Phố Cũ

Chương 1: “E là người hàng xóm này cũng không tốt bụng lắm đây.”




Trong ba tháng dịch SARS* bùng phát vừa qua, tin tức thời sự liên tục nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác phổ biến khoa học trong phòng chống dịch. Đợt bùng phát dịch này tạo ảnh hưởng không lớn cũng không nhỏ đến huyện thị nhỏ nơi Trác Hạo sinh sống, dịch bệnh chỉ tác động chủ yếu đến nhà trường học sinh. Không ít người theo dòng xu hướng tích trữ mắm muối đồ ăn trong nhà đến độ mấy đời ăn cũng không hết.

(*)

Nhưng rồi mọi thứ cũng qua đi, huyện thị nhỏ đã trở về vẻ bình lặng vốn có.

Thời sự vừa phát sóng xong phần tin tức trong nước, bắt đầu chuyển sang phần tin quốc tế. Iraq không may mắn, trận chiến diễn ra đến tháng sáu vẫn chưa kết thúc.

Tivi cứ mở như thế, chẳng ai xem.

Tán cây cổ thụ sum sê che khuất bầu trời, mấy đốm sáng rơi trên kẽ hở cành lá, mỗi lần cơn gió nhẹ thổi qua nghe xào xạc. Đó cũng là món quà tự nhiên tuyệt vời nhất của mùa hè.

Dưới tàng cây, Trác Hạo mặc áo ba lỗ quần đùi, chân đi đôi dép lê, tay cầm tô sứ vừa ăn mì vừa nhìn nhóm công nhân nhập cư vặn cái đai ốc mở rộng hết nửa buổi trời.

Cuối cùng anh không nhịn được nữa, xen vào: “Mẫu nào? Tiệm tôi có, để tôi tìm cho mấy anh.”

Anh vừa quay người, một người trong số họ đã vội vàng ngăn lại: “Này! Đừng đừng đừng, tụi tôi không cần.”

Trạc Hạo nhìn họ bằng ánh mắt khó hiểu, bên kia có nguyên một bãi chiến trường lớn, ai đó mua một loạt ba cửa hàng rồi sửa sang đã cả tháng nay. Vật liệu vẫn được chuyển đến bằng xe đầu kéo, chỉ là không thấy ông chủ đâu. Anh đoán chừng mấy công nhân này cũng không tự tiện quyết định được.

“Một cái đai ốc thôi mà, tôi không đòi tiền các anh đâu.” Trác Hạo nghĩ họ khách sáo không dám nhận, nhưng không ngờ rằng đám người này không có chút lịch sự nào.

Ai đó khó chịu lên tiếng: “Ông chủ tụi tôi nói không được phép mua đồ đạc ở cửa tiệm nhỏ, không có hóa đơn chứng từ anh ta không thanh toán, rồi hễ có trục trặc sai sót gì là tụi tôi đến tìm anh đó.”

Nụ cười trên gương mặt Trác Hạo cứng đờ, anh đặt bát đũa lên tủ kính, thuận tay cầm chai bia chưa uống hết lên.

Lời này nghe qua có hơi không phải phép, công nhận nọ cũng nhận ra mình nói khó nghe, lắp bắp: “Đó là… là ý… ý của ông chủ.”

Trác Hạo uống một hớp bia, nhìn công nhân nọ một lượt. Cũng anh ăn no rửng mỡ không mà xen vào việc người ta: “Ồ, vậy các anh cứ việc lái xe lên thành phố mà mua.”

Họ không phải người ở thành phố mà ở một khu vực khác phần lớn đều là các ông bà lớn tuổi, không thì cũng là thanh niên vừa từ quê lên.

Vì một con ốc chẳng đáng mấy đồng mà vẽ lắm chuyện như vậy, còn coi thường cửa tiệm nhỏ. Tiệm nhỏ rồi sao, nhỏ thì vật liệu cũng do Trác Hạo chạy lên thành phố mua về, đúng là ếch ngồi đáy giếng.

Mâu thuẫn giữa anh và hàng xóm bắt đầu từ chiếc tủ kính.

Hôm ấy, Trác Hạo đang giải quyết nhu cầu trao đổi chất nhẹ nhàng trong nhà thì nghe “Choang” một tiếng. Anh vội vội vàng vàng kéo quần chạy ra, mảnh vỡ thủy tinh bắn tung tóe đầy đất, lại là nhóm công nhân lần trước. Một người xách thang, luống cuống nhìn Trác Hạo.

Má chứ, đúng là oan gia ngõ hẹp.

“Mấy anh làm gì đó? Định sửa cả nhà tôi hay gì?” Giọng Trác Hạo nhuốm vẻ giận dữ, còn muốn hổ báo hơn bình thường.

Nhóm công nhân trố mắt nhìn nhau, anh đùn tôi tôi đẩy anh, cuối cùng một người lớn tuổi đứng ra: “Ông chủ… tụi tôi không cố ý…”

Cái này mà là cố ý thì Trạc Hạo đã xông vào sống mái từ sớm. Anh liếc mắt nhìn tủ kính, bể nát bung bét hết cả, mấy bao thuốc lá vương vãi đầy ra đất.

“Ông đếch quan tâm mấy người có cố ý hay không, quét hết thủy tinh đi cho ông, trả lại cái mới.” Trác Hạo không làm khó làm dễ ai hết, đó vốn là bổn phận của mấy người này. Ai ngờ đâu nhóm công nhân nọ đứng đờ ra, sắc mặt Trác Hạo tối đi: “Mấy người còn ngớ ra làm gì?”

Công nhân thả thang xuống, chùi tay vào quần: “Chuyện này… anh phải nói chuyện với ông chủ tụi tôi…”

Thái độ khiến Trác Hạo hơi khó chịu, làm đổ bể tủ nhà anh đã đành, còn đẩy ông chủ ra định trốn tránh trách nhiệm.

Trác Hạo không quá đẹp đẽ, bình thường nói chuyện cũng chẳng tính là hồ hởi nhiệt tình gì cho cam, mỗi lần giận lên là như muốn ăn tươi nuốt sống người ta. Anh cau mày, sống mũi hơi nhếch lên, cổ nổi đầy gân xanh, giọng cũng cao lên mấy quãng, “Ý mấy người là sao? Nếu ông chủ mấy anh không lên tiếng thì mấy người không bồi thường phải không?”

“Không phải không bồi thường.” Nói tới nói lui cũng chỉ có một ý từ chối, “Chúng tôi cũng chỉ là dân làm công… Sao mà chúng tôi làm được… Không thì để chúng tôi nói với ông chủ trước đã…”

Trác Hạo không phản đối, chỉ đứng đó không nói năng gì. Mấy công nhân không có thiết bị liên lạc, Trác Hạo đang cáu bẳn cũng không định kêu họ vào tiệm mình gọi. Một người trong số họ đành phải chạy sang phía đối diện dùng điện thoại công cộng.

Người kia che ống nghe nói hồi lâu, sau đó quay về trả lời cho Trác Hạo: “Ông chủ nói bồi thường, nhưng không quen khu vực này nên mời anh đến giải quyết. Ông chủ sẽ trả tiền, nhưng anh phải có hóa đơn.”

Lời nọ hoàn toàn làm bùng nổ đống thuốc súng trong người Trác Hạo: “*** mẹ nhìn ông đây giống hóa đơn lắm hả? Hai chục tấm kính tao đi đâu kiếm hóa đơn cho tụi mày? Đã làm bể tủ người ta còn lằng nhà lằng nhằng lý luận?”

Dù hai mươi tệ hay thậm chí hai trăm tệ đi nữa cũng không ai mà xuất hóa đơn được, mấy cửa hàng nhỏ lẻ thế này làm gì có mấy thứ như hóa đơn chứng từ.

Nhóm công nhân đâm hoảng, Trác Hạo trông rất đáng sợ, sau lưng xăm nguyên một con rắn từ xương cụt quấn đến tận gáy, nhìn một phát là thấy ngay không phải dạng tốt lành gì, lúc nổi điên hình xăm còn run run, cứ như bất cứ lúc nào cũng có thể móc dao ra đâm chém vậy.

Công nhân lúng túng, co quắp vặn riết lấy vạt áo: “Tụi tôi cũng không có cách nào… tất cả là do ông chủ…”

Mở mồm ra là ông chủ, Trác Hạo nghe mà nổi trận lôi đình. Ấn tượng đầu tiên là một thứ rất diệu kỳ, và anh đã cực kỳ ghét ông chủ hàng xóm dù chưa gặp mặt bao giờ này.

“Bộ mấy người coi ông đây là thằng tiêu tiền như rác đúng không? Một câu ông chủ hai câu ông chủ, lời ông chủ mấy người là thánh chỉ hả hay gì? Ông chủ mấy người có là ông trời ông nội đi nữa hôm nay cũng phải đền cái tủ kính này. Mấy người dọn dẹp vụn thủy tinh cho sạch, ngày mai kêu người đến giải quyết cho rõ ràng, còn không ông sẽ dần mấy người nát vụn ra như đống thủy tinh dưới chân ông.”

Hẳn là vì trông Trác Hạo không hiền lành, ngay hôm sau chuyện tủ kính đã được giải quyết gọn ghẽ êm đẹp. Việc coi như xong, chuyện sửa sang cũng âm thầm kết thúc.

Vài ngày sau, ngoài cách cửa sát bên nhà xuất hiện quảng cáo tuyển người, xem chừng là tính tuyển thu ngân. Thế nhưng, điều kiện tuyển dụng lại là “Đã tốt nghiệp Trung học cơ sở, nữ, 18-24 tuổi.”

Ông chủ này chắc chẳng phải hạng đứng đắn gì cho cam, thu tiền mà còn phải mấy cô bé trẻ tuổi, nhiều khi là một tên đổ đốn háo sắc. Ấn tượng của Trác Hạo với người này lại kém càng thêm kém.

Ông chủ có ghé lúc phỏng vấn, mà Trác Hạo lại bận mất, hai người vẫn chưa thấy được mặt nhau. Lại một tháng nữa qua đi, cửa hàng bên cạnh cuối cùng cũng khai trương, cuối cùng Trác Hạo cũng được tận mắt diện kiến mặt mũi ông chủ trong truyền thuyết.

Từ chuyện sửa sang đến khai trương đều phách lối thể hiện y hệt nhau, pháo nổ ì đùng rung trời, hai chiếc loa ngoài cửa liên tục thông báo các hoạt động giảm giá khuyến mãi.

Cũng nhiều người đến xem trò vui, mấy bà bác chen nhau ngoài cửa siêu thị, trong ngoài nghìn nghịt người tới mức người đi bộ sang đây phải tràn cả xuống đường xe chạy.

Trác Hạo ngậm điếu thuốc dựa vào thân cây, lạnh lẽo đứng nhìn sang. Cái thứ chết dẫm này phiền thật sự đấy? Chắc sợ người ta không biết ở đây mới mở siêu thị quá.

“Anh Hạo.” Giọng nói nũng nịu vang lên sau lưng Trác Hạo. Anh quay đầu lại, phát hiện là La Vân bên tiệm hớt tóc, “Anh Hạo nè, cũng đi xem người ta tụ tập à.”

Trác Hạo cười khan: “Xem cái gì mà xem, cả một bãi lớn như vậy muốn không biết cũng không được.”

Người phụ nữ tên La Vân này mặt mũi xinh đẹp, dáng người bốc lửa vô cùng quyến rũ. La Vân từ nông thôn lên đây, không học hành gì, trước đây học được tí nghề hớt tóc nên mở một tiệm cách chỗ Trác Hạo tầm năm sáu căn kia. Trong tiệm La Vân chỉ có một người vừa hớt tóc vừa đấm bóp mát xa, khách nam chiếm đa số, thỉnh thoảng bị khách động chạm còn phải giả lả cười xòa cho qua.

“Em nghe người ta nói hôm nay khai trương có làm thẻ hội viên gì đó, nói là tích điểm, có điểm còn được đổi đồ nên em ghé sang xem.” Đàn bà phụ nữ đúng là nhiệt tình với chuyện mua bán, chẳng phân biệt tuổi tác, cứ chín mươi chín tuổi trở xuống là đi.

Bảo sao thu hút được lắm người thế, làm một đống lòe loẹt vậy kia mà.

Dòng người đột nhiên nổ tung, ào tới chen chúc nhau vào cửa. Thì ra là đã đến giờ khai trương, giảm giá như cho không không đi giành giật mới là thiệt. Trác Hạo đứng bên tiệm mình cũng bị đám đông kéo tới xô lui.

“Mẹ bà nó.” Anh mất kiên nhẫn.

La Vân đứng bên cười: “Em cũng vào coi chút đây, anh Hạo đi với em không?”

Trác Hạo phẩy tay, cái siêu thị này không hợp vía anh rồi. Anh xoay người, định về tiệm mình thì chợt liếc mắt thấy một người đàn ông bị một đám các bà bác vây lấy.

Diện mạo của người đàn ông này không hề bặm trợn hung dữ, mang vẻ xán lạn và hay cười. Đôi mắt một mí khi cười cong lên đầy dịu dàng ôn hòa, đã không chỉ bảnh trai ưa nhìn mà còn dễ mến, dù chỉ mặc áo quần bình thường cũng lịch sự chỉnh tề hơn người ở đây khối lần.

Dáng người dong dỏng cao ráo, Trác Hạo cao một mét bảy tám đã là cao trong đám đàn ông miền Nam, vậy mà người trước mặt đang khom người đã không thấp hơn Trác Hạo. Người nọ mỉm cười nghe các cô bác nói chuyện, không hề có cảm giác bực bội thiếu kiên nhẫn.

Thấy Trác Hạo đang nhìn mình, người nọ lập tức đứng thẳng, ánh mắt vút qua dòng người cười với anh, giọng hơi trầm mà ôn dịu: “Chào anh, tôi là chủ ở đây. Tôi họ Lục, Lục Vũ Thanh.”

Không nói chữ nào thì trông còn đẹp đẽ, vừa nghe nói là ông chủ cửa hàng ngay cạnh, Trác Hạo đã cười gằn, lười trả lời. Anh quay đầu bước đi, chửi thầm trong lòng: “Thằng mặt trắng, ẻo lả.”

Bấy nhiêu vẫn chưa đủ nguôi giận, cái người con ốc vài đồng với mấy tấm kính mà cũng phải hóa đơn hóa điếc sợ là đến miếng bánh quy cũng còn bủn xỉn so đo dày mỏng.

Hình xăm đầu rắn lộ ra khỏi mép áo ba lỗ, Lục Vũ Thanh thất thần nhìn bóng lưng Trác Hạo.

Thái độ của người đàn ông này… hơi ngạo mạn quá nhỉ, hay là mình xúc phạm gì đến người ta rồi?

Hình như là đang vào tiệm kim khí bên cạnh, e là người hàng xóm này cũng không tốt bụng lắm đây.

.