Lưu Lạc Đất Cảng - Tiểu Trung Đô/Ngưu Nhị

Chương 11




Chuyển ngữ: Daw

Biên tập: Trần


Tuy chỉ là tiết mục tiêu khiển của phường bán hoa, tham gia đông cũng là để dụ khách móc nhiều tiền hơn, nhưng chẳng ai ngờ, ngay tối hôm tin truyền ra ngoài, tú bà của những quán khác ở Loan Tể lại dẫn Đại Cách cách tìm đến cửa.

Phan Phi Phi chủ động lùi về sau, nhường vị trí dẫn đầu lại cho Nhài. Cậu nói, tôi cọc tính, không biết thương lượng, ngộ nhỡ phá hỏng chuyện tốt thì lại không hay. Nhài mời mấy vị ma ma cách cách lên lầu, thái độ đoan trang lại không mất đi sự kiêu ngạo của người đứng đầu. Cô vẫy chiếc khăn tay giữa không trung, lời thốt ra vừa gần gũi lại khéo léo: "Đều nói gái buôn chẳng hay hận mất nước, nhưng thời bây giờ khác rồi chị ơi, bật radio lên là chúng ta đều biết được chuyện thiên hạ. Những chuyện khác thôi không nói, năm ngoái lúc Quảng Châu rơi vào tay giặc, bọn em đã khóc suốt đêm không ngủ được, sáng sớm thức dậy phải lấy lá chuối đắp mắt. Chị nhìn cây chuối tây dưới lầu kia kìa, đến giờ lá cây còn chưa mọc lại hết, lởm chởm khó coi quá chừng."

Một tú bà trong tay giữ vài ả điếm Tây mở miệng nói: "Lá cây không lành thì cũng là chuối, nhưng với thân phận của chúng ta, tiền có gửi đi nổi hay không, ấy cũng là vấn đề."

Nhài đưa thuốc lá Hồng Mai mà mình giấu cho bọn họ, thoáng chốc đã vơi mất nửa bao. Cô xót ruột nghiến răng, nhưng vẫn dằn xuống. "Má mì Uyển Quân, tiền tự khắc sẽ có chỗ đến, chuyện này chị không cần lo. Hôm nay phải để cho các chị tới đây một chuyến, thật tình cũng là do vãn bối chúng em làm việc chưa đến nơi đến chốn. Lẽ ra phải sớm báo cho các chị một tiếng mới phải lẽ."

"Cái mồm này của cô đúng là ghê gớm thật đó, Nhài." Người nói chính là tú bà lúc trước của Nhài, hai người quay lưng trở mặt với nhau. Nhài gần như phải lột mất lớp da mới rời khỏi đó được. Nhưng giờ đây cô đã sớm hỉ xả, tự mình làm chủ rồi mới biết nuôi dạy ra được một đứa làm điếm khó đến mức nào. Nhài chủ động nắm lấy tay bà ta: "Chị đừng giận em nữa mà, có chuyện gì thì chi bằng cứ nói trong chăn thôi."

Mấy quán thống nhất với nhau, quyết định tối thứ tư tuần sau sẽ cùng bao vũ trường Nắng Biển hoành tráng nhất. Đến lúc đó, tiền kiếm được ở buổi liên hoan sẽ quyên góp hết cho mặt trận kháng Nhật.

Đưa các cô xuống lầu, chú Tám lùn vẻ mặt nghiêm túc, đứng kéo dây thừng ở góc thang máy. "Chỗ này của các cô cũng có nhân vật máu mặt đấy nhỉ, biết làm xiếc xoay đĩa không?" Bọn họ chế nhạo chú Tám, vẻ mặt chú Tám vẫn không hề biến sắc, đứng thẳng như khúc gỗ.

Nhưng Nhài lại hơi bực mình, cúi đầu liếc mắt nhìn, thấy chú không có chút khí phách nào, chẳng hiểu sao lòng càng tức anh ách. "Đến nơi rồi, mời các chị."

Tiếp đó, mọi người liền bắt đầu tất bật, tuyên bố thế nào cũng phải chuẩn bị lấy vài tiết mục, chứ không lẽ chỉ thoát y thôi à? Kiểu gì cũng phải tô điểm cho có chút không khí mới được.

Cơn nghiện xướng kịch của Khâu Bối Phùng bị khơi dậy, suốt ngày quấn lấy Phi Phi, đòi cậu hát "Bá vương biệt Cơ" với mình. Phi Phi nói cậu không thuộc lời. Vậy "Tứ Lang thăm mẹ" đi! Phi Phi nói: "Tôi theo giặc phản quốc, cuối cùng bị mẹ cho một cái bạt tai, ông thấy hát vở đó có thích hợp không?" Khâu Bối Phùng vắt tay sau lưng đi qua đi lại, dẩu môi bắt đầu ngẫm xem mình còn nhớ bài gì. "Thế này đi," Phi Phi nói, "tôi có đàn nhị, ông hát Tỏa Lân Nang, tôi đệm cho ông, không phải là xong chuyện rồi sao?"

Hồi trước, Khâu Bối Phùng từng chơi với con cháu Cách cách cuối thời nhà Thanh. Bọn họ thấy y đẹp nên tình nguyện dẫn y đi chơi. Bản thân y chẳng có bản lĩnh hay vốn liếng gì, nhưng lại học được rặt những thói của dân mãi nghệ - kén chọn, lông bông, có điều cũng vì vậy mà thường nhìn, nghe, học, lén luyện được vài vở. Sân khấu lớn thì không gánh nổi, chứ để diễn trò cho đám công tử lúc dắt chim đi dạo, uống trà thưởng rượu thì cũng đủ dùng.

Y bắt đầu gào rống la hét trong nhà mỗi ngày, nói là lâu rồi không luyện giọng, không dám lên sân khấu. Phi Phi nói, ngài không cần phí công tốn sức như vậy, làm gì có ai sẽ nghiêm túc nghe hát chứ? Vả lại, một đám người nước ngoài sao mà nghe hiểu được? Khâu Bối Phùng không hề lung lay, vẫn cứ luyện tập như thường, nói hồi xưa ở trước nhà tôi có một lão linh mục, lão ấy nghe hiểu được! Chẳng những nghe hiểu, gu thưởng thức còn không hề tầm thường, người ta có thể nghe ra được chuẩn xác phái Trình và phái Mai. Phi Phi đôi co không lại, đành móc đàn nhị ra tra dầu.

Vài ba ngày sau, Khâu Bối Phùng vừa học thuộc xong lời, ngài Tạ ở tầng dưới gõ cửa. Phan Phi Phi nói, khách quý, có chuyện gì sao.

Ngài Tạ đội một chiếc mũ vành ngang mùa hè kiểu Anh, cột một dải ruy băng màu chàm ở giữa, mặc trường bào màu xám. Cách phối đồ Tây không ra Tây, mà ta chẳng ra ta như vậy trông rất khôi hài dị hợm. Ông ta lịch sự cởi mũ xuống, hỏi: "Các cậu đang hát Kinh kịch sao? Tôi ở tầng dưới nghe được, cảm thấy không ổn." Mắt Khâu Bối Phùng sáng quắc, mời ông ta vào: "Ngài đây hiểu về hí kịch sao?"

Ngài Tạ vào phòng, đánh giá phòng của hai người này một phen. Phòng khách nhỏ trống hoác, chỉ có vài chậu lan bên bệ cửa sổ, cảm thấy đây cũng chỉ là một căn phòng mà thôi. Ông ta nói, không dám xưng là hiểu, chỉ từng nghe vài lần mà thôi. Cậu hát đoạn "lầu son", kể chuyện sau khi Tiết Tương Linh gặp nạn, làm bảo mẫu ở phủ Lư, nhận nhầm con của người ta thành con mình, vừa nhung nhớ con trai, lại phải chăm sóc con của người khác, cảm xúc trong đó ắt hẳn chỉ có bản thân mới hiểu được.

Phan Phi Phi không khỏi nhìn ông ta bằng cặp mắt khác, nhưng vẫn dò xét hỏi, vậy anh nói xem, Bối Bối hát không ổn chỗ nào?

Ngài Tạ cất giọng ngâm khúc... Thoáng chốc đã nếm trọn muôn loại tâm tình, thấu đáo nỗi chua xót lệ đẫm vạt áo... Chỗ này dùng nhị hoàng[1] phách chậm, phải chậm đến nỗi ai cũng nghe hiểu được nỗi khổ của nàng. Ta chỉ hay phú quý cả đời đã định trước, nhưng ai ngờ vận đời phút chốc đã rõ ràng... Ngài dạy ta thu nỗi hận, thôi dỗi hờn, ăn năn hối cải, thay đổi tính tình, thôi vương vấn dòng nước đã chảy qua, chuyển mình trong biển khổ, sớm ngày tỉnh ngộ... Đoạn này nhanh lên ba nhịp, hát lên tâm tình phức tạp của Tiết Tương Linh...

Giọng ngài Tạ trầm thấp, mang theo giọng địa phương không biết của vùng nào, không giống Kinh Bạch[2], cũng chẳng phải tiếng Quảng Đông, khá giống tiếng Ngô[3], ngâm khúc như thể nước Trường Giang chảy vào đồng bằng, lắng đọng bi thương, lay động khôn xiết.

Phan Phi Phi bặt tiếng, trái lại Khâu Bối Phùng thì kích động nhảy dựng lên. Ngài đã hiểu hí kịch như thế, vậy thì chỉ điểm cho tôi đi. Tuần sau là diễn rồi, có thể tiến bộ chút ít thì cũng coi như là không bôi nhọ danh tiếng của Kinh kịch.

Ngài Tạ tò mò hỏi diễn ở đâu.

Khâu Bối Phùng cười lớn, cái này thì không nói cho anh được, nếu không anh sẽ không chịu dạy tôi đâu. Nhưng Phan Phi Phi chẳng buồn để tâm, nhìn thẳng vào tròng mắt của ngài Tạ, nói: "Ở vũ trường Nắng Biển, sẽ nhảy thoát y, ngài đây hẳn là không thường đến chỗ đó đâu nhỉ."

Ngài Tạ cũng không tỏ vẻ gì lạ, bình tĩnh nói: "Tôi sẽ đến."

Qua lại thường xuyên với ngài Tạ mới phát hiện người này cực kỳ kỹ tính, nói khó nghe thì là cứng nhắc. Xét thấy Khâu Bối Phùng không tiện xuống lầu, ông ta bèn đúng giờ lên lầu gõ cửa. Hai người không bao giờ chịu dậy vào buổi sáng, ấy thế mà giờ trời chưa rạng, nằm chưa được mấy tiếng đồng hồ đã bị ngài Tạ dựng dậy tập đàn luyện thanh, trong tay còn thường cầm theo một xô cháo với túi quẩy. Đến cả bữa sáng người ta cũng chuẩn bị xong rồi, da mặt hai người có dày cỡ nào thì cũng không có lý do để đuổi người ta ra ngoài. Lời muốn nói cũng chỉ đành ngậm trong miệng, trôi sạch theo kem đánh răng.

Vào ngày biểu diễn, người của năm quán đổ xô đến Nắng Biển, náo nhiệt còn hơn cả nhà hát lớn. Từ sáng sớm, Phan Phi Phi đã thông báo cho ngài Uông, hy vọng ông có thể đến góp vui, nếu dẫn thêm vài ông chủ đến nữa thì càng tốt, coi như là làm việc thiện.

Ngài Uông đang cắt tóc, không nhận lời cũng chẳng từ chối, chỉ nói: "Sau này chúng ta còn phải làm ăn với người Nhật, tham gia vào hoạt động kiểu này chỉ có hại chứ không có lợi."

Phan Phi Phi nói, chỉ có nội bộ chúng ta mới biết tiền sẽ đi đâu, đông khách thì cũng chỉ càng thêm vui thôi.

Thái độ của ngài Uông rất mập mờ, bảo Phan Phi Phi về trước, đến lúc đó xem tình hình rồi tính tiếp.

Chú thích:

[1] Nhị hoàng: Thuật ngữ trong hí kịch. "Nhị hoàng" là một làn điệu được hình thành ở khu vực tiếp giáp phía đông Hồ Bắc và An Huy, sử dụng trong Kinh kịch, Hán kịch, Huy kịch và các loại hí kịch khác. Nhị hoàng được sử dụng cùng với giọng Tây Bì, gọi chung là "Bì Hoàng". Trong Bì Hoàng, Nhị Hoàng trang nghiêm, trong khi Tây Bì tươi sáng.

[2] Kinh Bạch: Thuật ngữ trong hí kịch. Là một hình thức độc thoại sử dụng thổ âm Bắc Kinh trong Kinh kịch.

[3] Tiếng Ngô: Tiếng địa phương của vùng Chiết Giang, Thượng Hải, Nam Giang Tô, cũng như một số phần nhỏ hơn của các tỉnh An Huy, Giang Tây, và Phúc Kiến.