Tống Hành đóng cửa sổ lại, quay đầu nhìn Phùng Quý, cằm chưa từng hạ thấp dù chỉ một phân một hào mà chỉ hơi cụp mắt, trầm giọng hỏi: “Đã tra rõ ràng rồi sao?”
Phùng Quý gật đầu, cung kính trả lời: “Bẩm đã điều tra rõ. Dương nương tử và huynh trưởng Dương Tuyên (*) xuất thân từ Dương thị ở Hoằng Nông, là huynh muội ruột thịt cùng một mẹ đẻ ra. Về phần vì sao hai huynh muội bọn họ lại đến Văn Thủy thì thật ra, có liên quan đến đời trước.”
* Tác giả viết tên Dương Bành/Dương Tuyên hơn loạn, mình sẽ thống nhất đưa về Dương Tuyên.
Vừa nói vừa giương mắt quan sát vẻ mặt Tống Hành, thấy hắn thần sắc bình thường ngồi xuống ghế bành, ngón trỏ nhẹ nhàng chụp vào tay vịn, lúc này Phùng Quý mới khoanh chân ngồi xuống cạnh án kỷ kim ngân vẽ hình bát giác, nói tiếp:
“A nương Dương nương tử, Hàng thị nguyên là người Tấn Châu, thế hệ tổ tiên làm quan, sau này nhân đạo sa sút, không thể không gả cho Dương Khánh, dòng chính Dương thị làm kế thất. Dương Khánh kia làm quan đến thứ sử dáng vẻ tuấn tú lịch sự và Hàng thị sau khi thành hôn cũng xem như cầm sắt hòa minh, lần lượt sinh được hai huynh muội Dương Tuyên và Dương nương tử.”
“Dương Khánh đoản mệnh, chưa tới bốn mươi đã mắc bệnh hiểm nghèo đột ngột qua đời. Hai vị lang quân do nguyên thê sinh ra thấy Hàng thị trời sinh tính tình yếu đuối, ở Hoằng Nông không biết có ai dựa dẫm nên tìm mọi cách gây khó dễ, cô lập, đối xử một cách khắt khe.”
“Hàng thị vì muốn bảo vệ nhi nữ chu toàn nên rời Dương gia trở về Tấn Châu, không ngờ không được thân thích ở Hàng gia chào đón, vì vậy lại rời Tấn Châu đến phủ Thái Nguyên, mua sắm điền trạch tìm chỗ dừng chân ở Văn Thủy. Sau này Hàng thị sầu lo thành bệnh, mất sớm ở tuổi mới ngoài ba mươi. Huynh trưởng Dương nương tử mười bảy tòng quân, chuyện sau này gia chủ đều đã biết.”
Phùng Quý nói xong, mày càng nhíu càng sâu, không khỏi âm thầm cảm thán: Dương nương tử khi còn nhỏ cũng là tiểu cô nương vô ưu vô lự được nương thương yêu, không ngờ lại gặp phải hai vị huynh trưởng cùng cha khác mẹ tâm địa hẹp hòi, chịu đủ loại tủi nhục bắt bẻ. Nếu Hàng thị không phải kiểu người ngoài mềm trong cứng mang theo hai huynh muội tìm lối thoát khác, chỉ nhìn vào dung mạo Dương nương tử hiện giờ, khẳng định sẽ bị hai tên lưu manh kia bán đứng.
Nghĩ đến đây, mắt Phùng Quý lộ ra chút căm hận cùng vẻ thương hại.
Tống Hành yên lặng nghe xong, gương mặt vẫn là dáng vẻ hỉ nộ bất phân, con ngươi đen nhánh không có nửa điểm cảm xúc, chỉ thản nhiên lệnh hắn lui ra, giống như cảnh tượng bi thảm mà Dương nương tử gặp phải trong mắt hắn căn bản chẳng đáng gì.
Phùng Quý thầm thấy kinh ngạc, thất thời không hiểu gia chủ rốt cuộc đang mang tâm tư gì với Dương nương tử. Nhưng dù sao đi nữa đấy cũng không phải là điều y nên bận tâm, đành dừng lại ở lòng hiếu kỳ, chân tay chân nhẹ nhàng lui xuống, phân phó Thương Lục chuẩn bị nước nóng cho gia chủ ước chừng một lát nữa sẽ đi ra.
Hắn nào hay biết, ngoài mặt Tống Hành trầm tĩnh như không nhưng trong đầu đã định ra tính toán, chẳng qua hắn không muốn để người ngoài đọc được tâm tư.
Thương Lục đi phòng trà đun nước nóng, vừa mới cho than vào nhóm lửa đã nghe thấy tiếng cuồng phong gào thét bên ngoài, hoa lê đầu cành bị gió cuốn rơi tả tả như tuyết, cành lá run lên bần bật, một lúc sau mưa tí tách rơi.
Tống Hành rửa mặt xong, sai người châm đèn.
Ngoài cửa sổ mây đen kéo tới, mưa xối như thác, đánh vào phiến lá trong đình phát ra âm thanh “lách tách”, Tống Hành nghe thấy nhưng trong lòng yên tĩnh bộn bề, chẳng mấy chốc hắn đã miên man chìm vào giấc ngủ.
Mưa rơi triền miên suốt cả đêm rồi tạnh dần vào hôm sau, lúc trời vừa tảng sáng. Cơn mưa trút xuống khiến khắp vườn ngập một màu xanh tươi hồng phấn, phiến cỏ nằm đan xen với đá cuội gần thạch đình mọc lên xanh biếc như ngọc, nụ hoa được mưa xuân tưới tắm cũng bừng lên sức sống, chỉ cần gặp được ánh dương ấm áp sẽ nở rộ thành những đóa hoa.
Buổi chiều, Thi Yến Vi đang nghỉ nơi ở hậu viện thiện phòng thì tỳ nữ từ viện đại nương lại đây truyền lời, muốn hai chén váng sữa hai lớp sau khoảng hai khắc đồng hồ (khoảng 30 phút) nữa. Hỉ Nhi cũng vì thế mà tới hậu viện tìm Thi Yến Vi.
Thi Yến Vi nghe xong thì bắt tay vào làm. Nàng đứng dậy rửa tay sạch sẽ, bảo Thiện Nhi đi hầm băng lấy một ít sữa bò tươi mới vắt sáng nay.
Hầm băng cách thiện phòng không xa, Thiện Nhi đi hầm băng chưa được bao lâu thì đã mang non nửa chậu sữa bò về.
Thiện Nhi cẩn thận đặt bình sứ đựng sữa bò lên bếp, thấy Thi Yến Vi đang đứng trước bàn dài kiên nhẫn tách lòng đỏ và lòng trắng trứng thì cười bắt chuyện với nàng: “Trong hầm băng có hai sọt anh đào lớn, quả nào quả nấy vừa to tròn chắc mẩy vừa bóng bẩy như ngọc châu, nếu dùng làm món anh đào tất la [1] mùi vị khẳng định sẽ rất tuyệt vời.”
[1][1] anh đào tất la: tất la là món bánh vỏ mỏng có nhân, thời nhà Đường là món ăn vặt nổi tiếng được ưa chuộng ở cả miền Bắc và miền Nam. Anh đào tất la là món tất ta lấy anh đào làm nhân bánh, dùng vỏ bánh mỏng bọc lại tạo thành.
Thi Yến Vi nghe xong chợt nhớ tới lời hứa với Ngân Chúc, cũng thoạt nghĩ đến chuyện rời phủ mua chút anh đào mang về.
Tính ra nàng xuyên qua đến nay cũng đã được mấy tháng, nhưng chưa từng một lần dạo chơi thành Thái Nguyên, cũng không biết xung quanh thành Thái Nguyên có danh lam thắng cảnh nào thích hợp để du ngoạn, lòng không tránh khỏi có chút bồn chồn.
Nhưng một nhà ba người Đại nương còn ở lại quý phủ lâu dài, lại có không ít bạn cũ thân hữu đến cửa bái phỏng, thiện phòng cũng vì thế mà bận rộn hơn nhiều so với trước kia, do đó nàng vẫn thường tới phụ giúp làm mấy món điểm tâm và đồ uống ngọt.
Thi Yến Vi suy nghĩ một lúc, tạm thời nhịn xuống ý định rời phủ.
Mùng một tháng ba, giữa tiết Cốc Vũ [2] và cũng là ngày hưu mộc, về lý mà nói thì Tống Hành không cần phải đi quan thự, nhưng vì tình hình phức tạp nên buổi trưa hắn vẫn đi quan thự một lượt, lúc cưỡi ngựa về phủ thì đã là xế chiều.
[2][2] Cốc vũ là một trong 24 tiết khí của các lịch Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên. Nó thường bắt đầu vào khoảng ngày 19 hay 20 tháng 4 dương lịch, khi Mặt Trời ở xích kinh 30° (kinh độ Mặt Trời bằng 30°). Đây là một khái niệm trong công tác lập lịch của các nước Đông Á chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Quốc cổ đại. Ý nghĩa của tiết khí này, đối với vùng Trung Hoa cổ đại, là Mưa rào.
Giữa chính phòng, Tống Hành đổi thường phục ra gian ngoài, đúng lúc Thương Lục bưng dĩa sứ hải đường trắng tiến vào, bên trên xếp đầy một mâm anh đào tươi đỏ thẫm, đặt lên tiểu tháp.
“Đã phân đến các viện chưa?” Tống Hành tùy ý nhặt một quả anh đào tròn trịa đỏ tươi lên vân vê giữa đầu ngón tay thon dài, bình thản hỏi.
Từ trước đến nay Tống Hành chưa từng hỏi mấy việc lặt vặt này mà đều là quản gia đến Thối Hàn cư bẩm báo tường tận sự vụ trong phủ. Thương Lục và Phùng Quý cũng không để ý nhiều, may sao hôm nay thấy anh đào tươi ngon nên mới hơi để ý, miễn cho lúc hắn hỏi lại không biết gì để trả lời.
“Bẩm đều đã đưa tới viện Thái phu nhân, Cao phu nhân, đại nương, tiểu nương tử và các vị lang quân, hiện trong hầm băng còn để lại hai sọt.”
Tống Hành cầm lấy quả anh đào trong tay, tỉ mỉ nhìn xem, khẽ mở môi mỏng dặn: “Vẫn còn hai sọt, ngày mai lấy một nửa đưa cho thiện phòng, làm món anh đào tất la đưa đi các viện, cũng đừng quên vị nương tử đang sống nhờ quý phủ, còn lại bao nhiêu mấy người trong bếp tự phân chia nhau.”
Những quả anh đào này là lứa quả chín mọng đầu tiên vào mùa xuân năm nay, được phủ doãn Thái Nguyên chọn lọc kỹ lưỡng rồi dâng lên, gia chủ lại muốn thưởng cho người bên trong thiện phòng cùng thưởng thức thì đúng là chuyện hiếm lại mà từ khai sinh lập địa đến nay mới xảy ra đúng mỗi một lần.
Thương Lục không khỏi chấn động trong lòng nhưng ngoài mặt không dám mảy may biểu lộ, lại cũng không dám nhiều lời, gật đầu cung kính nghe lệnh rồi lùi ra sau mấy bước, sau đó mới xoay người rời đi.
Tống Hành ngồi trên tháp thêm một lúc, dùng mấy viên anh đào rồi đi vào thư phòng, truyền Phùng Quý hầu hạ bút mực.
Phùng Quý cẩn thận mài mực Huy Châu trên tấm nghiên chân thú tráng men trắng. Mài mực xong, lại ép giấy tuyết lãng trải ra trên án.
Tống Hành dùng bút lông đầu nhỏ chấm mặc, lưu loát đề xuống hai hàng thơ: “Phù dong bất cập mỹ nhân trang, thủy điện phong lai châu thúy hương.” [3]
[3][3] Hai câu trích trong bài: Tây cung thu oán (Nỗi oán mùa thu ở Tây cung) của Vương Xương Linh.
Bản dịch của Lê Nguyễn Lưu (thivien.net): Điểm trang người đẹp nụ sen nhường, Thuỷ điện châu lồng gió ngát hương.
Phùng Quý yên lặng đứng kế bên tuy chỉ là loại vải thô quần thủng nhưng gia chủ viết xuống hai câu này trong lòng sở niệm đến ai, lòng hắn đã quá rõ ràng.
Phùng Quý không dám chọc thủng tâm tư chủ nhân, như có thâm ý nói câu: “Anh đào chua chua ngọt ngọt, mềm mọng đơm hương, mỗi mùa xuân tiểu nương tử đều rất thích ăn, ngay cả Thái phu nhân cũng mở miệng khen không ngớt, chắc hẳn vị nương tử đang ở nhờ kia cũng không phải ngoại lệ.”
Dù vậy, Tống Hành vẫn thấy hắn lắm miệng, lạnh lùng liếc một cái. Phùng Quý lập tức ủ rũ không dám nhiều lời nữa, trong thư phòng thoáng chốc chỉ có tiếng bút trượt trên giấy nhỏ vụn.
Dưới mái hiên, Quất Bạch ngồi tựa trên lan can ngủ gà ngủ gật, Thụy Thánh vào sân nhìn thấy liền tiến lại gần, vỗ nhẹ vào vai nàng.
Quất Bạch mơ mơ màng màng mở đôi mắt ngái ngủ ra, thấy Thụy Thánh từ viện tử của Thái phu nhân thì cơn buồn ngủ lập tức bay biến. Nàng đứng dậy sửa sang lại quần áo, hỏi: “Sao Thụy Thánh a tỷ lại tới đây, phải chăng Thái phu nhân có chuyện gì muốn tìm gia chủ?”
Thụy Thánh liền cười đáp: “Chỉ là chuyện nhàn nhã thôi mà, Thái phu nhân gọi gia chủ sang thưởng trà. Đại nương và lang tử cũng đang ở bên đó.”
Quất Bạch nhanh chóng đồng ý, đi vào thư phòng truyền lời.
Tống Hành gác bút, thản nhiên rửa tay trong chậu bạc rồi rời khỏi thư phòng.
Một mạch đến cửa Thúy Trúc cư, Tống Thanh Hòa đang tự xay trà bằng cối đá, thấy Tống Hành thì ngẩng đầu cười với hắn, cao giọng nói: “Nhị huynh mau mau ngồi xuống đi, hôm nay thử xem tay nghề muội.”
Tống Hành cười nhẹ nói “tốt”, ngồi xuống cạnh Mạnh Lê Xuyên.
“Lúc ta xuất giá Nhị muội mới chỉ chín tuổi, cũng chỉ cao bằng ngần này.” Tống Thanh Âm vừa nói vừa khoát tay áng chừng độ cao, “Thời gian thấm thoắt thoi đưa, chỉ trong nháy mắt Nhị muội đã lớn vậy rồi, còn biết pha trà cho mọi người.”
Tống Duật nghe lời ấy, ý cười trên mặt càng sâu, nói tiếp lời nàng: “Theo ta thấy pha trà cho người nhà thôi là chưa đủ, giờ cũng là lúc chọn ra cho Nhị muội cửa hôn sự thật tốt.”
Lời vừa nói xong, Tống Thanh Hòa đã xấu hổ đến đỏ bừng mặt, đặt cố xay xuống định chạy tới tranh cãi với Tống Duật, tủi thân trách móc: “Muội có ý tốt pha tra cho huynh, huynh lại quay sang chĩa mũi dùi muội, trêu đùa muội làm vui.”
Tiết phu nhân thấy thế che miệng cười, giải vây: “Nhị nương à, đừng mới đó đã náo loạn với Tam lang, nước sắp sôi rồi kìa. Cháu giận hắn thì lát đừng cho hắn dùng trà nữa.”
Lập tức trong phòng tiếng cười nổi lên, hai tỳ nữ xách theo hộp đồ ăn tiến vào lấy ra sáu dĩa điểm tâm tinh xảo, bày lên trên án.
Ánh mắt hiền từ của Tiết phu nhân dừng trên bé con Mạnh Phù trắng trẻo mập mạp: “Món bánh trà xanh củ từ nhân đậu đỏ mềm dẻo trong suốt là ngọt nhất, lấy cho Đoàn Nô đi.”
Tống Thanh Âm “vâng” một tiếng, lấy một miếng bẻ làm đôi, “Trước khi đến nhi và Đoàn Nô mới dùng qua món váng sữa hai lớp, giờ ăn nhiều sợ lát nữa không uống trà được, nên ăn nửa miếng nếm thử mùi vị thôi.” Nói rồi đưa nửa kia cho Mạnh Phù.
Mạnh Phù sáu tuổi là độ tuổi thích ăn đồ ngọt nhất, cười khanh khách cầm lấy miếng bánh trà xanh củ từ nhân đậu đỏ, vừa cho vào miệng cắn một miếng đã tấm tắc khen ngon.
Tống Thanh Âm cũng cảm thấy rất ngon, nhớ tới mấy ngày nay ở quý phủ được ăn đủ loại điểm tâm lẫn đồ uống ngọt, không khỏi cười nhẹ hỏi thêm một câu: “Đầu bếp làm mấy món trà quả điểm tâm ở quý phủ là mới mời về từ Dương Châu đúng không? Vậy làm nhiều một chút, mấy món này lúc ở thành Trường An ta đều chưa từng được nếm thử.”
Tiết phu nhân mặt vẫn mỉm cười, cao giọng đáp: “Chẳng phải đến từ Dương Châu mà là người huyện Văn Thủy ở Thái Nguyên, chẳng những thông minh khéo léo mà vẻ ngoài cũng vô cùng xinh đẹp.”
Câu này khiến Tống Thanh Âm hết sức tò mò, liền hỏi lại: “Vẻ ngoài cũng vô cùng xinh đẹp, hẳn là một vị nữ lang?”
Tống Thanh Hòa thành thạo bỏ thêm muối vào nước sôi hãm trà, đáp lời: “Nàng không chỉ là nữ lang cực kỳ ưu tú mà còn là bào muội ân nhân cứu mạng Tam huynh.”
Đã là em gái ân nhân cứu mạng Tam huynh thì chính là thượng khách trong phủ, sao còn phải tự mình xuống bếp làm mấy món này?
Tống Thanh Âm trong lòng kinh ngạc, đang định hỏi thêm thì đột nhiên nghe thấy Tống Hành một mực yên lặng nãy giờ lên tiếng trước: “Nếu Đoàn Nô thích váng sữa hai lớp và bánh trà xanh củ từ nhân đậu đỏ thì gọi người đi mời Dương nương tử tới viết lại công thức đi…”