Phố Nha Hương

Chương 11




Đình Phương chẳng có nơi nào để đi. Ngoại trừ công việc, anh hầu như không biết làm gì cả. Không đàn đúm, không rượu chè say xỉn, không nghe nhạc, cũng chẳng có ai lắng nghe. Anh bảo xe cứu thương cho mình xuống đầu phố Nha Hương. Trời đã về đêm nhưng lại chẳng hề lạnh. Anh đứng dưới gốc cây long nhãn ven bờ sông. Hoa nở rợp khắp tán cây. Cây cối đơm hoa kết trái với ý niệm nguyên sơ nhất là muốn sinh sôi phát triển, chứ không phải vì muốn đem đến trái ngọt cho con người.

Chỉ cần là thứ mang sinh mệnh, ắt sẽ muốn duy trì nòi giống, đó là một loại bản năng. Anh nhớ trong một cuốn sách sinh vật học có viết, bản năng sinh sản còn có thể vượt qua cả bản năng sinh tồn, bởi đó chính là khởi nguồn của sự sống. Trong thế giới động vật, có không ít loài vì để duy trì nòi giống mà sẵn sàng từ bỏ mạng sống, chẳng hạn như bọ ngựa. Hoặc những con thú trưởng thành hy sinh tính mạng để bảo vệ con non.

Rốt cuộc kẻ nào mới là loài thống trị? Ý thức của con người không thể nào can thiệp vào được, tế bào sinh sản đã được hình thành ngay khi đứa bé chào đời. Nguyên phân và giảm phân đều là những hiện tượng có sẵn trong tự nhiên, mà mãi đến sau này con người mới phát hiện ra.

Đến cả đại sư Trần Tắc vốn định sẵn phải “góa vợ, góa chồng, mồ côi, độc thân, tàn tật” cũng không muốn phải trở thành một lão già neo đơn.

Đình Phương hút thuốc hết điếu này tới điếu khác. Cũng không biết thời gian trôi qua bao lâu, anh nghĩ có lẽ đã là nửa đêm. Phải đến nửa đêm trăng hạ huyền (bán nguyệt cuối tháng) mới ló dạng, quạnh quẽ đơn độc treo trên ngọn cây. Vầng trăng mang dáng vẻ như thế chỉ khiến anh cảm thấy lạ lẫm. Ai lại đứng đợi giữa đêm thâu, chỉ để ngắm một mảnh trăng tàn?

Cánh cửa tiệm bạch mộc hương lạch cạch mở ra.

Đình Phương không quay đầu lại. Anh nghe thấy tiếng bước chân tiến lại gần, biết rõ đó là Trần Tắc. Nhưng bước chân của Trần Tắc trước giờ luôn thong dong từ tốn, sao giờ lại mang vẻ vội vã thế kia?

Tiếng bước chân dừng lại cách nơi anh đứng không xa. Đình Phương vẫn không quay đầu, điếu thuốc trong tay đã cháy hết. Mùi khói thuốc ngột ngạt, chẳng thể nào bì được với trầm hương.

“Bác sĩ Ngô?”

Đình Phương nghĩ, anh phải đối mặt với Trần Tắc thế nào đây? Liệu anh có thể hận hắn không?

Nhưng mà Trần Tắc đâu làm sai điều gì. Ngoại trừ câu nói “Cô có một trai” kia ra, hắn chẳng làm gì sai cả.

Mãi đến khi Trần Tắc tới bên cạnh anh, nâng tay áo ngủ của mình lên, Đình Phương hãy còn đang suy nghĩ rất lung.

Hắn nâng tay áo để làm gì? Tại sao lại lau mặt cho anh? Vì lẽ gì hắn lại nhìn anh như thế? Không thương hại, cũng chẳng cười chê. Anh hoàn toàn không hiểu được, tại sao Trần Tắc lại lộ ra ánh mắt như vậy?

Đó không phải là ánh mắt mà một vị thánh sống nên có. Đó là ánh mắt của một kẻ đã nếm trải đủ mọi đau thương giữa chốn hồng trần đằng đẵng.

Đình Phương không nhớ được tối hôm đó đã cùng Trần Tắc trở vào căn gác nhỏ của hắn như thế nào, ngắm gương mặt say ngủ của Phùng Sinh, ngồi lên chiếc giường sơn đen chạm khắc viền vàng, ngay bên cạnh Trần Tắc. Tay áo Trần Tắc ướt đẫm. Sau đó hắn ôm lấy anh, còn anh thì siết chặt tay áo ướt đẫm ấy của hắn.

Thần tiên thì hiểu được gì? Thần tiên có nhìn thấu được kiếp trước kiếp này của một người, có hiểu được mọi nỗi vui sướng, buồn bã, giận dữ, si dại của người đó hay chăng? Thế nhưng Trần Tắc lại ôm lấy anh thật chặt, như thể hắn hiểu được hết thảy đau đớn trong lòng anh.

Đình Phương ngủ thiếp đi. Ba giờ sáng ngày thứ hai sau khi đánh mất gia đình, Ngô Đình Phương gối đầu lên tay áo của vị thánh sống mà chìm vào cõi mộng.

Anh mơ thấy một chuyện năm xưa.

Ngày mồng một Tết, năm anh mười tuổi, ba mẹ dắt anh lên núi Lâu Phù thắp hương. Khi đó chưa có đường cao tốc, phải vật vờ trên xe buýt lâu thật lâu mới đến được chân núi.

Vào ngày mồng một, người người đổ xô đến đây tranh nhau dâng hương. Mới sáng sớm đã có nguyên một biển người chen chúc trước miếu Xung Hư.

Khi đó anh nào có hiểu gì, chỉ cảm thấy ngọn núi này cũng khá vui. Ba mẹ đều đi dâng hương cả, một mình anh bèn lẻn vào trong đạo quán chơi. Người đứng chật kín trước mấy pho tượng thần, còn anh thì chạy nhảy khắp nơi, vào đến một khoảnh sân nhỏ không người lui tới.

Khoảnh sân ấy vô cùng yên tĩnh, nhưng ở đó lại có một nhóc đạo sĩ đang bị đạo sĩ già trách phạt. Nhóc đạo sĩ ấy trông nhỏ tuổi hơn anh, đang phải gánh hai thùng nước. Đạo sĩ già mắng cậu ta, phạt cậu ta đứng yên gánh nước.

Đạo sĩ già đi rồi, Ngô Đình Phương mới rón rén bước tới sau lưng nhóc đạo sĩ, quan sát cậu ta suốt cả buổi. Nhóc đạo sĩ rất nghe lời. Đạo sĩ già bắt cậu ta đứng một chỗ gánh nước, cậu ta liền không hề nhúc nhích, mặc cho hai chân bắt đầu run lẩy bẩy.

“Bà lão đó không ở đây trông chừng, ấy có thể bỏ xuống một lúc mà.” Ngô Đình Phương đi đến trước mặt nhóc đạo sĩ, nói với cậu ta như thế.

Nhóc đạo sĩ ấy trông đến là xinh xắn.

Nhóc đạo sĩ lắc đầu, không nói chuyện với anh.

“Tại sao? Đằng nào bà ấy cũng đâu có thấy.” Ngô Đình Phương tỏ vẻ không vui. Anh cảm thấy bản thân đã đưa ra một ý kiến hay, nhưng lại bị người ta từ chối. Anh đưa tay giật lấy thùng nước của nhóc đạo sĩ.

“Bị phát hiện là sẽ bị cắt cơm tối nay đó.” Nhóc đạo sĩ giằng co qua lại với Đình Phương, mặt mày đỏ ửng hết cả lên.

Ngô Đình Phương buông tay ra, nói: “Vậy có cần tớ gánh phụ ấy một lát không?”

Nhóc đạo sĩ này thật sự rất xinh xắn.

Nhóc đạo sĩ nhìn anh một cách kỳ quái, trả lời: “Thế thì khác gì đâu?”

Ngô Đình Phương lượn lờ quanh chỗ cậu ta. Anh muốn chơi với nhóc đạo sĩ này một lát. Nhưng mà nhóc đạo sĩ lại đang bị phạt, anh cũng hết cách, đành ngồi bệt xuống dưới đất, ngước nhìn nhóc đạo sĩ, hỏi: “Đằng ấy sống ở đây hả?”

“Ừm.”

“Sao ấy lại sống ở đây?”

“Vì tôi không có ba mẹ.”

“Ôi! Ba mẹ ấy đi đâu thế?”

“Không biết nữa.”

“Sao tóc đằng ấy lại trông thế này?” Ngô Đình Phương vừa hỏi vừa chỉ vào búi tóc của nhóc đạo sĩ.

“Mọi người ai cũng vậy hết.”

Nhóc đạo sĩ mặt mũi dễ thương, nhưng nói chuyện chán òm.

“Đằng ấy là con gái à?”

Nhóc đạo sĩ trợn tròn mắt nhìn Ngô Đình Phương, mặt dần đỏ lên, bắt đầu lắp ba lắp bắp: “Tôi… Sao tôi lại là con gái được chứ? Tôi là con trai đó!”

“Nhưng cậu buộc tóc đây nè.” Ngô Đình Phương có hơi thất vọng, sau đó lại “A” lên một tiếng: “Hồi nãy là một ông lão chứ không phải bà lão hả?”

Nhóc đạo sĩ vội vàng vứt thùng nước xuống, lấy tay bịt miệng anh lại: “Suỵt! Sư phụ mà nghe thấy là đằng ấy sẽ bị no đòn với chổi trúc luôn đó!”

Lòng bàn tay nhóc đạo sĩ đầy những vết chai, sần sùi thô ráp, cọ lên miệng Ngô Đình Phương đến phát đau.

May thay đạo sĩ già không đến, nhóc đạo sĩ định tiếp tục gánh nước. Thế là Đình Phương bèn nghĩ ra một cách. Anh đá đổ cả hai thùng nước, nhóc đạo sĩ lại lần nữa trợn tròn mắt lên. Đình Phương dương dương đắc ý nói: “Thế này thì nhẹ hơn nhiều rồi nhé.”

Đôi mắt của nhóc đạo sĩ ầng ậc nước, cậu ta khóc mếu bảo rằng: “Tối nay tôi phải nhịn đói chắc luôn rồi.”

“Vậy mà ấy còn bảo mình không phải con gái. Nhìn xem hở tí là khóc kìa.” Đình Phương luống ca luống cuống, đành phải phủ đầu đối phương trước.

Nhóc đạo sĩ cũng chỉ khóc một lúc, rồi thì lấy tay lau khô nước mắt.

Đình Phương ngắm nghía gương mặt kia, trong lòng vẫn chưa thôi nghi ngờ giới tính của người ta.

Một đứa nhóc lên mười đã hiểu được rất nhiều thứ, bao gồm cả chuyện con trai phải kết hôn với con gái, hoặc là con gái ai xinh ai không. Ngô Đình Phương rất thất vọng vì nhóc đạo sĩ này là con trai, nhưng anh không rõ tại sao lại thất vọng như vậy nữa. Anh cảm thấy bản thân đã rất hy vọng cậu ta là con gái.

“Nếu đằng ấy mà là con gái, sau này tớ sẽ cưới ấy làm vợ.”

Nhóc đạo sĩ hỏi: “Vợ là gì?”

“Là mẹ. Ờ ừm… Là bà xã của đàn ông ấy.”

Ngó nhóc đạo sĩ chắc khoảng tầm bảy, tám tuổi, nhưng lại không biết vợ là gì, đúng là kỳ lạ. Đình Phương không giải thích rõ ràng cho cậu ta được, thế là có hơi bực mình.

“Chính là người ngủ chung giường với đằng ấy mỗi tối đó.”

“Nhưng tối nào tôi cũng ngủ chung giường với sư huynh sư đệ hết mà.”

Đình Phương càng lúc càng quạo quọ: “Như thế là không được.”

“Tại sao? Không đủ giường mà. Bằng không là phải nằm đất ngủ đó.”

“Tóm lại, chỉ có vợ chồng mới được ngủ chung giường thôi.”

“Ồ.”

“Đằng ấy tên gì?”

“Sư phụ gọi tôi là Pháp Tiên. Nhưng mà sư huynh lén nói cho tôi biết tên tôi là Trần Tắc.”

“Vậy tớ gọi đằng ấy là gì bây giờ?”

“Đằng ấy gọi tôi là Trần Tắc đi.” Nhóc đạo sĩ vội nhìn xung quanh, cứ như sợ bị sư phụ của mình nghe thấy.

“Tớ tên là Ngô Đình Phương.”

“Ấy viết tên ra cho tôi xem đi.”

“Đằng ấy mới học lớp một thôi đúng không? Vậy sao mà đọc hiểu được?” Ngô Đình Phương học lớp ba ra vẻ coi thường cậu nhóc.

“Tôi không đi học, là sư huynh dạy tôi viết chữ.”

Ngô Đình Phương dùng nhánh cây viết tên mình lên mặt đất: “Ngô Đình Phương.” Nét chữ xiêu xiêu vẹo vẹo.

Nhóc đạo sĩ cũng ngồi xổm xuống đất viết tên mình: “Trần Tắc.” Chữ viết rất đẹp.

Nhóc đạo sĩ lại hỏi: “Nhà đằng ấy ở đâu?”

“Nhà tớ ở số 7, ngõ 15, khu Nha Hương Tây, thôn Nha, thị trấn Trung Thủy, Đông Hương.” Ngô Đình Phương viết ra địa chỉ nhà mình bằng nhánh cây. Địa chỉ này là anh nhìn thấy trên bảng biểu nộp lên cho thầy mới đây, anh rất đắc ý vì có thể viết ra đầy đủ.

“Xa lắm không?”

“Xa lắm. Phải ngồi xe lâu ơi là lâu.”

Nhóc đạo sĩ có hơi tiu nghỉu.

Đình Phương không nhớ rõ lắm buổi chiều hôm đó họ đã chơi đùa những gì. Chỉ nhớ trước lúc anh về, nhóc đạo sĩ đã hỏi anh: “Nếu tôi là con trai thì có làm vợ đằng ấy được không?”

“Tất nhiên là không rồi!” Ngô Đình Phương đã trả lời như vậy.

Nhóc đạo sĩ lại trông như thể sắp khóc tới nơi.

Ngô Đình Phương định vờ như không thấy gì, cơ mà nom cậu ta cũng tội nghiệp quá đi. Thế nên anh đành đáp: “Biết đâu được đấy, để tôi về hỏi ba thử xem.”

“Được.”

Ngô Đình Phương rời khỏi sân rồi, nhưng vẫn có hơi lo lắng nhóc đạo sĩ sẽ tiếp tục bị phạt, nên lén lén lút lút quay trở vào trong xem thế nào. Anh nhìn thấy nhóc đạo sĩ đi múc đầy hai thùng nước gánh lên vai. Liền sau đó, Ngô Đình Phương bị mẹ nhéo tai lôi đi mất.

Khi Ngô Đình Phương tỉnh dậy, trước mắt vẫn là tay áo của Trần Tắc. Anh chợt nhớ đến cái tên mà nhóc đạo sĩ đã viết ra trong mơ, tim bỗng giật nảy cả lên. Trần Tắc đang ngủ cạnh bên, trong cùng là Phùng Sinh. Cả hai vẫn chưa dậy.

Anh vẫn còn nhớ chuyện ấy, chỉ không nhớ rõ tên và dáng vẻ của nhóc đạo sĩ năm nào. Sau lần đó, anh không gặp lại được nhóc đạo sĩ, bởi vì gia đình anh không còn ghé qua núi Lâu Phù dâng hương nữa. Tết mấy năm đầu tiên, anh vẫn còn nằng nặc đòi đi núi Lâu Phù, nhưng chẳng ai thèm để ý đến. Về sau chuyện này cũng dần trôi vào quên lãng. Ngô Đình Phương nhớ lại khi đó, anh đã thật sự đã hỏi ba mình rằng: “Con trai thì có thể làm vợ người ta không ạ?” Ba anh chỉ đáp vỏn vẹn đúng hai từ: “Không được.”

Nhóc đạo sĩ ấy tên là Trần Tắc thật sao?

Nhưng rồi Đình Phương lại cảm thấy giấc mơ này thật nực cười, tám phần là ký ức, hai phần là hư cấu. Ấy vậy mà lại đưa cả tên Trần Tắc vào trong giấc mơ.

Đâu ra chuyện Trần Tắc là đạo sĩ chứ? Theo những gì mà Đình Hoa kể, năm hắn tầm mười mấy tuổi, sau khi mất cả cha lẫn mẹ thì mới đến nương nhờ cậu của mình.

Mười mấy tuổi mất đi song thân thì có được coi là” mồ côi” không? Đình Phương chưa từng nghĩ kỹ về điều đó.

Lúc Đình Phương thức giấc, Trần Tắc cũng mở mắt tỉnh dậy. Đình Phương lấy tay ra hiệu “Tôi phải đi rồi” với hắn. Trần Tắc không trả lời anh, chỉ ngồi dậy, nhìn sang Phùng Sinh vẫn đang ngủ say sưa chẳng buồn nhúc nhích, rồi đi theo anh ra khỏi phòng, nhẹ nhàng khép cửa lại.

“Đi làm à?” Trần Tắc nhìn lên đồng hồ treo tường. Bảy rưỡi rồi.

“Ừm.”

Trần Tắc không nói gì thêm. Đình Phương xuống tầng, ngẩng đầu lên, thấy hắn vẫn đang đứng ở đầu cầu thang. Bảy rưỡi trời đã sáng hẳn, ánh nắng nghiêng nghiêng rọi vào từ cửa sổ hướng Tây Nam, vừa khéo rơi ngay sau lưng Trần Tắc. Ngược sáng khiến anh không trông rõ vẻ mặt của hắn.

Liệu trên đời này có một người nào đó mà ta có thể khóc cùng không?

Là đàn ông thì không được rơi nước mắt. Đàn ông trưởng thành có thể nào khóc với cha mẹ mình không? Với anh chị em? Hay với vợ? Khóc với con cái thì có được không?

Cho nên, đa số đàn ông đều không khóc. Họ chỉ có thể tức giận, chửi bới, say xỉn, thậm chí là dùng vũ lực.

Mẹ Đình Phương bảo, lúc nhỏ anh rất mít ướt, bạ chuyện gì cũng có thể khóc, nước mắt nói rơi là rơi được ngay. Chẳng hạn như, bọn nhóc nhà hàng xóm không chịu chơi với anh, không được ăn tào phớ, ai đó không chịu cho anh mượn đồ chơi,… thậm chí cả đôi giày be bé anh đã xếp ngay ngắn trước cửa nhà bị ba đá lệch đi, đều có thể khiến anh khóc hàng tiếng đồng hồ. Đến khi ba anh nổi đóa đánh cho một trận nên thân mới thôi.

Nhưng kể từ khi Đình Phương nhớ được mọi chuyện tới giờ, anh lại cảm thấy dường như mình chưa từng khóc. Thời đại học chia tay bạn gái quen tận năm năm, anh cũng không hề khóc. Buồn thì quả thật có buồn, nhưng anh luôn có nhiều cách khác nhau để giải tỏa tâm trạng. Khi ấy có thể chơi bóng rổ, hoặc chăm chỉ đi thực tập. Thời gian dần trôi, rồi cũng đều sẽ ổn cả. Anh ngã gãy chân phải, đau thấu tim gan, ấy vậy mà vẫn chẳng rơi lấy một giọt nước mắt.

Anh nghĩ, chẳng qua là do nỗi đau vẫn chưa đủ sâu, chưa chạm đến vết thương lòng mà thôi.

Anh còn nghĩ, suốt mười mấy năm qua, rốt cuộc mỗi ngày anh đã làm gì, để đến nỗi bản thân thành ra bộ dạng như ngày hôm nay?