Giam Nàng Trong Trướng - Tụ Tụ Yên

Chương 61: Nàng trốn




Sống vì chính mình một lần… Liệu nàng có tư cách để mơ đến điều đó không?

Từ khi biết nhận thức, nàng đã rơi vào tay những kẻ buôn người. Nếu không nhờ Tam lang quân nhân từ cứu vớt, tìm thầy dạy võ rồi sắp xếp nàng làm võ tỳ bên cạnh tiểu nương tử, thì về sau khi tiểu nương tử xuất giá, nàng cũng không được giao phó nhiệm vụ bảo hộ Dương nương tử một đời bình an. 

Sinh mạng này, có thể nói là do Tam Lang Quân ban cho. Nếu không có ngài, bọn buôn người chắc đã bán nàng vào chốn phong trần ô nhục, sống một cuộc đời còn thua cả cái chết. Bằng tính cách cứng cỏi khắc sâu trong xương tủy, nàng thà chết chứ không chịu nổi những năm tháng như địa ngục đó.

Tam lang quân là ân nhân của nàng, lời của ngài, nàng coi như thánh chỉ, tuyệt đối không thể trái nghịch.

Tuy đã động lòng trước những lời hứa hẹn đầy mê hoặc của Thi Yến Vi nhưng Kiếm Sương vẫn không thể từ bỏ điều mà Tống Duật đã sai phái. Sau một hồi giằng xé, nàng đành ép mình lắc đầu, khẽ nói, “Từ khi vào phủ, nô tỳ chưa từng nghĩ đến sống vì bản thân. Nô tỳ chỉ biết cuộc đời này do lang quân ban tặng, nên cả đời sẽ trung thành với lang quân. Huống chi, lang quân đã dặn, từ nay trở đi, nương tử là chủ nhân duy nhất của nô tỳ, là người mà nô tỳ không tiếc thân mình để bảo vệ.”

Giây phút ấy, Thi Yến Vi thoáng thấy bóng dáng của Luyện Nhi qua lời nói của Kiếm Sương. Nàng nhớ đến khoảng thời gian ở biệt viện hành sơn năm nào, khi nàng bảo Luyện Nhi cứ gọi thẳng tên mình, nhưng Luyện Nhi nghe xong lại hoảng sợ, nhấn mạnh rằng nàng là chủ nhân, tuyệt đối không thể xưng hô tùy tiện. Giờ đây, cảnh tượng tương tự lại tái diễn với Kiếm Sương.

Có lẽ đã ở trong thế giới này đủ lâu, khiến tâm thế nàng bình thản nhiều hơn trước.

Trong suy nghĩ của họ, quý tiện tôn ti đã cắm rễ quá sâu, nếu dùng lăng kính của người hiện đại để nhìn nhận thì sẽ là phiến diện và có phần không thỏa đáng.

“Như lời cô vừa nói, hiện giờ ta là chủ nhân duy nhất của cô trên đời này, vậy thì hôm nay, ta sẽ dùng thân phận này để ra lệnh lần cuối cùng: từ giờ phút này trở đi, mạng sống của cô không thuộc về ai cả, chỉ thuộc về chính cô mà thôi. Cô không cần phải sống vì bất kỳ ai nữa, chỉ cần sống vì bản thân mình. Trong hành trang có giấy thông hành để trống và một ít ngân lượng, cô và ta mỗi người giữ một nửa, ngày mai mỗi người một ngả. Mong rằng hai ta đều bình an, đừng vương vấn gì nhau nữa.”

Chỉ sống vì chính mình… Câu nói ấy cứ lởn vởn trong tâm trí Kiếm Sương, khiến nàng bất giác bước chậm lại. Mười tám năm qua, chưa từng có ai nói với nàng những lời này.

Dương nương tử biết rõ việc này chắc chắn sẽ chọc giận Tấn vương, nhưng vẫn kiên quyết bỏ trốn khỏi quý phủ, để lại những ngày tháng gấm vóc lụa là, cơm bưng nước rót. Thứ nàng theo đuổi, có lẽ là điều mà nàng gọi là sống vì chính mình chăng?

Nhưng việc được tận mắt ngắm nhìn núi sông hùng vĩ, sa mạc hoang vu thực sự quan trọng đến thế sao? Quan trọng đến mức sẵn sàng đánh đổi cả sinh mạng…

Kiếm Sương không thể hiểu được, nàng mơ hồ cúi đầu, trong tâm trí hỗn loạn, hồi lâu không đáp lại lời Thi Yến Vi.

Hai người sánh bước vào chợ, Thi Yến Vi nhanh chóng bắt tay vào việc mua sắm. Nàng nhắm trúng một con ngựa cao lớn bốn vó cân đối, trải qua hồi mặc cả mới mua được với giá hai mươi quan bạc. Sau đó, nàng còn mua thêm một số vật dụng hàng ngày khác. 

Trở về khách điếm, bầu trời bỗng chốc âm u, mây đen ùn ùn kéo đến phía trên tòa thành lâu, khiến người ta lầm tưởng tuyết sắp rơi dù tiết Tiểu Tuyết vẫn còn chưa đến.

Thi Yến Vi lấy giấy thông hành từ hành trang ra, đếm lại cẩn thận thì thấy còn mười một tờ trắng, nàng chia ra sáu tờ đưa cho Kiếm Sương, rồi kiểm tra số bạc nén trong túi vải.

“Nương tử thực sự muốn đuổi nô tỳ đi sao?” Kiếm Sương thấy nàng bắt đầu chia đồ, như thể đang chuẩn bị thật, trong lòng không khỏi hoang mang. Từ khi có ký ức đến giờ, nàng chưa từng sống một mình, giờ Thi Yến Vi muốn thả nàng tự do, nàng lại thấy như mình mất đi điểm tựa, không biết phải đi đâu về đâu.

Thi Yến Vi chia đôi số bạc vàng, đặt một phần vào túi Kiếm Sương, đối diện ánh mắt có phần bối rối của nàng, “Giờ ta và cô đều đang lẩn trốn, không biết khi nào sẽ bị tìm thấy. Cô đã giúp ta rất nhiều, ta không muốn làm vướng chân cô thêm nữa. Con đường sắp tới tự cô phải quyết định lấy.”

“Vả lại, Phùng Quý và Giang Nghiên chắc chắn đã biết bên cạnh ta có cô bảo vệ, nếu hai chúng ta tiếp tục đi cùng nhau sẽ càng dễ bị phát hiện thôi. Chi bằng mỗi người một hướng, sẽ an toàn hơn.”

Kiếm Sương nghe lời nàng, trong đôi mắt bình thản bất chợt lóe lên một tia sáng. Nàng nhớ đến bức tranh cổ vẽ lại cảnh non nước Giang Nam. Nơi ấy sương khói mờ ảo, chim chóc rộn ràng, hoa sắc tươi thắm, bướm vờn bên lan can điêu khắc, cảnh sắc đỏ tím đua chen…

Có lẽ, khi rời xa Dương nương tử, nàng sẽ đến vùng cực nam Bắc địa, đợi khi thiên hạ yên ổn, sẽ hướng về Tô Hàng mà đi.

Còn cả Tây Bắc, Tái Bắc, Hải Châu như lời Dương nương tử nói nữa… Chỉ cần nàng đủ ý chí và lòng dũng cảm, mọi cảnh sắc trên thế gian này đều có thể một lần đặt chân đến, tự mình trải nghiệm mà, đúng không?

Nếp nhăn trên trán nàng dần giãn ra, ánh mắt dừng lại trên mấy tờ thông hành, cuối cùng gật đầu đồng ý, khẽ đáp: “Nô tỳ nghe theo nương tử.”

Thi Yến Vi cuối cùng đã thuyết phục được nàng, cũng giãn đôi mày. Nàng lấy nghiên mài mực, chấm mực lên bút rồi viết như bay.

Kiếm Sương không biết nhiều chữ, thời gian này Thi Yến Vi đã dạy nàng một ít, nhưng cũng chỉ như muối bỏ biển, miễn cưỡng nhận ra được vài chữ đơn giản. Vì vậy, Thi Yến Vi dặn đi dặn lại nàng, sau này dù nàng có dừng chân ở nơi đâu cũng nhất định phải tìm một người thầy có phẩm hạnh đoan chính mà học cho hết con chữ, rồi đọc thêm vài quyển sách khác, đừng đọc loại sách như Nữ tắc, Nữ giới, còn nếu có thời gian thì đọc thoại bản để tiêu khiển cũng không sao.

Sáng hôm sau, khi trời vừa hửng sáng, hai người cùng nhau dùng bữa sớm. Thi Yến Vi trao quyển sổ tay đã viết sẵn cho Kiếm Sương, sau đó chia hành lý thành hai bọc bằng nhau, dùng vải buộc lại, đặt hai bên trái phải trên lưng ngựa.

Vào khoảng giờ Thìn nhị khắc, Thi Yến Vi từ biệt Kiếm Sương, lên lưng ngựa, trước tiên đi đến tiệm may mua một bộ trường bào viên lĩnh thay vào, búi tóc đội mũ, giả làm nam nhân.

Vì nàng cao ráo, đế giày độn tương đối cao nên nhìn thoáng qua không khác mấy một vị lang quân gầy gò. Thành môn lang đối chiếu một hồi với mô tả trên giấy thông hành, chỉ hỏi vài câu rồi để nàng đi qua. 

Thi Yến Vi cưỡi ngựa rời thành, phóng tầm mắt nhìn quan đạo thênh thang và dãy núi trùng điệp nối dài ở phía trước, gió thổi rì rào bên tai mà nghe cũng như khúc nhạc tiên êm dịu.

Hai ngày trước, khi nàng và Kiếm Sương chưa tới Diên Châu, tin tức Tống Hành hạ được Phượng Châu đã lan đến phương bắc. Nàng đoán rằng chặng đường xuôi theo Tây Nam, chiếm lấy đất Thục cũng chỉ độ một đến hai năm là cùng.

Cho dù Tống Hành kia thông minh tài trí đến đâu, làm sao đoán được rằng nơi nàng sắp tới lại chính là Phượng Tường. Đợi khi hắn bình định đất Thục, nàng sẽ đặt chân đến đô thành Ích Châu.

Ngày hôm sau, Kiếm Sương khởi hành đi về hướng Ngụy Châu.

Giờ Thìn vốn là lúc dùng bữa sớm, trước kia có Thi Yến Vi ở đây, trong viện lúc nào cũng rộn ràng náo nhiệt, nay nàng đã không còn, Lưu mụ thường xuyên mặt ủ mày chau, than ngắn thở dài không dứt. 

Luyện Nhi cũng luyến tiếc nàng vô cùng, nhưng nghĩ đến việc rời đi đối với nàng có lẽ mới là điều khiến nàng thực sự vui vẻ, lòng cũng dần nhẹ nhõm, thật tâm chúc phúc cho nàng.

Chỉ mong Dương nương tử đừng hoài thai hài tử của Tấn vương. Luyện Nhi nghĩ vậy, lòng mang tâm sự nặng trĩu, lặng lẽ dùng bữa sớm, sau đó đến bên cửa sổ, nhân lúc không có ai, liền chuyển chậu cúc ấy ra ngoài.

Nếu không lại gần thì không ngửi thấy, nhưng khi nàng bưng chậu hoa ấy lên, mùi thuốc nồng đậm trong đất liền xông thẳng vào mũi.

Ngửi thấy hương vị quen thuộc ấy, nàng bất giác nghĩ đến Dương nương tử. Nào có chuyện Tấn vương tình cờ gặp gỡ và động lòng với nương tử ở Lạc Dương, ngay từ lúc ở Thái Nguyên, Tấn vương đã cậy quyền cưỡng ép, hủy hoại sự thanh bạch của nương tử.

Nương tử đến giờ vẫn không muốn mang hài tử của Tấn Vương, chắc hẳn là nàng không hề có chút tình cảm nào với ngài ấy. Bằng không, sao nàng lại lén lút đổ đi hết những chén thuốc điều dưỡng cơ thể này.

Có lẽ ngay từ cái đêm mà Dương nương tử bất chấp hậu quả cầu xin giúp nàng, nói cho nàng biết: cả hai vốn đều như nhau, không cần phân biệt cao thấp, rằng khi không có ai, chẳng cần gọi nàng là “nương tử” mà chỉ cần gọi thẳng tên nàng là được, thì Luyện Nhi đã xem nương tử là người thân cận rồi.

Nghĩ đến đây, sống mũi của Luyện Nhi chợt cay cay, hốc mắt cũng đỏ lên, nàng cúi đầu, sợ người khác nhìn thấy.

Đúng lúc này, Lưu mụ từ ngoài bước vào, thấy nàng đang động vào chậu cúc hoa với dáng vẻ khả nghi, liền gọi nàng dừng lại.

Lưu mụ nhận ra chậu hoa quen mắt, nhìn xuống dưới cửa sổ, liền nhớ ra đó là một trong hai chậu hoa cúc mà Dương nương tử từng tự mình đem đến đặt ở nơi ấy, giờ chỉ còn một chậu.

Nghĩ đến việc Dương nương tử từ trước đến nay không cho phép ai hầu thuốc, mỗi lần đều là Luyện Nhi đem hộp thức ăn đưa vào.

Suy nghĩ đến đó, sắc mặt Lưu mụ sa sầm, lạnh lùng quát: “Đặt xuống!”

Luyện Nhi chưa từng thấy Lưu mụ xưa nay ôn hòa lại đột nhiên biến sắc như vậy, bị dọa đến mức nhắm mắt há hốc mồm, run rẩy đặt chậu hoa xuống đất.

Lưu mụ bước tới, nhón tay nhặt lấy ít đất đưa lên mũi ngửi thử, lập tức hiểu ra sự tình.

Đó là thuốc điều dưỡng thân thể trợ giúp việc mang thai, nếu có thai rồi uống thuốc này cũng không hại đến thai nhi. Lưu mụ nghi ngờ rằng Thi Yến Vi đã có thai, nhưng nàng chưa ngưng thuốc, chỉ chờ bốn mươi ngày sau khi đại phu có thể chẩn mạch thì sẽ đổi sang bài thuốc an thai.

Nào ngờ, Dương nương tử chỉ uống thuốc bổ trước mặt bà hai ba lần, những lúc khác nàng đều vụng trộm đổ hết thuốc vào chậu hoa.

Lúc ở biệt viện hành sơn, nàng đã uống không ít thuốc tránh thai, mùa hè còn thích mát mẻ, mỗi ngày đều dùng một chậu đá băng, lại không chịu điều dưỡng thân thể. Xem ra khả năng lớn nhất là Dương nương tử bị rối loạn kinh nguyệt chứ không phải có thai.

Tham lạnh, băng.

Lưu mụ tinh ý nhận ra mối liên hệ này, trong lòng liền nảy ra một phỏng đoán táo bạo.

Có lẽ Dương nương tử dùng băng không phải chỉ để giải nhiệt mà còn muốn mượn hơi lạnh truyền vào cơ thể từ lòng bàn chân chăng?

Điều này cũng giải thích vì sao trong phòng nàng, dưới giường La Hán lại luôn có đặt chậu gỗ.

Thật không ngờ, nàng vì tránh thai mà có thể tàn nhẫn đến vậy.

Lưu mụ chỉ cảm thấy máu huyết toàn thân như đông lại, căng giọng chất vấn Luyện Nhi: “Nói mau, Dương nương tử đổ thuốc bổ vào chậu hoa đã bao lâu rồi?!”

Luyện Nhi sợ hãi đến run lẩy bẩy, nước mắt lăn dài trên khóe mắt, nghĩ đến Thi Yến Vi thường ngày đối xử tốt với mình, nàng cắn răng không hé ra nửa lời.

Lưu mụ liếc mắt nhìn Luyện Nhi, trong lòng đã có câu trả lời: từ năm ngoái ở biệt viện hành sơn, người hầu thuốc cho Dương nương tử mỗi ngày chính là ả, vậy có lẽ là từ khi ấy.

Nếu quả thực là vậy, nương tử khó lòng mang thai được, có chăng là do cơ thể nhiễm hàn khí, dẫn đến nguyệt sự bất thường.

Năm sau, tháng tư đầu hạ.

Tống Hành liên tiếp công phá các khu vực Tây Đạo Sơn Nam, cùng với hai vùng Lưỡng Xuyên là Xuyên Đông và Xuyên Tây, phế bỏ chức Tiết độ sứ, giao ba châu trấn ấy cho các thân tín làm tướng giữ thành.

Tin tức truyền đến Lũng Châu, Thi Yến Vi gấp rút điền vào ba chữ lớn “Thành Cẩm Quan” trên giấy thông hành, chỉ chờ khi Tống Hành hạ lệnh thông thương tự do giữa đất Thục và Bắc địa là nàng sẽ khởi hành ngay.

Mười ngày sau, Tiết độ sứ Bùi Quang Nhân của Phượng Tường tự mình mở tiệc khoản đãi Tống Hành tại phủ.

Trận chiến này kéo dài ròng rã bảy tháng trời, quân Phượng Tường hao tổn nguyên khí, quân Hà Đông cũng tổn thất không ít binh lực, nhưng may thay cuối cùng đã chiếm được bảo địa Tam Thục, tiền tuyến có nguồn cung cấp ổn định, tạo tiền đề vững chắc cho việc nhất thống thiên hạ sau này.

Bùi Quang Nhân càng thêm chắc chắn rằng mình đặt cược đúng chỗ, bày biện yến tiệc hết sức linh đình, đích thân ra ngoài thành nghênh đón Tống Hành, trước mặt chúng tướng sĩ kéo ngựa cho hắn.

Bách tính trong thành cũng chen chúc hai bên đường để nghênh đón, mong được nhìn thấy tận mắt dung mạo của Tống Hành. Tiếng hò reo của dân chúng vang lên át cả tiếng vó ngựa rộn rã, ai ai cũng ca tụng Tống Hành và Hà Đông quân.

Tống Hành xuống ngựa, cùng Bùi Quang Nhân nhập tiệc. 

Bùi Mậu Khiêm chiếu theo “sở thích” của Tống Hành, mời đến không ít thanh khách dáng vẻ thanh tao, tinh thông âm luật, ăn mặc nhã nhặn vào sân tấu nhạc.

Tống Hành lặng lẽ uống rượu, thậm chí chưa từng ngước mắt nhìn các ca kỹ một lần.

Hắn không còn nhớ rõ đã mơ thấy nàng bao nhiêu lần, cũng không thể đếm được có bao nhiêu đêm ôm kha tử của nàng chìm vào giấc mộng. Ngày đánh hạ được Miên Châu, lòng hắn đã rộn ràng mong ngóng, đó là một cảm giác mà hắn chưa từng trải qua.

Ngay cả khi mẹ hắn còn tại thế, hắn cũng chưa từng có khát khao chia sẻ mạnh mẽ đến vậy. Lần đầu tiên, hắn có người mà hắn nóng lòng muốn gặp, muốn tự mình nói với nàng: Hắn thắng rồi, từ nay nắm trọn càn khôn, thiên hạ đã nằm gọn trong túi. 

Bùi Quang Nhân nâng chén rượu chúc mừng Tống Hành, hỏi hắn định ở lại Phượng Tường nghỉ ngơi bao lâu, Tống Hành hơi nghiêng đầu, nhìn về phía Bùi Quang Nhân, đáp rằng sáng sớm mai sẽ lên đường.

Cuộc đối thoại của hai người thu hút sự chú ý của Bùi Mậu Khiêm. Hắn cẩn thận quan sát Tống Hành một hồi, phát hiện Tống Hành từ đầu đến cuối đều không hề nhìn đám thanh khách trong tiệc, bất giác đâm ra hoài nghi: Từ lúc rời khỏi Thái Nguyên, đã qua hơn một năm, chẳng lẽ Tống Hành vẫn chỉ một lòng một dạ với nữ tỳ đã ở cạnh hắn hôm đó?

Nói cho cùng, Bùi Mậu Khiêm từ khi mười tám tuổi đã bước chân vào chốn phong nguyệt, bảy năm qua, mỹ nhân kiều diễm thế nào hắn cũng từng thấy qua, duy chỉ có nữ tử bên cạnh Tống Hành là để lại ấn tượng đặc biệt. Tuy nàng không phải người đẹp nhất, xuất chúng nhất nhưng khí chất tao nhã và dung mạo thoát tục của nàng thật khiến người khác khó mà bỏ qua được. 

Bùi Mậu Khiêm lúc này đã mất đi khả năng giao hợp, chỉ mới nghĩ thoáng qua mà lòng đã nhói đau. Hắn âm thầm nguyền rủa kẻ đã hại mình sẽ không được chết tử tế, mãi mãi đọa đày trong địa ngục A Tỳ.

Tống Hành uống liền mấy chén rượu, bởi từng gặp nạn ở Trường An nên hắn đã phòng bị rất kỹ, chỉ uống đến hơi say rồi đứng dậy rời yến tiệc, không ở lại Bùi phủ mà về nghỉ ngơi tại dịch quán, quân Hà Đông chia làm ba lớp bảo vệ, thay nhau tuần tra canh giữ.

Giờ Mão sáng sớm hôm sau, khi trời vừa hửng sáng, Tống Hành cưỡi ngựa chiến, dẫn theo mấy vạn quân Hà Đông, dưới ánh mắt tiễn biệt của quân dân trong thành, rầm rộ rời khỏi cổng thành, quay về Thái Nguyên.

Hai bên quan đạo, cây xanh che bóng, tán cây rậm rạp, ánh nắng mờ ảo xuyên qua kẽ lá rọi lên bộ áo giáp đồ sộ trên người Tống Hành, ánh vàng chói lọi, thân hình ngất ngưởng như một tòa núi di động, khiến người khác không khỏi sinh lòng ngưỡng mộ xen lẫn kiêng dè.

Dưới lớp giáp nặng nề ấy là những thớ cơ rắn chắc, đường nét uyển chuyển. Trừ những lúc ra trận hay luyện công thì chỉ khi cùng Thi Yến Vi hoan ái, thân thể ấy mới căng tràn, gân xanh nổi cuồn cuộn.

Hắn khao khát được giữ chặt nàng trong vòng tay, phi ngựa trên đồng cỏ bát ngát, ngắm nhìn gương mặt nàng đỏ bừng, đôi mắt ngấn lệ.

Thiên hạ nữ nhân vô số, nhưng trong lòng hắn, chỉ có duy nhất nàng. Tất cả những gì hắn tâm niệm, chỉ là được gần nàng thêm một chút mà thôi.

Từ Phượng Tường đến Thái Nguyên cách xa ngàn dặm, mỗi ngày Tống Hành hành quân được sáu canh giờ, hơn mười ngày sau mới về đến Thái Nguyên.

Sáng sớm hôm ấy, quý phủ đã nhận được tin báo, Tiết phu nhân lập tức sai người đi mời cặp phu thê nhà Tống Thanh Âm và Tống Thanh Hòa đến, sau đó đích thân dẫn mọi người trong phủ ăn vận chỉnh tề ra cửa nghênh đón.

Tống Hành vội vã nhảy xuống ngựa, tiến tới bái kiến Tiết phu nhân, không nhìn bất kỳ ai khác, chỉ kiên nhẫn tìm kiếm hình bóng nữ tử đã làm hắn tương tư suốt hơn hai trăm ngày đêm qua. 

Thế nhưng hắn tìm mãi vẫn không thấy được người muốn gặp. Một cảm giác bất an ập đến, hắn cau mày hỏi Phùng Quý: “Vì sao Dương nương tử không ra? Hay là nàng không khỏe?”

Phùng Quý bị hắn nhìn chằm chặp, hai chân như nhũn cả ra, bất giác nhớ lại lần đầu tiên Dương nương tử bỏ trốn, khi ấy gia chủ đã giận dữ đến mức nào, ánh mắt hiểm độc ra sao…

Một cơn ớn lạnh xộc thẳng từ sống lưng lên đến đỉnh đầu, thấm vào xương tủy. Hai bàn tay Phùng Quý ướt đẫm mồ hôi, gió đầu hạ phả vào người lẽ ra phải ấm nóng, nhưng hắn lại lạnh buốt đến nỗi hai tay run lên cầm cập. 

Tiết phu nhân liếc Phùng Quý một cái, thừa biết sự việc này không thể giấu được nữa. Nhưng ngoài cửa có bao người dòm ngó, nếu như Nhị lang mất kiểm soát, nếu như hắn lỡ thất thố trước mặt ba quân thì còn ra thể thống gì nữa. 

Nghĩ đến đây, bà nắm chặt chuỗi Phật châu bằng gỗ tử đàn trong tay, hít sâu một hơi để bình tâm lại, ra vẻ điềm tĩnh nói với mọi người: “Nắng gắt thế này, Nhị lang có chuyện gì thì vào phủ rồi nói cũng chưa muộn.”

Đôi mắt phượng của Tống Hành hơi híp lại, quét qua những người đứng dưới mái hiên, không chỉ nữ lang hắn ngày nhớ đêm mong mà ngay cả đám người hầu trong viện của nàng cũng đều không có mặt. 

Chắc chắn là đã có chuyện gì đó xảy ra. 

Vì lời nhắc nhở của Tiết phu nhân, Tống Hành đành kìm nén cảm giác bất an, cố giữ phong thái bình tĩnh, bàn tay phải bất giác nắm chặt chuôi kiếm, trong lòng dâng lên nỗi sầu lo không thể nói thành lời, căng chặt trong lồng ngực.

Đám tỳ nữ, gia bộc đều khép nép vây quanh Tống Hành cùng Tiết phu nhân, ai nấy đều không dám thở mạnh.

Khi đoàn người đến ngã rẽ, Tiết phu nhân bỗng chậm bước lại, nghiêng đầu nhìn Tống Hành, giọng điệu bình thản: “Nhị lang hành quân vất vả đã nhiều ngày, hẳn cũng đã mệt, hãy về phòng nghỉ ngơi trước đã.”

Trước kia mỗi lần hắn khải hoàn trở về, Tiết phu nhân và Phùng Quý đều vui vẻ ra mặt nhưng hôm nay lại hoàn toàn khác lạ, cử chỉ thần sắc đều kỳ quặc, tuyệt nhiên không đề cập gì đến nữ lang hắn luôn đặt trên đầu quả tim. 

Nỗi nghi hoặc và bất an trong lòng càng trỗi dậy mãnh liệt, Tống Hành lờ mờ đoán ra điều gì, nhưng không dám tin, chính xác hơn là không muốn tin, không đành lòng tin.

Chẳng lẽ nàng thực sự ghét bỏ hắn đến vậy, nhọc lòng giành được lòng tin của hắn, ngay khi hắn muốn nghênh đón nàng làm nhũ nhân, lại lần nữa nhẫn tâm phản bội như trêu ngươi hắn vậy?

Từ khi xuất chinh vào năm mười lăm tuổi, Tống Hành từng nhiều lần lấy ít thắng nhiều, chưa từng gặp phải kẻ địch nào khiến hắn thất bại hai lần liên tiếp, vậy mà nay lại thua hết lần này đến lần khác trong tay một nữ lang nhỏ nhoi.

Hai tay hắn nắm chặt thành quyền, đốt ngón tay phát ra âm thanh nặng nề, trán hắn nổi đầy gân xanh, mắt phượng chứa đầy phẫn nộ.

Trời biết hắn đã cố nhịn không gầm lên trước mặt Tiết phu nhân, cánh tay tráng kiện vì nén giận mà gần như run rẩy. Hắn như nghiến răng, gằn từng chữ một: “Đa tạ a bà đã quan tâm.”

Nói xong, hắn không chờ Tiết phu nhân đi trước mà lập tức quay người, lao đi như tên bắn.

Phùng Quý vội vã chạy theo, lặng lẽ nối gót phía sau cho đến khi đặt chân lên thềm đá trước cửa Thối Hàn cư. Đột nhiên, hắn nghe Tống Hành giận dữ quát lớn, gọi hắn lại gần.

Tống Hành đứng sững trước cửa viện, nhìn Phùng Quý đang thở hồng hộc, một lần nữa chạm tay vào chuôi kiếm lạnh lẽo.

“Nói, Dương Sở Âm rốt cuộc đã đi đâu?”

Lần đầu tiên, Phùng Quý nghe thấy Tống Hành gọi thẳng tục danh của Dương nương tử, đôi chân hắn như bị đổ chì, đóng đinh tại chỗ, cổ họng như bị dính hồ, không thốt nổi một chữ.

Nhìn hắn khúm núm, im lặng cúi gằm, Tống Hành không thể tự dối lòng thêm nữa. Cơn thịnh nộ lên đến đỉnh điểm, ánh mắt sắc bén như dao xoáy vào Phùng Quý, nghiến giọng gào lên: “Đồ khốn, còn dám giấu ta? Ngươi có đủ mạng để ta giết không đây?”

Cảnh tượng mặt lạnh quát tháo trong phủ thế này, lần trước là khi xử lý tên tiểu tư vô lại không biết liêm sỉ bên cạnh phụ thân của tiểu nương tử cách đây năm năm, và sau đó là lần này. 

“Nô tài tuyệt không dám giấu diếm Tấn vương.” Phùng Quý run run, toàn thân hoảng loạn, vội vàng quỳ xuống, đầu gục xuống không dám ngẩng lên nhìn hắn một lần nào nữa, chỉ lắp bắp: “Dương nương tử… đã trốn đi từ ngày tiểu nương tử xuất giá năm ngoái, sau đó bặt vô âm tín…”

Trốn đi, bặt vô âm tín. Sáu chữ ấy cứ văng vẳng bên tai Tống Hành, hận thù như thủy triều đánh mạnh vào lòng hắn, như muốn nuốt chửng hắn, đẩy hắn sa vào vực sâu u ám vô tận.

Nàng đã trốn, nàng lại một lần nữa trốn thoát khỏi hắn!

Dung nhan của nàng vẫn in sâu trong tâm trí hắn, rõ ràng như trước, không cách nào phai nhạt, không cách nào quên được.

“Tống Hành, ngài đã động lòng với ta rồi sao?” Đôi mắt trong veo của nàng nhìn thẳng vào hắn, điềm đạm hỏi hắn.

Tiết Trung thu, trong phòng bếp, nàng tự tay dạy hắn cách làm bánh. Đêm buông xuống, dưới màn lụa màu cánh sen, tay nàng nhẹ nhàng vòng qua cổ hắn, ôm lấy hắn, dịu dàng gọi hắn là “Quỳ Ngưu Nô,” hắn rõ ràng nhẫn nhịn hết mức, nhưng vì tiếng khẩn cầu yếu ớt của nàng mà vẫn chậm lại, chọn cách thỏa hiệp. 

“Tống Hành, Quỳ Ngưu Nô, ta đang ở đây.” Đêm chia biệt ấy, nàng nhỏ nhẹ đáp lại hắn, vì những động tác của hắn mà tiếng khóc nho nhỏ vang lên, khi ấy rõ ràng nàng cũng đã hài lòng. 

“Tống Hành, ngài không nỡ để ta đi phải không?” Trong khoang xe, nàng khẽ vuốt ve gương mặt hắn, nhẹ nhàng hỏi, đôi mắt long lanh của nàng rõ ràng cũng ánh lên mấy phần nhu tình. 

Những lời đường mật ấy, những cử chỉ âu yếm ấy, hóa ra chỉ là để dỗ dành hắn, lừa gạt hắn, là màn kịch mà nàng dày công tạo ra nhằm trèo ra khỏi lòng bàn tay hắn một lần nữa.

Lẽ ra hắn nên nhìn sớm thấu bộ mặt thật của nàng, dùng dây xích trói chặt nàng lại, để nàng không thể đi đâu được. 

Nàng đối với hắn, chưa từng có lấy một chút chân tình, còn hắn thì động lòng trắc ẩn, vì nàng mà tự ràng buộc mình, vì nàng mà sợ làm nàng đau…

Giờ nghĩ lại, đáng ra hắn phải tàn nhẫn đoạt lấy nàng, để nàng khóc, để nàng đau, để nàng biết sợ, để nàng không bao giờ dám mơ tưởng thoát khỏi hắn.

Trán Tống Hành nổi đầy gân xanh, lửa giận thiêu rụi lý trí gần như sạch sẽ. Hắn xông đến bụi mộc phù dung ở bên gốc tường, chỉ nghe một tiếng “choang” vang lên, thanh kiếm dài được tuốt ra khỏi vỏ, tiếp theo đó lưỡi kiếm sắc bén vung lên, bổ vào thân cây nâu sẫm, để lại những vết chém sâu hoắm, lá xanh rụng xuống ngổn ngang.

Phùng Quý nào đã từng thấy cảnh hắn phát cuồng, mất kiểm soát đến độ này, gáy hắn lạnh buốt, sợ hãi đến mức như muốn nổ tung, chỉ hận không thể lập tức thoát khỏi nơi này.

Mồ hôi lạnh đầm đìa, thấm ướt cả lớp vải áo. Phùng Quý cảm thấy tim mình như treo lơ lửng, phân vân không biết có nên lén lút trốn đi không thì lại nghe Tống Hành gầm lên: “Giỏi, giỏi lắm! Mau bắt hết đám tỳ nữ, bà mụ trong viện lại đây, ta muốn đích thân thẩm vấn từ người một. Nếu nàng muốn trốn, tốt nhất là trốn cho xa, chết ở ngoài đó cũng được. Bằng không, nếu để ta bắt về, nhất định ta sẽ khiến nàng sống không bằng chết!”

Chuyện Dương nương tử bỏ trốn thực chất là do sự sắp đặt của Tam lang quân, chứ chẳng can hệ gì đến người trong Phù Thúy viện. Xưa nay nàng tâm tính nhân hậu, nếu ở đây, hẳn là không muốn thấy các nàng vì mình mà bị chịu liên lụy.

Phùng Quý dù đang kinh hoàng nhưng cũng đâu thể trơ mắt nhìn các nàng phải chịu trách phạt, thậm chí là mất mạng.

Giữa lúc hoảng hốt, hắn chợt nhớ lại lời Tam lang quân đã đích thân nói với mình đêm ấy: Sau khi gia chủ về, chuyện này cứ để ngài một mình gánh chịu, quyết không liên lụy đến người khác.

Phùng Quý không còn cách nào khác, đắn đo một lúc, cuối cùng vẫn chầm chậm bước tới, nhưng thay vì đi về phía Phù Thúy viện, hắn lại tiến đến gần Tống Hành, thân thể co quắp, dùng hết dũng khí để khuyên nhủ: “Gia chủ e là đã giận quá rồi, các nàng sao dám có gan lớn như vậy, còn có thủ đoạn để giúp Dương nương tử tránh khỏi ánh mắt của Giang Nghiên, lặng lẽ ra khỏi phủ, rồi thoát khỏi thành?”

Ngày Trùng Cửu, trốn tránh thị vệ, rời khỏi phủ, rồi ra khỏi thành.

Những manh mối đó nối liền trong tâm trí của Tống Hành, như sợi chỉ dẫn đến chân tướng: thị vệ và người trong viện Phù Thúy bị chuốc mê bằng rượu thù du, Dương Sở Âm giả trang để lừa gạt họ, tìm cách rời phủ, rồi dùng giấy thông hành thoát khỏi thành.

Mê dược, đồ cải trang, và giấy thông hành. Đối với một nữ lang đơn độc như nàng, việc sắp đặt những thứ ấy dưới mắt thị vệ và đám Lưu mụ thực là gian truân, làm sao nàng xoay xở nổi một mình?

Rõ ràng là có kẻ đứng đằng sau hỗ trợ.

Trong phủ, người có khả năng giúp nàng chỉ có thể là Tam lang hoặc a bà mà thôi.

A bà luôn tôn trọng hắn, dù làm gì cũng đều thương lượng trước với hắn, nhất định sẽ không làm chuyện độc đoán này.

Nhưng Tam lang thì ngược lại, vì một người đã khuất mà xem Dương Sở Âm như muội muội, đã thế còn từng vì nàng mà dám cả gan chống đối hắn.

“Có khi nào nàng nói chuyện riêng với Tam lang không?” Tống Hành nén giận, hỏi. 

Phùng Quý nghe vậy lắc nhẹ đầu, cau mày nhỏ giọng đáp: “E rằng không có. Chỉ nhớ vào ngày thứ hai sau khi về phủ, Tổ nương tử từng sai người mời Dương nương tử đến phòng của nàng. Theo lời của Quất Bạch, nương tử chỉ ngồi chưa đến một khắc thì Tam lang quân về đến nơi, rồi cũng bước vào, sau đó nói gì thì Quất Bạch không rõ, vì nàng ấy đứng hầu bên hiên, không thể nghe thấy.”

Tam lang, quả nhiên đứa em trai ruột cùng chung chí hướng, chí tình chí nghĩa của hắn. 

Tống Hành tức giận, rút kiếm cắm sâu vào đất, cởi bỏ khôi giáp, để lộ bộ trường bào đen tuyền, xoay người, định thân chinh tìm gặp Tống Duật.

May sao Tiết phu nhân tính tình cẩn trọng, đã sớm dự liệu trước nên phái người đến trước Thối Hàn cư canh chừng. 

Tỳ nữ tên Hoàng Nhụy thấy Tống Hành khí thế bừng bừng, tức giận rảo bước xuống con đường lát đá bên dưới hòn giả sơn, nàng đang kinh ngạc vì gia chủ tắm rửa quá nhanh thì bên kia, chân hắn thoăn thoắt như cưỡi lên cơn gió, nhoáng cái đã đến bậc đá dưới cùng. 

Hoàng Nhụy thu lại suy nghĩ, vội vàng tiến lên nghênh đón, lấy hết can đảm nhẹ giọng nói: “Hồi bẩm gia chủ, Thái phu nhân thỉnh ngài tắm rửa thay y phục xong thì qua đó một chuyến.”

Tống Hành mắt đầy lửa giận, nhìn thẳng về phía trước, dù biết nàng là người thân cận bên cạnh Tiết phu nhân thì vẫn không hề nể nang, lạnh nhạt nói: “Không đi, cút!”