Giam Nàng Trong Trướng - Tụ Tụ Yên

Chương 54: Hồi phủ




Ánh nến lung linh rọi sáng khắp phòng, Tống Hành sa sầm sắc mặt, bước từng bước trầm ổn lại gần nàng, hắn vươn tay phải đoạt lấy khăn, ánh mắt lướt qua hàng mi cong vút rồi cúi đầu, tay trái nâng khuôn mặt nàng lên, khẽ hỏi: “Vì sao hôm qua lại khóc?”

Thi Yến Vi ít khi rơi lệ, ngoại trừ những lúc bị hắn dày vò đến mức không kìm được nước mắt. Hôm qua nàng bật khóc bởi vì mơ thấy cha mẹ cùng cuộc sống trước kia ở hiện đại, và cả cảnh huynh trưởng nguyên thân, Dương Duyên, chết thảm dưới lưỡi đao kẻ thù.

Máu đỏ thẫm loang lổ trên giáp trụ của hắn, dù hắn đã đau đớn đến mức không thể nói nên lời nhưng vẫn cắn răng chịu đựng, dốc sức nhắc nhở người vừa được hắn cứu: “Ti hạ có một bào muội luôn sống nương tựa vào nhau, tên là Sở Âm…” 

Dương Duyên còn chưa kịp nói xong, đã phun ra một ngụm máu nóng.

Thi Yến Vi không nhìn rõ người bên cạnh hắn là ai, cũng không biết người đã nghe hắn nói những lời trăn trối trước lúc lâm chung, nhưng nàng mơ hồ cảm nhận được, người đó nhất định là Tống Duật.

Máu đỏ từ miệng Dương Duyên phun ra, thấm ướt giáp trụ. Trong giấc mơ đó, nàng bỗng cảm nhận được một thứ gì đó ẩm ướt và nhớp nháp. Khi cúi xuống nhìn, nàng giật mình thấy lòng bàn tay nhuốm đỏ.

Đó… là máu của Dương Duyên sao?

Thi Yến Vi choàng tỉnh từ trong mộng, lập tức hỏi Xuân Phi đang hầu hạ bên giường hôm qua là ngày gì. 

Xuân Phi đáp: “Là ngày mồng năm tháng sáu.”

Mồng năm tháng sáu. Tống Duật từng kể với nàng, đó là ngày Dương Duyên vì cản đao cho hắn mà bỏ mạng. 

Sau đó, nàng lại vô cớ nhớ đến cha mẹ ở hiện đại. Họ đã đến tuổi nghỉ hưu, sắp sửa bước vào những năm tháng hưởng thọ an nhàn…

Thế nhưng số phận trêu ngươi, linh hồn nàng bỗng bị đưa đến một nơi xa lạ, nhập vào một thân xác khác, sống một cuộc đời khác.

Trong thân xác đó, nàng sống một cách mơ màng, đến nỗi những bà mụ lớn tuổi ở Tống phủ âm thầm tụ lại, bàn tán với nhau là vì sao chủ tử ở quý phủ vẫn chưa mời thầy pháp đến thực hiện lễ trừ tà cho nàng. 

Ai ấy đều tin rằng, chỉ cần trừ đi tai họa, nàng sẽ nhớ lại những chuyện trước kia.

Ngày hôm đó, Thi Yến Vi cảm thấy cực kỳ đau đớn, nhưng nàng không tìm được ai để giải bày, không biết từ khi nào, nàng nức nở bật khóc.

Lúc Xuân Phi bưng trà vào thì thấy nương tử ngồi một mình, cầm khăn tay lặng lẽ gạt nước mắt. Khoảnh khắc ấy, Xuân Phi chợt cảm thấy nàng cũng chẳng khác gì những nữ lang tội nghiệp ở giáo phường, mỗi ngày đều phải chờ nam lang đến sủng hạnh. Chỉ khác ở chỗ, người nàng chờ là mỗi mình Tấn vương.

Xuân Phi đem chuyện Thi Yến Vi thầm khóc kể lại cho quản sự và bà mụ trong phủ. Bà mụ biết rõ Tấn vương rất yêu chiều nàng, đương nhiên không dám chậm trễ, vội vàng chạy tới an ủi, lại còn kiên nhẫn hỏi nàng có gì phiền muộn mà phải rơi lệ.

Thi Yến Vi khóc đến mờ mắt, nghẹn ngào hỏi lại: “Nơi này có vàng mã không? Hôm nay là ngày giỗ của người thân ta, vậy mà ta đã quên đốt vàng mã.”

Nàng nói nghe thật đáng thương, chưa kể đó còn là nữ lang đang được Tấn vương độc sủng, không chần chừ thêm nữa, bà lập tức phân phó tỳ nữ ra ngoài mua vàng mã, rồi đưa vào phủ qua lối cửa sau.

Thi Yến Vi tranh thủ cả đêm, lặng lẽ đi xuống con đường nhỏ lát đá ở dưới lầu, thắp lửa đốt vàng mã, lúc này mới thoáng yên tâm. Nhưng những chuyện hoang đường giữa nàng và Tống Hành trong những ngày qua cứ như chiếc đèn kéo quân lặp đi lặp lại, mãi không thể xua tan được. 

“Hôm trước là ngày giỗ của a huynh ta, còn ta suýt nữa thì quên mất, thật có lỗi với huynh ấy, trước khi đi, huynh ấy vẫn lo lắng cho ta, là ta phụ lòng huynh ấy… Hai ngày nay mỗi khi nhớ đến việc này, ta cứ thấy day dứt, hổ thẹn trong lòng, vì vậy không kìm được mà bật khóc.”

Vừa nói vừa dùng đôi mắt đào hoa nhìn hắn, giọng đầy oán trách hỏi ngược: “Tấn vương, ngài hỏi ta vì sao ư? Chẳng lẽ ngài nhốt ta ở đây thì đến khóc vì người thân ta cũng không được phép?”

Không nghi ngờ gì nữa, từng lời từng chữ của nàng dù vô tình hay cố ý thì đều đang nhắc nhở Tống Hành rằng: anh trai nàng cứu em trai hắn, thế mà giờ đây hắn lại ép buộc nàng, đúng là lấy oán báo ân, bạc tình vô nghĩa.

Tống Hành xưa nay lòng dạ sắt đá, nghe nàng nói thế thì cõi lòng cũng lần đầu tiên dấy lên một chút áy náy. Hắn chợt nghĩ chỉ có mẫu thân và a huynh là hai người thân thiết với nàng nhất, giờ nàng cô độc, không còn người thân bên cạnh, nhớ thương họ vào ngày giỗ cũng chỉ là nhân chi thường tình của con người, vậy mà hắn lại quên mất chuyện quan trọng này. 

“Nương tử ngoan, việc này là do ta sơ suất, không liên quan đến nàng, nào, nàng đừng tự trách mình nữa.” Tống Hành vừa chịu đựng cơn đau đầu, vừa cố cưỡng lại suy nghĩ muốn gần gũi nàng, nhẹ nhàng lấy chiếc khăn từ tay nàng, tỏ vẻ thanh tâm quả dục.

“Ta sẽ sai người chuẩn bị ít vàng mã, cùng nàng hóa vàng. Bây giờ nàng đã là người của ta, người thân của nàng cũng là người thân của ta. Sáng mai, ta sẽ phái người đến Văn Thủy, lo việc lễ bái thật chu đáo.”

Thi Yến Vi ngồi ngay ngắn, cố gắng tránh xa hắn, thu lại ánh mắt, giọng điệu thản nhiên: “Chuyện vàng mã không cần làm phiền Tấn vương. Ta đã báo bà mụ trong phủ mua đủ, đêm qua đã đốt dưới lầu rồi.”

Tống Hành chậm rãi tiến lại, nhẹ nhàng ngồi xuống bên nàng, cẩn thận điều chỉnh lực tay giúp nàng lau tóc.

“Là lỗi của ta, khiến nàng buồn bực.” Tống Hành im lặng rất lâu rồi khẽ mấp môi, nói ra một câu gần như là xin lỗi. Đó cũng là lần đầu tiên hắn lộ vẻ rối rắm và bất lực trước mặt Thi Yến Vi.

Thi Yến Vi không đáp lại, chỉ lặng lẽ nhìn vào họa tiết bồ đào in chìm trên vạt váy của mình. 

Trong phòng rất mực yên tĩnh, đến tiếng kim rơi cũng khó để bỏ lọt. 

Một lúc lâu sau, Tống Hành lau tóc cho nàng xong lại ôm nàng vào lòng, vỗ về mái tóc mềm mại của nàng, nhẹ giọng nhắc lại lần nữa: “Là lỗi của ta.”

Đêm nay, hắn chỉ dịu dàng vỗ vào lưng nàng, kiên nhẫn dỗ dành nàng, động tác không mang theo những dục niệm trần tục. Trong ánh mắt đó, thậm chí còn ẩn chứa vài phần đau lòng và hối lỗi.

Thi Yến Vi thật sự không hiểu nổi sự hòa nhã và trầm lặng này của hắn bắt đầu từ đâu, và còn nghi ngờ thần kinh hắn có gì bất thường không mà lại làm ra những hành động khác thường đến như thế.

Đêm đó, Tống Hành vẫn ở lại qua đêm, nhưng khác hẳn với mọi khi, lần này hắn ngủ rất quy củ. Đến sáng hôm sau khi nàng thức dậy, hắn vẫn an phận đắp chăn riêng, không hề sờ mó gì đến nàng.

Tống Hành sợ đánh thức nàng, rón rén kéo chăn rồi chầm chậm xuống giường. Hắn rửa mặt, mặc một bộ thường phục họa tiết hình mây màu sắc giản dị, rời khỏi biệt viện để đến quan thự.

Không bị ai quấy nhiễu, Thi Yến Vi ngủ thẳng một mạch đến giờ Thìn. Bên ngoài ánh nắng chói chang, mặt trời đã lên cao, từng tia nắng sớm xuyên qua lớp lụa mỏng trên cửa sổ, dệt thành những chùm sáng vàng óng.

Trên giường, sớm đã không còn bóng dáng của Tống Hành, thứ còn sót lại là chiếc chăn mỏng dường như vẫn còn vương chút hơi ấm nhàn nhạt mà hắn đắp, mùi hương nam giới phảng phất quyện cùng mùi hương long não thoáng qua.

Thi Yến Vi chỉ nhìn thôi mà đã thấy khó chịu, liếc qua chiếc chăn mỏng kia rồi bước xuống giường.

Xuân Phi bước vào hầu hạ nàng rửa mặt, thấy hôm nay tinh thần nàng có vẻ rất tốt, động tác cũng không có gì bất tiện thì không khỏi cảm thấy kinh ngạc. 

Đúng là lạ thay. Tấn vương đã vài ba ngày không đặt chân đến đây, tối qua ở lại nhưng không hề chạm vào nương tử.

Sau khi dùng xong bữa sáng, Chu Nhị nương đến vấn an và nói lời tạm biệt nàng. Bà nói rằng từ sáng Tấn vương đã hạ lệnh, trưa mai sẽ phái người đến đón nàng hồi phủ.

“Nương tử hãy nghe ta khuyên. Tấn vương đối với người thực lòng có mấy phần chân tình. Chuyện cũng đã rồi, sao không người không thử sống những ngày tháng bình đạm cùng Tấn vương?” 

Chu Nhị nương vừa nói vừa không quên lén nhìn sắc mặt của Thi Yến Vi, thấy nàng từ đầu đến cuối bình chân như vại, gương mặt bình tĩnh không đổi sắc, lúc này bà mới nói tiếp:

“Hôm nương tử sốt cao không tỉnh, Tấn vương đã một thân một mình, vất vả chăm sóc người cả ngày lẫn đêm. Trước khi nương tử tỉnh lại, ngài cũng không dám giãn mày…”

Đúng. Tống Hành chăm sóc nàng khi nàng bị bệnh. Nhưng người khiến nàng bị bệnh, chẳng phải cũng là hắn đó sao? Lẽ nào sau khi làm sai, chỉ cần giả vờ bỏ chút công sức thì liền có thể xóa hết những tổn thương mà hắn đã gây ra?

Nàng hiểu Chu Nhị nương đang đứng trên góc nhìn của một nữ nhân cổ đại để khuyên nhủ mình, nhưng nàng không phải người của thời đại này, càng không tán thành những luật lệ xã hội ở nơi đây. Đối với nàng, quyền tự do và sự bình đẳng trong nhân cách còn quan trọng hơn cả sinh mệnh. Nàng không thể vì một cuộc sống yên ổn mà Chu Nhị nương nói đến để từ bỏ tất cả, sau đó trở thành một con chim hoàng yến bị nhốt trong lồng?

“Chuyện giữa ta và Tấn vương, trong lòng ta tự có tính toán, đâu cần a di phải nhọc lòng.” Thi Yến Vi đáp xong, thực sự không muốn nghe thêm bất kỳ điều gì về Tống Hành nữa, liền lạnh mặt ra lệnh tiễn khách.

Không khó để Chu Nhị nương có thể đoán ra, dù bà có chân thành đến mấy đi nữa, thì những lời khuyên nhủ này nàng nửa chữ cũng không nghe lọt. 

Vị tiểu nương tử này quả là cứng đầu cứng cổ, tương lai thể nào cũng ầm ĩ với Tấn vương đến gà bay chó sủa. Chu Nhị nương thầm cảm thán trong lòng, lặng lẽ đứng dậy bỏ đi.

Tống phủ.

Vừa qua giờ Dậu nhị khắc, bầu trời phía tây đã nhuốm màu đỏ rực đầy mê hoặc.

Tống Dật cưỡi ngựa về phủ, vừa xuống ngựa thì giao tiểu tư dắt vào chuồng. Hắn sải bước nhanh vào phủ, đi thẳng đến viện của Tổ Giang Lan.

Lúc đó, Tổ Giang Lan cùng nhũ mẫu vừa mới dỗ hài tử ngủ xong, đang sai người chuẩn bị bày thiện.

Tổ Giang Lan vừa ngồi xuống chưa được bao lâu, cũng chưa kịp động đũa thì đã thấy Tống Duật bước vào, nàng nhoẻn cười, dịu dàng gọi hắn dùng bữa.

Tỳ nữ nhanh nhẹn mang thêm bát đũa đến, nhưng Tống Duật có vẻ mất tập trung, chỉ nhận lấy rồi hạ giọng bảo người lui ra ngoài. 

Tổ Giang Lan nhìn thấy hắn dạo gần đây có vẻ nhiều tâm sự, không kìm được liếc mắt về phía hắn, ôn tồn hỏi:

“Tam lang à, dạo này trông chàng có vẻ nặng lòng, chẳng hay ở Văn Thủy đã gặp phải chuyện gì sao?”

Tống Duật thấy nghe nàng chủ động nhắc tới chuyện này, liền hỏi: “Thập Nhất còn nhớ ta đi Văn Thủy vì chuyện gì không?”

Đến lúc này rồi mà hắn vẫn không vòng vo trước để đánh đố nàng. 

Nghe đến đây, Tổ Giang Lan cũng cảm thấy có chút sốt ruột, nàng cắn môi đặt đũa xuống, trong lòng không khỏi bồn chồn, cơm canh trước mắt nhưng cũng chẳng còn hứng thú để ăn, khẽ ho một tiếng rồi ngồi thẳng người dậy, nghiêm mặt nói: “Phu quân đừng có nói giỡn với ta nữa, chàng mau nói rõ xem ở Văn Thủy đã gặp phải chuyện gì.”

Tống Duật thấy nàng nhíu mày, mới ngừng ý định trêu chọc: “Thập Nhất thông minh lắm, chuyến này ta đi Văn Thủy tế bái Dương lang quân, quả nhiên đã thấy chuyện lạ.”

Tổ Giang Lan nghe đến đây, lòng càng thêm hiếu kỳ, đôi mắt hạnh tròn xoe chăm chú nhìn, ra hiệu để hắn mau kể tiếp.

Tống Dật không muốn để nàng biết về những khúc mắc giữa Tống Hành và Dương Sở Âm vì điều đó sẽ chỉ khiến nàng lo lắng vô ích thêm, lưỡng lự một lúc rồi mới nói một cách nửa đùa nửa thật: “Từ khi Dương nương tử rời Văn Thủy đến Trường An đến nay thì đều bặt vô âm tích. Thế nhưng, lần này khi ta đến mộ phần của mẹ và anh nàng tế bái thì lại phát hiện ra từng có người đến tế cách đó không lâu. Hoa quả để trên dĩa gốm chỉ hơi khô héo chứ chưa hề thối rữa. Ngoài ra, còn có hơn mười cây bách, biểu trưng cho tái sinh và luân hồi, được trồng bao quanh phần mộ.”

Tổ Giang Lan im lặng lắng nghe hắn nói xong, cũng cảm thấy kỳ lạ, đôi mày liễu càng nhíu sâu thêm, nàng hỏi lại:

“Chẳng lẽ là Dương nương tử thấy nhớ quê hương, nên mới tự mình từ Trường An quay về Văn Thủy rồi?”

Hẳn là lúc này nàng ấy vẫn đang bị Nhị huynh giam cầm trong phủ đệ ở thành Lạc Dương, chẳng nhẽ lại có cơ hội quay về Văn Thủy để tế bái mẫu thân và huynh trưởng.

Tống Duật khẽ lắc đầu, lập tức phủ nhận: “Không thể nào, ta đã đến thăm tiểu viện mà Dương nương tử từng ở trước khi rời Văn Thủy, cũng đã hỏi thăm hàng xóm láng giềng nhưng không một ai thấy nàng quay về.”

Trên đời này, ngoài hắn và Dương nương tử ra, liệu còn ai quan tâm đến nơi an táng Dương Duyên nữa? Huống hồ lại còn cất công đến để tế bái.

Phải chăng là Nhị huynh đã sai người đến tế bái? Tống Duật cũng từng không ít lần suy đoán như vậy, nhưng lại nghĩ với tính cách không tin quỷ thần và báo ứng âm ty của Nhị huynh, có thể tham gia tế tổ hằng năm của gia tộc đã là việc khó tin rồi. Huống hồ, ngôi mộ của Dương Duyên cùng mẫu thân của huynh đệ bọn họ nằm ở nơi không dễ miêu tả chỉ bằng lời nói, nhất định phải có người dẫn đường. Nhị huynh sao lại có thể vì Dương nương tử mà bỏ công bỏ sức quay về Văn Thủy?

Nghĩ kỹ thêm, cho dù Nhị huynh thực sự có ý ấy, hẳn đã sai người đến mời hắn cùng đi Văn Thủy để dẫn đường, nhằm tiết kiệm nhân lực và thời gian hơn mới phải. 

Tống Duật đưa những ngón tay thon dài lên đỡ trán, suy nghĩ mãi vẫn không sao hiểu nổi, không thể đoán ra rốt cuộc là ai làm chuyện này.

Tổ Giang Lam trong lòng cũng cảm thấy sự việc có điều bất thường, nhưng nghĩ mãi vẫn không đoán được nguyên do.

Hai vợ chồng trầm mặc nhìn nhau, một lát sau, chợt có tiếng khóc của trẻ con vang lên cắt đứt dòng suy nghĩ của hai người, buộc cả hai phải đi về phía đó. 

Nhũ mẫu cũng đã nghe thấy động tĩnh, trước khi hai người đến thì bà đã ôm ấp đứa bé mấy tháng tuổi, nựng trong lòng.

Ngày hôm sau, còn chưa đến giờ Ngọ, Phùng Quý đã dẫn người đến đợi ngoài cửa hông của giáo phường.

Ngoài trời nắng gắt dữ dội, quản sự chu đáo, sợ cảnh say nắng liền mời họ vào đình nghỉ trong giáo phường để uống trà. Phùng Quý hiểu lòng người dưới, gật đầu đồng ý.

Thi Yến Vi không có nhiều đồ đạc cần mang về, chỉ cần chỉnh trang, tay trái cầm chiếc ô dầu vẽ mẫu đơn để che nắng, tay phải phe phẩy quạt tròn.

Phùng Quý tinh mắt, từ xa đã thấy nàng bước tới, liền đứng dậy đi ra trước bậc thềm, phất tay ra hiệu cho những người còn lại trong đình nhanh chóng tiến lại phía mình.

Mọi người nhìn thấy, liền vội vàng đặt chén trà xuống, theo chân Phùng Quý đồng loạt cung kính cúi người, chắp tay hành lễ: “Nương tử vạn phúc.”

Thi Yến Vi bất ngờ bị nhóm người này chặn đường thì không khỏi giật mình, định thần nhìn kỹ thì thấy người dẫn đầu là người Tống Hành vẫn quen dùng, Phùng Quý, thế là cũng thoáng dừng bước, phất tay bảo mọi người không cần đa lễ.

“Đã lâu không gặp, lang quân vẫn khỏe mạnh đấy chứ?” Thi Yến Vi hờ hững quét mắt qua nhìn hắn, giọng điệu bình thản. 

Phùng Quý nghe xong gật đầu liên hồi, hỏi han thêm một vài câu xã giao rồi dẫn theo đám người, đi theo sau nàng. Đợi nàng ngồi vững trong xe, hắn mới lệnh cho xa phu thúc ngựa khởi hành. 

Dưới sự điều khiển của xa phu, hai con ngựa cao lớn kéo chiếc xe chạy về phủ đệ của Tống Hành.

Phủ đệ trước mắt tuy bề thế bằng Tống phủ, nhưng vì chỉ có hai vị chủ nhân là nàng và Tống Hành nên thoạt nhìn cũng khá trống trải.

Thi Yến Vi được người hầu dẫn tới khu viện gần với chính phòng của Tống Hành, vừa bước chân vào cổng nàng đã thấy hàng tỳ nữ và lão bộc bước xuống hành lang, đồng loạt tiến ra nghênh đón, cảnh tượng này so với lúc nàng ở biệt viện hành sơn thì rõ là khí thế hơn nhiều. 

Đứng giữa nhóm người hầu đó là Thương Lục và Lưu mụ.

Thương Lục vốn là người hầu ở viện Tống Hành, Thi Yến Vi cũng đã gặp nàng vài lần, chỉ thấy tuy nàng ít nói nhưng cũng không phải hạng trì độn như khúc gỗ, dáng vẻ đoan trang, hành xử đúng mực, nhìn qua cũng thấy nàng là một nữ lang có tính cách trầm ổn, thận trọng.

Thảo nào có thể ở lại Thối Hàn Cư hầu hạ suốt bao năm, hẳn Tống Hành ít nhiều cũng hài lòng và công nhận năng lực làm việc của nàng ta.

Lưu mụ là người Thi Yến Vi đã tiếp xúc vài tháng khi ở biệt viện hành sơn. Dù bà là người khéo léo, tinh tế trong cách đối nhân xử thế, nhưng đối với nàng lại có chút thật lòng, không bao giờ ỷ vào tuổi tác hay kinh nghiệm để làm khó các tỳ nữ, tiểu tư trẻ tuổi hơn, đó cũng là người có lòng nhân từ. 

Thi Yến Vi lễ phép chào hỏi từng người, hỏi Phùng Quý có thể bảo phòng tài vụ chi ra một ít bạc để thưởng cho bọn họ không. 

Phùng Quý chợt nghĩ nếu chỉ thưởng thôi thì cũng đã đành, nhưng đã khi nào nàng lấy một ít tiền lẻ ra thưởng đâu. Lần nào thưởng cũng là từng quan bạc, tính ra chỉ mới đi làm ngày đầu tiên mà mỗi người trong nhóm nô bộc đều được thưởng số bạc tương đương với số tiền tiêu vặt mà một tỳ nữ nhất đẳng hầu hạ chủ tử nhận được mỗi tháng. 

Nhớ lại chuyện xảy ra năm ngoái ở thành Trường An, Dương nương tử chỉ cần dùng đến dăm ba lời ngon tiếng ngọt là đã khiến gia chủ đích thân sai phái hắn đến Vạn Bảo Trai mua một tráp trang sức thượng hạng để tặng nàng. Kết quả là nàng chưa kịp đeo được mấy hôm thì đã bỏ lại gia chủ, một mình chạy trốn. 

Giờ lại thấy nàng hào phóng thưởng liền một lúc mười quan tiền như vậy, Phùng Quý không khỏi thở dài: Dương nương tử đúng là dùng tiền của gia chủ mà không thèm chớp mắt.

Gia chủ của hắn, từ ông nội đến phụ thân đều bị thuộc hạ phản bội mà qua đời, thế nên Tống Hành từ nhỏ đã rất căm ghét những kẻ phản trắc. Không ngờ lần này riêng với Dương nương tử, ngài lại có thể dễ dàng bỏ qua, thậm chí còn yêu thương nàng nhiều hơn gấp bội. Nhìn khắp trong viện, từ giường tủ đến từng cọng cây ngọn cỏ… có thứ nào lại không quý hiếm, dù có tiền cũng chưa chắc đã có được.

Chẳng hạn như trong vườn trồng toàn những giống mẫu đơn vô cùng quý giá, có Bạch Tuyết Tháp trắng muốt như ngọc, Nhị Kiều với sắc hoa hai màu, và cả Diêu Hoàng hình dáng như vương miện… đều là loại vô giá, khó mà tìm được.

Nhìn lại những thứ mà gia chủ dùng, từ quần áo cho đến vật dụng thường ngày đều đơn giản hơn nhiều, y phục trên người cũng chỉ có vài bộ thay phiên nhau mặc, đồ đạc thì mộc mạc đến mức chỉ toàn đồ gỗ, trên án thư và giá sách không đặt thứ gì quá xa hoa, chỉ có vài cuốn sách cổ và các bản chép tay cũ kỹ.

Thi Yến Vi nhẹ nhàng vén tà váy lụa bước lên bậc thềm, vào đến phòng, nàng thấy căn phòng này thật giống với nơi nàng từng ở trong Tống phủ, chỉ khác là nội thất và các vật dụng trong phòng đều có giá trị đắt đỏ hơn rất nhiều.

Trên chiếc bàn nhỏ bằng gỗ tử đàn, đặt một bộ ấm trà men ngọc, lóng lánh xanh biếc. Miệng chén trà có năm cánh, hơi xoè nhẹ ra ngoài, giống như một đóa sen thanh khiết đang nở rộ đón gió.

Chỉ nhìn thoáng qua, Thi Yến Vi đã thấy bộ trà cụ này cực kỳ bắt mắt, còn chưa kịp lại gần ngắm nghía thì Phùng Quý đã cất lớn giọng từ bên ngoài: “Bộ trà cụ này là loại gốm men ngọc của lò gốm Việt Diêu, ngay cả tiểu nương tử cũng chưa chắc đã có một bộ đầy đủ như thế.”

Những lời này cũng không ngoài mục đích khoe khéo sự giàu có của Tống Hành, giúp hắn giành được hảo cảm. 

Thi Yến Vi im lặng không đáp, chỉ khẽ quan sát xung quanh, thế rồi nàng lại nhìn thấy chiếc chậu bạc mạ vàng đựng đá băng, liền ngồi xuống chiếc trường kỷ, định gọi người mang đến một chậu gỗ khác. Phùng Quý đứng ngoài cửa thì đang quay về cổng viện vẫy tay, có vẻ đang gọi ai đó đến.

Chỉ khi người ấy bước đến dưới hành lang, Thi Yến Vi mới nhìn rõ nữ tử đang cúi đầu ôm một con mèo vào lòng, đó chính là Luyện Nhi, người từng giúp nàng không ít lần ở biệt viện hành sơn.

Luyện Nhi ôm con mèo đến trước mặt nàng, cúi người hành lễ, nhẹ giọng giải thích: “Con mèo này còn nhỏ nhưng rất tinh nghịch, nhân lúc nô tỳ đi rót trà, nó đã tự chạy ra ngoài, khiến nô tỳ phải tìm mãi mới thấy; khi nãy không kịp ra đón nương tử, mong nương tử lượng thứ.”

Con mèo trong lòng Luyện Nhi là cùng một giống với con mèo của Tống Thanh Hòa, nhưng mà nhỏ hơn rất nhiều, chắc cũng chỉ khoảng nửa tuổi.

“Con mèo Đại Thực quốc này là do gia chủ đặc biệt sai nô tìm về cho Dương nương tử, đúng lúc gặp lão thái quân bên Hầu phủ, nô mới may mắn lấy được con này. ”

Thi Yến Vi nhìn con mèo tuyết trắng, lông xù mềm mại, trong khoảnh khắc nàng nghĩ đến những câu chuyện hài hước về việc chia tay rồi trộm mèo trên mạng.

Nàng nhất định phải rời đi, sao có thể mang theo một con mèo, nhất là một con mèo Ba Tư quá quý giá, quá phô trương, nhìn nó có khác gì một tấm biển chỉ đường di động không kia chứ?

Lúc đó, Thi Yến Vi chỉ có một suy nghĩ duy nhất, nàng sợ mình không đành lòng nên không dám nhìn đến con mèo, nói dối: “Ta không thích con mèo này, phiền Phùng lang quân trả lại cho Hầu phủ.”

Phùng Quý cười khổ, mau miệng đối phó: “Chuyện này nô đã bẩm báo với Tấn vương, đã nhận ân tình của Hầu phủ, sao có thể nói trả là trả được; nương tử muốn trả, cũng phải xem Hầu phủ có đồng ý hay không? Chuyện này rốt cuộc xử trí ra sao, đợi Tấn Vương về, nương tử tự mình nói với Tấn vương, xin đừng làm khó nô tài.”

Thi Yến Vi không còn cách nào, đành bảo Luyện Nhi trước hết ôm mèo ra ngoài cùng với Phùng Quý, tạm thời gác lại chuyện này. Sau đó, nàng bảo Lưu mụ đi tìm một chậu gỗ bình thường khác thay thế. 

Trong phủ mọi thứ đều đầy đủ, sau chưa đầy một khắc, Lưu mụ đã mang đến một chiếc chậu gỗ vừa phải theo đúng ý nàng.

Thi Yến Vi viện cớ sáng nay nàng phải dậy sớm, lại ngồi xe ngựa xóc nảy, hiện giờ cảm thấy mệt mỏi, muốn ngủ để lấy lại tinh thần, nói xong liền đuổi hết tỳ nữ bà mụ đang đứng trong phòng ra ngoài.

Lưu mụ cung kính đáp lời, dẫn người lui ra ngoài, khép cửa lại rồi đích thân đi tìm quản sự để bàn bạc những chuyện trong phủ.

Đợi tất cả đã đi xa, Thi Yến Vi đổ hết đá lạnh vào chậu, cởi giày vớ, cắn răng nhúng chân vào. Cảm giác lạnh buốt từ lòng bàn chân ngấm vào máu thịt, khiến nàng hít một hơi lạnh rồi rên nhẹ thành tiếng.

Chập choạng tối, Tống Hành cưỡi ngựa về phủ.

Lúc này Thi Yến Vi đã ăn tối xong nên đang tản bộ trong vườn để tiêu thực. Luyện Nhi vô cùng hăng hái với công việc mới, ôm con mèo nhỏ đến để nàng giải khuây.

Con mèo vẫn đang còn nhỏ, chỉ là một cục lông trắng muốt, đôi mắt xanh biếc tròn xoe, đúng vào độ đáng yêu nhất, Thi Yến Vi kiềm chế không dám vươn tay vuốt ve nó. Nàng làm như không thấy, điềm nhiên nâng chén trà lên nhấp từng ngụm nhỏ.

Tống Hành đến mà không báo trước, nhẹ nhàng đẩy cửa bước vào. Điều ngoài dự đoán của hắn là vị nữ lang đang ngồi đoan chính trước mặt tỳ nữ, dường như con mèo nhỏ ấy cũng chẳng thể thu hút sự chú ý từ nàng. 

“Nơi này tạm thời không cần ngươi hầu hạ, lui xuống đi.” Ánh mắt thâm thúy của Tống Hành thoáng lướt qua Luyện Nhi rồi hoàn toàn dán lên người Thi Yến Vi. 

May mà nàng có vẻ khá thích chén trà này. 

Tống Hành ba bước gộp thành hai bước, lấy chén trà khỏi tay Thi Yến Vi, vì sợ làm vỡ chén trà mà nàng yêu thích nên lại cẩn thận đặt ngay ngắn vào đĩa.

Thi Yến Vi mở miệng, định hỏi hắn làm gì mà lấy chén trà của nàng, nhưng chưa kịp nói gì, Tống Hành đã bất ngờ cúi xuống, đỡ eo nhấc nàng đứng trên giường La Hán.

Nháy mắt đã cao đến tầm mắt hắn, Thi Yến Vi cũng thấy không quen, vùng vẫy muốn thoát ra khỏi vòng tay hắn để ngồi xuống.

Dĩ nhiên Tống Hành sẽ không để nàng được như ý nguyện, đứng bên giường hơi cúi đầu, ôm lấy eo nàng và hôn lên môi nàng.

Dù khoảng cách chiều cao giữa hai người đã được rút ngắn nhờ có giường La Hán, lúc Thi Yến Vi buộc phải hôn hắn, nàng không cần dán sát vào hắn hay nhón cao chân để ngẩng đầu nữa, chỉ cần hơi ngẩng cằm lên. Tư thế này quả thực giúp phần cổ nàng dễ chịu hơn ít nhiều. 

Không biết từ lúc nào, hắn đã càng lúc càng không thể rời xa nàng. Hắn muốn dành cho nàng tất cả những điều tốt đẹp nhất trên thế gian: lụa là gấm vóc, bảo mã hương xa, vàng bạc châu báu, mâm vàng chén bạc, cao lương mỹ vị… vì chỉ những thứ đó mới xứng với nàng.

Hắn nghĩ, có lẽ nàng không phải người phàm mà là tiên nữ giáng trần từ Cửu Trùng Thiên.

Hắn đã dùng thủ đoạn không mấy vẻ vang, lén giấu đôi cánh của nàng, khiến nàng không còn cách nào quay về tiên giới…

Hắn mang tội lớn lắm sao? Có lẽ. Nhưng hắn không hối hận.

Hắn muốn mãi mãi được ở bên nàng.

Tống Hành ôm nàng trong tay, thật lòng tán thưởng: “Nương tử thật đẹp, quả thực nhìn thế nào cũng không đủ.”

Thi Yến Vi ngày càng không hiểu nổi sự thay đổi của hắn trong thời gian gần đây, chỉ cảm thấy đầu óc hắn đang có vấn đề ở đâu đó. Về phủ chẳng lo chính sự, cũng không chịu nghỉ ngơi, lại như cái bao chứa lời, suốt ngày rỉ rả với con chim hoàng yến bị giam trong lồng là nàng.

“Chuyện đêm hôm đó ta đã nói cùng nương tử, nương tử suy nghĩ thế nào rồi? Có bằng lòng tự tay may cho ta một bộ áo lót không? Sau này, mỗi lần ta chinh chiến nơi xa còn phải dựa vào nó để sống qua ngày, tựa như nương tử vẫn ở bên cạnh ta, cũng khiến ta có một thứ để mong nhớ.”

Người này đúng là mặt dày vô liêm sỉ, lại còn dám mở miệng đòi nàng làm đồ cho hắn.

Thế nhưng, điều kiện mà hắn đưa ra nghe thật hấp dẫn. 

Thi Yến Vi nghiến chặt răng, từ từ thốt ra mấy chữ: “Ta muốn học cưỡi ngựa.”

Nghe vậy, Tống Hành gần như ngay lập tức đoán được suy tính trong đầu nàng. Hắn trầm ngâm giây lát rồi khẽ bật cười, môi mỏng khẽ mở như đang “làm phước” mà nhắc nhở nàng rằng: “Nương tử nghĩ rằng học cưỡi ngựa là có thể thoát khỏi ta được sao. Giờ cả Lạc Dương đều nằm trong tay ta, nàng nên sớm từ bỏ ý định này đi.”

Bị hắn nói trúng tim đen khiến trái tim Thi Yến Vi không khỏi giật nảy lên, nàng cố làm ra vẻ trấn định, không để lộ ra nửa phần chột dạ, đôi mắt đào hoa long lanh ngập nước cũng rũ xuống, giả vờ tủi thân.

“Nếu Tấn vương đã băn khoăn nhiều thế thì hà tất phải nói những lời đó làm gì? Chi bằng sớm phong kín cửa viện của ta lại, cử một đám người canh giữ ngày đêm, để mọi hành động lời nói của ta đều trong tầm kiểm soát của ngài. Với lại không chỉ riêng nam lang mà ngay cả nữ lang cũng có nhiều người tinh thông cưỡi ngựa, giỏi đánh mã cầu. Nhị nương cũng từng nói muốn dạy ta cưỡi ngựa, chơi mã cầu, nếu không phải vì ngài, ta đâu cần phải rời khỏi Tống gia? Giờ nghĩ lại, nếu không có gì xảy ra thì hẳn Nhị nương đã dạy ta thành thạo từ lâu rồi, đâu đến nỗi kéo dài đến tận bây giờ. Ta chỉ muốn lúc nhàn rỗi ra ngoài cưỡi ngựa, đánh mã cầu giải khuây, nhưng Tấn vương lại nghi ngờ ta có tâm tư khó lường, mục đích không trong sáng.”

Nói xong, nàng làm như muốn cầm khăn che mặt khóc.

Tống Hành nhìn thấy dáng vẻ buồn khổ của nàng, lòng chợt dấy lên chút hối hận mơ hồ. 

Liền lập tức ôm nàng chặt hơn, rũ mắt kiên nhẫn dỗ dành nàng: “Là lỗi của ta, không nên vô cớ nghi ngờ nàng. Từ nay về sau sẽ không có chuyện đó nữa, nàng cứ cắn ta để trút giận có được không?”

Ai lại muốn cắn hắn chứ, hắn da dày thịt chắc không sợ đau nhưng nàng thì sợ ê răng. Huống chi trời bên ngoài đang nóng thế này, chẳng mấy chốc người sẽ toàn mồ hôi, nghĩ đến thôi đã thấy mùi mặn thúi. 

Thi Yến Vi giãy dụa muốn đứng dậy khỏi người hắn, không ngờ Tống Hành đã cởi nửa áo để lộ bờ vai rộng vững chắc, kéo nàng trở lại trong vòng tay.

Dạo gần đây, người này thường vô cớ “xòe đuôi” trước mặt nàng.

Thi Yến Vi nhận ra tình cảm mà hắn dần cho nàng có lẽ đã âm thầm thay đổi, không phải tình yêu mà giống kiểu tình cảm dành cho thú cưng. Tống Hành là kiểu người “thích mềm không thích cứng”, nếu thi thoảng nàng tỏ ra nhõng nhẽo, hắn có thể sẽ thấy khá thú vị. Nhưng nếu nàng thực sự chạm đến quyền uy và ranh giới cuối cùng của hắn, nhất định hắn sẽ trở mặt ngay.

Đang suy nghĩ miên man, Tống Hành cầm lấy bàn tay nhỏ nhắn của nàng đặt lên vai mình, nhìn nàng một cách mê mẩn: “Nếu nương tử không nỡ cắn ta, vậy dùng sức cấu ta có được không?”

Thì Yến Vi chưa từng thấy Tống Hành trong bộ dạng ngớ ngẩn thế này, nghi ngờ có khi nào hắn vừa bị cửa kẹp trúng đầu hay không. Nàng làm ra vẻ nghiêm nghị, lạnh nhạt nói: “Ta sợ đau tay, không muốn cấu. Ta nóng, ngài thả ta xuống, ta muốn lấy quạt.”

Tống Hành nghe ra sự chán ghét trong lời nàng, chỉ cho rằng vì người hắn đầy mồ hôi nên nàng mới không muốn gần gũi hắn. 

“Ta đi tắm đây, nương tử kiên nhẫn chờ ta một chút.” Nói xong, Tống Hành đặt nàng trở lại giường La Hán, nhanh chóng bước ra khỏi phòng. Một khắc sau, hắn trở lại.

Trung y trên người hắn thùng thình, không biết là do bất cẩn mặc sai hay cố ý để lỏng mà phần ngực vạm vỡ tráng kiện bỗng lộ ra, vừa nhìn thôi mà đã thấy kinh hãi. 

Thi Yến Vi làm bộ như không thấy, lái sang chuyện khác, “Ta không thích con mèo đó, Tấn vương có thể trả nó về chỗ cũ không?”

Tống Hành ung dung thắt lại dây áo, cúi mắt nhìn nàng, thản nhiên đáp: “Bên người ta toàn là võ tướng thô kệch, hơi đâu mà chăm sóc cho một con mèo. Nếu nương tử không thích nó thì cứ bảo người ném nó lên núi, để nó tự sinh tự diệt. Nàng cũng biết, chỉ khi nàng yêu thích và chấp nhận nó thì nó mới có chỗ đứng trong phủ này. Nếu không thể khiến nàng vui, giữ nó lại để làm gì? Ta không có tấm lòng Bồ Tát như nàng đâu, Dương Quan Âm ạ.”

Mặc dù Tống Hành cũng chẳng có ý gì khi nói những lời này, nhưng lọt vào tai Thì Yến Vi lại hóa thành những lời ám chỉ. Hoàn cảnh hiện tại của nàng cũng chẳng khác gì con thú cưng mà hắn nuôi bên cạnh. Chỉ khi được hắn yêu chiều thì nàng mới có tư cách ở lại đây, bằng không, nếu có một ngày hắn không còn thích nàng nữa, nàng sẽ giống như chiếc giày rách bị bỏ đi, hoặc đưa đến nơi một hoang vắng tự sinh tự điệt, hoặc tệ hơn, hắn có thể trực tiếp lấy mạng nàng, sau đó vứt xác vào bãi tha ma cũng không chừng.

Thấy nàng trầm mặc, sắc mặt đượm vẻ suy tư, Tống Hành mới chợt nhận ra lời nói của mình có phần dễ gây hiểu lầm, không khỏi tự trách vì đã lỡ lời, đổi thành giọng mềm mỏng để trấn an: “Ta không có ý đó, nương tử đừng nên nghĩ nhiều, ta không thể rời xa nàng, sao có thể đánh đồng nàng với con mèo kia được?”

“Có gì khác sao?” Thị Yến Vi khẽ thốt lên, dường như đang hỏi hắn, mà cũng như đang tự hỏi chính mình.

Rốt cuộc thì có gì khác biệt? Tống Hành cũng tự hỏi trong lòng. Là thứ tình cảm nam nữ sao? Hắn không cho phép bản thân có thứ tình cảm đó. Hắn có thể nuông chiều nàng, có thể dung túng nàng, nhưng tuyệt đối không thể yêu nàng, càng không thể để tình cảm này trở thành gánh nặng hay điểm yếu.

Đó là thứ cảm xúc vô vị mà chỉ có những kẻ tầm thường mới theo đuổi, còn hắn, tuyệt đối không. 

Tống Hành trầm ngâm một lúc, rốt cuộc vẫn hạ quyết tâm, cứng rắn nói: “Con mèo kia ở hay đi, hoàn toàn do nương tử quyết định. Nếu nàng không muốn giữ lại, ngày mai ta sẽ bảo Phùng Quý thả nó vào núi hoang. Mà nếu không còn mèo cần phải chăm sóc nữa thì tỳ nữ nàng thích cũng không cần thiết phải ở lại nữa. Ta sẽ sai người đưa nàng ta về Thái Nguyên.”

Từ khi ra đời con mèo nhỏ kia đã được người ta nuôi dưỡng, giờ mới được có mấy tháng tuổi, nếu bị thả về tự nhiên, không quá vài ngày nó sẽ thành mồi ngon cho dã thú. 

Hơn nữa, trong số những tỳ nữ bà mụ hầu hạ ở nơi này, ngoại từ Lưu mụ ra, nàng căn bản không quen biết ai, bên cạnh cũng chẳng có người để trò chuyện. Chỉ có Luyện Nhi là có thể cùng nàng trò chuyện phiếm vài ba câu, chưa kể còn từng giúp nàng thay hoa trong bồn hoa dưới cửa sổ.

Đôi mắt Thi Yến Vi hơi đỏ lên, hai bàn tay nhỏ nắm chặt thành nắm đấm, nghĩ đi nghĩ lại vẫn không thể nào nhẫn tâm được, chỉ còn cách thỏa hiệp với hắn, nhỏ nhẹ nói: “Không được, đừng vứt nó đi, để Luyện Nhi ở lại chăm sóc nó.”

Tống Hành nghe được câu trả lời khiến hắn hài lòng, sắc mặt mới dần hòa hoãn. Hắn liền bước nhanh tới ngồi xuống bên cạnh nàng rồi ôm lấy nàng.

Thân hình mềm mại, mảnh mai như ngọc của nữ lang nằm trong lòng hắn trở nên nhỏ bé vô cùng, cuộn lại thành một nhúm nho nhỏ. Bàn tay to lớn của Tống Hành vuốt ve gò má trắng mịn hơi ửng hồng của nàng, cười khẽ: “Vừa rồi vẫn ổn lắm mà, sao giờ mắt lại đỏ lên thế này? Chẳng lẽ trong lòng không thoải mái? Ta xoa ngực cho nương tử nhé, chịu không?”

Thì Yến Vi hất tay hắn ra, tức giận đấm vào ngực hắn một cái, rồi bất ngờ vùi đầu vào cánh tay hắn cắn mạnh xuống.

Nước mắt làm thấm ướt y phục, nhìn nàng lúc này chẳng khác nào con thỏ nhỏ bị chọc tức, trong lòng Tống Hành lại dấy lên cảm giác ấm ức khó hiểu, nhưng vẫn thả lỏng cánh tay để mặc nàng cắn. 

“Ta còn tưởng là nàng thích con mèo Đạp Vân của Nhị nương nên mới muốn tìm về cho nàng. Không chỉ bỏ ra nhiều bạc cho Hầu phủ, mà còn nợ thêm một món nhân tình. Nào ngờ lại chỉ đổi được sự oán trách từ nàng, giống như công dã tràng dùng giỏ tre múc nước, đúng là vô vị thật đấy.”

Tống Hành vừa dứt lời, trong phòng lại lặng đi một lúc. Hắn nhẹ nhàng vuốt mái tóc đen nhánh của nàng, biết rằng nàng vẫn còn đang giận, nên chỉ nhỏ nhẹ dỗ dành.

Đêm đó, Thi Yến Vi không biết mình đã ngủ từ lúc nào, lúc tỉnh dậy thì Tống Hành đã ở trong viện luyện kiếm.

Dù cơ thể nóng bức đến khó chịu nhưng vì trong viện chỉ có nữ lang hầu hạ, hắn không còn cách nào khác, vẫn phải vận y phục chỉnh tề. 

Hôm nay, Tống Hành có ý dành nhiều thời gian hơn để ở bên nàng, vốn định sai người mang sổ con đến thư phòng của quý phủ xử lý, nhưng khi hắn vừa ăn sáng với Thi Yến Vi xong thì đã có tiểu tư đến báo, nói là Từ tham quân đang cầu kiến ngoài phủ. 

Giữa trưa, tại nha phủ của thành Lạc Dương, trong phòng nghị sự, văn võ bá quan từ tam phẩm trở lên đã tề tựu đông đủ.

Trình Diễm tuổi gần ba mươi, đầu đội khăn vấn, thân vận một chiếc áo dài viên lĩnh lụa mỏng màu xanh lục, cầm quạt lông vũ đứng bên cạnh Tống Hành phe phẩy, thong thả nói: “Đúng như Tiết soái dự đoán, gần đây Tiết độ sứ Hồ Nam đã kết thành đồng minh với Tiết độ sứ Tuyên Di và Tiết độ sứ Trấn Hải, dự định thông đồng với Tiết độ sứ Giang Tây, cùng nhau thảo phạt Nam Ngụy.”

Tống Hành ngồi trên ghế thái sư, từ tốn nhấp một ngụm trà, lặng lẽ nghe Trình Diễm nói. Sau cùng, hắn mới mở lời: “Lần thảo phạt Nam Ngụy chỉ là chiêu trò che mắt. Toan tính của thực sự của bọn họ là những Tiết độ sứ trung thành với tiền triều vẫn còn đang đợi để ứng cứu. Sau khi tiêu diệt Nam Ngụy và đón Định Đào vương trở về sẽ dùng công cao trấn chủ, uy hiếp thiên tử, điều khiển chư hầu, chờ thời cơ chín muồi rồi đứng ra tự lập vương triều riêng, làm như vậy vừa có thể giảm bớt một kình địch mạnh như Nam Ngụy, vừa không phải mang tiếng phản nghịch.”

Nghe xong, mọi người đều gật đầu tán thành.

Trình Diễm trầm ngâm một lát, sau đó lại nói: “Nếu để Tiết độ sứ Hồ Nam được như ý nguyện, thâu tóm toàn bộ đất Nam Ngụy, điều này sẽ gây bất lợi lớn cho phương Bắc.”

Tống Hành đặt chén trà xuống, điềm nhiên đáp: “Lão tặc Giang Tiều tuy rằng lớn tuổi nhưng bên cạnh có không ít mưu sĩ, đương nhiên sẽ nhìn ra điểm này. Một khi tình thế cấp bách, để phá giải cục diện với tổn thất nhỏ nhất, lão chắc chắn sẽ nhắm đến Định Đào vương. Giờ chỉ còn thiếu mỗi mồi lửa cuối cùng, chúng ta phải ép bằng được hắn chấp nhận tiếng xấu ngàn đời nhưng vẫn phải dứt khoát xuống tay.”

Trình Diễm cúi mắt nhìn Tống Hành, thử thăm dò: “Ý của Tiết soái là giả vờ thuận theo nguyện vọng của tông thất và sĩ tộc trong kinh, xuất binh thảo phạt Nam Ngụy, cung nghênh Định Đào vương trở về?”

Hắn vừa dứt lời, trong phòng đã nổ ra tranh luận. Có võ tướng hùng hồn ủng hộ kế sách này, nhưng cũng có những văn thần bảo thủ phản đối, mỗi người ôm khư khư lý lẽ riêng của mình, không ai chịu ai.

Trong lúc các bên đang bế tắc, Tống Hành bỗng hắng giọng, lên tiếng trước: “Trình Tư mã thấy sao?”

Trình Diễm đứng dậy, hành quân lễ với Tống Hành, ánh mắt kiên định nói: “Ti hạ cho rằng nếu lợi nhiều hơn hại thì cứ thử một lần. Kế này tuy mạo hiểm, nếu thất bại sẽ đắc tội với tôn thất và sĩ tộc. Nhưng nếu thành công, Định Đào vương qua đời, tiền triều sẽ không còn huyết mạch để kế tục, Tiết soái tự lập sẽ là danh chính ngôn thuận. Hơn nữa, điều Tiết độ sứ Hồ Nam mong muốn cũng là khoác lên mình hoàng bào. Khi tiền triều hoàn toàn sụp đổ, hắn cũng có thể tự lập. Đến lúc đó, có hắn ở Lĩnh Nam kiềm chế Nam Ngụy, Tiết soái sẽ có thêm thời gian nhất thống phương Bắc, bình định đất Thục.”

Ngón tay trỏ của Tống Hành gõ nhẹ lên án thư bằng gỗ kê sí, chỉ trong khoảnh khắc, hắn đã có quyết định. Hắn quét mắt nhìn khắp một vòng, sau đó dõng dạc tuyên bố: “Giờ Thìn sáng mai, dẫn hai vạn binh Lạc Dương và một vạn quân Hà Đông tiến về Trường An. Vệ Tuấn lĩnh năm vạn binh trấn giữ Lạc Dương.”

Nghe vậy, Vệ Tuân vội vàng đứng dậy khỏi ghế, chắp tay nói: “Ti hạ tuân lệnh, quyết không nhục mệnh, sống chết cùng thành Lạc Dương.”

Tống Hành gật nhẹ đầu với hắn, những ai không còn việc gì thì được phép cáo lui, chỉ giữ lại Trình Diễm và Vệ Tuân dặn dò thêm một lúc. 

Tới giờ lên đèn, Tống Hành mới trở về, đi thẳng tới viện của Thi Yến Vi.

Vừa vào đến nơi, hắn đã thấy nữ lang đang mặc một bộ váy áo màu nhạt, mái tóc đen vấn thành búi ốc nằm nghiêng trên giường La Hán, dựa vào gối đầu, trong tay là một quyển sách dày vừa phải, chăm chú đọc.

Chỉ cần nhìn thấy nàng, tất cả những phiền não trong đầu đều tan biến, tinh thần khoan khoái hẳn ra, hắn chẳng nói chẳng rằng, bước đến giật quyển sách ra khỏi tay nàng, hùng hồn khẳng định: “Đọc sách vào ban đêm hại mắt lắm.”

Thi Yến Vi thấy hắn quản toàn những chuyện không đâu, trong lòng có chút khó chịu, nhanh nhảu phản bác: “Chẳng phải Tấn vương vẫn chong đèn làm việc ở thư phòng đó sao?”

Tống Hành kiên nhẫn trả lời: “Ta đang nắm quyền trong tay, sự vụ cần đến ta quá nhiều, có chong đèn làm việc cũng chỉ là vạn bất đắc dĩ.”

Thi Yến Vi còn định nói thêm gì đó, Tống Hành nhìn ra nàng có vẻ không phục, bèn ôm nàng vào lòng, nói trước nàng một bước. 

“Nương tử ngoan, sáng mai ta phải khởi hành đi Trường An để xử lý chính vụ, nhanh thì nửa tháng, chậm thì một tháng mới về được. Trong khoảng thời gian này, Vệ tướng quân sẽ ở lại trấn thủ Lạc Dương, Phùng Quý sẽ lo liệu mọi việc trong phủ. Ta đã để lại cho nàng những thị vệ tinh nhuệ nhất, chắc chắn đảm bảo an toàn cho nàng, bất kể là ai cũng không thể làm tổn thương nàng dù chỉ một sợi tóc. Nàng đừng lo lắng, cứ an tâm ở trong thành nghỉ ngơi.”

Tống Hành nói dông nói dài, nhưng Thi Yến Vi lại chỉ nghe lọt mỗi câu: “nhanh thì nửa tháng, chậm thì một tháng”…