Nhất Phẩm Giang Sơn

Quyển 6 - Chương 293: Khởi điểm vĩ đại




Lão xin Đại Tống phái quan Dân chính, biểu thị bằng lòng nộp thuế, quả thật là một chiêu giơ cờ cầm máu. Người am hiểu sâu câu nói tùy cơ ứng biến, có thể từ trong biểu tượng nhìn thấy bản chất. Cao Trí Thăng đã phát hiện, thực sự một loạt hành động sau này của người triều Tống, nhìn giống như đã lừa được Đoàn gia. Nhưng trên thực tế, Hạng Trang múa kiếm, ý tứ ở Bái Công, đang thực sự suy yếu là Cao gia bọn họ.

Điều này không khó lý giải, duy trì thế cân bằng của ba gia tộc, không nằm ngoài việc “tổn hại có thừa mà bổ sung không đủ’ thôi. Cao gia hiển nhiên không thể tùy ý để triều Tống tổn hại, nhưng đối kháng với Đại Tống chỉ có thể khiến mọi người mưu lợi từ trong. Cho nên Cao Trí Thăng dứt khoát, khiến Điền Đông chính thức biến thành một bộ phận của triều Tống… Ít nhất theo cách của người triều Tống , thì là như vậy… Người Tống tự nhiên không có lý do gì tính toán tới Cao gia rồi.

Hơn nữa quan viên triều Tống đã trở thành quan Dân chính của Điền Đông, để suy xét chiến tích của bản thân, tự nhiên sẽ dồn hết tài nguyên sức lực cho triều đình, phát huy hết sự thông minh tài trí xây dựng Điền Đông. Tương lai bọn quan viên thăng chức, hơn nữa Điền Đông với diện mạo mới hoàn toàn lại càng không thể rời đi!

“Cao gia không hổ danh làm điếm già trăm năm đấy, giống như một tay mượn gà đẻ trứng”.
Trần Khác thầm tán thưởng, lòng nghĩ:
“Cao Trí Thăng này quả thật một đời nhân kiệt, tuy nhiên Dương Thế Đạc kia cũng không kém. Nếu Dương Nghĩa Trinh có thể tin tưởng mật thiết, tương lai sự long tranh hổ đấu của hai nhà có thể sắp náo nhiệt rồi.”

- Không thành vấn đề, Tướng quốc trung thành đáng ca ngợi, hạ quan nhất định gắng sức giúp Tướng quốc thực hiện!
Lấy lại tinh thần, hắn nâng chén cười nói với Cao Trí Thăng.

- Đa tạ đại nhân!
Vẻ mặt của Cao Trí Thăng lộ ra sự hân hoan, nâng chén uống một hơi cạn sạch nói:
- Nghe nói đại nhân lên kế hoạch sửa thông đường thủy từ Đại Lý tới Quảng Tây sao?

- Sáu mươi nghìn quân há mồm chờ cơm, cũng không thể hoàn toàn dựa vào Tướng quốc tiếp tế đâu.
Trần Khác cười gật gật đầu nói:
- Vẫn là nhanh chóng sửa chữa xong thông lộ là biện pháp chính đáng.

- Ôi! Đại nhân lại khách khí rồi.
Cao Trí Thăng vẻ mặt không vui nói:
- Có Cao gia ta đây ra tay, thì không thể để đại quân ăn cháo được.

- Biết Cao gia trung thành khẳng khái.
Trên mặt Trần Khác hiện ra vẻ cảm kích nói:
- Nhưng Đại Lý núi nhiều đất thiếu, bình thường còn dễ nói, một khi gặp năm thiên tai, dân chúng đều ăn không đủ no, đâu còn sức lực phụng dưỡng quân đội chứ? Sửa thông con đường thủy này, không chỉ có thể tiếp tế cho đại quân, lương thực còn có thể vận chuyển vào nội địa, đặc sản vận chuyển ra ngoài Đại Lý, đối với Điền Đông cũng có ý nghĩa trọng đại đó.

- Để đại nhân nói như vậy, kênh đào này không thể không sửa rồi!
Cao Trí Thăng gật đầu liên tiếp nói:
- Công trình lớn cần có dân phu, Điền Đông nhiều thì không có, nhưng một vạn tám trăm tráng đinh vẫn rút ra được! Nếu đại nhân cần, chỉ cần nói một tiếng, chúng tôi tự mang theo lương khô!

- Đa tạ Tướng quốc!
Trong lòng Trần Khác chợt thông hiểu, gia chủ của Cao gia này giống như tắc kè hoa, luôn có thể dựa vào sự biến hóa của hoàn cảnh, điều chỉnh ra sách lược sinh tồn tốt nhất.

Cao gia có người lãnh đạo như vậy, ai cũng không lung lay được.

Từ sau đại lễ sắc phong, Vương Khuê muốn quay ngay về Kinh, còn có Lã Huệ Khanh, Vương Thiều cùng với năm đồng niên hảo hữu của Trần Khác đã cùng nhau rời khỏi Đại Lý. Kì nghỉ một năm đã qua hơn một nửa, người nhà đều đang nghển cổ trông mong, mà thế cục ở Đại Lý cũng đã vững vàng, về tình về lý đều nên về xem sao.

Tuy nhiên, mọi người đều là người phương nam, nên cũng không theo Nhã Châu phương Bắc về Kinh mà theo hướng đông, chuẩn bị đến Đông Xuyên đi thuyền xuôi dòng đến Quảng Nam tây lộ thì mỗi người mỗi ngả.

Tới Đông Xuyên, đương nhiên Trần Khác muốn tận tình làm chủ, chiêu đãi bọn họ ở lại hai ngày, dẫn bọn họ đi chơi Điền Trì, nhưng nhìn thấy thành Đông Xuyên bất ngờ ở đó thì ai cũng ngây người. Họ cũng không cố đi Điền Trì gì nữa, lôi kéo Trần Khác đưa mình đi dạo thành trì mới.

Thực ra, thành Đông Xuyên mới chỉ có hình dáng, nhưng nhìn thế dựa vào núi mà dựng, ba mặt tường thành hùng vĩ đều có nước bao vây, cũng đủ biết tòa pháo đài này dễ thủ khó công thế nào. Nhưng pháo đài này cũng không phải trời đất dựng nên. Kỳ thật, ban đầu nơi này chỉ có một mặt là nước, một mặt dựa núi, còn lại hai mặt đều là vùng đất bằng phẳng.

Nhưng bốn mươi ngàn tướng sĩ dưới trướng Trần Khác cùng với năm mươi ngàn dân phu chiêu mộ ngay tại chỗ cả ngày lẫn đêm đào đất xây thành, đào ra một hồ hộ thành rộng gấp mấy lần sông hộ thành. Hiện giờ, các công nhân vẫn đang đào sâu đáy hồ, mở rộng mặt hồ, đợi đến năm sau sẽ thông tới sông Giang, nước rót vào hồ lập tức sẽ tạo nên một bờ biển nhỏ.

Bỏ tiền vốn lớn như thế, hao phí nhiều khí lực như thế, đào ra một cái hồ này đương nhiên không chỉ là vì phòng thủ cho thành. Trên thực tế, đây vẫn là giao điểm của Điền đông và Điền trung, là cửa chính ra vào vùng núi nam của vùng núiĐông Xuyên, là đường thủy duy nhất thông ra hướng tây nam để vào Lưỡng Quảng. Một khi Đông Xuyên được xây dựng thành một thành thị, nơi này sẽ là một bến cảng nhân công cực tốt.

Tương lai, thành Đông Xuyên một mặt dựa núi ba mặt dựa hồ, phòng ngự được tất cả các loại tấn công, lại có thể lợi dụng giao thông thủy bộ, nhanh chóng phát triển công thương nghiệp… Không chỉ là công nghiệp và khai thác mỏ, nơi này rất có thể sẽ trở thành trung tâm thương nghiệp mới của Đại Lý.

Đứng trên đỉnh núi, nghe Trần Khác hăng hái chỉ điểm giang sơn, cái khí phách dám đổi biển cả thành ruộng dâu này đã khiến cho mỗi người chấn động sâu sắc, mà Tống Đoan Bình chấn kinh còn nhiều hơn tất cả những người khác. Bởi vì hơn một tháng trước y đã đến đây, biết chỗ này lúc ấy chỉ là một mảnh đất đầy vật liệu, nơi nơi là công trường đào đất lớn mà thôi, không thể tưởng được chỉ trong thời gian hơn một tháng ngắn ngủi, một tòa thành hoành tráng đã bắt đầu thành hình.

- Rốt cuộc ngươi làm thế nào?
Y hỏi vấn đề mà tất cả mọi người đều muốn biết.

- Bí mật là ở trong cái lò kia.
Trần Khác cười đáp
- Các ngươi còn nhớ, khi ở thành Biện Kinh, ta đã từng cho người nghiên cứu thử thủy nê (xi măng) chứ?

- Thủy nê? Nhớ.
Mọi người gật gù cười nói:
- Chính là khu nhà có quỷ náo loạn đó sao? Sau đó hình như không được mà?

- Ta là người đem con bỏ chợ sao?
Trần Khác cười không ra tiếng:
- Vốn là muốn chế tạo ra xi măng, sau này để trùng tu thành Biện Kinh sau lũ lụt đấy. Nhưng ai hay “biết dễ làm khó”, chậm chạp không đưa ra được thành quả, cũng chưa cống hiến được gì cho nhân dân thành Biện Kinh.
Dừng một lát lại nói:
- Tuy nhiên nghiên cứu thì không dừng lại, ta vẫn tiếp tục mày mò, mãi tới năm nay mới có kết quả. Sau lại đúng lúc xuôi nam, đành dẫn đối tác phụ trách sản xuất xi măng đến Đại Lý.

Vừa nói chuyện, Trần Khác vừa dẫn bọn họ vào bản tràng dưới chân núi, chỉ thấy các công nhân dùng tấm ván gỗ đóng đinh thành hình khuôn rỗng, trong ruột mô hình cũng có tơ trúc và một ít thép.

Lại có một nhóm công nhân khác, đổ một cái túi bột màu xám lớn vào một cái đấu đáy bằng cùng với đá và nước, sau đó dùng xẻng ra sức trộn đều, quấy xong, công nhân móc cái đấu lên một cái móc sắt, dùng ròng rọc chầm chậm kéo cái đấu nặng lên tới chỗ một cái khuôn đúc rồi mở van đổ vào.

Trần Khác dẫn bọn họ đến khu thành phẩm, chỉ thấy công nhân đập vỡ từng tấm ván gỗ, từng khối vật liệu hình vuông cứng như đá hiện ra trước mắt mọi người.

Vương Thiều rút bội đao ra sức chém vào mặt một khối, chỉ nghe keng một tiếng, đốm lửa văng tung tóe, phản lại hổ khẩu tê rần. Nhìn vào bội đao của Vương Thiều, chỉ thấy bảo đao đặc sản của Đại Lý đã bị oằn cả lưỡi, mà trên khối vật liệu kia chỉ lưu lại một vết đao nhạt.

- Làm sao có thể?
Mọi người chấn động hỏi. Bọn họ đã tận mắt nhìn thấy, đây chẳng qua chỉ là chút hỗn hợp giữa nước và bột, cũng rót vào khuôn giống như đậu hũ, sao lại tạo ra được thứ chất liệu còn cứng hơn cả đá thế này?

- Xi măng này có thần hiệu như vậy sao?
Đầu óc của Vương Thiều xoay chuyển quả rất nhanh, nếu có thể ứng dụng thứ đồ chơi này trên chiến trường Tây Bắc, chẳng phải có thể xây nên tường đồng vách sắt? Nhưng lập tức y lại nghĩ: hẳn là rất đắt tiền phải không?

- Hoàn toàn ngược lại, rẻ đến mức không thể rẻ hơn.
Trần Khác cười đáp:
- Đi với ta tới hầm lò xem thì biết.

Hắn liền dẫn mọi người tới nhà máy đang nổi lửa, bụi mù mịt. Nơi này đối với các sĩ phu ưa thích sạch sẽ bình thường thì chẳng ai muốn tới, nhưng lúc này trong mắt mấy người Vương Thiều thì vẫn còn đáng yêu hơn Đại Lý phong hoa tuyết nguyệt.

Các công nhân biết Trần Khác đều dừng tay, đứng dậy vấn an hắn.

- Tiếp tục làm đi, coi như ta không ở đây.
Trần Khác khoát tay, cười hỏi:
- Tiền Tiến đâu?

- Đang bận ở bên kia.
Quản sự lập tức cúi đầu khom lưng đáp:
- Để ta gọi ông chủ đến.

- Ngươi gọi đứa con thứ hai của Tiền Thăng tới hả?
Tống Đoan Bình cười hỏi:
- Cũng đúng, không phải Tiền gia mở lò đốt than sao?

- Ừ, con lớn của Tiền Thăng là Tiền Lai, ở đất Thục kinh doanh tổ nghiệp. Lão nhị Tiền Tiến này không muốn ngồi ăn chờ chết, chạy đến biện kinh tìm cha y.
Trần Khác cười đáp:
- Tiền Thăng trao nó cho ta, vừa lúc trong tay có hạng mục này liền giao cho nó làm… y đúng là người thích hợp với việc đó!
Chỉ chốc lát sau, Tiền Tiến đã chạy tới. Y chẳng qua chỉ hơn hai mươi tuổi nhưng ở trong lò lâu, mặt đầy bụi đen nên nhìn không ra sắc mặt. Thấy Trần Khác và Tống Đoan Bình cười toe toét, lộ ra hai hàm răng trắng:
- Trần thúc, Tống thúc hai người cũng tới.
Cho dù tuổi xấp xỉ nhưng Trần Khác và Tiền Thăng là bạn lâu năm, tiểu Tiền chỉ có thể làm cháu.

- Mấy người Tống thúc khá tò mò, muốn xem một chút xi măng là thế nào.
Trần Khác cười phân phó nói:
- Ngươi giới thiệu cho bọn họ một chút đi.

- Chẳng lẽ không cần giữ bí mật sao?
Vương Thiều nhìn tứ phía là công nhân bận rộn, không chỉ có người Hán, còn có rất nhiều dân tộc thiểu số, cảnh giác hỏi.

- Đây không phải bí mật gì, cũng không giấu được.
Tiền Tiến cười cộc lốc nói:
- Đương nhiên, chúng ta cũng có chút bí phương không truyền ra ngoài, tuy nhiên không ngại.
Nói xong, y dẫn bọn họ vào một cái lò đang bỏ thêm nhiên liệu vào, nói:
- Đây là lò vôi sống thông thường, chỉ là cải tiến hơn một chút thôi.
Lại chỉ lên một con đường bằng đá chất ba đống đất màu sắc khác nhau:
- Đen là than đá, lấy từ vùng núi ngoài tám mươi dặm, từ sông Nam Bàn chở tới đây. Trắng là đá vôi, trên núi khắp nơi gần đây đều có. Còn màu đỏ vàng là đất sét, nơi này đầy nhóc.

Cái gọi là than đá chính là môi, là nhiên liệu chủ yếu của cư dân Biện Kinh, mọi người đương nhiên ai cũng biết, còn hai thứ kia hàng ngày cũng đều nhìn thấy, cũng không ngạc nhiên chút nào.
- Chẳng lẽ chỉ dùng ba thứ này là có thể làm ra xi măng?

- Thực ra là có hai tác dụng khác nhau. Than đá làm nhiên liệu đốt.
Tiền Tiến giới thiệu, nói:
- Giống như tôi vôi ấy, đập nát đá vôi, trộn với đất sét, nghiền nhỏ tạo thành nguyên liệu thô, sau đó đưa vào đây nung chỗ nguyên liệu thô này tới khi đủ lửa, lại tiếp tục nghiền nhỏ, sẽ có từng túi vôi bột.

Mọi người biết, trong quá trình đó khẳng định còn có bí phương độc môn, nhưng bọn họ đã bị cái giá rẻ dễ mua của xi măng làm cho rung động.

- Chỉ như vậy thôi mà khác hẳn.
Ngay cả Tằng Bố trước nay vẫn trầm ổn cũng bị kích động:
- Từ nay về sau, ngành xây dựng của Đại Tống tạm biệt đất và gỗ, tường thành, công trình trị thủy, và thành lũy của chúng ta cũng có thể rút ngắn rất nhiều thời gian, chất lượng còn cao hơn nữa! Đây tuyệt đối là phát minh tạo phúc cho Đại Tống!

- Vì sao không hiến xi măng cho triều đình?
Hai mắt Lã Huệ Khanh sáng ngời:
- Tuyệt đối là một kỳ công.

- Ngươi chỉ nghĩ đến lập công!
Vương Thiều mắng một tiếng, nói:
- Trọng Phương làm như vậy khẳng định có lý do.

- Không có lý do gì cả, phát minh ra xi măng chính là để cho triều Đại Tống dùng mà.
Trần Khác cười cười nói:
- Nó đơn giản dễ học, nguyên liệu dễ tìm, không cần phải giữ khư khư cho mình, người cả nước đều phải học.

Kỳ thật hắn đã được lịch sử giáo huấn – triều Tống, thậm chí các đời khác, có rất nhiều phát minh sáng tạo, vốn nên tạo phúc cho Hoa Hạ, nhưng vì ai cũng giữ lấy bí mật cho mình, mỗi khi thay đổi triều đại lại bị biến mất mãi mãi trong dòng sông lịch sử.

Phát minh được ứng dụng rộng khắp mới có thể phát huy được công hiệu lớn nhất của nó, sao lại trở thành bí mật?

Tiễn bọn Vương Thiều đi, Tống Đoan Bình và Tằng Bố đều ở lại cùng hắn bàn kế hoạch.

Trần Khác đang đau khổ vì không biết cách phân thân, được bọn họ giúp đỡ đương nhiên vui mừng quá đỗi. Đợi hai người quen dần với tình hình, hắn liền cùng Thẩm Quát lo chuyện giám sát thực địa sông Nam – Bắc Bàn và sông Hồng Thủy, còn việc kiến thiết thành Đông Xuyên thì do Tô Tụng làm tổng giám kỹ thuật, Tằng Bố làm tổng giám tài vụ, có hai người đó đến chưởng quản và giám sát thì không cần phải lo lắng gì nữa.

Vội vã như thế là vì nếu muốn sống yên ở Đại Lý, nếu muốn khiến cho đồng ở vùng Điền thực sự phát huy được tác dụng, nhất định phải làm cho tốt con đường thủy đạo “Sông Nam Bàn đổ vào sông Hồng Thủy”! Nếu không, không chỉ đồng vùng Điền khó có thể đi ra bên ngoài, việc cung cấp vật tư cho thành Đông Xuyên cũng sẽ thành vấn đề lớn. Cứ thế này, không chừng chỉ trong một thời gian ngắn, nhân khẩu trong thành Đông Xuyên sẽ đạt tới hai trăm ngàn, dựa vào những thứ tự cung cấp được ở đây thì không khác gì lấy trứng chọi đá, hơn nữa còn bị người ta chế trụ. Chỉ còn hai tháng nữa, mùa khô cạn rất thích hợp cho làm công trình thủy lợi sẽ đến, một khi bỏ qua sẽ phải chờ suốt một năm nữa. Cho nên nhất định phải giành giật từng giây!
Nếu ví hệ thống sông ngòi Châu Giang như một con rồng dài, thì sông Nam – Bắc Bàn và sông Hồng Thủy là chân rồng đuôi rồng. Chân rồng là sông Nam – Bắc Bàn, ở cửa Tam Giang gặp sông Hồng Thủy tụ lại thành đuôi rồng.

Đầu tiên bọn họ dọc theo sông Nam Bàn xuống, đoạn này khá dốc, chảy mạnh, nước cạn, thuyền bè hơi lớn một chút đã không thể qua. Để giải quyết mấy vấn đề này, Thẩm Quát đề xuất, ở chỗ nào dòng nước hơi mạnh hoặc nước khá nông sẽ thiết lập Cửa dốc, chia con đường thành từng đoạn, xây miệng cống, ngăn dòng nước thành từng đoạn ở miệng cống, các đoạn nước này có thể tăng hay hạ đến cùng một mực nước, như thế sẽ dễ dàng cho thuyền đi.

Thẩm Quát không hổ là một thiên tài khoa học ngàn năm mới có, Trần Khác và y không mưu mà hợp, nhưng có một điều không trùng hợp, y dùng phương pháp Khích tích thuật và Hội viên thuật tự nghĩ ra tính toán chính xác địa hình đường sông, độ cao tiêu chuẩn và các số liệu nhất định khác của công trình.

Tuy Trần Khác hơn Thẩm Quát ngàn năm kiến thức, hơn nữa năm đó ở trường học vẫn là tập trung vào toán lý hóa, cũng phải mất hơn nửa ngày mới nhìn hiểu được. Khích tích thuật là phương pháp cấp số cộng bậc hai, mà Đẳng viên thuật lại là phương pháp dùng đường kính và độ cao hình cung đã biết của hình tròn, từ đó tính ra dây cung và chiều dài của hình cung.

Phương pháp này người Châu Âu phải mất mấy trăm năm mới tính ra, mà ở Trung Quốc lại càng vô tiền khoáng hậu!

Cũng không ai biết làm thế nào người này lại nghĩ ra được, tuy nhiên Trần Khác không hề kinh thán, bởi vì hợp tác nửa năm qua, hắn đã sớm nhìn quen, bất luận vấn đề kỹ thuật khó khăn nào, yêu nghiệt trước mắt này cũng có thể giải quyết dễ dàng. Vả lại, tên này khác người thường ở chỗ, người khác dựa vào kinh nghiệm để giải quyết vấn đề, y lại dựa vào toán học và logic!

Hơn nữa, tri thức của y rộng khiến cho người nghe cũng phải kinh sợ. Thiên văn, địa lý, toán học, vật lý, hóa học, địa chất, khí tượng, địa lý, nông học và y học, cái gì y cũng có trình độ và hứng thú sâu sắc. Nghĩ đến y mới chỉ có hai mươi sáu tuổi, có thể thấy được sự khủng bố của y.

Muốn hỏi ai là đệ nhất tài tử Đại Tống, Trần Khác nhất định sẽ chọn người này chứ không phải đại cữu ca nhà mình. Thậm chí hắn cũng từng nghĩ đến, hay đối phương cũng xuyên việt đến như mình, hơn nữa lại là tiến sĩ khoa học tự nhiên xuyên qua, thậm chí mấy lần cũng thử dò xét, khiến cho Thẩm Quát không hiểu gì cả - người ta là người triều Tống tiêu chuẩn đó!

Được rồi, không thể không thừa nhận, có một vài người chính là thiên tài, là thiên tài ngàn năm có một. Ngươi nói Trần Khác có lý do gì không bảo vệ y? Đương nhiên, còn một vị khoa học gia khủng bố phóng khoáng lạc quan khác – Tô Tụng.

Ngay từ ngày đầu tiên bọn họ đến quân doanh, Trần Khác đã tuyên bố bọn họ có được sự bảo vệ cao nhất, gần với đại soái Phạm Trấn, mà tất cả đãi ngộ cũng như mình. Rất nhiều người, bao gồm cả chính bọn họ cũng không thể lý giải, đường đường Trạng Nguyên Đại Tống, Phó Thống soái mấy vạn đại quân, sao lại coi trọng hai quan viên bình thường này đến thế?

Tô Tụng còn dễ lý giải một chút, tuy là tán quan, nhưng dù sao cũng là quán chức, ngày sau sẽ thăng chức rất nhanh cũng chưa biết chừng. Còn Thẩm Quát kia, thật sự khiến cho người ta khó hiểu…. Phải biết rằng, người này ngay cả tiến sĩ cũng không phải, y là dựa vào ân ấm* (con ông cháu cha) của cha y mới có thể tiến vào quan trường.

Nhưng đó là thế giới của khoa cử, trong quan trường tiến sĩ là vương, cho dù là Khổng tử cũng không được ngoại lệ. Ai cũng không thừa nhận y có thực học, các quan lại dựa vào ân ấm nhập sĩ đều bị khinh miệt xa lánh.

Nếu cha được ban chức cao cũng còn tốt một chút, chỉ sợ với những người như Thẩm Quát, cha chết trà cũng lạnh, bà ngoại không đau, cậu cũng không thương. Cho dù có cẩn thận nữa, có công tích thì cấp trên cũng không thấy, chỉ duy nhất một thời điểm cấp trên mới nhìn đến y, là khi xảy ra chuyện cần có người gánh trách nhiệm.

Nhắc tới những năm gần đây, Thẩm Quát thật là một phen nước mắt chua xót, nói mười ngày cũng không hết. Lần này nhận mệnh xuôi nam nhập ngũ, đương nhiên y nghĩ rằng các vị quan tiến sĩ không muốn chịu khổ sai nên mới tới mình, còn đang thầm kêu xui xẻo, nhưng thân lệnh như núi, y có ba lá gan cũng không dám cãi.

Đành phải tạm biệt thê nhi, an bài mọi sự cẩn thận, lòng đầy u ám mà xuôi nam, ai ngờ vừa đến quân doanh lại được lễ ngộ quy cách cao như vậy, ngươi nghĩ Thẩm Quát sao không động lòng?

Tuy cái thứ thanh cao thối của phần tử tri thức khiến cho y không muốn biểu hiện cái gì ra mặt, nhưng nhiệm vụ Trần Khác giao cho y đều hoàn thành vượt mức, thậm chí cả vấn đề Thần Khác không nghĩ tới, y cũng chủ động đi giải quyết, cũng cho thấy thái độ của y rồi.

Hơn nữa, tiếp xúc lâu ngày, Thẩm Quát cũng càng ngày càng khâm phục vị tân khoa Trạng Nguyên này.

Có thể khiến cho một nhà khoa học bội phục cũng chỉ có một nhà khoa học ưu tú khác. Cho dù Trần Khác còn xa mới được gọi là nhà khoa học, nhưng kiến thức siêu việt ngàn năm của hắn thật sự chỉ có ý nghĩ vượt qua ngàn năm mới có thể thưởng thức.

Tỷ như Tô Thức rất bội phục Trần Khác không gì không biết, nhưng đại não đầy lãng mạn của y đã định trước sẽ không để ý đến công việc nghiên cứu buồn tẻ, cho nên Trần Khác cũng chưa từng cố ý giới thiệu với Tô Thức tri thức siêu thời đại đó.

Những kiến thức của hắn thật sự chỉ có Thẩm Quát mới có thể hiểu, có thể thưởng thức, có thể tiếp thu, mà phát hiện và giải thích của Thẩm Quát cũng chỉ có Trần Khác mới có thể thực sự lý giải, thưởng thức và tiếp thu.

Bất kể thế nào, hai người nói chuyện với nhau càng lúc càng rộng, càng lúc càng sâu, thường là từ chuyện phiếm, dần dần người bên ngoài chen miệng vào không nổi, chỉ có thể nghe hai người bọn họ giảng thiên thư…

Tỷ như Trần Khác tìm cách chế tạo ra xi măng và bê tông, ánh mắt của mọi người đều tập trung vào ảnh hưởng của nó đối với chiến tranh và công trình, còn Thẩm Quát nói, có xi măng, mọi người không cần đốn nhiều cây nữa, đây là một chuyện tốt ngàn đời.

Mọi người đều khó hiểu, hỏi y chặt cây có ảnh hưởng gì đến thiên thu muôn đời? Trần Khác thì giải thích chuyện cây cối có thể duy trì thủy thổ, thay đổi khí hậu, nói tới chuyện chặt cây quá nhiều sẽ làm cho phù sa bị trôi, đất đai cằn cỗi, môi trường xấu đi, cuối cùng không còn thích hợp cho con người ở nữa.

Điều này được Thẩm Quát đồng tình mãnh liệt. Y nói với mọi người, căn cứ vào sách sử tìm đọc nhiều năm, có thể kết luận đất vàng cao nguyên trước kia vốn là đầy cây cỏ, dã lộc thành đàn. Tình hình này đến thời Tần Hán bắt đầu chuyển biến xấu, nhưng thay đổi cũng không lớn, bởi vì theo như “Sơn Hải kinh” ghi lại, Bạch Vu Sơn “Thượng đa tùng bách, hạ đa lịch đàn” (trên nhiều tùng bạch, dưới nhiều thú hoang). Trong một cuốn sách của “Thủy kinh chú” cũng ghi lại, bên cạnh rừng cũng có một vùng liễu rủ, điều này cho thấy vùng thảo nguyên phía nam ứng với một đường phía bắc, phía nam huyện Hoàn và Du Lâm trước kia là rừng rậm.

Mà thời Đường Tống, rừng rậm trên cao nguyên hoàng thổ bị suy giảm nhanh chóng, sa mạc hóa vô cùng nghiêm trọng, cho nên “Hoàn Khánh dĩ bắc, thiên lý bất mao” (phía bắc Hoàn Khánh, ngàn dặm khô cằn). Vậy rừng xanh trên hoàng thổ đi dâu? Một là trùng tu cung điện, định đô từ thời Quan Trung đều lấy gỗ ở đó, hai là dân gian chặt cây để xây dựng và đốt than. Nhưng hành phi phá hoại nghiêm trọng nhất vẫn là xây thành lũy quân sự, triều đại ta giằng co trường kỳ với Tây Hạ, vài chục năm nay đại tu gần vạn thành lũy, mỗi tòa thành dài đều muốn hủy diệt một cánh rừng!

Nếu xi măng được phát triển mở rộng, chút rừng rậm còn sót lại trên cao nguyên hoàng thổ cuối cùng cũng có thể giữ lại, sau này dần trồng cây sẽ khôi phục lại rừng cây xum xuê, non xanh nước biếc cũng không biết chừng!

Quan điểm sinh thái của Thẩm Quát thật sự không phải bắt nguồn từ xi măng của Trần Khác. Trên thực tế, trước đó y đã thượng thư với triều đình, thu thập than đá quy mô lớn làm nhiên liệu chủ yếu của triều đình và dân gian. Y còn đọc được ở trong sách “Cao Nô huyện hữu chi thủy, khả nhiên” (Ở huyện Cao Nô có nước mỡ, có thể cháy), đã từng tranh thủ khi có đại tang tự mình ra biên cảnh khảo sát, phát hiện một loại chất lỏng màu nâu, dân bản sứ gọi là “Thạch tất”, “Thạch chi” (sơn đá, mỡ đá), dùng để thổi lửa nấu cơm. Thẩm Quát đặt cho thứ chất lỏng này một cái tên mới, là “Thạch du” (Dầu mỏ), y đã sớm muốn dùng than đá và dầu mỏ thay thế gỗ thông làm nhiên liệu. Y nói không đến lúc cần thiết, quyết không thể tùy ý chặt cây cối, nhất là rừng cổ, càng không thể phá hư!

Trong mắt Trần Khác, quan điểm này chính xác tuyệt đối, nhưng người khác lại không thèm để ý…

Cho nên, đây không phải gọi là tri âm tri kỷ, Bá Nha Tử Kỳ, mà là sự cô độc của những người có hiểu biết.

…..

Trong khi khảo sát sông Nam Bàn, sông Hồng Thủy, vào đêm trời trong, cả hai cùng nhau ngắm sao. Hành vi này khiến cho Liễu Nguyệt Nga không rét mà run, lại không vì có chút tư tình nào, mà là vì nhìn sao trên trời ở đây có thể rõ hơn ở kinh thành nhiều.

Trước đây, bọn họ đã dùng lỗ nhỏ làm thí nghiệm, chứng minh với mọi người là ánh sáng truyền thẳng, cũng dùng nguyên lý này để giải thích nguồn gốc của nhật nguyệt thực và quy luật trăng tròn trăng khuyết. Để giải thích rõ ràng tình huống này với mọi người, Thẩm Quát còn thiết kế bắt chước để thử nghiệm. Dùng một viên đạn, bôi phấn trắng lên một nửa, coi như là một nửa có ánh mặt trời, nhìn nghiêng thì phần có phấn cong cong như móc câu, nhìn thẳng là hình tròn. Mà Trần Khác lại làm mô hình lớn hơn, cũng dùng phương pháp biểu diễn này, thể hiện triển lãm sự vận động của nhật nguyệt tinh.

Nghe nói dưới chân mình là một hình cầu, mặt trăng quay vòng quanh địa cầu, địa cầu cùng với sao Thổ, sao Mộc, sao Hỏa, sao Kim quay quanh mặt trời… Vì thân phận của Trần Khác, không ai tiện cười nhạo hắn, nhưng vẫn dùng phương pháp uyển chuyển hết lời ca ngợi sức tưởng tượng của hắn để thể hiện thái độ của mình.

Trần Khác nhất thời không tìm ra được phương pháp trực quan khiến cho bọn họ tin tưởng, nên cũng chỉ có thể cười. Nhưng Thẩm Quát lại cảm thấy rất hứng thú với cách nói của hắn, cho rằng giả thiết này mới có thể giải đáp được nghi hoặc của mình lâu nay.

Hơn nữa, Trần Khác đưa cho y một cái kính thiên lý, có thể kéo gần khoảng cách trong không trung, ngắm sao trời thật sự tốt hơn, khiến cho Thẩm Quát không muốn lãng phí một khắc nào, mỗi đêm sao sáng y đều lấy kính thiên lý ra nhìn lên bầu trời vừa cao vừa xa, không để ý tới mệt nhọc và rét lạnh, nằm đó cả đêm quan sát.

Mặc dù đây chỉ là một kính thiên lý bình thường, nhưng đã vén lên tấm màn che thần bí của bầu trời. Y đã nhìn thấy “Nguyệt cung” trên mặt trăng thật ra chỉ có từng dãy núi cao và dốc cùng với những hố đất trũng thấp. Y còn theo dõi sự chuyển động vùng sáng và tối trên mặt trăng, nhận ra bản thân mặt trăng cũng không thể phát sáng, ánh trăng là nhờ có được ánh sáng mặt trời phản chiếu mà có.

Y còn nhìn thấy các vệ tinh bao quanh sao Mộc, là bước đầu chứng minh cho thuyết pháp của Trần Khác.

Trần Khác thật sự xấu hổ, hắn mày mò chế ra kính chiếu hậu mười năm rồi, ngoại trừ hiến cho Địch Nguyên soái thì chỉ dùng để ngắm phong cảnh, lấy lòng tiểu nương, trên căn bản là lãng phí. Nhưng đồ vật này vừa rơi vào tay Thẩm Quát liền biến thành thần khí vạch trần bí mật của vũ trụ. Ngươi nói, người với người có cần chênh lệch lớn đến vậy không?

Đương nhiên, bội số của kính thiên lý này quá nhỏ, có hạn chế rất lớn tới quan trắc của Thẩm Quát, Trần Khác đã hứa, sau khi hồi kinh sẽ chế tạo cho y một cái kính thiên văn, cho y vạch trần bí mật của bầu trời.

Dọc theo sông Nam Bàn tới sông Hồng Thủy. Sông Hồng thủy xưa chính là con đường nhanh và tiện lợi từ đại tây nam xuôi nam, nhưng khác với sông Nam Bàn ở chỗ, nước nơi này sâu, sườn núi dốc, nhiều bãi đá ngầm nguy hiểm, thuyển bè đi qua chẳng khác nào liều mạng, từ trước tới nay chỉ có lão lái đò thật giỏi mới dám khiêu chiến cả hành trình này. Vả lại, cũng chỉ có thể thông qua được con thuyền năm mươi liệu. “Liệu” đó chính là đơn vị nhỏ nhất để đo thuyền triều Tống, một liệu tương đương với một thạch. (một thạch bằng 120 cân)

Thuyền lớn hơn khó có thể khống chế, căn bản không thể thông qua được khảo nghiệm của dòng nước xiết và bãi đá nguy hiểm. Dùng tuyến đường này để vận chuyển, phỏng chừng không bao lâu sông Hồng Thủy cũng tắc vì đống thuyền bè chìm rồi. Cho nên nhất định phải thay đổi bãi đá nguy hiểm, thay đổi độ dốc, thay đổi dòng chảy cho chậm lại, nâng cao khả năng thông tàu cho sông Hồng Thủy.

Sự khó khăn ở đoạn công trình sông Hồng Thủy lớn hơn rất nhiều đoạn sông Nam Bàn. Ngoại trừ thiết lập cửa dốc còn phải mở đường sông, sửa lại bãi đá nguy hiểm. Khảo sát một lượt, cuối cùng quyết định ước chừng bốn mươi ba chỗ, nếu muốn hoàn công trong một mùa khô thì có thể thấy được khó khăn trước mắt.

Đứng trên bờ đá cao, nhìn nước sông Hồng Thủy cuồn cuộn vỗ bờ, Trần Khác trầm giọng nói với hai bên:
- Sang năm nhất định phải đưa đồng vùng Điền ra, bằng không sẽ xảy ra đại sự.
Cần biết rằng, hắn xây thành Đông Xuyên, làm đường sông, thậm chí xuất tiền cho binh thành Đại Lý, đều là dùng lượng lớn mỏ đồng mỏ bạc ở Vân Nam để mời các nhà đầu tư đấy.

Vì thế, hắn đã áp dụng một loạt thủ pháp có thể nói là vượt thời đại.

Đầu tiên, hắn lợi dụng Hoàng thượng và các Tướng công không biết, dùng ảnh hưởng bản thân thuyết phục tập đoàn tài chính Thanh Thần và thương hội mũ xanh, để cho các tiền trang ở Biện Kinh dùng số tiền khổng lồ mua lấy quyền khai thác quặng mười năm ở Đại Lý.

Nhưng các tiền trang ở Biện Kinh cũng là mới thành lập, hơn nữa còn có gánh nặng cho vay khắp nơi của Thập Tam Hành Phố còn chưa tiêu hóa được, không có khả năng một mình gánh vác khoản cho vay chiến tranh lớn này, cũng chỉ đành vay mượn khắp nơi, dồn toàn lực thanh toán xong hết các khoản tiền chắc chắn phải chi trong kỳ thứ nhất, tiền trang Biện Kinh liền muốn dựa vào quyền chia quặng mà gom tiền trả khoản lãi kỳ thứ hai.

Khoản tiền thứ hai cũng không quá quan trọng, bởi vì Hầu Nghĩa và Trương Du hai người sẽ ăn một nửa, còn phải hết sức du thuyết thương nhân Biện Kinh và đất Thục bàn bạc, bọn họ vẫn duy trì liên lạc thư tín với Trần Khác, nghe nói cơ bản cũng không có vấn đề gì.

Nhưng khoản tiền sau đó thì nhất định phải trông cậy vào nhiều nhà giàu, phú thương để bỏ tiền. Nhưng trên đời này khó nhất là hai chuyện, một là áp đặt tư tưởng của mình cho người khác, hai là khiến cho người khác đưa tiền trong túi họ cho mình dùng. Cho nên, bao gồm cả Trương Du, Hầu Nghĩa, đều không mấy tin tưởng kế hoạch của Trần Khác.

Nhưng bọn họ cũng không biết, thực ra Trần Khác cũng không mấy trông mong kiếm được tiền nhờ quặng… Mặc dù việc này rất có cơ hội kiếm tiền, nhưng trình độ sản xuất hiện nay còn giới hạn, đã định trước lấy quặng chỉ có năng nhặt chặt bị, ít nhất trong mấy năm đầu căn bản không thể bù được khoản vốn bỏ ra ban đầu.

Bất kể niên đại gì, xuất binh, dựng nước, xây thành, tu sông, đều tốn một khoản chi phí có thể kéo sập một nước lớn. Không nói đến một chút tiền trang nho nhỏ ở Biện Kinh, lại thêm một chút tiền của các thương nhân, nếu tất cả tiền vốn đều phải tự bỏ ra, có ép khô bọn họ cũng không đủ.

Nhưng với tên Trần Khác này, hai đời làm người, sao có thể chỉ dồn tiền của mình để đầu tư chứ? Nhưng ở cái thời đại cực thiếu công cụ tài chính này không có cổ phiếu, không có thị trường chứng khoán, tìm đâu ra nhiều tiền như thế?

Sau khi khổ tâm suy nghĩ, Trần Khác quyết định tự mình phát hành trái phiếu đổi tiền!

Cho dù theo cách nhìn của người Nhất Tứ Nhạc Nghiệp can đảm nhất thì chuyện này cũng không thể tin nổi. Tiền trang Biện Kinh còn chưa bám rễ, phát hành trái phiếu thì ai biết? Đám nhà giàu Đại Tống sao có thể dùng bạc thực vàng thực đổi cho ngươi một đống giấy trái phiếu chùi đít còn ngại cứng này?

Nhưng Trần Khác vẫn kiên trì làm, vì thế, thậm chí hắn còn chuyển ra một mật ước với người Nhất Tứ Nhạc Nghiệp, ngăn cản thương hội mũ xanh phản đối, bên phía tập đoàn tài chính Thanh Thần cũng vì tín nhiệm mù quáng với hắn nên mới có ý ủng hộ.

Tuy nhiên, trên thư Tiền Thăng có nói, cổ đông tiền trang và nhân viên được phổ biến cho rằng hắn có thể dùng sức mạnh phát hành trái phiếu, nhưng cũng không có cách nào ép người ta mua được, cho nên cũng khó khăn mà u ám tin tưởng.

Mà trên thực tế, công phiếu phát hành ra quả thực rất thảm, trong một tháng đầu tiên thu về không đến một trăm ngàn quan.

…….

Trần Khác lại viết thư trấn an cổ đông, khuyên bọn họ đợi một chút, đừng sốt ruột, chỉ cần yên lặng theo dõi kỳ biến thì tình huống sẽ tốt đẹp lên.

Lúc ấy gần như không ai tin nổi hắn, thậm chí còn có một nhóm nhỏ cổ đông la hét phải hủy bỏ. Liên lụy tới tiền mặt của tiền trang Bắc Kinh cũng không ổn, nhất thời lời đồn nổi lên tứ phía, thái độ cực kỳ không ổn định.

May mắn sao lúc ấy Trần Khác đang ở Đại Lý xa tít, không phải chịu thảm cảnh ở Biện Kinh, nếu không hắn sẽ bị đám cổ đông khủng hoảng làm phiền tới chết.

Nhưng gian nan sống qua một tháng, tình huống đúng là có tốt lên. Rất nhanh, công phiếu tiêu thụ tốt dần lên, dần dần rơi vào vòng xoay mua bán điên cuồng. Bọn quan lại quyền quý ban đầu vốn tránh không kịp đột nhiên quay đầu, người sau nối người trước tới tiền trang Biện Kinh.

Để mua được công trái, người hầu của họ phải xếp hàng dài dằng dặc trước cửa tiền trang, quản gia thì vây các cổ đông tiền trang Biện Kinh lại, tranh nhau mời khách đi ăn cơm, đi kỹ viện, tìm mọi cửa sau có thể đi.

Nhất thời công trái của tiền trang Biện Kinh trở thành thứ được săn đón nhất nơi đây, không chỉ nóng đầu đường cuối ngõ, mà ngay cả Hoàng thượng trong cung cũng nhịn không nổi, hỏi chư vị tướng công:
- Các ngươi mua chưa?

Các tướng quân hơi xấu hổ đáp:
- Cũng không rõ lắm, hình như trong nhà cũng mua một chút…

Tình hình hoàn toàn nghịch chuyển, trong vòng mấy tháng công trái tiền trang Biện Kinh hết sạch, tập trung được bảy mươi triệu quan, không chỉ thoải mái trả tất cả các khoản tiền, tiền trang còn có thể nhanh chóng mở rộng.

Tất cả mọi người biết chuyện đều bội phục Trần Khác sát đất, đều viết thư hỏi hắn, rốt cuộc hắn làm thế nào?

Thực ra, Trần Khác chỉ là nhắm đúng thời cơ, tiến hành một công tác lăng xê thành công.

Nghĩ lại một chút, trong triều, Hoàng thượng và các tướng công, người có can đảm đồng ý với kế hoạch xuất binh của Trần Khác chủ yếu đều không phải do đại công mở mang bờ cõi hấp dẫn, mà là vì tiền bức. Đại Tống triều đang cực thiếu tiền đồng đó! Đến mức hàng hóa không thông, thương nhân khốn đốn, tài chính khô kiệt.

Nhưng trên thực tế, trong tay quan lại quyền quý và phú cổ cự thương Đại Tống có siêu nhiều tiền. Bởi vì kinh tế hàng hóa ở triều Đại Tống vô cùng phát đạt, nhưng mặt khác, sản xuất hàng hóa lại rất không phát triển, điều này khiến cho các đại hộ buôn bán trung gian kiếm tiền thiếu con đường đầu tư, cho nên chỉ có một số nhỏ phát triển theo hình thức tư bản, đầu nhập tái sản xuất mở rộng, đại bộ phận thì vẫn cất giữ của cải, gây trở ngại cho lưu thông.

Hơn nữa, thiếu tiền kéo dài liên tục khiến cho giá trị thực tế của đồng tiền không ngừng tăng, lại càng thêm thúc đẩy mọi người cất giữ tiền.

Căn cứ theo như triều đình tính toán, tiền đọng trong tầng hầm của các đại hộ đã tới hơn một tỷ quan. Chỗ tiền này bị cất đó không được sử dụng, lại liên tục thiếu tiền, khiến cho triều Tống trường kỳ bị vây trong cái vòng quanh thiếu tiền, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế quốc gia. Nếu có thể moi ra chỗ tiền này thì đó chính là linh đan diệu dược giải quyết khủng hoảng tài chính cho Đại Tống.

Từ khi chú ý đến Đại Lý, Trần Khác liền biết nếu có thể sử dụng mỏ đồng và bạc ở Đông Xuyên cho Đại Tống, tình hình thiếu tiền sẽ thay đổi, kỳ ngộ thật lớn cũng là ở trong đó – hiện giờ, cái tin mỏ đồng và bạc ở Đại Lý gấp mười lần thiên hạ đã truyền khắp cả nước. Lại có bằng chứng là triều đình xuất binh, Đại Lý quy thuận, khiến người đa nghi bảo thủ nhất cũng không thể không tin tưởng, Đại Lý nhất định sẽ là mỏ đồng và bạc cho mình.

Đương nhiên, các đại hộ cũng có đường truyền tin của mình, cũng thăm dò nhiều tin tức, tỷ như triều đình xây dựng thành Đông Xuyên to lớn, cũng sắp khai thông một con đường thủy. Tất cả dấu hiệu này cho thấy, đồng và bạc vùng Điền quả thật tồn tại! Hơn nữa điều kiện vận chuyển ra ngoài cũng có!

Mọi người đương nhiên do tin chắc rằng chuyện thiếu tiền sẽ không tiếp diễn nữa, đống tiền chôn trong hầm sẽ rất nhanh bị giảm giá trị. Nếu muốn đảm bảo giá trị tài sản, bọn họ có hai con đường để chọn: một là đổi tiền thành vàng tiếp tục cất vào hầm. Bởi vì nghe nói Đại Lý chỉ có mỏ đồng và bạc chứ không có vàng, cho nên mặc dù giá trị đồng và bạc có rẻ đi, giá vàng cũng sẽ tăng lên.

Hai là lập tức đầu tư tiền. Nhưng trước đó cũng đã nói, triều Đại Tống thiếu con đường đầu tư. Lúc này, tiền trang Biện Kinh có được quyền khai thác mỏ ở Đại Lý trong mười năm, đương nhiên sẽ thành đối tượng được săn đón. Theo như lời đồn đại, giá trị của Đại Lý không ngừng được nâng cao, về sau, trong mắt người Đại Tống thì Đại Lý đã thành từng tòa núi đồng núi bạc vô tận.

Chuyện sau đó thì đơn giản hơn rồi. Tiền trang Biện Kinh dùng quyền khai thác quặng ở Đại Lý để đi vay, phát hành công phiếu, rất nhanh đã thu được bảy mươi triệu quan, gần như tương đương với thu nhập nửa năm của Đại Tống. Nếu không vì lo lắng tính phiêu lưu cao mà tuyên bố dừng bán trước, thì thu được một trăm triệu quan cũng không phải không có khả năng.

Còn có rất nhiều đại hộ đề xuất muốn tham gia mua cổ phần, nhưng Trần Khác nghĩ đến tình hình thực tế vẫn chưa chín muồi nên tạm thời chưa mở cánh cửa này ra.


Đương nhiên, vay nợ lớn mang đến lợi nhuận lớn. bắt đầu từ cuối năm nay, tiền trang Biện Kinh phải trả các khoản lợi tức, số tiền hàng năm cao tới ngàn vạn quan, càng miễn bàn chuyện trả vốn vào năm năm sau.

Áp lực tuy nặng nề, nhưng chỉ cần đồng và bạc vùng Điền có thể xuất hiện ở Đại Lý thì vấn đề cũng không lớn… Trần Khác cũng không trông cậy có thể có được bao nhiêu tiền lời từ chỗ đồng và bạc đó, bởi vì từ trước tới naykhi đầu tư lớn, giai đoạn đầu vẫn là không ngừng lỗ vốn.

Nhưng chỉ cần có thể nhìn thấy đồng thật bạc trắng liên miên không dứt, thị trường sẽ duy trì lòng tin tưởng vào Đại Lý. Thuyết pháp lòng tin còn đáng giá hơn vàng ở hậu thế cũng được áp dụng ở triều Tống. Tiền trang Biện Kinh có thể thực nhẹ nhàng dùng khoản nợ mới trả khoản nợ cũ, khiến cho tiền mặt lưu thông không ngừng, cho đến khi mỏ đồng mỏ bạc thực sự có lợi nhuận.

Tuy nhiên, nói tóm lại, điều kiện tiên quyết nhất là phải xây dựng lòng tin. Nếu mất lòng tin, sẽ không thể tránh được tai họa kinh khủng.

Cho nên, nhất định vào năm tới đồng vùng Điền phải được vận chuyển đến Biện Kinh! Cho dù thủy lộ vẫn chưa thông, dựa vào sức người sức ngựa kéo cũng phải làm cho được!

Cuối tháng chín, Trần Khác tới tây lộ Quảng Nam, hắn nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt của văn võ bá quan Quảng Tây.

Phải biết rằng, Đại Tống từ triều Thái Tông tới nay, chẳng những không gia tăng được lãnh thổ, mà ngược lại còn không ngừng bị mất đi đất đai. Vì vậy cho nên lòng quân, lòng dân đều trở nên chán nản, thậm chí không còn một ai dám nói những lời hùng hồn về việc “thu phục Yến Vân” nữa.

Việc Đại Lý quy thuận Đại Tống triều khiến cho mọi người hào hứng hẳn lên. Cần phải biết rằng, lãnh thổ Đại Lý từ xưa chính là lãnh thổ của vương triều Hoa Hạ. Hán Vũ Đế, Gia Cát Lượng, Đường Thái Tông, những nhân vật vĩ đại này đều đã từng lập nên trật tự thống trị tại nơi đây, sau này do chính sách sai lầm của vương triều Đường khiến cho nước Nam Chiếu tự tách ra trở thành một nước độc lập. Từ đó đến nay, “áng mây phía nam” đã thoát ly khỏi triều đình trung ương đã hai trăm năm rồi, ngay cả vị vua anh minh thần võ như Thái tổ Hoàng đế cũng không thể thu hồi lại được.

Hiện giờ Đại Lý đã quy thuận triều đình, lãnh thổ toàn vẹn như xưa, không những vậy lại không phải trải qua một cuộc chiến tranh xâm lược nào mà là quốc vương Đại Lý đã chủ động hiến nước, điều này quả thật rất phù hợp với mục tiêu theo đuổi sự hoàn mĩ của tầng lớp nhân văn...





V