Phong Ba Diễn Kịch Hàng Ngày Với Thái Tử

Chương 2




Nghĩ xem hôm đó Thái tử đi ngang qua, cứu được đứa trẻ, chẳng phải cũng là ý trời sao? Tả Bổ Khuyết, ý ngươi thế nào?”  

 

Hả? Gọi ta à?  

 

Ta giật mình ngẩng đầu lên, ánh mắt lướt qua văn võ bá quan ở phía trước, chạm phải những vẻ mặt muôn hình muôn dạng, ai nấy đều ôm một tâm tư riêng.  

 

Bạch Tuyết Xuyên, con trai của Thái phó, nhìn ta với ánh mắt khích lệ, trên khuôn mặt trẻ tuổi là cảm xúc sôi trào.  

 

Còn bên cạnh hắn, là một nhóm người bên phe Thái hậu do Triệu đại nhân đứng đầu, sắc mặt u ám, đầy vẻ uy hiếp.  

 

Ta cúi mắt.  

 

Chuyện này ấy mà! Nói lớn không lớn, nói nhỏ không nhỏ.  

 

Ai cũng biết Công bộ kiếm chác không ít, Triệu đại nhân đã ngồi ở vị trí cao nhiều năm, lẽ nào chỉ mới tham năm nay, hoặc ngu ngốc tham một lần quá nhiều?  

 

Chắc chắn lão đã tham nhiều năm, mỗi năm một ít, đều không quá rõ ràng, dần dà tích lũy thành con số khổng lồ.  

 

Hàm Vân Lâu là công trình lớn, liên đới đông đảo, người hưởng lợi chắc chắn không chỉ có một mình lão. Chuyện này nếu truy cứu đến cùng, chắc chắn sẽ kéo theo không ít người, phe Triệu đảng ai nấy đều vấy bẩn.  

 

Ngoại thích nhất định phải trừ, nhưng chưa phải lúc này.  

 

Từ sau khi Tiên đế băng hà, hơn mười năm nay Thái hậu ngầm thao túng triều chính, phe cánh khắp nơi. Những người trung thành hoàn toàn với Bệ hạ đa phần đều là những gương trẻ tuổi, gốc rễ chưa sâu.  

 

Thay vì lấy trứng chọi đá, đánh rắn động cỏ, chi bằng kiên nhẫn ẩn nhẫn, đợi đến khi đủ sức mạnh, một kích tất sát.  

 

Ta đã có chủ ý, ánh mắt phức tạp nhìn phụ thân một cái, rồi chậm rãi mở miệng:  

 

“Thần tán thành.”

 

5.

 

Sắp đến cuối năm, tiết trời ngày càng lạnh, hà một hơi ra là hóa thành khói trắng.  

 

Ta gác chiếc ô ở cạnh cửa, bước vào một tiểu viện.  

 

Nơi đây chính là nhà của đứa bé hôm trước bị ngã từ đài cao xuống. Khi ấy ta đứng từ xa quan sát, thấy đứa bé không có gì nguy hiểm, nhưng những vết trầy xước thì khó mà tránh khỏi.  

 

Tiểu viện đơn sơ, bên ngoài không có lấy một người hầu. Ta chần chừ một lát, cuối cùng vẫn gõ nhẹ lên cửa.  

 

Tiếng “kẽo kẹt” vang lên, cánh cửa gỗ được mở ra.  

 

Đứng trước mặt ta không phải là mẹ của đứa bé, mà là một người khác, bất ngờ nhưng cũng hợp tình hợp lý ——  

 

Bách Tuyết Xuyên.  

 

Bách Tuyết Xuyên liếc nhìn gói đồ trên tay ta, đầu tiên là thoáng ngạc nhiên, sau đó lại hiện lên vẻ khinh miệt.  



 

Hắn hé miệng như muốn nói gì đó, nhưng rồi cố nhịn lại, chỉ nghiêng người tránh khỏi cửa, thô bạo kéo ta vào trong.  

 

Ta bước qua bậc cửa, đảo mắt nhìn quanh ——  

 

Căn nhà này, không hề có dấu vết của nam nhân.  

 

Ta hiểu rõ trong lòng, nhẹ nhàng tiến vào, khẽ vẫy tay với mẹ của đứa bé, giơ túi thuốc trong tay lên ra hiệu.  

 

Người phụ nữ đang ôm đứa bé say ngủ, khẽ đong đưa, vẻ mặt nàng lộ vẻ áy náy và bối rối, cười gượng mà nói nhỏ với ta: “Thật có lỗi, Chương nhi vừa mới ngủ...”  

 

Ta gật đầu tỏ vẻ lý giải, đem đồ đặt lên bàn, cùng chỗ với gói đồ mà Bách Tuyết Xuyên mang tới, sau đó nhẹ tay khép cửa rời đi.  

 

Vừa bước ra ngoài liền bị một lực mạnh kéo vào con hẻm nhỏ bên cạnh, tiếp đó là một cú đ.ấ.m giáng thẳng vào mặt.  

 

Ta hít vào một hơi, dùng lưỡi đẩy nhẹ quai hàm, bình tĩnh nhìn người vừa ra tay.  

 

Bách Tuyết Xuyên mắt đỏ hoe, giọng nghẹn ngào, thoạt nhìn còn ấm ức hơn cả người vừa bị đánh là ta đây: “Huống Lưu Thanh, năm xưa lúc khoa khảo, ta... ta còn coi ngươi là tri kỷ...”  

 

“Xin lỗi, đã làm ngươi thất vọng rồi.”  

 

“Ngươi xin lỗi ta làm gì? Người ngươi có lỗi nhất là chính bản thân ngươi!” Hắn trợn mắt quát, “Khi đó ngươi đã nói gì? Nói rằng người mà ngươi kính ngưỡng nhất đời này là Trương Hữu Tướng! Là 'thảo mộc hữu bổn tâm, hà cầu mỹ nhân chiết'*! Nhưng ngươi nhìn ngươi bây giờ mà xem! Cùng sói làm bạn, cùng cặn bã hòa tan!”  

 

(*) Trích từ bài thơ "Trúc chi từ" của Lưu Ngạn Nhi đời Đường, nghĩa là "Cây cỏ có tấm lòng, cớ sao mỹ nhân lại bẻ?".

 

“Suỵt... đừng đánh thức đứa bé,” ta thở dài, “Ngươi mắng khẽ chút, ta đang nghe đây.”  

 

“Ngươi!” Hắn nghẹn lại trong giây lát, rồi bi phẫn nói: “Sao ngươi... đến biên địa làm huyện lệnh hai năm, trở về lại thành ra thế này?”  

 

Hắn đau khổ lấy tay ôm mặt, tựa lưng vào tường rồi từ từ trượt xuống đất trong với vẻ suy sụp: “Người khác nói cha ngươi, Huống Tây Uyên, là gian thần, ta còn đứng ra biện minh, nói A Thanh ngươi không giống hắn...hức hức.. Nhưng ngươi lại phụ ta...”  

 

Ta vỗ vai hắn một cái, muốn nói vài điều mà ta đã ngộ ra trong hai năm qua, về sự dối trá trong chốn quan trường.  

 

Nhưng lời đến bên miệng, lại nuốt trở vào.  

 

Nếu phụ thân ta cũng là một vị Thái phó đời đời thanh lưu, được chúng quan tôn sùng, còn có thể che chở cho ta, mặc ta được tùy ý tung hoành thì tốt biết bao.  

 

Nếu vậy, ta hà tất phải kéo mảnh giấy trắng này vào vũng bùn lầy, bắt nó phải thích ứng với những quy tắc sinh tồn trong chốn ô trọc?  

 

...  

 

Bùn nhơ sở dĩ trở thành bùn nhơ, lẽ không có lỗi vì sự yếu đuối, bất tài của chính nó?  

 

Tự vấn lòng minh?

 

Có!  



 

Thế nên ta cúi đầu đáp: “Ngươi nói đúng.”  

 

“Ngươi... ngươi...” Bách Tuyết Xuyên không nghe thấy sự phản bác như mong đợi, ngơ ngác nhìn ta đầy nghi hoặc.  

 

Lòng ta ngổn ngang trăm mối, cuối cùng chỉ nhếch môi, kéo quai hàm đau nhói nở một nụ cười:  “Bách huynh à, tốt lắm, cứ tiếp tục giữ vững như vậy nhé.”  

 

Ta xoay người rời đi, bước trên con đường đầy vụn băng và tuyết chưa tan hết, tiếng đế giày vang lên ‘lép bép’.  

 

Nhìn xem.  

 

Đầu đông ở Thượng Kinh này, trước giờ vẫn luôn nhơ nhớp như thế.  

 

Ánh dương mờ đục, khắp đường là tuyết tan hòa cùng bùn nhão, dẫm lên dính nhơm nhớp, khiến người ta cực kỳ khó chịu.  

 

Nhưng, trên bậc thềm vẫn còn vài đống tuyết trắng tinh khôi.  

 

Thật hiếm có!

 

6.

 

Khi trở lại Huống phủ, phụ thân ta không ở trong sảnh mà đang ngồi thưởng tuyết uống trà trong tiểu đình giữa hồ. Ông ngắm trời đất đến say mê, chiếc áo khoác màu lục biếc nửa khoác trên vai, dáng điệu thư thái nhưng không ủ rũ.  

 

Quả thực còn phong lưu hơn những văn nhân thường tụ họp ngâm thơ đấu rượu trong kinh thành.

 

Ta giẫm lên lớp tuyết mỏng bước vào trong đình, cúi đầu lắng nghe lời dạy bảo.

 

"Thanh Nương, hôm nay trong triều con làm rất tốt."

 

"Là nhờ cha dạy dỗ."  

 

"Nhưng mà…" giọng ông bỗng trầm xuống, "vừa rồi ở Sơ Lặc Phường, hành động của con lại có phần không thỏa đáng."

 

"Cha!" Ta lập tức phản ứng lại, mở to mắt nhìn ông, "Cha lại sai người theo dõi con!"

 

"Không biết điều!" Ông liếc nhìn ta, vẫn là vẻ uy nghiêm quen thuộc xen lẫn khinh thường, "Cho dù thật sự phái người đi theo con, còn không phải vì tốt cho con sao? Huống hồ, cha chỉ bảo người trông coi mẹ con họ, vốn dĩ muốn xem có điều bất ngờ gì không, không ngờ lại gặp được chính con gái mình! Việc con làm là điều thừa thãi! Nếu bị kẻ nào hữu tâm nhìn thấy, thì chỉ chuốc thêm rắc rối."

 

"Nhưng mà…"

 

"Không nhưng nhị gì hết. Ngoài ra… con cũng đừng qua lại với con trai của Bách Thái Phó nữa, con và hắn vốn không chung đường."

 

Ta vừa định mở miệng, ông đã không kiên nhẫn phất tay: "Chớ nói nhiều lời vô dụng. Chỉ có những kẻ trẻ tuổi ngu muội mới tin vào “Quất Tụng” hay “Cảm Ngộ”, con là ‘trưởng tử’ của ta, là người gánh vác nhà họ Huống! Con phải hiểu rằng, nước trong quá thì không có cá, có âm mới có dương. Đừng để ta nghe thấy con nhắc đến Khuất Nguyên, Trương Cửu Linh, hay những thứ như thảo mộc, mỹ nhân nữa. Sao con mãi không nhớ bài học cũ vậy hả?"

 

Nhớ bài học cũ?

 

Toàn thân ta run rẩy, ký ức về thư các nhỏ bị thiêu rụi trong ngọn lửa lúc xưa ùa về.