Pháo Hôi Ác Độc Không Muốn Sống Nữa/Vai Lót Đường Độc Ác Không Muốn Sống Nữa

Chương 88: Vậy thì trẫm sẽ cho con đảm nhận chức khâm sai




*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.


Edit: Ryal

Đông cung.

Thái tử đã cáo ốm được ba ngày, trong tẩm điện lượn lờ hương khói tĩnh lặng đến mức có thể nghe được cả tiếng kim rơi, hai Thái y quỳ ngoài cửa.

Sau bức bình phong, Thái tử ung dung tựa mình trên ghế quý phi, bên cạnh có một nữ hầu đứng quạt, lại thêm một nữ hầu khác bóc vỏ nho dâng lên cho gã.

Thái giám thiếp thân của Thái tử là Đức Bảo vội vã đi vào trong điện, cầm lấy cây quạt trong tay nữ hầu kia rồi bảo tất cả những người khác cùng lui xuống.

Đôi mắt phượng hẹp dài nheo nheo, Thái tử biếng nhác cất lời: "Làm gì mà cuống quýt lên vậy".

Đức Bảo trông vừa kích động vừa hưng phấn, ông ta nhỏ giọng đáp: "Hôm nay Giám sát ngự sử Lâm Quỳnh Chi tố giác Thị lang bộ Lễ không biết dạy con, dung túng cho con trưởng là Dung Nguyệt quyến rũ Tam Hoàng tử, làm uế loạn hoàng gia, vô đức vô lễ. Thiếu khanh Đại lý tự Quản Thiên cũng bẩm báo vụ án mỏ muối, vụ án dân chúng liên tục mất tích và chuyện hạn hán cùng dịch bệnh ở Dương Châu, lại thêm vài vị quan khác dâng tấu về những lời đồn đãi trong kinh thành hiện nay, bệ hạ giận lắm, nghe nói Lâm đại nhân còn bị bệ hạ ném con dấu vào đầu".

Đức Bảo kể lại hết một lượt, sau đó nói: "May là điện hạ đã cáo ốm không lên triều, bệ hạ giận tới nỗi khi bãi triều còn phải gọi Thái y".

Thái tử ngắt một quả nho đưa vào miệng, Đức Bảo nhanh nhẹn giơ tay đỡ lấy phần vỏ mà gã vừa nhổ ra. Gã nói bằng giọng thương cảm, ánh mắt lại muôn phần mỉa mai: "Long thể của phụ hoàng càng ngày càng yếu ớt, Tam đệ đúng là không hiểu chuyện, bỗng dưng lại khiến phụ hoàng giận dữ".

Đức Bảo chỉ ngoan ngoãn đứng đó, không dám nhiều lời.

Thái tử ung dung ăn thêm vài quả nho rồi súc miệng, đứng dậy đá ông ta mấy cái: "Cởi áo giúp cô".

"Vâng ạ". Đức Bảo vừa hầu Thái tử thay quần áo vừa hỏi: "Điện hạ định làm gì sao?".

"Long thể của phụ hoàng bất an, cô là phận làm con thì phải quan tâm một chút chứ".

Thái tử xoay người ngắm mình trong gương – một gã đàn ông cao lớn, y phục đen tuyền, mão đội đầu màu vàng tím, cặp mắt lạnh lẽo không gì sánh được, chẳng có chút gì là thương xót.

Gã nhắm mắt, khi mở mắt ra thì đôi đồng tử đã chìm đắm trong ưu phiền.

Đức Bảo không hề ngạc nhiên, vì ở nơi cung cấm này ai cũng có hai khuôn mặt. Nếu không học được cách ngụy trang thì chỉ còn đường chết.

Họ vừa đến tẩm điện của Nguyên Cảnh Đế đã nghe tiếng khóc nỉ non. Thái tử bước vào, mùi thuốc nồng nặc lượn lờ tỏa ra từ cái lư hình thú đặt chính giữa điện.

Đây không phải thuốc bình thường, mà là thuốc hít "kéo dài tuổi thọ" do Nguyên Cảnh Đế tìm người luyện chế ra.

Thái tử thầm cười nhạt một tiếng, nét mặt lại không hề thay đổi. Gã bước tới long sàng, thấy Hoàng hậu và Thục Phi đang cùng hầu hạ, hai mắt Thục Phi đỏ ửng, hẳn tiếng khóc ban nãy thuộc về thị chứ không còn ai khác.

Thục Phi có mặt ở đây lúc này, chỉ sợ thị chẳng quan tâm đến long thể được bao nhiêu, mục đích chính là xin tha cho Tam Hoàng tử con mình mới đúng.

Thái tử đảo mắt rồi thản nhiên hành lễ.

"Thần nhi, con đến rồi". Hoàng hậu gọi tên gã. "Con mau lại đây bái kiến phụ hoàng con đi".

Nguyên Cảnh Đế nằm trên long sàng, hai mắt nhắm chặt, hơi thở nặng nề không sao tả xiết. Khí chất oai nghiêm xưa kia của lão giờ đã nhuốm cái mỏi mệt của tuổi xế chiều, trong chòm râu cũng lẫn vài sợi bạc trắng.

Thái tử cụp mắt, giấu đi sự hồ hởi đã sắp tuôn trào giữa đôi ngươi, ân cần dịu giọng: "Thân thể của phụ hoàng sao rồi ạ?".

Hoàng hậu thở dài: "Thái y nói là lửa giận công tâm".

"Nhi thần đã nghe nói về chuyện xảy ra trên triều, chỉ tại sức khỏe nhi thần không được tốt, không thể giúp phụ hoàng phân ưu".

"Sao lại tại con? Ba ngày nay con ngã bệnh, đâu thể ngờ trước được những sự việc lần này". Hoàng hậu nhìn con trai mình bằng ánh mắt dịu dàng hết mực. "Bệnh của con đỡ hơn rồi chứ?".

"Bẩm mẫu hậu, nhi thần đã thấy khỏe hẳn".

"Khỏe rồi thì tốt quá. Nay dịch bệnh lan nhanh, tuy nơi bùng phát là Dương Châu ở xa xôi ngàn dặm nhưng chúng ta vẫn phải cẩn thận đề phòng".

Thái tử cụp mắt: "Sức khỏe của nhi thần không đáng ngại, nhi thần chỉ lo cho phụ hoàng, lẽ ra thân là Thái tử thì nhi thần nên cùng san sẻ muộn phiền với phụ hoàng mới đúng".

"Dĩ nhiên rồi, con là Thái tử, phải toàn vẹn cả hiếu nghĩa và hiền đức". Hoàng hậu quay lại nhìn Thục Phi, đôi mắt lạnh lẽo. "Không như một số người đã làm sai còn muốn kẻ khác dọn dẹp giúp mình".

Thục Phi đang lau nước mắt bỗng khựng lại, lửa giận bốc lên, hai mẹ con kia kẻ tung người hứng, dám đẩy con trai thị vào trong hố lửa!

"Xin Hoàng hậu nương nương coi chừng lời ăn tiếng nói, bệ hạ đã ra lệnh phải dẹp sạch lời đồn, tốt nhất ta không nên bàn tán về những chuyện không có thật thì hơn".

Hoàng hậu cười khẩy: "Có thật hay không thì còn chưa biết, tuy bệ hạ ra lệnh phải dẹp sạch lời đồn nhưng đồng thời cũng đã sai người tra rõ sự việc, nếu Thục Phi rảnh rỗi đến mức ngồi đây mạnh miệng cãi bướng với bổn cung thì nên tự tới Dương Châu mà xem đứa con trai ngoan của cô rốt cuộc đã gây ra chuyện gì!".

Thục Phi mím môi thật chặt, giận tới nỗi mặt tái mét. Nhưng thị vẫn chẳng chịu thua: "Bất kể ra sao cũng phải có chứng cứ mới được, Hoàng hậu nương nương có thể đợi đến lúc tìm ra chứng cứ xác thực chứng minh Tam Hoàng tử đã làm sai rồi hẵng giậu đổ bìm leo cũng chưa muộn mà".

Ánh mắt của Hoàng hậu sắc như dao, bà vừa định cất tiếng đã bị một giọng nói khàn khàn chặn lại: "Các ngươi tưởng trẫm chết rồi hay sao? Muốn cãi nhau thì cút ra ngoài mà cãi!".

Tất cả đều quay đầu nhìn, hai mắt Nguyên Cảnh Đế mở to, nét mặt lão u ám.

"Bệ hạ tỉnh rồi". Hoàng hậu và Thục Phi vội vàng đỡ lão dậy. "Chỉ tại nô tì không tốt, quấy rầy giấc ngủ của bệ hạ".

Nguyên Cảnh Đế hừ lạnh một tiếng, chỉ liếc thoáng qua hai người rồi nhìn thẳng về phía trước.

Thái tử quỳ xuống vấn an.

"Thái tử, con tới đây làm gì? Chẳng phải con bị bệnh sao?". Lão hỏi.

Thái tử cúi đầu đáp: "Nhi thần nghe nói long thể của phụ hoàng bất an nên tới thăm người".

"Con rất có hiếu". Nguyên Cảnh Đế nheo mắt, không ai hiểu được lão đang nghĩ gì.

Nguyên Cảnh Đế nay đã lớn tuổi, lão nhìn những đứa con trai trẻ trung cường tráng mà thấy như địa vị của bản thân đang bị uy hiếp trầm trọng. Tính đa nghi của lão càng lúc càng mạnh hơn, lão luôn có cảm giác tất cả mọi người ở bốn phía xung quanh đều đang âm mưu chiếm lấy long ỷ

Lão ngồi tựa lưng nơi đầu giường, không mảy may biểu lộ nội tâm, nom chẳng khác nào một con hổ tuy đã già nhưng vẫn khiến kẻ khác phải dè chừng sợ hãi.

Hoàng hậu biết Nguyên Cảnh Đế đang nghi ngờ, vội vàng nói thêm: "Thần nhi vừa nghe nói bệ hạ trở bệnh đã lập tức chạy từ Đông cung tới rồi, bệ hạ nhìn đi, sắc mặt thằng bé trắng bệch, ban nãy nô tì còn nghe tiếng nó ho khan nữa. Bệ hạ cũng biết từ nhỏ Thần nhi đã là đứa hiếu thuận, nó luôn sùng bái bệ hạ mà".

Nghe bà nhắc đến khoảng thời gian khi Thái tử còn thơ ấu, nét mặt Nguyên Cảnh Đế thoáng thả lỏng. Lão bảo Hoàng hậu và Thục Phi lui xuống rồi ra lệnh: "Con có lòng rồi. Lại đây ngồi cạnh phụ hoàng đi".

Thái tử ngồi xuống mép giường, vẻ mặt cung kính.

Nguyên Cảnh Đế vỗ nhẹ vào tay gã: "Con biết vì sao trẫm giận phải không?".

Thái tử đáp: "Nhi thần đã được nghe kể những chuyện trên triều. Những lời đồn đại nhảm nhí đó tám phần mười không phải thật, long thể của phụ hoàng quan trọng hơn, xin người hãy giao mọi chuyện lại cho kẻ khác rồi an tâm nghỉ ngơi tĩnh dưỡng".

Nguyên Cảnh Đế trầm giọng: "Lời đồn giả lâu ngày cũng sẽ thành thật. Trẫm nhớ con có qua lại gần gũi với đứa con trai lớn nhất trong nhà Dung Thị lang, liệu con có từng thấy chúng tỏ ra thân thiết quá phận?".

Nếu Tam Hoàng tử chỉ muốn nuôi một nam sủng thì Nguyên Cảnh Đế cũng chẳng bận tâm, điều lão bận tâm là thân phận của Dung Nguyệt. Dung Nguyệt là con trai của Thị lang bộ Lễ Dung Tu Vĩnh, mà Dung Tu Vĩnh lại là học trò của Phó sứ viện Xu Mật [1].

[1] Tùy vào mốc thời gian lịch sử, cơ quan này phụ trách chưởng quản nhiều lĩnh vực khác nhau: có thể là về quân sự, có thể là giúp vua phê duyệt tấu chương, có thể là giám sát quan lại và hoàng thất, đỉnh điểm là vào đời Tống khi nắm vai trò thống lĩnh mọi hoạt động của chính quyền, có thể can dự và điều động cả sáu bộ. Điểm chung là quyền lực trong tay cơ quan này rất lớn.

Nguyên Cảnh Đế ghét nhất là quần thần chia phe lập phái, kết bè kéo cánh với nhau, lão không thể không nảy sinh nghi ngờ.

"Nhi thần không quá thân với cậu ta, chỉ là có đôi khi tình cờ chạm mặt". Thái tử đoán được những gì mà Nguyên Cảnh Đế đang nghĩ. "Trắc phi của Tam Hoàng tử là con gái dòng đích nhà Dung Thị lang, Dung Nguyệt lại là đệ đệ ruột của vị Trắc phi đó, thiết nghĩ cậu ta có gần gũi với tỷ phu cũng là chuyện rất đỗi bình thường".

Câu trả lời này chẳng những không trấn an được Nguyên Cảnh Đế mà còn khiến bao nhiêu nghi ngờ trong lòng lão càng thêm sâu nặng. Lão nghĩ kĩ lại mới thấy, Yến Minh Huyên đường đường là Hoàng tử nhưng lại khăng khăng đòi cưới một đứa con gái dòng thứ như Dung Thanh Tuyết, thương yêu chiều chuộng nàng tới mức không nạp thêm thiếp thất dù mấy năm qua nàng chưa từng hoài thai; sau khi kết hôn thì thường xuyên qua lại với gia đình nhạc phụ, gắn bó với Dung Nguyệt như hình với bóng.

Chẳng lẽ trong sự việc này có ẩn chứa bí mật nào đó mà người ngoài không thể biết? Chúng đang âm mưu những gì? Có thực lần này Yến Minh Huyên tới Dương Châu để tìm quà chúc thọ cho lão? Vụ án mỏ muối kia là thật hay giả, Yến Minh Huyên có to gan lớn mật tới mức dám độc chiếm mỏ muối làm của riêng hay không?

Nguyên Cảnh Đế suy tính mọi chuyện, gương mặt u ám như bị mây đen che phủ.

Thái tử lại nói: "Những lời đồn kia dù sao cũng không tốt cho thanh danh của Tam đệ, nếu để chúng lan truyền quá lâu thì sự bất mãn với Tam đệ sẽ nảy sinh trong lòng bách tính quần thần. Nay Dương Châu liên tiếp gặp sự cố, bất kể là vấn đề bệnh dịch hay những chuyện khác thì chúng ta cũng không nên nhắm mắt làm ngơ, bằng không đến cả triều đình cũng sẽ rơi vào hỗn loạn".

Nguyên Cảnh Đế nhìn gã chằm chằm, mặt không đổi sắc: "Vậy con nghĩ chúng ta nên làm gì?".

Thái tử mím môi: "Theo ngu kiến của nhi thần, phụ hoàng nên tìm một người có thể khiến bách tính tin phục rồi để người đó đích thân tới Dương Châu quản thúc việc trị thiên tai. Thiên tử ban ơn trạch, bách tính sẽ biết chỉ cần triều đình quyết tâm thì tất cả mọi chuyện đều sẽ được giải quyết dễ dàng".

Nguyên Cảnh Đế nhìn Thái tử, chẳng biết đang nghĩ gì. Lão im lặng một lúc lâu rồi chậm rãi nói: "Vậy thì trẫm sẽ cho con đảm nhận chức khâm sai, tới Dương Châu để chữa bệnh dịch, đồng thời cũng có trách nhiệm điều tra những vụ án liên quan đến quan trường nơi ấy. Con có dám đi không?".

Thái tử biết Nguyên Cảnh Đế đang muốn thử mình – lão muốn xem gã sẽ xử trí thế nào khi đối diện với anh em ruột thịt, hoặc cũng có thể lão muốn dò xét xem dã tâm trong lòng gã lớn đến đâu. Chắc chắn Nguyên Cảnh Đế sẽ không hài lòng dù gã có làm gì đi chăng nữa.

Nhưng chính điều ấy mới là điều Thái tử đang cần.

Mùi hương trong điện càng lúc càng gay mũi, gã giơ tay che miệng, khẽ ho khan: "Chức trách của nhi thần là giúp phụ hoàng phân ưu, tận tâm với xã tắc. Nhất định nhi thần sẽ không làm nhục mệnh".

Sáng hôm sau Thái tử lại cáo ốm, Đông cung đóng cửa không tiếp khách. Gã chỉ dẫn theo vài người tâm phúc lặng lẽ khởi hành đến Dương Châu, không muốn làm kinh động bất cứ kẻ nào.

Thái tử ra roi thúc ngựa bất kể ngày đêm, hoàn thành lộ trình nửa tháng đến Dương Châu chỉ sau bảy ngày tròn vẹn.

Ryals note: Vậy là đủ tụ ời đó, mỗi thằng cha Cố Việt Trạch trọc đầu cụt tay phải ở nhà (・ω・)