Quỷ Thoại Liên Thiên

Chương 8: Chợ quỷ (Thượng)




Nhìn chung con người không ai thích đi lại trên đường vào ban đêm, nói thật lòng ra là vì không muốn nhìn thấy những thứ khủng khiếp trong bóng tối. Còn nói một cách cao siêu hơn là vì con người là một động vật không thích bóng tối. Chúng ta là một loại sinh vật chỉ thích sinh hoạt dưới ánh sáng mặt trời, bóng tối không thuộc về người sống. Ánh sáng và hơi ấm, đôi khi còn quan trọng với con người hơn bất kỳ thứ gì.

Nhưng tôi thực ra có phần thích đi dạo trong bóng đêm, vì không khí ban đêm tươi mát trong trẻo hơn ban ngày nhiều, hơn nữa còn cực kỳ yên tĩnh. Những người sống ở thành phố lớn như tôi luôn luôn có khuynh hướng ghét những tiếng động ồn ào náo nhiệt, nhưng rồi lại không thể rời bỏ thành phố nổi.

Hôm nay Bạch Dực bất ngờ bị cảm. Thật khó tưởng tượng một người như anh ta lại có ngày bị cảm. Chỉ biết giữa đêm khuya thanh vắng đang ngủ ngon chợt nghe những tiếng sụt sịt liên hồi, ban đầu tôi tưởng là chuột, nhưng sau đó lại nghe tiếng đóng mở ngăn kéo.

“Chết tiệt, dạo này bộ lũ chuột thành tinh cả rồi à?!” Tôi mơ mơ màng màng ngồi dậy bật đèn, sau đó bất ngờ nhìn thấy Bạch Dực vẫn đang cúi người lom khom bên ngăn kéo, trố mắt nhìn sang.

Một trận trầm mặc, sau đó tiếng hắt xì của Bạch Dực vang lên, giữa yên tĩnh lại càng thêm rõ ràng. Tôi thực ra còn chưa tỉnh hẳn, nghe thế liền thuận miệng hỏi một câu: “Anh đang làm gì vậy?”

Bạch Dực xoa xoa mũi nhìn lại về phía ngăn kéo, tiếp tục sự nghiệp tìm kiếm cái gì đó, giọng nói nghèn nghẹt của anh ta vang lên: “Thuốc cảm trong nhà để đâu thế?”

Nghẹt mũi? Thuốc cảm? Nắm bắt được hai chi tiết quan trọng nhất, tôi sửng sốt tỉnh hẳn cả người – Bạch Dực bị cảm? Sau đó lại nhớ ra, dạo trước tôi bị bệnh nặng, có bao nhiêu thuốc trong nhà đều bị tôi uống sạch cả rồi, liền lập tức ngồi dậy nhíu nhíu mày, khoác áo khoác nói: “Khỏi tìm nữa, tôi uống hết rồi, để tôi đi mua thuốc cho anh.” Dừng một chút lại quay lại hỏi: “Có muốn ăn kẹo không?”

Bạch Dực mở to mắt ngạc nhiên nhìn tôi: “Kẹo gì?” Tôi bối rối ho húng hắng vài cái, lúc nào tôi bị cảm miệng cũng bị đắng nên phải ăn kẹo để thấy thoải mái hơn, cho nên vừa thấy Bạch Dực bị cảm thì đã thuận miệng hỏi thêm, chứ cái sự thật là đường đường nam nhi chi chí mà mỗi lần uống thuốc lại phải ngậm kẹo thật không ra cái thể thống gì. Vì vậy chỉ xấu hổ lấp liếm: “Không, không có gì…”

Nhưng đã quá muộn, Bạch Dực đã nhìn tôi cười tà: “Mỗi lần bị cảm cậu lại phải ăn kẹo à?”

“…” Mặt tôi nhanh chóng đỏ thành khoai lang luộc, miệng hớp hớp nhưng không biết phải giải thích ra sao, mà có khi càng nói lại càng mất mặt. Vì thế đành hung hăng lườm anh ta: “Ông đây muốn nói tới kẹo ho ấy!” Nói xong vội vàng vơ ví tiền mở cửa định đi.

Bạch Dực kéo tôi lại, ho khan vài tiếng: “Bên ngoài trời đang mưa đấy, định không mang dù đã ra đường hay sao hả?” Nói xong lập tức đưa cho tôi cây dù.

Tôi gật đầu, cầm dù chuẩn bị ra khỏi cửa, chợt nghe phía sau một câu nói với theo: “Nếu cậu muốn ăn kẹo thì để mai tôi mua vài gói. Thích kẹo mùi gì nào?”

“Có giỏi thì lập lại xem, tôi mua thuốc diệt chuột về cho anh bây giờ!” Tiện tay cầm một cái dép bên bậu cửa ném vào phòng. Nhưng tôi cũng biết lúc này đã khuya, nên cố không gây ồn ào lắm, chỉ đóng cửa một cái “cạch”.

Thở phì phì tức giận đi xuống lầu, hơi lạnh buổi đêm lập tức thốc tới, tôi kéo khóa kéo của áo lạnh, lẩm bẩm: “Ban ngày rõ ràng còn khá ấm áp kia mà…”

Bên ngoài đúng là đang mưa, nhưng không lớn lắm, một cơn mưa bụi nhè nhẹ thả những hạt nước li ti như phủ một màn sương mỏng như có như không lên thành phố, chỉ dưới ánh sáng của những ngọn đèn đường mới có thể nhìn thấy rõ những hạt nước dày đạc mỏng manh đan vào nhau thành một tấm lưới hơi nước lất phất. Vì vậy tuy nói là trời tháng chạp, nhưng lại mang theo vài phần cảm giác “thiên nhai tiểu vũ nhuận như tô”[1]

Tôi bung cây dù xanh, hít sâu một hơi rồi bước chân ra khỏi tòa nhà ký túc xá, hơi lạnh thấm đẫm nước trong không khí lập tức khiến tôi cảm thấy thoải mái sảng khoái tận tâm can, đầu óc còn mơ hồ vì buồn ngủ cũng nhờ thế mà tỉnh táo nhanh chóng.

Lúc này là sắp hừng đông, hầu như mọi tiệm thuốc đều còn đóng cửa, tôi chỉ còn cách đi hơi xa một chút mới có một cửa hàng tạp hóa mở cửa 24/24. Tuy tản bộ dưới trời mưa cũng có thể coi là một hình ảnh tao nhã, nhưng dù sao cũng là thời gian dùng cho giấc ngủ quý giá, cho nên suy tính hồi lâu, tôi quyết định rời đường lớn để rẽ vào hẻm nhỏ đi cho nhanh.

Con ngõ nhỏ cực kỳ an tĩnh, tiếng bước chân của tôi vì thế càng thêm nổi bật. Trong ngõ có một tiệm cơm nhỏ, trước cửa chất đầy rác, giữa không khí ướt át nước trộn lẫn mùi hôi thối đặc trưng của cống nước. Một con mèo hoang đang mải mê kiếm ăn dường như bị tôi quấy rầy, đề phòng nhìn tôi chăm chú rồi nhanh như chớp nhảy biến vào bóng đêm.

Tôi nhăn nhăn mũi, muốn đi nhanh hơn để tránh mùi hôi từ cái cống ngầm, nhưng trong ngõ nhỏ không có đèn đường, mặt đường cũng nhấp nhô đá sỏi, hơn nữa lại bị mưa làm cho trơn trợt lầy lội, nên chỉ một phút không chú ý, chân tôi đã vấp phải đá ngã sấp về phía trước, cây dù trong tay cũng tuột ra lăn xuống mặt đường phía trước cách đó không xa.

Cũng may té không nặng lắm, tôi thấp giọng mắng một câu, rồi lại chống tay đứng dậy, vỗ vỗ bớt bùn đất trên đầu gối và dưới mông, đi tới định nhặt dù lên.

Nhưng ngay khi tôi vừa cúi đầu nhặt cây dù, thì từ con đường sau lưng cách đó không xa chợt vang lên tiếng bánh xe chuyển lạch cạch lạch cạch trên đường. Tuy âm thanh rất nhỏ nhưng vẫn có thể nghe thấy, hơn nữa dường như càng ngày càng gần.

Tôi nghĩ trong đầu, giờ này chưa sáng mà đã có người đi bán hàng rong rồi sao? Bực tức bung dù, tôi dùng tay còn lại cào cào tóc. Cơn mưa thực sự rất dày, tuy không nặng hạt nhưng cũng đủ thấm ướt phân nửa đầu, từng giọt nước long tong nhỏ qua tóc xuống đất.

Nhìn con ngõ nhỏ đen kịt trước mặt, tôi quyết định nên quay lại đi đường lớn cho an toàn, dù sao thì cũng chẳng còn bao xa. “Thật xui quá, biết thế này thì đừng vào ngõ cho xong, mắc công cả người đầy bùn…”

Lẩm bẩm xoay người lại, đột ngột phát hiện một bà lão đã đứng sừng sững ngay trước mặt tự bao giờ. Tôi sợ tới mức hét lên một tiếng, sao bà lão này chẳng phát ra âm thanh gì cả vậy?!

Tôi vội vàng lùi về phía sau mấy bước, tuy cực kỳ kinh hoàng, nhưng nhớ tới chuyện gặp hổn ma đêm Đông chí lần trước thì thực ra trong lòng đã sớm chấp nhận sự thực. Cũng có thể là do dạo này gặp nhiều chuyện quái dị quá, tới mức não cũng đơ cả ra. Lúc này tôi lại cảm thấy bình tĩnh khác thường, không có cảm giác sợ hãi mấy, dù sao thì gặp phải những thứ đó cũng không phải lần một lần hai, huống chi tôi cũng chưa bị hại bao giờ. Vì thế tôi liền lấy lại bình tĩnh bắt chuyện: “Đại nương, đã khuya thế này còn đi dạo sao ạ?”

Y phục bà lão đang mặc có kiểu dáng rất cũ kỹ, toàn bộ làm bằng gấm màu đen chần bông, kín tới cổ, có cảm giác ít nhất là phải tới sáu bảy lớp. Tà áo bên trái thêu khuy bằng chỉ vàng, một chiếc khăn tay màu trắng được gài bên tà áo. Bà lão trông đã rất già rồi, mái tóc trắng như bông, trên mặt đầy nếp nhăn như mặt khỉ, mũi vừa dài vừa nhọn, gương mặt gầy choắt lại, đôi mắt cũng mờ đục. Sắc mặt tuy không tính là nhợt nhạt nhưng lại cực kỳ vàng vọt, da mặt giống như vỏ bưởi vậy, vàng tới nỗi tôi phải e ngại là bà lão này bị bệnh vàng da. Giữa toàn bộ y phục màu đen, nổi bật nhất chính là mái tóc và chiếc khăn tay trắng toát, cùng với một cây dù giấy kiểu cũ trong tay cũng màu đen nốt.

Bà lão từng bước từng bước thong thả tiến về phía tôi, tay còn lại của bà ta cầm tay đẩy của một chiếc xe kéo bằng gỗ, trên xe được phủ một tấm bạt trắng che mưa, nhìn không thấy pía dưới có cái gì, nhưng vẫn tỏa ra một mùi thơm hấp dẫn của đồ ăn.

“Ta chuẩn bị ra chợ bán đồ ăn sáng ấy mà, cậu trai trẻ lúc nãy bị vấp không đau chứ?” Bà lão hỏi. Âm thanh của bà ta rất khàn và trầm, mang âm hưởng giọng miền Nam rõ rệt. Tôi cố hết sức vểnh tai lên để nghe cho được rõ.

Vội vàng phủi phủi bùn đất trên người, tôi xoa xoa mũi ngượng ngùng cười: “Cháu không sao cả. Bạn cùng phòng của cháu bị cảm, cháu đi mua thuốc cho anh ấy.”

Bà lão híp mắt từ từ tiến lại gần như muốn quan sát tôi rõ hơn. Lúc này tôi mới để ý là đôi bàn chân của bà ta rất nhỏ, rõ ràng là “gót sen ba tấc” tiêu chuẩn. Thời này mà còn tồn tại tục bó chân sao? Đôi giày bà ta đang mang rất tinh xảo, là một đôi giày thêu màu xanh ngọc thêu họa tiết hoa mai màu trắng và tím. Nói thật, đôi giày xinh đẹp nọ ở trên chân một bà lão… tự nhiên nhìn có phần bất thường.

Bà lão cười cười lắc đầu nhè nhẹ: “Còn chưa tới lúc.” Sau đó ra sức kéo cái xe đẩy đi qua người tôi. Bánh xe gỗ lại phát ra tiếng lộc cộc lạch cạch.

Tôi thực sự không đành lòng nhìn một bà lão già cả đến thế rồi còn phải làm việc vất vả để kiếm sống. Tuy tôi không phải một ông thánh, nhưng riêng đối với người già, tôi luôn luôn có một cảm giác cảm thông mãnh liệt. Bọn họ đã vì con cháu mà vất cả cả đời, mà bây giờ còn phải vất vả sinh kế giữa trời đêm đầy mưa, quả thực là đáng thương.

Vì thế tôi vội vàng gọi bà lão lại, trong lòng nghĩ ít nhất nên giúp bà đẩy xe tới nơi mà bà ta cần đến, rồi hãy quay về mua thuốc sau. Bà lão quay đầu lại nhìn tôi.

Tôi cười nói: “Như vầy đi bà, cháu giúp bà mang mấy thứ này đến chỗ bà thường bán. Mưa thế này lỡ bà té thì khổ lắm, dù sao thì thanh niên tụi cháu cũng có sức hơn.”

Bà lão cười híp mắt lại, nhưng vẫn nói không cần, sau đó lại quay lại như chuẩn bị đi tiếp. Tôi đã nói là muốn giúp người ta, nếu bây giờ bỏ đi thì sẽ rất giống như đang nói dối, vì thế liền tiến tới cầm lấy sợi dây đẩy xe, lại vô tình đụng phải ban tay bà lão. Tay bà ta lạnh như vừa lấy từ trong tủ lạnh ra, mu bàn tay gầy trơ xương, khớp ngón tay sưng to, trên tay toàn là vết chai, lại vàng ệch giống hệt như sắc mặt bà ta vậy.

Tôi cũng có phần cảm thấy kinh dị, nhưng ngẫm lại khí trời này khiến ột người như Bạch Dực cũng phải lăn ra bệnh, thì huống chi một bà lão ngoài bảy mươi! Lòng hơi nhói lên một cái, tôi nắm chặt sợi dây, quay lại nói với bà ta: “Bà bà, đừng khách khí, bà xem hôm nay trời mưa như vậy, bà cứ che dù để ý kỹ dưới chân là được. Cháu đẩy xe giúp bà.” Tôi kéo kéo thử sợi dây, chết tiệt, không ngờ xe lại nặng tới vậy…?

Xếp dù lại móc vào cổ tay, tôi quấn sợi dây kéo xe nhiều vòng quanh bàn tay, nhìn bà lão cười cười xấu hổ rồi dồn hết sức, đến mức mặt đỏ bừng lên, ra sức bước về phía trước. Bà lão cười cười, cầm dù đi trước tôi dẫn đường.

Bên trong cái xe này rốt cuộc là thứ gì vậy không biết? Cho dù có chở đầy sắt đi nữa cũng không nhất thiết phải nặng đến thế này chứ! Tôi chỉ kéo được hơn một phút thì đã mệt đến mức mồ hôi đầm đìa. Giống như không phải đang kéo một cái xe đẩy con con mà là nguyên cả một cái thuyền lớn chất đầy người trên đó vậy.

Bà lão vẫn bung dù im lìm đi phía trước. Nước mưa rơi vào người tôi ướt đẫm, trên lông mi cũng đầy nước khiến tầm nhìn của tôi mờ đục đi, con đường phía trước cũng trở nên nhòe nhoẹt.

Tôi thở hổn hển, theo bà lão tiến từng bước từng bước một, hơi thở toàn khói trắng. Không biết đã đi bao lâu, hai bàn tay tôi bị sợi dây xiết vào, âm ỉ đau từng trận.

Bà lão bước thẳng không hề quay đầu lại một lần nào, để đuổi kịp bà ta, tôi phải đem toàn bộ sức lực cả đời mình ra, thậm chí không cần biết đường xá phía trước thế nào, chỉ chăm chú kéo sợi dây trong tay mình. Đột nhiên tôi phát hiện bà lão im lặng dừng lại. Tôi ngẩng đầu nhìn phía trước, đúng là phía trước có một con đường, nhưng lúc này mưa quá nặng hạt, tôi không nhìn thấy gì, chỉ có hai hàng đèn đường mờ ảo cho thấy con đường trước mặt.

Bà lão quay lại nhìn tôi híp mắt cười: “Tới đây là được rồi, phía trước để ta tự đi.” Dừng lại một chút, bà ta lại gật đầu cười: “Không ngờ cậu thanh niên trông mảnh khảnh thanh tú thế mà cũng khỏe gớm.”

Tôi lập tức buông dây ngồi xổm xuống thở dốc, con đường ngắn ngủi nãy giờ không ngờ còn tiêu tốn thể lực hơn cả thời đại học chơi bóng rổ. Tôi gạt gạt mồ hôi trên trán, cười nói: “Đại nương, cái, cái xe này nặng khủng khiếp nha.”

Bà lão cười cười, rụt rụt cổ, một tay đưa lên che miệng, động tác khiến người ta liên tưởng tới một con khỉ. Bà ta híp mắt nhìn bốn phía một lúc, sau đó xốc tấm bạt che xe lên, tôi mới thấy bên trong toàn là bánh hạt đào, tỏa ra một mùi hương quế thơm phức hòa cùng mùi gạo nếp tinh khiết, thật là dễ chịu.

Bà lão lấy ra hai cái bánh cho tôi, cười mà nói: “Cầm ăn đi, coi như ta cảm ơn cậu giúp ta kéo xe.”

Tôi vốn định chối từ, nhưng nhìn hai cái bánh vuông vắn thơm phức trước mặt, cũng cảm thấy thích thú, vì thế vội vàng phủi phủi hai tay cầm lấy bánh cúi đầu bỏ vào trong áo. Khi ngẩng đầu lên định cảm ơn, đã thấy bóng bà lão mất dạng từ bao giờ.

Tôi nhìn quanh bốn phía, bà lão này đi sao nhanh thế nhỉ, phải biết rằng cái xe nọ nặng tới mức nào chứ! Tôi nhìn lại con đường trước mặt, tối đen như mực, hai hàng đèn đường lúc nãy đã tắt phụt tự bao giờ. Nước mưa đập vào mặt, tôi lắc lắc đầu, lại chợt phát hiện bên cạnh chân mình là một cái khăn tay màu trắng. Tôi nhớ nó dường như là cái khăn vắt trên vạt áo của bà lão, sao lại rơi xuống đây? Bà ta đã đi mất rồi, làm sao tôi tìm ra mà trả lại cái khăn bây giờ?

Ngồi xuống nhặt cái khăn lên, tôi ngắm nó thật kĩ, chỉ thấy trên khăn tay thêu một chữ “Thọ”, ngoài ra không còn trang trí thêm cái gì khác, nhưng rõ ràng khăn làm bằng tơ voan moảng, chạm vào rất mượt mà. Tôi hơi kinh ngạc, một bà lão bán hàng rong mà có thể mua được một cái khăn cao cấp thế này sao? Vừa nghĩ vừa tiện tay cầm cái khăn lên, nghĩ thầm khi trời sáng nên quay lại đây tìm, có lẽ tìm được bà ta để trả khăn tay không chừng.

Vì vậy tôi lại bung dù, vừa quay đầu lại thì đã phát hiện trước mặt chính là con ngõ nhỏ dơ bẩn nơi tôi đã bị ngã lúc nãy. Nhưng rõ ràng đã đi qua không biết bao nhiêu con đường kia mà…? Lẽ nào do cái xe nọ quá nặng, tôi đi không được bao nhiêu mà đã có cảm giác là đi rất lâu? Tôi lắc đầu quyết định không nghĩ về vấn đề này nữa, quay lại mua thuốc mới là quan trọng nhất. Vì thế lập tức chạy vội ra hiệu thuốc mua thuốc cảm, lại mua thêm một ít kẹo the ngậm ho, tuy lúc nãy bị Bạch Dực trêu chọc, nhưng kẹo ngậm thực sự có tác dụng tốt với bệnh cảm.

Trên đường trở về nhà, tự nhiên tôi nghĩ, hình như mình quá tốt với tên khốn Bạch Dực này rồi?

Bạch Dực không quay về giường ngủ tiếp mà đang mặc một cái áo khoác dày ngồi trên ghế đọc sách. Nghe tiếng tôi lộp cộp đi lên lầu, anh ta ra mở cửa trước. Tôi vừa vào nhà, anh ta đã nhíu nhíu mày hỏi tôi có phải đã gặp ai giữa đường không.

Bởi vì trên đường đi đã tiêu hao sức lực quá nhiều, lại phải về nhà gấp, nên tôi nhất thời không đáp lại được tiếng nào. Chỉ vừa cởi giày vừa đưa thuốc cho Bạch Dực, uể oải nói: “Trước tiên để tôi nghỉ một lát, lau khô tóc cái đã, nước mưa làm cả người tôi ướt sũng cả rồi.”

Bạch Dực nhận thuốc, nhưng lại bất thình lình ghé sát mặt anh ta vào mặt tôi, lông mi của tôi chạm vào mũi anh ta, tôi theo phản xạ rụt người về phía sau, không ngờ mất đà té ngửa ra. Bạch Dực nhanh như chớp kéo tay tôi lại, làm tôi ngã đè lên người anh ta.

Tôi lầm bầm bực tức: “Anh làm cái quái gì vậy, bị cảm còn tới gần như thế, lỡ lây cho tôi rồi sao?”

Bạch Dực không thèm trả lời, chỉ dí sát mũi vào người tôi mà hít hít. Tôi không nhịn được nữa, đẩy mặt anh ta ra, rồi lại đột nhiên nhớ ra, lập tức bật người ngồi dậy sờ sờ túi áo: “Chết tiệt, bánh bị đè bẹp rồi. Anh, anh, mau đền bánh cho tôi!”

Tôi đẩy Bạch Dực ra, đứng lên, cái khăn tay trắng từ trong túi quần rơi ra đất, Bạch Dực tò mò nhặt lên nhìn, rồi đột nhiên sắc mặt tái nhợt đi, quay lại hét lên với tôi: “Đồ ngốc tử!!! Sao lại cầm khăn tay của Tá Thọ bà[2] về thế này?!”

Tôi quay đầu lại hỏi: “Cái gì cơ? Cái gì bà?”

Bạch Dực cau mày nhìn tôi một cách nghiêm khắc như đang nhìn một đứa trẻ hư chuyên gây họa, tay nhanh như chớp móc cái khăn tay ra ngoài cửa sổ, sau đó nắm tay tôi kéo đi. Tôi vừa hỏi anh làm gì vậy, vừa không quên che chở cho hai cái bánh trong túi áo.

Anh ta rốt cuộc cũng nhìn thấy thứ tôi đang cầm trên tay, dường như đã hiểu ra cái gì đó, liền buông tay tôi thở dài: “Tiểu tử này, chuyên gây họa nhưng cũng thường có phúc.”

Tôi ngơ ngác như vừa lọt vào sương mù, để mặc anh ta cầm lấy bánh đặt lên bàn, sau đó vẫn tiếp tục nắm tay tôi kéo thẳng vào toa lét.

Mở nước bảo tôi rửa tay, cả anh ta cũng ra sức cố sống cố chết kỳ cọ hai bàn tay mình.

Tôi cũng ngơ ngác làm theo, vừa rửa tay vừa thầm nghĩ hai chúng tôi nhìn thật giống hai đứa khùng. Rửa tay xong, Bạch Dực dùng khăn mặt lau lau tay rồi nói: “Đi lấy khăn lau khô tóc đi cái đã, sau đó từ từ kể lại cho tôi biết làm sao cậu lại đụng phải Tá Thọ bà thế.”

Nói xong điềm nhiên đi ra ngoài, tôi đờ ra nhìn anh ta, cũng ngốc nghếch gật đầu, sau đó ngoan ngoãn lau khô tóc, thay quần áo rồi đi ra. Bạch Dực đang thản nhiên ăn bánh của tôi, tôi vội hét lên: “Đó là bánh của tôi mà! Sao lại tự tiện như thế hả!!!”

Anh ta vẫn bình thản chỉ vào cái đĩa trên còn một cái bánh nói: “Để lại cho cậu một phần đây thôi! Ăn đi, thứ này không phải lúc nào cũng có đâu!”

Tôi lập tức vớ lấy cái bánh cho vào miệng cắn một miếng, nhưng thật kỳ lạ, rõ ràng mùi bánh rất thơm, vậy mà cho vào miệng lại nhạt nhẽo bất ngờ, cảm giác như đang nhai rơm vậy. Tôi miễn cưỡng nuốt một miếng, sau đó đẩy đẩy cái đĩa: “Anh thích ăn như thế thì cho anh đấy…”

Bạch Dực cười cười: “Có biết đây là cái gì không?”

Cách nói của anh ta giống hệt như lão đạo sĩ trong Tây Du Ký quảng cáo cho cây nhân sâm hình người vậy, tôi mím môi: “Chỉ là bánh thôi chứ gì, ngửi còn thấy thơm, ai ngờ vị lại nhạt phèo như thế!”

Bạch Dực không cầm lấy đĩa bánh của tôi, chỉ dùng tay vỗ vỗ má tôi cười vui vẻ: “Ngốc tử! Cậu thực sự gặp may rồi đó, cái này là bánh của Tá Thọ bà, ăn nó có thể trường thọ đó! Tuy không thể sánh bằng tiên đan trường sinh, nhưng thực sự có thể tăng tuổi thọ của con người!”

Tôi nhìn lại cái bánh trắng trắng bày trên đĩa, vì lúc nãy bị Bạch Dực kéo ngã nên méo mó không còn hình thù như ban đầu, nhưng vẫn tỏa ra mùi thơm nhè nhẹ quyến rũ. Tôi nhíu mày, thầm nghĩ không biết bà lão kia có địa vị gì, lại có thể bán loại bánh giúp trường thọ, chẳng lẽ là thần tiên?

Nhưng Bạch Dực dường như lại nghĩ tới cái gì đó, anh ta nhìn tôi lạnh lùng: “Nhưng sao cậu lại cầm khăn tay của lão quỷ bà đó mang về! May mà tôi nhìn thấy, nếu không thì chỉ ít lâu nữa là cả cậu lẫn tôi đều chết bất đắc kỳ tử mất!”

Tôi ngẩn ra, cái gì?! Một hồi thì bảo bánh của bà ta là linh đan diệu dược, một hồi lại nói khăn tay của bà ta có thể giết người?! Tôi nghe mà cứ ù ù cạc cạc như vịt nghe sấm, vội khoát khoát tay: “Chờ chút chờ chút, vậy anh nói bà lão kia rốt cuộc là tốt hay xấu, là quỷ là tiên hay là một kẻ quái dị hả?”

Bạch Dực dừng lại một lúc, như thể đang suy nghĩ xem nên giải thích thế nào cho tôi hiểu, anh ta đẩy đẩy kính mắt, dùng một tay chống cằm mà hỏi: “Có phải bà lão cậu gặp đó mặc áo liệm, cầm một cây dù màu đen, đẩy một cái xe gỗ không nào?”

Tôi vừa nghe thế liền lập tức gật đầu: “Đúng vậy đúng vậy, anh nói tôi mới nghĩ ra, đúng là bà ta mặc áo liệm, người sống không ai ăn mặc như thế cả!”

Bạch Dực tiếp tục: “Kỳ thực bà ta là một người đã chết, cũng tức là một loại quỷ, nhưng lại có tính hai mặt. Bà ta chuyên đi rút bớt tuổi thọ của những kẻ đem sinh mạng của mình ra thề thốt lung tung. Cho nên tuyệt đối không nên đem chính mình ra thề, tuy chỉ là trong tích tắc mà thôi, nhưng ngôn ngữ vốn là thứ hết sức linh thiêng.” Bạch Dực nhìn tôi một cách nghiêm túc: “Bà ta là một con quỷ như vậy, sau đó lại đem tuổi thọ của những kẻ bà ta đã rút bớt ra làm bánh. Nhưng bà ta không bao giờ tùy tiện đem bánh này bán cho bất kỳ ai, những người có thể được bà ta cho ăn loại bánh này đều là những người mà bà ta đánh giá là người thành thật. Ha ha, nói cách khác, bà ta công nhận cậu là người tốt!”

Mặt tôi hơi đỏ lên, đúng là tôi thường rất lễ phép với người già, mà chính tôi cũng không biết nguyên nhân vì sao. Tôi sờ sờ mũi, bối rối nhìn sang chỗ khác cười cười.

Đột nhiên lại nghe Bạch Dực thở dài: “Nhưng cậu nghìn vạn lần không nên mang khăn tay của bà ta về! Thứ này thuộc về cõi âm, không phải thứ con người có thể đụng vào được. Nó có thể từ từ rút ngắn tuổi thọ của cậu, nếu như giữ quá lâu thì có thể sẽ mất hết tuổi thọ của một đời mất.”

Tôi áy náy phân bua: “Tôi thật sự không biết, tôi chỉ nghĩ nếu lần sau gặp lại thì có thể trả nó lại cho bà ta thôi!”

Bạch Dực dở khóc dở cười nói: “Mà có thể là chính lão bà kia muốn chúng ta đưa trả nó về cho bà ta cũng không chừng. Thôi được, bánh tôi cũng đã ăn, lần này để tôi mang cậu đến chợ quỷ tham quan thử một lần!”

[1] “Làn mưa nhỏ phủ trên đường thẳm, mềm mại như lụa” (thực ra nguyên tác “tô” là bơ – Tô Du Bính ấy mà, nhưng “mềm như bơ” thì nghe hơi buồn cười ^^)

[2] Tá Thọ bà: Bà – mượn – tuổi