa đến nhường nào không, một trăm triệu là còn ít!”

Bác gái vẫy quạt đuổi con muỗi làm phiền mình rồi nói: “Tôi nhớ thằng bé mười tuổi là đã ở đây rồi, đúng không ông Lưu?”

Bác trai nói: “Đúng, thằng bé sống ở đây một mình từ tấm bé, chưa thấy người nhà của thằng bé bao giờ.”

Bác gái thì thầm: “May sao khu này ngay dưới chân Hoàng thành, trị an tốt.”

Bác trai: “Thằng bé thường vắng nhà mấy tháng trời, có lẽ cậu không đợi được thằng bé đâu. Này cậu, cậu biết thằng bé đi đâu không?”

Nguỵ Vũ Sâm cười, anh vốn đã đẹp trai, lúc nở nụ cười thì sức sát thương càng lớn, anh nói: “Có lẽ em ấy đi du lịch thôi ạ.”

Chắc cậu vẫn đang tìm thứ gì trong rừng nguyên sinh Bắc Myanmar.

Từ phố cổ hồ đồng nhà Phù Việt đi về phía Bắc không tới hai trăm bước là có thể nhìn thấy Tiên Ngư Môn, đi về phía Đông Tây của con phố hồ đồng này, từ phố đi bộ Tiền Môn thẳng đến cửa Đông của phố đi bộ Sùng Văn Môn chính là “cổng tới cổng, tam hoa lý” được người ta truyền tai nhau.

Băng qua Tiên Ngư Môn chính là cảnh đêm Đại Sách Lan mà Phù Việt nói. Cuộc sống quanh năm trong quân đội khiến anh chưa thể thích nghi ngay với sự phồn hoa tràn ngập hơi thở phố thị. Nguỵ Vũ Sâm đứng tựa vào tường hồi lâu, cho đến khi ngày càng nhiều các cô gái trẻ ngang qua liên tục ngoái đầu nhìn anh lính có vẻ ngoài xuất chúng và con rắn nhỏ nhúc nhích thân mình vì bất an thì anh mới quay người rời đi.

Đợi có cơ hội vậy.

***

Chú thích: 

[1] 四九城 – Tứ Cửu Thành: thành phố Bắc Kinh cũ được phân chia bởi tường thành, đại khái được chia thành bốn vòng thành bao gồm: ngoại thành, nội thành, Hoàng thành và Tử Cấm Thành. Do đó “Tứ Cửu Thành” ý muốn nói đến bốn cổng Hoàng thành và chín cổng nội thành. Bốn cổng Hoàng thành lần lượt là Thiên An Môn, Địa An Môn, Đông An Môn, Tây An Môn. Chín cổng nội thành lần lượt là Chính Dương Môn, Sùng Văn Môn, Tuyên Vũ Môn, Triều Dương Môn, Phụ Thành Môn, Đông Trực Môn, Tây Trực Môn, An Định Môn, Đức Thắng Môn.