Giam Nàng Trong Trướng - Tụ Tụ Yên

Chương 78: Có thai




Ba năm ở Biện Châu, Thi Yến Vi vì muốn tránh đau đớn khi đến kỳ nguyệt sự, đã kiên trì dùng thuốc điều hòa. Nhờ vậy, nguyệt sự không chỉ đến đều hơn mà cơn đau cũng giảm bớt, không còn dữ dội như khi nàng còn ở Thái Nguyên hay Lạc Dương.

Hơn nữa, mỗi lần từ Tuyên Châu trở về, vì lo lắng, Thẩm Kính An đều mời thái y đến bắt mạch định kỳ cho nàng và Lý Lệnh Nghi. May thay, thân thể nàng giờ đây đã khỏe hơn nhiều so với lúc mới từ Lạc Dương đến, khiến y cũng nhẹ nhõm đôi phần.

Tuyên Châu nằm về phía nam sông Trường Giang, thuộc lãnh thổ nước Ngụy sau khi dời xuống phía nam. Trong thời gian ngắn khó lòng thuộc về đất Triệu. Tống Hành coi Lý Lệnh Nghi là người có thể kiềm chế Thi Yến Vi, tất nhiên sẽ không để nàng quay về Ngụy quốc.

Mặc cho Thi Yến Vi khéo léo thương lượng, Tống Hành cũng chỉ đồng ý để Lý Lệnh Nghi đến bất kỳ nơi nào thuộc lãnh thổ Triệu quốc.

Thi Yến Vi bất lực, chỉ có thể hỏi Lý Lệnh Nghi muốn đến đâu. Lý Lệnh Nghi không suy nghĩ lâu, liền đáp: “Dù là nơi nào ở nước Triệu, trong mắt hắn cũng như nhau cả thôi, chắc chắn sẽ phái người giám sát ta. Đã vậy, chi bằng đến Lạc Dương, để hai ta còn có cơ hội gặp nhau.”

Biết mình liên lụy đến Lý Lệnh Nghi, lòng Thi Yến Vi tràn ngập áy náy. Nàng trầm ngâm hồi lâu, khẽ nói: “Xin lỗi, là ta đã làm liên lụy cô.”

Lý Lệnh Nghi lắc đầu, nhẹ nhàng vỗ mu bàn tay nàng, dùng giọng ôn hòa an ủi: “Không phải lỗi của cô, đều do một mình hắn gây ra. Âm Nương không cần tự trách. Chỉ cần tâm đ*o kiên định, tu hành ở đâu cũng giống nhau thôi mà.”

Nghe vậy, lòng Thi Yến Vi dịu đi đôi chút nhưng vẫn không nguôi cảm giác tội lỗi. Nàng nhìn Lý Lệnh Nghi, ánh mắt kiên định, cất lời hứa hẹn: “Đợi hắn bớt nghi ngờ, ta sẽ xin hắn thả cô về Tuyên Châu.”

“Được.” Lý Lệnh Nghi mỉm cười, gật đầu để trấn an nàng. “Ta tin cô.”

Do Lý Lệnh Nghi không thể đi thuyền, tối hôm ấy, Thi Yến Vi đặc biệt nói với Tống Hành, nhờ hắn chuẩn bị xe ngựa để đi đường bộ. Nàng còn hỏi hắn xem trong thành Lạc Dương có đạo quán nào thích hợp cho Lý Lệnh Nghi tu hành không.

Tống Hành đáp: “Ở phía bắc cung Thượng Dương khoảng hai mươi dặm có cung Thượng Thanh, là nơi rất thích hợp để tu hành.”

Thi Yến Vi hỏi qua ý Lý Lệnh Nghi, nhận được sự đồng ý, liền để Tống Hành sắp xếp mọi việc.

Đến ngày lên đường, hai người từ biệt nhau. Thi Yến Vi lên thuyền, còn Lý Lệnh Nghi ngồi xe ngựa.

Dương Quân lần đầu đi thuyền lớn, cảm thấy vô cùng thích thú. Sau khi thuyền khởi hành, bé nhất quyết không chịu quay vào khoang, đòi người bế ra ngoài để từ biệt a gia.

Mãi đến khi bóng dáng Tống Hành hóa thành một chấm nhỏ, không thể nhìn rõ nữa, bé mới chịu quay về.

Mới vài ngày ngắn ngủi mà con gái đã xem Tống Hành như cha khiến Thi Yến Vi không khỏi băn khoăn. Nàng liền hỏi: “Trân Trân thích Tống… a gia sao?”

Dương Quân hồn nhiên như tờ giấy trắng, không nhận ra ý tứ trong lời mẹ, cũng không biết nói dối, bèn nghiêm túc gật đầu: “Thích ạ. A gia cho Trân Trân cưỡi ngựa lớn, còn cao hơn cả cữu ông. Trân Trân có thể nhìn thấy rất xa. A gia còn kể chuyện, hái hoa, chơi trốn tìm với Trân Trân. Những thứ a gia mua cho Trân Trân, Trân Trân đều thích.”

Đúng là hắn rất giỏi trong việc lấy lòng người khác. Thi Yến Vi chẳng mấy thiện cảm với trò này, nàng hỏi tiếp: “Vậy Trân Trân thích a nương nhiều hơn, hay a gia nhiều hơn?”

Nghe câu hỏi này, Dương Quân không chút chần chừ, dang tay ôm cổ Thi Yến Vi, hôn lên má nàng một cái, điệu bộ trẻ con non nớt: “Thích a nương! A nương là người Trân Trân thích nhất trên đời!”

Nghe những lời ngây thơ của con trẻ, trái tim Thi Yến Vi như được rót mật. Tâm tình nàng thoải mái hơn đôi chút, liền mở cửa sổ, ôm Dương Quân nhìn ra xa. Trước mắt là cảnh non xanh nước biếc, sóng gợn bờ xa, sức sống tràn đầy.

Ba mươi ngày sau, thuyền cập bến tàu phía nam thành Lạc Dương.

Thi Yến Vi bế Dương Quân xuống thuyền, vừa đi được mấy bước đã thấy một đoàn người khoảng ba mươi đến năm mươi người tiến đến. Người dẫn đầu chính là Diêu Thượng nghi.

Thời điểm Thi Yến Vi rời đi, nàng vẫn là một Tư tán. Ba năm qua, nhờ được Lưu thượng cung tín nhiệm và đề bạt nên năm ngoái, nàng được thăng làm Thượng nghi.

Bến tàu đông người, ngư long hỗn tạp nên Diêu Thượng nghi cùng những người đi theo chỉ gọi Thi Yến Vi là “nương tử”, gọi Dương Quân là “tiểu nương tử”.

Đám người vây quanh, hộ tống nàng lên xe ngựa. Bánh xe lăn đều, cảm giác xóc nảy liên tục truyền đến.

Thi Yến Vi bỗng cảm thấy trong dạ như có sóng lớn cuộn trào, vội lấy khăn che miệng, ho khan từng hồi. Úc Kim ngồi bên cạnh trông thấy, liền cúi xuống ghế tìm ống nhổ.

Tìm được rồi, nàng đưa tới cho Thi Yến Vi, đồng thời nhẹ nhàng xoa lưng giúp nương tử cảm thấy dễ chịu.

Hai ngày trước, khi còn đi trên kênh vận, dạ dày nàng đã không được thoải mái. Không ngờ hôm nay, ngồi xe ngựa một đoạn, lại không nhịn được mà nôn ra. May sao sáng nay nàng ăn không nhiều, chỉ nôn vài lần là dạ dày đã trống rỗng.

Thu Sương, người Tống Hành phái đến hầu hạ nàng, mang túi nước tới để nàng súc miệng. Sau khi súc sạch, Thi Yến Vi cảm thấy trong miệng và dạ dày cũng đã dễ chịu hơn, liền nói lời cảm tạ với hai người.

Dương Quân hiểu chuyện, thấy a nương không khỏe, ngoan ngoãn ngồi sát bên, không động đậy chút nào.

“A nương sao thế ạ?” Dương Quân bắt chước dáng vẻ người lớn, khẽ cau mày, ân cần hỏi han.

Thi Yến Vi đưa tay xoa nhẹ lên đầu bé, sợ bé lo lắng nên dùng giọng điệu bông đùa: “A nương không sao, chắc là ngồi thuyền quá lâu, thân thể làm mình làm mẩy một chút ấy mà.”

Dương Quân ngẩng đầu nhìn a nương, nghĩ ngợi một hồi, ngọng nghịu hỏi: “Giống như lần trước Trân Trân không chịu ăn sáng, để lâu, cái cối cũng làm mình làm mẩy, khiến Trân Trân khó chịu, đúng không a nương?”

Cái “cối” là cách Thi Yến Vi dùng để dặn bé chịu khó ăn uống, dùng hình tượng sinh động kể rằng dạ dày giống như cối xay đậu, mỗi ngày phải xay ba lần. Nếu sáng không ăn gì, cái cối không có đồ để xay sẽ giận dỗi, làm bụng khó chịu.

Nghe bé nhớ rõ lời mình nói như vậy, Thi Yến Vi chợt thấy ấm áp. Nàng ôm con vào ngực, khẽ gật đầu: “Đúng rồi, Trân Trân thật thông minh. Trân Trân yên tâm, a nương nghỉ ngơi hai ngày là khỏe thôi.”

Dương Quân rúc đầu nhỏ vào lòng a nương, lại đưa bàn tay bé xíu xoa nhẹ bụng nàng, ra vẻ người lớn căn dặn: “Vậy a nương phải ngoan ngoãn ăn uống, ngủ nghỉ đầy đủ, để mau khỏe lại nha.”

Trái tim Thi Yến Vi vì bé mà tan chảy. Nàng chẳng màng suy nghĩ thêm về việc chuyện nôn mửa, huống chi Tống Hành luôn cẩn thận, chuyện hoài thai không thể nào xảy ra được. 

“Được rồi. A nương nghe lời Trân Trân.”

Xe ngựa chạy chừng nửa canh giờ thì đến cổng cung. Diêu Thượng nghi đưa lệnh bài cho binh lính canh gác. Lính ca chỉ liếc mắt một cái, đã biết người trong xe địa vị tôn quý, lập tức cho qua.

Sau đó, xe ngựa đi về hướng bắc, qua Ứng Thiên môn tiến vào Tử Vi thành, dừng lại trước điện Đại Nghiệp.

Diêu Thượng nghi dẫn đoàn người của Thi Yến Vi vào điện, cung kính nói: “Điện hạ xem thử còn chỗ nào cần sửa đổi, bổ sung không ạ?”

Thi Yến Vi thoáng dừng bước, ánh mắt khẽ lướt qua khung cảnh bốn phía. Trước mắt nàng, cảnh sắc nơi nào cũng thật mỹ miều. Điện các cao vút giữa nền đất bằng phẳng, cung lầu đan xen nối liền nhau sừng sững. Những bức tường trắng uốn lượn xung quanh, đá xanh dựng thành lan can chạm trổ tinh xảo, phô bày sự hoa lệ khó tả.

Đang độ tháng ba xuân về, gió xuân dịu nhẹ mơn man, làm lay động hoa mẫu đơn rực rỡ. Vài con bươm bướm ngọc sắc nhẹ nhàng bay lượn giữa những khóm hoa. Dưới cầu đá, ao sen phủ đầy những lá sen tròn trịa, xanh biếc, trải rộng thành một mảng thanh mát.

Dương Quân bị những cánh bướm xinh đẹp cuốn hút, ánh mắt ngây ngẩn không dứt ra được. Mãi đến khi Thi Yến Vi dắt tay bé theo Diêu Thượng nghi vào chính điện, bé mới lưu luyến bước đi.

Úc Kim như nhìn thấu tâm tư của cô bé, liền cúi người xuống, thấp giọng dỗ dành: “Trân Trân ngoan, lát nữa chúng ta lấy quạt tròn ra ngoài đuổi bướm nhé?”

Dương Quân nghe vậy, vui mừng không ngớt, gật đầu lia lịa.

Bên trong điện, nội thất đều được chế tác từ gỗ tử đàn thượng hạng, được lau chùi sạch bóng, dưới ánh nắng nhàn nhạt phản chiếu lên ánh sáng dịu nhẹ.

Cách bày biện trong điện cũng tinh xảo mà tao nhã: tranh vẽ của các danh họa thời Ngụy Tấn và bút tích của những văn nhân tiền triều đều được treo trên tường, những món đồ sứ men xanh, bình hoa màu trắng đa dạng được bày kín trên kệ, khiến người nhìn hoa cả mắt. Ngay cả mẫu đơn đặt trên giá hoa cũng thuộc loại cực kỳ quý hiếm, có màu tím thẫm sắc sảo và và màu trắng tinh khôi.

Diêu Thượng Nghi bước đến bên cửa sổ phía tây, đẩy khung cửa ra, nói: “Thánh thượng nói mùa thu hoa cỏ ít ỏi, vì điện hạ thích mộc phù dung, nên đã sai người trồng rất nhiều bên bờ tường phía tây.”

“Thánh thượng còn dặn rằng điện hạ thích bộ trà cụ bằng màu men ngọc bích này, tất cả đều do cục Thượng Nghi dốc lòng chọn lựa. Điện hạ thấy thế nào, có vừa ý hay không?”

Thi Yến Vi nghe nàng một câu “điện hạ”, hai câu “điện hạ” nên khó tránh khỏi cảm giác lạ lẫm. Chẳng phải thánh chỉ lập hậu vẫn chưa hạ xuống hay sao, nên dặn nàng ấy chỉ cần gọi nàng “nương tử” thôi là được.

Đến bên bàn trang điểm, ánh mắt Thi Yến Vi bị một chiếc hộp gỗ sơn mài khảm xà cừ thu hút. Nàng thuận tay mở ra, bên trong là những viên ngọc trai phương nam, ngọc đỏ, cùng đủ loại bảo thạch lóa mắt.

Hồi tưởng về bố cục của điện Triều Nguyên trước đây, ngoại trừ những vật dụng cần thiết thì gần như không có thêm thứ gì dư thừa.

Tống Hành không phải kẻ ham mê hưởng lạc. Ngoại trừ yến tiệc chiêu đãi quần thần hay tông thất, hắn hiếm khi tổ chức yến ẩm. Khi không có chiến sự, hắn thường xử lý xong chính vụ rồi tìm đến nàng, quấn quýt không rời.

Từ sau khi nàng rời đi, Tống Hành vẫn chưa lập hậu hay nạp phi, trong cung chỉ còn hắn và Thái hoàng thái hậu, không cần nhiều người hầu hạ, càng không cần tiêu pha vào thứ khác.

Chi tiêu trong cung cực kỳ tiết kiệm, thế nên trong mắt người ngoài, vị Thánh thượng này quả thực cần kiệm, mang phong thái của Văn Đế triều Tùy.

Thi Yến Vi khép chiếc hộp lại, thầm nghĩ đợi Tống Hành trở về, có lẽ đem những vật này nhập vào quốc khố thì sẽ hợp lý hơn.

“Mọi thứ ở đây đều ổn cả, không cần thay đổi gì thêm. Ta thấy trong người hơi mệt, các người lui xuống nghỉ đi.” Thi Yến Vi vừa nói, vừa ôm Dương Quân ngồi xuống giường La Hán.

Diêu Thượng nghi cùng những người khác vâng lệnh, rón rén rời khỏi điện.

Dương Quân ngồi trong lòng Thi Yến Vi, đôi mắt long lanh nhìn chậu mẫu đơn tím, hỏi nàng: “A nương, đây là nhà của a gia phải không? Nhà của a gia lớn quá, đẹp quá! Trân Trân thích nơi này, a nương có thích không?”

Hai chữ “không thích” suýt chút nữa bật ra khỏi miệng nàng, nhưng lại không muốn khiến Dương Quân thất vọng. Lại nghĩ bất kể nàng có muốn hay không, đây cũng sẽ là nơi nàng và Trân Trân phải sống. Vì thế, nàng hơi hé môi, gượng gạo nói ra chữ “thích”.

Dương Quân nghe được đáp án mong chờ, nụ cười càng thêm rạng rỡ, “A nương, vừa rồi Úc Kim a di nói sẽ dẫn con đi bắt bướm, a nương đi cùng bọn con nhé?”

Có lẽ vì vừa nôn một trận, Thi Yến Vi cảm thấy hơi mệt, liền bảo Úc Kim bế Dương Quân ra ngoài chơi. Nàng dặn con: “A nương muốn nghỉ ngơi một lát. Trân Trân đi chơi với Úc Kim a di trước đi nhé. Đợi dọn cơm xong, a nương sẽ gọi hai người.”

Thi Yến Vi ở lại điện Đại Nghiệp nghỉ ngơi mấy ngày. Cảm giác mệt mỏi tuy giảm bớt, nhưng lại xuất hiện chứng chóng mặt và chán ăn.

Thu Sương trông thấy những thay đổi của nàng, bắt đầu chú ý đến kỳ nguyệt tín của nàng.

Cẩn thận ngẫm lại, dường như từ lúc Hoàng hậu điện hạ bước lên thuyền đến lúc trở về cung, vẫn chưa thấy nguyệt tín xuất hiện. Dù cơ thể điện hạ không được như những nữ tử bình thường, nguyệt tín lúc có lúc không, nhưng ngày nàng xuống thuyền, rõ ràng đã nôn một trận, đã vậy còn rơi vào cảnh chán ăn, không thể không khiến người ta hoài nghi.

Huống hồ mấy ngày ấy, gần như đêm nào Thánh thượng cũng ở lại chỗ điện hạ. Có khi đã thành sự rồi cũng nên.

Nghĩ tới đây, Thu Sương không dám lơ là, ngày ngày lưu ý nhất cử nhất động của Thi Yến Vi, sợ nàng va vấp hay sơ suất điều gì.

Những biến đổi này, dù Thi Yến Vi vốn không mấy nhạy bén, thì cũng dần nảy sinh nghi hoặc. Chẳng lẽ nàng đã xem nhẹ chuyện tránh thai? Có khi nào lần đó vào đúng thời kỳ, lại trùng hợp để sót lại một phần không mong muốn…

Càng nghĩ, Thi Yến Vi càng bất an, chỉ mong nguyệt sự mau chóng trở lại. Nàng thấp thỏm chờ đợi suốt nửa tháng nhưng nguyệt sự vẫn biệt tăm. Ngược lại, nàng càng thêm mỏi mệt, không ăn được đồ ngọt, chỉ muốn ăn những loại quả có vị chua để kích thích vị giác.

Hôm ấy, Dương Quân ngồi bên cạnh nàng, tự mình ăn cơm. Thi Yến Vi nhìn qua bàn ăn toàn những món nhạt nhẽo trước mặt, vẫn không hề gợi lên khẩu vị. Úc Kim gắp cho nàng một ít thức ăn, dịu giọng khuyên nhủ: “Nương tử, vì sức khỏe của bản thân, ít nhiều cũng nên ăn một chút mới được. Nếu cứ như vậy, chẳng phải sẽ đói đến kiệt sức hay sao?”

Nhìn thấy ánh mắt của Dương Quân cũng đang hướng về phía mình, cuối cùng nàng cầm đũa gắp một miếng thịt gà hầm thanh đạm. Nhưng chỉ vừa ăn được vài miếng, nàng đột nhiên cảm thấy miếng thịt trong miệng quá tanh, vội che miệng, lấy ống nhổ nôn ra.

Chuyện đến mức này, Thi Yến Vi không cách nào tiếp tục tự lừa mình dối người. Sau khi súc miệng, nàng sai người nấu nước mơ chua, lại gọi thái y tới chẩn mạch.

Thái y họ Vương mang theo hòm thuốc vội vàng tới, cách một chiếc khăn mỏng, bắt mạch cho nàng. Chỉ một lúc sau, ông đã lộ vẻ vui mừng, lui về sau hai bước, chắp tay hành lễ: “Thần xin chúc mừng điện hạ, điện hạ đã mang thai được hơn hai tháng. Có điều, thân thể điện hạ yếu nhược, thai tượng không ổn, sợ có nguy cơ sảy thai, phải uống thuốc an thai thì mới ổn thỏa được.”

Hai chữ “có thai” lọt vào tai, Thi Yến Vi như bị sét đánh giữa trời quang. Dù nàng đã mơ hồ dự liệu điều này, nhưng lúc thực sự nghe thái y xác nhận, vẫn cảm thấy khó mà tin nổi.

Lúc ở Duyên Châu, y công từng nói sau này nàng sẽ khó có con. Hơn nữa, trong thời gian ở Hải Châu, nàng và Tống Hành cũng chỉ ở bên nhau có bốn ngày. Ngày đầu hắn sơ suất, nhưng nàng đã dùng thuốc phòng ngừa. Ba ngày sau đó, hắn đều không để lại gì… 

Chẳng lẽ kỳ rụng trứng lại đến đúng vào lúc đó?

Nàng chưa từng nghĩ đến việc sẽ sinh con cho Tống Hành.

Đứa trẻ này vốn dĩ không nên xuất hiện trong bụng nàng.

Thi Yến Vi siết chặt mép bàn, ánh mắt ngây dại như mất hồn. Trong một thoáng rối trí, nàng nhìn chằm chằm Vương thái y, lời nói không chút kiêng dè: “Ta không muốn đứa trẻ này, phiền thái y kê cho ta một thang thuốc phá thai.”

Lời vừa nói ra, cả Vương thái y và Thu Sương đều kinh hãi, vội quỳ xuống: “Lão thần không dám! Đây là long tự, nếu có bất trắc, lão thần làm sao gánh vác nổi.”

Phải rồi, đây là Triệu cung, cả Thái Y Viện đều chỉ biết nghe lệnh Tống Hành. Nàng muốn bỏ đi đứa trẻ này, nhưng ai dám liều mạng cả gia tộc để kê đơn cho nàng?

Nhưng Vương thái y vừa nói, thai tượng của nàng không ổn định, chỉ cần nàng không uống thuốc an thai, đứa trẻ này e rằng khó mà giữ được.

Họ có thể ngăn nàng dùng thuốc, nhưng không thể ép nàng uống thuốc an thai.

Hậu quả của hành động này, cuối cùng chỉ có mình nàng gánh chịu.

Thi Yến Vi bình tĩnh lại, nghĩ thông suốt, cuối cùng cũng không làm khó Vương thái y. Nàng thu lại ánh mắt, trầm ngâm một lát rồi bảo ông lui xuống.

Thái y không dám nhắc lại chuyện dưỡng thai, chỉ lặng lẽ rời khỏi. Nhưng ngay sau đó, ông vội vã đến điện Huy Du, bẩm báo việc này với Thái hoàng thái hậu.

Dương thị mang thai. Phản ứng đầu tiên của Thái hoàng thái hậu là kinh ngạc và lo lắng, sau đó mới lộ vẻ vui mừng.

Thánh thượng lên ngôi đã bốn năm, năm nay đã ba mươi ba tuổi, mà dưới gối vẫn chưa có con nối dõi. Trong khi đó, Tam lang đã có hai con trai. Hai năm nay, không ít triều thần đều dõi mắt vào cả nhà Tam lang, chẳng qua là tính toán xem liệu Thánh thượng có nhận nuôi một đứa từ chỗ Tam lang làm con thừa tự, dưỡng dục dưới gối hay không.

Nhưng huyết thống ruột thịt, ai lại nỡ lòng giao con mình cho người khác nuôi dưỡng, cho dù người đó là huynh đệ cùng mẹ sinh ra, là đấng cửu ngũ chí tôn.

Huống hồ, với tính tình của Tam lang, chưa chắc hắn đã coi trọng ngôi vị hoàng đế. Điều hắn mong mỏi chẳng qua chỉ là cùng Thập Nhất nương bạch đầu giai lão, con cái bình an lớn lên, phụng dưỡng bên người mà thôi.

Bàn tay là thịt, mu bàn tay cũng là thịt, bà sao nỡ để Tam lang và Thập Nhất nương chịu đau đớn khi phải giao con ra?

Dù bà không vừa mắt khi thấy Nhị lang vì nữ tử họ Dương kia mà nhiều lần đánh mất quy củ, nhưng đứa trẻ trong bụng nàng ta rốt cuộc cũng là cốt nhục của Nhị lang. Nếu là con trai, với sự sủng ái mà Nhị lang dành cho nàng ta, hẳn nhiên đứa trẻ sẽ được lập làm thái tử.

Thái hoàng thái hậu khẽ thở dài, thầm nghĩ: dù giữa hai người là một đoạn nghiệt duyên, nhưng đoạn nghiệt duyên này cuối cùng cũng kết quả. Về phần quả ấy là ngọt hay đắng, thì đều phụ thuộc vào hai người họ mà thôi.

“Người đâu, chuẩn bị bộ liễn. Lão thân muốn đi một chuyến tới điện Đại Nghiệp.”

Điện Đại Nghiệp vốn không phải là nơi dành cho nữ tử cư ngụ, vậy mà Nhị lang lại bất chấp lễ nghi, ban nơi ấy cho nàng ta.

Thái hoàng thái hậu được người đỡ lên loan giá, đi thẳng đến điện Đại Nghiệp.

Bước vào trong điện, dù đã sống trong phú quý cả đời, bà vẫn không khỏi hít sâu vài hơi, lòng thầm cảm thán: Chẳng nhẽ Nhị lang định dọn hết bảo vật trong quốc khố đưa vào đây chỉ để lấy lòng nàng ta?

Ánh mắt của Thái hoàng thái hậu khẽ nheo lại, chậm rãi quan sát nữ tử họ Dương đang tựa mình trên chiếc giường La Hán. Tầm nhìn của bà liền bị hấp dẫn bởi chiếc phù dung quan bằng ngọc bích trên búi tóc nàng ta.

Chiếc phù dung quan ấy được chế tác từ một khối ngọc bích tinh khiết không tì vết, hai bên điểm xuyết trâm hoa diệp, ánh nắng chiều xuyên qua cửa, phản chiếu những tia sáng vàng óng ánh, làm lộ rõ những đường vân ít ỏi bên trong, khiến phù dung quan càng thêm phần rực rỡ.

Khối phỉ thúy có phẩm chất hoàn mỹ thế này, ngày trước hễ Nhị lang có được thì đều ưu tiên cho các nữ lang của Tống thị. Thế mà nay, hắn lại dành ra để chế tác thành một chiếc ngọc quan cho nàng ta.

Khi Thái hoàng thái hậu còn đang miên man suy nghĩ thì Thi Yến Vi đã hầm chậm đứng dậy, muốn xuống giường hành lễ. Thái hoàng thái hậu vội xua tay, ra hiệu nàng không cần đa lễ, chỉ cần ngồi xuống vị trí đối diện bà.

Ánh mắt dò xét của bà lướt qua đôi khuyên tai lam ngọc, dừng lại nơi chiếc vòng lưu ly trong suốt trên cổ. Ngón tay bà khẽ lướt qua chuỗi Phật châu, giả như thuận miệng nói: “Lão thân nhớ trước kia khi cháu còn ở Thái Nguyên thì vẫn luôn là người ưa thích cách ăn vận giản dị, thanh nhã. Không ngờ ba năm qua ở nước Nguỵ lại đâm ra yêu chuộng trân châu ngọc thạch. Nhưng như vậy cũng tốt, cháu nhỏ hơn Thánh thượng tám tuổi, cũng nên trang điểm ộng lẫy. Nhị lang sủng ái cháu thế này, người ngoài nhìn vào cũng chẳng dám nói gì.”

Lời nói thoạt nghe như bênh vực nàng, nhưng thực chất lại là lời nhắc nhở, răn đe: Những gì nàng có được ngày hôm nay, tất thảy đều nhờ vào Tống Hành. Người ngoài không dám dị nghị nàng, chẳng qua cũng bởi e ngại Tống Hành đứng phía sau nàng.

Tống Hành yêu chiều nàng có thể khiến cuộc sống của nàng an nhàn, cao quý. Nhưng nếu một ngày Tống Hành không còn sủng ái nàng, thì tất cả cũng sẽ hóa thành bọt nước. Khi ấy, miệng đời sẽ chẳng nể nang, thậm chí mặc sức chỉ trích nàng.

Nhưng nàng chẳng bận tâm người đời nghĩ gì về mình, đặc biệt là nam lang. Nàng không vì lời đồn đại của thiên hạ mà rụng mất một sợi tóc, cũng chẳng vì những lời tán dương mà sống thêm một ngày.

Nàng là người như thế nào, chính nàng biết rõ nhất, cần gì phải để người khác định nghĩa.

Điều nàng theo đuổi, từ trước đến nay vẫn luôn là sự bình yên trong tâm hồn, hà tất phải để tâm đến ánh mắt hay lời dèm pha của thiên hạ?

Có lẽ trong mắt thế nhân, Tiết phu nhân là một người phụ nữ đầy trí tuệ. Nhờ vào sự dạy dỗ chu đáo của bà, Tống phủ mới có được ba vị nhân tài kiệt xuất. Trong đó, Tống Hành là vị khai quốc đế vương hiếm có, văn võ song toàn, có tài định quốc an bang.

Nhưng trong mắt Thi Yến Vi, bà cũng không thể phá vỡ xiềng xích mà nam giới áp đặt lên nữ giới. Bà tin rằng mọi thứ nữ lang có được đều do nam lang ban cho. Ví dụ như trí tuệ của bà, nếu không thể thông qua thành tựu của cha con Tống Lâm, Tống Hành, Tống Duật để chứng minh, thì trí tuệ ấy liền trở nên vô nghĩa. Bà sẽ chẳng thể khẳng định giá trị của riêng mình.

Giờ đây, bà lại muốn đem tư tưởng đó áp đặt lên nàng, muốn nàng xem Tống Hành là trời, coi vinh nhục của hắn chính là vinh nhục của mình, rằng giá trị của một con người như nàng chỉ có thể được chứng minh và thực hiện thông qua hắn.

Người đời vốn chẳng cho phép nữ nhân vượt quyền trên nam nhân. Đáng thương hơn nữa, là vô số nữ nhân từ nhỏ đã bị giáo lý “nam tôn nữ ti”, “tam cương ngũ thường” tẩy não, cũng không chấp nhận việc nữ nhân có thể vượt mặt nam nhân.

Từ khi triều đại phong kiến đầu tiên ra đời, những nữ nhân kiệt xuất như nữ đế Võ Chiếu, thái hậu Lữ Trĩ, hay nhà thiên văn học Vương Trinh Nghi đều không tránh khỏi việc bị nam nhân cầm bút bôi nhọ, hoặc bị lịch sử do nam nhân chấp bút vùi lấp.

Thi Yến Vi biết bản thân không nên trách cứ Tiết phu nhân, vì suy cho cùng, bà cũng chỉ là một nữ nhân thời xưa bị tư tưởng phong kiến thâm căn cố đế làm cho mụ mẫm, chẳng có tư duy tự chủ. Nhưng khi phải nghe những lời lẽ rập khuôn đến mức giáo điều của bà, lòng nàng vẫn không khỏi nghẹn ngào. Thi Yến Vi hít thật sâu một hơi, trấn định tâm tình, phải mất một lúc lâu nàng mới giữ được sắc mặt bình thường, lẳng lặng không đáp.

“Hiện giờ cháu đã mang thai được hai tháng, cần phải cẩn thận mọi bề. Thang thuốc do thái y kê, nhất định phải dùng đúng cách, việc ăn uống cũng không được sơ sài.”

Thái hoàng thái hậu vừa nói, ánh mắt vừa chuyển xuống bụng nàng. Có lẽ vì dáng vóc nàng gầy gò nên vẫn chưa nhìn ra dấu hiệu nào của thai kỳ. Sắc mặt nàng nhợt nhạt, phần lớn là do phản ứng trong những tháng đầu mang thai.

“Bên cạnh cháu chỉ có hai người hầu hạ, thực sự chẳng đúng quy củ. Ngày trước ở Thái Nguyên, Đống Tuyết từng phục vụ cháu, lão thân thấy nàng ta làm việc chu toàn, nên sẽ để nàng ở lại, hầu hạ cháu.”

Thái hoàng thái hậu nói xong cũng chẳng đợi Thi Yến Vi đồng ý hay không, liền dứt khoát để người ở lại điện Đại Nghiệp.

Hiện tại, Thi Yến Vi vẫn chưa được hành lễ sách phong, cũng chưa nắm giữ ấn tín của hoàng hậu, nên đối với sự sắp xếp của Thái hoàng thái hậu, nàng đành bất lực, chẳng thể phản kháng.

Đúng lúc ấy, Úc Kim bưng trà nóng tiến lên, Thái hoàng thái hậu thoáng nhìn chén trà men xanh với hoa văn cánh sen, mỉm cười đầy ẩn ý: “Thánh thượng quả nhiên hết lòng với cháu. E rằng ngay cả trưởng công chúa Tấn Dương và quận chúa Thanh Hà cũng không có được một bộ trà cụ hoàn chỉnh thế này.”

Nói xong, bà kín đáo quan sát biểu tình của Thi Yến Vi, nhấp vài ngụm trà, rồi đứng dậy rời điện.

Đúng lúc ấy, Dương Quân ôm một con thỏ nhỏ chạy vào, hai cung nhân theo sau liên tục gọi bé công chúa, bảo bé đừng chạy quá nhanh.

Thái hoàng thái hậu vừa bước ra liền chạm mặt cô bé, ánh mắt bà cúi xuống quan sát Dương Quân. Cô bé chưa từng gặp bà bao giờ, bị khuôn mặt âm trầm mang vẻ mỏi mệt kia dọa sợ, bé ôm chặt con thỏ, không dám nói gì.

Công chúa? Khắp Triệu quốc này, trừ Tấn Dương ra, làm gì có người thứ hai.

Ngũ quan của đứa bé chẳng có điểm nào giống với Nhị lang, chỉ có đôi mày mảnh là miễn cưỡng giống nữ tử họ Dương.

Thái hoàng thái hậu càng nhìn càng thấy không có nét gì gần gũi. Chẳng hiểu vì sao bà luôn cho rằng đứa trẻ này không phải huyết mạch của Nhị lang. Không rõ nữ nhân họ Dương kia đã dùng bùa chú gì mà khiến Nhị lang say mê đến mức định phong cho một đứa trẻ lai lịch bất minh thành công chúa?

Sau mười mấy nhịp thở, Thái hoàng thái hậu mới miễn cưỡng nở một nụ cười nhạt, giọng điệu dịu dàng: “Chạy chậm một chút. Nếu không may té ngã, a nương ngươi sẽ đau lòng lắm đấy. A nương ngươi hiện đang mang đệ đệ của ngươi trong bụng, rất vất vả, đừng chọc nàng buồn phiền.”

Dứt lời, bà gẩy chuỗi Phật châu trong tay, chậm rãi rời đi.

Dương Quân ôm chú thỏ đưa cho Thi Yến Vi xem, định hỏi người con thỏ này có đáng yêu hay không, trong bụng nàng thật sự có một em bé không. Nhưng rồi, Dương Quân phát hiện ra: hình như a nương sắp khóc.

“A nương buồn sao? Có phải do Trân Trân chạy lung tung làm a nương buồn không?”

Dương Quân hỏi, mắt cũng đỏ hoe.

Thi Yến Vi cố kìm nước mắt, lắc đầu, xoa xoa chú thỏ trong tay con gái: “Không, Trân Trân không làm a buồn đâu.”

“Con thỏ của Trân Trân thật đáng yêu, là ai tặng con vậy?”

“Là Thu Sương a di. Hôm trước nghe Trân Trân nói thích thỏ, liền nhờ người ngoài cung mua tặng con.”

Nàng vốn không để ý đến Thu Sương, nên giờ nghe Dương Quân nhắc đến thì mới sực nhớ ra. Từ khi Vương thái y rời đi, Thu Sương dường như cũng lặn mất tăm.

Tối hôm ấy, khi Đống Tuyết bưng thuốc an thai vào. Thi Yến Vi nhịn đắng, cố gắng uống, nhưng chẳng bao lâu sau đã nôn sạch, thậm chí còn nôn cả cơm tối ra.

Liên tiếp mười mấy ngày, nàng chẳng thể uống thuốc, cơm cũng ăn rất ít. Người nàng gầy rộc cả đi, khó khăn lắm mới bồi bổ được chút ít tại Ngụy quốc, giờ lại tiêu hao gần hết. Đống Tuyết thấy tình cảnh ấy không thể ngồi yên, nhân đêm tối, nàng lén lút tới điện Huy Du.

Thái hoàng thái hậu nghe tin, cũng không khỏi bàng hoàng. Dù gì đi nữa thì đây cũng là đứa con đầu tiên của Nhị lang, bất kể thế nào cũng phải giữ cho bằng được.

Vì Tống Hành không ở trong cung, Đại trưởng công chúa Tống Vi Lan lại được mời vào điện Huy Du, đêm nay lưu lại bên cạnh Thái hoàng thái hậu.

“Ả họ Dương mang thai?” Tống Vi Lan kinh ngạc hỏi.

Thái hoàng thái hậu gật đầu, thần sắc nặng nề.

Tống Vi Lan không khỏi sửng sốt, một lúc sau, cơn phẫn nộ dâng lên, nàng ta nghiến răng nói: “Thánh thượng mụ đầu rồi sao!”

Thái hoàng thái hậu vì lo lắng đến cùng cực, nhất thời cũng không nghĩ ra biện pháp nào ép nàng uống thuốc, bèn thở dài: “Nàng ta không chịu uống thuốc, chẳng lẽ hai người bên cạnh nàng cũng không biết đường để khuyên nhủ?”

Đống Tuyết cau mày đáp: “Sao lại không khuyên được ạ? Mỗi ngày chúng nô tỳ đều khuyên đi khuyên lại không biết bao nhiên lần, chỉ thiếu nước biến thành cái túi chứa lời mà thôi. Nhưng kỳ lạ thay, cô bé họ gọi là Trân Trân, mỗi lần mở miệng lại hiệu quả hơn chúng nô tỳ nói cả buổi.”

Tống Vi Lan chưa từng gặp Dương Quân, nghe Đống Tuyết nói vậy, liền hỏi: “Trân Trân là ai?”

Đống Tuyết ngập ngừng, đáp một cách không chắc chắn: “Cô bé gọi Dương thị là a nương, cung nhân trong đều điện Đại Nghiệp gọi cô bé là công chúa, có khi là hài tử của Thánh thượng và Dương thị.” 

Tống Vi Lan đăm chiêu một lúc, ánh mắt tối lại, rồi nhẹ nhàng đưa ra đề nghị: “Ả họ Dương kia hẳn là vẫn đang hậm hực với Thánh thượng, trong lòng không muốn tiếp nhận đứa trẻ trong bụng. Chi bằng a bà đón đứa bé gọi là Trân Trân kia về nuôi tại điện Huy Du, ngày nào Dương thị không ngoan ngoãn uống thuốc, ăn uống đầy đủ, hạ sinh long tự của Thánh thượng một cách bình an, thì ngày đó a bà không không cho phép Trân Trân trở lại điện Đại Nghiệp. Thể nào ả cũng phải nghe lời thôi.”



Mấy ngày trước, tại Dương Châu.

Tống Hành nhận được thư từ Lạc Dương, trong lòng lo lắng như lửa đốt, liền thức thâu đêm xử lý hết công việc còn lại, dặn dò Trình Diễm và Vệ Trạm ở lại thêm vài ngày thu xếp mọi việc, rồi dẫn theo một trăm kỵ binh, băng qua Tuyên Võ, Trung Võ, chạy về Lạc Dương.

Trời chưa sáng rõ, Thi Yến Vi đã bị Úc Kim gọi dậy.

Vì nhiều ngày liên tục không ăn uống tử tế, nên nàng gầy đi trông thấy, sắc mặt cũng trắng bệch xanh xao. Nhìn nàng chẳng giống một nữ lang đã mang thai gần ba tháng, trái lại trông như người bệnh liệt giường suốt ba tháng trời.

Úc Kim và Thu Sương khuyên nàng ăn vài thìa cháo. Đống Tuyết còn chưa kịp mang thuốc đến, người của cung Thái hoàng thái hậu đã đến trước, bế Dương Quân đi thẳng về điện Huy Du.

Điện Đại Nghiệp có không ít cung nhân, tất nhiên ra sức ngăn cản. Nhưng đám người kia lập tức trình ra ý chỉ của Thái hoàng thái hậu, chúng nhân không còn cách nào khác, đành trơ mắt nhìn Dương Quân bị mang đi.

Chẳng mấy chốc, Dương Quân đã được bế tới điện Huy Du.

Thi Yến Vi không thể ngồi yên, liền đuổi theo.

“A nương!” Dương Quân bị ôm chặt, hai tay giãy giụa, miệng không ngừng gọi.

Thái hoàng thái hậu nhìn cảnh tượng này, rốt cuộc không đành lòng, bàn tay đang gẩy chuỗi Phật châu cũng chậm lại, toan mở miệng bảo thả Dương Quân về với Thi Yến Vi.

Tống Vi Lan nhận ra sự do dự trong ánh mắt bà, liền ghé tai bà thì thầm: “Nếu lúc này Thái hoàng thái hậu mềm lòng, chẳng phải công lao vất vả đều uổng phí hay sao? Ả họ Dương kia ngay cả long tự cũng dám từ bỏ, e rằng sau việc này sẽ càng coi thường người. Đợi Nhị lang khải hoàn hồi triều, đến khi ấy còn ai trong cung này có thể khống chế nàng ta?”

Nghe xong, Thái hoàng thái hậu nhắm mắt, dằn lòng, rồi cũng hạ quyết tâm.

Tại điện Đại Nghiệp.

Tống Hành đi một mạch mấy ngày liền không nghỉ ngơi, vượt đường dài gấp rút trở về Lạc Dương. Áo hắn ướt đẫm mồ hôi, râu ria lún phún chưa kịp cạo, cả người phờ phạc. Đến nơi, hắn lập tức lao vào điện, ánh mắt đầy trông ngóng, nhưng nhìn quanh một vòng lại chẳng thấy bóng dáng nữ lang hắn ngày nhớ đêm mơ, ngay cả Úc Kim và Thu Sương cũng không thấy đâu.

“Hoàng hậu đi đâu rồi?” Tống Hành lòng rối như tơ vò, nghiêm giọng hỏi lớn.

Cung nhân quỳ rạp cả dưới đất, run rẩy thốt ra ba chữ: “Điện Huy Du.”



Tại điện Huy Du.

Thi Yến Vi vẫn đang giằng co cùng Thái hoàng thái hậu, không chịu lui bước. Dù đôi chân bủn rủn nhưng nàng vẫn gắng gượng đứng dưới bậc thềm, ngước nhìn Thái hoàng thái hậu, cất giọng van xin: “Thái hoàng thái hậu, Trân Trân là con ta. Trên đời này nào có đạo lý để mẹ con phải chia lìa. Người xem, con bé khóc đến đáng thương, xin người rủ lòng từ bi, để con bé về với mẹ nó.”

Thái hoàng thái hậu nghe vậy càng thêm mềm lòng, không dám nhìn thẳng vào ánh mắt của nàng, rũ mi đáp: “Hiện giờ cháu đang mang thai, bản thân còn chưa lo xong, thì sao có thể chăm sóc tốt cho con? Lão thân sẽ thay cháu chăm sóc con bé thật chu đáo. Đợi cháu sinh hạ tròn con vuông, lão thân sẽ để con bé trở về điện Đại Nghiệp.”

Thi Yến Vi nghe vậy, càng thêm kích động: “Không được! Trân Trân là con ta. Con bé còn nhỏ, ngoài ta ra, ở bên ai cũng không chịu được!”

Thái hoàng thái hậu vốn đã dao động, lòng càng thêm hoang mang. Thấy vậy, Tống Vi Lan liền lên tiếng, sai người đóng chặt cửa cung, đưa Thi Yến Vi về điện Đại Nghiệp.

Nàng ta giờ đang mang thai, nếu có chuyện gì xảy ra, ai dám đứng ra chịu trách nhiệm.

Cung nhân trong cung Thái hoàng thái hậu đều là kẻ khôn ngoan, không ai dám hành động thiếu suy nghĩ. Đúng lúc tình thế bế tắc, bên ngoài cung bỗng vang lên tiếng vó ngựa dồn dập.

Ai dám cưỡi ngựa đi nghênh ngang trong hậu cung, nhất là bên ngoài điện Huy Du của Thái hoàng thái hậu?

Tống Vi Lan chau mày, giận dữ sai người ra ngoài xem kẻ nào dám to gan như vậy.

Nhưng chưa kịp đi, vó ngựa đã dừng lại. Một bóng người cao lớn như núi xông vào, ba bước làm hai, vội vã lao về phía Thi Yến Vi, chẳng nói chẳng rằng mà ôm chặt lấy nàng.

“Thái hoàng thái hậu, Đại trưởng công chúa, các người có ý gì đây? Hoàng hậu và công chúa của trẫm đã làm gì khiến các người chướng mắt? Mà các người lại dám ra tay nhẫn tâm đến vậy!”

Tống Hành rõ ràng giận đến cực điểm, không còn gọi Thái hoàng thái hậu là “a bà”, trong giọng nói chẳng hề có chút kính trọng nào, chỉ toàn là chất vấn. Ánh mắt hắn nhìn bà và Tống Vi Lan lạnh buốt như băng sương.