Năm Tháng Rực Rỡ

Quyển 6 - Chương 11: Manh mối hé mở




Nếu muốn biết rõ Tiểu Thuận Tử và vị nữ quan hai trăm năm trước kia rốt cuộc có liên quan gì, Thư Ngọc buộc phải tìm ra cuốn gia phả trước.

Cô tính toán thời gian, không kịp quay về phòng. Vì thế, cô chợt nhớ tới tại nhà chính của từ đường, trong này hẳn là có loại tài liệu tương tự như gia phả.

Trở về nhà chính lần nữa, bên trong đã không còn bóng người.

Thư Ngọc nhìn xung quanh một vòng, cô đi qua đứng trước một cái giá hình vuông nằm sát vách tường. Trên giá xếp một hàng cuộn giấy hình ống, tại đáy cuộn giấy có đánh dấu niên đại.

Thư Ngọc giơ tay rút ra vài cuộn giấy của hai trăm năm trước, cô đọc ngay lập tức.

Lật xem mười cuốn, mi tâm Thư Ngọc nhíu lại.

Mỗi một cuốn đều viết về vị quý tần nương nương kia, nhưng không có chữ nào nhắc tới cuộc đời của vị nữ quan ở bên cạnh.

Manh mối duy nhất chính là tại góc của một cuộn giấy cô tìm được một danh sách, đó là danh sách Lưu thị trúng tuyển cung nhân vào năm Khang Hi thứ mười ba. Nằm cuối danh sách vừa lúc có một vị nữ nhân Lưu thị tên là “Lưu Linh Thuận”.

Nhưng không có thêm một chút tin tức nào nữa.

Càng đọc nhiều, Thư Ngọc càng thu hút bởi chuyện xưa của vị quý tần kia. Vị nương nương người Hán này, lúc mới vào cung đã nhận được ân sủng, nhưng không biết tại sao chọc giận long nhan, từ trên đám mây ngã xuống bùn đất, không còn ân sủng. Trong một cuộn giấy có tin đồn rằng, hình như vị nương nương này có mờ ám với một vị tướng quân nào đó, vì bảo vệ thể diện hoàng tộc, thế là nàng ta bị giam lỏng ở trong hành cung. Cho đến lúc chết, vị nương nương kia cũng không thể ra khỏi hành cung.

Trái tim Thư Ngọc không khỏi đập mạnh.

Cô bỗng dưng nhớ tới vết chai thật dày trong lòng bàn tay Tiểu Thuận Tử. Cô Mang từng vô tình nói, đôi bàn tay kia nhất định là của một người sử dụng đao tiễn lão luyện.

Một người đàn ông cao to ngớ ngẩn hay quên, nhưng lại có công phu không tồi. Là ai dạy cho? Tất nhiên không phải là vị Liêu thần y già yếu nát rượu sắp xuống mồ kia.

Cho dù ký ức rối loạn cũng không quên được công phu, mà đã trở thành bản năng. Là loại người gì, có thể đem bộ dạng khù khờ còn có thể tỏ ra vẻ nghiêm nghị chính trực?

“Cô ở đây làm gì?”

Thư Ngọc giật mình, cuộn giấy trong tay rơi xuống đất. Cô trông thấy Kính Hoằng sư thái từ ngoài cửa thong thả tiến vào, bà ta nhíu mi nhìn chằm chằm Thư Ngọc: “Tất cả mọi người đang bận rộn cho lễ tế tổ, một mình cô ở đây làm gì?”

Thư Ngọc cúi đầu nói: “Tôi vừa mới đến, sợ rằng không học tốt quy tắc sẽ làm ra trò cười trong lễ tế tổ, vì thế tôi tới đây để học tập.”

Mặt mày Kính Hoằng dịu xuống: “Thực ra cô có lòng hơn vị chú rể kia nhiều.” Dứt lời bà ta hừ lạnh một tiếng, “Đã tới lúc này còn không biết chú rể đang ở đâu, hắn coi Tam Nhi của chúng tôi không có hắn là không được ư?!”

Thư Ngọc chỉ đành cười trừ. Dừng một chút, cô làm như vô tình thở dài: “Tôi đọc gia phả mới biết Lưu gia hiển hách như vậy, tổ tiên còn có quý nhân trong cung.”

Kính Hoằng hiển nhiên vui lòng đối với lời khen này.

“Quý tần nương nương xinh đẹp, ngay cả nữ quan hầu hạ cũng mỗi người mỗi vẻ.” Thư Ngọc nói tiếp, “Nhưng đáng tiếc, những mỹ nhân này phải sống trong thâm cung cho tới già.”

Kính Hoằng nhíu mày: “Cô nói vậy cũng không hoàn toàn đúng, cũng có nữ quan xuất cung lấy chồng.”

Thư Ngọc tỏ vẻ ngạc nhiên: “Cho dù xuất cung thì cũng đã qua tuổi xuân xanh, khó mà gả vào gia đình tốt.”

Kính Hoằng hừ lạnh: “Vô nghĩa, ngoại tổ của Tam Nhi đã gả cho người rất tốt. Bà gả cho một vị dũng tướng là thuộc hạ của tướng quân đương triều, không biết nở mày nở mặt bao nhiêu.”

Thư Ngọc nói tiếp: “Nói vậy, Lưu thị còn chảy huyết mạch của võ tướng rồi?”

Kính Hoằng đột nhiên nghẹn lời, không nói gì.

Trong lòng Thư Ngọc đầy hoài nghi, nếu trí nhớ của cô không sai, bên trong gia phả ghi chép con trai cùng với con dâu Lưu thị, phần lớn đều theo thương nghiệp, không ai có chút liên quan đến võ tướng.

Khuôn mặt Kính Hoằng cứng đờ, nói: “Vị phó tướng người Hán kia chết tại sa trường, ngoại tổ vào cung lần nữa ở bên cạnh nương nương.”

Thư Ngọc sửng sốt, không ngờ lại là một câu chuyện bi thương như vậy.

Một lúc sau, cô hỏi câu cuối cùng: “Xin hỏi phương danh của ngoại tổ là gì? Là Lưu Mĩ Chi phải không?” Cô thuận miệng thốt ra một cái tên nằm trong danh sách ban nãy.

Quả nhiên, Kính Hoằng nhíu mày: “Cô học tập cũng chẳng thận trọng! Tên ngoại tổ là Lưu Linh Thuận.”

Thư Ngọc lập tức tỏ vẻ hổ thẹn, nhưng trong đầu thì xoay vòng hàng trăm ý nghĩ.

Khó khăn lắm mới tiễn Kính Hoằng bất mãn đi, Thư Ngọc từ nhà chính đi về phía sương phòng của nữ quyến Lưu gia.

Hỏi hầu gái đi ngang qua, cô rốt cuộc tìm được sương phòng của Lưu Tam Nhi. Lúc này, trong khuê phòng chẳng có ai, Lưu Tam Nhi cùng vài hầu gái bên người đã bị gọi đi chuẩn bị lễ tế tổ từ lâu.

Thư Ngọc lấy lại bình tĩnh, nhẹ nhàng đẩy cửa phòng ra.

Tấm màn trong phòng lay động, gọn gàng ngăn nắp sạch sẽ, không giống khuê phòng của một cô gái thỉnh thoảng phát điên.

Thư Ngọc tìm kiếm trên bàn trang điểm và đệm giường, mau chóng tìm ra vài manh mối.

Một quyển sách nhỏ nằm dưới gối đầu, quyển sách nhỏ được bao phủ bởi bảy lớp vải, nếu không nhìn kỹ thì không dễ dàng phát hiện.

Nhưng chỉ cần có lòng, chỗ này cũng không bí mật.

Lưu Tam Nhi quả thật như cô đoán trước, không quá cảnh giác.

Quyển sách mỏng manh chỉ có vài trang giấy, trên đó dùng cây trâm hoa nhỏ mảnh viết lại một số câu chữ.

Thư Ngọc vừa mở ra xem, trong lòng liền có suy tính.

Câu chữ này là kết cấu cổ văn, dùng từ khó hiểu khó đọc, rõ ràng là người thời xưa viết lại tâm tình của mình. Đây không phải là bút tích của Lưu Tam Nhi, nhưng không hẳn không phải bút tích của cô ta.

Lưu Tam Nhi viết lại tâm tình của ai đây?

Sắc trời hoàn toàn tối sầm, nhiệt độ dần dần thấp xuống.

Chưa đến hai canh giờ thì lễ tế tổ sẽ bắt đầu.

Thư Ngọc vội vàng cất lại quyển sách vào chỗ cũ, gấp gáp đi về phòng mình.

Thế nhưng khi cô mở cửa phòng ra lại phát hiện trong phòng chẳng có ai. Cô Mang, Abel cùng với Tiểu Thuận Tử đã tắt thở không thấy bóng dáng đâu.

Cô cắn chặt răng, xé tờ giấy viết xuống để lại mấy chữ cho Cô Mang, rồi dùng đồ chặn giấy đè lại đặt ở trên bàn. Làm xong tất cả, cô giống như bay hướng về cổng chính Lưu trạch, vừa ra khỏi cổng lớn cô liền giơ tay gọi một chiếc xe kéo.

Chỉ chốc lát sau, tại chỗ rẽ có một bóng dáng di chuyển đến trước cửa phòng, đẩy cửa ra rồi đi vào.

Bóng người kia xem tờ giấy Thư Ngọc để lại, lấy tay bỏ tờ giấy vào trong túi áo.

***

Tiểu Thuận Tử ăn mặc xong xuôi, tỉnh tỉnh mê mê chờ ở tiền đường, chuẩn bị lên đài tế tổ.

Cô Mang và Hàn Kình thừa dịp này hỏi han người trong Lưu thị về quá trình tế tổ, rồi quay lại nói từng việc cho Tiểu Thuận Tử nghe.

Anh ta ngơ ngác lắng nghe, không gật đầu cũng không lắc đầu, chẳng biết hiểu được mấy phần.

Abel nói: “Anh ta là thế đấy, mỗi lần ‘chết’ là cách xa ‘con người’ một lần. Hiện tại có lẽ ngay cả chúng ta là ai anh ta cũng không nhận ra.”

Hàn Kình vừa bóp trán vừa nói với Tiểu Thuận Tử: “Tôi mặc kệ hiện tại anh ngốc đến mức độ nào, nhưng anh phải nhất định nhớ rõ vị trí bái tế. Người anh bái tế chính là hai vị thái tổ của Lưu Tam Nhi, một vị là nội tổ, vị còn lại là ngoại tổ, nhất thiết đừng nhầm lẫn đó.”

“Là hai cái tên này.” Hàn Kình đưa cuốn sổ vẽ hình linh vị tới trước mặt Tiểu Thuận Tử, chẳng quan tâm anh ta xem có hiểu không, “Thấy rõ chưa, một người là Lưu Mĩ Chi, một người là Lưu Linh Thuận. Nhìn thấy hai cái tên này thì anh liền bái tế, hiểu không?”

Tiểu Thuận Tử vốn khù khờ, trong phút chốc nghe hai cái tên kia liền có phản ứng.

“Anh nói cái gì?” Hàn Kình không biết Tiểu Thuận Tử đang lẩm bẩm cái gì.

“Thuận…Thuận Nhi…”

Hàn Kình không lo Tiểu Thuận Tử đang lẩm bẩm gì nữa, anh ta lấy tay đẩy Tiểu Thuận Tử đi về phía đài tế tổ ở sườn núi phía đông.

Tiểu Thuận vừa mới đi, Cô Mang liền nói: “Hóa ra Tiểu Thuận Tử và Liêu thần y cũng có tục danh đứng đắn.”

Hàn Kình và Abel tò mò đi qua.

Nhìn thấy trong tay Cô Mang cầm tờ bái thiếp viết ngày sinh tháng đẻ của cô dâu chú rể.

Phần đề tên có chữ ký của cô dâu chú rể cùng với chủ sự trong nhà.

Phía cô dâu là tên của Lưu Tam Nhi và ông chủ Lưu.

Phía chú rể thì để lại hai cái tên không tầm thường.

Một là chú rể Triệu Nghi Thanh, một là người nhà chú rể Liêu Da Yết.

Tiểu Thuận Tử và Liêu thần y là ông cháu, tại sao ngay cả dòng họ cũng không giống nhau?

***

Thư Ngọc chẳng nói lời nào mà nhìn chằm chằm quyển sổ ố vàng nằm trên bàn gỗ.

Cô tìm được vật này ở trong phòng Tiểu Thuận Tử, nội dung trong quyển sổ này tương tự như quyển sổ nằm dưới gối đầu của Lưu Tam Nhi. Chỉ là nét bút của quyển sổ này đoan trang tao nhã hơn Lưu Tam Nhi, hơn nữa bìa trong có vẽ một bức chân dung.

Người được vẽ là một người đàn ông, thân mặc áo giáp, tay cầm cung tiễn. Khuôn mặt nam nhân người Hán vẫn chưa cạo râu, thân hình cao to dũng mãnh, đôi mắt sáng như đuốc.

Có mấy phần tương tự Tiểu Thuận Tử đã được chải chuốt chỉnh tề.

Dựa vào kinh nghiệm nhiều năm, đương nhiên Thư Ngọc liếc mắt một cái là nhận ra niên đại xuất xứ của quyển sổ này.

Mỹ nhân đã qua đời hai trăm năm trước, viết xuống câu chữ tưởng niệm vong phu, cũng vẽ lên chân dung của vong phu ở bìa trong. Thế nhưng vị phó tướng đã mất nơi sa trường của hai trăm năm trước lại có dung nhan giống như đúc Tiểu Thuận Tử khù khờ của hai trăm năm sau.

Thư Ngọc tự nhận mình là người không tin thần quỷ, giờ phút này cô có mấy phần dao động.

Dưới bức chân dung, nét mực của hai trăm năm trước đã khô cạn từ lâu.

“Cỏ trên đồi, sương sớm ráo, chốn xưa mả mới dạ bùi ngùi. —— Linh Thuận thương tiếc vong phu Nghi Thanh.”