Nhất Thụ Nhân Sinh

Chương 19: Mảnh giấy nhắn




Doanh trưởng Vương Thụ Dân xuất ngũ.

Từ ngày nhập ngũ tới buổi xuất ngũ, phỏng chừng gần mười năm. Mười năm trước hắn chỉ là một tên nhóc không phân biệt được bốn với sáu, là thằng lông bông chỉ học được nửa năm đầu cấp ba, vừa hời hợt vừa không văn hóa. Đích thị là chẳng có gì nên gạo nên cơm. Mười năm sau, cuộc sống quân đội để lại nhiều vết tích trên người hắn, sẹo to sẹo nhỏ chằng chịt khắp thân, lại thêm hai lỗ tai không thể nghe được âm thanh gì quá lớn. Có lẽ có cả sức bật tuổi trẻ?

Có lẽ không.

Thật ra mà tính, những gì quân đội cho hắn, nhiều hơn những gì hắn cống hiến. Bộ quân trang bận mười năm, dạy cho hắn hiểu được trách nhiệm, cùng lòng can đảm mà một người đàn ông cần có.

Với khả năng của doanh trưởng Vương thì làm cảnh sát hình sự dễ như chơi. Nhưng tiếc là thái hậu Giả Quế Phương cấm tịt cửa. Thái hậu hạ chỉ, sau ngày doanh trưởng Vương bị thương, nghiêm cấm tuyệt đối những việc có liên quan tới bạo lực. Thậm chí trên TV chiếu quyền anh, thái hậu cũng điên tiết thiếu điều là đi tìm Thanh tâm bổ phế hoàn uống.

Vì vậy Vương Đại Xuyên đành tiếc hận xóa hết những kênh thể dục thể thao. Hai cha con có ngứa mắt thì trốn xuống nhà lão Lý dưới lầu mà coi ké, miết rồi con chó mực nhà lão cũng không nhe nanh múa vuốt với hai vị khách không mời này nữa.

Giả thái hậu rút kinh nghiệm xương máu, nghĩ rằng thằng con mình bộp chộp lỗ mãng, không đặt ở trước mắt canh chừng thì không được. Ngày xưa, bà trẻ lòng non dạ nên mới để cho thằng quý tử mà mình vất vả mới nuôi lớn đi lăn lộn bầm dập cùng trời cuối đất.

Bây giờ thời thế thay đổi lòng người thôi đẩy, liền phán không cho Vương Thụ Dân bước chân ra khỏi nhà, ngày ngày ngồi chồm hỗm ngay cửa để bà tiện bề trông coi.

Vương Thụ Dân có bom cũng không dám thả, thành thành thật thật cúi đầu nghe thái hậu nhà hắn quở trách, sau đó thì chuồn đi mua "Tĩnh tâm khẩu phục dịch" (aka thần dược uống vào mát lòng miệng im ngay) cho mama vĩ đại nhà hắn uống. Ồi thôi, phụ nữ tới thời mãn kinh thường hay khó ở, mong bà con thông cảm giùm, cảnh thái hậu càng già càng dẻo dai xách chổi rượt chạy vòng vòng sẽ còn thấy hoài hoài. 

Dân chủ chính là phải tận trung. Con trai thì vòi mami dân chủ, còn mami thì muốn con trai tận trung. Giả thái hậu vừa mở lời vàng ngọc thì Vương Đại Xuyên cũng chẳng dám hé miệng nói "không" nữa là. Chính vì vậy mà Vương Thụ Dân bèn gửi sơ yếu lý lịch tới sở điện, học theo ba mẹ hắn, từ rày về sau, sáng sáng chiều chiều, mỗi ngày sống đời công nhân thảnh thơi hạnh phúc.

Ban đầu, Vương Thụ Dân còn có chút không quen. Vương Đại Xuyên công tác trong sở điện nhiều năm, dễ dàng tìm được cho con trai một chức thủ thư cục điện lực. Mỗi ngày ngủ đến lúc hết muốn ngủ, điểm tâm có mama vĩ đại lo liệu, bản thân đánh răng rửa mặt xong thì há mồm ra ăn. Không có tiếng còi báo hiệu phải thức dậy. Không có lời thúc giục buộc đi chạy việt dã. Càng không có những màn tập hợp canh gác. Cứ ăn no lại xách mông ra cửa, đi tướng hai hàng tới cơ quan. Đa số thời gian là ngồi ăn bánh uống trà, lên mạng, hoặc chơi đánh bài. Tới trưa, về nhà ăn cơm xong còn có thể đánh một giấc thật đã. Nếu còn không đã nghiền, có thể tới chỗ làm ngủ tiếp.

Cái gì? Mượn sách hả? Xời, thời buổi này ai còn đọc sách, rảnh thì ghé mấy câu lạc bộ chơi cho vui đi. Chính vì vậy mà Vương Thụ Dân rảnh tới phát chán, buồn tình giở vài cuốn sách đã đóng bụi lớp lớp mấy mươi năm ra xem. Từng trang một ố vàng, những con chữ như nhòe đi theo ngày tháng.

Ấy nhưng, lại có việc khiến Vương Thụ Dân thấy thích thú.

Số là hôm ấy hắn chán gần chết, lật quyển "Sói biển" của Jack London ra, vô tình phát hiện có một mảnh giấy nhỏ được kẹp bên trong, bên trên là những hàng chữ bằng viết máy, từng từ ngay ngắn nắn nót, hẳn là của một cậu bé tính tình cẩn thận tỉ mỉ. Vương Thụ Dân chỉ liếc một cái liền nhận ra đó là nét chữ của ai.

Quyển sách đã cũ, không dày lắm, cô đơn nằm trong một góc, như thể chẳng mấy người thích câu chuyện này. Vương Thụ Dân vì tờ giấy nhắn của Tạ Nhất mà như mắc phải bệnh lạ, một mạch đọc hết cả quyển sách.

Truyện kể về một thanh niên gặp tai nạn trên biển, được con thuyền Ma cứu vớt, bị ép làm khổ sai trên tàu, từ đó trải qua các cuộc phiêu lưu lạ lùng dưới sự thống trị của tên thuyền trưởng có biệt danh Sói biển.

Vương Thụ Dân đọc sách không nhiều, bình thường có rảnh cũng chỉ coi vài ba bài báo lá cải trên mạng, cho tới bây giờ chưa khi nào xem một tác phẩm, à, đặc biệt hay ho tới vậy.

Đứng trước ranh giới giữa cái chết và sự sống, lựa chọn giữa nhân tâm và thú tính. Hắn chưa bao giờ biết, hóa ra lại có người có thể viết một câu chuyện sâu sắc nhường này. Bỗng nhiên, Vương Thụ Dân thấy biết ơn Tạ Nhất, nhớ tới cảnh đứa bé nho nhỏ một mình ngồi trong phòng khách nhà hắn, dùng cả một buổi chiều, tay cầm bút máy, hý hoáy viết những suy nghĩ non nớt của mình về câu chuyện đang đọc. 

Trong mảnh giấy cuối cùng, Tạ Nhất viết: "Chúng ta sống trong một thế giới khác với thế giới trên con thuyền ma. Giữa hai bên không có bất kì liêng hệ nào. Chúng ta sống trên đất liền, họ sống giữa bốn bề biển gộng. Nhưng cả hai lại sợ hãi lẫn nhau. Văn minh sợ quyền thế, man rợ coi thường luật lệ."

Nhìn những dòng chữ còn sót lỗi chính tả, Vương Thụ Dân bất giác nghĩ, với chỉ số thông minh của hắn, tới bây giờ cũng không thể hiểu Tạ Nhất suy nghĩ cái gì.

Rồi thốt nhiên lại bật dậy, lôi di động ra, chẳng cần mở danh bạ cũng có thể thuần thục nhấn ra một dãy số, nghĩ rằng khi người kia nhấc máy lên, hắn sẽ nói ngay, "Hề lố, cậu còn nhớ tôi là ai không nè? Tôi tình cờ đọc được cuốn sách cậu thích nhất hồi bé đó."

Thế nhưng điện thoại đổ chuông thật lâu, cuối cùng lại là giọng nói lạnh lùng máy móc vang lên: "Xin lỗi, số điện thoại này tạm thời không liên lạc được..."

Vương Thụ Dân buồn bã bỏ điện thoại xuống.

*

Vương Đại Xuyên hết hồn phát hiện dạo này thằng con phá sản nhà mình hình như đã học hỏi được điều gì đó. Chẳng biết có phải là vì làm trong thư viện nên gần đèn thì sáng hay không mà cứ hay mang sách về nhà suốt, trông còn rất là vui vẻ nữa, nhìn giống người có văn hóa lắm. Hai ông bà già nhìn nhau thở dài, phải mà tình cảnh này xảy ra chục năm trước phải hay hơn không, sao tự dưng thằng này có tuổi rồi lại đổi tính nhỉ?

Lúc cần phải chăm chỉ học hành, lo lắng cho tương lai thì lại lo đánh nhau, tụ bè tụ bạn, cặp bồ nhăng nhít. Rồi đến khi phải thành gia lập thất lại suốt ngày kè kè cuốn sách trong tay.

Vương Thụ Dân không phải sách gì cũng đọc. Chẳng biết phát sinh từ đâu mà hắn chỉ đọc những quyển có đính kèm giấy nhắn của Tạ Nhất. Miễn là có vết tích của cậu thì dầu sách buồn chán cỡ nào cũng sẽ nhiệt tình đọc bằng hết.

Không phải ai cũng có thể từ những con chữ khôn khan, đi ngược dòng thời gian, tìm hiểu thấu triệt được triết lý người xưa. Thế nhưng, có đôi khi, lướt qua từng dấu vết ai đó để lại, hiểu thêm về những gì mà đối phương suy nghĩ trong thời điểm đó, là chuyện hết sức dễ dàng.

Dù rằng cách nhau một quãng ký ức dài rộng, một đoạn thời gian mênh mông, cùng một lớp màng chẳng ai dám xé rách, ấy nhưng lại cảm thấy như đang được kề cận tâm hồn của người kia. Từ trong từng dấu chấm phẩy, thấy được vui buồn hờn giận của đối phương.

Vương Thụ Dân không rõ, liệu hắn có là đang nhớ mong không, nếu được thì mong là không. Bởi, hắn là kẻ sống trong đất liền, không phải trên con thuyền ma quỷ nọ. Hắn không cần phải kiến lập nhân sinh quan cho mình. Trên đất liền này, có rất nhiều sợi tơ giăng ngang chằng chịt, cuốn lấy mỗi người. Sợi tơ ấy có tên khuôn phép. Cá chết lưới rách, là một kết cục bi thảm, chẳng ai muốn mình dính vào.

Tạ Nhất không liên lạc, Vương Thụ Dân dần dần hiểu thấu. Cho nên, hắn không còn gọi cho số máy kia nữa.

Thư viện trong sở điện không lớn, sách cũng không nhiều. Sau một thời gian, Vương Thụ Dân cũng lật giở xem qua hết đống sách ấy. Rồi lại không có việc gì làm.

Giả Quế Phương thì lại không chịu nổi khi nhìn con mình thảnh thơi như vậy, bèn nảy sinh ý tưởng, túm tha lôi kéo Vương Thụ Dân đi coi mắt.

Vương Thụ Dân nói, coi mắt, thật ra là một loại bi kịch trá hình...

Như cái cô gặp lần đầu, vừa mở miệng thì khắp xóm cùng làng đều có thể nghe thấy tiếng. Vương Thụ Dân lỗ tai từng bị thương, liền bắt đầu biểu tình kháng nghị. Hắn thầm nghĩ, cô này sinh sai thời đại rồi, phải mà sinh hồi mấy mươi năm trước rất có thể sẽ thành người như Quách Lan Anh. (ca sĩ giọng nữa cao)

Hay như cô gái gặp mặt lần hai, vừa ngồi xuống thì hai cái đùi liền không ngừng hoạt động, rung liên tục, báo hại Vương Thụ Dân cũng bị lây nhiễm, cũng rung lắc theo. Phục vụ tới hỏi muốn ăn gì, thấy hai người như vậy, liền ho nhẹ một tiếng, thì thầm vào tai Vương Thụ Dân, "Anh ơi, toilet phía đằng kia..."

Lại như cái cô gặp mặt lần ba, người rụt rè e thẹn, từ đầu tới đuôi không hé môi nói tiếng nào. Liếc nhìn Vương Thụ Dân một cái, rồi lầm bầm trong miệng như là muỗi kêu. Đã thế, khi gọi món ăn còn chọn món giá hơn trăm đồng, hại Vương Thụ Dân viêm màng túi.

Rồi còn thêm cả cái cô gặp lần tư, nhìn thì cũng ra dáng mỹ nhân, mi mục xinh xẻo mắt môi sắc sảo, ấy nhưng chẳng hiểu vì sao cứ trưng bitch-face ra mãi, một nụ cười mỉa cũng không có, làm Vương Thụ Dân run sợ gì đâu. Sau thì e dè lên tiếng hỏi, "Tôi kể nhiều truyện cười như thế mà cô không thấy mắc cười sao? Nếu thấy khó chịu thì cứ nói thẳng, đừng ngại." Cô kia giọng thì áy náy thế nhưng mặt vẫn cứ đơ ra, "Xin lỗi, không phải là em không muốn cười, nhưng mặt vừa cắt chỉ xong, vẫn chưa lành hẳn, chẳng dám manh động. Nhớ lần trước cười nhiều quá mà làm lệch cả mũi..." Vương Thụ Dân tức thì chạy bán sống bán chết.

Tháng ngày đau khổ đó, cuối cùng cũng kết thúc trong một buổi chiều mùa đông.