Hoa Tường Vy Mùa Hạ

Chương 5: 5: Chương 4





Chơi cờ chán, nó giúp tôi làm quen với hai con chó.

Con màu đen tên Lucky, còn con màu cam thì tên Happy.

"Tên bọn chúng có nghĩa là May Mắn và Hạnh Phúc" - nó nói.

Nó đưa tôi hai mẩu bánh mì rồi bảo tôi ném cho chúng.

Hai đứa nó rất tham ăn, nhưng con Happy giành ăn hết, còn con Lucky thì chỉ đứng nhìn miếng bánh, rồi lại biểu lộ cái mặt tội nghiệp nhìn chúng tôi.

Sau đó, con Na kéo tôi qua một góc sân, cầm cái que gỗ lắc lư trước mặt hai con chó rồi ném về góc sân bên kia, rơi vào giữa những chậu cây của ông Tư.

Con Lucky nhanh chóng chạy đi nhặt cái que, còn con Happy thì nhảy xoay vòng và reo hò cổ vũ bằng những tiếng "gâu gâu".

Khi đã chơi mệt, hai con chó lại nằm thẳng cẳng ra giữa sân, le cái lưỡi dài ngoằng và thở phì phò, mặc cho tôi đưa bàn tay rụt rè của mình vuốt ve trên bộ lông cứng như những chiếc lá kim của chúng.
Thỉnh thoảng, con Na lại dẫn tôi đi vòng quanh sân nhà ông Tư.

Nhà ông trồng rất nhiều cây, chủ yếu là cây cảnh với đủ những hình thù kỳ dị.

Ở một góc của mảnh sân ấy có một cái hồ cá nhỏ, giữa hồ là một ngọn núi được ghép lại bởi những khối đá lởm chởm phủ đầy rêu xanh, dựng đứng lên như những ngón tay chỉ thẳng lên trời.

Lưng chừng ngọn núi ấy là những bức tượng nhỏ bằng gốm, có tượng Quan Âm, tượng Di Lặc, và cả bốn thầy trò Đường Tăng đang dắt nhau đi thỉnh kinh nữa.

Dưới hồ, vài con cá màu cam tung tăng bơi lội, chốc chốc ngoi lên mặt nước để hớp một ngụm không khí rồi lại lặn xuống bên trong những hốc đá.
Phía sau nhà ông Tư có một khoảng đất trống, không được trải xi măng bằng phẳng mà chỉ có vài viên gạch nung, được xếp thành hai hàng song song trên nền đất thịt màu nâu sẫm, tạo thành một lối đi nhỏ từ cửa sau dẫn tới một gốc cây mận.

Ngoài gốc mận đó ra, khoảng đất đó chẳng còn gì khác nữa.

Quanh cây mận ấy đầy những lá, dường như lâu rồi không có ai quét tước nơi đó.


Có những chiếc lá đã phân hủy gần hết, có những chiếc lá chỉ vừa mới rụng xuống.

Rải rác đâu đó còn là những trái mận dập nát thật đáng thương.

"Giá như bọn chúng rơi vào trong bụng tôi thì tốt quá." - tôi nghĩ.
Con Na chỉ vào một cái cây tre dài ở góc tường, có một cái móc nhỏ ở trên rồi bảo tôi cầm cái cây đó khều những trái mận xuống để ăn.

Tôi bắt đầu khều những trái mận, còn nó thì đứng bên cạnh, xòe cái váy ra để hứng.

Nhưng nó toàn để rơi ra ngoài, tôi khều mỏi cả tay và cổ mà vẫn chưa có trái mận nào để ăn.

Tôi bảo để tôi hứng cho thì nó lại cầm không nổi cây sào ấy.

Tôi muốn leo lên hái nhưng nó nhất quyết không đồng ý.
- Mẹ chị không cho ai trèo lên đó hết.

- Con Na nói.
- Sao vậy? - Tôi tò mò hỏi.
- Nhìn tấm bảng kia đi.

- Nó chỉ vào giữa thân cây.
- Nhưng em chưa biết chữ.

- Tôi gãi gãi đầu nói.
- Trên đó ghi: "Cấm, trèo, cây" - Nó đọc thật chậm từng chữ - Mẹ chị gắn lên đó.

Hồi lâu thiệt là lâu rồi, khi ba ở nhà thì vẫn hay trèo lên để hái mận cho chị.

Nhưng sau đó ba vào Sài Gòn làm và để chị ở đây một mình, chị muốn ăn mận nhưng ông chị không hái cho.


Vậy là chị phải tự leo lên, nhưng được một đoạn thì té cái "ạch" xuống đất, máu chảy quá trời luôn.

Giờ vẫn còn sẹo đây nè.

- Nó vén mái tóc lên và chỉ cho tôi cái dấu trên trán - Rồi tấm bảng được mẹ chị gắn vào đó, mẹ không cho ai trèo lên cây nữa, kể cả ba.
Thế là hai đứa đành nhặt những trái mận vừa mới rơi xuống đất, đem đi rửa rồi cắn bỏ những chỗ bị dập để ăn.

Nó chôn mấy cái hạt gần gốc cây, rồi nói rằng một ngày nào đó sẽ có những cây mận non đâm chồi nảy lộc ở đó.

"Khi chúng lớn lên, chúng ta sẽ có thật nhiều mận để ăn" - Nó cắn một trái mận và cười, để lộ ra hàm răng sún, sau đó chôn luôn cái răng vừa gãy đêm hôm trước xuống dưới đất.
Một hôm, khi đang nhặt những trái mận, tôi thấy một con sâu to bằng ngón tay cái đang bò giữa những chiếc lá rụng dưới đất.
- Chị Na ơi, có con sâu to lắm nè.

- Tôi gọi, tay chỉ về phía con sâu.
- Đâu, đâu.

- Nó vội vàng chạy tới.
Bị phát hiện, con sâu ngoe nguẩy trên chiếc lá, cố gắng bò đi thật nhanh.

Nhưng nhanh mấy cũng không bằng con Na được.

Nó nhặt chiếc lá lên, nở một nụ cười và nhìn con sâu không chớp mắt.

Tôi không thích lũ sâu lắm nên chỉ đứng đằng sau.
- Nó dính vào tay là ngứa lắm đó.

- Tôi nói.
- Biết rồi.


- Nó nói, rồi lại nhìn chăm chăm vào "vũ điệu" mềm mại của con sâu.

Không hiểu sao nó lại thích cái bọn mềm nhũn đó đến vậy.
- Chị không sợ nó à? - Tôi hỏi.
- Không, có gì đâu mà sợ, trông đáng yêu mà.
Tôi cảm thấy choáng vì cái sở thích kỳ cục đó, nhưng cũng đành mặc kệ và tiếp tục hái mận.

Sau nhiều lần phải ăn mận bị dập thì tôi rút ra được kinh nghiệm cho mình.

Tôi gom đống lá vừa mới rụng lại thành một cái đệm rồi cố khều sao cho những trái mận rơi vào đó.

Thấy con Na thả con sâu về lại thiên nhiên sau khi chơi chán, tôi hỏi:
- Sao chị lại thả nó đi?
- Không thả đi thì định làm gì? Đem về nấu canh à?
- Em không biết, nhưng nó ăn lá cây, chị thả như vậy mấy cái cây sẽ hỏng mất.

- Tôi nói, tay cầm một trái mận chùi vào áo cho sạch đất rồi cắn một miếng.
- Chỉ là mấy cái lá thôi mà, - Nó lấy một nhánh cây khô đâm nhẹ vào người con sâu để giục cái thân hình nhũn nhũn ấy bò đi nhanh hơn - Với lại nó ăn đủ lớn thì hóa thành bướm bay đi liền, sau này lại giúp cho bọn cây thụ phấn nữa.
- Sao chị biết nhiều thứ như vậy? - Tôi thắc mắc hỏi, dường như cái gì nó cũng biết.
- Xem trên TV có mà.

- Nó nói, rồi lấy một trái mận trong tay tôi ăn ngon lành.
- Vậy à.
Trước giờ tôi chỉ xem hoạt hình hay mấy bộ phim kiếm hiệp chứ không biết còn có những thứ như vậy.

Hoặc đôi khi là chương trình thời sự mà tối nào ba mẹ cũng xem, nhưng tôi lại không thích mấy.
Sau khi ăn hết những trái mận, bọn tôi chôn những cái hạt xuống đất rồi lại chạy ra sân trước chơi với hai con chó.

Tôi nhanh chóng quên đi chuyện về những con sâu, nhưng lại chú ý đến con gấu bông nhiều hơn.

Tôi vẫn luôn tò mò về việc này.

Một hôm, khi đang chơi cờ, tôi hỏi:
- Sao lúc nào chị cũng ôm con gấu đó bên người vậy.
- Đó là quà sinh nhật mà mẹ mua cho chị.


- Nó nói, dường như có một màng sương mỏng che trước đôi mắt thơ ngây ấy.
- Con gấu trông như không được khỏe lắm nhỉ.
- Ừ, nó bị ốm, cũng được gần hai năm rồi.
Con Na nói rằng vào cái ngày mà mẹ nó mua món quà này, trên đường về nhà thì gặp phải một tai nạn.

Mẹ cùng với đứa em trai chưa chào đời của nó đã ra đi mãi mãi, chỉ có con gấu này là còn ở lại.

Nó kể việc đó một cách bình thản, trong khi tay vẫn đang thả xúc xắc.

Giọng nói lanh lảnh như tiếng chuông xen lẫn vào tiếng leng keng của hai hạt xúc xắc đang lăn lộn trong cái chén.

Nhưng khi hai hạt xúc xắc ngừng xoay, nó không cầm quân cờ của mình đi.

Hai bàn tay yếu ớt, nhỏ nhắn bấu chặt vào con gấu, giống như cây mận cắm rễ vào trong lòng đất, không thể tách rời.

Nó cúi mặt xuống, nhìn những ngón chân đang ngoe nguẩy của mình, hay đang nhìn một gương mặt nào đó ẩn hiện trên nền gạch bông màu trắng.

Rồi từng giọt, từng giọt nước long lanh rơi xuống, thấm ướt cả con gấu bông trong vòng tay nhỏ bé, như những hạt mưa không ngừng thấm sâu vào lòng đất.
Mẹ tôi nói mưa giúp cho cây cỏ tốt tươi, vậy nên mưa cũng sẽ giúp cho cây khế nhà bà nội, cây mận nhà ông Tư đâm hoa kết trái.

Nhưng những giọt mưa kia rơi xuống làm tôi cảm giác như có gì đó đang khô héo đi.

Đó là lần đầu tiên tôi biết rằng không phải mưa lúc nào cũng mang đến niềm vui.

Khi mưa xuống mà không được tắm mưa thì đó lại là nỗi buồn vô hạn.

Tôi vụng về lấy bàn tay lấm lem của mình lau nước mắt cho nó, nhưng dòng chảy đó vẫn tuôn ra không ngừng, rửa trôi đi những vết bẩn tôi vừa vẽ lên trên cặp má phúng phính.

Trên bậc thềm nhà ông Tư, nắng chiều dần nhạt, và trong tiếng gió thổi u u hình như xen lẫn tiếng thở dài.

Chiều hôm đó, tôi về nhà sớm hơn mọi ngày.

Tôi tưởng tượng nếu như mình không có mẹ hay chị Nhã bên cạnh thì sẽ buồn biết mấy..