Giam Nàng Trong Trướng - Tụ Tụ Yên

Chương 64: Công chúa Tuyên Thành




Thời gian cứ thế trôi qua, chớp mắt đã sang tháng bảy, hạ tàn thu đến. Qua tiết Xử Thử, thời tiết dần trở nên mát mẻ hơn. Thi Yến Vi nhân một ngày được nghỉ, tìm đến thôn Giang bên suối Hoán Hoa để dạo chơi.

Buổi sáng, vào lúc giờ Thìn một khắc, nàng cưỡi ngựa lên đường. Vì trời còn sớm, đường phố thưa thớt bóng người và ngựa xe. Nàng men theo bờ suối Hoán Hoa, vừa đi vừa hỏi đường, chừng khoảng hai khắc thì đến được thôn Giang.

Phóng tầm mắt ra xa, chỉ thấy trong thôn liễu rũ mơ màng, nước chảy dịu êm. Những bức tường trắng mái ngói xám lạnh nối liền nhau, lối mòn cắt ngang ruộng đồng. Trên đồng, lúa trổ một màu xanh mướt, khi gió thu khẽ lướt qua, sóng lúa dập dềnh phát ra tiếng rì rào, tạo nên khung cảnh nhàn nhã, yên ả. 

Thi Yến Vi thong thả dạo bước, trong đầu hình dung ra mạch truyện sẽ viết ngày hôm nay. Chợt nàng nghe tiếng đàn ngân nga từ một lầu dài vọng lại.

Nàng khựng bước, theo tiếng đàn nhìn sang thì thấy một nữ nhân mặc tố y ngồi xếp bằng, ngón tay ngọc ngà lướt trên dây đàn, âm thanh uyển chuyển, da diết như lan tỏa từ đầu ngón tay nàng ta.

Khúc nhạc vừa dứt, Thi Yến Vi tựa như cảm nhận được tâm trạng u sầu của người tấu đàn, bèn cột ngựa vào cây liễu, bước tới hỏi khúc nhạc vừa rồi gọi là gì.

Nữ lang ngẩng đầu nhìn nàng, khẽ mở môi son, đáp rằng đó là khúc “Thục Quốc Huyền” từng được Tiết Đào tấu lên.

Nghe lời kể, Thi Yến Vi cẩn thận ghi nhớ, rồi khéo léo hỏi thêm vài chuyện khác. Hai người tuy chỉ sơ giao nhưng chuyện trò càng lâu càng trở nên thân mật. Chỉ một lúc sau, cả hai bắt đầu nói về những bước ngoặt trong cuộc đời mình.

Nữ lang kia tên là Vương Uẩn Nương bộc bạch câu chuyện đời mình bằng tất cả sự chân thành, trong khi Thi Yến Vi lại không thể nhắc đích danh Tống Hành trước mặt nàng ta. Nàng chỉ nhã nhặn kể lại rằng nàng từng bị một kẻ quyền quý giam cầm, may được quý nhân tương trợ, cuối cùng thoát khỏi tai ương. 

Mải trò chuyện, trời đã sang giờ Ngọ. Qua lời kể, Thi Yến Vi hình dung ra thân thế của Vương Uẩn Nương, bất giác nhớ đến tỳ bà cơ dưới ngòi bút của Bạch Cư Dị. Tuy nàng không biết làm thơ, cũng chẳng tài hoa xuất chúng, nhưng nàng vẫn có thể dùng văn ngôn chất phác để viết lại câu chuyện mình nghe, biến con người và sự kiện ấy thành những dòng chữ hữu hình, lưu danh hậu thế.

Thi Yến Vi từ biệt Vương Uẩn Nương, tự mình tháo dây cương buộc ngựa, dắt ra khỏi thôn, trở lại con đường lớn thoáng rộng, rồi mới leo lên lưng ngựa, thúc ngựa về nhà. 

Sau khi dùng cơm trưa, nàng hồi tưởng những câu chuyện Vương Uẩn Nương kể, cẩn thận sắp xếp ý tứ rồi cầm bút viết lên giấy. Nửa buổi chiều qua đi, câu chuyện về một nữ nhạc công đất Thục phiêu bạt khắp Trường An, Lạc Dương và thành Cẩm Quan hiện lên sống động dưới ngòi bút nàng.

Trong bài viết, Thi Yến Vi không quên ghi lại tên thật của nàng: Vương Uẩn, cùng với tài năng tuyệt diệu của nàng trong việc diễn tấu khúc “Thục Quốc Huyền”.

Sau khi hoàn thành bản thảo, tâm trí nàng chợt nhớ lại một nữ nhân khác được Vương Uẩn Nương nhắc đến.

Công chúa Tuyên Thành, Lý Lệnh Nghi.

Tính đến nay, đây đã là lần thứ ba Thi Yến Vi nghe người khác kể về nàng.

Dẫu có thân phận cao quý là một công chúa, nhưng đứng giữa thời cuộc rối ren, nàng cũng không thể tự định đoạt nhân duyên cho riêng mình.

Mười bốn năm trước, khi mới mười bảy tuổi, để tránh khỏi vận mệnh bị Thánh nhân chỉ hôn nhằm lung lạc quyền thần, nàng đã quyết liệt chọn con đường xuất gia, làm một đạo cô.

Thánh nhân biết chuyện, long nhan giận dữ, lập tức hạ chỉ buộc nàng hoàn tục. Công chúa Tuyên Thành kháng chỉ bất tuân, thẳng thừng nói: “Quan viên quyền quý khắp triều đình, nhà nào chẳng tam thê tứ thiếp? Cả đời không làm tân nương thì đã sao? Không bằng tự do tự tại, còn hơn bị làm bẩn tai mắt.”

Dứt lời, nàng định lao đầu vào cột để tỏ rõ chí mình.

May mắn thay, một cung nhân nhanh tay ngăn lại, sau đó tâu trình sự việc lên Thánh nhân. Vì đường con cái ít ỏi, mẹ công chúa lại qua đời từ sớm, trong lòng người không đành, rốt cuộc thu hồi ý chỉ, để mặc nàng xuất gia tu hành.

Năm ấy, Vương Uẩn Nương vừa tròn hai mươi tư, là một ca kỹ tại Giáo Phường Tư ở thành Trường An. Một lần nàng nghe các khách nhân bàn luận về chuyện này, cả sảnh đường cười ầm, công kích công chúa Tuyên Thành là nữ lang dị dạng, bởi ai nấy đều cho rằng đàn ông tam thê tứ thiếp vốn là lẽ thường tình, cớ sao nữ nhân dám lắm mồm chỉ trích? Nàng dù là công chúa, nhưng lại không có phẩm hạnh, không biết tam tòng tứ đức, thật làm ô uế hoàng thất.

Vương Uẩn Nương chẳng thể quên gương mặt xấu xí, đầy ác ý của những kẻ ấy. Chính từ ngày đó, nàng thề rằng cả đời sẽ không gả cho ai. Đến năm ba mươi bảy tuổi, rốt cuộc nàng cũng được thoát tịch, mang theo số bạc dành dụm suốt bao năm, một mình đến thôn Giang ở thành Cẩm Quan, dựng một ngôi nhà nhỏ để sinh sống.

Những câu chuyện về Vương Uẩn Nương và Lý Lệnh Nghi khiến Thi Yến Vi cảm thán khôn nguôi. Dẫu lòng nàng nặng trĩu, nhưng cũng thầm cảm thấy may mắn khi bản thân đã thoát khỏi móng vuốt của Tống Hành.

Dẫu trải qua biết bao sóng gió, nhưng cuối cùng, cả ba người họ đều có được cái kết viên mãn của riêng mình.

Thi Yến Vi chợt nhớ đến việc công chúa Tuyên Thành từng góp phần cải tiến kỹ thuật rèn sắt, giúp thợ thủ công chế tạo ra dụng cụ sưởi ấm cho dân gian. Tư tưởng của nàng cũng vô cùng tiến bộ, vượt xa những ràng buộc mà thời đại này áp đặt lên nữ nhân, đủ để nàng trở thành nhân vật đáng ghi thành sách truyện.

Ngoài khung cửa, ánh tà dương dần ngả về tây, ráng chiều phủ trên những tầng mây, phản chiếu ánh sáng đỏ cam lên những chiếc lá ngân hạnh hơi ngả vàng, cảnh sắc yên bình mà đẹp đẽ.

Từ luyện sắt, chế tạo ấm sưởi, đến tu đạo, kháng chỉ, lánh đời. Thi Yến Vi xâu chuỗi mọi chi tiết về công chúa Tuyên Thành. Khi mọi mảnh ghép khớp thành một vòng tròn hoàn chỉnh, trong lòng nàng bỗng dấy lên một suy đoán đầy táo bạo.

Lẽ nào, công chúa cũng giống như nàng, là một người mang linh hồn từ thế giới khác xuyên qua?

Niềm vui sướng bất ngờ tràn ngập tâm trí, khiến Thi Yến Vi khó lòng thoát ra được.

Nếu Lý Lệnh Nghi cũng là người xuyên không, vậy thì, nàng sẽ không còn đơn độc trên thế gian này nữa…

Thi Yến Vi nóng lòng muốn biết thêm về những chuyện liên quan đến công chúa Tuyên Thành. Nếu chẳng phải lệnh giới nghiêm sắp đến, nàng thật sự muốn ra ngoài hỏi han khắp nơi một phen ngay.

Những ngày sau đó, Thi Yến Vi lân la dò hỏi, cuối cùng nghe được về một người từng sống lâu năm ở Trường An nhưng thi cử lận đận, giờ về quê mở trường tư dạy học: Trương Nhị lang.

Ngày hôm sau, nàng xin nghỉ một ngày, đến phường Văn Ông ở phía nam thành để tìm Trương Nhị lang.

Chuyến này quả không phí công. Thi Yến Vi đã nghe được nhiều câu chuyện về cuộc đời của công chúa Tuyên Thành từ lời kể của Trương Nhị lang.

Thì ra, năm xưa sau khi công chúa Tuyên Thành đến tu hành tại Diên Sinh quán ngoài thành Trường An, bệnh tình của Thánh nhân bỗng chuyển biến tốt đẹp, Thánh nhân vốn trọng đạo, liền tin chắc đó là phúc khí mà công chúa mang lại. Từ đó, ngài càng thêm sủng ái công chúa Tuyên Thành, thường xuyên ban thưởng vàng bạc châu báu cho nàng.

Mặc dù xuất thân hoàng thất, song công chúa Tuyên Thành lại không mang thói kiêu kỳ xa xỉ. Nàng thường xuyên phát cháo bên ngoài đạo quán, giải đáp thắc mắc của bá tính, thu nhận các nữ lang không nơi nương tựa, đích thân dạy họ học chữ, tính toán. Đợi khi có được tay nghề, nàng lại phái người đưa họ xuống núi, tự mình kiếm kế sinh nhai.

Thế nhưng, cảnh tượng tốt đẹp ấy chỉ kéo dài vẻn vẹn được ba năm. Sau khi Thánh nhân băng hà, thái tử kế vị, vì công chúa Tuyên Thành không phải là em gái ruột của tân đế, nên nàng dần bị thất sủng. Ngày tháng càng thêm khó khăn, nàng buộc lòng rời kinh, đến ẩn cư tại Kính Đình sơn ở Tuyên Châu, tránh xa thế tục.

Bảy năm sau, Tân Đế qua đời, con trai là Ai Đế kế vị.

Ai Đế tuy yếu mềm nhút nhát, nhưng lại đặc biệt coi trọng tình thân. Vì cảm thương hoàng tộc ngày một thưa thớt, giữa hàng thúc bá cùng huynh đệ tỷ muội, chỉ còn mỗi vị hoàng cô là công chúa Tuyên Thành còn trên đời, nên sau khi lấy lòng và được Giang Tiều ưng thuận, người mới dám hạ chỉ tu sửa đạo quán cho công chúa.

Trương Nhị lang còn kể, trước khi rời khỏi hoàng cung để tu hành, công chúa Tuyên Thành từng viết sách truyền ký, nhưng vì trong sách chứa không ít lời lẽ trái với luân thường, lại chuyên viết về nữ nhân, nên không được người đương thời đón nhận. Dẫu nàng bỏ tiền khắc in thành sách, thì cũng hiếm người chịu mua về đọc.

Về sau, có ngôn quan can gián Thánh nhân trước Minh đường, bóng gió chỉ trích công chúa Tuyên Thành là hiện tượng dị đoan, cho rằng sách của nàng đi ngược với lễ giáo cương thường, phản lại đức hạnh của nữ tính, không thể để tà phong mê hoặc chúng sinh. Thánh nhân nổi giận, nghe theo lời ngôn quan, hạ chỉ đốt sách của công chúa, dân gian cũng bị cấm tái bản.

Trương Nhị lang nhớ rõ chuyện này, bởi ông từng đọc qua sách của công chúa. Tiếc rằng chưa kịp đọc hết, cuốn sách đã bị phường đinh tịch thu rồi thiêu hủy.

Dạy nữ nhân học chữ, lại vì nữ nhân mà viết sách riêng. Thi Yến Vi nghe đến đây, không nói đến xác suất trăm phần trăm, nhưng tám, chín phần nàng đã có thể chắc chắn vị công chúa này chính là một người xuyên không.

Nàng nghĩ, đợi khi thời cuộc ổn định, hoặc khi Tống Hành đăng cơ, bắt tay giảng hòa và nối lại giao thương với Nam Ngụy, nàng nhất định phải đến núi Kính Đình ở Tuyên Châu, tìm gặp vị công chúa Tuyên Thành này một lần.

Cõi lòng đã định ra chủ ý, hạ quyết tâm xong, Thi Yến Vi chắp tay trước ngực thi lễ cảm ơn Trương Nhị lang, cáo từ rời đi.

Có lẽ vì trong lòng đã nhen nhóm một tia hy vọng, dường như thời gian trôi qua càng thêm dài đằng đẵng. Mỗi ngày sau khi xong việc, lúc trở về nhà, Thi Yến Vi đều bần thần đứng trước gốc hồng và cây lựu già trong sân hồi lâu.

Hồng và lựu đều là những trái ngọt chín vào mùa thu. Tuy hiện giờ chỉ mới đầu thu, trên cây cũng đã lác đác những trái nhỏ xanh xanh, nom thật vui mắt. 

Thi Yến Vi nhớ mẹ nàng, Thi Văn Tịnh, rất thích ăn lựu vào mùa thu, nên càng mong cây lựu kia sẽ sớm ngày chín đỏ.

Ngày mười hai tháng tám, bầu trời trong xanh như ngọc, khí trời sáng sủa thanh lành.

Tống Hành đội mũ miện bạch ngọc mười hai tua, mặc hoàng bào màu huyền sắc thêu mười hai chương văn, thắt đai da dát vàng nạm ngọc, bên hông vẫn mang thanh trường kiếm huyền thiết đã cùng hắn chinh chiến nhiều năm. Tại Lạc Dương, hắn chính thức lên ngôi hoàng đế, lấy phong hiệu của phụ thân Triệu Quốc Công làm quốc hiệu, truy tôn sinh phụ Tống Giới làm Thái tổ, truy phong sinh mẫu làm Nguyên Đức Hoàng hậu, tôn tổ mẫu họ Tiết làm Thái hoàng thái hậu, phong em trai Tống Duật làm Thẩm vương, và em gái Tống Thanh Âm làm Tấn Dương Trưởng công chúa.

Đại điển đăng cơ diễn ra tại chính điện Tử Vi thành, trang trọng uy nghiêm, trống nhạc linh đình, khí thế lẫm liệt.

Tống Hành trong sự chú mục của bá quan văn võ, bước từng bước vững chãi lên bậc đá, thẳng lưng đứng trước điện Minh Đường, lắng nghe tiếng quần thần đồng thanh tung hô vạn tuế, ngước mắt trông về phía dãy núi trập trùng.

Sau đại lễ, quần thần cùng nhau yến ẩm tại Minh Đường, chúc mừng tân hoàng đăng cơ.

Ở thành Cẩm Quan cách xa ngàn dặm, cũng vì sự kiện này mà dỡ bỏ lệnh giới nghiêm trong vòng ba ngày.

Sau khi hoàn tất một ngày dài làm việc, Thi Yến Vi đội mũ màn sa, mướn xe lừa đến phường Phú Xuân dạo chợ đêm.

Mùa thu, trời tối nhanh, chỉ mới giờ Dậu hai khắc mà bầu trời đã đen mờ. Đèn hoa được thắp lên, gió đêm hiu hiu thổi.

Phường Phú Xuân nổi tiếng bởi rượu ngon, trong phố còn có không ít trà phường và các hàng quán bán thức ăn vặt đủ loại. Thi Yến Vi vừa đi vừa dừng, trước sau cũng nếm thử ba bốn món, rồi mua thêm vài thứ lạ mắt rẻ tiền, cuối cùng bước vào một trà phường để thưởng trà.

Trà phường ở thành Cẩm Quan khác hẳn nơi khác, giá có nhỉnh hơn đôi chút, nhưng chỉ cần gọi một chén trà là có thể ngồi cả buổi, còn được xem các vở hí kịch trên đài.

Nàng gọi một chén trà, trả mười văn tiền cho trà nhị, rồi tìm một chỗ ngồi gần giữa sảnh.

Trên đài đang diễn một vở tham quân hí, khán giả bên dưới cười rộn ràng.

Thi Yến Vi xem chừng nửa canh giờ, thấy trời đã không còn sớm, liền thuê xe lừa trở về nhà ở phường Bích Kê. 

Tống Hành nay đã lên ngôi, chẳng bao lâu nữa sẽ lập hoàng hậu, lại nạp thêm phi tần để củng cố quyền vị, nối dài tông tự.

Đời này, nàng chẳng mong còn chút liên quan nào đến hắn, chỉ mong hắn và hoàng hậu tương lai tâm đầu ý hợp, cầm sắt hòa minh, sớm quên đi nàng. 

Những ngày gần đây, hồng và lựu trong sân đều đã kết quả chín mọng. Thi Yến Vi có phần mệt mỏi, vã nước lạnh cho tỉnh táo, rồi xách đèn lồng ra hái mấy trái hồng tươi rói trên cây.

Sợ hái nhiều ăn không hết, nàng chỉ lựa mấy quả chín đút vào giỏ, nghĩ bụng hôm khác có thời gian sẽ mời hàng xóm đến hái mang về ăn, tránh để những quả hồng mục rữa trên cây rồi phí hoài rụng xuống.

Kể từ khi rời khỏi Thái Nguyên, kỳ lạ thay, có lẽ nhờ tâm trạng thoải mái hơn, mà chỉ chưa đầy nửa tháng sau khi chia tay Kiếm Sương, kỳ nguyệt tín của nàng dần trở lại bình thường, mỗi tháng chỉ chậm ba đến năm ngày. Dẫu cơn đau vẫn còn dữ dội, nhưng may mắn thay, lại không xuất hiện thêm bệnh trạng gì khác.

Thi Yến Vi cứ thế hái hồng mang vào nhà, hoàn toàn không để ý tới hai bóng đen in trên bức tường phía sau. 

Ngày kế tiếp, Thi Yến Vi hóa trang, phủ thêm áo khoác màu hồng cánh sen thêu hoa văn hình đoàn rồi ra ngoài. 

Trong không khí phảng phất hương thơm nhẹ của hồng chín, Thi Yến Vi ngửi thấy mùi quả tươi mát, bất giác đứng dưới mái hiên, ngước nhìn cây hồng. Trên những phiến đá dưới gốc cây có vài quả hồng dập nát đã rụng. Nàng đoán mùi thơm kia hẳn là từ phần thịt quả tỏa ra.

Thi Yến Vi chỉ liếc qua đôi chút, cũng không nghĩ nhiều, chỉ cho rằng đêm qua quả bị gió thổi rụng, hoặc cũng có thể do lũ mèo hoang quanh đây trèo lên cây làm rơi. Nàng tự nhủ quả hồng có mùi thơm ngọt thế kia, biết đâu còn thu hút cả chim chóc kéo đến đây rỉa phần thịt quả. Vậy nên đợi đến khi tan làm, về nhà rồi hẵng dọn dẹp sau.

Tháng này nàng được nghỉ hai ngày, một ngày dành cho ngày đầu kỳ nguyệt tín, còn một ngày để đến bên giếng Tiết Đào, xem các nữ lang, bà tử trong thành làm giấy Tiết Đào bên bờ suối Hoán Hoa.

Nàng trông thấy trong giỏ chất đầy hoa phù dung, các nữ lang đem hoa phù dung cho vào cối giã lấy nước, sau đó đem sắc thành nước hoa phù dung, rồi hòa vào dòng suối Hoán Hoa, dùng cọ quét nước hoa lên giấy làm từ vỏ cây phù dung, phơi khô, trở thành giấy Tiết Đào.

Chỉ đứng nhìn thôi mà Thi Yến Vi cũng cảm thấy công việc này thật chẳng dễ dàng, nhất là khâu sắc nước hoa phù dung, chỉ cần sơ suất một chút là nước hoa sẽ cháy khét, không chỉ phí công phí sức mà còn uổng cả một giỏ phù dung. Hơn nữa, việc chế tác giấy từ vỏ cây phù dung cũng cầu kỳ không kém. 

Khi xưa, Tiết Đào phát minh ra loại giấy này, chắc chắn đã thử nghiệm nhiều lần, dốc không ít tâm tư.

Những ngày ở thành Cẩm Quan thực bình yên thoải mái. Thi Yến Vi ngồi phơi nắng bên bờ suối Hoán Hoa, ánh mặt trời cuối tháng tám không còn gay gắt như mùa hè, chiếu lên người mang lại cảm giác ấm áp dễ chịu. Nàng ngồi thêm khoảng hai khắc đồng hồ rồi ghé một quán nhỏ bên đường ăn hoành thánh.

Ngày tháng dần trôi, đảo mắt đã là tháng chín. 

Lạc Dương.

Tử Vi thành, điện Triều Nguyên.

Đêm đến, sáu vòng đèn hình bạch lộ tỏa sáng, hàng chục ngọn nến thắp rạng một góc trời, chiếu sáng cả đại điện như ban ngày. Dầu nến nhỏ xuống đáy, đông thành từng lớp đèn hoa.

Dưới ánh nến, Tống Hành cầm bút son, viết trên tờ giấy, nét bút sắc bén.

Trương nội thị nhẹ nhàng gõ cửa điện, nói rằng Bất Lương Soái xin cầu kiến.

Tống Hành thoáng cau mày, hạ bút nhìn vết mực chưa khô trên sổ con, đặt sang một bên, ra lệnh cho Trương nội thị mời người vào.

Một lát sau, Trương nội thị đẩy cửa điện, khom lưng cung kính mời Bất Lương Soái vào.

Tống Hành đứng dậy, chậm rãi bước đến bên cửa sổ, nhìn bóng hoa phù dung lay động trong gió.

“Ti hạ bái kiến Thánh thượng.” Bất Lương Soái nói, cúi đầu hành lễ.

Tống Hành khẽ đáp, trầm giọng hỏi: “Có phải đất Thục có tin tức rồi chăng?”

Bất Lương Soái gật đầu, giọng nhẹ nhàng: “Bẩm đúng.”

“Nữ lang mà Thánh thượng tìm quả thật đang ở thành Cẩm Quan, hai tháng trước đã thuê một ngôi nhà ở phường Bích Kê. Ngôi nhà đó nằm cạnh suối Hoán Hoa, do nha nhân trong thành giới thiệu. Khế thư đang ở đây, kính xin Thánh thượng xem qua.”

Nói rồi, hắn lấy khế thư trong lòng ra, dâng lên bằng cả hai tay.

Tống Hành quay người nhìn hắn, cầm lấy khế thư nhưng không để tâm đến nội dung bên trên, chỉ chăm chú nhìn vào chỗ ký tên đóng dấu.

Hai chữ Trịnh Nghiên đập vào mắt, Tống Hành gần như lập tức nhận ra nét chữ của nàng. Không biết từ bao giờ, nét chữ của nàng ghi tạc trong lòng, khắc sâu vào đầu hắn. 

Những ngày say đắm vấn vương, trong thư phòng, hắn ôm nàng, giữ chặt nàng, kiềm chế nàng. Đôi môi nàng ấm áp mềm mại, vòng eo nàng tinh tế mảnh mai, những ngón tay ngọc trắng nõn như búp măng, lúc đan vào tay hắn, lòng bàn tay nhỏ bé ấy hoàn toàn nằm gọn trong lòng bàn tay hắn.

Nàng như thể được tạo từ nước, lúc quyến luyến bên hắn, nước mắt hòa lẫn cùng ngọc lộ, khiến hắn chẳng nỡ rời khỏi nàng, chỉ muốn nhìn nàng nấc nhẹ, dáng vẻ diễm lệ cầu xin. 

Tống Hành đột ngột nhắm mắt lại, vô thức siết chặt khế thư, vừa phẫn hận vì sự giả dối và phản bội của nàng, nhưng đồng thời, cảm giác kích động và hân hoan khi tìm ra tung tích của nàng lại dội lên mãnh liệt.

Chỉ vài nhịp thở sau, nhờ khả năng tự kiềm chế phi thường, Tống Hành ép bản thân bình tĩnh lại. Hắn từ từ mở mắt, đôi môi mỏng khẽ nhếch, trầm giọng ra lệnh: “Ngày mai khi trời vừa sáng, hãy tìm vài người thật đáng tin, mang theo hai cung nhân mà trẫm đã lệnh đưa tới, cùng đến thành Cẩm Quan. Nếu nàng kháng cự hay tìm cách tự vẫn, cứ lấy hai cung nhân đó ra uy hiếp, chắc chắn sẽ khiến nàng khuất phục.”

Bất Lương Soái cung kính đáp lại, khi nhận được cái gật đầu từ Tống Hành, hắn khom người thi lễ lần nữa rồi quay người, rời khỏi điện Triều Nguyên trong im lặng.

Tống Hành lặng người chống tay lên cửa sổ, mặc cho cơn gió đêm lạnh lẽo thổi vào người, xua tan đi cảm giác oi bức đang âm ỉ trong lồng ngực. Những ngón tay thon dài thô ráp nhẹ nhàng gõ lên khung cửa làm bằng gỗ kim ti nam mộc, [1] dần khép chặt lại.

[1]

[1] kim ti nam mộc: là loại gỗ quý hiếm phân bố chủ yếu ở Tứ Xuyên và một số vùng thuộc phía Nam sông Trường Giang, Trung Quốc. Được mệnh danh là “gỗ hoàng đế”, kim ti nam mộc thường được hoàng đế và hoàng tộc sử dụng. Cây kim ti nam mộc càng “lâu năm” thì gỗ càng quý và có giá trị càng cao. Nguồn chú thích: danviet.vn

Lẽ ra hắn nên giữ nàng lại bên mình từ đầu, khiến nàng chẳng thể đi đâu, để từ ánh mắt lẫn trái tim nàng chỉ có thể hướng về hắn, chỉ vì mỗi mình hắn mà nở rộ…

Tống Hành khép mắt, hít sâu vài hơi khí lạnh, ngước nhìn vầng trăng sáng lơ lửng trên cao, trong lòng lại niệm tưởng về nàng.

Từ khi hắn đăng cơ, quốc sự bận rộn, tính ra cũng đã rất lâu rồi hắn chưa một lần nào buông thả bản thân.

Tống Hành không thích dáng vẻ này của mình, cố gắng đè xuống cỗ tà hỏa đang bùng lên sai lúc, trở lại bên án, kéo ghế bành ra ngồi xuống, chấm mực, nhấc bút đề chữ. 

Thời gian chậm rãi trôi qua, đồng hồ điểm đến canh hai, màn đêm càng trở nên sâu thẳm, nhưng tiếng gió ngoài cửa sổ lại dường như lớn hơn trước, cuốn qua làm lá cây xào xạc không ngừng.

Tống Hành phê xong sổ con, ra khỏi tiền điện, đi về phía hậu điện, còn có Trương nội thị theo sát phía sau.

Đi tới giữa sân, chợt thấy dưới mái hiên thấp thoáng bóng dáng một cung nhân cao gầy trong bộ y phục màu xanh thẫm. 

Tống Hành không mấy để tâm, cất bước lên bậc thềm, Trương nội thị mở cửa, ngay lúc ấy cung nhân nọ liền đuổi theo Tống Hành, điềm đạm hỏi: “Đêm nay Thánh thượng có cần tắm gội không ạ?”

Nghe vậy, Trương nội thị liếc nhìn cung nhân kia một cái, thấy đôi mắt đào hoa long lanh của nàng, mới sực nhớ đây là người do Thái hoàng thái hậu đưa tới, gọi là Bảo Sênh.

Tống Hành không thèm liếc nàng lấy một lần, chỉ nhàn nhạt đáp một tiếng, sải bước vào điện.

Sau khi chuẩn bị nước tắm xong, Bảo Sênh mang đến bộ trung y và tiết khố sạch sẽ, vì Tống Hành vốn không thích mùi hương nên nàng không hề xông qua bất kỳ loại hương liệu nào.

Khi Tống Hành đi vào phòng tắm, Bảo Sênh nhớ kỹ lời căn dặn của Thái hoàng thái hậu, bèn mạnh dạn bước theo, định thay hắn cởi bỏ y phục. 

Nhận ra động tĩnh bất thường từ cung nữ phía sau, Tống Hành đột ngột dừng lại, quay đầu nhìn thoáng qua Bảo Sênh, thì thấy quả nhiên nàng cũng có đôi mắt đào hoa đẹp như nữ gian nọ, dung mạo đoan trang, khí chất bất phàm.

Thiên hạ này, dám đưa người vào điện Triều Nguyên của hắn, lại còn chiếu theo sở thích của hắn, chỉ có duy nhất một người, bà nội hắn. 

Hắn cũng chưa thấp hèn đến mức mượn dáng vẻ của người khác để tìm kiếm bóng hình nàng. 

Tống Hành cười nhạt tự giễu, đáy mắt lạnh như kết băng, miễn cưỡng hỏi: “Ngươi từ cung của Thái hoàng thái hậu tới đây?”

Bảo Sênh bị khí thế không giận mà nghiêm của hắn chấn nhiếp, lặng lẽ cúi đầu, rất lâu sau mới run run đáp lại.

Tống Hành phất tay áo, chắp tay sau lưng, trầm giọng nói: “Ra ngoài, từ nay việc hầu hạ trẫm tắm rửa, giao hết cho hoàng môn [2] làm.”

[2][2] hoàng môn: từ này có thể được hiểu là các thái giám, nội thị trong cung.

Thánh thượng từ chối thẳng thừng như vậy, thậm chí chẳng buồn nhìn nàng lấy một lần. Bảo Sênh tự cảm thấy mình đã phụ lòng kỳ vọng của Thái hoàng thái hậu, trong lòng cảm thấy cay đắng, cố nén sự thất vọng, đáp lại một tiếng rồi xoay người, lẳng lặng rút lui.

Tống Hành tự mình cởi bỏ trường bào, bước vào bồn tắm, làn sương mỏng manh bốc lên từ mặt nước. Trong đầu hắn mơ hồ nhớ lại mùa thu năm ngoái, tại hồ Hải Đường, nữ gian quen thói lừa gạt ấy đã giao hòa môi lưỡi với hắn, say đắm xiết bao.

Ngọn lửa không sao kìm nén được bùng cháy từ dưới lên trên, thiêu đốt khiến hắn miệng khô lưỡi khát. Dù đã ba lần bảy lượt kiềm chế, cuối cùng vẫn không thắng nổi những suy nghĩ đen tối kia. Hắn mím môi, tức giận vùi bàn tay xuống dưới mặt nước, chỉ một lúc sau, làn nước đã gợn sóng dồn dập.

Xung quanh nước bắn ra tung tóe, tiếng động ngày một dữ dội hơn.

Tống Hành hồi tưởng lại hai giấc mộng kiều diễm, hắn hóa thành mèo, thành chó, lao vào vòng tay nàng. Sau khi trở lại hình người, hắn lại cùng nàng làm những chuyện thân mật nhất.

Nàng nằm dưới thân hắn đôi mắt đỏ hoe, lệ rơi lã chã, khẽ gọi hắn, đánh hắn, mắng hắn. 

Nàng yếu đuối và dịu dàng đến mức, ngay cả khi mắng chửi, giọng nói cũng yểu điệu ngọt ngào, khiến hắn không tài nào tức giận được.

Trời biết hắn thích nghe nàng mắng mình, hờn trách mình đến nhường nào. 

Cứ như một cặp phu thê bình thường, lúc nào cũng đầy ắp tình ý.

Lát sau, Tống Hành khẽ gầm lên một tiếng trầm đục, hai tay đã tê dại, vội vàng lau qua loa bằng chút xà phòng hương thảo rồi bước ra khỏi bồn tắm, mặc lại y phục.

Hôm sau hạ triều, Tống Hành giữ lại mấy vị đại thần thân tín trong triều để bàn luận chính sự. Xong xuôi, vừa bước ra khỏi Minh Đường, đã có hoạn quan đến thỉnh hắn tới điện Huy Du.

Tống Hành đại khái đoán được Thái hoàng thái hậu muốn nói gì với hắn. Dù có chút nhức đầu, nhưng vì đây là việc hắn từng hứa khi ở Thái Nguyên nên không thể nuốt lời, đành bãi giá đến điện Huy Du.

Lần này, Thái hoàng thái hậu đưa ra không dưới mười bức mỹ nhân đồ, nói rằng những nữ lang trong tranh đều là danh môn quý nữ, phẩm mạo vẹn toàn.

Tống Hành mím nhẹ môi, hời hợt liếc qua, đúng là đến một người vừa mắt cũng không thấy.

Trong lòng hắn vẫn còn nghĩ đến nữ nhi họ Dương sao? Thái hoàng thái hậu nhíu nhẹ đôi mày điểm sương, nhưng cũng không dám tùy tiện nhắc đến nàng trước mặt hắn, hàn huyên vài câu, rồi lại nói đợi khi thành Lạc Dương đón trận tuyết đầu tiên, sẽ mời những quý nữ này vào cung, cùng bà thưởng tuyết.

Tống Hành không nghe lọt tai, hờ hững gật đầu, dùng vẻ mặt khó đoán mà đáp: “Từ nay về sau, a bà không cần phải hao tâm tốn sức đưa người vào điện Triều Nguyên nữa.”

Đến đây thì Thái hoàng thái hậu không thể không tỉnh ngộ: người cháu trai mà bà từng lấy làm tự hào, nay đã là bậc đế vương lời vàng ý ngọc, nhất ngôn cửu đỉnh, dù là bà cũng không được phép làm trái.

Thái hoàng thái hậu cũng không rõ vui nhiều hơn hay lo lắng nhiều hơn, chỉ khẽ khép mắt, sai người thu dọn những tập tranh kia lại, rồi đổi giọng, làm bộ mệt mỏi, đuổi khéo Tống Hành mau quay về lo liệu chính sự.

Rời điện Huy Du, Tống Hành đứng trên cao, ngắm nhìn những cung điện tầng tầng lớp lớp của Tử Vi thành, cùng dãy núi xanh biếc nối liền nhau trùng điệp, lòng bỗng dưng lại nhớ đến người kia. 

Hắn vẫn nhớ rõ, nàng đã từng hứa sẽ gả cho hắn làm nhũ nhân, thề rằng kiếp này sẽ không bao giờ rời bỏ hắn.

Thế nhưng, tất cả chỉ là những lời giả dối, nhằm gạt hắn hạ xuống sự đề phòng. 

Nàng chưa bao giờ thật lòng với hắn.

Nàng chỉ là một nữ gian phản trắc, vô tâm vô phế mà thôi.

Nực cười thay, đến tận bây giờ hắn vẫn không cách nào ngăn mình nhớ đến nàng, thậm chí, đến cả hứng thú muốn liếc mắt nhìn một nữ nhân khác cũng không có.

Khoảnh khắc ấy, đôi tay Tống Hành nắm chặt lại thành quyền, xương ngón tay phát ra tiếng “răng rắc”, ánh mắt lóe lên tia hiểm độc. 

Dương Sở Âm, lần này, trẫm tuyệt đối sẽ không tin bất kỳ lời nào từ miệng nàng nữa, cũng sẽ không nhân nhượng thêm lần nào nữa. Trẫm sẽ khiến nàng hiểu rõ, thế nào là nộ khí của bậc thiên tử…