Giam Nàng Trong Trướng - Tụ Tụ Yên

Chương 68: Dương Thượng nghi




Thi Yến Vi đã từng bị hắn lừa một lần, sao dễ tin hắn thế được. Khi nghe những lời đường mật từ hắn, nàng tự nhủ rằng đó chẳng qua chỉ là viên đạn bọc đường, tuyệt đối không được coi là thật. Vì vậy, nàng vẫn duy trì vẻ mặt điềm tĩnh, không để lộ bất kỳ cảm xúc nào.

Tống Hành nhìn nàng, liền hiểu ngay nàng chưa yên tâm, cũng không tin tưởng hắn. Hắn bèn nói: “Nếu Âm Nương không tin, trẫm sẽ tự tay viết thủ dụ, đóng ngọc tỷ, giao tận tay Âm Nương giữ. Âm Nương đã yên tâm hơn chưa?”

Nghe đến đây, rốt cuộc Thi Yến Vi cũng có chút phản ứng. Nàng ngước nhìn hắn, ánh mắt dò xét, điềm đạm hỏi: “Thánh thượng đến có mang theo thánh chỉ và ngọc tỷ không?”

Tống Hành lắc đầu: “Trẫm sẽ dẫn nàng tới điện Triều Nguyên để lập. Sau này, khi không có ai khác, Âm Nương hãy gọi trẫm là Nhị lang hoặc là Quỳ Ngưu Nô, được chứ?”

Thi Yến Vi không đáp lại nửa vế sau, chỉ nhấn mạnh rằng nàng phải thấy thủ dụ đã được lập xong.

Nghe nàng nói vậy, Tống Hành cười khẽ, bất chợt bế nàng lên ngang ngực, sải bước đi thẳng ra khỏi điện.

Trương nội thị vốn luôn tỉ mỉ, tinh tế, thấy Tống Hành tự đi bộ đến đây, nên dù không cần dùng kiệu lúc trở về thì vẫn cho người chuẩn bị sẵn, chờ bên ngoài cổng cung.

Tống Hành vốn định bế nàng đi thẳng, nhưng Thi Yến Vi đã hạ giọng nhắc nhở: “Ta muốn làm nữ quan, không phải phi tần của Thánh thượng. Nếu cứ để người ôm ta thế này, sau này các cung nhân sẽ nghĩ sao về ta?”

“Không sao. Âm Nương chỉ cần vùi đầu vào lòng trẫm, họ sẽ không nhìn thấy gì cả.” Tống Hành dịu giọng động viên nàng.

Cảm giác được nàng khẽ lắc đầu từ chối, Tống Hành đành chiều ý nàng. Hắn bước lên kiệu, vẫn để nàng ngồi trên đùi mình, đôi tay ôm trọn lấy nàng.

“Trẫm đã nhượng bộ rồi.”

Kiệu được nâng lên, dập dềnh khi di chuyển. Rèm lụa buông xuống che mờ ánh mắt người ngoài. Nàng vùi mặt vào lớp áo vàng mềm mại của hắn, chẳng khác nào con đà điểu, cố gắng lánh xa thế gian.

Năm năm. Hắn dặn lòng, trong khoảng thời gian ấy, hắn nhất định sẽ khiến nàng cam tâm tình nguyện ở bên hắn, cùng hắn sinh con đẻ cái. Ngón tay Tống Hành vuốt nhẹ những sợi tóc đen tuyền của nữ lang, âm thầm tính toán trong lòng.

Kiệu dừng trước điện Triều Nguyên, Tống Hành bế nàng xuống, ôm chặt trong tay, bước thẳng vào nội điện.

Bảo Sênh đứng từ xa đã trông thấy cảnh này, thầm nghĩ phải tìm cơ hội báo tin này ngay cho Thái hoàng thái hậu.

Tống Hành sai người mang thánh chỉ và ngọc tỷ đến. Hắn không để bất kỳ ai hầu cận trong điện, tự tay mài mực, nhấc bút viết từng nét.

Bút pháp của hắn mạnh mẽ, cứng cáp, lưu loát như nước chảy mây trôi.

Thi Yến Vi chăm chú quan sát từng nét chữ rơi xuống tấm lụa. Khi hắn viết xong một đoạn dài hơn mười chữ, nàng ngắm đi ngắm lại hàng chữ, đề phòng hắn dùng lời lẽ để chơi khăm mình.

Đang mải nghĩ, Thi Yến Vi đã thấy Tống Hành mang ngọc tỷ đến, đặt vào tay nàng: “Âm Nương tự tay đóng dấu đi nhé?”

Ngọc tỷ này được chế tác từ một khối ngọc quý hiếm, hoàn toàn khác với ngọc tỷ truyền quốc vốn được khắc từ Hòa Thị Bích thời Tần. [1] Nhìn viên ngọc tỷ sáng bóng, mới tinh, nàng chợt nhớ đến việc Ai Đế của triều trước từng nhường ngôi ở cung Đại Minh, hẳn ngọc tỷ truyền quốc giờ đã nằm trong cung điện của nước Ngụy.

[1]

[1] Hòa thị bích (chữ Hán: 和氏璧), có nghĩa “Ngọc bích họ Hòa”, là một viên ngọc nổi danh trong lịch sử Trung Quốc. Nó không chỉ nổi tiếng là một viên ngọc hoàn hảo, ghi nhiều dấu ấn trong lịch sử mà còn được sử dụng như một đối tượng trong nhiều thành ngữ ở các nước Đông Á.

Thấy nàng có vẻ đăm chiêu, Tống Hành liền biết nàng đang nghĩ gì, bèn nói: “Có phải Âm Nương đang nghĩ đến ngọc tỷ truyền quốc có từ thời Tần? Tiếc rằng nó đã bị lão tặc Giang Tiều mang về Biện Châu. Nhưng nàng yên tâm, sớm muộn gì trẫm cũng đoạt lại được. Đến khi đó, trẫm sẽ đưa nó cho nàng thưởng lãm, nàng thấy thế nào?”

Đưa ngọc tỷ truyền quốc cho nàng thưởng lãm sao, nghe hắn nói thế, nàng chỉ thấy hắn đã điên thật rồi. Dù vậy, nàng vẫn giữ sự tỉnh táo, liền từ chối ngay: “Nếu Quỳ Ngưu Nô thực sự làm vậy, chẳng những không được các lão thần dưới trướng đồng tình, mà còn khiến ta bị xem là hồng nhan họa thủy, rồi mặc sức gièm pha, bôi nhọ.”

Tống Hành nghe xong chỉ cười khẽ, bàn tay không mấy an phận liền vuốt ve làn da trắng như ngọc của nàng, từng ngón tay men theo những đường nét quyến rũ, lướt nhẹ đến nơi mê người nhất.

“Có trẫm ở đây thì chẳng ai dám buông lời nhục mạ Âm Nương. Nếu có lời đồn, trẫm sẽ để ẩn sĩ đưa tất cả ra đối chất.”

Thi Yến Vi cầm lấy chỉ dụ đã viết xong, liền lạnh nhạt đẩy tay hắn ra, trừng mắt trách: “Giữa ban ngày ban mặt, Nhị lang không muốn giữ lễ, nhưng ta vẫn cần thể diện.”

Nghe nàng mắng nhưng ý cười trên mặt Tống Hành càng sâu. Hắn bất đắc dĩ phải thu tay, nhưng cảm giác mượt mà ấm áp từ nàng vẫn còn vương lại trên lòng bàn tay hắn. Tống Hành nhìn gương mặt yêu kiều như đóa phù dung, khẽ cười: “Không ngờ, thánh chỉ của trẫm còn chưa hàng xuống mà Âm Nương đã có vài phần khí thế của một Thượng nghi rồi.”

Thi Yến Vi chẳng thèm để ý đến hắn, đứng dậy định giữ khoảng cách, nhưng lại bị cánh tay mạnh mẽ của Tống Hành kéo lại, ôm chặt vào lòng. Hắn cúi xuống, tiếp tục đặt bút phê duyệt chiếu thư khác.

Từ khi lên ngôi đến nay, Tống Hành vẫn chưa lập hậu, cũng chẳng kết nạp phi tần,  thành ra chuyện hậu cung không ai quản lý, các vị trí nữ quan trong sáu cục hai mươi bốn ty còn trống rất nhiều. Nay phong nàng làm Thượng nghi, cũng không soán chỗ của ai.

“Ngày mai Âm Nương hãy làm quen trước đã, nếu thấy thích thì mùa xuân năm sau sẽ được tham gia ra đề, rồi làm giám khảo.”

Thi Yến Vi nhìn hắn cầm bút phê vào sổ con, cuối cùng cũng không nhịn được tò mò, hỏi thẳng điều mà nàng băn khoăn: “Quỳ Ngưu Nô định khi nào lập hậu?”

“Giờ này rồi mà Âm Nương vẫn còn tâm tư lo lắng thay người khác, xem ra đã khỏe hẳn rồi.” Hắn vừa nói vừa lần đến nút thắt bên eo nàng. 

Thi Yến Vi ngay lập tức xoay eo tránh khỏi tay hắn, giọng nhỏ nhẹ nhưng dứt khoát: “Buổi sáng dậy đầu còn hơi choáng váng.”

“Có sao đâu, trẫm tự biết chừng mực.” Tống Hành để chiếu thư vừa viết sang một bên đợi ráo mực, tay luồn vào váy nàng, vén cao lên đến đầu gối. “Hôm nay Âm Nương nhận được bao nhiêu là lợi ích, cũng phải để trẫm hưởng chút ngọt ngào. Viết chữ lâu như vậy, cổ họng khô khốc lắm, Âm Nương phát chút từ tâm, thưởng trẫm có được không?”

Nói xong, hắn chẳng để nàng kịp phản ứng, tà váy mềm mại đã rủ xuống tận mắt cá chân.

Thi Yến Vi giận đến muốn giật lấy ngọc quan trên đầu hắn, nhưng nghĩ thế vẫn chưa đủ hả dạ, bàn tay luồn vào mái tóc đen nhánh, túm chặt đầu hắn.

Cuối thu ngả dần sang đầu đông, gió lạnh phả qua bắp chân, mang theo cảm giác se lạnh.

“Tống Hành, ta lạnh.” Thi Yến Vi không thèm nể mặt, bộc lộ rõ sự khó chịu dành cho hắn. 

Dù ngoài miệng không đáp nhưng Tống Hành cũng sợ nàng nhiễm lạnh, liền hạ váy xuống, cánh tay rắn chắc dán sát vào đôi chân nhỏ bé của nàng.

Cung điện của hắn không thể gọi là xa hoa, mọi vật phẩm giá trị đều bị đưa vào quốc khố, chỉ giữ lại ít sách cổ và tranh chữ trong điện. Bộ thường phục màu đen trên người cũng là mang từ Thái Nguyên đến, dù chưa cũ nhưng cũng đã mặc qua nhiều ngày.

Bên cạnh hắn cũng không có hoàng hậu hay phi tần, hậu cung trống không, giảm thiểu được không ít chi phí. Hơn nữa, bản thân hắn cũng không có thói hoang phí, toàn bộ thành Tử Vi chỉ có khoảng một vạn cung nhân, so với bốn vạn của triều Huyền Tông thời trước, cắt giảm được không biết bao nhiêu lương thực, tiền bạc. 

Phát hiện nàng đang mất tập trung, Tống Hành có chút bất mãn, càng ra sức lấy lòng để khiến nàng vui vẻ.

Suy nghĩ bị hắn cắt ngang, đầu óc trở nên nhẹ bẫng. Nàng hơi ngẩng cằm, ngón tay thu lại, kéo lấy sợi tóc đen của hắn.

Mãi đến khi mọi chuyện kết thúc, Tống Hành mới bế nàng từ trên án kỷ, ôm chặt trong lòng, ủ ấm nàng.

Nữ lang trong lòng mềm mại như nước, đôi mắt khép hờ, dường như đã thấm mệt, chỉ muốn chợp mắt đôi chút.

“Âm Nương vừa ra chút mồ hôi, rửa sơ đi đã rồi hẵng ngủ.” Tống Hành nói xong, sai người chuẩn bị nước, kiên nhẫn hầu hạ nàng tắm rửa, cuối cùng quyết định giữ nàng lại điện Triều Nguyên qua đêm.

Tống Hành bế nàng lên giường, đắp kín chăn, ngồi bên mép giường dịu dàng dỗ nàng ngủ.

Thi Yến Vi chỉ mới vừa khỏi bệnh nên vốn không có nhiều sức lực. Bị hắn trêu chọc một hồi, nàng khó tránh khỏi kiệt sức, vừa ngả lưng xuống thì đã mơ màng ngủ thiếp đi.

Thấy nàng đã ngủ say, lúc này Tống Hành mới yên lòng ra khỏi nội điện, nhấc nhẹ bước chân tới ngoại điện để phê duyệt tấu chương.

Đến giờ cơm tối, Tống Hành gọi Trương nội thị, lệnh hắn đến cục Thượng nghi tìm một gian phòng sáng sủa, sạch sẽ.

Trong nội điện, Thi Yến Vi tỉnh dậy, lật xem những cuốn sách cổ của Tống Hành để giết thời gian. Nhưng sách của hắn hầu hết đều là binh thư, chỉ xem được một lúc, nàng đã mất hứng, lại đặt sách xuống, cầm thủ dụ do chính tay Tống Hành viết, ngẩn người.

Đang lo lắng cho con đường phía trước, chợt nghe tiếng mở cửa truyền đến bên ngoài điện. Chỉ trong chốc lát, hình dáng cao lớn của Tống Hành đã hiện trong khung cửa, bóng hắn in xuống nền chiếm đi một mảng lớn.

Tống Hành đến để ăn tối cùng nàng. 

Cung nhân bày biện từng món, Thi Yến Vi cầm đũa, vừa định gắp thức ăn thì chợt nghe Tống Hành nói: “Sau ngày mai, Âm Nương sẽ là Dương Thượng nghi của cục Thượng nghi, sẽ có phòng riêng để ở, chỉ e không tiện nghỉ lại điện Triều Nguyên.”

Thi Yến Vi hiểu ý hắn nói. Nàng không thể lưu lại điện Triều Nguyên, mà Tống Hành cũng không thể đến cục Thượng nghi, vậy là sau này nàng sẽ không còn phải ngủ chung với hắn, số lần phải làm chuyện kia tự nhiên cũng ít đi.

Tính ra, việc trở thành Thượng nghi quả thật là chuyện tốt không gì sánh bằng.

Nghĩ đến đây, Thi Yến Vi rốt cuộc cũng chịu thu lại vẻ mặt khó coi, ăn hết những món hắn tự tay gắp cho nàng, vậy nên nàng cũng không cần tự mình gắp đồ ăn nữa.

Nàng nhận thấy trên bàn bày đến tám món khác nhau, nhưng lượng thức ăn trên mỗi dĩa lại không nhiều. Hai người cố gắng một hồi, cuối cùng cũng ăn hết phần lớn.

So với những gì nàng từng đọc về bữa ăn của thế gia đại tộc hoặc hoàng thất cung đình được viết trong các tiểu thuyết lấy bối cảnh thời Minh và thời Thanh, Tống Hành quả thật rất tiết kiệm.

Nếu hắn có thể chọn được một hoàng hậu tâm đầu ý hợp, sớm quên nàng đi, chưa đầy năm năm đã thả nàng rời cung thì về sau, hắn làm đế vương, cai trị thiên hạ của hắn, nàng tự do đi tìm công chúa Tuyên Thành, xác minh thân phận của nàng. Đó sẽ là kết cục tốt nhất dành cho cả hai người.

Dùng xong bữa tối, Tống Hành lại dỗ nàng uống thêm một bát thuốc để bồi dưỡng sức khỏe. Thi Yến Vi lười nghe hắn lải nhải, bèn bưng bát uống cạn chỉ trong một hơi.

Tống Hành ngồi bên cạnh, lẳng lặng nhìn nàng uống hết. Sợ nàng thấy đắng, hắn vội dâng cốc nước ấm để nàng súc miệng, sau đó mang đến mấy quả mơ ngâm đường cho nàng ngậm, khử đi vị đắng. Hắn lấy bản thảo khỏi tay nàng, đặt lên án thư rồi dùng vật nặng đè lại, kế đó bế nàng lên giường, cúi người, quỳ dưới chân giường giúp nàng cởi đi giày tất.

Thi Yến Vi tự mình vén chăn, chui vào trong. Tống Hành cũng không chậm trễ, lập tức nằm lên, cả người không chút ngại ngần áp sát vào người nàng, ôm chặt rồi bắt đầu hôn xuống, gặm cắn phiến môi đỏ như chu sa. 

Nàng bị hắn làm cho nghẹt thở, trong lòng thầm mắng con “trâu già” này vẫn chứng nào tật nấy, hành xử lỗ mãng thật khiến người ta phải bực mình. Nàng bèn đưa tay lên đẩy vai hắn, muốn hắn dừng lại.

Tống Hành chẳng cần dùng sức đã có thể dễ dàng nắm lấy hai bàn tay nhỏ của nàng, vòng qua cổ hắn. Nụ hôn càng lúc càng sâu, đến khi khuôn mặt Thi Yến Vi đỏ bừng, phiến môi đỏ mọng, hơi sưng lên thì hắn mới chịu buông nàng ra.

Thi Yến Vi tức giận, đá vào đầu gối hắn một cái, giọng điệu bực bội: “Người tự đi lấy cái chăn khác mà đắp!”

Tống Hành chưa bao giờ bị người ta ghét bỏ và sai khiến như thế. Nhưng hắn lại không muốn rời khỏi mùi hương nhàn nhạt trên người nàng khi ngủ, trong lòng không tránh khỏi ấm ức. Định bụng thương lượng đôi câu, nhưng sợ chọc nàng phát giận, không còn cách nào khác, hắn đành ngoan ngoãn xuống giường, đến tủ tìm một cái chăn vừa phải ra đắp.

Không thể ôm nàng, hắn đành nằm gần nàng nhất có thể.

Có nàng ở bên, Tống Hành không còn gì phải cảm thấy lo lắng, chẳng bao lâu sau hắn cũng theo nàng chìm vào giấc mộng.

Hôm sau, Thi Yến Vi ngủ đến khi mặt trời đã lên cao ba sào thì mới chịu tỉnh dậy. 

Từ sáng tinh mơ, Tống Hành đã đến Minh Đường để thiết triều. Vì sợ làm nàng thức giấc, thay triều phục xong liền ra ngoài điện rửa mặt.

Trong lúc Thi Yến Vi dùng bữa sáng, Trương Nội thị đã sai người đến cục Thượng nghi truyền lời, chỉ chờ nàng sắp xếp xong thì sẽ sang đó nhận chức. 

Đồ vật trong cung không thể tùy ý lấy đi. Vì vậy, Thi Yến Vi chỉ mang theo những thứ mà Tống Hành sai người chuẩn bị cho nàng: vài món trang sức, sách vở, thoại bản cùng một ít kem dưỡng chăm sóc da.

Ở Biện Châu.

Thẩm Kính An huấn luyện binh sĩ đến tận chiều muộn, sau đó lại vào doanh trướng xử lý quân vụ, thu xếp đâu ra đấy thì mới thúc ngựa hồi phủ.

Ngày đông trời ngắn, giờ Dậu vừa qua, ánh hoàng hôn cuối trời đã dần tắt.

Không hiểu sao y lại nghĩ đến Lý Lệnh Nghi, không biết lúc này nàng đang làm gì, có phải cũng đang đứng dưới ánh tà dương mà nhớ về một người ở phương xa như y?

Nếu sau này có dịp, nhất định y sẽ lên núi Kính Đình thăm nàng một lần nữa.

Thẩm Kính An thúc ngựa một mạch tới trước cổng phủ, chưa kịp xuống ngựa thì đã thấy tiểu tư chạy ra nghênh đón, nói rằng Thịnh lang quân đang đợi trong chính sảnh.

Nghe vậy, Thẩm Kính An vội xoay người xuống ngựa, bước nhanh vào phủ, đi thẳng tới chính sảnh.

Thịnh Lăng vừa thấy hắn liền đứng dậy thi lễ.

“Có phải Thái Nguyên gửi tin tới không?”

Thịnh Lăng không đáp, dâng phong mật thư bằng cả hai tay.

Thẩm Kính An vội vã nhận lấy, mở ra đọc, hàng mày lập tức chau lại.

Nhị nương chỉ ở Tống phủ chưa đầy một năm đã rời đi, sau đó chẳng rõ vì sao lại theo Tống Hành từ Lạc Dương quay về, có ý gả cho Tống Hành làm thiếp, nhưng khi  tiểu nương tử trong phủ xuất giá thì nàng lại bỏ đi, từ đó đến nay không rõ tung tích.

Thẩm Kính An xâu chuỗi những thông tin này trong đầu, cảm thấy với tính cách trầm lặng của Nhị nương, không thể nào lại bốc đồng đến mức từ bỏ sự che chở của Tống phủ giữa thời thế loạn lạc.

Hơn nữa, dù đã mất mẹ và anh trai nhưng nàng vẫn xuất thân từ họ Dương ở Hoằng Nông, nhận sự giáo huấn cẩn thận, đâu thể nào chỉ vì vinh hoa phú quý mà cam nguyện làm thiếp cho người.

Nghe nói Tống Hành kia tác phong bá đạo, ngạo nghễ bất tuân, không chừng chính hắn đã dùng thủ đoạn ép buộc Nhị nương. Lần đầu nàng rời khỏi Tống phủ hẳn cũng vì tránh xa hắn, nhưng không ngờ vẫn bị hắn tìm về.

Lần thứ hai, Nhị nương chắc chắn đã phải hao tổn tâm sức lắm mới có thể thoát thân.

Không biết giờ đây nàng đang ở phương nào, liệu có bị người của Tống Hành theo dõi sát sao? Nàng có biết về người cậu này không, có hay y đang ở nước Ngụy ngóng chờ nàng, rồi tìm cách đến đây, để cậu cháu hai người được đoàn tụ.

Nghĩ đến đây, Thẩm Kính An viết ngay một bức thư nhờ người gửi đến Thái Nguyên, đồng thời phái người tới Hoằng Nông và Tấn Châu điều tra tin tức.

Vì Thi Yến Vi là nữ quan được Tống Hành hạ chỉ thân phong nên đương nhiên Lưu Thượng cung cũng không dám lơ là. Bà đích thân đến đón nàng, dẫn nàng tới nơi ở mới trong cung.

Thi Yến Vi cảm ơn bà, sau đó chuyện trò vài câu. Lưu Thượng cung thấy nàng có vẻ e dè nên viện cớ bận việc để rời đi, có ý để lại không gian riêng cho nàng.

Chiều hôm ấy, dưới sự hướng dẫn của Vương Thượng nghi, Thi Yến Vi làm quen với công việc hàng ngày của một Thượng nghi. Bà khuyên nàng không cần vội vàng học hết mọi việc, chỉ cần làm quen dần là được.

Thi Yến Vi cẩn thận ghi lại từng lời bà nói, hôm sau bắt đầu từ những việc đơn giản nhất.

Mấy ngày liên tục trôi qua, nàng không hề gặp lại Tống Hành, tâm trạng cũng thư thái hơn hẳn. Mỗi lần gặp người trong cục Thượng nghi, nàng đều nở nụ cười chào hỏi.

Trong cung, đẳng cấp tôn ti rõ ràng còn khắt khe hơn so với lễ nghi ở Tống phủ. Mặc cho nàng nhiều lần dặn dò rằng nếu không có người ngoài thì không cần phải quỳ gối hạ bái mình, nhưng mỗi lần gặp nàng, họ vẫn cung kính hành lễ đúng quy củ.

Lâu dần, Thi Yến Vi biết không thể thay đổi được gì, đành thôi không nhắc nữa, chỉ đáp lại bằng cách chắp tay, hoàn lễ trước ngực.

Hôm ấy, Đặng Tư tịch mang tới danh mục kinh thư để nàng xem xét. Thi Yến Vi mải mê đọc đến nỗi quên cả giờ cơm trưa. Nếu không nhờ Diêu Tư tán để ý nàng chưa tới, giữ lại phần cơm, có lẽ nàng đã bị đói bụng.

Ngày đông trời ngắn, đến lúc Thi Yến Vi xem xong danh mục, xử lý ổn thỏa những việc khác thì bên ngoài trời đã chạng vạng. Dùng xong bữa tối, nàng tự xách đèn lồng ra ngoài tản bộ tiêu thực.

Đi qua một hòn giả sơn, bước xuống dốc, nàng chợt nghe thấy tiếng mèo kêu vọng ra từ bụi hoa phía trước.

Thi Yến Vi xách đèn tiến lại gần, thấy một con mèo hoang nhỏ màu vàng cam từ trong bụi nhảy ra, kêu “meo meo” với nàng, trông có vẻ đói bụng. Nhưng lúc này nàng chẳng có gì để cho nó ăn, đành nhìn nó một lúc, vừa ngắm vừa lẩm bẩm như trò chuyện, dặn nó ở lại đây chờ, nàng sẽ đi tìm đồ ăn mang tới. Nàng cũng chẳng để ý con mèo có hiểu lời mình hay không.

Dặn xong, nàng xoay người định đi, nhưng vừa ngẩng đầu đã thấy một bóng dáng cao lớn sừng sững hiện ra. Người đến mặc trường bào viên lĩnh màu vàng sáng thêu kim long ngũ trảo.

Là Tống Hành.

Không biết hắn đã theo nàng từ khi nào.

Thi Yến Vi bất giác nhớ lại đêm nọ ở Tống phủ, nàng gặp hắn và Phùng Quý bên bờ nước. Khi xưa, Phùng Quý thường theo hầu hắn. Nhưng giờ, Phùng Quý đã thành gia lập thất, mà kể cả không phải như thế thì cũng chưa chắc hắn đã muốn tịnh thân vào cung, tiếp tục hầu hạ Tống Hành. May sao, Tống Hành cũng không dùng hoàng quyền để cưỡng ép. 

“Thánh thượng vạn phúc.”

Thi Yến Vi vẫn giữ nét mặt dửng dưng, bước lên hành lễ với hắn. Nhìn qua, nàng đối với hắn chẳng khác gì một mối quan hệ quân thần thông thường.

“Âm Nương.” Tống Hành dùng đôi mắt phượng chăm chú nhìn nàng, như thể đã rất lâu không gặp, hoặc như đang chiêm ngưỡng một báu vật hiếm có trên thế gian, khiến người ta chẳng thể rời mắt. Trầm mặc mất một lúc lâu, hắn tiến thêm hai bước, không chút giấu giếm mà thốt lên những câu từ chân thật: “Trẫm nhớ nàng, nhớ nàng, rất nhớ nàng.”

Đúng lúc này, con mèo lông vàng cam có vẻ đã đói không chịu nổi, bạo dạn tiến đến cạnh chân Thi Yến Vi, vừa vẫy đuôi vừa không ngừng kêu “meo meo”.

Thi Yến Vi thử bước mấy bước về phía trước, con mèo cũng lẽo đẽo theo sau. Khi biết chắc nó sẽ đi theo mình, nàng liền mặc kệ Tống Hành, bỏ qua hắn mà dời gót theo hướng khác.

Tống Hành không làm gì được nàng, chỉ có thể theo sau nàng một cách thầm lặng, giữ một khoảng cách không xa không gần giữa hắn với một người một mèo ở đằng kia. Vì sợ bị người khác bắt gặp, làm tổn hại đến thanh danh khi nàng đang là một Thượng nghi, trốn tránh một hồi, cuối cùng trèo tường, nhảy vào viện của nàng. 

Đợi đến khi ăn no, con mèo liền trở mặt kiêu ngạo, không để Thi Yến Vi sờ đầu nữa mà vặn mình chạy mất.

Tống Hành nấp sau gốc cây chứng kiến hết thảy, thấy Thi Yến Vi quay vào nhà, hắn mới từ trong bóng tối bước ra, thong thả gõ cửa phòng nàng.

Thi Yến Vi vừa rửa sạch tay, nhìn thấy bóng dáng cao lớn chiếu lên cánh cửa, liền đoán ngay được là hắn, tim nàng bỗng đập nhanh hơn. Nàng nghiêm mặt, nói: “Trời đã tối, Thánh thượng đến vào giờ này quả thực không hợp lẽ.”

“Dương Thượng nghi, mở cửa ngay. Bằng không, trẫm cũng ngại việc hạ chỉ, triệu nàng vào điện Triều Nguyên diện thánh. Nếu làm vậy, nàng có thấy hợp lẽ hơn chăng?”

Giọng điệu của Tống Hành rất thản nhiên, thậm chí mềm mỏng, nhưng từng câu từng chữ đều thể hiện uy quyền áp đảo.

Ai chứ hắn thì rất có khả năng. Thi Yến Vi biết rõ điều này, không còn cách nào khác, nàng đành mở cửa cho hắn vào.

“Thánh…” Lời chưa kịp thốt ra, Tống Hành đã nhanh chóng ôm lấy hông nàng, kéo nàng vào lòng mình, đôi môi mỏng áp sát đôi môi đỏ như hoa đào của nàng, tay vừa khẽ động, cánh cửa liền khép lại.

Nụ hôn của hắn vừa mạnh mẽ vừa cuồng nhiệt, như muốn cướp lấy toàn bộ hơi thở của nàng.

Hắn quá cao, Thi Yến Vi bị ép phải nhón chân lên, ngửa cổ hết mức nhưng vẫn khó mà tiếp nhận nổi. Nàng lảo đảo không thể đứng vững, phải đưa tay bấu chặt vào cánh tay hắn.

Tống Hành lúc này mới nhận ra chênh lệch chiều cao giữa hai người, liền vòng tay đỡ lấy hông nàng, để hai chân nàng quấn quanh eo hắn. Một tay hắn giữ lấy lưng nàng, ghì chặt nụ hôn sâu, như muốn chiếm trọn mỗi một ngóc ngách trong khuôn miệng nhỏ nhắn của nàng.

Rất lâu sau, Tống Hành mới lưu luyến rời khỏi đôi môi nàng, hỏi: “Âm Nương có thích con mèo nhỏ vừa rồi không?”

Thích hay không, Thi Yến Vi cũng chẳng rõ, chỉ là khi đó thấy nó kêu rất đáng thương, muốn nó ăn no mà thôi.

Thi Yến Vi mơ hồ lắc đầu rồi lại gật đầu.

Ánh mắt Tống Hành càng thêm u ám, nhớ đến giấc mộng khi hắn hóa thành con mèo nhỏ, được nàng ôm ấp trong lòng.

“Đến một con mèo mới gặp mà Âm Nương cũng có thể yêu thích, thì liệu có thể yêu thích trẫm dù chỉ một chút hay không?”

Đối với câu hỏi này, Thi Yến Vi không hề đắn đo, thuận theo bản năng mà lắc đầu.

Tống Hành nhìn nàng, khóe môi khẽ nhếch lên một nụ cười tự giễu, đặt nàng xuống giường La Hán rồi bắt đầu cởi thắt lưng điệp tiệp.

Trong lúc bị hắn cưỡng hôn, nàng đã lường trước chuyện này nên không hề tỏ ra ngạc nhiên, vẻ mặt nàng vô cảm, lạnh nhạt đưa ra yêu cầu: “Sau khi xong việc, khẩn cầu Thánh thượng hãy ban cho ta một chén thuốc tránh thai. Thánh thượng chưa sắc lập hoàng hậu, chắc cũng không muốn để bên ngoài đồn đãi chuyện nữ quan có thai. Huống hồ, hiện tại ta đối với người hoàn toàn không có tình cảm, sao có thể cùng người sinh con đẻ cái? Nếu Thánh thượng thật lòng muốn thấu hiểu và tôn trọng ta, thì không nên ép buộc ta chuyện này.”

Tống Hành nghe xong, trầm ngâm một lúc, dù không đáp ứng yêu cầu của nàng nhưng vẫn nhường nàng một bước: “Loại dược đó tổn hại thân thể, không nên sử dụng lâu dài. Âm Nương vẫn chưa thích trẫm nên không muốn mang thai cũng là điều dễ hiểu. Từ giờ, trẫm sẽ không xuất vào trong. Đây là thỏa hiệp lớn nhất về phía trẫm.”

Dứt lời, áo bào vàng óng rơi xuống đất.

Lo nàng nhiễm lạnh, hắn không cởi bỏ y phục của nàng.

Lúc ấy mới qua canh nhất, còn chưa đến giờ đi ngủ. Thi Yến Vi sợ có người tìm đến, nếu thông thấy cái bóng hắt lên màn cửa thì còn ra thể thống gì nữa. Vậy nên, khi Tống Hành ôm nàng lên, buộc nàng choàng tay qua vai hắn, nàng đã vung tay đấm hai cái vào cánh tay hắn, bảo hắn đầu tiên phải thổi tắt đèn. 

Ban đầu Tống Hành không muốn, nhưng lát sau vẫn chịu bế theo nàng đi thổi đèn.

Hắn cố ý đè nặng bước chân, khiến nhịp độ càng thêm xóc nảy.

Thi Yến Vi cúi đầu tựa vào vai hắn, nước mắt dâng lên, chỉ chực rơi xuống.

Tống Hành ôm nàng đứng bên cửa sổ, cúi thấp đầu, chỉ muốn cảm nhận nhiệt độ cơ thể nàng, hết sức kiềm chế không để nàng càng thêm chật vật. Giọng hắn mang theo chút hối hận cùng một chút ý tứ cầu xin: “Những ngày qua, trẫm không gặp được nàng, nghĩ về nhiều chuyện, chỉ thấy trước đây trẫm đã làm sai quá nhiều, khiến nàng đau lòng khổ sở… Trẫm thích nàng, thật sự rất thích. Trẫm chưa từng thích ai như vậy. Về sau trẫm sẽ đối tốt với nàng, bảo vệ nàng chu toàn. Âm Nương, nàng hãy thích trẫm, dù chỉ một chút thôi có được không?”

Hắn nói hắn sai. Đây là lần thứ hai Thi Yến Vi nghe hắn nhận lỗi với nàng. Giọng điệu nghe có vẻ còn tự trách hơn so với lần trước. Nhưng không phải lời xin lỗi nào cũng hữu dụng. Từng vết thương hắn gây ra, từng nỗi đau nàng phải chịu, tất cả đều ghi tạc trong tim, không thể xóa nhòa. Đừng nói là thích, ngay cả tha thứ hay quên đi, nàng cũng không làm được.

Những ngày qua, nàng đã làm quen với rất nhiều nữ quan ở sáu cục hai mươi bốn ty. Tuy tính cách khác biệt, nhưng tất cả đều tràn đầy kỳ vọng vào tương lai. Họ hoạt bát, nỗ lực, chăm chỉ, dùng sức mình duy trì hoạt động cả tòa Tử Vi thành. Những nữ tử ấy không hề thua kém những nam nhi thế gian, thật đáng để ngưỡng mộ.

Sau khi tiếp xúc và chung đụng với họ lâu ngày, tâm trạng Thi Yến Vi cũng dần thay đổi. Nàng không còn lo được lo mất, sợ sệt nhiều như trước, mà trở nên trầm tĩnh, bình thản hơn. Ngay cả khi đối mặt với Tống Hành, nàng cũng có thể xử sự điềm nhiên, không bị ảnh hưởng bởi cảm xúc tiêu cực. Lúc này giữa hai người chỉ như đang bàn bạc, nàng dùng lý trí vạch trần từng chuyện một, rành mạch, cương quyết: “Tống Hành, không phải mọi chuyện trên đời đều có thể bù đắp hay quên đi. Anh của ta vì cứu em của người mà phải bỏ mạng, người lại cưỡng ép ta, thật là thật là vô tình vô nghĩa, lấy oán báo ân. Giữa hai ta, người sai từ đầu đến cuối chỉ có mỗi mình người.”

Tống Hành nghe nàng lên án, nhưng không biện hộ, chỉ lặng lẽ ôm lấy nàng, dùng cách hắn cho là hiệu quả nhất để xác nhận rằng nàng vẫn ở bên hắn. Hắn vẫn còn cơ hội giành được trái tim nàng, để lòng hắn có thể dễ chịu hơn.

“Âm Nương, trẫm thích nàng.” Không giống trước đây, chỉ toàn nói những lời bông đùa để trêu ghẹo nàng, lần này, hắn chỉ lặp đi lặp lại những câu: “Trẫm thích nàng”, “Là lỗi của trẫm” hoặc: “Thích trẫm một chút thôi, được không?”

Sợ nàng vất vả đến mức ngày mai không dậy nổi, hắn cố nhịn xuống, chỉ đòi hỏi nàng một lần, cũng không lưu lại trong người nàng.

Nhưng dù là vậy, vẫn không tránh khỏi rơi lại một ít trên người Thi Yến Vi.

Nhận ra nàng đang dùng ánh mắt đầy chán ghét nhìn mình, Tống Hành giống như một đứa trẻ làm sai, luống cuống lấy khăn lau sạch cho nàng. Sau khi giúp nàng thay y phục, an ổn nằm nghỉ trên giường, hắn len lén rời khỏi, trèo tường thoát ra ngoài.

Sáng hôm sau, Tống Hành sai người tới Hoằng Nông, ban thánh chỉ phong Thi Yến Vi làm Thượng nghi chính ngũ phẩm, công bố với Dương gia. Thánh chỉ ấy chẳng khác nào một cái tát lên mặt Dương gia. Một nữ lang dung mạo như thế, lại bị coi như cỏ rác mà vứt bỏ.

Những chủ tử đứng đầu Dương gia khi nhận được thánh chỉ, ai nấy đều toát mồ hôi hột, hối hận không thôi, thầm nghĩ Nhị nương được Thánh nhân coi trọng, nếu nàng còn nhớ chuyện cũ mà kể điều gì đó trước mặt Thánh nhân, cả tộc sẽ không được hưởng trái ngọt mất.

Giữa tháng mười một, tiết trời lạnh giá, Thẩm Kính An nhận được tin Nhị nương được phong làm Thượng nghi, làm việc trong cung Triệu quốc.

Cùng lúc ấy, Lạc Dương có trận mưa tuyết đầu tiên.

Thái hoàng thái hậu nhân đó, lấy cớ thưởng tuyết để bày gia yến.

Cục Thượng nghi đảm nhận việc lễ nghi và sinh hoạt trong cung, do đó, Chung Thượng cung giao việc này cho Thi Yến Vi cùng Diêu Tư tán cùng phối hợp thực hiện.

Thi Yến Vi tra cứu điển tịch trong cung, định ra tiêu chuẩn tổ chức yến tiệc lần này. Chờ Diêu Tư tán lập bản kế hoạch chi tiết, nàng sẽ xét duyệt và đưa ra quyết định sau cùng.

Tống Thanh Hòa được phong làm quận chúa Thanh Hà, cũng nằm trong danh sách được mời dự yến.

Trước khi nhập cung, nàng đã nghe chuyện Thi Yến Vi được phong làm Thượng nghi, nên trong lòng vẫn luôn lấy làm thắc mắc: Dương nương tử chưa kịp gả làm nhũ nhân cho Nhị huynh đã bỏ đi, nhưng khi trở lại, không trở thành phi tần của Nhị huynh mà lại làm nữ quan trong cung?

Trong bữa tiệc, Tống Thanh Hòa khen ngợi cung yến lần này tổ chức rất chu toàn, đồng thời tỏ ý muốn gặp Dương Thượng nghi và Diêu Tư tán để ban thưởng.

Thái hoàng thái hậu vốn cũng muốn nhân cơ hội này thăm dò tâm tư của Tống Hành, phụ họa vài câu, sau đó sai người mời cả hai nàng đến.

Không lâu sau, Thi Yến Vi vận quan phục nữ quan cổ tròn màu đỏ thẫm, bước chân nhẹ nhàng, khoan thai tiến vào điện.

Thái hoàng thái hậu bảo hai nàng an tọa, trước tiên ban lời khen ngợi, sau đó ban rượu.

Diêu Tư tán vốn uống được rượu, mỗi dịp lễ tết thường cùng các nữ lang thân thiết chung vui, bèn cầm chén rượu lên uống cạn ngay tại chỗ.

Tống Hành yên ổn ở vị trí thượng tọa, biết rõ Thi Yến Vi không uống được loại rượu mạnh này. Ngày thường, chỉ hai chén rượu trái cây nhưng cũng đủ khiến nàng choáng váng đầu óc, huống hồ là loại rượu mạnh như thiêu như đốt này. Dù chỉ một ly cũng khiến nàng khó lòng chịu đựng nổi.

Bàn tay trong tay áo hắn siết thành quyền, gần như không thể kìm lòng, muốn lập tức sai người dọn rượu đi, hoặc đứng ra thay nàng nhận rượu. Nhưng dù làm gì đi nữa, chỉ e cũng sẽ khiến người khác sinh nghi. Miệng lưỡi thế gian đáng sợ. Hắn thân là thiên tử, không ngại kẻ khác đàm tiếu, nhưng nàng hiền lành như vậy, hắn không đành lòng để nàng vì danh dự tổn hại mà phiền muộn, sầu não.

Thái hoàng thái hậu cùng mọi người đồng loạt nhìn về phía Thi Yến Vi.

Hai luồng suy nghĩ trái ngược đan xen, rốt cuộc Tống Hành vẫn không thể trơ mắt nhìn nàng uống chén rượu kia. Ngay lúc nàng vừa đưa tay ra định nâng ly rượu lên, hắn liền đứng dậy.

Thế nhưng, Thi Yến Vi như đã sớm đoán được hắn sẽ làm gì, nàng không muốn bất kỳ ai trong lục cục biết được những khúc mắc giữa nàng và Tống Hành, bèn ngửa đầu, học theo Diêu Tư tán mà uống cạn chén rượu chỉ trong một hơi. Chỉ một thoáng sau, vị cay nồng đã làm nàng đau đến mức phải ôm lấy ngực, ho khan không ngừng.

Thái hoàng thái hậu quay sang nhìn Tống Hành. Thấy hắn ngồi xuống, môi mím chặt, lông mày nhíu lại, hai tay siết lấy ống tay áo, lộ rõ vẻ lo lắng và xót xa cho nữ tử họ Dương kia. 

Nếu không phải Dương thị thức thời, chủ động uống hết chén rượu, chỉ e Nhị lang đã không kiềm chế được mà hành động hồ đồ, công khai bênh vực nàng trước mặt mọi người.

Thái hoàng thái hậu hơi nhíu mày, sắc mặt trầm nghiêm: “Dương Thượng nghi trông có vẻ không được khỏe, truyền lệnh chuẩn bị bộ liễn, đưa nàng về nghỉ trước đi.”

Diêu Tư tán không yên lòng, nhận thưởng xong liền cáo lui trước, vội vàng đến phòng của Thi Yến Vi để chăm sóc nàng.

Diêu Tư tán vuốt nhẹ lưng cho Thi Yến Vi, để nàng nôn ra một lượt, sau đó mang trà cho nàng súc miệng, dùng khăn lau mặt và tay, cuối cùng đắp chăn cẩn thận rồi mới chịu rời đi.

Chờ Diêu Tư tán đi xa, Tống Hành lập tức trèo cửa sổ vào trong.

Lúc này, đầu óc Thi Yến Vi đã không còn tỉnh táo, mơ hồ cảm nhận được một bàn tay to lớn, ấm nóng nắm lấy bàn tay nhỏ vốn không biết đã để lộ ra ngoài chăn từ lúc nào. Hơi ấm lan tỏa trên mu bàn tay, khiến nàng ngẩn ngơ nhớ lại hình bóng của một ai đó.

Sợ nàng bị lạnh, Tống Hành đặt tay nàng trở lại trong chăn. Nhưng ngay khi hắn định rút tay về, nữ lang nằm trong chăn lại kéo nhẹ lấy tay hắn. Đôi môi đỏ mọng khẽ mở, viền mắt đỏ hoe, vì say mà bắt đầu nói toàn những mê sảng:

“Trần, Trần Nhượng, đừng đi… Em không, không say, anh ở lại nói chuyện với em được không?”

“Trần Nhượng, đưa điện thoại cho em, em muốn gọi cho ba mẹ…”

*

* Giải thích về hệ thống nữ quanKhái niệm về sáu cục hai mươi bốn ty: 

– Sáu cục: Là sáu bộ trong triều đình cổ đại Trung Quốc, gồm các bộ quan trọng như Bộ Lại (công vụ), Bộ Hộ (tài chính), Bộ Lễ (nghi lễ), Bộ Binh (quân sự), Bộ Hình (hình sự), và Bộ Công (công trình, xây dựng).

– Hai mươi bốn ty (tư): Thường chỉ các cơ quan dưới quyền các bộ (cục) này. Mỗi bộ có những tổ chức con gọi là “ty”, làm việc về các lĩnh vực chuyên môn.

Cục Thượng Nghi một cơ quan trong hệ thống triều đình cổ đại Trung Quốc, chuyên phụ trách các công việc liên quan đến nghi lễ, lễ nghi và các nghi thức trong cung đình. Cục này thường thuộc bộ Lễ, một trong sáu bộ trong hệ thống quan chức của triều đình.

Thượng nghi: là chức Nữ quan ngũ phẩm, thuộc cục Thượng nghi, chưởng quản lễ nghi, đời sống hằng ngày trong cung.

Tư tán: có nghĩa là người phụ trách giúp đỡ và hỗ trợ trong các nghi lễ, lễ nghi hoặc công việc triều chính của hoàng gia. 

** Dương Quý Phi, Loạn An Sử và Sự sụp đổ của đế quốc Đại ĐườngĐầu tiên phải kể đến Dương thị ở Hoằng Nông: Đây là một gia tộc mà hoàng tộc nhà Tùy nhận là tổ tiên, xuất phát từ Hoa Âm (nay là khu vực Hoa Âm, Thiểm Tây) Đây là mẫu tộc của Võ Tắc Thiên, phụ tộc của Dương Quý Phi, Dương Hoàn thời Đường Huyền Tông.

Triều đình nhà Đường, đặc biệt từ thời Đường Huyền Tông, ngày càng sa vào xa hoa, tham nhũng lan rộng. Các quan lại và gia đình quyền quý lạm dụng quyền lực, bóc lột nhân dân, khiến đời sống dân chúng trở nên khốn khổ. Để bảo vệ lãnh thổ rộng lớn, nhà Đường thiết lập các Tiết độ sứ (quan chỉ huy quân sự địa phương) có quyền tự trị cao, dẫn đến việc họ dần trở thành các thế lực cát cứ. Điều này làm suy yếu quyền lực trung ương. Thuế khóa nặng nề và thiên tai liên tiếp khiến nông dân nổi dậy khắp nơi. Hệ thống vận chuyển lương thực cũng không hiệu quả, dẫn đến mất ổn định kinh tế.

Về phía Đường Huyền Tông, dù từng đạt được những thành tựu rực rỡ, càng về già càng trở nên mê muội, chìm đắm trong sắc đẹp và tình yêu với Dương Quý Phi. Ông bỏ bê chính sự, giao quyền điều hành triều đình cho các đại thần và thân tộc của Dương Quý Phi, như Dương Quốc Trung (anh họ của Dương Quý Phi). Mâu thuẫn giữa Dương Quốc Trung và An Lộc Sơn (một Tiết độ sứ gốc Hồi Hột) ngày càng gay gắt, trở thành nguyên nhân trực tiếp dẫn đến Loạn An Sử (755 – 763 SCN) 

Cuộc nổi loạn này không chỉ là một cuộc chiến tranh mà còn là cú đánh chí mạng vào sự ổn định của nhà Đường. Sau khi đàn áp được cuộc nổi dậy, nhà Đường không còn khả năng khôi phục quyền lực trung ương mạnh mẽ. Sau Loạn An Sử, quyền lực của các Tiết độ sứ tăng mạnh, dẫn đến cát cứ địa phương và sự suy yếu của triều đình. Cuối cùng, nhà Đường sụp đổ vào năm 907. Dương Quý Phi đời vào năm 756, trong bối cảnh cuộc Loạn An Sử đang diễn ra. 

Năm 756, khi quân nổi loạn của An Lộc Sơn áp sát Trường An, Đường Huyền Tông buộc phải chạy trốn cùng đoàn tùy tùng về phía tây, đến Mã Ngôi ( nay thuộc tỉnh Thiểm Tây). Trên đường chạy loạn, binh sĩ trong đoàn nổi loạn, yêu cầu xử tử Dương Quốc Trung, anh họ của Dương Quý Phi, vì cho rằng ông là nguồn cơn gây ra tai họa. Sau khi Dương Quốc Trung bị giết, quân lính tiếp tục yêu cầu xử tử Dương Quý Phi, cho rằng bà là người khiến Đường Huyền Tông trở nên mê muội, bỏ bê chính sự. Dưới áp lực, Đường Huyền Tông buộc phải ra lệnh xử tử Dương Quý Phi để xoa dịu quân đội. Bà bị ép phải tự tử bằng cách thắt cổ tại Mã Ngôi.

Nhà Triệu do nam chính Tống Hành lập nên diễn ra cùng lúc với giai đoạn nhà Đường sụp đổ. Chu Ôn (trong truyện là Giang Tiều) phế cựu hoàng đế triều Đường thành Tế Âm vương, đưa đến Tào Châu, cho binh sĩ canh chừng, đến năm 908 thì hạ độc sát hại cựu hoàng. Chu Toàn Trung lên ngôi hoàng đế, đặt quốc hiệu là Lương (sử gọi là Hậu Lương). Trong truyện, Giang Tiều lên ngôi, đặt quốc hiệu là Nam Ngụy.

Có thể nói lý do Thái hoàng thái hậu Tiết thị kiêng dè nữ chính (nguyên thân Dương Sở Âm) cũng vì nàng xuất thân từ Hoằng Nông Dương thị. Bà sợ nếu nam chính Tống Hành quá mức sủng ái nàng, thì sẽ đi vào vết xe đổ của triều Huyền Tông. (Chi tiết này từng được nhắc đến trong chương 59)