Những kẻ tới gần thì chỗ mũi miệng cũng giống người Trung Quốc, cùng bày rượu mời Mã. Mã hỏi vì sao lại sợ mình, họ đáp “Thường nghe ông bà nói rằng cách đây hai vạn sáu ngàn dặm về phía tây có nước Trung Quốc, dân ở đó mặt mũi kỳ quái nhưng chỉ nghe đồn, nay mới tin là đúng". Hỏi sao nghèo thế, họ đáp "Điều nước bọn ta quý chuộng không phải văn chương mà là tướng mạo. Những người đẹp nhất làm thượng khanh, kế làm chức dân xã, hạng dưới chót cũng được quý nhân thương yêu nên có lương bổng nuôi vợ con. Còn loại bọn ta lúc mới chào đời thì cha mẹ đều cho là điềm xấu vứt đi không nuôi, những nhà không nỡ bỏ là vì nối dõi tông môn thôi. Mã hỏi nước này tên gì, họ đáp “Đây là nước Đại La Sát, kinh đô cách đây ba mươi dặm về phía Bắc". Mã xin dẫn tới xem một phen, rồi đó gà gáy thức dậy cùng đi.
Trời sáng tới kinh, thấy kinh thành xây bằng đá đen như mực, lầu gác cao gần trăm thước nhưng ít lợp ngói mà lấy đá đỏ úp phía trên, dùng đá vụn trít các khe hở trông không khác gì đan sa. Gặp lúc bãi chầu, các quan đội mão che lọng trong triều ra, người làng chỉ mà nói "Kia là quan Tướng quốc". Mã nhìn thấy ông ta hai tai quặt ra phía sau, mũi có ba lỗ, lông mày che kín mắt như tấm rèm. Lại có mấy người cưỡi ngựa ra, người kia nói "Kia là quan Đại phu”, lần lượt theo thứ tự nói rõ quan chức của từng người, Mã thấy dung mạo đều ghê rợn kỳ quái, nhưng quan chức càng thấp thì diện mạo càng bớt xấu xí. Lát sau Mã về, người trên đường phố trông thấy đều bỏ cbạy tán loạn, xô nhau ngã dúi dụi như gặp quái vật. Người cùng đi ra sức phân trần, người trong chợ mới dám đứng xa xa mà nhìn.
Mã về rồi, người trong nước lớn nhỏ đều biết xóm núi có quái nhân, các nhà quyền quý tranh nhau muốn mở rộng kiến văn bèn sai người trong thôn mời Mã. Nhưng Mã tới nhà nào thì người giữ cổng cũng đóng chặt cửa, đàn ông đàn bà lén nhìn qua khe cửa thì thào bàn tán, cả ngày không có một ai dám ra mặt đón tiếp. Người làng nói "Ở đây có quan Chấp kích lang từng phụng mệnh tiên vương đi sứ ngoại quốc, là người từng trải lịch duyệt, may ra không sợ anh chăng?". Bèn tới nhà quan Chấp kích, quả nhiên ông vui mừng tiếp đón Mã như thượng khách.
Mã thấy diện mạo ông như người tám chín mươi tuổi, hai mắt lồi ra, râu ria tua tủa như lông nhím. Ông nói "Ta lúc trẻ từng phụng mệnh vua đi sứ ngoại quốc rất nhiều, chỉ chưa tới Trung Hoa. Nay đã hơn một trăm hai mươi tuổi lại được nhìn thấy nhân vật thượng quốc, không thể không tâu lên cho thiên tử biết. Nhưng ta nương náu nơi rừng núi đã hơn mười năm không đặt chân tới triều đình, sáng mai xin vì ông cố đi một phen”. Rồi sai dọn tiệc đãi khách, rượu được vài tuần gọi phường nữ nhạc mười mấy người ra thay phiên múa hát, nàng nào mặt mũi cũng như quỷ dạ xoa, gấm trắng bịt đầu, áo đỏ quét đất, lời hát không nghe rõ là gì mà khúc điệu cũng kỳ quái, nhưng chủ nhân có vẻ vui thích lắm. Hỏi Trung Quốc chắc cũng có thú vui này chứ, Mã đáp có. Chủ nhân xin được nghe, Mã gõ bàn hát một khúc, chủ nhân vui vẻ nói "Lạ thay, tiếng hát như rồng ngâm phụng gáy, ta chưa từng được nghe bao giờ".
Hôm sau ông vào triều tiến cử Mã với quốc vương, nhà vua vui mừng xuống chiếu vời Mã. Nhưng có hai ba vị đại thần nói hình dạng Mã quái gở, e làm kinh hãi thánh thể, vua bèn thôi. Ông Chấp kích lập tức trở về kể cho Mã nghe, tỏ ý rất tiếc. Mã ở đó lâu ngày, có hôm cùng chủ nhân uống rượu say, cầm gươm đứng dậy múa, lấy than bôi mặt đóng vai Trương Phi*. Chủ nhân cho là đẹp, nói "Xin khách đem bộ mặt Trương Phi tới ra mắt Tướng quốc, chắc Tướng quốc sẽ vui vẻ trọng dụng, khó gì không được chức cao lộc hậu”. Mã nói “Ôi, bôi mặt đùa giỡn thì còn được, chứ làm sao có thể mang bộ mặt này đi cầu chức tước”. Chủ nhân cố ép, Mã bèn theo lời.
*Trương Phi: võ tướng và là em kết nghĩa của Lưu Bị, Tiên chủ nhà Thục Hán thời Tam quốc, tính tình thô mãng, mặt mũi dữ tợn.
Chủ nhân liền mở tiệc mời các quan tới uống rượu, bảo Mã vẽ mặt chờ sẵn. Không bao lâu khách tới, ông gọi Mã ra chào, khách đều ngạc nhiên nói ”Lạ quá, sao bữa trưóc xấu xí mà hôm nay xinh đẹp thế kia?”, rồi cùng nhau uống rượu hết sức vui vẻ. Mã múa may hát khúc Dặc dương, cả tiệc đều phục lăn. Hôm sau các quan cùng dâng biểu tiến cử Mã, vua mừng rỡ, sai đem cờ tiết đi vời. Mã tới bái kiến, vua hỏi về đạo trị an của Trung Quốc. Mã tâu bày cặn kẽ, vua rất khen ngợi, ban yến ở Ly cung. Rượu ngà ngà, vua hỏi "Nghe nói khanh giỏi múa hát, có thể cho quả nhân nghe được không?". Mã liền đứng dậy múa, cũng bắt chước lấy gấm trắng bịt đầu, hát giọng ồm ồm. Vua thích lắm phong ngay cho Mã chức Hạ Đại phu, thường ban yến riêng, ân sủng khác thường.
Lâu ngày các quan lớn nhỏ trong triều biết diện mạo Mã mang là giả, Mã tới đâu cũng thấy người ta rỉ tai nhau lơ là với mình, từ đó bị cô lập, trong lòng sợ sệt không yên, dâng sớ xin về hưu trí nhưng vua không cho. Mã lại xin nghỉ phép, vua cho nghỉ ba tháng, bèn lấy ngựa trạm chở vàng bạc châu báu trở về xóm núi. Người làng quỳ đón bên đường, Mã lấy vàng bạc chia cấp cho những kẻ đối xử tử tế với mình trước đây, tiếng reo mừng cảm ơn như sấm. Dân làng nói "Bọn ta hèn mọn, được Đại phu cho tiền bạc, ngày mai ra chợ biển, sẽ tìm mua vật quý để đền ơn" Mã hỏi chợ biển ở đâu, họ đáp "Chợ họp giữa biển, hội tụ châu báu hàng hóa của Giao nhân* bốn biển, người ở bốn phương mười hai nước đều tới mua bán, trong đó có nhiều thần nhân dạo chơi, mây ráng rợp trời, ba đào cuồn cuộn. Các bậc quý nhân tự trọng không dám xông pha nguy hiểm đều đưa vàng lụa nhờ bọn ta mua giùm các món quý lạ, nay sắp đến phiên chợ rồi".
*Giao nhân bốn biển: Thuật dị ký chép ở Nam Hải có giống người là Giao nhân sống ớ dưới nước như cá, chuyên việc dệt vải, nếu khóc thì nước mắt hóa thành ngọc châu.
Mã hỏi tại sao biết sắp đến phiên chợ, họ đáp "Mỗi khi thấy chim đỏ bay liệng qua lại trên biển thì bảy hôm sau có phiên chợ”. Mã hỏi đi mất bao lâu, muốn cùng đi xem nhưng dân làng can ngăn, khuyên nên tự trọng thân phận, Mã đáp "Ta vốn là khách đi biển, sợ gì ba đào". Không bao lâu quả có nhiều người nối nhau tới gởi tiền nhờ mua hàng giùm, Mã liền mang hành lý xuống thuyền. Thuyền có vài mươi người, đáy phẳng lườn cao, có mười tay chèo, lướt đi như tên bay. Qua ba ngày, trông thấy xa xa giữa chốn mây nước mênh mông có đài gác chập chồng, thuyền buôn đông đặc như kiến. Giây lát tới dưới thành, thấy tường thành xây bằng những tảng đá cao như thân người, chòi canh cao chạm mây xanh. Buộc thuyền vào thành, thấy trong chợ bày đầy các món kỳ trân dị bảo lớng lánh chói mắt, nhiều thứ trần gian không có.
Chợt một thiếu niên cưỡi ngựa đi tới, người trong chợ đều dạt ra tránh đường, nói đó là Tam Thế tử bi*n đ*ng. Thế tử đi tới, nhìn Mã nói “Đây hẳn là người xứ lạ”, liền có kẻ tùy tùng tới hỏi quê quán. Sinh đứng bên đường chắp tay vái chào, tự nói tên họ quê quán. Thế tử mừng nói “Được ông hạ cố tới đây, thật có duyên phận không ít". Rồi đó đưa ngựa cho sinh cưỡi, mời cùng sóng vai đi ra cửa tây thành, vừa tới bờ cù lao thì con ngựa sinh cưỡi hý vang rồi nhảy xuống nước. Sinh cả sợ kêu thất thanh thì thấy nước biển rẽ ra, hai bên dựng đứng như vách tường. Giây lát thấy có cung điện, đồi mồi làm kèo, vảy cá làm ngói, bốn vách là pha lê lóng lánh chói mắt. Sinh xuống ngựa vào trong ra mắt, ngẩng lên thấy Long quân ngồi trên, Thế tử tâu nói “Thần đi chơi chợ, gặp được bậc hiền sĩ Trung Hoa, xin dẫn kiến với đại vương".
Sinh bước lên vái lạy xong, Long quân nói "Tiên sinh là bậc văn sĩ, ắt văn chương hay lắm, quả nhân muốn phiền viết hộ bài phú Chợ biển, xin đừng tiếc lời châu ngọc". Sinh dập đầu vâng lệnh, Long quân sai đem cho nghiên pha lê, bút râu rồng, giấy sắc trắng tựa tuyết, mực thơm ngát như lan. Sinh lập tức viết xong bài phú hơn ngàn chữ dâng lên trước điện, Long quân khen ngợi nói "Tài lớn của tiên sinh làm thủy quốc vẻ vang thêm nhiều lắm". Rồi hội họp thủy tộc mở tiệc lớn ở cung Thái Hà, rượu được vài tuần, Long quân nâng chén nhìn khách nói "Quả nhân có đứa con gái yêu chưa lấy chồng, muốn gả cho tiên sinh, tiên sinh có bằng lòng không?”. Sinh rời tiệc bước ra thẹn thùng lạy tạ, chỉ dạ dạ mà thôi. Long quân bèn quay lại dặn dò tả hữu. Không bao lâu có mấy người cung nhân đỡ một nữ lang ra, vòng ngọc khua vang, nhã nhạc trỗi lớn. Sinh lạy xong liếc nhìn thấy nàng xinh đẹp như tiên, công chúa lạy xong quay trở vào. Giây lát bãi tiệc, có hai a hoàn cầm đèn lồng đưa sinh vào hậu cung.
Công chúa trang điểm lộng lẫy ngồi đợi, trong phòng kê giường san hô khảm bát bảo, rèm kết tú cầu điểm xuyết minh châu to như cái đấu, chăn nệm đều mềm mại thơm tho. Trời vừa rạng sáng thì gái hầu trẻ đẹp đã xúm tới hầu hạ. Sinh trở dậy ra triều đường lạy tạ, Long quân phong sinh làm Phò mã Đô úy, sai đưa bài phú ra các biển. Long quân các biển đều sai sứ tới mừng, tranh nhau mời Phò mã tới uống rượu. Sinh mặc quần áo thêu, cởi rồng xanh, tiền hô hậu ủng ra đi, mấy mươi võ sĩ cưỡi ngựa hộ vệ đều mang cung sơn son, mang giày cựa bạc sáng loáng xúm xít chung quanh, trên ngựa gảy đàn, trong xe gõ phách, trong ba ngày dạo chơi khắp các biển. Từ đó danh tiếng con rể Long quân vang dậy bốn biển.
Trong cung có một cây ngọc thân đầy một ôm, gốc trong suốt như pha lê trắng, trong có lõi màu vàng nhạt nhỏ hơn cánh tay, lá như bích ngọc dày bằng đồng tiền mọc chi chít, sinh thường cùng vợ ngồi dưới bóng cây ngâm thơ thổi sáo. Hoa nở đầy cây như hoa thiềm bồ, cánh hoa rụng xuống thì kêu leng keng, nhặt lên nhìn thấy như mã não đỏ chạm trổ, long lanh rất đẹp. Lúc lúc có chim lạ tới đậu trên cây hót, lông màu vàng ánh, đuôi dài hơn thân, tiếng hót như ngọc khua ai oán làm người ta xót xa. Sinh cứ nghe chim hót lại chạnh niềm cố hương, nhân nói với công chúa "Ta lạc lõng ba năm, bặt tin cha mẹ, cứ nghĩ tới lại đau lòng, nàng có thể theo ta về không?”. Nàng nói “Tiên phàm hai lối, không thể theo được. Nhưng thiếp cũng không nỡ vì tình vợ chồng mà khiến chàng lỗi đạo hiếu, xin thong thả sẽ tính". Sinh nghe thế sa nước mắt, nàng cũng than "Tình thế này thật không thể tròn cả hai bề".
Hôm sau sinh đi chơi về, Long quân hỏi "Nghe nói Đô úy nhớ quê muốn về, sáng mai khởi hành được chăng?". Sinh từ tạ nói “Thần bơ vơ đất khách, đội ơn đại vương quá yêu, trong lòng chỉ mong có dịp báo đáp. Nay xin cho tạm về thăm cha mẹ, rồi sẽ trở lại hầu đại vương". Tối đến công chúa đặt tiệc từ giã, sinh hẹn ngày gặp lại, nàng nói "Tình duyên đôi ta đến đây là hết". Sinh vô cùng đau xót, nàng nói “Cứ về phụng dưỡng mẹ cha để tỏ lòng hiếu thảo của chàng, chứ đời người hết hợp rồi tan, trăm năm cũng như sớm tối thôi, cần gì khóc lóc như lối đàn bà? Từ nay về sau nếu thiếp thủ tiết vì chàng, chàng giữ nghĩa với thiếp, hai nơi vẫn một lòng thì là vợ chồng đấy, cần gì phải sớm tối giữ riệt lấy nhau mới gọi là bách niên giai lão? Nếu phụ lời nguyền thì có lấy vợ lấy chồng cũng chẳng tốt lành đâu. Còn nếu trên trần gian thiếu người nội trợ, thì cưới tỳ thiếp cũng được thôi.
Còn có một chuyện muốn nói, là từ ngày kết bạn, hình như thiếp đã có thai, phiền chàng đặt tên trước cho con”. Sinh nói "Nếu sinh con gái thì đặt tên là Long Cung, nếu sinh con trai thì đặt tên là Phúc Hải". Công chúa xin để lại một vật làm tin, sinh lúc ở nước La Sát được một đôi hoa sen bằng ngọc đỏ bèn lấy đưa cho nàng. Công chúa nói "Ba năm sau, đúng ngày mùng tám tháng tư, chàng chèo thuyền ra Nam đảo, thiếp sẽ giao con". Rồi lấy da cá làm túi, bỏ đầy châu ngọc vào đưa cho sinh, nói "Chàng giữ cho kỹ, bấy nhiêu thì ăn tiêu mấy đời cũng không hết". Trời mờ sáng, Long vương bày tiệc tiễn hành, tặng cho rất hậu. Sinh lạy tạ ra đi, công chúa ngồi xe dê trắng đưa lên tới tận bờ. Sinh lên bờ xuống ngựa, nàng dặn dò tự bảo trọng rồi quay xe trở về, phút chốc đã xa tít, nước biển khép lại không thấy gì nữa, sinh bèn về nhà.
Từ khi sinh vượt biển, có người cho rằng đã chết, đến khi về tới người nhà đều kinh ngạc. Cũng may là cha mẹ đều còn khỏe mạnh, duy vợ đã đi lấy chồng khác, mới sực hiểu câu nói “giữ nghĩa" của Long nữ là đã biết trước việc ấy. Cha muốn cưới vợ khác cho nhưng sinh không nghe, chỉ mua thiếp. Đúng kỳ hẹn ba năm sinh chèo thuyền ra đảo, thấy hai đứa nhỏ ngồi trên mặt biển vốc nước đùa giỡn, không động cũng không chìm. Sinh tới gần bế, một đứa reo lên nắm tay sinh rồi nhảy vào lòng, đứa kia khóc lớn như giận sinh không dắt mình, sinh cũng bế cả lên. Nhìn kỹ thì là một trai một gái, mặt mũi thanh tú, đội mũ hoa gắn ngọc, tức đôi hoa sen bằng ngọc đỏ. Trên lưng một đứa đeo túi gấm, sinh mở ra xem thấy có bức thư như sau:
“Kính thăm cha mẹ bình an. Thấm thoát ba năm, cách đường bụi đỏ, mênh mông một bể, dứt lối chim xanh. Kết tương tư thành mộng, để nhưng nhớ làm đau, thăm thẳm trời xanh, hận nào sánh được? Nhưng nghĩ Hằng Nga còn lạnh lùng trong cung quế, Chức Nữ phải tê tái cạnh sông Ngân, thì ta là hạng người nào mà mong trăm năm sum họp, thiếp nghĩ tới đó liền gạt nước mắt mà vui cười. Sau khi từ biệt hai tháng thì thiếp sinh được song thai, đến nay đã bi bô đòi bế, hơi biết nói cười, ngó táo giành lê, không có mẹ cũng sống được, nên kính trao lại cho chàng. Đôi hoa sen bằng ngọc đỏ chàng để lại, thiếp gài lên mũ chúng để làm tin, lúc nào ôm con trên gối thì cũng như có thiếp bên cạnh vậy. Biết chàng đã giữ trọn lời nguyền, thiếp được an ủi rất nhiều, thề giữ trọn tình với chàng đến chết, vật trong rương cam thiếu dầu thơm, người trong kính lâu không son phấn. Chàng như chinh nhân thì thiếp làm quả phụ, cho dù không gần gũi cũng vẫn có thể nói là duyên cầm sắt kia mà. Chỉ nghĩ tới cha mẹ chồng đã bế cháu nội mà chưa gặp nàng dâu, kể theo tình lý cũng còn chưa trọn vẹn, nên năm sau tống táng mẹ, thiếp sẽ tớì mộ điếu tang cho trọn đạo dâu con. Từ nay về sau thì Long Cung vô sự, còn nhiều lúc gặp nhau, Phước Hải sống lâu, cũng có đường lui tới. Mong chàng khoẻ mạnh, thư chẳng hết lời”.
Sinh đọc đi đọc lại lá thư rơi lệ, hai đứa nhỏ ôm cổ, nói "Về nhà thôi”, sinh càng đau xót, vỗ về hai đứa hỏi "Hai con có biết nhà ở đâu không?", hai đứa khóc lóc líu lo đòi về. Sinh nhìn ra thấy biển cả mênh mông, chân trời xa tít, bóng người mờ mịt, mây nước muôn trùng đành bế con quay thuyền ngậm ngùi trở về. Sinh biết mẹ không còn sống lâu nữa nên lo sẵn mọi việc ma chay, trồng hơn trăm cây tùng quanh khu mộ. Năm sau quả nhiên mẹ sinh mất, khi quan tài sắp hạ huyệt thì có cô gái mặc áo tang tới làm lễ.
Mọi người đang ngạc nhiên nhìn chợt gió bão nổi lên, sét nổ ầm ầm, kế mưa như trút nước, trong chớp mắt cô gái biến mất, những tùng bách mới trồng phần nhiều chết khô lúc ấy lại trở nên xanh tốt. Phước Hải hơi lớn thường nhớ nhung mẹ, cứ nhảy xuống biển mấy ngày mới về. Long Cung là con gái không đi được, chỉ biết đóng cửa ngồi khóc. Một hôm đang ban ngày mà trời tối sầm, Long nữ chợt tới bảo con gái nín khóc rồi nói "Con sẽ lấy chồng, khóc lóc làm gì?”, rồi cho con gái một cây san hô cao tám thước, một hộp long não hương, một trăm viên ngọc minh châu, một đôi vòng vàng khảm bát bảo làm của hồi môn. Sinh nghe nói vợ tới vội chạy vào nắm tay nàng khóc nức nở. Giây lát trời nổi mua gió, sét đánh vang nhà, nàng biến mất.
Dị Sử thị nói: Vẽ mặt lấy lòng, tình đời thật như ma quỷ, ưa chuyện kỳ quái, thế gian quả chỉ một đường. Thẹn ít thì người thích ít, thẹn nhiều thì người thích nhiều, nhưng nếu công nhiên mang râu tóc phường tuồng dạo chơi ở kinh kỳ thì chắc rất ít người không hoảng sợ bỏ chạy. Chàng ngây Lăng Dương kia định ôm viên ngọc liên thành tới đâu mà khóc vậy*? Than ôi, chuyện hiển vinh phú quý chỉ nên cầu nơi chốn thẩn lâu hải thị** mà thôi.
* Chàng ngây... khóc vậy: Hàn Phi tử chép Biện Hòa người nước Sở dâng viên ngọc chưa đẽo gọt cho Hoài vương, Hoài vương cho là viên đá bèn chặt chân trái của Hòa. Hoài vương chết, Hòa lại dâng cho Bình vương, Bình vương cũng cho là khi quân, sai chặt chân phải của Hòa. Bình vương chết, Kinh vương lên ngôi, Hòa ôm viên ngọc khóc dưới núi. Kinh vương biết chuyện sai thợ khéo gọt giũa, phá lớp đá ngoài thì được một viên ngọc rất đẹp, bèn phong Hòa làm Lăng Dương hầu. Cả câu chỉ kẻ có tài mà không ai biết tới.
** Thẩn lâu hải thị: tức hiện tượng những thành quách chợ búa hiện ra trên mặt biển, là ảo ảnh sinh ra do sự khúc xạ của ánh sáng, người xưa cho rằng do khí của loài ngao sò ở biển thở ra kết thành. Đây dùng chỉ ảo ảnh, ảo tưởng.