Này, Chớ Làm Loạn

Chương 11: Hình tượng của doãn tắc




Người nào đó cuối cùng cũng không bị đập bí đỏ vào đầu, và nơi được chọn để nấu nướng là chỗ của Doãn Tắc.

Cao Ngữ Lam nghĩ không phải cô nhát gan, mà do hai tay cô cầm đầy đồ không dễ động thủ. Hơn nữa, ở góc bên kia lại có người bạn nhỏ cách cô không xa lắm. Về việc đến chỗ Doãn Tắc đánh chén là chủ ý của Doãn Ninh. Doãn Ninh nhất định mời Cao Ngữ Lam ở lại ăn cơm, mà nhà bếp quán cô tương đối nhỏ, không đầy đủ dụng cụ nấu nướng như chỗ của Doãn Tắc. Vì vậy, mọi người mới quyết định đến chỗ của anh ta.

Cao Ngữ Lam đành phải nhận lời. Thứ nhất, cô không dễ từ chối lời mời nhiệt tình của Doãn Ninh, thứ hai là có bữa trưa miễn phí, tội gì không ăn. Dù sao cũng có Doãn Ninh và Nựu Nựu đi cùng, anh chàng mạt hạng Doãn Tắc chắc sẽ không dám làm chuyện gì quá đáng.

Thế là Doãn Ninh hủy bỏ hình phạt với Nựu Nựu và Man đầu, lấy ra chiếc bánh gato cô vừa nướng và chuẩn bị đóng cửa quán.

Nựu Nựu vui mừng chạy lại dắt tay mẹ, Cao Ngữ Lam và Doãn Tắc xách mấy túi rau, thịt, hoa quả... Vừa đi đến cửa quán, Man đầu đột nhiên từ gầm bàn chạy ra, miệng nó không biết đang ngậm thứ gì đó, nó lao nhanh về phía bọn họ.

“Man đầu, em lại nhặt được thứ gì đấy?”. Nựu Nựu cất tiếng nói lanh lảnh. Cao Ngữ Lam quay đầu, thấy Man đầu lao như tên bắn về phía cô, cô giật mình hét lớn: “Man đầu”.

Cao Ngữ Lam đột nhiên cầm túi rau củ đánh vào lưng Man đầu.

Man đầu kêu một tiếng “ẳng ẳng” vôi tội. Thứ trong miệng nó không biết bị bắn đi đâu mất, nó cúi đầu ngó bốn xung quanh tìm kiếm. Cao Ngữ Lam nhanh chóng nhặt đồ bị rơi tung tóe dưới đất, sau đó nói với Man đầu: “Không được nhặt rác ăn”.

Man đầu tìm kiếm trên mặt đất một hồi nhưng không có kết quả. Nó ngẩng mặt nhìn Cao Ngữ Lam bằng ánh mắt ngây thơ vô tội. Cao Ngữ Lam có tật giật mình liền đỏ mặt. Cô mở miệng để che giấu sự ngượng ngùng: “Đi thôi. Đi theo chị, chúng ta đi làm đồ ăn ngon”. Nói xong, cô bước nhanh ra ngoài, không dám nhìn phản ứng của mọi người.

Nựu Nựu tiến lại gần bế Man đầu lên: “Man đầu lại không ngoan rồi, đáng đánh đít”.

Cao Ngữ Lam đỏ mặt đi ra cửa, nghe thấy tiếng Nựu Nựu nói với Doãn Ninh: “Mẹ ơi, Man đầu nặng quá, mẹ bế giúp Nựu Nựu”. Vài giây sau, cô bé lại nói: “Mẹ bế cả con đi”.

Cao Ngữ Lam quay đầu nhìn bọn họ, Doãn Tắc tay xách đồ đi tới bên cô hỏi nhỏ: “Này, em là chị của Man đầu sao? Tôi là bố của nó đấy”.

Cao Ngữ Lam trừng mắt nhìn anh. Doãn Tắc cười híp mắt, huých vai vào người cô: “Hóa ra chúng ta là người một nhà”. Anh nói xong, cười ha hả đồng thời sải bước dài đi mất.

Cao Ngữ Lam nghiến răng, lần này cô thật sự muốn đập quả bí đỏ lên đầu anh ta. Tuy nhiên Cao Ngữ Lam không thể làm vậy, vì trong tay cô còn có cái hộp chứa đồ “bảo hiểm” mà Trần Nhược Vũ nhiệt tình tặng cô. Hóa ra trước đó cái hộp bị rơi xuống gầm bàn, Cao Ngữ Lam mải chuyện trò với Doãn Ninh nên cô quên béng đi mất. Kết quả, cái hộp đó bị con Man đầu lượm được. Vừa rồi may mà cô tinh mắt nhìn thấy, nếu không cô không biết chui vào đâu cho hết xấu hổ.

Anh chàng Doãn Tắc chắc không phát hiện ra.

Cao Ngữ Lam cố gắng che giấu sự ngượng ngùng, cô thầm nghĩ phải tìm cơ hội ném cái hộp đó đi.

Một đoàn ba người lớn, một trẻ con và một con chó nhanh chóng đến chỗ của Doãn Tắc. Lúc này, Cao Ngữ Lam mới biết Doãn Tắc mở một nhà hàng rất gần “Tùy Tâm Uyển”, chỉ cách có năm cửa hàng. Mặt tiền nhà hàng nhìn từ bên ngoài không lớn, cũng không có biển hiệu bắt mắt. Tên nhà hàng chỉ có một chữ “Thực” hoành tráng.

Bên trong nhà hàng cũng có cá tính như cái tên của nó. Không gi­an không rộng không hẹp, trang trí nội thất khá ấn tượng, tao nhã đặc biệt, chỉ là không mấy thích hợp làm một nhà hàng ăn uống.

Đại sảnh ở tầng một không bày bàn ăn, mà chỉ có mấy cái tủ trưng bày rất hoa mỹ, bên trên bày các loại nguyên liệu thực phẩm cao cấp, mỗi loại đều có thẻ giới thiệu. Cao Ngữ Lam quê mùa chưa nhìn thấy mấy thứ đó bao giờ nên cô say mê ngó nghiêng. Trên tường đóng một giá sách, Cao Ngữ Lam hiếu kỳ chạy qua xem, bên trên toàn là sách và tạp chí liên quan đến ăn uống. Giữa đại sảnh đặt một bộ ghế sAlôn trông rất dễ chịu và trà kỷ đẹp đẽ tinh tế.

Doãn Ninh nói cho Cao Ngữ Lam biết, tầng một là nơi khách đến đặt chỗ, đợi người và trò chuyện... Tầng trên mới là nơi ăn cơm.

Cao Ngữ Lam nghĩ thầm, đúng là người kỳ quái mở nhà hàng kỳ quái. Một nơi tốt như tầng một mà không dùng để ăn cơm thì quả là lãng phí. Đợi đến lúc lên tầng trên, Cao Ngữ Lam mới phát hiện không chỉ tầng một mà cả nhà hàng này đều rất lãng phí không gi­an.

Tầng hai và tầng ba đúng là nơi khách dùng bữa, nhưng cả tầng lầu rộng như vậy chỉ bày năm chiếc bàn ăn, tầng hai có ba bàn và tầng ba có hai bàn. Một bộ bàn ghế nằm trong một phòng ăn riêng biệt. Cũng có nghĩa là, nhà hàng này chỉ có phòng ăn nhỏ, tổng cộng năm gi­an phòng năm bộ bàn ăn. Ngoài ra, trên tầng ba còn có một nhà bếp cực kỳ rộng rãi hoa lệ.

Sự lãng phí khiến Cao Ngữ Lam chỉ biết há hốc mồm. Một nhà hàng ba tầng sang trọng trông có vẻ rất cao cấp đắt đỏ chỉ có đúng năm bàn ăn, liệu có phải cô nhìn nhầm?

Hơn nữa, bây giờ sắp đến giữa giờ ăn trưa mà nhà hàng không một bóng người. Tất cả mọi nơi trừ nhà bếp đều không có người, đèn tắt tối om.

Việc kinh doanh của Doãn Tắc tệ đến mức này?

Thấy Cao Ngữ Lam mặt đầy kinh ngạc ngó đông ngó tây, Doãn Tắc lên tiếng: “Em đừng có miệt thị tôi ở trong lòng, cũng đừng coi thường nhà hàng của tôi. Việc làm ăn rất tốt, khách đã đặt đầy chỗ đến tận ba tháng sau”.

“Vậy tại sao không thấy một người nào? Khách chỉ đặt chỗ mà không đến ăn sao?”. Cao Ngữ Lam tỏ ra không tin lời Doãn Tắc.

“Tôi chỉ mở cửa buổi tối, buổi trưa không kinh doanh”. Doãn Tắc nói thản nhiên.

“Tại sao?”

“Mệt, chả buồn làm”.

“Gì hả?”. Cao Ngữ Lam bất giác cất cao giọng. Ông chủ này làm ăn kiểu gì vậy? Đáng bị lôi đi xử bắn năm phút. Cô hỏi với giọng ngờ vực: “Chỉ dựa vào năm cái bàn ăn của anh liệu có đủ trả chi phí điện nước, tiền thuê nhà, thực phẩm, lương nhân viên, trang trí nội thất và những khoản linh tinh khác trong một tháng không?”.

“Em yêu, em quan tâm đến tôi quá đấy!”. Doãn Tắc cong miệng, hai mắt chớp chớp tỏ vẻ xấu hổ.

Cao Ngữ Lam mím môi, cố gắng nhẫn nhịn. Sau đó, cô quay người không thèm để ý đến Doãn Tắc. Cao Ngữ Lam thầm nghĩ, đi nói chuyện với Doãn Ninh còn vui hơn.

Doãn Tắc vẫn chưa thôi, hét lớn với cô từ đằng sau: “Em yêu, tôi sẽ đi nấu cơm cho em. Em đợi tôi một lát nhé, sẽ nhanh thôi”.

Cao Ngữ Lam sa sầm mặt, không thèm quay đầu, đi thẳng đến chiếc bàn nhỏ gần nhà bếp. Ở đó, Doãn Ninh đang hướng dẫn Nựu Nựu cách nhặt rau.

Cao Ngữ Lam nhanh chóng gia nhập hội với hai mẹ con Nựu Nựu. Nhìn vẻ mặt hơi cau có của Cao Ngữ Lam, Doãn Ninh cười cười: “Doãn Tắc thích nói đùa, em đừng để ý đến cậu ấy. Từ nhỏ chị đã không chịu nổi cậu ấy, đập cậu ấy đến lớn đấy, mồm điêu không ai bằng”.

“Đúng, đúng”. Cao Ngữ Lam gật đầu lia lịa. Người có mồm mép như anh chàng này hiếm gặp đến mức có thể xếp vào cấp quốc bảo. Nếu có thể, cô sẽ nhốt anh ta vào vườn thú, để anh ta thể hiện khả năng diễn xuất hàng ngày.

Nựu Nựu nghe mẹ nói xấu cậu, lập tức chạy đến bên Doãn Tắc báo cáo: “Cậu ơi, mẹ và chị nói cậu mồm điêu. Chị nói có đúng không cậu”. Cô bé vừa nói vừa bắt chước động tác gật đầu của Cao Ngữ Lam.

Cao Ngữ Lam mặt đỏ đến tận mang tai, không dám quay đầu nhìn Doãn Tắc. Doãn Tắc lại hỏi chuyện khác: “Vậy cô có nói thích cậu không?”

“Không có ạ”. Nựu Nựu thật thà trả lời.

Nghe đến câu này, Cao Ngữ Lam không đỏ mặt nữa mà “mặt đen sì”. Cô quay đầu trừng mắt với Doãn Tắc. Doãn Tắc cười ha hả, Nựu Nựu không hiểu hỏi Doãn Tắc: “Cậu ơi, chị không thích cậu, cậu cũng rất vui sao?”.

“Cậu đau lòng chết đi được ấy”. Doãn Tắc bày vẻ mặt đau khổ. Cả Cao Ngữ Lam và Doãn Ninh đều trừng mắt nhìn anh ta. Doãn Tắc vờ như không thấy, bế Nựu Nựu lên: “Nựu Nựu đi nấu cơm với cậu nhé, cậu sẽ làm món Nựu Nựu thích ăn”.

Nựu Nựu gật đầu đi theo Doãn Tắc.

Doãn Ninh quay sang nói với Cao Ngữ Lam: “Cậu ấy tuy lúc nào cũng cười cợt không nghiêm túc nhưng rất tâm lý. Biết chúng ta trò chuyện, cậu ấy mới đưa Nựu Nựu đi. Cậu ấy hay nói đùa nhưng không có ác ý, em đừng giận cậu ấy. Theo kinh nghiệm của chị từ bé đến giờ, em càng thể hiện sự tức giận ra bên ngoài, cậu ấy càng cảm thấy thú vị và sẽ tiếp tục trêu em”.

Cao Ngữ Lam gật đầu. Hai người phụ nữ trò chuyện rất tâm đầu ý hợp, Cao Ngữ Lam kể nhiều chuyện quá khứ của cô, Doãn Ninh cũng tâm sự không ít: “Hồi nhỏ Doãn Tắc rất nghịch ngợm, nhưng khi lớn lên, cậu ấy luôn chăm sóc chị. Bố mẹ chị ly dị nhau, bố chị lấy vợ hai, sinh được một cô con gái kém Doãn Tắc năm tuổi. Bố chị tuy lấy vợ mới nhưng vẫn không quên mẹ chị. Sau khi ly dị bố chị vẫn thường về thăm mẹ chị. Một lần, bố chị lái xe đưa mẹ chị ra ngoài đi dạo. Kết quả hai người gặp tai nạn ô tô và đều qua đời. Lúc đó chị còn chưa tốt nghiệp đại học, Doãn Tắc mới học năm thứ nhất. Bố chị để lại di chúc chia tài sản thành hai phần, phần lớn cho bọn chị, phần nhỏ cho hai mẹ con bà hai. Bà hai tất nhiên hận nhà chị đến tận xương tủy nên bọn chị không lấy được tài sản. Lúc đó, cuộc sống của bọn chị gặp nhiều khó khăn, Doãn Tắc buộc phải thôi học. Cậu ấy nói chị sắp tốt nghiệp và là con gái nên cậu ấy sẽ gánh trách nhiệm nuôi dưỡng gia đình”.

Nghe đến đây, Cao Ngữ Lam vô ý thức ngoảnh đầu nhìn Doãn Tắc. Anh đang quấn một cái tạp dề, chăm chú xào nấu. Thỉnh thoảng, Doãn Tắc quay sang nói điều gì với Nựu Nựu, cô bé cười vui vẻ và giúp anh lấy thứ này thứ kia.

Doãn Ninh cũng quay lại nhìn em trai, cô tiếp tục nói: “Cậu ấy không có bằng cấp nên không tìm được công việc tử tế. Cậu ấy chỉ có thể làm mấy công việc chân tay nặng nhọc như rửa bát trong nhà hàng, nhân viên phục vụ, nhân viên gi­ao hàng của siêu thị. Cậu ấy làm rất nhiều nghề, chị lại chẳng giúp được gì cho cậu ấy. Thật ra, từ trước đến nay chị chưa hề giúp đỡ cậu ấy, chị thật sự không phải là một người chị tốt. Vợ hai của bố chị nhà vừa có quyền thế vừa có tiền, bọn chị gần như không có hy vọng lấy lại tài sản. Nhưng Doãn Tắc không bỏ cuộc, cậu ấy tìm đến luật sư, cuối cùng mất năm năm mới giải quyết xong vụ tài sản thừa kế”.

“Cuộc sống của bọn chị bây giờ chắc cũng không tồi?”

Doãn Ninh gật đầu: “Thật ra bố chị không phải là người có nhiều tiền mà vợ ông ấy mới xuất phát từ gia đình giàu có, vì vậy số tiền bố chị để lại cho bọn chị cũng không nhiều lắm. Sau khi nhận được số tiền đó, Doãn Tắc ra ngoại ô mở một nông trường. Đây là kế hoạch cậu ấy trù tính từ lâu, suy nghĩ của cậu ấy xa hơn chị nhiều. Chị còn đang nghĩ không biết có đòi được tài sản hay không, cậu ấy đã tính đến chuyện lập nghiệp như thế nào rồi”.

Cao Ngữ Lam thầm nghĩ, Doãn Tắc từ hai bàn tay trắng mở nông trường, rồi lại mở quán cof­fee sách và nhà hàng, anh chàng này cũng giỏi gi­ang thật.

“Cậu ấy mở nông trường hữu cơ. Mảnh đất đó cậu ấy nhắm đến từ lúc chưa có tiền. Cậu ấy trồng rau đem bán và biến nông trường thành điểm du lịch. Đám ”cổ cồn trắng“ thu nhập cao có tiền nhưng không có chỗ để tiêu lại thích ra vùng ngoại ô trải nghiệm cuộc sống ”màu xanh“ (cuộc sống gần gũi với thiên nhiên). Họ ở đó hai ngày một đêm, tự mình hái rau, câu cá, nướng thịt, ngắm sao trời. Chị cũng không biết nơi ấy có gì hay ho, chỉ biết nông trường của cậu ấy lúc nào cũng đầy khách. Sau đó, cậu ấy dùng số tiền kiếm được mở nhà hàng ăn này. Em đừng nghĩ nơi này ảm đạm, việc kinh doanh tốt lắm đấy. Ở đây chỉ dùng các loại rau hữu cơ nông trường trồng được, cũng không có thực đơn, nguyên liệu bày sẵn ra đấy, đến bữa thực khách muốn ăn món nào sẽ chế biến tại chỗ món đó”.

(Cổ cồn trắng: Đây là một cách nói ví von của người phương Tây du nhập vào Việt Nam. Theo đó “white col­lar” là danh từ dùng chỉ giới công chức, nhân viên văn phòng (thường mặc áo trắng lịch sự) để phân biệt với “blue col­lar” là danh từ chỉ giới công nhân, lao động chân tay (thường mặc áo bảo hộ lao động màu xanh dương)

Nói đến đây, Doãn Ninh hạ thấp giọng: “Nhưng giá tiền đắt kinh khủng. Chị nói cho em biết, Doãn Tắc đặt giá trời, thế mà không hiểu nhiều người suy nghĩ gì, ăn một bữa ở đây bằng mấy bữa tại nhà hàng cao cấp ở bên ngoài, thế mà họ vẫn thích, họ nói ở đây đặc biệt, có thể diện”.

“Đấy là tâm lý của người tiêu dùng. Người ta không phải đến đây mua cơm ăn, mà mua sự đặt biệt”. Cao Ngữ Lam làm công việc lên kế hoạch thị trường mấy năm nên cô rõ hơn ai hết. Cô không khỏi cảm thán trong lòng, anh chàng Doãn Tắc này quả là có đầu óc làm ăn.

Doãn Ninh thở dài: “Tóm lại chị chẳng hiểu, nhưng em chị kiếm được tiền, chị cũng thấy vui lây. Nếu không hai mẹ con chị phải đi uống gió Tây Bắc từ lâu rồi”.

“Chị không nghĩ đến chuyện tìm một người đàn ông khác làm chỗ nương tựa hay sao?”. Trong quan niệm của Cao Ngữ Lam, em trai dù tốt đến mấy cũng không thể bằng một ông chồng.

“Chị từng bị đàn ông lừa gạt một lần, làm sao có thể nghĩ đến chuyện tìm đàn ông? Chị sẽ không lấy chồng nữa, sống với Nựu Nựu là đủ rồi, chị không muốn dựa dẫm vào đàn ông”. Doãn Ninh không ý thức được, cậu em trai cô vừa khen ngợi hết lời kỳ thực cũng là một người đàn ông.

Cao Ngữ Lam chống cằm: “Tuy em từng bị đàn ông bỏ rơi, bị tổn thương trong chuyện tình cảm, nhưng em vẫn lạc quan lắm. Em nghĩ, trên đời này nhất định vẫn còn đàn ông tốt, chỉ là em chưa gặp được mà thôi. Em vẫn muốn yêu đương và lập gia đình”.

“Vậy à? Em muốn tìm người thế nào, chị sẽ lưu ý giúp em”.

Cao Ngữ Lam còn chưa trả lời, Doãn Tắc ở bên kia gọi với sang: “Ăn cơm rồi, ăn cơm rồi. Tôi nghe hai người nhắc đến đàn ông phải không? Tuy tôi rất có hứng thú với đề tài này nhưng đói bụng rồi, phải ăn cơm trước đã”.

Nựu Nựu chạy lại, bắt chước giọng điệu Doãn Tắc: “Cháu cũng có hứng thú với đề tài này, nhưng phải ăn cơm trước đã”.

Doãn Tắc bật cười, bế cô bé ngồi lên chiếc ghế cao: “Cháu mới có tý tuổi đầu, đề tài này không thích hợp với cháu”.

Doãn Tắc vừa mở miệng, Cao Ngữ Lam lập tức cảm thấy đề tài về đàn ông tương đối nhạy cảm. Anh chàng này luôn có cách khiến người đối diện rơi vào hình huống ngượng ngập. Có điều, anh ta có thể nấu mấy món ăn trông có vẻ ngon lành chỉ trong một thời gi­an ngắn chứng tỏ anh ta có năng lực khoản bếp núc.

Nhiều năm sau khi nhớ đến chuyện này, Cao Ngữ Lam thừa nhận hình tượng của Doãn Tắc trong lòng cô đã thay đổi ít nhiều. Khi cô gắp miếng thức ăn đầu tiên bỏ vào miệng, mùi vị của nó tuyệt đến nỗi cô cảm thấy Doãn Tắc cũng không đến nỗi nào.

Tất nhiên, hình tượng tốt đẹp đó chỉ duy trì trong một phút.

Bởi vì thấy Cao Ngữ Lam ăn ngon miệng, Doãn Tắc lại bắt đầu trêu chọc cô: “Thế nào? Dạ dày của em đã bị tôi chinh phục chưa?”

Trên thực tế đúng là như vậy nhưng người có khí tiết tuyệt đối không thể cúi đầu thừa nhận. Vì vậy Cao Ngữ Lam cố gắng dùng câu khen ngợi phổ thông nhất: “Tay nghề không tồi”.

“Lạnh nhạt quá!”. Doãn Tắc lại ôm ngực: “Chị ơi, em bị tổn thương rồi. Nựu Nựu, cậu đau lòng quá. Man đầu, bố đau lòng quá”.

Doãn Ninh không có phản ứng, tiếp tục ăn cơm. Ở dưới đất, con Man đầu chúi đầu vào cái đĩa của nó như không nghe thấy tiếng Doãn Tắc. Chỉ có Nựu Nựu cũng ôm ngực: “Cậu ơi, cậu cố chịu đựng đi nhé, để Nựu Nựu ăn cơm trước đã... ”.

Phản ứng của gia đình này khiến Cao Ngữ Lam suýt nữa phun cơm ra ngoài. Cô quay người lại, cố gắng nhịn cười, cuối cùng vẫn bị mắc nghẹn. Cao Ngữ Lam không kìm nổi ho một thôi một hồi. Doãn Tắc rót cốc nước cho cô, vừa vỗ lưng cô vừa nói: “Buồn cười lắm sao? Em chẳng đàng hoàng gì cả”.

Cao Ngữ Lam ho đến mức nước mắt giàn giụa. Trong lòng cô nghĩ, cô phải đàng hoàng đến mức nào mới có thể ăn một bữa cơm tử tế ở nơi này?

Khó khăn lắm mới dập tắt cơn ho, Cao Ngữ Lam đang uống nước, điện thoại của Doãn Tắc bỗng nhiên đổ chuông. Anh ta nghe điện thoại, sau đó lên tiếng hỏi: “Cô bán bảo hiểm? Sao cô có số điện thoại của tôi?”.

Lần này Cao Ngữ Lam không đàng hoàng nổi, phì cả nước ra ngoài. May mà cô ngồi quay lưng lại bàn ăn, không thì quá mất mặt.

Trần Nhược Vũ à, Trần Nhược Vũ! Cậu nhớ đừng khai tên tớ ra đấy!