Nhất Phẩm Giang Sơn

Quyển 3 - Chương 82: Kinh biến




Hai người đang nói chuyện, đột nhiên nghe có tiếng bước chân đi tới thì cùng đột ngột im lặng.

Người thanh niên họ Triệu đó nhìn xung quanh, thấy Trần Khác lui về trong khoang thuyền thì cũng phi như bay đuổi theo. Hai người cùng tựa vào sau cửa, đợi cho đám binh lính tuần tra đi qua, rồi đều phì cười vì các động tác ban nãy.

Có được lúc ban nãy, đợi lên quay lại trên sàn thuyền, hai người càng cảm thấy thân thiết hơn. Trần Khác cười nói:
- Vị tiểu ca này, ngươi cũng là người cọ thuyền nhỉ.

- Cọ thuyền?
Thanh niên họ Triệu có chút ngây thơ hỏi lại:
- Cọ thuyền gì?

- Giả vờ, thật là biết giả vờ.
Trần Khác lặng lẽ cười nói:
- Chiếc thuyền này là thuyền chở lương thực, không chở người. Ngươi xuất hiện trên chiếc thuyền này, chẳng phải là cọ thuyền sao?

- Nói như vậy cũng đúng.
Thanh niên họ Triệu gật gật đầu, nói:
- Ta thật sự là cọ thuyền.

Trần Khác đứng tựa mình vào lan can, vươn vai, hít thở làn gió sông trong lành, nói:
- Ngươi chắc là con cháu gia đình giàu có nhỉ.

- Vì sao ngươi biết?

- Ha ha, về điểm này chẳng có chút liên quan nào, và cũng không thể lên cọ được thuyền quan được.

- Nếu thật sự là con cháu gia đình giàu có.
Thanh niên họ Triệu rất nhạy bén, đáp:
- Ta đâu cần phải giấu diếm đâu?

- Nhiều thêm một chuyện không bằng bớt đi một chuyện.
Trần Khác vừa vận động gân cốt vừa nói:
- Bớt đi một chuyện không bằng không có chuyện gì.

- Ha ha ha…
Người thanh niên họ Triệu khẽ cười. Tứ lúc được sinh ra tới giờ chưa từng có người nào nói với y như vậy.

Hai người lại vui vẻ nói chuyện với nhau vài câu, Trần Khác ước chừng thời gian, nói:
- Ta phải quay về rồi.

- Vội gì chứ? vẫn còn sớm mà.

- Ta còn người bạn đang chờ được ra hóng gió nữa.
Trần Khác cười nói tiếp:
- Nếu ngươi muốn nói chuyện phiếm thì tìm cậu ta cũng được đấy.

- Thôi.
Thanh niên họ Triệu lắc lắc đầu đáp:
- Ta cũng nên về rồi.

Trần Khác bĩu môi thầm nhủ, tiểu tử quý tộc bệnh nghiêm trọng rồi.


Buổi tối ngày thứ hai, lúc ra ngoài hóng gió, Trần Khác lại gặp thanh niên họ Triệu đó.

- Thật khéo nhỉ.
Người thanh niên hướng về phía hắn cười nói.

- Ha ha.
Trần Khác cũng cười nói:
- Không khéo. Trên cùng một chiếc thuyền, thời gian hóng gió có hạn, gặp lại cũng là điều tất nhiên thôi.

- Cũng đúng.
Người thanh niên cười nói:
- Tiếc là ngay mai phải rời thuyền rồi.

- Chậc,
Trần Khác không khỏi sởn gai ốc, hắn thực sự muốn lấy một chiếc đèn lồng soi vào gương mặt của tên tiểu tử, xem xem liệu có phải là hoa mỹ nam như Trình đại lang kia không.

Hai người nói chuyện câu được câu chăng, rồi tự nhiên nói đến chuyện chiến sự trước mắt, người thanh niên lắc đầu thở dài nói:
- Thật sự nghĩ không ra, hai đường Quảng Nam hai mươi vạn binh mã, vì sao lại bị một Mã Chí Thư bé tí tẹo giết đến mức quân lính tan tành, thật là quá mất mặt.

- Ồ, góc nhìn này của ngươi rất có ưu thế chiến lược.
Trần Khác cười nói:
- Tuy nhiên vì sao lại không thể bị giết đến mức quân lính tan tành?

- Số người của chúng ta chiềm ưu thế tuyệt đối, vả lại không phải là dã chiến mà là thủ thành. Với phương thức nghênh chiến tốt nhất, sao có thể thất bại thảm hại như vậy?
Mặc dù trời tối nhìn không rõ sắc mặt, nhưng thầm nghĩ chắc là thanh niên đó vẻ mặt đầy tức giận.

- Đánh giặc không phải đánh bài. Bài của ngươi tốt cũng chưa chắc đã thắng.
Trần Khác lắc đầu nói:
- Mã Chí Thư tuy chỉ có năm ngàn người, nhưng đêm trước hôm tạo phản, nghe nói hỏa hoạn đã thiêu rụi sào huyệt của y thành bãi đất trống. Y liền nói với các bộ hạ của mình, toàn bộ tiền tích góp của bộ tộc đều bị lửa thiêu rụi. Số lương thực cuớp được cả tộc người ăn không được mười ngày. Nếu muốn sống tiếp thì chỉ còn cách đánh Ung Châu thành, chiếm lĩnh Quảng Châu, tự lập nên một quốc gia riêng, nếu không mọi người đều sẽ chết chắc.
Những điều này đều là hôm trước nghe Thiệu Ung giảng, hắn đem ra dạy lại những gì mình đã được học.

- Điều này ta cũng nghe nói rồi.
Người thanh niên cất tiếng thở dài.

- Có giống với chuyện Tây sở bá vương đập nồi dìm thuyền không?

- Ngươi nói là…
Người thanh niên trợn trừng mắt hỏi:
- Trận hỏa kia, là do chính Mã Chí Thư đốt hả?

- Ngươi còn cần hỏi lại sao?
Trần Khác ngồi lên lan can, lắc đầu cười nói:
- Cho dù là cưới vợ thì cũng phải chuẩn bị trước cả một tháng, huống chi đây là tạo phản, lão huynh, không có vài năm chuẩn bị kỹ càng, ai dám hô lên một tiếng “phản”?

- Ngươi nói rất đúng, ngay ngày thứ hai của vụ hỏa hoạn đã có thể xuất binh đi đánh Ung Châu.
Người thanh niên tin tưởng, gật đầu nói:
- Tuyệt đối không phải là do vô tình, mà là do con người làm ra.

- Hừ, là dựa vào sức mạnh của “đập nồi dìm thuyền”
Trần Khác gật đầu nói:
- Ít nhất ở phương diện quyết tâm, y đã vượt lên trên tuyệt đại đa số người triều Tống.

- Ngươi đây là nuôi chí khí người khác mà diệt uy phong của chính mình.
Người thanh niên lắc đầu nói tiếp:
- Người phía nam từ trước đến nay yếu đuối vô lực, Triều đình đã điều động đội quân tinh anh của phương Bắc xuống phía Nam, đến lúc đó, Mã Chí Thư tự nhiên sẽ lộ nguyên hình.

- Ha ha, tinh anh…
Những đánh giá của Trần Khác về sức chiến đấu của quân Tống, đều là lấy từ sách giáo khoa của ngày trước, liền khinh thường lắc đầu nói:
- Trên đời này không có anh hùng, khiến cho Triệu Nguyên Hạo thành danh. Ta thấy lúc đó trư vị tướng công ở huyết chiến Tây Bắc cũng đều thường thường cả thôi.

Nghe hắn nhắc đến chiến trường Tây bắc, quân Tống quyết chiến với binh lực gấp mười lần, tài lực gấp trăm lần, nhưng lại bị thế lực yếu ớt của Triệu Nguyên Hạo đánh tan tành. Điều đó có thể công nhận quân phía Tây hùng mạnh nhất. Người thanh niên liền hết chỗ nói, hồi lâu sau mới buồn bã nói:
- Lý Nguyên Hạo đó ba đời vất vả xây dựng, thực lực rất mạnh, vượt xa sự tưởng tượng của những người trong nước, Mã Chí Thư làm sao có thể so được với gã? Không tin thì ngươi xem đi, Thống soái do Triều đình phái đến bình định vừa đến thì cũng là lúc thế sự sẽ khác.

- Triều đình phái người nào đến phía Nam?
Trần Khác tò mò hỏi lại.

- Cái này, triều đình và dân chúng đều sớm đã biết, nói cho ngươi cũng vô hại.
Người thanh niên trầm ngâm một lúc rồi nói:
- Một vị là Tri châu của Đàm Châu tên Dư Võ Khê, một vị là Tam ti Phán quan Dương Nhạc Đạo…Chậc, ngươi từng nghe qua đại danh của hai vị này chưa?

- Người đầu tiên là một người trong “Khánh Lịch tứ gian” nhỉ.
Trần Khác không chắc chắn hỏi:
- Còn người sau thì chưa từng nghe nói qua.
Dư Võ Khê tên gọi là Dư Tĩnh, Võ Khê là hiệu của ông ta, chức vụ là Ngôn quan. Năm đó trong cuộc đấu tranh của đảng Khánh Lịch, Thái Tương làm bài thơ “Tứ hiền nhất bất tiếu” ca ngợi Phạm, Âu Dương, Doãn, Dư là “Tứ hiền”, lấy cao làm “Bất tiếu”. Trong đó câu thơ: “Trảm nhiên an đạo sinh đầu giác, khí hồng vạn trượng hoành thiên cù, Thần Tĩnh hung trung hữu khuất ngữ, cử ách bất tị tiêu phủ tru” chính là ca ngợi Dư Tĩnh.

Bài thơ này về sau được mọi người thi nhau sao chép, nổi tiếng gần xa, thậm chí sứ giả Khiết Đan nghe thấy cũng mua một bản sao, dán ở U Châu quán. Dư Tĩnh vì vậy mà nổi danh khắp trong ngoài.

Sau khi nổi danh, Dư Tĩnh không ngừng cố gắng….hoặc là nói nặng nề hơn, không chút lưu tình mà đề đạt ý kiến với Hoàng đế. Nghe nói lúc mà cảm xúc bị kích động còn phun cả nước miếng vào mặt Hoàng đế mà cũng không biết. Một vị đại tướng tiên phong cải cách chính sách mới năm Khánh Lịch như vậy. Sau khi cải cách chính sách mới thất bại, tự nhiên bị liên lụy, phải đứng sang một bên rất nhiều năm. Bây giờ lúc đất nước khó khăn thì lại được khởi dụng.

Trần Khác tự nhiên không dám hoài nghi nhân cách và tiếng tăm của vị lão tiên sinh Dư Tĩnh đó, chỉ có điều hiện giờ đang chiến tranh, cử một Ngôn quan đi làm gì? Chẳng lẽ trông chờ vào việc lấy lý lẽ để thu phục lòng người, hay là lại thi thố trình độ lời nói ác độc để nói Mã Chí Thư?

Cũng may người thanh niên đó rất nhanh chóng giải thích những hoài nghi của hắn. Đáp án ngay ở trên người phó soái Dương Điền Dương Nhạc Đạo, Dương là Dương trong Dương gia tướng.

Người thanh niên đó bảo Trần Khác, Dương Điền là cháu của em trai Dương Ngiệp - Dương Trọng Huân, cháu họ của đại tướng Dương Văn Quảng. Bởi vì có tầng quan hệ này, tuy rằng Dương Điền vẫn xuất thân là tiến sĩ chính quy, nhưng cũng không làm tốt nhiệm vụ…không phải anh ta không chuyên tâm làm việc, mà là hễ ở đâu có phản loạn là triều đình liền điều anh ta đi đến đó bình định.

Chín năm trước, chính là người Di ở đường Kinh Hồ Nam tạo phản, tuy rằng quy mô không lớn như lần này, nhưng độ khó thì tương đương, vừa nổ ra thì người tộc Di liền giết tới trước mắt. Bởi vì quân Tống trong nháy mắt đã chạy hết, đem đường đường chủ soái đại nhân phơi ở đó, để tránh uy danh tổ tông bị nhục, Dương Điền đành nhảy xuống sườn núi, may mà sướn núi không sâu, cỏ lại dày nên mới thoát chết.

Dương Điền không hổ là thế hệ sau của Dương Gia tướng, ngay trong tình hình tuyệt vọng này, hai năm sau y lại cứng rắn dẹp yên quân nổi loạn. Vì vậy lần này lại xuất hiện tình huống tương tự, người đầu tiên mà triều đình nghĩ đến chính là y.


Trần Khác đã hiểu rõ, Dư Tĩnh - một người có trình độ chính trị vững vàng - làm chính ủy. Dương Điền mới là người chịu trách nhiệm chỉ huy quân sự. Nghe ra sự kết hợp này rất hợp lý, kiêm cả kinh nghiệm và uy tín. Nhưng hắn vẫn còn nghi vấn, hỏi:
- Sao mà lại phải phức tạp như vậy? Ta nghe nói Minh tướng công, Văn tướng công vừa mới dẹp loạn Bối Châu rồi. Đừng nói năm đó Hàn tướng công lãnh binh ở Tây Bắc. Đám người Doãn đại nhân, Trương đại nhân, vì sao lại không cử bọn họ đi?

- Haiz…
Người thanh niên đó có chút xấu hổ, cười nói:
- Có thể là giết gà không cần dao mổ trâu.
Thực ra là bởi vì, thời kỳ này, triều đình có thể có một khu thống trị hịệu quả, chỉ có bắc Trường Giang, nam Trường Giang, đặc biệt là khu vực Lĩnh Nam, giống như Tứ Xuyên ở bên ngoài Kiếm môn quan là nơi quá xa để triều Tống có thể trợ giúp. Triều đình có thể không dám cử một nhân vật hùng mạnh đi tới, nếu chẳng may lộ ra là Nam Hán thì thật là vui.

Câu chuyện càng ngày càng trầm trọng, thời gian cũng không còn sớm nữa, hai người lại không tiếp tục nữa, chắp tay từ biệt trở về phòng của mình, không ai hỏi đối phương tên là gì.

Buổi sáng ngày thứ hai, thuyền quan đến bến Hành Dương. Đám người Trần Khác vội vàng muốn ra khỏi khoang, nhưng bị viên quan sai đã đưa bọn họ lên thuyền ngăn lại, nói:
- Có quý nhân muốn xuống thuyền, các ngươi chờ chút đã.

- Quý nhân, quý nhân gì?
Trong lòng Trần Khác khẽ động, ỷ vào vóc dáng cao lớn, hắn nhìn ra xung quanh, chỉ thấy mấy chục người to cao vạm vỡ hộ tống một người trung niên ăn mặc kiểu Nho sĩ. Phía sau người trung niên có một người nam, một người nữ theo sát. Người nữ đội khăn trùm mặt bằng lụa trắng, người nam với thân hình cân xứng, cao lớn, tám phần là người mà hai đêm liền hắn nói chuyện cùng.

Người nam thanh niên đó hình như có cảm giác thấy, quay đầu lại nhìn, hiện ra một gương mặt vuông, tướng mạo đường đường. Y cũng nhìn Trần Khác, nhe răng cười với hắn rồi đi theo người trung niên kia, nâng chiếc kiệu mà bọn họ mang theo bên người lên.

- Đám người này phô trương đủ lớn rồi…
Tống Đoan Bình nói:
- Làm buôn bán nhỉ.

- Không giống.
Trần Khác lắc đầu nói:
- Ngược lại lại thấy giống con cháu đại quan.

Qua một khắc, cuối cùng họ cũng được xuống thuyền.

Vừa vào thành Hành Dương mới phát hiện nơi đây đã biến thành một tòa thành binh. Trọng trấn từ đường cái quan thông Nam bắc này, tập trung lượng lớn bộ đội từ Lưỡng Quảng lộ lui tới, lại có quân đội từ các nơi mới lập chạy đến. Lân cận các lộ Chuyển Vận Ti cũng đều đang dốc toàn lực vận chuyển quân đến thành thị này.

Vì vậy binh sĩ toàn bộ thành phố nhốn nháo cũng có thể nghĩ ra được. Trên phố đâu đâu cũng là xe ngựa, nhét đầy ắp, chật như nêm cối. Mùi gia súc khiến người ta phải bịt mũi. Dưới mái hiên, trong cửa hàng chật ních những quan quân quần áo xộc xệch đang uống rượu, đánh bạc, ầm ầm, lộn xộn, những câu nói tục tĩu văng khắp nơi.

Nếu không người ta nói “lúc có tổ chức thì là binh, khi không có tổ chức thì là phỉ”. Câu nói này không sai chút nào. Bốn người Trần Khác cùng đi tới, thấy bao nhiêu là sự việc cướp bóc của dân, ẩu đả với bách tính. Cũng may bốn người bọn họ vừa nhìn đã thấy là đám người vừa nghèo vừa không dễ đối phó, chỉ một mạch dò hỏi đường đi nha huyện Hành Dương, nên cũng không gặp phiền phức gì.

- Rốt cuộc cũng về đến nhà rồi.
Mọi người không kìm được thở phào nhẹ nhõm. Trần Khác tiến đến trước lão sai nhân đang đứng canh cửa, nói:
- Vị lão trượng, xin hỏi đây là nha huyện Hành Dương phải không?

- Ngày trước thì đúng, còn bây giờ tạm thời không phải nữa.
Thấy hắn thân hình cao lớn, lão sai nhân cũng thành thật trả lời:
- Bây giờ là nơi đóng quân của Kinh Hồ Nam lộ Chuyển Vận Sứ Ti.

- Nha huyện đó bây giờ chuyển đi đâu rồi?
Trần Khác vội hỏi.

- Cũng ở bên trong, ngươi làm gì?
Lão sai nhân cảnh giác đứng lên nói.

- Ta muốn tìm Trần đại lệnh.

- Trần đại lệnh?
Lão sai nhân trừng to mắt hỏi:
- Các ngươi là…?

- Ta là con trai ông ấy.

- Hả...
Lão sai nhân mặt biến sắc, vừa định nói thì lúc này, trong nha môn có viên quan bước ra, ông ta lập tức căng thẳng vô cùng, liên tục nháy mắt với Trần Khác, sau đó giơ chiếc gậy trong tay lên, một mặt đuổi bọn họ đi, một mặt lớn tiếng nói:
- Mau tránh ra, mau tránh ra, hiện tại lúc này ai còn quản mấy chuyện nhỏ nhặt của các ngươi.

Trần Khác cảm thấy kỳ lạ, Ngũ Lang thì muốn xông lên nhưng đều bị hắn đè xuống và lôi ra.

- Bọn họ đang làm cái gì vậy?
Viên quan đó dừng bước hỏi tên sai nhân.

- Mấy cậu bé, bị mất lộ phí nên muốn báo quan.
Sai nhân trợn mắt nói dối.

- Haiz, các ngươi cũng không xem xem, quan phủ làm gì còn ai có sức mà giúp các ngươi bắt trộm?
Viên quan lắc lắc đầu nói:
- Dẫn bọn họ vào trong làm án đi.
Nói xong liền vội vàng bước đi.

- Hừ, nguy hiểm thật..
Đợi cho viên quan đó đi khỏi, tên sai nhân thở nhẹ ra, hướng về phái Trần Khác nói gấp gáp:
- Đi nhanh đi, nếu người ta biết các ngươi đến tìm Trần đại lệnh là toi đời đấy.

- Vì sao?
Mấy người Trần Khác bỗng chẳng hiểu gì.

- Đừng chọc phá chỗ này nữa, nhà ta ở hộ số năm cách một con phố, trên cửa có dán “môn thần” thì đó chính là nhà ta, chìa khóa ở trên mép cửa, các ngươi đến nhà ta trước đợi ta.
Tên sai nhân không ngớt chỉ bảo, vội vàng thúc giục nói:
- Đi nhanh đi.

- Ngươi nói trước cha ta thế nào thì ta sẽ đi.
Trần Khác chau mày nói.

- Xảy ra chuyện rồi, bỏ tù rồi.
Tên sai nhân như sắp điên lên, nói:
- Nếu như các ngươi vẫn không đi, người pháp ti tới thì sẽ bị bỏ tù cùng với cha ngươi đấy.

Trần Khác rốt cuộc cũng bình tĩnh lại, đem theo ba người rời khỏi nha môn. Theo những gì mà tên sai nhân đó chỉ thì cũng tìm được nhà lão, lấy chìa khóa mở cửa.

Vào trong phòng, Tống Đoan Bình lo sợ nói:
- Trần bá bá sẽ không có chuyện gì chứ?
Ngũ Lang tuy là không hỏi nhưng vẻ mặt cũng rất lo lắng.

- A di đà phật.
Tiểu hòa thượng Huyền Ngọc chắp hai tay trước ngực.

- Đợi người đó đến đây rồi hỏi lại.
Trần Khác lắc lắc đầu, thở hắt ra nói:
- Không ngờ là tới đúng rồi.