Phượng Hồng Vô Tâm - Tiếng Chuông Gió

Chương 15: Chương 15





Tôi mà con An ngồi chuyện trò quên cả thời gian, lúc trời tối rồi nó mới hoảng hốt chạy về nhà cho kịp giờ cơm. Mà con này quái thật, hành xử như con trai mà lại sợ tối, nhà ngay gần đấy mà lúc đi qua cái ngõ cứ líu ríu ngồi sau xe, úp mặt vào lưng tôi, chốc chốc lại hỏi:
- Hưng ơi! Qua cái ngõ chưa? Bao giờ đi hết thì bảo tao tao mới dám mở mắt ra.
Đưa nó về nhà an toàn, lúc cô giúp việc nhà nó đang mở cửa chờ nó vào thì tôi chợt chỉ tay lên cuộn ống nước treo ngang cành cây, bảo:
- An ơi rắn kìa mày!
Nó ré lên, chạy tót lên bậc tam cấp, xong thò đầu nhìn ra cửa, thấy đấy chỉ là ống nước, nó lừ mắt nhìn tôi, ngúng nguẩy đi vào.
Hôm đó, tôi về muộn hơn mọi ngày, bố mẹ tôi hỏi sao đi về muộn, thấy tôi ấp úng trả lời, bố nháy mắt với mẹ:
- Về muộn là về muộn, tôi với bà lại hỏi nhiều làm gì nhể? Thôi, thằng Bin lên tắm rửa thay quần áo rồi xuống ăn cơm, hôm nay mẹ nấu bò sốt tiêu đen đấy.
Nghe tới món khoái khẩu, tôi phóng vọt lên tầng 3, tắm rửa thay đồ với tốc độ ánh sáng, xong trượt trên thành lan can xuống tầng 1. Vừa vào phòng ăn, tôi đã sà ra mâm cơm, hít hà cái mùi thịt bò quện với hạt tiêu thơm nồng, định thò tay nhón một miếng. Mẹ tôi nhéo tai, bắt rửa tay kĩ hẵng ngồi ăn đàng hoàng. Hôm nay mẹ nấu bao nhiêu món ngon, tôi ăn liền 4 bát mới khề khà xoa bụng, ì ạch leo lên gác 3 học bài.
Tôi học phải nói là đại lãn vô cùng tận, trong 1 tiếng đã xong hết cả bài tập, soạn bài cũng ngon lành cành đào rồi,lại trở về với máy tính thân yêu đây, không biết tối nay có ai onl yahoo không? Chán thật, chẳng có ma nào onl. Mai được nghỉ đến cuối tuần cho 12 thi cử gì đấy, vậy mà chẳng có đứa nào chơi tối nay cả. Thôi ngồi đọc Sherlock Homes vậy. Ngồi đọc được phần ba quyển thì tự nhiên tôi bị buzz liên tục, giở ra xem thì toàn là bọn cùng lớp, hết đứa này đến đứa khác rủ tôi đi chơi. Tôi bảo chúng nó lên blog lớp, có gì thì bàn hẳn hoi. Tranh cãi mãi, đứa thì ủng hộ CS muôn năm, đứa thì ủng hộ đi chơi quanh Hà Nội,… Tôi thử đưa ra ý kiến :
- Từ giờ đến cuối tuần còn nghỉ hơn 3 ngày, thứ 2 tuần sau nghỉ công đoàn thêm 1 ngày. Mình thừa thời gian để chuẩn bị một chuyến dã ngoại ra ngoại thành chơi.
Nghe đến "đi chơi xa", chúng nó ủng hộ ầm ầm. Con Thy với thằng Sơn thì càng ủng hộ tích cực. Gì chứ đôi này "tình trong như đã, mặt ngoài còn e" lâu rồi, chuyến này lớp tôi làm mai cho đôi trẻ vậy, sau này chuyện có thành thì đám ông tơ bà nguyệt lốc nhốc này cũng có công to đấy chứ.
Cãi cọ ỏm tỏi trên blog, cuối cùng con Thy phân lớp ra thành 2 nhóm trai với gái. Nhóm trai thì đi trước ngày mai, dò đường sẵn với quan sát chỗ nào tốt có thể ngồi cả lớp được, còn đám con gái sẽ đi dò… hàng ăn ngon, bổ, rẻ. Sáng hôm sau, tôi xin phép trước với bố mẹ sẽ không về ăn cơm trưa, cùng nhóm thằng Hoàng, thằng Quý, thằng Minh đi ra khu ngoại thành, dò cả ngày cũng chẳng tìm ra chỗ nào ra hồn, chỗ gần thì rõ đông người cắm trại, chỗ gần với thiên nhiên thì lại quá xa. Cuối cùng chốt lại là ra Bát Tràng, chơi bời, nặn gốm chán rồi đứa nào mua gì thì mua.
Sáng thứ bảy, hẹn trước ở cổng trường, lớp tôi tập trung được 30 mạng, còn lại vì bố mẹ không cho đi hoặc bận học thêm học nếm gì đấy nên không trốn được. Đúng 6h30, cả lớp bầu đoàn thê tử kéo nhau đên Bát Tràng. Hôm nay rét ngọt, đi xe đạp cho nóng người vậy. Mới đi có già 5 cây số, bọn con gái đã lắm đứa nhõng nhẽo, hỏi liên tục đến nơi chưa, còn bao lâu nữa, mỏi chân rồi. Con An ngồi sau xe tôi, hết nghịch mũ áo tôi nó lại ngắt một cành cây nào đó bên đường, chốc chốc gõ vào vai tôi, vừa cười vừa hô:
- Nhong nhong, tra, nhong nhong. Đi nhanh nữa lên nào ngựa ơi, tí nữa tao cho ăn cỏ xịn. La lá la là là!!!
Đáng lẽ người ngồi sau xe tôi giờ này phải là Trang mới đúng, nhưng tôi sang rủ, cộng với Trang xin bố mẹ mà vẫn không được. Thế là ngồi sau xe tôi giờ là con "đẻ nhầm" quậy như quỷ sứ. Đi hết quãng đường 14 km, cuối cùng bọn tôi cũng tới Bát Tràng, làng nghề gốm sứ nổi tiếng của Hà Nội. Vừa vào làng, bọn con gái nãy còn than mệt giờ líu ríu đi hết chỗ này đến chỗ khác, ở đây bán nhiều sản phẩm từ gốm thật, tha hồ cho chúng nó chọn. Cánh con trai bọn tôi thì lọ mọ đi gửi xe, xong mới quay lại tập trung đàn vịt bầu kia. Con Thy lớp trưởng hét léo nhéo:
- Tất cả tập trung, chuẩn bị điểm danh sĩ số lớp.
Một, hai, ba, bốn,…. Hai chín hết. Nghe "hai chín hết", con Thy hoảng hốt kêu điểm danh lại, vẫn là hai chín nhân. Quái lạ, một đứa nữa rơi rụng đâu rồi? Cả lớp bấm nhau, im lặng không nói gì về cái sai sót ngớ ngẩn của con Thy, nó điểm danh mà quên không đếm chính mình, nên mới có 29 đứa. Trong lúc lớp tôi đứa thì giả vờ lo lắng, đứa thì tủm tỉm cười, riêng thằng Sơn định nói thì bọn tôi kéo ra sau, bịt mồm lại. Bên trên, con Thy sợ xanh mặt, đếm đi đếm lại vẫn 29, chị hạt mít nhà ta nhảy loi choi, đếm lại thêm lần nữa vẫn y như thế. Nó quay vòng vòng như Doraemon, lo lắng không biết "đứa bị lạc" kia đâu. Bỗng dưng nó thút thít chực khóc, cuối cùng là òa lên như đứa trẻ con. Thằng Sơn vội lên dỗ dành cho nó nín, vỗ về:
- Ơ ơ, đừng khóc, đừng khóc mà, vẫn đủ 30 đứa mà, không thiếu đứa nào hết.

Con hạt mít càng khóc to hơn, nó mếu máo:
- Sơn đừng an ủi tớ làm gì. Hứ hứ hứ… tờ làm lớp trưởng…vô…vô…trách…nhiệm..hứ hứ hứ. Biết ăn nói..hứ hứ… sao với bố mje đứa bị lạc giờ…hứ hứ!
Bọn lớp tôi chạy ra dỗ mãi nó mới nín, đếm lại, nhưng vẫn 29, thế là lại mếu mếu chực khóc. Thằng Sơn hớt hải:
- Ây ây ây! Còn chưa đếm chính Thy mà, nên không đủ 30.
Nó ngơ ra, ngẫm nghĩ một lúc, rồi lại cười toe toét, vỗ vỗ đầu:
- Hì hì, quên mất. Thế mà lo mãi.
Cả lớp tôi thấy thế thì cười ồ lên rồi rồng rắn kéo nhau đến xưởng gốm.
Bọn con gái kì cục thật, mới khóc xong đã lại cười được, mưa nắng thất thường, chẳng biết đâu mà lần.
Xưởng gốm này hôm qua lúc đi dò đường bọn tôi đã thỏa thuận với chú chủ trước, chồng tiền đầy đủ để hôm nay lớp tôi đến nặn gốm, gửi lò nung xong đem về. Trước khi chọn, tôi mà thằng Hoàng đã phải ngồi quán nước gần nửa ngày trời, nghe ngóng tin tức xem xưởng nào đắt xưởng nào rẻ, xưởng nào chủ dễ tính, xưởng nào hướng dẫn khách đầy đủ mới dám chọn xưởng này. Đợi mọi người ổn định, chú chủ giới thiệu sơ qua về lịch sử làng nghề Bát Tràng, lịch sử gia đình chú nối đời làm gốm, hướng dẫn bọn tôi những công đoạn cơ bản để nhào nặn ra một sản phẩm hoàn chỉnh. Nhìn thì dễ nhưng lúc làm mới thấy khó, có đứa rưới ít nước, đất sét khô quạch, đặt lên bàn xoay không tài nào nặn nổi, có đứa thì rưới nhiều nước quá, cục đất nhão nhoét ra, lúc xoay tít thì vừa thành hình chút đã đổ ụp xuống hoặc bắn ra xung quanh. Tôi đợi chúng nó làm hỏng xong lượt đầu rồi mình mới rút kinh nghiệm nặn. May mắn làm sao, cái tôi nặn lại vừa đủ nước, nhẹ vuốt một cái lên là cái ca uống nước dần dần thành hình, phen này tôi quyết phải nặn một món quà thật đẹp tặng Trang. Nặn xong cái thân, tôi loay hoay gắn tay cầm cho cái ca khổng lồ của mình, bở hơi tai mới gắn được cái tay cầm méo mó vào, tôi vuốt vuốt, nặn nặn cho nó thuôn tròn, rồi nhẹ nhàng nhấc khỏi bàn gốm, đem đi đợi nung. Lúc về chỗ, tôi thoải mái ngồi nhìn bọn cùng lớp đang chật vật sáng tạo nghệ thuật. Bên phía thằng Sơn, nó đang dồn toàn bộ tinh thần để nắn một cái chậu xương rồng hình trái tim, mà đúng hơn là hình trái quái dị. Chắc ku cậu định tặng chị Thy hạt mít. Thằng Hoàng với thằng Minh thì đang hợp tác nặn một cái bình hoa khổng lồ, nhưng bọn nó quá say sưa tạo dáng cho cái bình hoa mà quên mất không có thằng nào luồn tay vào để tạo cho bình hoa có một cái ruột rỗng, thành ra nó trở thành một cái cục đất có hình bình hoa. Nhận ra sai lầm, hai thằng chửi nhau, thằng này chửi thằng kia ngu học tốn cơm, thằng kia chửi thằng này sao não để dưới đít à mà không biết luồn tay vào lúc nó giữ đáy,…. Mải mê nhìn những người khốn khổ đang lấm lem cao lanh, cãi nhau ỏm tỏi vì tác phẩm, chợt có một cái gì quất phát vào gáy tôi. Tôi nghiến rặng quay phắt ra sau, gặp ngay cái mặt nhơn nhơn của con An, nó chắp tay sau lưng, hơi cúi người xuống, nghiêng nghiêng mặt hỏi tôi:
- Ê thằng bất tài! Sao mày ngồi không thế? Chắc lại không nặn được cái gì ra hồn nên ngồi xem lớp trổ tài chứ gì?
Tôi vênh mặt lên, khoát tay:
- Chuyện nhỏ. Anh đây đã làm xong từ đời nào rồi, đang chờ nung. Còn mày làm gì rồi mà lông bông ra đây phá phách?
Nó chỉ tay về phía gốm chờ nung, bảo:
- Xì! Tao ra đây chơi nhiều rồi, nặn hơi bị nghề đấy. Tao nặn một bộ ấm trà cho bố tao rồi.
Tôi ngạc nhiên, hỏi:
- Có thật không đấy hay lại một tấc đến giời?
Nó gõ phát nữa vào đầu tôi, cười:
- Tao thèm vào lừa mày. À hay là tao với mày nặn chung một cái đi!
Chẳng đợi tôi đồng ý, nó chạy biến ra chỗ lấy đất, lựa lựa rồi khệ nệ bê về một cục đất to tướng, đặt đánh ịch xuống bàn xoay. Nó quát tôi:

- Ngồi đần mặt ra đấy à? Dậm bàn xoay đi, cầm cái gáo lên tưới nước vào.
Tôi quạu mặt, chân vừa dậm, tay cầm cái gáo dứ dứ lên định bổ vào đầu nó, quát giả:
- Con này láo. Mày dám ra lệnh cho đại ca hả? Đánh cho to đầu giờ.
Múc gáo nước lên, tôi từ từ tưới vào cục đất cao lanh cho đến khi con An bảo dừng. Hai bàn tay thuôn nhỏ của nó, nhẹ nhàng miết, vuốt quanh cục đất sét, từ từ biến cục đất vô tri mang hình dáng của một cái bình hình trụ. Vừa làm, hai mắt nó long lanh, chăm chú nhìn vào khối đất, miệng mím lại, thè ra đầu lưỡi bé tí ở bên khóe môi, tập trung vào công việc. Tôi ngẩn ngơ nhìn nó, chợt nó giục:
- Thò tay vào để tạo cái ruột đi kìa, tay tao bé quá khó vuốt cho nó đều. Nhanh nhanh lên!
Tôi luống cuống thò tay vào trong cái ruột bình bé tí con An vừa miết ra, nhè nhẹ ấn tay xuống rồi vuốt ngược lên cho cái thân bình dài ra. Lúc xoa tay quanh thành bình, mấy lần tay tôi chạm nhẹ vào tay con An. Bàn tay con gái thuôn nhỏ, lem nhem đất cao lanh, phủ lên trắng bóc, nhìn khó mà nhận ra đâu là tay nó, đâu là cao lanh nữa, chắc tại nó trắng quá. Những lần lướt qua tay con An, tôi lại thấy ngượng nóng bừng tai, còn nó vẫn mặc nhiên, coi như không. Nặn mãi phải đến hơn nửa tiếng mới xong cái bình, con An ngồi nặn thêm một cái nắp nữa rồi gửi vào chỗ lò nung. Tôi hỏi :
- Mày nặn cái bình gì mà nhìn quái dị thế?
Nó vừa rửa tay, vừa đáp:
- Quái cái đầu mày í. Cái bình đấy bao giờ tô vẽ, tráng men, nung hoàn chỉnh. Tao với mày sẽ viết một giao kèo làm bạn mãi mãi, rồi đóng dấu, kí tên bỏ vào đấy. Rồi chôn cái bình đó ở một nơi bí mật. Sau này, khi tao với mày già lụ khụ rồi, tao với mày sẽ dẫn con cháu nhau ra chỗ cái bình, đào lên, cho chúng nó xem giao kèo, rồi con cháu tao với mày sẽ lại làm bạn của nhau, cứ thế, cứ thế mãi.
Tôi bật cười vì sự lo xa của nó, đúng là con gái hay mơ mộng thật, kể cả đó là một đứa con gái "đẻ nhầm" như con An.
Cả lớp sau khi gửi xong gốm, kéo nhau về Hà Nội, rồi ra Tràng Tiền ăn kem, lại kéo đi ăn kem rán, xong lại rủ nhau đi ăn bún bò, nem chua rán. Lúc cả nhóm tách nhau ra, những đứa nhà xa thì có bọn con trai hộ tống về, tôi thì đèo con An về. Nhưng đang đi thì tự nhiên mưa rơi lích rích, buốt cả mặt. Đang mùa đông mà sao lại có mưa thế này nhỉ? Mặc kệ, tôi cứ phăm phăm đi tiếp. Thêm lúc nữa thì một cơn mưa đổ ào ào xuống, lạnh thấu xương. Tôi vội vàng phóng xe lên vỉa hè, đảo mắt nhìn quanh xem còn nhà nào mở cửa không. Chỗ bọn tôi đang đi là khu xưởng cho thuê, đêm người ta đi về hết, tối om om, ánh sáng duy nhất là từ đèn cao áp bên đường. Trú tạm dưới mái hiên của một xưởng cắt nhôm kính gì đấy, tôi với con An rét run cầm cập, hai hàm đánh vào nhau lốc cốc. Tôi tập võ, lại quen sương gió từ hồi bé leo trèo ở quê không sao, nên cũng chỉ hơi lạnh, nhìn sang con An thì thấy nó rét tái nhợt mặt, thở dốc cố làm cho ấm người lên. Đưa tay ra ấn thử vào cái áo nó đang mặc, tay tôi sũng nước.Thôi đúng rồi, con này mặc cái áo bông xốp thế, nó hút nước nhanh, tích nước lại, không khéo áo len các thứ mặc bên trong cũng ngấm nước hết cả rồi. Tôi bảo nó:
- An, cởi áo ra!
Nó kinh hãi nhìn tôi, lắc đầu quầy quậy:
- Mày điên à, thằng biến thái? Đang lạnh chết đây, mà cởi ra ngại lắm.
Tôi quát:
- Mày xem, áo mày ngấm nước mưa sũng ra kia kìa. Không cởi ra, nước nó cứ ủ như thế, mày viêm phổi thì bỏ mẹ mày.
Nó lí nhí:
- Nhưng mà mày con trai, tao con gái, ngại lắm. Với lại cả hai đứa đều ướt hết rồi, lấy đâu ra quần áo mà thay?

Tôi cúi xuống, lục trong ba lô ra được cái áo len với cái áo khoác có mũ của tôi, lúc nãy, đạp xe nóng qua nên tôi cởi ra cất vào trong ba lô, may mà chưa ướt. Tôi đưa hai cái áo ra, bảo:
- Có hai cái này thôi. Mày mặc tạm đi, không nước mưa, gió nó thổi lạnh thế này, mày lại yếu nữa, chịu sao nổi.
Nó đỏ bừng mặt, cúi đầu:
- Ơ. Nhưng mà tao ướt hết cả áo trong lẫn áo ngoài rồi, cởi thì phải…phải cởi ra hết. Tao ngượng lắm.
Tôi cũng thấy ngượng chín cả mặt, mặt đỏ lựng lên, cố nói:
- Mày cứ yên tâm thay đi, tao quay ra mặt đường, chăng cái áo bông lên che ày. Tao không nhìn đâu!
Nó ngẫm nghĩ, dè dặt nói:
- Mày hứa nhé, không nhìn nhé. Nhớ đấy
Tôi gật đầu chắc nịch:
- Tao không nhìn, thay đi nhanh lên.
Nó giơ bàn tay trắng nhợt ra, chìa ngón tay út, run run:
- Ngoắc tay thề đi tao mới tin.
Tôi ngoắc tay, thề. Xong nó lùi lại, tay khẽ lần bấm lách cách cúc cái áo bông. Chợt nó dậm chân, bảo tôi:
- Mày quay đi, tao ngượng lắm. Nhớ không nhìn đấy.
Tôi quay mặt ra ngoài đường, rõ là. Mới có cái áo bông ngoài thôi cũng ngại, tí nữa chắc nó khử mình luôn cho không nhìn được quá. Đang đứng, bỗng con An dúi cái áo bông vào tay tôi, bảo:
- Mày hứa rồi đấy. Chăng lên che cho tao đi, đứng im đấy.
May mà giờ này đường vắng lắm rồi, khu này đêm đến lại ít người qua lại, nếu không thấy một thằng con trai đang đứng đây chăng áo, lại có đứa con gái lúi húi đằng sau, người ta hiểu lầm thì xong luôn danh dự một đời.
Cái tĩnh lặng tôi vốn rất thích mỗi khi về đêm, giờ lại khiến tôi muôn xua nó đi thật nhanh. Trong cái tĩnh lặng đó, từng âm thanh nhỏ nhất cũng trở nên rõ ràng đến rùng mình. Sau lưng tôi, tiếng cúc kéo lạch cách, tiếng kéo phéc- mơ- tuya, tiếng sột soạt vang lên, thỉnh thoảng giọng nói lí nhí của con An lại khẽ nhắc:
- Hưng ơi mày che kĩ vào nhé. Nhớ đừng có nhìn lén nhé Hưng ơi!
Một thằng con trai mới lớn, giờ phải đứng cạnh một đứa con gái phổng phao đang thay đồ sau lưng mình, khó chịu làm sao. Cả người tôi nóng bừng bừng muốn bốc hỏa, tựa như không còn biết đến cái lạnh đang thấm vào nữa. Trong đầu tôi, như có một giọng nói vang lên:
- Quay ra sau đi Hưng ơi. Cơ hội thế này còn gì. Chỗ này không có ai, mày có nhìn lén cũng chẳng ai hay. Chỉ có trời biết, đất biết, mày biết, con bạn mày biết. Mà nó là bạn mày, nó dễ dàng bỏ qua ày thôi, nhìn chút thôi, có sao đâu.
Tôi gần như xuôi theo cái h@m muốn đang trỗi dậy. Nhưng khi cổ tôi hơi nhích chút, tôi lại nhớ đến cái ngoắc tay thề, nhớ đến ánh mắt tin tưởng của con An dành cho tôi. Tôi hoảng hốt, tự hỏi mình đang nghĩ gì thế này, đứa con gái kia là bạn thân của mình cơ mà, nó đã bỏ qua tất cả, sẵn sàng tin tưởng một thằng mới gặp đầu năm như mình, chịu bước ra khỏi vỏ bọc bất cần đời kia, cớ làm sao mình phụ lòng nó được chứ. Tôi quay thẳng mặt ra ngoài, nhắm tịt mắt, coi như điếc như mù. Bỗng có tiếng lí nhí :

- Hưng ơi. Tao thay xong rồi. Mày quay lại đi. Đứng mãi thế mưa nó hắt ướt hết mất.
Tôi vào, đưa áo cho con An cất vào ba lô nó. Nhưng nó không cất mà lại tiến ra cửa định che cái áo lên. Tôi ngạc nhiên:
- Mày làm cái quái gì đấy?
Nó ngơ ngác:
Thì tao che ày này, mày không thay à? Nước nó ngấm vào chết!
Tôi mỉm cười:
- May còn hai cái áo đấy thì mày mặc rồi còn gì nữa. Mà tao có ướt nhiều đâu mà cần áo.
Nó tiến lại, tay túm nhẹ lên ngực áo tôi, vắt ra gần nửa ca nước. Nó bảo:
- Thế này mà không ướt nhiều à! Mày mặc cái áo khoác này vào đi.
Nói đoạn, nó cầm phéc mơ tuya định cởi cái áo ra. Tôi vội ngăn lại, vỗ ngực tự hào:
- Mày coi thường tao thế. Tao tập võ từ năm lớp 7, về quê thì bạ đâu ngủ đấy, tắm mưa như cơm bữa, có làm sao đâu. Mày con gái, mặc 2 cái này là không đủ rồi, nhưng bần cùng thì mới chịu vậy thôi, chứ còn cái nữa tao cũng đưa nốt chô mày.
Nó chợt rơm rớm nước mắt, sụt sịt:
- Tao cảm ơn. Thằng bạn tốt của tao
Tôi lau nước mắt nó, cười xòa:
- Vẽ chuyện. Bạn bè phải giúp nhau chứ không thì bạn bè cái mẹ gì nữa! Cố lên chiến hữu, tý nữa mưa tạnh, tao hộ tống mày về nhà
Nó chợt đỏ bừng mặt, bảo:
- Mày cởi cái áo ướt ra đi rồi ngồi xuống.
Tôi thấy lạ nhưng cũng làm theo, con An lấy trong balo ra một cái khăn len, quàng lên vai tôi, rồi nó thu người lại, rúc vào ngực tôi. Tôi nóng rực cả người, định đẩy nó ra, nó kéo tay tôi ôm vòng vào người nó, nói :
- Tao có áo rồi không làm sao, mày ôm tao thế này thì nó truyền nhiệt vào, máy cũng đỡ lạnh. Nhưng mà cấm cõ nghĩ lung tung đấy, chỉ vì bất đắc dĩ mới phải làm thế này thôi.
Giờ tôi mới để ý rằng con An nhỏ bé hơn tôi tưởng rất nhiều, cả về hình dáng lẫn tâm hồn. Nhìn nó nhỏ, mặc cái áo dài, rộng thùng thình của tôi như bơi trong đó, tôi lại thấy buồn cười. Có lẽ trong lòng tôi thấy thinh thích nó một chút rồi đấy, nhưng tôi phải biết kìm hãm cảm xúc của mình lại. Một tình bạn trong sáng và đẹp như thế này, giữa một thằng con trai và một đứa con gái, tôi biết tìm đâu nữa, tôi nhất quyết sẽ giữ nó trong giới hạn tình bạn, không thể để cảm xúc tình yêu phá vỡ mất giao kèo thiêng liêng giữa tôi với nó.