Hoa Tường Vy Mùa Hạ

Chương 25: 25: Chương 24





Sau khi con Vy đi được vài ngày, tôi cũng theo ba vào rẫy.

Dường như đó là cách duy nhất tôi nghĩ ra để thấy thời gian trôi qua nhanh hơn.

So với lần đâu tiên tôi đến, cái rẫy nhà tôi đã khác trước rất nhiều.

Ngôi nhà tranh đã thay thế bằng những bức tường gạch, được tráng xi măng bên ngoài và lợp mái tôn bên trên.

Ngay phía sau nhà là cái giếng cũ, cuối cùng thì nó cũng có thành giếng bao quanh, nhưng nước thì vẫn đục ngầu và phải lọc bằng cái lu cát đặt bên cạnh.

Kế đó là một cái ao nhỏ nuôi cá mà ba tôi nói mới được đào từ năm trước.

Quanh miệng ao mọc đầy rau muống với những chùm trứng ốc bưu bám đầy bên trên.

Một vài cái cần câu gãy bị ném gần đó, là của bọn trẻ chăn bò cách nhà tôi không xa.

Mỗi khi ba tôi đi vắng, chúng lại đến để câu cá hoặc hái trộm xoài.

Nhưng ba tôi chưa bao giờ la mắng chúng, có lẽ vì vậy mà chúng luôn chỉ lấy đủ những thứ chúng cần và chưa bao giờ phá phách bất cứ thứ gì.
Sau bữa trưa và một giấc ngủ ngắn, tôi thức dậy và không thấy ba tôi đâu.

Có lẽ ông ra ruộng lúa hoặc ở bên nhà chú Tám.

Tôi rửa mặt rồi tìm ra sau nhà, với tay hái một trái cóc non, dụi vào chiếc áo đang mặc rồi cắn một miếng.

Chép môi bởi vị chua và mùi hơi the the giống như dầu tràm bị pha loãng, tôi nhìn về phía khung cảnh rộng lớn phía trước, cảm giác cứ như một vị vua vừa trở về vương quốc của mình.

Tôi bắt đầu tiến tới từng bước, từng bước một, chững chạc và thong dong.

Tôi bước qua bên cạnh rừng mía, xuyên qua giữa những gốc cây mì và đạp chân lên những ngọn cỏ.

Những cây mía xếp hàng chật cứng, cúi đầu khi tôi đi qua.


Những cây mì xòe những bàn tay xanh gân guốc chạm vào cánh tay tôi, như để được ban ân huệ dưới ánh mặt trời.

Những ngọn cỏ cúi rạp người, hôn vào gót chân khi tôi đi qua.

Và cuộc diễu hành kết thúc, tôi dõi mắt tìm kiếm cây xoài cổ thụ năm xưa.
Nhưng tất cả những gì tôi thấy chỉ là sự hụt hẫng, cây xoài đã không còn nữa.

Trước mắt tôi chỉ là một khoảng trống vô bờ.

Những hạt cát vụn vỡ, xám trắng như tro tàn, trải dài vô tận.

Những hạt bụi trắng bay bay trong gió, như một làn khói mờ, trôi xa tận chân trời.

Hoàng hôn đỏ rực đã thiêu đốt tất cả, cây xoài, mảnh đất dưới chân, và cả một góc tuổi thơ trong tâm hồn tôi.

"Cây xoài đã đi đâu?" - Tôi tự hỏi mà quên mất rằng nó không thể đi được.

Cây xoài đã từng làm bạn với tôi suốt cả mùa hè ấy, tôi đã háo hức được gặp lại nó biết chừng nào.

Nhưng sự mong chờ càng lớn bao nhiêu, sự trống vắng trong tôi lúc này càng lớn bấy nhiêu.

Tôi đứng đó nhìn những về phía chân trời, cho tới khi ánh hoàng hôn dần tan biến.

Và khi tia nắng cuối cùng vụt tắt, một tia sáng bay lên, hóa thành một vì sao.
- Cây xoài đó già rồi, không ra trái được nữa nên phải chặt đi để trồng mì.

- Ba tôi trả lời khi tôi hỏi về cây xoài đó - Có gì sáng mai phụ ba đi rải vôi mấy chỗ nữa cho xong luôn.
- Dạ.

- Tôi nói, những hạt cơm trong miệng bị nhai đến mức nhão nhoẹt nhưng vẫn không thể nào nuốt trôi.
- Không chặt đi thì nó cũng chết khô thôi, nó già quá rồi, hơn hai chục năm chứ ít gì đâu.

- Ba gắp một miếng cá kho cho tôi - Còn nhiều cây xoài khác mà.
Sau bữa cơm, ba lôi chiếc ghế bố đặt ở cửa trước và nằm hóng mát.


Mất một lúc để chỉnh ăng-ten và vặn cái nút để bắt sóng, cuối cùng chiếc radio cũ cũng phát ra được những tiếng kêu rè rè.

Hôm nay, trên đài có phát bài "Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà", đúng bài ba tôi thích nhất.
Biên cương lá rơi Thu Hà em ơi
Đường dài mịt mùng em không đến nơi..
Ba tôi hát câu đầu tiên rồi ngân nga theo điệu nhạc phía sau.

Ông chỉ thuộc được có bấy nhiêu và vẫn thường hát đi hát lại câu đó như vậy.
Tôi không thích nghe cải lương lắm nên đi ra bờ ao phía sau nhà.

Nơi đây thật yên tĩnh, chỉ có tiếng dế râm ran trong bụi cỏ và tiếng gió xào xạc trên những ngọn cây.

Vầng trăng tròn vành vạnh trên cao cho tôi biết hôm nay đã là ngày rằm, hoặc cũng xê xích không bao nhiêu.

Ánh trăng sáng mờ mờ phủ lên không gian xung quanh một tầng sương mỏng, ban cho sinh linh nơi đây chút hơi thở mát mẻ giữa mùa hè nóng bức.

Nhặt một viên đá nhỏ, tôi ném vào giữa mặt nước phẳng lặng.

Ánh trăng tan ra trên những gợn sóng lăn tăn, vòng qua những gốc rau, tìm đến bờ rồi dội ngược lại.

Cứ như thời gian vừa quay trở về lúc nãy, bóng trăng giữa hồ vẫn tròn trịa như lúc ban đầu.

Nhưng một con cá quẫy nước làm bóng trăng tan ra lần nữa, nhắc tôi rằng đó chỉ là ảo ảnh.
Không giống như ở thành phố, sinh hoạt ở đây kết thúc rất sớm.

Chỉ khoảng tám giờ là ba và tôi đã giăng mùng đi ngủ.

Tôi lại nhớ con Vy, cứ tưởng rằng nơi này sẽ giúp tôi cảm thấy đỡ buồn chán hơn trong những ngày hè, nào ngờ đâu thời gian vẫn cứ dài đằng đẵng như vậy.

Tôi nằm đó, nhìn những hạt sương trắng bay qua bay lại bên ô cửa sổ, như những hạt bụi của một bà tiên nào đó vừa để lại.


Cho đến khi hai mắt đã mỏi, tôi mới chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay.
Sáng hôm sau, tôi thức dậy khi trời vừa tờ mờ sáng.

Ba tôi dậy sớm hơn tôi, ông đã pha xong hai ly cà phê và đang ăn dở tô mì.

Thấy tôi, ông rót nước sôi vào tô mì còn lại và khi tôi đánh răng, rửa mặt xong là vừa kịp.

Vì chợ ở đây rất xa nên chúng tôi phải tiết kiệm, không phải lúc nào muốn ăn cơm cũng được.
Ba đưa cho tôi một chiếc áo khoác dài tay rồi đi về phía sau nhà.

Ông vác một cái bao trông có vẻ nặng, còn tôi thì cầm theo hai cái thau nhựa cùng hai đôi găng tay.

Chúng tôi cứ thế đi, mỗi lúc một xa căn nhà nhỏ, cho tới khi nó biến mất sau những hàng cây.

Ba tôi dừng lại khi đã qua mảnh đất đầy tro tàn, nơi tôi đứng buổi chiều hôm trước.

Chúng tôi bắt đầu đổ vôi ra cái thau nhựa, mỗi người ôm một cái rồi rải lên từng luống đất một.

Lâu rồi không vận động nhiều nên tôi rất nhanh mệt.

Cho tới gần trưa, tôi chỉ rải được bốn luống, chưa được một nửa của ba tôi.
Chúng tôi cất đồ đạc ở một gốc cây gần đó rồi về nhà.

Trên đường về, ba tôi hái vài trái dưa leo cùng với khổ qua cho bữa trưa, thêm nồi cá kho hôm trước nữa là được ba món.

Buổi chiều, chúng tôi lại tiếp tục rải vôi trên mảnh đất ấy, cứ thế cho đến sáng ngày thứ ba mới xong.

Trong lúc chờ cho đợt bón phân lần tới, chúng tôi dọn cỏ cho ruộng mì đã trồng trước đó, tưới nước cho những cây mía và cây xoài, đắp lại bờ của cái ao.

Thỉnh thoảng, ba và tôi lại thu hoạch những thứ mình trồng được để bán cho thương lái, với giá rẻ hơn ở thành phố rất nhiều.

Sau những vụ mua bán, tôi trông ba tôi có vẻ còn mệt mỏi hơn những ngày phải quần quật ngoài đồng, nhưng ông vẫn chẳng bao giờ than phiền bất cứ điều gì.
Chúng tôi cũng có những ngày nghỉ ngơi mà chẳng làm gì cả.

Những ngày ấy, chúng tôi lại sang nhà chú Tám chơi.

Nhà chú cách nhà tôi khoảng ba bốn chục bước chân, đi qua vài gốc bạch đàn là tới.

Trong lúc ba và chú Tám ngồi uống rượu với nhau, tôi chỉ cho đứa con của chú học bài.


Nó tên Nghi, cũng là con út trong nhà giống tôi, nhưng nó học sau tôi hai lớp.

Nó là một đứa lanh lợi, có nhiều bài toán phức tạp nhưng tôi chỉ giảng qua một lần là nó đã hiểu.

Khi trời đã tối muộn, ba và tôi lại dắt nhau về nhà.

Đường nông thôn không có đèn điện, chúng tôi phải rọi đèn pin mà đi.

Tôi cứ sợ ba tôi sẽ ngã, nhưng ông đi trên con đường đất ấy còn vững hơn tôi, mặc dù đã say.

Nhìn đồng hồ đã gần chín giờ, tôi đánh răng rồi mắc mùng đi ngủ.

"Làm gì thì làm, cũng phải giữ sức khỏe" - Ba tôi nằm ở bên cạnh nói - "Chỉ đừng làm biếng là được.

Cái nghề này không ai bắt mình phải làm, nhưng vẫn phải làm, vì cuộc sống.

Cái nghề nó đi liền với cái nghiệp mà con".

Ông còn nói nhiều thứ khác nữa, nhưng khi đó tôi đã lim dim ngủ nên chẳng nhớ rõ.

Bình thường ông rất ít nói, chỉ khi đã say ông mới nói nhiều như vậy, và thường thì ông cũng chẳng nhớ gì sau khi ngủ một giấc dài.
Hai tháng xa con Vy khiến thời gian có chút chậm chạp, nhưng cuối cùng mọi thứ cũng kết thúc.

Chúng tôi trở về nhà vào giữa tháng Tám vì tôi còn phải chuẩn bị cho năm học mới.

Tuy nhiên, có một điều quan trọng hơn là tôi sẽ lại được gặp đứa con gái trong mơ của mình.

Tôi gọi điện thoại cho con Vy và nó bắt máy, điều đó có nghĩa là nó cũng đã về rồi.

Nó bảo tôi qua nhà nó chơi vì mẹ nó đã đi vắng.

Hình như nó không thích mẹ nó gặp tôi, hoặc một lý do nào khác.

Tôi đã gặp cô Hà một lần và cô chẳng có vẻ gì là khó tính cả.

Nhưng dù sao thì đó là quyết định của nó, và tôi cũng cảm thấy mình chẳng cần phải có bất kỳ ý kiến gì..