Giam Nàng Trong Trướng - Tụ Tụ Yên

Chương 59: Rời thành




Thi Yến Vi xuống xe, có người đưa nàng vào phủ.

Tống Thanh Hòa là người đầu tiên đến nơi, bước qua ngưỡng cửa định gọi một tiếng “Nhị huynh” nhưng trong phòng lại không hề có bóng dáng vị lang quân nào. Thi Yến Vi đứng dậy nhìn nàng, bên cạnh là tỳ nữ ôm một con mèo Đại Thực quốc trông rất giống Đạp Vân.

“Dương nương tử!” Tống Thanh Hòa mừng rỡ, nhất thời quên cả Tống Hành, nắm tay nàng kéo đến gần, hồ hởi nói: “Một năm qua, cô sống ở Trường An có ổn không? Sao lại đột nhiên trở về? Là a huynh ta tìm được cô sao?””

Nói đến hai chữ “a huynh”, Tống Thanh Hòa mới sực nhớ đến Tống Hành, liền hỏi tiếp: “Chẳng phải Phùng Quý cũng về cùng cô sao? Sao lại không thấy Nhị huynh đâu cả?”

Tống Thanh Hòa đặt ra một hơi bốn, năm câu hỏi, khiến Thi Yến Vi không biết nên trả lời câu nào trước. Vậy nên nàng ưu tiên giải thích về lý do Tống Hành không thể rời Lạc Dương. 

Thi Yến Vi nhẹ gật đầu, an ủi nàng: “Sự tình cấp bách, Nhị huynh của cô cũng không thể liệu trước được. Dù không thể đích thân đến đây, trong lòng ngài ấy vẫn luôn nghĩ đến cô. Ngài ấy còn lệnh người mang theo nhiều vật quý từ Lạc Dương về làm của hồi môn cho cô. Lát nữa để Phùng Quý dẫn cô đi xem.”

Nghe đến đây, Tống Thanh Hòa bỗng nhận thấy thái độ của Thi Yến Vi dành cho mình đã khác đi phần nào. Đặc biệt khi nàng nhắc đến Nhị huynh thì không còn vẻ xa cách như những người quen biết sơ sơ, ngược lại càng giống người đã trở thành người đầu gối tay ấp của hắn vậy.

Phùng Quý từ nhỏ đã theo sát Nhị huynh, ngay cả a bà cũng ít khi có thể sai khiến hắn, thế nhưng nàng lại tỏ vẻ điềm nhiên khi cần sai bảo Phùng Quý. 

Tống Thanh Hòa không khỏi hoài nghi: “Thời gian ở Lạc Dương giữa cô và Nhị huynh phải chăng đã xảy ra chuyện gì rồi?”

Thi Yến Vi không hề che giấu nàng: “Nhị huynh của cô muốn đón ta từ Thái Nguyên về Lạc Dương, làm nhũ nhân của ngài.”

Nàng sắp thành thân. Nhị huynh lớn hơn nàng đến mười tuổi, thế mà hôn sự vẫn chưa đâu vào đâu. Không chỉ riêng a bà lo lắng mà nàng thân là tiểu muội thì cũng thấy sốt ruột thay.

Nghe đến đây, Tống Thanh Hòa không khỏi thở phào, tự nhủ may quá, cuối cùng Nhị huynh cũng thông suốt rồi.

“Nhị huynh đối với cô có tốt không? Tam huynh từng kể cô đã đến Trường An, vậy sao lại gặp được Nhị huynh ở Lạc Dương?”

Tốt, sao hắn lại không tốt với nàng cơ chứ?

Tốt đến mức phớt lờ ý nguyện của nàng, tốt đến mức nhục mạ nàng, đe dọa nàng, thậm chí dùng đến không biết bao nhiêu người chỉ để giám sát nàng chặt chẽ. 

Thi Yến Vi cười khổ, gượng gạo đáp: “Nhị huynh của cô đối với ta rất tốt, từ chuyện ăn mặc đến sinh hoạt hằng ngày đều hết mực chu đáo. Ngài ấy còn nghĩ rằng ta thích Đạp Vân nên đã tìm một con mèo Đại Thực quốc từ Hầu phủ mang về. Chỉ là ta thật sự không có tâm tư tỉ mỉ như Nhị nương để chăm lo cho nó. Nếu Nhị nương không ngại, hãy thay ta chăm sóc nó, được không?”

Vừa nói nàng vừa quay lại nhìn Luyện Nhi, ra hiệu để nàng ấy bế Tuyết Cầu đến cho Tống Thanh Hòa nhìn thử.

Tống Thanh Hòa rất thích nuôi mèo, khi xưa để có được một con mèo Đại Thực quốc như Đạp Vân, nàng đã phải năn nỉ Tống Hành cả tháng trời trước ngày sinh thần của mình. Tống Hành bị nàng làm phiền đến mức không chịu nổi, cuối năm khi vào kinh thuật chức, hắn đã phải mặt dày dùng một khoản tiền lớn, mua Đạp Vân mới được ba tháng tuổi về từ phủ Ninh vương. 

Nay Nhị huynh lại còn chủ động tìm thêm một con mèo khác cho Dương nương tử, hẳn rất yêu quý nàng ấy. Nàng ấy đã mất cả cha mẹ lẫn huynh trưởng, giữa thời loạn thế này nhất định đã phải chịu không ít khổ sở. Giờ có Nhị huynh ở bên chăm sóc, nàng sẽ không còn phải cô độc nữa.

Tống Thanh Hòa nghĩ vậy, liền dang tay đón lấy Tuyết Cầu từ tay của Luyện Nhi. Nàng không vội đồng ý ngay mà chỉ quấn lấy Thi Yến Vi, hỏi vì sao lại gặp được Nhị huynh. 

Trên đường đến Thái Nguyên, Thi Yến Vi đã sớm chuẩn bị lời ứng phó với mọi người ở Tống phủ, vừa định mở miệng thì bất chợt một tỳ nữ đến báo: “Thái phu nhân đã tới.”

Tiết phu nhân từ sáng sớm đã nhận được thư do Tống Hành gửi về, nên mọi chuyện bà đều đã rõ.

Vừa bước vào sảnh Thùy Hoa, bà liền quan sát Thi Yến Vi kỹ lưỡng, hạ giọng hỏi han tình hình của Tống Hành lúc nàng rời khỏi Lạc Dương.

Thi Yến Vi đáp qua loa, khẽ nâng mí mắt nhìn Tiết phu nhân. Hai người bốn mắt nhìn nhau, tựa như ngầm hiểu và thống nhất rằng sẽ không nhắc lại chuyện cũ.

Từ nhỏ Tống Thanh Hòa đã được Tiết phu nhân và Cao phu nhân nuông chiều, tính tình đơn thuần thiện lương nên nào hiểu hết những khúc mắc phức tạp cùng những chuyện đáng hổ thẹn ẩn giấu phía sau.

Chẳng mấy chốc, Tổ Giang Lan và Cao phu nhân cũng đến nơi.

Cao phu nhân vẫn bình thản như thường, riêng Tổ Giang Lan thì lên tiếng hỏi: “Sao không thấy Tấn vương đâu?”

Nhưng Thi Yến Vi còn chưa kịp trả lời, Tiết phu nhân đã lên tiếng thay nàng.

Thi Yến Vi nâng chén trà lên, nhấp một ngụm, lại nghe Tiết phu nhân nói: “Nhị lang đã muốn nạp cháu làm nhũ nhân, thì cũng không thể để cháu ở viện nhỏ như trước. Lão thân đã sai người dọn dẹp lại viện Phù Thúy, nơi đó gần Thối Hàn cư của Nhị lang, từ nay cháu cứ ở đó đi.”

Tổ Giang Lan nghe xong trong lòng càng thêm nghi hoặc. Trước đây, khi Dương nương tử còn ở trong phủ, Nhị lang đối với nàng cũng chẳng có gì đặc biệt, sao lần này đi Lạc Dương một chuyến thì vừa khéo gặp nhau, đã vậy còn muốn nạp nàng ấy làm nhũ nhân? 

Thi Yến Vi đáp: “Nhi nghe theo sự sắp xếp của Thái phu nhân.”

Tiết phu nhân liếc nhìn Tổ Giang Lan và Cao phu nhân, thừa hiểu trong lòng họ đang lấn cấn điều gì. Bà lại hướng ánh mắt sang Thi Yến Vi, hỏi thẳng câu mà ai nấy đều lấy làm thắc mắc: “Sao cháu lại gặp được Nhị lang?”

Quả nhiên đúng như nàng dự đoán, không một ai hỏi đến ý nguyện của nàng, càng chẳng có ai bận tâm xem nàng có đồng ý hay không. Đại khái là trong mắt họ, việc Tống Hành nạp nàng làm thiếp chính là phúc phận của nàng, hà cớ gì mà nàng phải từ chối. 

“Năm ngoái, khi Ai Đế ban chiếu thoái vị, nhi lo sợ Trường An biến loạn nên đã lên thuyền rời khỏi Đồng Tân để đến Lạc Dương. Không ngờ Tấn vương chẳng mất nửa năm đã phá được Trường An, không động binh đao mà đã khiến Lạc Dương đầu hàng, thuận lợi tiếp quản Lạc Dương. Ba tháng trước, nhi bị một kẻ quyền quý quấy nhiễu nơi phố chợ, vừa may Tấn vương đi ngang qua, dang tay giúp đỡ, nhi mới có thể thoát thân. Từ đó, Tấn vương thường đến thăm hỏi, còn sai hộ vệ bảo vệ nhi chu toàn. Lâu ngày, nhi cảm kích ân tình của Tấn vương. Về phần Tấn vương, có lẽ ngài thấy nhi cô độc đáng thương, trong lòng có ý cưu mang nên mới định nạp nhi làm nhũ nhân.”

Lời giải thích này vốn chỉ là để nói cho Tổ Giang Lan, Tống Thanh Hòa và đám người dưới nghe, còn với người tinh tường như Tiết phu nhân, hẳn bà đã sớm rõ “việc tốt” Tống Hành làm nhưng lại không hề có ý ngăn cản, chỉ một mực thiên vị cháu trai mình.

Cao phu nhân hiểu rõ bản tính nam nhân khắp thiên hạ, nên khi nghe Thi Yến Vi nói thế đương nhiên là không tin. Với một kẻ mang bản tính quyết đoán sát phạt như Tống Hành, làm gì có chuyện hắn lại động lòng trắc ẩn với một nữ nhân; chẳng qua là nổi lòng dâm dục, muốn chiếm đoạt nàng mà thôi.

Tống Thanh Hòa vuốt ve cái đầu nhỏ của Tuyết Cầu, nhận thấy nó trầm tính hơn hẳn Đạp Vân, dường như cũng ưa sự yên tĩnh, liền hỏi: “Dương nương tử vừa bảo muốn tặng con mèo này cho ta, không phải là lời nói đùa đấy chứ? Tính nó hiền lành, lông mao mượt mà, diện mạo cũng tốt, cô nỡ lòng cho đi sao?”

Thi Yến Vi lại gật đầu, “Tất nhiên không phải nói đùa, Nhị nương nếu không chê thì cứ nhận lấy, để nó làm bạn với Đạp Vân.”

Con mèo này là do Tấn vương sai Phùng Quý bỏ bao công sức tìm về chỉ để lấy lòng Dương nương tử, vậy mà nàng chỉ với vài ba câu liền đem tặng cho người khác. Lưu mụ muốn lên tiếng can ngăn đôi câu, nhưng thấy Tiết phu nhân vẫn giữ im lặng, đành bất đắc dĩ im lặng theo, không dám xen vào.

Nhị lang vốn không ưa mèo, nhưng lại sẵn lòng làm đến mức đó vì nàng. Lần này còn sai người hộ tống nàng về Thái Nguyên, bày bố trận thế hơn trăm người, trong đó có không ít thiết kỵ tinh nhuệ của Hà Đông quân. 

Yêu chiều một nữ nhân như thế, tuyệt đối không phải điềm lành. 

Loạn thế do Dương thị gây ra triều trước, dẫn đến giang sơn chao đảo cũng chỉ mới xảy ra cách đây hơn một trăm năm.

Nghĩ đến đây, hàng lông mày điểm bạc của Tiết phu nhân không khỏi chau lại, nhìn quanh một lượt rồi nói: “Dương nương tử đi đường mệt nhọc, nếu không còn việc gì khác, các người hãy lui ra, để nàng nghỉ ngơi.”

Mọi người nghe vậy, lần lượt đứng dậy cáo từ Tiết phu nhân. Nhóm Lưu mụ thì vây quanh Thi Yến Vi, hộ tống nàng về Phù Thúy viện. 

Trong phòng dần yên tĩnh lại, Tiết phu nhân sai Đống Tuyết gọi Phùng Quý vào. 

Phùng Quý không dám trì hoãn, lập tức tiến vào thi lễ với Tiết phu nhân, nghe bà căn dặn: “Về sau, nếu Nhị lang còn làm ra điều gì mê muội, ngươi cũng nên ở bên nhắc nhở vài câu. Xưa nay tính tình Nhị lang cường thế bá đạo, nếu một lúc nào đó nóng giận quá đà chỉ e sẽ sẽ làm ra chuyện vượt quá khuôn phép. Ngươi cũng nên bảo Dương nương tử nhẫn nhịn đôi chút, đừng lúc nào cũng khăng khăng đối nghịch hắn. Khi cần nhún nhường thì phải biết nhún nhường, làm thế mới bảo toàn được chính mình.”

Phùng Quý nghe xong, gật đầu đáp, “Kể từ khi nương tử Dương trở lại phủ Tấn Vương, quan hệ giữa nàng và Tấn vương đã hòa hoãn hơn nhiều. Đã lâu rồi giữa hai người không xảy ra cãi vã. Tấn vương đối với nàng cũng có chút yêu chiều. Để đáp lại tấm lòng của Tấn vương, Dương nương tử còn tự tay may cho ngài một bộ xiêm y. Xin Thái phu nhân an tâm, đừng nên lo lắng thêm nữa.”

Tiết phu nhân bắt kịp hai chữ “yêu chiều”, liền thuận theo lời hắn hỏi kỹ xem Nhị lang đã yêu chiều nàng ra sao, việc lớn nhỏ bà đều phải nghe rõ.

Phùng Quý càng kể thì sắc mặt Tiết phu nhân càng âm u lạnh lẽo, dường như không thể ngờ đứa cháu trai mà bà coi trọng nhất lại có thể vì một tiểu nương tử tầm thường mà ra sức đến vậy, chẳng trách hắn lại đem cả Quất Bạch bên người tặng cho nàng ta dùng.

Nay nàng ta vẫn chưa phải là nhũ nhân của hắn, mà hắn đã làm được đến mức này. Nếu mai sau hắn đăng cơ, phong nàng làm phi, làm quý phi, chưa biết chừng còn đem quyền lực hoàng triều ra mà làm những việc hoang đường khác. 

Tiết phu nhân siết chặt chuỗi Phật châu trong tay, ngồi bất động. Lần đầu tiên, trong lòng bà dấy lên nỗi e ngại và đề phòng đối với Dương nương tử.

Nếu nàng là người đoan chính, ấy gương quý phi triều trước mà tự răn mình, bà vẫn có thể dung túng nàng được ở bên Nhị lang, thường xuyên nhắc nhở hắn. Nhưng nếu nàng được nước làm tới, ỷ sủng sinh kiêu, xúi giục Nhị lang làm những việc chẳng ra thể thống gì, bà nhất định sẽ không khoanh tay đứng nhìn.

“Đống Tuyết là do một tay lão thân dạy dỗ, không chỉ nhanh nhẹn tháo vát, mà còn cẩn thận chu đáo. Lần này Dương nương tử hồi phủ chỉ mang theo ba người là Lưu mụ, Quất Bạch và Luyện Nhi, trong khi nàng sắp trở thành nhũ nhân của Nhị lang, chỉ ba người này ở bên hầu hạ là quá ít, không đúng quy củ. Nên ta sẽ phái Đống Tuyết sang đó hầu hạ nàng.”

Dương nương tử hồi phủ chỉ có ba người là Lưu mụ, Quất Bạch và Luyện Nhi theo hầu. Nàng vốn là cô nương sẽ trở thành nhũ nhân của Nhị lang, chỉ ba người này quả thật là không đủ, không hợp quy củ, nên ta sai Đống Tuyết qua đó phục vụ nàng.”

Phùng Quý đâu phải kẻ ngốc, hiểu rằng Tiết phu nhân đưa Đống Tuyết sang thì việc hầu hạ chỉ là thứ yếu, mà theo dõi nhất cử nhất động của Dương nương tử mới là chính yếu.

*

Trong viện Phù Thúy, Thi Yến Vi đứng bên khung cửa chạm rỗng sơn son, ngắm nhìn một gốc hải đường giữa sân, lá vẫn xanh tươi mà hoa đã úa tàn.

Trong viện trồng rất nhiều dây leo thường xuân và cây xanh bốn mùa, như bệ lệ, đằng la, hương nhãn, dù trời đã ngả sang thu nhưng màu xanh vẫn phủ đầy trong viện, quả xứng với hai chữ “Phù Thúy”. 

Tuyết Cầu đã được đưa đến chỗ của Nhị nương, Luyện Nhi không cần phải chăm sóc nó nữa nên vẫn chưa quen với chuyện nhàn rỗi, thấy Thi Yến Vi đứng nơi đầu ngọn gió thì vô tình quên mất chuyện gõ cửa. Nàng vội vàng bước vào, lấy từ bao hành lý chưa kịp thu dọn một chiếc áo choàng gấm xanh, khoác nhẹ lên người Thi Yến Vi.

“Thân thể nương tử yếu ớt, ba ngày nữa là ngày tiểu nương tử xuất giá, nếu người nhiễm phong hàn rồi có bề thì chẳng phải sẽ lỡ mất dịp trọng đại này sao?”

Thi Yến Vi gật đầu, rồi đi đến ngồi xuống bên giường La Hán.

Lưu mụ vừa bước vào, thấy nàng thẫn thờ ngồi đó một mình, liền nhíu mày sai Luyện Nhi ra nhà bếp nấu ít nước nóng mang đến. 

Luyện Nhi không hiểu vì nương tử vốn thích uống trà hoa, thế nhưng Lưu mụ giục giã, nàng đành nghe theo lời bà. 

Lưu mụ tính ngày, thấy kỳ nguyệt của nương tử đã chậm hơn nửa tháng. Khoảng thời gian Tấn vương ở lại phủ dưỡng bệnh, dù bệnh tình chưa khỏi hẳn nhưng cũng không ít lần ân ái với nàng. Vì không phải đến quan thự hay ra vào quân doanh, nên tần suất cũng nhiều hơn bình thường; đó là chưa kể nương tử còn uống thường xuyên dùng thuốc điều hòa cơ thể, biết đâu lần này nàng đã mang thai, dùng đến trà càng là điều cấm kỵ.

Một lúc sau, Phùng Quý dẫn Đống Tuyết đến, nói rằng Thái phu nhân đã phái Đống Tuyết sang để nàng sai bảo.

Hôm nay nàng vừa mới đến nhưng đã khiến Tiết phu nhân không nhịn được, nhét người vào viện của nàng. Bà ấy quả nhiên là rất xem trọng Tống Hành, và vì xem trọng nên mới không để người bên gối của hắn phạm chút sai lầm nào.

“Được Thái phu nhân ưu ái, ban tặng tỳ nữ tháo vát giỏi giang thế này, ngày mai ta nhất định sẽ cùng nàng ấy qua viện Thái phu nhân cảm tạ cho phải phép.”

Phùng Quý có phần không quen với một Dương nương tử khéo léo, a dua nịnh bợ thế này. Từ khi gặp được mọi người trong Tống phủ, hắn đã thấy nàng có điểm nào đó là lạ, nhưng lại không chỉ cụ thể được, sau khi chúc thêm vài câu cát tường thì cũng lên tiếng cáo lui. 

Thi Yến Vi đã có đối sách trước việc Tiết phu nhân gài người vào viện của nàng, liền bảo Lưu mụ mang tráp nữ trang làm bằng gỗ đàn hương khảm trai đến. Nàng mở ngăn kéo nhỏ, tiện tay lấy ra một cây trâm vàng đính nam châu, thỏ thẻ nói: “Ta chỉ là một cô nhi, không có gì quý giá để tặng em làm quà gặp mặt. Chiếc trâm này tuy tầm thường nhưng mong em không chê mà có thể vui vẻ nhận lấy.” 

Viên nam châu đính trên trâm cài lớn bằng hạt dẻ, là vật vô cùng quý trọng, nhưng qua lời nàng lại là thứ bình thường không đáng để nhắc tới. Đống Tuyết ngỡ ngàng ngước mắt nhìn Thi Yến Vi, sau đó liếc sang cái tráp nữ trang, châu quang bảo khí lập lòe lóa mắt, bất giác lại càng kinh ngạc. 

Đống Tuyết nhận lấy cây trâm, tự nhủ phải tìm cơ hội đưa thứ này cho Thái phu nhân xem thử. Nghĩ vậy, nàng chầm chậm lui ra ngoài.

Trời còn sớm, trong phòng lại không có ai khác, Lưu mụ không nén nổi sự chờ mong cùng cảm giác tò mò ở trong lòng, bà nhỏ giọng hỏi Thi Yến Vi: “Dạo này nương tử có cảm thấy mệt mỏi hay buồn nôn không?”

Thi Yến Vi vô cùng ghét bỏ việc mang thai cốt nhục của Tống Hành, thậm chí còn không muốn giả vờ trước mặt người khác, lắc đầu nguầy nguậy: “Ngoài mấy ngày ngồi trên xe ngựa khiến ta hơi choáng, còn lại không có cảm giác gì.”

Nàng vừa dứt lời, Lưu mụ mới nhận ra mình đã quá nóng vội. Dù nàng có mang thai thật thì cũng chỉ mới hơn hai mươi ngày, cần thêm hơn hai mươi ngày nữa mới có thể chẩn ra hỉ mạch.

Sợ nàng suy nghĩ nhiều, Lưu mụ lảng sang chuyện khác, dùng đôi ba chuyện vặt vãnh khác để lấp liếm.

Đến giờ Dậu nhị khắc, Tống Duật cưỡi ngựa về phủ, nhận thấy bầu không khí trong phủ hôm nay có phần nhộn nhịp hơn thường lệ. Nhìn thấy Tổ Giang Lan, hắn lập tức ôm lấy Tống Lân từ tay nàng, ân cần vỗ về, lại hỏi hôm nay trong phủ có sự vụ gì náo nhiệt chăng.

“Tam lang còn chưa biết sao? Dương nương tử đã về đây rồi. Nhị bá thúc đã cử người đưa nàng về, còn muốn cưới nàng làm nhũ nhân nữa. Nhưng mà Nhị bá thúc vướng phải công vụ, nên không thể về dự lễ xuất giá của Nhị nương.”

Tống Duật thoáng khựng lại, bàn tay đang vuốt chiếc mũ hổ trên đầu Tống Lân cũng dừng theo. Mi mắt rũ xuống, ngập ngừng hỏi nàng: “Thập Nhất, nếu khi xưa nàng không có tình ý gì với, nhưng ta vẫn bất chấp tất cả, cưỡng ép nạp nàng làm thiếp, làm hoen ố sự trong sạch của nàng, liệu nàng có thể vì tình nghĩa sau này mà thử trải lòng với ta không?”

Tổ Giang Lan bật cười, nghĩ bụng đang nói chính sự mà hắn lại đi hỏi những câu kỳ lạ gì thế này.

“Tam lang sao lại hỏi câu ngớ ngẩn ấy. Chàng lén đọc thoại bản để trong thư phòng của thiếp thân rồi có đúng không? Đừng nói là thiếp thân, dù là bất cứ nữ lang nào nếu có tự trọng và liêm sỉ thì cũng không đời nào động lòng với kẻ đã làm nhục mình, chứ đừng nói đến việc ngả vào lòng hắn.”

Tống Duật lặng lẽ nhìn Tổ Giang Lan, trong đầu lại vang lên những lời mà Tống Hành từng nói với hắn: Dương nương tử cứng đầu ương ngạnh, ngang bướng làm càn…

Hẳn là một nữ lang rất có cá tính, không thể sai được.

Tổ Giang Lan thấy hôm nay hắn có phần kỳ lạ, định hỏi hắn đã gặp phải chuyện gì thì chợt thấy lông mày hắn khẽ động, dùng giọng trầm ấm mà hỏi nàng: “Thập Nhất, ta có chuyện muốn gặp Dương nương tử. Ngày mai, nàng tìm lý do sai người mời nàng ấy đến gặp ta có được không?”

Tổ Giang Lan không ngờ hắn lại đưa ra yêu cầu này, ánh mắt thoáng hiện vẻ khó hiểu, nàng đáp: “Chuyện gì mà Tam lang không thể sai người đi hỏi vậy?”

Lúc này Tống Duật mới nhận ra lời hắn nói quá mức đường đột. Dương nương tử đang ở Tống Phủ, đợi gả cho Nhị huynh hắn. Giữa hai người dù sao đi nữa cũng phải tránh tị hiềm. 

“Nhị huynh luôn coi Nhị nương như em gái ruột, yêu thương hết mực. Lần này huynh ấy không thể về Thái Nguyên tham dự hôn lễ của Nhị nương nhất định là có đại sự trọng yếu. Ta muốn thông qua Dương nương tử, hỏi thăm tình hình của Nhị lang và cục diện ở Lạc Dương, không tiện để người ngoài biết được, vì vậy mới muốn mượn danh nàng, mời Dương nương tử đến đây một chuyến.”

Tổ Giang Lan luôn tin tưởng phẩm cách của Tống Duật hơn ai hết. Nàng biết dù có gặp riêng Dương nương tử thì hắn cũng sẽ không có hành vi hay ngôn từ vượt lễ.

“Tam lang suy nghĩ chu toàn, việc hệ trọng thế này đúng là không thể nhờ ai hỏi giúp. Nếu là thiếp, cũng không tiện nghe việc này. Ngày mai nếu chàng cũng về đúng giờ này, thiếp sẽ cho người mời Dương nương tử đến gặp chàng vào giờ Dậu một khắc, chàng thấy có được không?”

Nghe vậy, Tống Duật liên tục gật đầu. Hắn vỗ nhẹ lên chiếc mũ đầu hổ trên đầu Tống Lân, mỉm cười đáp: “Vậy làm phiền Thập Nhất rồi.”

Ngày hôm sau, Thi Yến Vi đội chiếc ngọc phù dung quan lộng lẫy, dẫn theo Đống Tuyết đến bái kiến Tiết phu nhân. Trước khi rời đi, nàng còn cố tình để Đống Tuyết ở lại, nói chuyện với Tiết phu nhân thêm một lúc.

Về đến viện, Thi Yến Vi gọi Hỉ Nhi, Thiện Nhi cùng vài người khác đến, rồi ban thưởng cho họ không ít tiền bạc và vật dụng có giá trị.

Khi Đống Tuyết quay về, đang định bước vào phòng thì vô tình nghe được câu nói này. Nàng bất giác siết chặt cây trâm vàng nằm trong tay áo, thầm nghĩ Dương nương tử hành xử hành xử xa hoa, tiêu xài phung phí, hoàn toàn khác biệt so với phong thái giản dị của trước kia.

Nàng cụp hàng mi dài xuống, thu lại ý định gõ cửa, lặng lẽ quay người đi nơi khác.

Tới giữa trưa, Thiện Nhi nhận được rất nhiều quà mang về, nàng phân phát cho từng người theo lời dặn của Thi Yến Vi.

Đến giờ Dậu, Tổ Giang Lan phái người đến mời nàng.

Thi Yến Vi chợt nhớ hôm qua lúc ở sảnh Thuỳ Hoa, nàng chưa nhìn thấy Tống Duật. Xem ra người thực sự muốn gặp nàng có lẽ không phải là Tổ Giang Lan, mà chính là Tống Duật.

Đội phù dung quan cả ngày khiến đầu nàng hơi đau. Vừa về phòng, Thi Yến Vi đã lập tức tháo xuống, nghĩ đến việc phải ra gặp người khác một lần nữa, nàng lấy ra một chiếc trâm bạc hình khổng tước ngậm vòng hoa, cài lên đỉnh đầu. 

Lưu mụ thấy nàng trong một ngày mà thay hai loại mũ miện khác nhau, chỉ nghĩ rằng nàng đang đắm chìm trong đống của cải vừa có được này, lòng cũng yên tâm phần nào. Sau đó, bà dặn Quất Bạch và Đống Tuyết cùng nhau đi theo nàng. 

Tổ Giang Lan tự mình ra đón nàng vào phòng, rồi chỉ vào chiếc đĩa bạc hoa văn hoa điểu đế cao, mỉm cười nói: “Giờ đang đúng mùa củ từ khoai môn, ta đã sai người dựa theo công thức cô đưa để làm món bánh củ từ khoai môn, cô nếm thử xem có hợp khẩu vị không.”

Nước trong ấm trà đang sôi lăn tăn. Tổ Giang Lan tự tay cho bột trà đã nghiền mịn vào nước. 

Tiếng nước sôi khe khẽ vang lên, ngay lúc ấy, lại có một tỳ nữ đến báo: “Lang quân đã về.”

Tổ Giang Lan đứng dậy, bước đến trước cửa, nàng nở nụ cười: “Hôm nay Tam lang hôm nay về sớm hơn nửa khắc đồng hồ đó.”

Thi Yến Vi cũng đứng dậy, chắp tay thi lễ.

Tống Duật đóng cửa, hoàn lễ với nàng.

Tổ Giang Lan hướng ánh mắt về ấm trà trong vạc đồng, dùng muôi dài múc thêm chút nước suối đã sai tiểu tư rời thành gánh về từ sáng sớm, “Ta vào trong xem Tề Nô một chút, nhờ Tam lang canh ấm trà này giúp ta.” 

Nói đoạn, nàng đưa chiếc muôi cán dài cho Tống Duật, tự mình bước vào trong. Nàng nhỏ giọng dặn nhũ nương lui ra, rồi ôm Tống Lân đang ngủ say vào lòng. 

Nhũ nương đã rời đi nhưng mãi vẫn không thấy Tổ Giang Lan trở lại. 

Nước trà trong vạc vẫn đang sôi sùng sục. Tống Duật ngồi bên mép giường La Hán, mắt đăm đăm nhìn nàng suốt một lúc lâu. Vẻ mặt hắn bình lặng không để lộ cảm xúc, nhưng cõi lòng thì liên tục sôi trào. Hắn từ tốn hỏi nàng: “Dương nương tử thật lòng muốn làm thiếp của Nhị lang sao?”

Là thiếp hay nhũ nhân thì có gì khác nhau? Tống Duật đắn đo một lúc, cuối cùng vẫn dùng từ “thiếp,” vì hắn không tin rằng nàng thực sự cam lòng. 

Hắn yêu Thập Nhất nên không nỡ để nàng làm thiếp, càng không nạp thiếp để vì điều đó sẽ làm tổn thương nàng.

Nhị huynh đối với Dương nương tử rốt cuộc là có ý gì? Nếu thật lòng yêu thích, sao lại bắt nàng làm thiếp?

Có đôi lúc, hắn thực sự không hiểu nổi Nhị huynh.

Thi Yến Vi nghiêng đầu nhìn về phía hắn, dường như thấy trong mắt hắn có một chút chân thành, nhưng lại hoài nghi mình thấy lầm. Hắn cũng là người Tống gia, lẽ nào lại để ý đến nguyện vọng của nàng sao?

“Thật lòng hay không thì có khác biệt gì? Trong mắt các người, ý nguyện của ta vốn chẳng quan trọng. Quan trọng là thái độ của Tấn vương, không phải sao?”

Nghe nàng đáp với giọng điệu tự giễu và bất lực, Tống Duật cụp mi xuống, lòng hắn chùng xuống, trước mắt hắn lại hiện lên cơ thể đầy máu cùng sắc mặt tái nhợt của Dương Duyên trước khi lìa đời…

“Trước lúc lâm chung, huynh trưởng của cô chỉ có một mối lo duy nhất chính là cô. Mỗ được y xả thân cứu giúp, đời này quyết không thể khoanh tay đứng nhìn cô bị người khác ép uổng, dù kẻ đó có là Nhị huynh của mỗ. Chỉ cần Dương nương tử chịu nói thật lòng, nếu việc làm thiếp của Nhị huynh không phải ý nguyện của chính bản thân cô, mỗ sẽ dốc sức giúp cô thoát khỏi kiếp nạn này.”

Ở Tống phủ này, từ trên xuống dưới, chỉ có hắn là người quan tâm đến ý nguyện của nàng, lại còn sẵn lòng giúp nàng rời khỏi Tống Hành.

Gương mặt Thi Yến Vi dịu đi, ánh mắt nàng như được tiếp thêm chút sinh khí, bình tĩnh cân nhắc xem lời hắn nói liệu có tin tưởng được hay không. 

Hắn căn bản không cần phải lừa nàng. Cho dù nàng nói ra sự thật rằng không muốn làm thiếp của Tống Hành, rồi sau đó thế nào? Chờ Tống Hành trở về, tố cáo nàng dù biết trước điều đó sẽ chỉ khiến Tống Hành tức muốn nổ phổi hay sao?

Huống hồ, thần sắc cùng ngữ điệu khi hắn nói lại vô cùng chân thành, không hề có chút chột dạ, càng không giống đang lừa gạt nàng. 

Thi Yến Vi ngước nhìn hắn, ánh mắt đăm chiêu như thể đang muốn nói rằng: Ta có thể tin ngài không?

Tống Duật đọc được ý nghĩ trong mắt nàng, liền trịnh trọng gật đầu, hạ giọng thề trước mặt Thi Yến Vi: “Nếu lời mỗ nói có nửa câu gian dối, phụ lòng lời phó thác của huynh trưởng cô trước lúc qua đời, thì mỗ xin lấy cái mạng được a huynh cô cứu về này, nguyện chết dưới loạn đao quân giặc.” 

Nói xong, hắn nhìn nàng với vẻ mặt ngay thẳng. Bốn mắt hai người chạm nhau, Thi Yến Vi nhận ra thái độ hắn hết sức chân thành, nàng quyết định nghe theo trực giác, chọn tin những gì hắn nói. 

Người ta có câu: chân đất không sợ mang giày. Nàng hiện giờ, còn gì là không thể đánh đổi đâu? Điều tồi tệ nhất cũng chỉ là Tống Duật và Tống Hành hợp sức lừa gạt, nàng vì thế mà thân vong hồn diệt, nhưng chí ít cũng xem như được giải thoát. 

Thi Yến Vi siết chặt hai tay trên vạt áo mềm mại, tiếng gió ngoài cửa sổ vừa vặn che đi giọng nói nàng, để ngoài nàng và Tống Duật ra, không ai khác có thể nghe thấy rõ.

Nàng gần như nghiến răng, trả lời hắn: “Ta không muốn. Bao lâu nay hắn chà đạp ta, sao ta có thể có chút tình ý nào với hắn? Đừng nói là thiếp thất nhũ nhân, cho dù ngày sau hắn có làm hoàng đế, phong ta làm Bảo phi, Kim phi, Ngọc phi, ta cũng không muốn nhìn thấy hắn thêm một lần nào nữa!”

Tống Duật không dám nghĩ nàng đã phải chịu đựng những gì khi bị ép ở cạnh Nhị huynh. Điều gì đã khiến một nữ lang vốn ôn nhu nhã nhặn như nàng dù phải liều mạng cũng chỉ muốn trốn đi bằng mọi giá. 

Hắn đã phụ lòng Dương Duyên, người đã hy sinh cả mạng sống để cứu hắn.

Hắn đã không thể giữ đúng lời hứa, không thể bảo vệ người thân duy nhất còn trên đời của Dương Duyên, hắn nợ huynh muội họ.

Ngoài cửa sổ, cơn mưa thu lất phất rơi. Từng giọt nước mưa gõ nhẹ lên tàu lá chuối, phát ra âm thanh tí tách. Không gian xung quanh đều là tiếng mưa rả rích, cảm giác day dứt đè nặng khiến Tống Duật gần như nghẹt thở. Hắn lặng lẽ rời mắt, đưa tay xoa trán, nhìn về phía ấm trà đã vơi đi một nửa, trầm giọng nói:

“Nếu Dương nương tử bằng lòng tin mỗ, trước khi Nhị nương xuất giá, mỗ nhất định sẽ nghĩ cách để giúp cô trốn đi. Nhưng kế hoạch này cần phải tính toán thật kỹ. Nhị huynh mỗ coi trọng huyết mạch thân tình, huống chi huynh ấy vẫn cần đến mỗ để trấn thủ Thái Nguyên thay, vậy nên hắn tuyệt đối sẽ không làm gì gây tổn hại đến mỗ. Mọi chuyện cứ để mỗ gánh vác, cô cứ việc yên tâm.”

Hai người trò chuyện gần như thầm thì, trong khi Tổ Giang Lan cố tình tránh mặt, nửa câu cũng không nghe lọt. Nàng chỉ chuyên tâm dỗ dành Tống Lân đang khóc ngằn ngặt ở trong lòng.

Hai ngày nay Thi Yến Vi vẫn đang đau đầu tìm cách tránh khỏi tai mắt của Tống Hành để lẻn ra ngoài, sau đó tìm cơ hội thích hợp chui qua lỗ chó ở góc sân bỏ hoang mà đào thoát khỏi Tống phủ. Bước đầu vốn đã khó khăn mà bước sau cũng không hề đơn giản. 

Giờ đây, một người có quyền thế chỉ đứng sau Tống Hành trong thành Thái Nguyên đã chủ động nói với nàng rằng hắn có thể giúp nàng thoát thân, sao nàng lại không động lòng được?

Hắn và Tổ Giang Lan tình cảm mặn nồng, xưa nay chưa từng nạp thiếp. Chỉ riêng điều này đã khiến chín phần mười nam nhân trên đời cũng chẳng thể sánh bằng hắn. Huống chi tính tình hắn lại khác xa Tống Hành, ít nhất là trước mặt người ngoài, hắn luôn tỏ ra là một quân tử nho nhã, khiêm tốn ôn hòa, luôn đối xử lễ độ với mọi người. Người như hắn, có lẽ không phải hạng thất tín bội nghĩa.

Con đường phía trước mù mờ, bế tắc không lối thoát thực sự khiến người ta không thể thở nổi. Thi Yến Vi không có cách nào để từ chối lời đề nghị đầy thiện chí từ Tống Duật, cũng không suy nghĩ nhiều, dứt khoát nói: “A huynh liều mình cứu ngài hẳn cũng vì nhận thấy những phẩm chất đáng quý ở ngài. Vì a huynh, ta nguyện tin ngài lần này.”

Thi Yến Vi nhắc đến Dương Duyên, là để khơi gợi cảm giác tội lỗi trong lòng Tống Duật, nhắc nhở hắn đừng bao giờ quên ơn cứu mạng của Dương Duyên, cũng đừng bao giờ phản bội lời hứa ngày hôm nay. 

Tống Duật nghe ra ẩn ý trong lời nói của nàng, cầm lấy chiếc muôi dài, châm thêm trà vào chén, giống như thêm vào cho nàng một liều thuốc an thần: “Mỗ sẽ không phụ lòng tin của Dương nương tử. Nếu việc rời khỏi Nhị huynh khiến cô cảm thấy thoải mái, thì ta tin rằng linh hồn của a huynh cô ở trên trời cũng sẽ được yên lòng.”

Nghe đến đây, Thi Yến Vi an tâm hơn rất nhiều, nàng nói: “Nếu vậy, ta sẽ chờ tin vui từ lang quân.”

Tống Duật rót ra ba chén trà, cao giọng gọi Tổ Giang Lan cùng uống trà, “Đây là trà do Thập Nhất nương pha, ta chỉ giúp thêm đôi chút. Nếu hương vị không ngon, cũng xin Dương nương tử đừng trách.”

Thi Yến Vi nâng tay đón lấy chén trà, “Lang quân quá lời rồi. Ta chỉ đến đây uống chực, sao dám trách cứ điều gì.”

Hai người đang nói thì Tổ Giang Lan vừa bước tới. Tống Duật vội đứng dậy, bế lấy Tống Lân từ tay nàng, tìm chiếc trống bỏi để chọc cười cậu bé. 

“Nàng ngồi đây uống trà với Dương nương tử nhé, ta sẽ bế Tề Nô ra sân ngắm hoa tường vi.” Nói rồi, hắn ôm Tề Nô bước ra ngoài, dừng lại dưới mái hiên quan sát xung quanh. Quả nhiên có hai gã thị vệ đứng cách cổng viện một khoảng không xa không gần, mắt dán chặt vào phòng chính.

Tống Duật thản nhiên thu lại ánh mắt, ôm Tống Lân đến dưới giàn tường vi. Hắn đưa chiếc trống bỏi cho tỳ nữ đang đứa phía sau, rồi chỉ vào một đóa hoa để cậu bé nhìn. 

Hai viên thị vệ kia chẳng đoái hoài gì đến cha con hắn, một mực dõi mắt vào phòng chính, để ý động tĩnh từ bên trong.

Thi Yến Vi uống xong trà, bước ra khỏi phòng. Quất Bạch và Đống Tuyết cũng theo sau, cùng nàng tiến về viện Phù Thúy.

Đêm ấy, nàng lên giường nghỉ sớm.

Sáng hôm sau, Thi Yến Vi ngủ một mạch đến khi mặt trời đã lên cao. Ánh nắng xuyên qua song cửa và lớp rèm mỏng rọi xuống khuôn mặt nàng, mang theo từng chút hơi ấm.

Luyện Nhi lo nàng ngồi dậy quá nhanh sẽ bị chóng mặt, liền nhẹ nhàng ấn xuống bờ vai nàng: “Nương tử cứ nằm thêm một lát cũng không sao. Hôm nay các chủ tử của quý phủ đều phải tắm gội trước khi dâng hương tế tổ. Tuy nương tử không cần tham gia nhưng tắm gội một lượt cũng tốt. Nô tỳ đã chuẩn bị nước nóng rồi.”

Bây giờ nàng vẫn chưa phải là người của Tống gia, nhưng dù nàng có thực sự trở thành nhũ nhân của Tống Hành thì cũng chỉ thế thôi. Thân là thiếp, cùng lắm chỉ được xem như nửa chủ nhân trong phủ, không đủ tư cách ghi vào gia phả, càng không được dự lễ tế tổ tiên. Đã là thiếp, nếu một ngày mất sủng ái, hoặc chết già nơi hậu viện, hoặc bị bán cho người khác, hoặc cũng có thể bị tặng cho. Dù sống hay chết thì đều nằm gọn trong bàn tay nam tử…

Thi Yến Vi không muốn nghĩ thêm nữa, đưa tay che đi ánh nắng chói mắt, “ừ” một tiếng rồi nằm thêm lát nữa. Sau đó, nàng chậm rãi ngồi dậy, xuống giường đi vào phòng tắm.

Lễ tế tổ của Tống phủ được tổ chức vô cùng long trọng. Thì Yến Vi không có việc gì làm, bèn dạo quanh bên ngoài từ đường.

Đám người đứng tụ tập trước cửa vừa nhận ra nàng, liền tự giác nhường ra một khoảng trống. Ai nấy đều chắp tay trước ngực thi lễ với nàng, nhưng ánh mắt lại mang vẻ xa cách, dè chừng.

Từ xa, Thi Yến Vi trông thấy lễ vật tam sinh [1] bày trên bàn thờ giữa sân. Nàng cảm nhận được những ánh mắt khác thường và thái độ dè dặt từ những người xung quanh, bỗng thấy mọi thứ thật vô vị.

[1] Tam sinh lễ vật (三牲祭礼): Đây là lễ vật gồm ba loại động vật (thường là heo, dê, và bò) dùng để cúng tế trong các nghi lễ truyền thống.

Mang theo tâm sự nặng nề, nàng lẳng lặng quay gót về viện. 

Gần đến viện Phù Thúy, từ đằng xa, Thi Yến Vi trông thấy một nữ lang vội vã đi tới. Nàng đã chủ động nhường đường, nhưng nữ lang ấy lại không tránh ra, cố tình đụng vào tay nàng.

Thi Yến Vi cảm nhận thấy có thứ gì đó được đặt vào tay mình. Nàng phản ứng gần như ngay lập tức, khép nhẹ năm ngón tay lại thành nắm đấm.

“Nô tỳ đang vội mang y phục đến cho Cao phu nhân, nhất thời sơ ý va phải Dương nương tử, mong nương tử lượng thứ.”

Lưu mụ ở phía sau đang định nhắc nhở nàng ta làm việc gì cũng phải chú ý hơn thì đã bị Thi Yến Vi giành lời trước: “Không sao. Nếu là đưa đồ cho Cao phu nhân thì mau đi nhanh đi.”

Từ khi nghi ngờ nàng đang mang thai cốt nhục của Tống Hành, Lưu mụ trở nên vô cùng cẩn trọng, sợ nàng gặp bất trắc nào tổn hại đến thai nhi. Vì vậy, bà chăm sóc nàng từng li từng tí, chỉ hận không thể ngày đêm túc trực ở bên nàng. 

“Lão nô nghĩ, về sau nếu có những dịp náo nhiệt thế này, nương tử vẫn nên tránh xa thì tốt hơn. Vừa rồi nếu như nữ tỳ kia lỡ va phải bụng của nương tử thì biết làm thế nào?”

Thi Yến Vi vốn không nghĩ mình sẽ mang thai nghiệt chủng của Tống Hành, nhưng nghe những lời đó nhiều lần, cộng thêm nguyệt sự chưa thấy dấu hiệu trở lại, khó tránh khỏi cảm thấy sợ hãi. Tay phải nàng nắm chặt mảnh giấy, tinh thần thấp thỏm lo âu khiến nàng càng bước vội hơn. 

Nếu ông trời thật sự bạc đãi nàng đến thế, thì dù có phải mạo hiểm mạng sống này, nàng cũng nhất quyết loại bỏ thứ nghiệt chủng đó ra khỏi thân thể.

Thi Yến Vi không cho bất kỳ ai theo mình vào phòng, chỉ nói bản thân cảm thấy mệt mỏi, muốn vào phòng ngủ một giấc cho lại sức.

Luyện Nhi ngoan ngoãn nghe theo, không vào phòng nhưng cũng không rời đi mà ngồi xuống cạnh lan can, còn bảo Lưu mụ quay về phòng nghỉ ngơi.

Thi Yến Vi dùng hỏa chiết thắp sáng đèn, nhìn qua tờ giấy rồi đặt trên ngọn lửa đốt thành tro, hơi hé cửa sổ để tro giấy tản đi.

Hai mươi tám tháng tám là ngày hoàng đạo, thích hợp cho việc cưới gả. 

Trời còn tờ mờ sáng, Tống Thanh Hòa đã bị bà mụ quản sự gọi dậy, trong cảnh hối hả lùa như lùa vịt, nàng được tỳ nữ chăm chút từ rửa mặt cho đến chải đầu. Sau khi dùng qua bữa sáng, tỳ nữ mang đến loại phấn ngọc trai trộn với hoa đào, một tay khác thì lắc nhẹ cuộn chỉ bông, sẵn sàng cho nghi lễ cạo mặt. [2]

[2] Nghi lễ cạo mặt (hay còn gọi là khai diện hoặc cạo lông mặt) là một tập tục truyền thống phổ biến trong văn hóa Trung Quốc và một số nước Á Đông. Nghi lễ này thường được thực hiện vào những dịp quan trọng như lễ xuất giá (cưới chồng) của cô gái, mang theo ý nghĩa làm đẹp và tẩy tịnh để bắt đầu cuộc sống mới.

Cạo mặt thực sự rất đau. Tống Thanh Hòa nhớ mang máng khi Tống Thanh Âm xuất giá, dù là người chịu đựng giỏi như tỷ ấy thì vẫn bị đau đến mức nước mắt rưng rưng.

Trong lúc luống cuống, nàng chợt nhớ rằng Dương nương tử cũng sắp gả cho Nhị huynh làm nhũ nhân, hẳn là cũng không tránh khỏi chuyện này, lại lo sợ rằng lát nữa mình vì đau quá sẽ bật khóc, kiểu gì cũng sẽ phải mất mặt, bèn nói: “Đợi ta cạo mặt xong rồi hẵng gọi Dương nương tử tới đây. Hôm nay là ngày vui của ta, ta muốn gặp nàng ấy.”

Nghe vậy, sắc mặt của Tiết phu nhân thoáng trầm xuống, nụ cười tươi rói trên môi cũng nhạt đi phân nửa. Bà cụp mi, ngón tay gẩy nhẹ chuỗi Phật châu, cố gắng bình tâm trở lại nhưng không hề góp thêm lời nào. 

Tiểu Phiến và Họa Bình cũng tinh ý nhận ra thái độ của Tiết phu nhân dành cho Dương nương tử không còn được như trước. Cả hai lén nhìn Tiết phu nhân mấy lần, thấy bà không tỏ vẻ gì, cũng không ra mặt phản đối, lúc này Tiểu Phiến mới dám đáp lời trước cái nháy mắt ra hiệu của Họa Bình. 

“Tiểu nương tử cứ yên tâm, nô tỳ nhớ kỹ rồi ạ.”

Tống Thanh Hòa khẽ gật đầu, đáp lại một tiếng “Tốt.” Bà mụ lúc nãy lại vòng đến trước mặt nàng, dịu dàng trấn an: “Tiểu nương tử đừng sợ. Các nữ lang trước khi xuất các đều phải qua chuyện này, cắn răng một chút là xong ngay thôi.”

Cạo mặt là quá trình loại bỏ lớp lông tơ và những sợi tóc vụn trên mặt. Dù bà mụ có tay nghề lão luyện thì Tống Thanh Hòa vẫn đau đến mức hai tay run nhẹ, nàng nắm chặt vạt áo trên đầu gối để không bật khóc thành tiếng, thở nhẹ một tiếng.

Nửa canh giờ sau, sau khi cạo mặt xong, Họa Bình chu đáo đưa tới một chiếc khăn tay, Tống Thanh Hòa nhắm mắt đón lấy, lau đi những giọt lệ còn chưa kịp rơi ra từ khóe mắt.

Tiểu Phiến bưng đến một chén trà nóng dâng lên cho nàng. Tống Thanh Hòa nhấp nhẹ vài ngụm, còn chưa kịp nghỉ ngơi thì nửa khắc sau, nhóm tỳ nữ đã kéo nàng tới trước bàn trang điểm, cẩn thận giúp nàng chải tóc.

Hai khắc đồng hồ sau, vì không muốn để ai nghi ngờ, Thi Yến Vi giữ vẻ mặt điềm tĩnh, cùng Tiểu Phiến bước vào đông phòng như bình thường.

Thấy nàng bước vào, biểu cảm mỗi người một khác, chỉ có Tổ Giang Lan và Tống Thanh Hòa là vẫn dùng ánh mắt trìu mến để nhìn nàng.

Tiết phu nhân nhìn nàng với vẻ mặt phức tạp, nhận lễ của nàng xong thì chỉ tay vào một góc, bảo nàng ngồi xuống.

Trang điểm cho tân nương đòi hỏi sự tinh tế tỉ mỉ, hơn nửa canh giờ trôi qua mà mới chỉ họa xong được nửa khuôn mặt. Dưới sự chỉ dẫn của một bà mụ giàu kinh nghiệm, đêm qua Tống Thanh Hòa đã phải học cấp tốc nửa cuốn “Bí hí đồ”, chưa chợp mắt nổi được ba canh giờ thì lại bị đánh thức, thành thử tinh thần uể oải, thi thoảng lại không kìm được mà ngáp dài mấy cái.

Thi Yến Vi ngồi một lúc, tính toán thời gian, thấy mình đã xuất hiện đủ lâu liền nói với bà mụ chủ sự rằng nàng thấy không khỏe rồi rời khỏi đó, trở về viện riêng. 

Không lâu sau, có một nữ lang không mấy quen mặt xách hộp thức ăn cùng một vò rượu đến viện Phù Thúy.

Gần đến Tết Trùng Dương, [3] các phòng viện trong phủ đều đã chuẩn bị rượu thù du [4] từ sớm. Lưu mụ vừa trông đã biết ngay rằng trong vò rượu ấy là rượu thù du, bèn ngăn nàng lại ngay dưới bậc thềm. “Gần đây nương tử thấy không khỏe, không uống rượu được, mau đem đi đi.”

[3] Tết Trùng Dương: hay còn gọi là tết Trùng Cửu là một trong những ngày lễ truyền thống và trọng đại của người dân Trung Quốc Con số 9 được coi là số dương, sự lặp lại hai lần số 9 nên gọi Trùng Cửu, Trùng Dương là vì vậy.

[4] rượu thù du: là một loại rượu truyền thống của Trung Quốc, thường được ngâm cùng quả thù du, một loại quả có tính ấm, vị cay và thơm nồng. Loại rượu này phổ biến nhất trong các dịp lễ Trùng Cửu (重九, ngày 9 tháng 9 âm lịch), bởi thù du được xem là có khả năng xua đuổi tà khí và giúp bảo vệ sức khỏe. 

Trong văn hóa truyền thống, người ta tin rằng uống rượu thù du vào dịp lễ này giúp tăng cường sức khỏe, giữ ấm cơ thể và phòng ngừa bệnh tật khi tiết trời bắt đầu chuyển lạnh. Rượu thù du cũng có thể được pha chế với các loại thảo dược khác, tạo nên hương vị độc đáo và gia tăng tác dụng bổ trợ sức khỏe.

Nữ lang kia nhoẻn cười, cất cao giọng đáp: “Rượu này là do nương tử dặn nô tỳ mang đến cho các bà mụ và các tỷ muội khác trong viện, chứ đâu phải nương tử muốn uống đâu.”

Nói xong, nàng tiến lên bậc thềm, gõ cửa.

Lúc này, Thi Yến Vi đang ngồi trên giường La Hán đan túi lưới, nghe thấy liền để nàng ta vào. 

Nữ lang rảo bước qua bậu cửa, điệu bộ nghiêm chỉnh hỏi Thi Yến Vi có muốn đem thức ăn trong hộp ra, cùng dùng bữa với Lưu mụ và mọi người không. 

“Hôm nay ngày lành tháng tốt, Nhị nương xuất giá, chúng ta cũng nên ăn mừng. Chi bằng gọi mọi người trong viện tới nhà phụ, dọn một bàn tiệc dài rồi cùng nhau ngồi xuống uống rượu dùng cơm, Lưu mụ thấy có được không?”

Chủ tớ ngồi chung một bàn vốn là điều không hợp quy củ. Lưu mụ cảm thấy không ổn, uyển chuyển từ chối: “Nương tử không thể uống rượu.”

Thi Yến Vi không chịu thua, giấu đi nụ cười trên mặt, nhằm vào lý do bà viện vào để chống chế: “Ta chỉ ăn chút bánh gạo nếp, không đụng đến bánh hoa cúc và rượu thù du là được chứ gì?”

Lưu mụ thấy nàng đã đổi sắc mặt, lại nghĩ đến Tấn vương nâng niu nàng như báu vật, bảo hộ nàng như tròng mắt thì nào dám trái ý nàng trước mặt hạ nhân: “Nương tử đã nói thế, lão nô cũng không nhiều lời nữa.”

“Vậy nhờ Lưu mụ chuẩn bị giúp.” Thi Yến Vi nhỏ nhẹ đáp lại. Nàng để cuộn chỉ đỏ trong tay xuống, lại sai Quất Bạch và Luyện Nhi phụ nhau bố trí lại bàn ghế ở nhà phụ.

Thu xếp xong, cơm canh bày hết lên bàn, mọi người cùng ngồi vào chỗ, Thi Yến Vi giữ lại tỳ nữ đã mang đồ ăn đến. 

“Em tên gì?” Thi Yến Vi hỏi.

“Hồi bẩm Dương nương tử, nô tỳ tên là Đông Tuyết.”

Thi Yến Vi lại cười nói: “Em không ngại vất vả mang đến nhiều thứ thế này, lại còn giúp họ bày tiệc lên bàn, nếu không chê thì hãy ngồi xuống dùng bữa với chúng ta đi.”

Đông Tuyết đáp: “Dương nương tử không ghét bỏ nô tỳ đã là may mắn lắm rồi.”

Thi Yến Vi bảo Luyện Nhi ăn thêm chút bánh hoa cúc và nếm thử rượu thù du.

Lưu mụ biết Thi Yến Vi đặc biệt ưu ái Luyện Nhi nên cũng không để ý nhiều, bà chỉ bất ngờ khi thấy Đông Tuyết hết sức hoạt bát siêng năng. Dương nương tử vừa nhắc tới rượu thù du và bánh hoa cúc thì Đông Tuyết đã đến trước mặt bà, rót rượu và chia bánh cho mọi người.

Làm việc lâu ở Thối Hàn cư khiến Quất Bạch quen thói dè dặt, ít khi uống rượu nên lần này nàng chỉ uống non nửa chén, đổi lại ăn nhiều hơn hai miếng bánh hoa.

Tác dụng của thuốc mê trong bánh đương nhiên là không bằng trong rượu.

Do đó khi Lưu mụ và những người khác lần lượt gục xuống thì Quất Bạch vẫn còn chút tỉnh táo. Nàng há miệng định hô hoán nhưng Đông Tuyết đã nhanh tay hơn, giáng một đòn chuẩn xác vào sau gáy nàng. Vì để chắc chắn, Đông Tuyết còn cúi xuống, kiểm tra hơi thở nàng.

“Nương tử có vóc dáng cao gầy nên không dễ để ngụy trang, nếu đóng vai một phụ nhân lớn tuổi khom lưng cúi đầu thấp chút thì may ra còn được. Nô tỳ đã mặc sẵn xiêm y bà mụ bên dưới, xin nương tử mau chóng thay vào.” Vừa nói, Đông Tuyết vừa cởi lớp áo ngoài, đưa bộ áo thô bên trong cho nàng.

“Nương tử không cần lo cho nô tỳ, nô tỳ đã tập võ từ nhỏ, chịu lạnh quen rồi. Bây giờ việc thoát khỏi thành mới là điều quan trọng, xin nương tử nhanh mặc vào đi.”

Thi Yến Vi gật đầu đồng ý, đưa tay nhận lấy bộ y phục rồi vội vàng thay vào, gỡ hết trâm cài trên đầu xuống.

Đông Tuyết lấy ra một ít phấn vàng từ ống tay áo, thành thạo thoa lên mặt Thi Yến Vi, rồi cài vào tóc nàng một chiếc trâm bạc đơn giản. Tiếp theo, nàng xé một mảnh vải từ gấu áo của Lưu mụ cột vào búi tóc. Sau khi chỉnh sửa một lượt, nếu chỉ nhìn dáng vẻ bên ngoài thì đã khá giống với phụ nhân trung niên.

“Giày.” Đông Tuyết nhìn Thi Yến Vi từ trên xuống, nhận ra điểm sai sót cuối cùng.

Thi Yến Vi tháo đôi giày thêu đã cũ của Lưu mụ, xỏ vội vào chân mình, rồi cùng Đông Tuyết nép người, hướng về phía cửa hông hậu viện.

Bình thường quanh các lối đi này đều có thị vệ thay phiên nhau trực, nhưng hôm nay không rõ Tống Dật dùng cách gì mà không một ai xuất hiện, ngăn cản hai người họ.

Đông Tuyết lấy ra lệnh bài, nói là phụng mệnh Tam lang quân ra ngoài mua vài thứ quan trọng, thủ vệ cửa hông thấy thế liền mở cổng mà không chút nghi ngờ.

Khoảnh khắc bước qua bậu cửa, trái tim treo lơ lửng trong lồng ngực Thi Yến Vi mới phần nào an ổn lại.

Hai người vừa rời khỏi phủ đã thấy một cỗ xe ngựa đợi sẵn nơi đầu hẻm. Đông Tuyết theo sau nàng bước lên xe, lấy nghiên mực ra mài mực. “Nô tỳ tên Kiếm Sương, phụng mệnh lang quân đến hộ tống nương tử chu toàn. Kiếm Sương nguyện cùng người sống chết có nhau, sinh tử không rời. Lang quân đã chuẩn bị hơn trăm lượng hoàng kim, mười mấy tấm giấy thông hành để trống cùng một số hộ tịch, nương tử muốn đi đâu, chỉ cần điền vào giấy là được.

Kiếm Sương đưa một tờ giấy thông hành để trống cho Thi Yến Vi, mở rèm ra ngoài cầm dây cương, điều khiển xe ngựa. Thi Yến Vi vốn không định đồng hành cùng nàng ấy lâu dài, nhưng xung quanh Thái Nguyên không có nơi nào khiến nàng an tâm nổi. Nghĩ ngợi một hồi, nàng quyết định đi theo Kiếm Sương thêm ít ngày rồi mới tính tiếp.

Thi Yến Vi hạ quyết tâm, nàng tranh thủ thời gian trước khi xe ngựa đến cổng thành, điền vào khoảng trống trên giấy thông hành hai chữ “Diên Châu.”