Liêu Trai Chí Dị II

Quyển 7 - Chương 122: Vị Tiên Họ Củng (Củng Tiên)




Đạo nhân họ Củng, không có tên tự, cũng không rõ quê quán ở đâu. Có lần tới xin ra mắt Lỗ vương nhưng người canh cổng không chịu vào báo, gặp lúc một quý nhân trong vương phủ đi ra, đạo nhân vái chào ngỏ ý. Quý nhân thấy quê mùa bèn đuổi đi, kế lại trở lại, quý nhân nổi giận sai người đuổi đánh. Tới chỗ vắng người, đạo nhân cười đưa ra trăm lượng vàng nhờ kẻ đuổi theo nói lại với quý nhân rằng “Ta cũng không cần gặp vương, chỉ nghe nói cây cỏ lâu đài trong vườn hoa sau vương phủ là danh thắng trên đời, nếu dẫn ta vào xem một phen là mãn nguyện rồi". Kế lại lấy tiền bạc ra đút lót người đuổi theo, người ấy mừng rỡ về thưa, quý nhân cũng mừng liền dẫn đạo nhân vào cửa sau, dạo xem khắp nơi rồi theo lên lầu. Quý nhân đang tựa bên cửa sổ thì đạo nhân xô một cái, chỉ thấy mình rơi ra ngoài lầu, may có sợi dây leo vướng ngang bụng nên còn treo lơ lửng trên không. Nhìn xuống thấy sâu chóng mặt mà sợi dây cứ kêu rắc rắc như sắp đứt, sợ quá la ầm lên. 

Không bao lâu mấy tên thái giám chạy tới, vô cùng hoảng sợ vì thấy quý nhân cách mặt đất rất xa, lên lầu cùng xem thì thấy đầu dây buộc vào lầu Muốn cởi ra để cứu nhưng thấy dây nhỏ quá không thể dùng sức, tìm đạo nhân khắp nơi nhưng ông đã biến mất, đành bó tay hết cách về tâu với Lỗ vương. Vương tới nhìn thấy rất lấy làm lạ, sai rải cỏ khô dưới lầu, định chặt đút dây. Chuẩn bị vừa xong thì dây leo tự đứt mà chỉ cách mặt đất không đầy một thước, mọi người đều cười ngất. Vương sai hỏi xem đạo sĩ ở đâu, nghe nói ở nhờ nhà Tú tài họ Thượng bèn tới hỏi thì ông đi chơi chưa về. Kế gặp nhau giữa đường, bèn đưa về ra mắt vương. 

Vương cho ngồi ăn tiệc, đòi làm trò vui, đạo sĩ thưa “Thần là người quê mùa, không có tài gì lạ, nay được thương tới xin hiến một ban nữ nhạc để chúc thọ vương gia”. Rồi lần trong tay áo lấy ra một mỹ nhân đặt xuống đất, nàng dập đầu lạy vương xong, đạo sĩ bảo diễn vở Dao Trì yến để chúc vương muôn tuổi. Mỹ nhân lên sạp hát mấy câu, đạo sĩ lại lấy ra một người nữa, tự xưng là Tây Vương Mẫu, giây lát lấy ra Đổng Song Thành, Hứa Phi Quỳnh, tất cả tiên nữ trên trời đều lần lượt ra mắt. Sau cùng là Chức Nữ tới yết kiến, dâng vương một bộ áo trời màu vàng lóng lánh chiếu sáng cả nhà. Vương nghĩ là đồ giả đòi xem, đạo sĩ vội nói không nên nhưng vương không nghe cứ giở ra xem, quả thấy áo trời liền lạc không có đường may, không phải sức người làm được. Đạo sĩ tỏ vẻ không vui, nói "Thần hết lòng thờ đại vương nên tạm mượn áo của Thiên Tôn cho xem, nay bị trọc khí nhiễm vào, làm sao trả lại cho chủ cũ?". Vương lại nghĩ những người ca hát ắt đều là tiên nữ, muốn giữ lại vài nàng nhưng nhìn kỹ lại thì đều là con hát thường ngày trong phủ. Lại ngờ khúc hát ấy thì họ chưa từng học qua, hỏi tới thì họ cũng ngơ ngác không tự biết. Đạo sĩ lấy bộ áo trời châm lửa đốt rồi cho vào trong tay áo, khám tới thì không thấy đâu nữa. 

Vương vì thế rất trọng đạo sĩ, giữ ở lại trong phủ. Đạo sĩ nói “Tính quê mùa thấy cung điện như chậu lồng, không bằng ở nhà Tú tài được tự do hơn”, nên cứ đến khuya lại về nhà Thượng Tú tài. Hôm nào vương cố giữ thì cũng ngủ lại, mỗi lần có yến tiệc lại đảo lộn hoa cỏ bốn mùa làm vui. Vương hỏi "Nghe nói người tiên cũng không thể quên tình, có đúng không?” đạo sĩ đáp "Có lẽ người tiên thì đúng thế, chứ thần không phải là người tiên nên lòng như cây khô thôi”. Một đêm đạo sĩ ngủ lại trong vương phủ, vương sai một ca kỹ tới nhìn. Nàng vào phòng, gọi mấy tiếng không thấy đáp, thắp đèn soi thấy đạo sĩ nhắm mắt ngồi trên giường, lay gọi thì hé mắt một cái rồi nhắm lại, lại lay nữa thì ngáy vang lên. Xô mạnh thì ông ngã lăn ra mà vẫn ngủ say, ngáy vang như sấm. Gõ lên trán thấy cứng ngắt chồn cả ngón tay, có tiếng như gõ vào gang sắt, bèn về bẩm lại với vương. Vương sai lấy kim đâm thì đâm không vào, xô thì thấy nặng không thể lay chuyển, gọi thêm hơn chục người xúm lại khiêng ông ném xuống dưới giường, nghe như tảng đá nặng ngàn cân rơi xuống đất. 

Sáng tới thấy ông vẫn ngủ dưới đất, kế tỉnh dậy cười nói "Ngủ một giấc say như chết, rơi cả xuống giường mà không biết". Sau vương sai đám con gái nhân lúc ông nằm ngồi tới cấu véo làm vui, nhưng véo cái đầu thì da thịt còn mềm, qua cái thứ hai đã cứng như sắt đá. Đạo sĩ ở nhà Thượng Tú tài, thường suốt đêm không về, Thượng khóa cửa đi ngủ, đến sáng ra mở của đã thấy đạo sĩ nằm trong phòng. Lúc trước Thượng dan díu với ca kỹ Huệ Ca, đã thể lấy nhau. Huệ phong nhã hát hay, ngón đàn nổi tiếng một thời, Lỗ vương nghe tiếng triệu nàng vào hầu hạ, vì thế đôi bên tuyệt đường đi lại, lòng thường thương nhớ nhưng không sao nhắn gởi gì được. Một đêm Thượng hỏi đạo sĩ có gặp Huệ Ca không, đạo sĩ đáp “Các ca kỹ trong phủ ta đều gặp qua nhưng không rõ là nàng nào”. Thượng tả dung mạo tuổi tác, đạo sĩ mới nhớ ra. Thượng xin nhắn giùm một câu, đạo sĩ cười nói “Ta là người tu hành, không thể đưa tin cho ông được”. 

Thượng năn nỉ không thôi, đạo sĩ đưa tay áo ra nói "Nếu nhất định muốn gặp nàng một lần thì mời vào đây". Thượng nhìn vào thấy to rộng như gian nhà liền khom người chui vào, lạí thấy sáng sủa sạch sẽ, rộng bằng cái phòng khách, bàn ghế vật dùng không thiếu món nào, ở trong không hề thấy khổ cực buồn bã. Đạo sĩ vào phủ đánh cờ với Lỗ vương, chờ lúc Huệ Ca tới gần, giả phất tay áo phủi bụi, Huệ Ca bị hút vào mà chẳng ai thấy. Thượng đang ngồi một mình tơ tưởng chợt thấy có mỹ nhân từ mái hiên rơi xuống, nhìn lại thì là Huệ Ca. Hai người ngạc nhiên mừng rỡ, âu yếm nhau rất mực. Thượng nói "Duyên lạ hôm nay không thể không ghi lại, xin cùng làm thơ liên cú” rồi viết lên vách rằng "Hầu môn tự hải cửu vô tung” (Cửa hầu tựa biển mỏi mòn trông), Huệ nối theo “Thùy thúc Tiêu lang kim hựu phùng” (Ai biết người xưa lại tái phùng). Thượng viết tiếp “Tụ lý càn khôn chân cá đại” (Tay áo bao la trời đất rộng), Huệ viết “Ly nhân tư phụ tận bao dung” (Dung trai xa vợ gái thương chồng). Vừa viết xong chợt có năm người bước vào, đội mũ có góc, mạc áo đỏ nhạt, nhìn ra đều không quen biết, mà họ cũng im lặng không nói chỉ bắt Huệ Ca đi. Thượng kinh hãi không rõ vì sao, đạo sĩ về nhà gọi Thượng ra hỏi chuyện tình tự, Thượng giấu giếm không kể hết. Đạo sĩ mỉm cười cởi áo, lộn tay áo ra cho xem. Thượng nhìn kỹ thấy có tự tích lờ mờ nhỏ như chân kiến, té ra là bài thơ liên cú. 

Mười mấy hôm sau lại xin vào phủ, trước sau cả thảy ba lần. Huệ Ca nói với Thượng rằng "Thiếp nghe trong bụng máy động rất lo lắng, vẫn phải lấy lụa thắt lại. Nhưng trong vương phủ tai mắt rất nhiều, thảng hoặc một sớm sinh nở thì biết tìm chỗ nào giấu được trẻ khóc. Phiền chàng bàn tính với tiên ông họ Củng, cứ thấy thiếp xoa bụng ba lần thì nhờ người ra tay cứu vớt". Thượng theo lời, trở về thấy mặt đạo sĩ liền quỳ rạp xuống không chịu đứng lên. Đạo sĩ kéo đứng lên, nói "Hai người nói với nhau những gì ta đã biết rồi, xin đừng lo lắng. Dòng giống nhà ông chỉ nhờ có một chút đó, ta đâu dám không hết lòng giúp đỡ. Nhưng từ nay không cần vào đó nữa, điều ta muốn báo đáp cho ông vốn không phải chỉ ở việc tư tình thôi đâu”. Mấy tháng sau đạo sĩ từ ngoài vào cười nói "Ta đã đưa công tử về đây rồi, mau lấy tã lót ra”. 

Vợ Thượng rất hiền, hơn ba mươi tuổi sinh nở mấy lần mà chỉ nuôi được một trai, vừa sinh con gái đầy tháng thì chết, nghe Thượng nói ngạc nhiên vui mừng đích thân ra đón. Đạo sĩ thò vào tay áo lấy đứa nhỏ ra, nó im lặng như đang ngủ mà rốn còn chưa cắt, vợ Thượng đón lấy bế lên mới khóc oa oa. Đạo sĩ cởi áo nói "Máu đẻ làm dơ áo thế này là đạo môn kỵ nhất, nay vì chuyện của ông mà vật cũ hai mươi năm một sớm phải bỏ đi". Thượng đưa áo khác cho thay, đạo sĩ dặn "Cái áo cũ của ta chớ bỏ, chỉ cần xé một mảnh bằng đồng tiền đốt đi mà uống thì có thể chữa được chứng khó sinh và trụy thai", Thượng vâng lời. Lâu sau đạo sĩ chợt nói với Thượng "Chiếc áo cũ của ta nên giữ lại chút ít mà dùng, sau khi ta chết cũng đừng quên!”. 

Thượng cho là lời bất tường nhưng đạo sĩ không nói gì mà ra đi, vào gặp vương nói "Thần muốn chết". Vương giật mình hỏi, đạo sĩ đáp “Đó là số trời đã định, còn nói gì được". Vương không tin cố giữ lại, đánh xong một ván cờ đạo sĩ vội đứng lên, vương lại ngăn cản, xin phép ra nhà ngoài vương bèn cho. Đạo sĩ ra đó nằm xuống, nhìn lại thì đã chết rồi. Vương sắm sửa quan tài mai táng tử tế. Thượng tới điếu tang rất đau xót, bấy giờ mới hiểu là đạo sĩ đã báo trước. Cái áo cũ của đạo sĩ để lại làm thuốc thôi sản rất hay, người tới xin nối gót ngoài cổng. Ban đầu còn cho cái tay áo vấy máu, kế cắt tới cổ áo vạt áo chỗ nào cũng hiệu nghiệm. Sau Thượng nhớ lời đạo sĩ dặn, e vợ sẽ gặp nạn khi sinh nở nên cắt một mảnh dính máu to bằng bàn tay cất kỹ. Gặp lúc Lỗ vương có nàng ái phi lâm bồn ba ngày không sinh được, các thầy thuốc đều hết cách, có người kể lại chuyện Thượng, vương lập tức triệu vào, ái phi chỉ uống một chén thuốc là sinh được ngay. 

Vương cả mừng, tặng tiền bạc vải vóc rất hậu nhưng Thượng đều từ chối không nhận. Vương hỏi vậy muốn gì, Thượng đáp "Thần không dám nói", gạn hỏi mấy lần Thượng mới dập đầu thưa “Nếu được đội ơn trời thì chỉ xin ban cho nàng ca kỹ cũ Huệ Ca là đủ”. Vương triệu nàng tới hỏi tuổi, nàng thưa "Thiếp vào phủ năm mười tám tuổi, qua mười bốn năm rồi” Vương thấy nàng đã lớn tuổi bèn gọi tất cả các ca kỹ ra cho tùy thích chọn lựa nhưng Thượng không ưng ý một ai. Vương cười nói "Anh học trò này khờ quá, hay mười năm trước có đính ước với nhau rồi?". Thượng kể thật mọi chuyện, vương liền sai đem đủ xe kiệu đưa Huệ Ca về với Thượng, cho luôn nàng những tiền bạc vải vóc đã ban làm của hồi môn. 

Đứa con trai Huệ sinh tên Tú Sinh, "Tú” là ẩn nghĩa chữ "Tụ” (tay áo) vậy, năm ấy đã mười một tuổi. Vợ chồng thường nhớ ơn người tiên, năm nào đến tiết Thanh minh cũng đi viếng mộ. Có người đi buôn ở Trung Châu (tỉnh Tứ Xuyên) lâu năm, gặp đạo sĩ trên đường trao cho một quyển sách, nói “Đây là sách trong phủ Lỗ vương, lúc đi vội quá chưa kịp trả lại, nhờ ông trả hộ". Người ấy về nghe tin đạo sĩ đã chết không dám tâu, Thượng bèn cầm sách vào tâu hộ. Lỗ vương mở ra xem thì đúng là sách đã cho đạo sĩ mượn, lấy làm ngờ vực sai quật mộ đạo sĩ lên xem thì chỉ thấy quan tài rỗng không. Sau con trai Thượng chết yểu, may có Tú Sinh nối dõi, càng phục lời tiên tri của tiên ông họ Củng. 

Dị Sử thị nói: Càn khôn trong tay áo là lời ngụ ngôn của cổ nhân, há phải là có thật đâu, sao lại lạ lùng đến thế. Trong tay áo có trời đất, có mặt trời mặt trăng, có thể lấy vợ sinh con mà lại không bị cái khổ thúc thuế đòi lương, không bị cái phiền muộn của người đời, thì những rận rệp trong đó cũng khác gì chó gà ở cõi Đào Nguyên* đâu! Trộm mong người thường cũng được tới đó, thì chết già ở nơi ấy cũng được. 

*Đào Nguyên: Đào Tiềm thời Tấn có bài Đào hoa nguyên ký kể chuyện một ngư phủ lạc vào rừng, theo dòng suối có hoa đào trôi ra ngược lên tới nguồn thì gặp một nơi có người ở, hỏi ra thì họ nói rằng tổ tiên tránh loạn thời Tần chạy vào sinh sống đã mấy trăm năm rồi, không biết việc đời bên ngoài thay đổi ra sao. Đào Nguyên đây dùng chỉ cõi thanh bình hạnh phúc ở nhân gian.