Phong Ba Diễn Kịch Hàng Ngày Với Thái Tử

Chương 8




"Phương Bắc?!" Ta bật dậy như cá chép quẫy mình, giận dữ quát: "Bây giờ tình hình phương Bắc thế nào con bé không biết sao? Nó điên rồi à!"  

 

Hồng Sương đáp: "Lúc Tứ tiểu thư phát chẩn cháo và thuốc, chữa trị miễn phí ở thành Tây, đã gặp một tên ăn mày mặt mũi bị hủy, thần trí mơ hồ. Tiểu thư nói người này khí độ bất phàm, không giống người thường, nên nhất quyết chữa trị. Gã ăn mày cũng không chịu, cứ chạy thẳng về phương bắc, tiểu thư cũng đuổi theo, giờ đã rời phủ một đêm rồi, nhưng tiểu thư có để lại một phong thư..."  

 

Ta ấn mạnh vào nhân trung: "Chuyện này cha đã biết chưa?"  

 

"Lão gia bị Bệ hạ giữ lại trong cung, Nhị tiểu thư không ở trong phủ, Tam tiểu thư bị thương khi huấn luyện ngựa lần trước, vẫn còn nằm trên giường nghỉ ngơi. Chỉ chờ người trở về quyết định."  

 

Trước mắt ta tối sầm...  

 

Khoan đã.  

 

Ta bỗng bừng tỉnh.  

 

"Trưởng tỷ như mẹ", muội muội ta nuôi, ta hiểu rõ. Cô nương ta dạy dỗ, dù có ngang ngược thế nào, cũng chẳng thể hóa điên được?  

 

Ta hỏi: "Thư đâu?"  

 

Hồng Sương dâng lên một phong thư được niêm phong kín kẽ.  

 

Ta cẩn thận mở ra, nét chữ trên giấy vội vàng, nguệch ngoạc: "Lý Chước Nan, đã tìm được."  

 

Tim ta đập mạnh một cái, nhanh chóng gấp thư lại, hạ lệnh: "Tìm một người cải trang thành Tứ tiểu thư, giả vờ bị phong hàn nên phải đội mũ che mặt, tiếp tục phát chẩn ở thành Tây. Còn Tứ tiểu thư thật, từ đầu đến cuối chưa từng gặp gã ăn mày mặt hủy kia, cũng chưa từng rời khỏi phủ, càng không để lại là thư nào cả, hiểu chưa?"  

 

Hồng Sương cúi đầu nghe lệnh, lặng lẽ lui ra.  

 

Gió lạnh bên ngoài đẩy cửa sổ bật mở, ta bước đến bên cửa, nhìn đống tuyết đọng còn chưa tan hết trong sân.  

 

Những chuyện phiền phức năm nay như xuyên thành một chuỗi, bắt đầu từ lúc Thái tử giám quốc, đến vụ náo loạn ở Hàm Vân Lâu trong hội chùa, Thái tử đích thân trấn an dân chúng, lòng dân tăng mạnh; đến việc Nhung Địch ngày càng ngang ngược, Bắc cảnh an nguy như lửa sém lông mày, mọi người đều muốn Thái tử an ủi lòng quân; rồi bây giờ, lập trường của Thái hậu khó lòng phân biệt, hòa đàm cũng là hợp nhẽ...  

 

Trong thế cục rối ren này, hẳn phải có điều gì đó mà ta có thể chủ động làm để xoay chuyển tình thế…..  

 

Đúng rồi!  

 

Kể từ khi tiên đế băng hà, Thái hậu luôn ẩn mình trong cung, chỉ đứng sau thao túng triều chính, chưa bao giờ ra mặt hỏi chuyện dân gian.  

 

Tiên đế đã qua đời mười lăm năm, mà Thiện Nghĩa Thương ở ngoại ô kinh thành lại mới được xây dựng gần đây. Thái hậu làm sao có theo tiên đế đến thăm Thiện Nghĩa Thương được?  

 

Trừ phi...  

 

21.

 

Ta đổi ngày nghỉ với đồng liêu.  

 

Hôm nay thời tiết đẹp, xuất hiện mấy vạt nắng hiếm hoi. Ta mặc thường phục, một mình đến Thiện Nghĩa Thương ở ngoại ô kinh thành.  



 

Đây không chỉ là một nhà kho, mà là cả một khu nhà kho. Bên cạnh nhà kho là mấy gian công sở nhỏ nhắn không mấy khí phái, quy mô đơn sơ, gần như chỉ là nơi cư trú của các quan thủ kho.  

 

Chế độ này còn yếu kém lắm.  

 

Ta đứng cách gian phòng công sở một khoảng vừa phải, không xa cũng không gần, tự mình quan sát. Mấy gã thị vệ liếc ta một lát rồi quay đi tiếp tục thả hồn bay xa.  

 

Thời điểm này đúng vào giữa đông rét buốt, đám thợ thủ công vừa hà hơi vừa tất bật sửa chữa các góc nhà kho. Tuyết đọng và bùn nước ở những chỗ trũng xung quanh đều được dọn sạch, một nhóm người đồng tâm hiệp lực làm việc, không khí rộn ràng đầy sức sống.  

 

Ta xoa cằm, cảm thấy nghi hoặc.  

 

Thật không ngờ. Chỉ vài câu ta dạy cho Ứng Đan Trần mà lại có tác dụng vậy ư? Hiệu quả cũng rõ rệt quá rồi nhỉ?  

 

Cái bệnh đa nghi ch-ế-t tiệt của ta, sao cứ thấy không đúng nhỉ?

 

Đầu óc ta đang lơ lửng, lúc quay người lại, suýt va phải một người phụ nữ.  

 

Bà mặc bố y màu trắng, nhưng không thể che giấu mùi hương trầm thanh lãnh trên người. Mùi hương nhàn nhạt, lại rất tự nhiên, không phải như mới xông mà do dùng hương lâu ngày nên mùi đã ngấm vào người.  

 

Ta thốt lên kinh ngạc: "Thái..."  

 

Có thợ thủ công cạnh đó tò mò quay đầu nhìn, ánh mắt của người phụ nữ lập tức trở nên sắc bén.  

 

Ta vội hạ giọng, sửa miệng: "Thái phu nhân."  

 

Thợ thủ công kia thu ánh mắt lại.  

 

Thái hậu im lặng nhìn ta một lúc, rồi khẽ hỏi: "Tiểu Huống đại nhân, trước đây nghe nói ngươi từng dâng lên mười hai quyển tấu chương phân tích lợi hại của pháp phân chia ruộng đất ở ngoại ô kinh thành, ai gia đã biết ngươi là người có tâm. Sao hôm nay lại đến đây?"  

 

Ta chỉnh lại tay áo, cung kính thưa: "Thần nghe gia phụ nhắc đến, Thiện Nghĩa Thương tuy mới xây mấy năm gần đây, nhưng từ thời tiên đế đã có tiền thân là Đôn Nghĩa Phường. Sau đó vì loạn phỉ ở Bắc Giao mà bị phá, di tích được cải tạo thành nhà dân, nay ít ai còn nhớ đến. Gia phụ từng phụ trách xây dựng nơi đó, còn nhớ ngày bắt đầu khởi công, đến nay vừa tròn mười năm. Ông ấy bận rộn nhiều việc, không thể thoát thân, nên thần đến thay ông xem xem."  

 

Thái hậu hơi ngẩn người: "Phải rồi, Huống Thừa tướng năm đó đang làm Công bộ Thượng thư. Tính ông ấy lạnh lùng vậy mà lại bận tâm đến những chuyện này sao?"  

 

A! Ông ấy đương nhiên không để tâm, đây là chuyện ta tự tra ra thôi.

 

Nhưng ngoài miệng vẫn phét lác một cách đường hoàng: "Gia phụ tuy bên ngoài lạnh lùng, nhưng ở nhà lại lắm lời như mấy lão mụ tử vậy."  

 

Thái hậu không khỏi bật cười: "Tiểu Huống đại nhân, lời này ngươi cũng dám nói với ai gia sao?"  

 

Ta chớp mắt: "Ngài thông tình đạt lý, chắc hẳn không mách với gia phụ của thần đâu."  

 

Thái hậu lại che miệng cười một hồi. Bà bảo dưỡng rất tốt, phảng phất khiến người ta như nhìn thấy hình bóng thiếu nữ duyên dáng thuở xưa.   

 

Một cơn gió nhẹ nhàng thổi qua, bà dịu giọng nói với ta:  "Đã gần giờ Tỵ rồi, qua một lát nữa người sẽ đông hơn, Tiểu Huống đại nhân nên về sớm đi."  



 

Ta nghe lời, hành lễ rồi lui xuống. Nhưng khi quay lưng đi, đôi mắt ta chầm chậm híp lại.  

 

Vừa nãy khi người thợ lấm lem bùn đất kia nhìn qua đây, ánh mắt của bà ta thoáng qua một tia tối tăm. Đó không phải là vẻ lo lắng sợ bại lộ thân phận, chuốc lấy phiền phức.

 

Mà là sự chán ghét.  

 

Hai năm làm huyện lệnh ở huyện Tùng Diệp nghèo khổ, bị phú thương đại hộ lầm tưởng là ăn mày vô số lần, ta đã quá quen với ánh mắt như vậy.  

 

Đó là ánh mắt của một kẻ ngồi trên vị trí cao lâu ngày, tự cho mình thanh cao, khinh thường chung đụng với phường heo chó; là sự miệt thị và ghét bỏ đối với những bách tính áo vải đang vật lộn trong bùn lầy để sinh tồn.  

 

Ta xoay mình trèo lên ngựa, lao nhanh về Huống phủ.  

 

Tiếng gió rít bên tai, cái lạnh làm đầu óc ta càng thêm tỉnh táo.  

 

Nếu lúc này ta còn tin rằng bà ta ép buộc Thẩm Xác đi Bắc địa, kiên trì nghị hòa là vì cái gọi là bách tính, thì đúng là gặp quỷ rồi.  

 

22.

 

"Cha."

 

Bóng hoàng hôn buông xuống, ta đứng trên hành lang gấp khúc gọi cha ta khi ông vừa trở về phủ.  

 

Ông dừng bước, lạnh lùng quay đầu lại.  

 

Dưới hành lang, cơn gió thổi tung một bên cửa gỗ, những hoa văn điêu khắc trên đó thật hoa lệ, nhưng chính vì quá phức tạp, rất nhiều những góc cạnh nhỏ bị tích bụi bẩn, những mảng tuyết rơi xuống từ trên đó cũng có phần bẩn hơn chỗ khác.  

 

Ta chợt hỏi: "Người có biết tại sao lần trước Thụy Thân Vương phủ thiết yến, Tam muội nhất quyết muốn thi đấu thuần ngựa với con trai út của Bùi tướng quân không?"  

 

Gân xanh trên trán cha ta nổi lên: "Ai mà biết nó nghĩ gì? Làm mất hết mặt mũi Huống gia…."  

 

"Chậm đã," ta khẽ cười, "là do con sai nó làm đấy."  

 

"Con... con... con..."  

 

"Khi ấy, khách khứa tại đó đều vây quanh tiểu Bùi công tử và Tam muội xem cuộc thi, còn Hồng Sương nhân cơ hội lẻn vào thư phòng của vương phủ, giải được một câu đố mà con nghĩ mãi không ra—--thái độ của Bệ hạ với Thái hậu vô cùng cung kính, có thể coi là tấm gương hiếu đạo của Đại Lương, nhưng vì sao bà ta lại luôn đối nghịch với Bệ hạ?”

 

“Bởi vì.” Ta trầm giọng nói, “Thái hậu và Thụy Thân Vương vốn là thanh mai trúc mã, đáng lý ra bà ta phải trở thành Thụy Vương phi, nhưng lại bị tiên đế đoạt đi. Đương nhiên bà ta không thể có sắc mặt tốt với con trai của tiên đế."  

 

Cha ta trợn to mắt, bắt đầu ho khan kịch liệt.  

 

Ta định giúp ông xoa lưng, nhưng ông lại tránh né. Vậy nên ta nhún vai, tiếp tục nói:  

 

"Tiên đế tự biết hành động của mình không chính đáng, đã bịt miệng khắp nơi, nên số người biết chuyện này rất ít. Nhưng năm đó, cha được Thái hậu tiến cử làm Công bộ Thượng thư, chắc hẳn người cũng rõ chuyện này chứ?"